Thằng bé phá đám

Truyện Nguyễn Ngọc Hoa

Chiếc xe Giép (Jeep) nhà binh chạy từ từ vào trong sân và ngừng lại. Trong bộ quân phục ka-ki màu vàng với lon thiếu úy một vạch vàng trên cầu vai, chú Lam oai vệ bước xuống xe. Anh Quang mừng rú chạy ra đón, nắm tay chú đưa vào nhà. Chú tươi cười xoa đầu tôi và thằng Sáng. Đây là lần thứ hai tôi gặp chú, lần đầu chú về thăm nhà ngoài làng khi mới tốt nghiệp trường Võ bị Liên quân Đà lạt. Mẹ cười tươi nhưng làm bộ trách,

“Đi mà biệt tăm biệt tích, tưởng chú từ chị với nhà ni rồi chớ!”.

“Từ Sông Cầu em đổi ra Quảng Trị nửa năm rồi mà không biết chị và các cháu đã vô trong ni. Tuần trước em liên lạc với anh”, chú phân trần.

“Gặp lại chú là chị mừng rồi, có bắt lỗi bắt phải chi mà chú lo”, lâu nay mới thấy mẹ vui.

“Em đi phép một tuần, về thăm anh chị và các cháu là người thân duy nhất”.

“Chú tìm được cô vừa ý vừa tứ chưa? Tra trôốc (già đầu) rồi, trẻ mỏ chi nữa mà lông bông hoài!”.

“Ai thèm lấy em, chị ơi!”.

“Để đó chị tính cho. Vú mất rồi, bọ ở ngoài làng không biết khi gặp lại, chừ anh là quyền huynh thế phụ, không lo vợ con cho chú thì ai lo?”, như thể mẹ đã có kế hoạch sẵn.

Sang ngày thứ hai chú mới có thì giờ dành cho anh em tôi.  Bao nhiêu thắc mắc từ trước đến nay, tôi và anh Quang tranh nhau đem ra hỏi chú. Anh tìm hiểu tổ chức quân đội; nhiệm vụ và hoạt động của các binh chủng hải, lục, và không quân; và các cấp bậc trong quân đội, từ binh nhất, hạ sĩ, hạ sĩ nhất, v.v. đến thiếu tướng, trung tướng, và đại tướng; thằng Bé chen vào,

“Đại uý lục quân so với đại úy hải quân hay không quân, ai to (làm lớn) hơn?”.

“Cùng cấp bậc không ai to hơn ai, mỗi người một nhiệm vụ”.

“Rứa thì ai “mạnh” hơn, nhiều quyền hơn?”, tôi chưa thỏa mãn.

“Cái nớ thì tau chịu! Tùy theo công việc của từng người…”, chú cười to.

Rứa thì trong quân đội, công việc chi quan trọng nhất làm cho người nớ thành “mạnh” nhất?”.

“Mai mốt học lên cho giỏi mi sẽ biết!”, chú cố chấm dứt đề tài thảo luận.

“Phải học tới con mới biết chuyện ni?”, tôi hỏi gặng.

“Con trâu lì, nói ba láp ba xàm!”, anh Quang cú mạnh lên đầu tôi.

Chú xin phép mẹ chở tôi và anh Quang đi chơi, lần đầu tiên chúng tôi được ngồi xe Giép.  Biết chú ngày trước học trường Khải Định, rành rẽ đường đi nước bước đất cố đô, anh Quang đề nghị,

“Mình ra ngồi quán Lạc Sơn, bạn con nói là chỗ thanh lịch nhất Huế nghe chú”.

“Ngồi quán làm chi?”,  tôi vội vàng lên tiếng.

“Mi còn nhỏ không biết, người lớn ra ngồi đó uống cà phê – kêu là đi nghễ”, anh tôi cười chúm chím. “Đi nghễ” tiếng Huế là đi ngắm phụ nữ, giống như “đi rửa mắt”.

“Con không muốn đi nghễ , tôi lập tức phản đối.

Tau biết mi muốn chi rồi, đừng lo”, chú trấn an thằng Bé.

Chú đưa tôi đến nhà sách Ưng Hạ trên phố Trường Tiền. Lần đầu tiên vào nhà sách và lần đầu tiên được cầm đọc sách mới còn thơm mùi mực, tôi dán mắt vào những cuốn sách trưng bày ngay ngắn trên kệ sách dài cao quá đầu người. Chú Lam tìm cô hàng sách gửi gắm,

O cho cháu tui ở đây coi sách, hắn ưng chi o cứ lấy cho hắn”.

“Dạ, thiếu úy để tui coi em cho.  Tui ở gần thằng Bé và quen với nhà ông trung úy mà!”, một giọng nói thanh tao quen thuộc cất lên.

Cô hàng sách là chị Hân ở ngôi nhà lớn có vườn rộng phía bên kia đường, hay sang nhà tôi chơi với dì Cúc, và thỉnh thoảng cho tôi sách cũ.  Chú Lam nói như phân trần,

Tui qua bên Lạc Sơn gặp mấy người bạn đồng ngũ, đem theo thằng lớn cho nó nghe chuyện nhà binh. Còn thằng ni thì mê sách mê vở”.

“Dạ, thiếu úy cứ đi”,  chị Hân dịu dàng.

O nì, mình là hàng xóm láng giềng, o đừng có thiếu úy thiếu iếc mà mất vẻ thân tình”.

“Dạ…”,  tiếng chị êm ái khiến chú Lam không muốn dời bước.

Tối hôm đó chị Hân sang nhà tặng tôi cuốn Hà Nội Băm Sáu Phố Phường của Thạch Lam mới tinh. Chị đứng dưới bếp nói chuyện với dì Cúc thật lâu; mẹ và chú Lam thì thầm bàn bạc và thỉnh thoảng nhìn về phía nhà bếp. Chị về rồi, mẹ cười chúm chím,

“Chú thấy con nớ được không? Ưng thì chị đi nói.

“Dạ, chị tính răng cũng được”, chú bẽn lẽn.

“Chú mà chắc ý thì tiền lính tính liền. Lấy vợ thì cưới liền tay, đừng để lâu ngày lắm kẻ gièm pha”, mẹ thúc giục.

“Dạ…”.

Rứa thì sáng mai chị sắm lễ vật bưng qua nhà hắn dạm hỏi, xin ngày sinh tháng đẻ để đi coi thầy. Một mặt, chú xuống dưới Truồi mời anh về làm chủ hôn”, vậy là mẹ đã quyết định cưới vợ cho chú.

Chị Hân thuộc dòng dõi hoàng tộc và có tên thật đẹp mà dài ngoằng:  Công Tằng Tôn Nữ Thị Nhật Hạ. Chú Lam xem cách triều nhà Nguyễn đặt họ cho con trai, Miên–Hường–Ưng–Bửu– Vĩnh–Bảo và cho con gái, Công Chúa – Công Nữ – Công Tôn Nữ – Công Tằng Tôn Nữ – Huyền Tôn Nữ – Tôn Nữ mà tính ra chị Hân ngang vai với vua Khải Định (Bửu Đảo) và vai o của vua Bảo Đại (Vĩnh Thụy), đương kim quốc trưởng.

Có điều phiền là năm nay chị hăm ba, tuổi Dậu, trong lúc chú Lam hăm sáu, tuổi Ngọ – Tý Ngọ Mẹo Dậu tứ hành xung.  Mẹ kể thầy Phước bên Ngã Giữa (hay đường Gia Long) coi tuổi nói hai người khắc tuổi nhưng,

“Chú hắn mạng mộc, còn con nớ mạng hỏa hạp nhau và cuộc nhân duyên có cơ bền vững suốt đời nếu…”.

“Xí, thời buổi ni mà mụ còn mê tín dị đoan – thầy với bà!”, cha nóng nảy ngắt lời.

“Có kiêng có lành ôông ơi! Thầy chỉ cách hóa giải để hai đứa khỏi gặp trục trặc về sau…”.

Tui nói rồi, mụ không được tốn thêm tiền cho thầy bói thầy toán”, cha lớn tiếng nạt đùa.

Thông cảm nhà trai là quân nhân thì giờ eo hẹp, “Mệ” (tiếng gọi các ông hoàng, con vua cháu chúa đời nhà Nguyễn) cha chị Hân chấp thuận lời yêu cầu cho “hỏi cưới một ngày”, nhưng đòi lễ vật – cau, trầu, rượu, trà, bánh, trái, và con heo quay – phải đầy đủ, không thể giảm bớt.  Mệ đòi đoàn rước dâu nhà trai phải có mười cặp bô lão đã sống với nhau lâu năm để chúc phúc cho cô dâu chú rể.  Cha nổi giận phản đối nhưng mẹ can ngăn,

Ôông đừng lo, tui có mười cặp nớ rồi; để mai chú hắn đi mời”.

Chú Lam lái xe Giép ra Quảng Trị và vào Đà Nẵng mời về đủ mười cặp trưởng thượng, kịp đám cưới là ngày nghỉ phép cuối cùng của chú. Bà con áo dài khăn đóng tụ tập trong căn nhà nhỏ, đến giờ hoàng đạo xếp hàng hai mang lễ vật đi bộ sang nhà gái. Dì Cúc ở nhà trông bốn anh em tôi. Chưa bao giờ thấy đám cưới, tôi rủ anh Quang,

“Đi coi đám cưới hè, ở nhà làm chi?”.

Tau không thèm; coi mà không được ăn thì hay ho chi, anh từ chối.

Rứa thì tui đi một chắc (một mình)!”.

“Con đi coi thôi nghen, đừng vô trong nhà người ta làm chộn rộn bị đòn ráng chịu đó”, dì Cúc cẩn thận dặn dò.

Nhập bọn với đám trẻ con hàng xóm, tôi đứng ngấp nghé ngoài cửa nhà chị Hân nhìn vào. Như anh tôi nói, những lễ nghi cúng bái, lời qua tiếng lại, cười nói lễ phép, v.v. chán phèo, không có gì đáng xem. Tôi định bỏ về thì mẹ chị Hân nhận ra, chạy ra dắt tay đưa vào nhà.  Cỗ bàn linh đình dọn ra, tôi được xếp ngồi cùng bàn với chị Hân và các cô phù dâu; họ ăn nhín như mèo, cười nói khúc khích; và tôi thì cắm cúi ăn – chú “thợ ăn” hôm nay được “tổ đãi”.

Cách ăn uống ngồm ngoàm và áo quần lôi thôi của thằng Bé không qua nổi cặp mắt bực dọc của cha ngồi ở bàn trên cùng với mẹ, chú Lam, và ông bà nhạc của chú. Khi tiệc gần tàn, mặt đỏ ké vì rượu và không kìm hãm được nỗi tức tối, cha bất thần kéo ghế đứng dậy bước sang xách tai thằng Bé quát lớn,

“Ai cho phép mi tới đây?”.

“Dạ… không ai cho”, tôi bình tiĩnh trả lời.

Răng mi dám tự ý tới?”, lửa giận phừng lên, cha la lớn.

“Dạ… không ai nói con không được đi coi đám cưới”.

Răng ăn đám cưới mà ăn mặc thốc thếch như rứa?”, cha kiếm cớ khác.

“Dạ… con đi coi rồi bác gái kêu vô ăn chớ có tính đi ăn đám cưới , tôi quay lưng ngồi xuống, ngầm nhắc cha đã hỏi đến câu thứ ba.

Lên cồ lộng mộc (sừng sộ hung hăng) như con gà chọi sắp lâm trận, cha nắm tay đưa lên cao,

“Tổ cha mi, thằng con mất dạy hỗn hào!”.

Mọi người nhốn nháo xì xào, mẹ nhào tới dùng thân hình che cho tôi và chú Lam ôm cha can gián. Dắt tay tôi và mẹ chị Hân (mẹ gọi bằng thím) ra đứng giữa phòng, mẹ chắp tay xin lỗi quan khách,

“Chuyện đáng tiếc ni không phải tại thằng bé con hay ôông nhà tui mà do sự sắp xếp của tui và thím đây. Thầy Phước nói chú Lam và thím Nhật Hạ tuổi Ngọ tuổi Dậu xung khắc, phải có người phá rối trong đám cưới thì hôn nhân mới vẹn toàn trăm năm. Thời may thầy tìm ra thằng nhỏ tui tuổi Tý, một trong tứ hành xung, là cách hay nhất để hóa giải.  Cha thì nóng như lửa, con thì ngay thẳng cứng rắn nên hai thím cháu tui mới thành công.  Xin bà con hai họ thương cô dâu chú rể mà rộng lòng tha thứ”.

***

Tham thực cực thân! Vì tham ăn, tôi trở thành thằng bé phá đám và mang tiếng rắn đầu ngỗ nghịch.  Không ai thèm nhớ công của thằng Bé trong việc chú thím gặp gỡ và lấy nhau.

Ngày chú hết phép trở về đơn vị, gia đình tôi sửa soạn dọn sang căn nhà thuê ở Cửa Nhà Đồ gần cầu Bạch Hổ trên bờ tả ngạn sông Hương.  Cha nói với mẹ nhưng để phân trần với mọi người,

“Mai mốt thím Lam dọn qua ở với mình, nhà ni chật làm răng có đủ chỗ. Tui sắp thuyên chuyển về đồn An Hoà cách Cửa Nhà Đồ có năm cây số, đi về chăm sóc con cái thuận tiện biết mấy”.

Cha nói thật hay, nhưng buổi tối nằm ngủ tôi nghe dì Cúc buồn bã tâm sự,

“Cha bán nhà để trả nợ cờ bạc. Đêm kia, cha ở Truồi về gí súng vào đầu mẹ bắt ký văn tự bán nhà…”.

Bị kêu là rắn đầu ngỗ nghịch không hẳn là thiệt thòi. Từ nay lũ trẻ trong xóm nhìn tôi với cặp mắt nể phục hơn.

Ngày 28 tháng Giêng, 2014

Comments are closed.