Phía có nắng

Truyện Hà Thúc Sinh

Đại dịch bùng nổ thì như mọi nơi trên thế giới, thành phố nơi quận hạt nhỏ này cũng sập cửa lại. Mọi hàng quán, cửa tiệm, chợ búa và các nơi sinh hoạt, ngay ngôi thánh đường cũng đều khóa trái và nhạt dần hơi người. Tất cả như bị một tấm màn bao la vô hình trùm kín, không một sinh vật nào dù nhỏ nhất thoát được ra ngoài.

Nhà tôi nằm trong giáo phận Chúa Thánh Linh, nơi có ngôi thánh đường  hơn hai trăm tuổi lọt giữa những con đường trồng toàn thông kim và sồi.

Và từ khi như mọi người thất nghiệp nằm nhà, tôi quen mặt ông cụ. Ngày nào cũng thế, khi nắng mười giờ leo lên hai phần ba tháp chuông thì, với tờ báo cũ bọc cái gì đó kẹp nơi nách, cụ đi qua nhà tôi và tiến về phía ngôi thánh đường. Nhìn bề ngoài cụ gầy nhưng có nét đạo mạo của một cụ già người Á đông với bộ râu bạc ba chòm. Nhưng tôi không đoán được quốc tịch của cụ.

Tôi để ý cụ hay bước lên bệ cửa chính, đứng lặng lẽ lúc lâu  rồi vòng sang bên phải, chỗ sâu phía trong có hang đá và có tượng Đức Mẹ Lộ Đức. Phía trước hang đá xây những trụ xi măng ngang đầu gối, chắc để người vãng lai ngồi nghỉ chân. Và đó cũng là  nơi cụ hay ghé ngồi dù nắng dịu hay nắng gắt.  Chẳng bao giờ thấy cụ ngồi bên cánh trái thánh đường, nơi đầy bóng râm với những gốc sồi cổ thụ, và nhiều khi bầu khí còn có vẻ âm u, lành lạnh.

Để dẫn vào hang đá là vuông sân gạch rất rộng, chỗ lâu lâu lại  có một bầy chim câu đáp xuống kiếm ăn.

Đợi khi có bầy chim đông đảo đáp xuống, cụ mới lấy ra khỏi tờ báo một ổ bánh mì lớn, xé từng miếng nhỏ quăng cho chúng. Lũ chim gù gù chen lấn nhau ăn, và khi chẳng còn gì ném cho chúng nữa cụ mới đứng lên, xốc lại quần áo và rời khỏi chỗ ngồi.

Một sáng, tôi tạt qua thánh đường và trông thấy cụ. Tôi ghé vào, nhưng chưa kịp chào nhau thì trời bất chợt đổ mưa tuy không lớn. Chúng tôi chạy vào nấp mưa nơi hang đá. Tôi lên tiếng trước:

“Morning, sir”.

“Morning”. Cụ khẽ chào lại.

“Tôi thấy cụ ghé đây nhiều lần. Nhà cụ ở đâu?”.

Như miễn cưỡng phải trả lời, cụ chỉ cái tháp nước cũng gần nhà tôi, và nói:

“Chỗ tháp nước”.

“Ngày nào cũng thấy cụ đến ngồi thảy bánh mì cho chim ăn”

“Già nào phải nuôi ai nữa. Nuôi chim cho đỡ buồn”.

“Thế cụ người nước nào?”.

“Việt Nam”.

“Ồ thế thì mình đồng hương rồi”.

“Cũng Việt Nam à?”.

“Dạ vâng. Thế các anh các chị cũng ở đây cả chứ?”.

“Tôi ở với một ông bạn già gần hai mươi năm rồi”.
“Ồ…”.

“Ông sang đây lâu chưa?”.

‘Dạ cũng lâu rồi. Còn cụ thì sao?”.

“Tôi sang diện H.O nhưng chỉ một mình. Thế mà cũng gần ba mươi năm”.

”Ráng thêm nửa cái ba mươi năm nữa cụ nhá”.

“Cám ơn ông. Tôi tám mươi rồi. Chúa gọi lúc nào thì đi lúc đó. Ấy chứ cũng mấy lần Chúa gọi  rồi mà tôi giả điếc đấy chứ. Nhưng nghĩ giả điếc với Chúa là dại. Cứ vâng lời Người lại đỡ khổ thân”.

Một lần tôi hỏi:

“Cụ ơi, sao hình như tôi thấy cụ chỉ ngồi bên phải nhà thờ mà chưa bao giờ thấy ngồi bên trái. Bên trái có những gốc sồi cổ thụ cụ ạ. Mát lắm. Phía bên này lại vào mùa này, mặt trời chói chang. Nóng và lắm khi khó thở”.

Cụ cười khẽ, rồi bảo:

“Tôi khuynh hữu ông ạ. Ghét tả lắm”.

Không quan tâm người đối diện  có hiểu ý mình hay không, cụ tiếp:

“Còn nắng à? Tôi yêu nắng lắm, nhất là mùi nắng trong trẻo và thơm tho của tháng sáu tháng bảy, thứ nắng mai kia làm sao tìm được nữa khi đã nằm dưới đáy mộ!”.

“Đừng bi quan quá cụ ạ”.

“Ồ, những người tuổi ông mà thiếu lạc quan là mang tội đấy. Nhưng những kẻ gần đất xa trời như tôi có bi quan tí chút chắc cũng không sao. Mà ông coi, cứ nhìn vào những huyệt mộ đào sẵn hàng chục ngàn cái, nằm san sát nhau ở Ba Tây, ở Ý, ở Đại Hàn, ở Mỹ… mà không bi quan sao? Tôi cứ thắc mắc sao thằng cộng sản Tàu nó ác thế. Nó thả con virus ra khác nào quỷ Satan mở cửa hỏa ngục xua ma quỷ lên phá nát mọi dấu tích thiên đường trên mặt đất muôn màu này. Nhưng chết ở các nước tự do dân chủ ít nhất mỗi người còn có cái quan tài. Chết ở các nước như Tàu thì chỉ thiêu thôi hay dập vùi tập thể. Rồi đây khi đại dịch qua đi, cả thế giới xúm lại sẽ xét xử nó như thế nào nhỉ?”.

“Chắc phải hơn vua Chu, xé nó ra hàng trăm tiểu quốc, trăm chư hầu chứ không phải năm bảy như thời xa xưa”.

Cụ ngẫm nghĩ  rồi nói:

“Tôi cũng đang nghĩ theo chiều hướng đó”.

***

Một hôm, cụ kể:

“Cạnh nhà tôi có một gia đình Tàu ông ạ. Tôi không biết ông chồng làm nghề gì, nhưng biết bà vợ là một bà giáo. Và bà ta hay nói chuyện với tôi nơi hàng rào sau nhà, lối dẫn vào garage. Một hôm bà ấy hỏi:

“Cụ người nước nào?”.

Tôi nói Việt Nam, và bà ta gật gù, ồ Việt Nam. Thấy thái độ của bà hơi lạ, tôi đâm tò mò muốn biết bà Tàu này nghĩ gì về mình. Và tôi tìm cách bắt chuyện lại với bà ấy.

Tôi hỏi:

“Bà quê quán ở đâu?”.

“Tôi ở Thành Đô, Tứ Xuyên”.

“Ồ, lịch sử lắm. Đất Thục thời xưa đấy”.

“Vâng. Và tôi dạy sử nên biết khá rành về Việt Nam”.

“Cho tôi một ví dụ được không?”.

“Vậy tôi tóm tắt nhé: “Từ ngàn xưa, đất nước ông đã là của chúng tôi. Toàn cõi Biển Đông cũng của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ lấy lại hết một ngày không xa”.

Tôi bực và thấy mình lỡ dại bước vào một bãi lầy, nhưng cuối cùng cũng phải nói:

“Tất nhiên là người dạy sử làm sao không rành về một nước láng giềng. Nhưng bà có lưu ý điều này không?”.

“Dạ, điều gì?”.

“Bà là người Hán, mà người Hán gốc ở sa mạc. Lương châu từ còn đó: Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi, cho nên cái gì cũng… muối, đúng không? Thịt muối, cá muối, trứng muối, dưa muối… Chúng tôi khác, chúng tôi định cư phía dưới sông Dương Tử, dân đầm lầy, dân biển nên mọi thứ đều ủ lên men: cá mắm, tôm mắm, dưa mắm…

Còn Biển Đông ư? Tổ tiên chúng tôi đã xăm mình tránh giao long khi lặn bắt hải sản vì họ thông minh, gan dạ và thực tiễn; chúng tôi không hề bắt trăm trinh nam, trăm trinh nữ, bỏ lên thuyền xua ra biển đi tìm thuốc trường sinh mơ màng kiểu vua Tàu.

Từ cái ăn cái ở, từ sự hiểu biết về cảnh quan chung quanh, tôi nghĩ bà hơi võ đoán chuyện đất nước Việt Nam là của nước Tàu, và Biển Đông cũng của Tàu nốt!”.

***

Bẵng đi hai tháng nay tôi không thấy ông cụ đi tới nhà thờ nữa. Xứ này gần nhà xa ngõ. Tôi cứ ra sân nhìn cái tháp nước và dặn lòng thế nào cũng đến đó dò hỏi về cụ xem sao.

Một hôm nắng đẹp, tôi đi tới tháp nước. Loanh quanh một hồi rồi ghé vào một gia đình hình như là người Mễ và hỏi thăm về một cụ già người Á châu nhưng họ lắc đầu. Hỏi thêm mấy nhà nữa cũng chẳng ai biết.

Sau cùng thấy có một căn đang có người dọn dẹp, tôi ghé vào hỏi thì hóa ra đó là người chủ nhà, và ông ta đang dọn dẹp căn nhà  của ông  đã cho thuê nhiều năm và giờ đang sơn sửa.

Ông ta hỏi:

“Vậy là ông quen với ông cụ thuê nhà này? Nhưng sorry ông, ông cụ đã qua đời rồi. Căn nhà này hóa ra ông cụ ở gần hai mươi năm, lúc bố tôi còn sống và tôi chưa tốt nghiệp trung học. Bệnh dịch kinh khủng thật. Ông  có biết con số tử vong ở Houston hôm nay là bao nhiêu không? Hơn 3.000 rồi đấy. Không biết những ngày tới con số sẽ lên tới bao nhiêu”.

Lang thang trên đường về, tự nhiên tôi thấy nắng phía phải con đường không còn gay gắt, mà nó như nhạt nhòa hẳn đi trên các mái nhà và trên cả những ngọn cây.

Hay nắng cũng biết buồn khi một người đồng hương  của tôi vừa mới qua đời?

Houston, June 1, 2020

Comments are closed.