Nhân giỗ đầu nhà văn Bùi Ngọc Tấn (27 tháng 10 Ất Mùi)

Văn Việt: Theo Âm lịch, ngày 27 tháng 10 Ất Mùi (8 tháng 12 năm 2016) là giỗ đầu nhà văn Bùi Ngọc Tấn, nguyên thành viên lão thành có nhiều đóng góp nổi bật trong Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam và trang mạng Văn Việt. Để tưởng nhớ người anh đã đi xa mà như vẫn rất gần, Văn Việt trân trọng giới thiệu với bạn đọc hai bài viết của nhà thơ Dương Tường và nhà văn Nguyễn Quang Thân, những người bạn đã sát vai với anh trong những tháng ngày gian khó nhất; một tư liệu trích những phát biểu của anh về nghề văn; và đúng ngày 8/12 sẽ khởi sự mục mới “Audio Văn Việt” với toàn bộ tác phẩm cuối cùng “Hậu chuyện kể năm 2000” (Thời biến đổi gien) của anh được đọc mỗi ngày một đoạn.

DT-BNT

 

Thư gửi bạn ở Cõi-Bên-Kia

Người nhận: Bùi Ngọc Tấn

Địa chỉ: Cõi-Bên-Kia

Mình dang đi trên một con phố mới, hình như ở Hải Phòng. Lạ hoắc song lại có nét gì quen quen mà không tài nào xác định nổi. Giống như khi ta cố nhớ ra một cái tên rất thân quen, chắc chắn nó ở quanh quanh đâu đây trong bộ nhớ, chỉ dấn chút xíu nữa là “bắt” được mà nó vẫn buột mất để rồi đến một lúc thôi không cố nhớ nữa thi nó lại bất ngờ hiện ra. À, đây rồi cái biển tên phố gắn trên một cột đèn. Mình tiến lại và đọc thấy: BÙI NGỌC TẤN…

Thế là mình thức giấc. Và ngồi viết thư cho Tấn đây.

Ờ, thế mà đã sắp một năm chúng mình xa nhau rồi đấy nhỉ. Chiều qua, Vũ Thư Hiên từ Paris gọi điện về hỏi ngày giỗ đầu Tấn và số điện thoại của Bích, mình nói là từ khi Tấn đi, Bích vẫn dùng cái mobile cũ Tấn để lại. Có lẽ đó là những tiền đề dẫn tới giấc mơ này. Mình nhớ cách đây dăm bảy năm, nhân một chuyến xuống Hải Phòng thăm Tấn, mình nhảy xe ôm đến phố Văn Cao hồi đó vừa mới mở. Minh trả tiền xe và thả bộ dọc phố. Ở đây, ngay từ đầu, đã có qui định: không nhà nào được thấp dưới ba tầng. Chợt hiện lên trong trí nhớ mình cái vẻ bí bí mật mật song không khỏi lộ niềm hân hoan khó kìm nổi của chị Thúy Băng, Văn Cao phu nhân, một hôm mình ghé thăm anh chị vào đầu những năm 1990, khi mình vừa bước chân vào nhà. “Tôi cho anh xem cái này”, chị nắm tay tôi kéo ra cuối hành lang căn gác hai nhà 108 Yết Kiêu. Hẳn phải là một sự kiện gì đặc biệt đây, mình nghĩ thầm. Té ra chỉ là một buồng vệ sinh không rộng hơn 4 mét vuông với thiết bị Nhật Bản trắng toát. Mình nói đùa mà suýt trào nước mắt: “Tưởng gì chứ bảy mươi tuổi mới được ị cho tử tế mà cũng khoe”. Ấy đấy sinh thời Văn Cao sinh hoạt trong những điều kiện như thế, mà giờ đây khi anh không còn thì con phố mang tên anh lại thuộc loại sang nhất, đẹp nhất Hải Phòng và được coi là tuyến đường qui hoạch tốt nhất của thành phó, không cho xe tải qua.

Đây không phải lần đầu mình viết thư gửi về Cõi-Bên-Kia. Khoảng 25, 26 năm trước, nghỉ đêm lại ở thành phố quê hương của Hồ Biểu Chánh, mình đã viết cho Nguyễn Tuân, một năm sau khi ổng ra đi. Bức thư ấy, chắc Tấn còn nhớ, được đăng trong cùng một số tạp chí Cửa Biển với đoạn hồi kí của Tấn về Nguyên Hồng. Hà Nội đã có những đường phố mang tên Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng …, những điểm son của văn học Việt Nam. Thế còn bao giờ Nam Định có phố Trần Dần, Bắc Ninh có phố Hoàng Cầm, Thanh Hóa có phố Hữu Loan, Yên Bái có phố Lê Đạt? Và Hải Phòng có phố Bùi Ngọc Tấn? Một dự cảm tâm linh nói với mình: rồi những giá trị đích thực sẽ được trả về đúng vị trí. Con đường mình vừa dạo chơi trong mơ – đường Bùi Ngọc Tấn – rồi sẽ thực sự có trong thực tại. Và biết đâu đấy, mình lại có dịp thả bộ trên con đường ấy, như đã thả bộ trên đường Văn Cao dăm năm trước, như vừa làm thế trong giấc mơ, thầm thì trò chuyện với Tấn trong rì rào những tán lá non của hàng cây mới trồng, nếu như mình còn ở trên cõi đời tạm trú này…

Thư ngắn tình dài

Hẹn gặp lại

DƯƠNG TƯỜNG

Comments are closed.