Hồi ức Đỗ Trung Quân (kỳ 3)

Thời sắc tím…

Có một màu sắc theo vào trí nhớ tôi rất sớm nó nằm trong hoa nhưng không là hoa hồng, nó là thứ hoa nói… văn hoa là “dân dã” nói thẳng toẹt là thứ hoa nhà quê, nghèo nàn. Hoa rau muống, mùng tơi và hoa khế nhé!

Ruộng rau muống mênh mông trong xóm đạo An Lạc là nơi thằng nhóc thả diều buổi chiều. Cánh diều cao tít tắp là khát vọng đầu tiên dù rất mơ hồ, nó thường xé giấy cài vào sợi chỉ của cánh diều “gửi thư cho trời”, những lá thư tròn tròn lăn tăn theo đường dây lên tít tắp. Trời có nhận được không chỉ trời biết. Và cánh diều đứt dây, băng đi tít mù cũng là nỗi hoài nhớ, tiếc nuối, nỗi buồn đầu tiên cũng mơ hồ lắm. Là diều thì phải đứt dây, sau này nó sẽ hiểu điều tất nhiên ấy.

Ruộng rau muống mùa hoa…

Màu tím bát ngát…

Và giậu mùng tơi sau nhà. Thứ trái thằng bé thường hái bỏ vào lọ mực làm mực đi học, thứ mực ban đầu còn nhìn thấy tim tím khi viết chữ. Để khô nó lại bay hết màu tím. Trang giấy trắng lại có điểm bút đỏ của thầy bên lề như một trò đùa dai không viết bài, làm bài mà… có điểm. Mẹ xem tập vở thở dài “mày có đi học thật không mà tập vở trang nào cũng trắng bệch thế này. tiền mẹ cho mua mực đâu?”. Đành đứng gãi tai im lặng,chả lẽ trả lời “mua dế, mua bọ rùa, cánh cam rồi ạ!”. Bà lại móc túi cho tiền, nhưng đã có giậu mùng tơi sau nhà mua mực… phí cả tiền. Lại cá xiêm, cá phướn. Lêu lổng sướng nhất đời. Bà mẹ lo cơm áo nuôi con có phạt cũng chỉ một đôi lần, cũng chả roi vọt gì chỉ “quỳ quay mặt vào tường” là xong.

Quay mặt vào tường.

Sau lớn lên chút nữa mới biết có một người “diện bích“ như mình nhưng tôi “diện bích” chỉ vài giờ, chỉ thành một thứ chả có ích gì cho lắm: nhà thơ. Người kia “diện bích” 9 năm ròng. Khi đứng dậy, chiếc bóng kỳ vĩ ấy sẽ đổ dài xuống dòng triết học và võ học đông phương tên ngài là: Bồ đề đạt ma.

Tôi quỳ úp mặt vào tường, hình phạt nhàm chán vô cùng đành phải tìm trò chơi khác, phải tưởng tượng những vết loang ố của gió mưa trên tường, trên trần nhà thành những đám mây đủ hình thù con chim phượng, con trâu, con cá, con ngựa hay một gương mặt người có mái tóc trôi tận cuối chân trời. Những vết cứt gián, cứt sâu thành những nét cọ, dấu chấm điểm xuyết cho những hình họa tưởng tượng… Cứ quỳ, cứ quỳ rồi chìm hẳn vào một thế giới khác cho đến khi bà mẹ phát giác con mình đã quỳ quá lâu, hốt hoảng cho đứng dậy. Nó đứng dậy, phủi đầu gối rồi lại chân đất phóng vụt ra đường. Những viên bi đang chờ kẻ chơi ngoài ngõ. Tuổi thơ khốn khó, không! Chả có sự lêu lổng nào khốn khó một thằng nhóc tự do bay nhảy là kẻ sướng nhất trên đời…

Và màu hoa khế tím…

Cái giếng đào trong hẻm ngõ xài chung cho cả xóm. Ai đến trước kéo trước, ai đến sau cứ xếp thùng chờ đợi. Chả lúc nào ngoài giếng vắng người thì xếp thùng để đấy ra gốc khế nằm dài, móc trong túi quần con dế, rủ đứa nào có dế cũng chờ tới lượt “chơi không ? tao có dế hột xoài…”. ”Dế hột xoài” tức là nhốt nó trong cái hột xoài nhưng đấy là dế tuyển, đầu to thứ dữ… chứ cái hột xoài nhà nào chẳng có. “Q! đến lượt nhà mày kìa!”. Khi nào có tiếng gọi phía bờ giếng thì phóng ra múc nước xách về.

Cây khế… cây khế bốn mùa hoa tím, nghiêng ra bờ giếng. Hoa rụng xuống mặt nước nhiều đến nỗi khi múc phải khỏa thùng. Cây khế trái nhiều ăn mãi cũng rát lưỡi vì muối ớt có mùa chẳng đứa nào thèm hái, nó rụng vàng mặt đất, lăn lóc, giập nát buồn hiu quanh thành giếng rêu xanh. 40 năm sau rồi sẽ gặp lại một bờ giếng khác, một cây khế khác và sẽ có một cuộc đời khác.

Đấy! Màu tím… thứ màu sắc đầu tiên tím nhưng chưa “chiều hoang biền biệt…” như trong một bài thơ thành bài hát đến tuổi trưởng thành mới nghe, mới biết.

Nó là màu tím nhà quê trên hàng rào bìm bìm, trên ruộng rau muống, nó ẩn sau giàn lá mùng tơi và lấm tấm, li ti những mùa hoa khế bờ giếng xóm đạo một thời.

Nó tím trên những ngón tay đứa trẻ lên mười. Chân đất trường làng.

Tím mà không buồn, tím mà vui lắm…

Bài học về lòng trung thành[i]

“… Ngày xưa nuôi chó đặt tên rất đơn giản chỉ Kiki, Lulu, Vàng, Mực, Vện… chứ không tên tây nghe rất… tây như 40 năm sau. Thời ấy có cô ca sĩ nước ngoài tên Lulu mà tôi hay thắc mắc sao lấy tên con Lu nhà mình?

Nhà tôi có nuôi một con chó [tất nhiên không có thêm “ông ngoại” như bài luận văn sau này]. Nó tên là Lulu, lông màu hung. Dân Bắc di cư 10 người đủ 11 người thích ăn thịt chó. Cái thích ấy chắc có từ thời lão Hạc của Nam Cao hay “trẻ con không biết ăn thịt chó” tả một buổi chiều thu hiu hiu gió ở một làng quê miền Bắc xa xôi nào đó. Ngọn gió hanh hao làm thức dậy cả một cú thèm… thịt chó ướt tận chân răng và gã chủ nhà nham nhở lườm ngay ra con chó đầu nhà…

Nhưng đấy là Nam Cao ở tận làng Vũ Đại. Tôi ở ngã ba Ônng Tạ vốn nổi tiếng du đãng, nhà văn và thịt chó. Đi học qua ngã ba Ông Tạ nơi đường Thoại Ngọc Hầu – Lê Văn Duyệt nối vào nhau là hàng thịt chó buổi chiều thơm lừng món nướng, mùi rựa mận và tất nhiên một con chó vàng ươm bóng nhẫy treo toòng teng trước sạp dao thớt. Con Lulu, đứa thường phóng theo xe đón học tôi mỗi buổi sáng có hôm đến tận cổng trường cơ đốc. Tan học ra cổng thấy nó vẫn ngồi chờ rồi lại cùng phóng theo về nhà. Có hôm nửa đường tôi chỉ tay hét “Lu! về!”, nó quay về lại nhà không theo nữa. Khả năng nhớ đường của chó hơn tôi 100 lần. Lớn lên tôi mới nhận ra mình không có khả năng định hướng đường xá [và hình như là định hướng cả chính đời mình].

Khi con Lulu về già nó phát sinh ve, ve bò lên cả tường nhà. Mẹ tôi thở dài thôi mang cho nó cho tiệm thịt chó hóa kiếp cũng là phúc đức. Bà mang nó ra tiệm cầy tơ ngã ba Ông Tạ giao ông chủ quán rồi về. Tôi lăn khóc ít ngày rồi cũng quên đi, trẻ con mà. Ít lâu sau đi chợ về, bà buông giỏ ngồi bần thần ngạch cửa. Té ra khi bà đi chợ về qua tiệm thịt cầy con Lulu phóng ra rối rít mừng bà. Ông chủ quán thấy nó khôn không giết thịt, chữa trị và nuôi nó đến khi Lulu chết già. Mẹ tôi thở dài “xấu hổ quá, mình đã mang nó cho đi vào lò sát sinh mà nó vẫn không thù oán, nó vẫn chào mình. Người ăn ở bạc lắm con ạ!”

Bài học đầu tiên của lòng trung thành với tôi không nằm trong sách. Nó nằm ở quán thịt cầy. Ngã ba Ông Tạ 1967, còn lòng người ăn ở bạc thế nào phải lớn lên mới biết…

[i] Tựa đề nhỏ của Văn Việt

Comments are closed.