Tổ con chuồn chuồn

Trần Đĩnh

Xét bề ngoài, xích mích giữa hai nước hàng xóm nảy ra từ một chuyện ú ớ: tức nhau tiếng gáy. Nước Khổn nhưng lâu rồi dân nước Điền láng giềng ít học đã gọi chệch thành Khổ – nào biết khổ là đắng, mà cũng chỉ tại nó gọn mồm và hay được vời đến, ngành ngôn ngữ học đã thống kê bình quân mỗi dân Khổ nói đến chữ khổ 13 lần một ngày. Trong khi Điền lại có nghĩa là ngọt. Đắng ngọt tự nhiên xung khắc, hai nước phải hục hặc nhau thôi.

Không biết có phải vì tên gọi hay không mà đàn bà con gái nước Điền da cứ như trứng gà bóc, thịt cứ thơm như hoa, ngược với da dân nước Khổn – hay Khổ đắng – lại thô ráp, đen đúa, hôi. Tiếng gáy đầu tiên gây nên xung đột chính là ở nước da, mùi thịt này. Người nước Khổ (đắng) đổ tại người nước Điền (ngọt) ở trên nguồn sông đã tống tháo những thứ bẩn thỉu dơ dáy xuống khiến cho người Khổ ở cuối sông phải gánh hậu quả tai hại. Nhiều phen người Khổ đem vấn đề luân phiên mỗi nước được sống một thời gian trên đầu nguồn sông ra bàn song phương ở cấp thượng đỉnh – quốc vương – nhưng người nước Điền không chịu dọn nước xuống dù chỉ một năm. Đã thiếu tinh thần đồng cam về vị trí, người nước Điền lại còn thiếu cộng khổ về tình: họ nhất định không bao giờ chịu lấy người nước Khổ. Chê xấu, đen, thô, có mùi đái dầm khiến người nước Khổ giận sùi bọt mép. Đúng là xúc phạm đến tự hào dân tộc, thứ mà dân Khổ coỉ trọng đặc biệt. Thà đói nghèo chứ không thiếu tự hào dân tộc được.

Không phải chỉ nguyên nhân trên sông dưới sông ăn phải của thừa của thải mà còn có một nguyên nhân khác không kém phần quyết định. Đó là ở nước Điền có một loại đặc sản thần bí: đá kỳ. Một mỏ đá kỳ trữ lượng quá lớn. Quý như các nước có mỏ dầu khí đại khái Ưa-lừa-xa vậy. Đều một cỡ như quả xoài nhưng nằm vừa gọn lòng bàn tay. Đá trắng hơn phấn và thơm thoang thoảng. Kỳ ngày ngày đá này vào cơ thể, cơ thể sẽ trắng ngang như bây giờ các nước Âu Mỹ chơi trò tắm trắng, thịt sẽ thơm như có ướp trầm hương Ăngsăng. Đá kỳ quốc bảo được phân phối cho từng gia đình, ít hay nhiều tính theo số nhân khẩu nữ. Có hẳn một Sở Đong Đếm Đá (mật hiệu là Ét Ba Đê mà bên nước Khổ gọi là Sở Ba Đểu) hàng tuần đến từng nhà kiểm tra xem có mất mát, sứt mẻ hay không. Xuất khẩu của này phải gọi là hốt bạc và đánh phải cho tan tác những Unilever, những P&G nhưng vua Điền cấm. Bao nhiêu đá kỳ trong nước đều mang sổ lý lịch và đánh ký hiệu. Đâu như là căn cứ vào số lượng các hạt sa thạch làm nên mỗi hòn đá kỳ và cả vào phối hình cấu trúc của chúng mà định. Giữ ngặt như thế vì vua nước Điền muốn dìm mãi dân nước Khổ vào tình trạng thua kém màu da. Màu da đã kém thì sắc nước tất cũng thua theo và một khi phải ôm mặc cảm tự ti nhan sắc thì vua nước Khổ sẽ điên đầu mà chết. Không cần xuất binh vẫn diệt được đối phuơng, võ ấy mới hung hiểm.

Vua nước Khổ cũng đâu ngọng. Giấc mộng vàng thường trực của vua Khổ là có ngày chiếm hữu cái mỏ đá thần kỳ kia.

Kể ra cay thật. Chỉ vì người nó trắng thơm mà khách du lịch nườm nượp đổ đến nước nó, xì xà xì xồ, trỏ trỏ gật gật, mua mua sắm sắm đông như kiến cỏ. Đàn bà con gái nước Điền lấy người nước ngoài nhiều đến mức kiều hối (nhưng dân Khổ trẹo ra thành tiền “bề hê cứu nước”) gửi về chiếm tới gần một phần ba GDP. Trong khi nước mình bói không ra một đứa ngoài đến, một đứa nội đi. Bên nó khéo đến lụt ngoại tệ. Nhiều phen nhà vua ngao ngán lại mong có lụt ngoại tệ thật, nhấn chìm tất cả chúng nó đi để vua di dân lên khai thác…

Chẳng kém vua, dân Khổ cũng vừa ức vừa buồn. Chúng nó đúng là chuột sa chĩnh gạo, nhờ may mà được ăn trắng mặc trơn chứ tài cán gì. Ức thì có cách giải tỏa, tự vệ thanh danh. Ở biên giới đã diễn ra các trận đấu khẩu dữ dội. Bên Khổ chửi đổng khách khứa đến đông chẳng qua nhờ sẵn đĩ. Bên Điền chửi đổng lại xấu như ma, da như cóc, tóc như mắm thì có vừa lạy vừa bày ra đây cũng ứ vào…

– Có mà điên nhá. Hay gì cái thứ buôn trôn!

Sáng tạo dân gian liền được quốc vương Khổ túm ngay lấy, coi như phát kiến lớn của quần chúng ít học nhưng có đặc tính là hễ ba anh chụm lại với nhau là trí tuệ liền cao ngang thạc sĩ. Vua mật dụ từ nay bộ máy của ngài không gọi nước hàng xóm là Điền quốc mà đổi ra thành Điên quốc, nước điên. (Nước điên đến lúc có thể trẹo sang nước điếm cũng được! Trong mật dụ có thêm chú thích tuyệt mật này nữa). Cả giấy tờ, công hàm gửi Điền cũng chỉ viết Điên, nại cớ máy chữ chúng tôi thiếu cái dấu huyền.

Vua Điền phải giận. Hắn bôi ta ở cả lĩnh vực ngoại giao, lễ tân. Máy chữ ngoại đầy dấu huyền ra kia.

Thật ra hai ông vua hiểu nguồn cơn sâu xa của xung đột là ở ý hệ: Điền theo thuyết trung dung – người hiểu đời, hay kẻ hiền là không có ý tứ, bản sắc gì hết. Cuộc đời như dòng nước, nước chảy đến đâu khắc đắp nên bờ hay lở nên vực, anh chớ có hoạch định cái gì, anh hoạch định có ngày sẽ bị tự nhiên hay xã hội nó vả ngược lại vỡ mặt. Trong khi đó nước Khổ lại theo tâm luận, nghĩa là việc gì cũng phải chiếu theo học thuyết xuất phát từ cái tâm cao quý. Cho nên vua Khổ thấy thực chất chủ thuyết nước Điền đề xướng chỉ là chủ nghĩa buông tay. Nói nôm na là tự nhiên như ruồi. Đã là ruồi thì dính đến giòi, nghĩa là ăn uống rất phàm mà sinh con đẻ cái tràn lan. Vậy vì lợi ích vệ sinh dân tộc cần phải đánh chặn từ xa. Chặn tốt nhất là vùi cái học thuyết nước chảy bèo trôi, tự nhiên như ruồi của thằng hàng xóm xuống tận đất đen bằng phương pháp toàn diện phê phán, trước hết ở mặt lý luận, thứ đến học tập toàn dân lên án nó, nói theo y học là tiêm vắc xin phòng bệnh cho từ đứa trẻ bắt đầu biết hóng chuyện. Sáng sáng, các nhà trẻ đều có tiết mục các cháu đứng nghiêm nhìn lên phương bắc, chỉ tay lên phương bắc đồng hô ba hồi: “Điên, điên, điên! Ruồi, ruồi, ruồi!” rồi múa Đập ruồi, mỗi đứa một cái vỉ giơ lên quật xuống nom dẻo ra dáng…

Ủ dần ủ dà nỗi niềm thế nào đến ngày vua Khổ thấy không xuất binh đánh Điền không xong. Ông suy nghĩ rất nhiều về kế tác chiến. Cái khó nhất mà ông phải tốn tâm trí là kiếm ra một cớ hợp thức, tranh thủ được sự đồng tình của thiên hạ. Ai lại nói là đánh nó vì ý hệ của nó chứ? Phải tìm một lý do gì nghe kêu. Ông đã chỉ thị ngành sử nghiên cứu xem hai nước có chung nguồn đụng gốc gì không để ông dựng nên quan hệ huyết thống chính đáng làm cớ cao quý và chính nghĩa cho công cuộc giải phóng đồng bào.

Tin nước Khổ chuẩn bị cung kiếm đến tai vua Điền. Quần thần có người nao núng. Bởi lẽ nước Khổ vốn lừng danh chiến trận. Nhờ dân muôn lòng như một coi chết chóc là chuyện vô tư, sống là cực dương, chết là cực âm của vật chất mà thôi. Một vị đại thuợng thư nước Điền còn vạch trước ra động lực chính yếu khiến cho lần này nếu chiến tranh nổ ra giữa hai nước thì sẽ rất chi ác liệt. Đó là đàn bà con gái Điền – miếng mỡ ngon lành treo ở đầu mũi những con mèo đực hung ác mà thèm khát đã lâu là đám lính Khổ. Xưa nay bên Khổ chẳng thèm rỏ dãi họ ra đấy sao? Bị ta cấm kết hôn, coi như bị nhục, họ đã nuôi dưỡng nó như một mối hận sâu. Nay nếu mà cái đập ấy bung ra thì đàn bà con gái nước nhà bâu pờn đến đâu đây?

Sẵn tiền, ăn sung mặc sướng quen, quân dân Điền có vẻ thiên về hoà. Hay là hãy nới ra đôi chút với họ. Cho mỗi năm người Khổ được lấy bao nhiêu con gái Điền, nhập bao nhiêu đá kỳ cải tạo da thịt…, lên quota rõ ràng và ký hiệp định thương mại song phương hẳn hoi.

Nhưng vua Điền cả cười:

– Biết các khanh không muốn trăm dân đau khổ, ta rất vui lòng. Nhưng ta có cách hòa, hoà mà lỡi chứ không lõm… Các khanh chỉ cần chịu chi, đúng lệnh ta.

Vua Điền không điên. Ông biết người Khổ một lòng với nhau trong chinh chiến, đúng thế, nhưng còn có một điểm nữa họ cũng một lòng với nhau, đó là mê hơi đồng, thậm chí mê hơn mọi thứ. Ông quyết thử áp dụng đặc thù của thời đại tiêu dùng ông ngẫm nghĩ lâu nay. “Có tiền mua vua cũng được” .

*

* *

Dọc biên giới hai nước, ở phía Điền bỗng một hôm thấy dựng lên san sát các điểm thu mua chó. Y học Điền cần rất nhiều chó cho nghiên cứu khoa học, nói thế. Đâu như cho chó chui vào lòng đất dò tìm địa nhiệt để khai thác năng lượng thay thế xăng dầu, than đá ô nhiễm môi trường.

– Đúng là bọn điên.

Dân Khổ phá lên cười trước cảnh tượng quán xá thu mua chó san sát, cờ xí phấp phới, các cô thu mua đều lộng lẫy như tiên sa mà lại biết hát những an-bom ăn khách nhất lúc đó. Gọi chúng nó là nước điên không oan…

Có điên đến cấp cụ cấp kị thì mới đi mua về cái thứ ở bên nước Khổ chạy hoang ị bậy cả đàn trên đường chẳng ai thèm bắt? Mà còn rước giá lên cao quá xá nữa mới khiếp! Đúng thế, nghe giá mua chó, dân Khổ thất kinh: bán ba con là tậu nổi đứt đuôi một con nghé hoa cày băng băng hơn máy…

Người Khổ từ đấy đứng chật kín các điểm thu mua chó của Điền. Người ít cũng phải một lồng vài con cộng một con dắt theo, một con quàng quanh cổ. Nhà sẵn thì đẩy xe bò trên ngổn ngang toàn chó là chó. Cung nhiều đến độ các tiên nữ thu mua chó không kịp nhốt chó trả tiền, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. (Được cái nước da trắng đổ mồ hôi lại càng trắng và thịt lại càng thơm, đàn ông nước Khổ ôm chó xếp hàng chờ chợt thấy bõ quá: tưởng xểnh nhà ra thất nghiệp, ai ngờ thành khán giả thưởng thức văn nghệ). Nhưng rồi như quy luật kinh tế đã dạy, khủng hoảng thiếu thừa đều dẫn tới đụng độ. Có điều ở trường hợp này là đụng độ giữa nội bộ bên cung. Chen nhau, chửi nhau, thậm chí thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Vua Khổ phải bí mật cử chính trị viên trà trộn vào để giáo dục khéo kẻo mất uy tín đất nước… Các vị tư tưởng này ôm chó bên người loăng quăng đi lại giáo dục can ngăn chứ không bán. Bán hết thì về chứ ở lại loăng quăng làm gì?

Phải nhận vua Khổ mất công như thế cũng đáng vì thứ nhất mậu dịch đối ngọai chó quá là hời, nó thay đổi nhanh như chớp diện mạo tinh thần, vật chất người dân nước Khổ. Dân Khổ tưng bừng hẳn lên, nhà nhà tiệc tùng liên hoan, điều trước kia hiếm như nhật thực. Thứ hai, vua Khổ mừng hơn nữa là việc mua chó nghiên cứu nguồn địa nhiệt như vậy cho thấy vua Điền không hề cảnh giác công chuyện ông chuẩn bị đánh họ. Vùi đầu vào nghiên cứu cái đẩu đâu mà mối nguy trước mắt lại mặc. Rồi sẽ chó chết cả lũ cho mà xem. Vua Khổ rất đắc ý. Ngài khuyên dân hãy chịu khó sang Điền cung cấp chó cho nguời ta. Chớ xấu hổ và chớ vội thoả lòng. Thôi thì vừa có tiền lại vừa giúp làm cùn cảnh giác của đối phương…

Rồi cả nước Khổ hết nhẵn chó!

May là bán chó nên có tiền mua được bô men, bô i-nốc không gỉ ở Điền về chứ không thì trẻ con bĩnh ra sẽ lôi thôi to. Hỏi còn thứ nào dọn nhanh gọn và triệt để bằng chó? Đêm làng mạc im như tờ, dân Khổ ngủ tốt hẳn hơn lên từ đây. Ngủ yên và mong Điền sẽ điên ra một mẻ gì nữa cho mình sang vừa nghe nhạc, vừa ngắm tiên nữ Điên vừa vét túi chúng. Các quán thu mua chó nay vắng ngẳt cũng buồn. Nhưng lạ là chúng không dẹp quán dỡ sạp. Bọn này làm gì cũng như lũ điên. Bên Khổ thì chẳng cần lệnh, dân đã dọn hết bay về làm củi.

Mà Điền điên nữa thật, dân Khổ được phen nhét bộn thêm tiền vào túi nữa thật.

Bây giờ chúng lại trương biển gọi loa mua thứ mới: mèo. Thì mèo meo meo ấy chứ còn gì? Dân Khổ cứ tròn xoe mắt lên với nhau. Rồi lại ùn ùn kéo sang Điền. Với những con mèo. Bận này điên to lắm rồi. Ai đời ba mèo bằng một chó! Chín miu được một nghé hoa!

Thế là chả mấy chốc bói cả nước Khổ không đâu ra được một con miu ranh. Kết quả ra nhỡn tiền ngay. Cả nước không ngủ yên được nữa. Chuột phá hơn giặc. Cho người sang mua thuốc diệt chuột nổi tiếng của Điền – chỉ ngửi thôi đã chết cứng – thì các cửa hàng đều nói họ hết từ lâu… Chuột phá quá khổ song có nhiều tiền ních túi, sắm sửa, liên hoan ăn tươi vẫn hơn. Chuột là cái nhỏ, khắc phục được, làm bẫy đặt bẫy. Nhựa đa lấy về bôi lên mo cau rồi đặt ở những lõng ra vào chiến lược của chuột. Dính ra phết!

Năm ấy mùa màng nước Khổ kém. Dân còn mải đi bán chó bán mèo chểnh mảng trồng trọt, tưới tắm. Loe hoe ở đồng ít lúa bị chuột xơi sạch.

Mất mùa thì dân đói. Sang Điền đong, họ không bán. Bảo họ cần dự trữ phòng lũ lụt.

Bạn đồng hành của nạn đói dĩ nhiên là cái chết. Nhưng cái chết lại có quân tiền trạm mở đường. Đó là kẻ trộm. Bây giờ trộm cắp ở nước Khổ hơn rươi. Trộm ngày, trộm đêm. Trộm ngay ở hàng xóm. Không tha thứ gì, miễn là có cái bán được để đong gạo vặt về nấu cháo ăn cầm hơi. Thấy nhà nào xì xụp có bữa là biết ngay nó vừa khoắng của ai.

Tình hình đang khốn đốn vì trộm cắp thì các điểm thu mua ở bên Điền lại mở. Mua ngói, đắt bao nhiêu cũng mua. Đặc biệt lần này có khoản đổi ngói lấy gạo được dân Khổ rất ưng.

Phải chứng kiến cảnh dân Khổ ngồi đen trên mái nhà dỡ ngói. Họ biết là hết ngói thì sẽ bị mưa gió. Nhưng họ cũng biết lá cọ hay rạ hay gianh đều thay được ngói ngon lành.

Chả mấy chốc ở nước Khổ chỉ cung điện nhà vua và dinh thự quan lại mới vẹn toàn ngói. Cả nước nay đã mất màu ngói đỏ hay màu ngói rêu phong. Những toà nhà nguy nga lợp lá cọ hay tranh rạ nom phỉ phui chứ, cứ như thằng bị chặt đầu rồi để cho đứng.

Chiến dịch ngói vừa xong, nước Điền phát động tiếp luôn ngay chiến dịch gạch.

Lần này kiến trúc nước Khổ lấy lại được cân bằng truyền thống ông cha: mái tranh thì vách đất. Cố nhiên vẫn trừ lâu đài cung điện nhà vua và dinh thự quan lại…

Bệnh điên của Điền phát triển quá kỳ quặc.

Chúng mở chiến dịch thu mua áo quần may sẵn. Chẳng bao lâu lấy cớ mình xứ nóng, người nước Khổ chỉ thuần có đóng khố. Đàn bà con gái thì được tấm yếm và mảnh quần đùi to gấp hai chiếc xịp của phụ nữ Điền, thứ phụ nữ Khổ không dám thọc chân qua bao giờ. Nay cẳng vế lộ ra cũng không đến nỗi. Sau một thời gian đùi vế công khai, cơ quan quản lý dân số chợt thống kê thấy trẻ sơ sinh tăng vọt trong thời gian yếm trần quần đùi xịp. Nhà vua mở một cơ quan cho thuê quần áo dài để dành cho những ai có việc gặp quan thì thuê mặc. Nghe nói cứa đứt họng, thuê nửa ngày một bộ mà đắt ngang một bộ mới hàng hiệu. Nhưng biết làm sao? Vào cửa quan không được phép đóng khố!

Hai trường phái học thuật ở Khổ lâu ngày nhàn rỗi liền có đề tài tranh cãi sôi nổi: một bên cho rằng đồng tiền có sức mạnh ma quái, phải trừ bỏ đồng tiền, một bên cho rằng lòng tham mới là nguyên nhân ban đầu, phải cải tạo cho nhân tâm hết tham. Bởi đồng tiền nó tồn tại khách quan còn lòng tham là tồn tại chủ quan, là phản ánh cái khách quan, có thể chế ngự được. Tranh luận ỏm tỏi giữa khách quan phản ánh hay hiện thực, cái nào có trước, tốn bao giấy mực.

Trong khi chưa ngã ngũ về lý luận để có phương hướng giáo dục và khắc phục thích hợp thì nước Điền đã rao mua một thứ mới. Thứ này kinh hoàng: ván thiên!

Vua Khổ phải cử quân lính đi canh giữ các bãi tha ma trong nước. Nhưng bó tay. Dân đâu chỉ là tai mắt! Dân còn là tay chân sờ mó đào bới hạng siêu. Chẳng mấy chốc tất cả mồ mả ở nước Khổ đều bị phanh. Ông bà ông vải, bố mẹ, thân thích ra đi ấm êm nay chỉ còn được che đắp bằng phên tre trên lấp đất. Người nhiều tiền thì đan phên bằng tre đằng ngà hay trúc ngọc rồi nhập đất Điền – cũng phảng phất mùi đá kỳ – về lấp lên trên cho các cụ.

Ván thiên lột hết, thị trường im được một tuần, ngồi nhà ngóng xem phiên mới sẽ thế nào mà buồn như trấu cắn. Hệt như ở các nước họ ngóng thị trường chứng khoán vậy. Thì đùng, nó mua sọ người chết. Có mà đồn hoắng thế nào chứ lại như thế được ư? Tôi vừa sang bên nó về xong kìa. Mua đầu lâu hoa cái thật. Nghe đâu nó dùng để nghiên cứu thôi miên chữa bệnh. Ai mắc bệnh tâm thần cứ việc ngồi ngó hoài vào hai hố mắt có yểm bùa hay đã tẩm nhuộm những thuốc gì gì chỉ có ma mới biết thì sẽ khỏi.

Vua Điền quá thâm! Trưng ra toàn những lý do cứu nhân độ thế mà che đậy mưu hiểm.

Áo quan bị phanh phui nhưng người chết còn vẹn thân. Nay người chết bị con cháu mượn đi mất cả đầu. May sao người dân Khổ giỏi nặn tượng đất, người chết đều được lắp hoa cái đất. Nhà giàu thì gỗ sơn son thiếp vàng. Thôi, coi như các cụ không thiếu hụt gì. Cát bụi lại trở về cát bụi ấy mà.

Yên ổn một thời gian, đủ cho người Khổ đỡ áy náy day dứt về việc đào cả mồ mả tỉên tổ lên thì nó mở đợt thu mua mới.

Thu mua tiếng nói nước Khổ! Dân Khổ thoạt nghe lời rao mua này đều phì cười. Lời nói gió bay, mua sao nổi, cái quân giàu tiền nó mới ngu làm sao! Nhưng không. Giàu nó mới lắm mẹo. Chả có khó gì việc mua bán cái hơi vận chuyển âm thanh này. Người Khổ chỉ việc sang qua biên giới ngồi tập trung vào một chỗ để người Điền – lại toàn con gái thơm phức – đến đặt vào giữa hai môi một miếng giấy rồi yêu cầu ngậm chặt lấy tờ giấy có phết một loại sơn không khô trong vài ba tiếng đồng hồ, thời hạn mua tiếng nói nước Khổ. Nghĩa là vua Điền dùng tiền bắt người Khổ trong mấy tiếng đồng hồ khinh tái ngay chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Phải nhận Điền trí lự có thừa. Nó giao hẹn trước nếu nhả hay lấy tay gỡ bỏ giấy ra thì tay anh sẽ để lại dấu vân tay trên mặt sơn ướt và anh thua cuộc. May sao nó còn có lương tâm tránh cho người Khổ bị khát trong khi bán tiếng nói dân tộc. Trước khi bắt mím môi giữ chặt lấy giấy sơn, nó đã cho người Khổ ngậm mấy viên ô mai cam thảo. Như thế anh sẽ tự giải khát bằng nước bọt của anh tứa ra. Trong số dân sang Điền bán tiếng nói, người ta thấy có nhiều thanh niên trai tráng khỏe mạnh vạm vỡ lắm. Đồn rằng các đồn binh đã phái lính sang kinh doanh… câm lấy tiền. Và vua Khổ cũng đồng tình vì như vậy đặc công nổi tiếng của Khổ có thêm dịp thực tập áp sát địch ngay tại trên đất địch mà không lộ một tí âm thanh nào.

Không biết vua Điền qua đây muốn thể nghiệm một điều: khi không cho dân nói thì trí tuệ dân sẽ cùn… Và cả lòng dũng cảm.

Chiến dịch thu mua quốc ngữ, quốc âm kéo dài chừng vài tháng thì Điền gọi loa nói mua tay. Không, yên tâm đi, không chặt, không mất một li một lai, còn nguyên vẹn tay. Chỉ cần sang Điền đứng thò hai tay qua một bức vách có khoét lỗ nhét vừa cổ tay rồi hai tay cứ múa cứ vờn gió suông như vậy chừng nửa ngày.

Vua quan Điền bảo nhau:

– Thế này hỏi bên Khổ còn đâu ra binh lính mà xâm lược chúng ta! Khéo rao múa giáo mác giá cao chúng cũng bán sạch.

Khổ chưa kịp bình tâm trước các o-đơ hàng quái đản, Điền lại phát động đợt thu mua mới toe. Oái oăm là bây giờ thu mua toàn gái một con trông mòn con mắt. Phải nhận rằng gái có chồng đất Khổ đã giữ được lòng dạ son sắt một thời gian khá lâu.

Nhưng các nhà xã hội học nước Khổ cuối cùng đã đành ngao ngán mà khẳng định kim ngân với hấp lực của nó đã thắng tình nghĩa. Thật ra ngoài kim ngân, các gái một con của Khổ còn mong ước được thay da đổi thịt, cái việc sau này người ta gọi là thay đổi quốc tịch.

Ôi, ngày nào bán chó, đêm đêm tiếng người hô bắt trộm om sòm làng xóm thì nay tiếng trẻ nhớ mẹ đòi bú nghe mới càng náo loạn hơn siết bao.

Còn các nhà xã hội học Khổ vốn xính lý thuyết bắt đầu đi sâu nghiên cứu tác dụng của kim ngân diệt… chết tinh thần. Các cụ già Khổ không có gì để bán thì khẽ thầm bảo nhau thế này mới thật đúng là nước khổ đây.

Trong lúc đó vua Điền nói riêng với mấy cận thần tin cậy nhất:

– Có khanh mách nước ta nên cho đàn ông đàn bà nước Khổ sang làm tình thoải mái ở bên ta, nhà trọ, nhà nghỉ hẳn hoi không lấy tiền mà lại còn được tiền thưởng đem về. Kế ấy rất đáng khen. Song từ lâu ta biết nay đã thừa sức mua bay cả tên nước Khổ này vậy nên chi bằng hãy đẩy nhanh tốc độ thâu tóm.

Ngày hôm sau nước Điền rao thu mua mặt hàng mới. Mua đầu lâu người sống. Lý do là để chiết xuất ra ở não người chất thuốc có thể cải tử hoàn sinh. Nghe dã man nhưng chuyện tự do thị trường, thuận mua vừa bán, cấm đoán người ta sao được.

Phải nhận rằng cả một thời gian dài không có ai hưởng ứng việc rao mua đầu người sống ở nước Khổ. Còn chút lương tâm, người Khổ chưa đến nỗi đè nhau ra xin nhau cái gáo đem xuất khẩu. Nhưng trước nguy cơ đầu người sống bị đe dọa gắt gao, nhà vua nước Khổ nhìn xa trông rộng đã có biện pháp răn đe. Kịp thời ban luật mới: phàm đã phạm pháp thì đều xử trảm, bất phân nặng nhẹ!

Dĩ nhiên máy chém phải lưu động hàng ngày mới xử kịp. Lúc này, dân Khổ liền kịp thời phối hợp với luật pháp nghiêm minh của nhà vua, sẵn sàng ra tay cắt nghiến đầu của bất cứ kẻ nào tỏ ra có dấu hiệu láo lếu. Các bễ thợ rèn lập tức đông khách quá xá. Ai cũng thuê đánh cho một cái cổ dề bằng sắt. Ít ra thì kẻ xấu chúng không được dễ dàng hạ thủ. Lúc này đường phố, chợ búa nước Khổ vắng lặng hẳn đi. Người ta bắt đầu thấy hoảng: tiền có thể dẫn đến ác mộng.

*

* *

May sao trời đổ mưa tầm tã liền nửa tháng. Đất thành sông, sóng vỗ oàm oạp ngay ở trong nhà. Đặc biệt ở dưới thấp, kinh thành nước Khổ ngập lụt mênh mang. Nước khoét, nước đào, rồi một sáng nọ, tường hoàng thành sụp.

Mở ra toang hoác một hệ thống hầm ngầm kiên cố thông ngược sang tận nước Điền. Đường thông thương mà cũng là kho chứa hàng hoá. Có thứ hàng chưa tiêu thụ hết, thí dụ ván thiên… Nhưng nhiều nhất vẫn là đầu các tội nhân mới bị hành hình.

Hoá ra vua Khổ là đầu nậu mậu biên hùng hậu! Ông lao vào thị trường tự do ngay từ khi Điền thu mua mẻ chó đầu tiên. Từ lâu hai quốc vương đã có các cuộc hội đàm mật.

Kinh thành sập, hệ thống hầm mậu dịch chui lộ thiên thì vua nước Khổ cũng mất tích.

Lúc ấy, vua Điền bèn cử sang một người nước Điền chính tông (da trắng như da con gái Điền mười sáu tuổi và thơm đến mức đứng cách tường vẫn thấy ngào ngạt) sang làm phó vương. Đổi lại dân Khổ được nước Điền tạm cấp tiền gạo. Không thạo tiếng Khổ lắm, phó vương đã phải vời ba vị quốc sư đến kèm cặp ngôn ngữ.

Dân Khổ buồn lắm: mất vua là hao mòn tự hào dân tộc.

Thật ra không hao không mòn gì hết! Họ không biết thôi, phó vương người xứ Điền mới sang chấp chính kia chính là quốc vương của họ. Ông đã mang hết của cải tích lũy được trong cuộc mậu biên chui chui lủi lủi thời gian qua sang gửi quốc vương Điền làm thế chấp. Đáp lại vua Điền cho ông hưởng đặc ân được mượn tư cách người gốc Điền sang trị vì nước ông. Phải giấu lý lịch vì chả lẽ người buôn lậu và vượt biên như ông vẫn cứ quyền như cũ hay sao? Ngoài đặc ân cho cầm quyền mà không mất thể diện vua Điền còn cho ngài được thả cửa dùng đá kỳ để Điền hoá màu da và mùi thịt.

Tụt cấp nhân thân xuống phó vương nhưng nâng cấp hình hài, ngài tự nhủ thế coi là hoà. Nhưng ngài ôm kín một nguyện ước vì nước vì non đáng trọng: qua gien mới của mình, ngài sẽ cải tạo nòi giống Khổ. Khi đã thay đổi dân hình rồi ngài sẽ nâng cao dân trí và lúc ấy ngài sẽ lo đến phục hồi danh dự bản thân. Ngài không thể không nuôi một lý tưởng gì cho đất nước.

Trong khi chờ thời cơ, ngài vẫn phải nghiêm lệnh nước Điền. Tức là cấm người Khổ bén mảng gần gũi đá kỳ Điền, thứ ngài luôn để vài hòn trong túi gấm ngài dắt ngang lưng để ngài có thể thường xuyên sờ nắn. Ba vị quốc sư kèm cặp ngôn ngữ Khổ cho ngài học vờ đến giờ lui gót đều phải tắm rửa và thay quần áo ở tại triều. Không cho các phân tử sắc và mùi có sức lan tỏa ghê gớm như đá Điền ra khỏi cung.

Có một bí mật. Đó là đêm đêm cựu vương Khổ vẫn bẹo nách ra để dí mũi vào mà hít rồi cười khoái trá. Chí nguyện thầm lén của ngài là hít được nách quốc vương Điền. Quá khó. Nhưng phải thực sự cầu thị tận nơi như thế. để ngã ngũ xem mèo nào hơn mỉu nào. Chung quy cũng là do ngài thầm nuôi vụng ủ lý tưởng khôi phục tự hào dân tộc. Ngài biết sự nghiệp hưng quốc phải bắt đầu từ chỗ dấy hương – không phải dấy binh mà là danh thơm: hương Khổ phải vượt hương thiên hạ cái đã rồi mới bàn đến chuyện lớn khác.

Nhưng sao ông vua trá hình để giữ ghế này lại cứ mết cái hương nước điên?

T.Đ.

1999

Comments are closed.