Tạp ghi tháng Tám: Nhà văn Tiểu Tử qua hai bài viết

Từ Thức

image

 

Một người bạn gởi cho coi một bài viết về nhà văn Tiểu Tử của Giáo sư Nguyễn Văn Lục, và thêm: “Có nhiều câu giống y như những câu trong bài viết của Từ Thức mấy năm trước”.

Bài viết của giáo sư Nguyễn Văn Lục, tựa “Tiểu Tử: người tiếp lửa, giữ hồn của miền Namvừa đăng trên dcvonline.net (2023), được nhiều website đăng lại. Bài của tôi, tựa là “Tiểu Tử, những giọt nước mắt, những tiếng thở dài”, ghi lại bài nói chuyện trong buổi ra mắt sách Tiểu Tử ở Paris tám năm trước, đăng trên rất nhiều báo online thời đó, còn lưu lại trên blog cá nhân, tuthuc-paris-blog.com.

Anh bạn tô màu vàng những câu anh cho là giống nhau. Thí dụ:

TỪ THỨC (TT): “Ngay cả tên những nhân vật cũng đặc miền Nam, không có Lan, Cúc, Hồ Điệp, Giáng Hương như trong tiểu thuyết miền Bắc, không có Nga My, Diễm My, Công Tằng Tôn Nữ như Huế, chỉ có những con Huê, con Nhàn, con Lúa, thằng Rớt, thầy Năm Chén, thằng Lượm, bà Năm Chiên, bà Năm Cháo lòng”.

GIÁO SƯ NGUYỄN VĂN LỤC (NVL) (2023): “[…] tên tuổi nhân vật truyện cũng đặc sệt tính miền Nam. Không có những tên văn hoa như Lan, như Cúc, như Bạch Tuyết ‒ hoặc như Dũng, như Long, như Tiến kiểu miền Bắc. Hoặc những tên như Diễm, Công Tằng Tôn nữ Lan Chi, Tôn nữ Hỷ Khương kiểu miền Trung, v.v. Tên nhân vật truyện của Tiểu Tử không có những tên cao sang “với không tới”, mà bình dân như Con Lúa, con Nhàn, con Huệ, thằng Rớt, Thằng Lượm, Con mẹ hàng xóm, Thày Năm Chén, bà Năm cháo lòng, Chị Tư ù”.

TT: “Dưới ngòi bút của một tác giả người Bắc, người Trung, gọi đàn bà là con Huê, con Nhàn có vẻ hỗn; ở Tiểu tử, nó chỉ có sự thân ái”.

NVL: “Bình dị mà gần gũi thân thương […]. Nó khác hẳn những tiếng chửi tục của miền Bắc thô tục […]”.

TT: “Tiểu Tử […] học ở Marseille, hiện sống ở ngoại ô Paris, nhưng văn của ông không lai Tây một chút nào.

NVL: “Tôi cũng không hề thấy ông bị ảnh hưởng một chút nào về văn hóa Pháp mà lẽ thường ông chịu ảnh hưởng […]”

TT: “Văn của ông là lối kể chuyện của người miền Nam, bình dị nhưng duyên dáng, duyên dáng bởi vì bình dị, tự nhiên. Tiểu Tử không “làm văn”. Không có chữ thật kêu, không có những câu chải chuốt. Với cách viết, với ngôn ngữ chỉ có những tác giả miền Nam mới viết được. Không hề có cường điệu, không hề có làm dáng. Người đọc đôi khi có cảm tưởng tác giả không mấy ưu tư về kỹ thuật viết lách. Ông viết với tấm lòng”.

NVL: “Ông vẫn giữ được cá tính miền Nam: bình dân, giản dị, thực thà, dí dỏm. Ông vẫn giữ được cốt cách một lối viết chân chất […], không màu mè, không kiểu cách, không uốn éo văn hoa, làm dáng […]. Nhưng chính lối viết chân chất ấy quyến rũ người đọc. Chính chỗ bình dị làm nên vóc dáng văn học”.

TT: “Tiểu Tử không cần bóp méo sự thực, chỉ việc cúi xuống lượm, ghi lại những cái lố lăng, đảo lộn luân thường xảy ra mỗi ngày, trước mắt [sau 75]”.

NVL: “Ông không cần hư cấu, không cần bóp méo sự thật, chỉ cần cúi xuống nhặt nhãnh Những mảnh vụn cuộc đời ghi lại như một nhân chứng những cuộc đổi đời, những lầm than và cả tình con người người diễn ra mỗi ngày.

Người bạn hỏi: Anh nghĩ gì về chuyện này?

Tôi không biết nghĩ gì.

Có lẽ đó chỉ là một sự trùng hợp tình cờ, như xảy ra rất thường trên sách báo.

Dầu sao, tôi cũng vui vì thấy có tác giả nghĩ như mình, coi Tiểu Tử là một nhà văn đáng quý. Giáo sư Nguyễn Văn Lục viết: Tiểu Tử là “Người tiếp lửa và giữ hồn của miền Nam”, khi tôi viết, cách đây tám năm: Tiểu Tử gợi lại phong hoá, ngôn ngữ của miền Nam trước 75. “Ông là một nhân chứng quý báu của một giai đoạn bi thảm của một thuở giao thời. “Chuyện thuở giao thời” là tựa tập truyện sau cùng của tác giả. Nhưng chữ thuở giao thời còn nhẹ quá. Phải nói là một cuộc đổi đời ghê rợn nhất trong lịch sử dân tộc Việt”.

Paris tháng 8, 2023

Comments are closed.