Văn Hải ngoại (kỳ 302): Bể dâu – Nam Dao (21)

XỔ LỒNG

Cửa sập lại, và như thế chút nắng ngoài kia chỉ còn hắt qua những chiếc chấn song sắt han rỉ. Người đàn bà bước đến, lông mày xếch lên, môi trề ra. Tại sao anh lại đánh ông ấy? Câu nói vừa dứt, ánh nắng chao nghiêng. Hắn giụi mắt, nhướng lên nhìn, ngô nghê, hỏi tại sao đánh, mà đánh ai mới được cơ chứ! Người đàn bà lúc lắc cái đầu to quá khổ. Tay giơ chiếc nạng gỗ lên ngang tầm mắt, bà ta gằn, xem đây, còn dính cả máu, không phải anh thì ai quật vào đầu ông ấy. Ới giời ơi là giời, ông ấy có sao không? Sao chứ lại không sao! Chết rồi à? Chết thì chưa, nhưng chỉ tí nữa là toi. Lạy Giời, thật là may. Ai may, người đàn bà sẵng giọng, anh hay tôi, hay ông ấy? Chắc không phải tôi đâu, bà ta mỉa mai, giọng chua như mẻ. Hắn cúi gằm mặt, hai tay đấm thùm thụp vào ngực.

Đúng thế, viết đi, cứ kiểm điểm là xong. Bắt đầu, khai ra tên tôi là… Tên… tôi… là… Phan Thượng Nhân, xã… huyện… tỉnh… Người đàn bà ghé mắt nhìn, gắt, không phải thế! Anh không phải là Phan thượng Nhân. Thế ư? Vậy tôi là ai? Là Dân, bà ta cố trấn tĩnh. Hai tay đưa lên rồi bỏ cho rơi thõng xuống, bà ta bước ra khỏi căn phòng hẹp cuối hành lang. Tiếng chìa khoá tra vào ổ. Rồi tiếng xâu khóa leng keng đập nhau nhịp cho bước chân xa dần, mất hút. Hắn thở ra. Hắn dập chữ Nhân. Tôi tên là Phan Thượng Dân, quê ở…Khai thế này từ thuở học cấp hai, chán thế, như bát cơm vừa khê vừa nhão. Quơ chiếc nạng, hắn lảo đảo đứng lên. Đến dựa bên cửa sổ, hắn lẩm nhẩm, Nhân chứ. Thằng Dân là đứa em song sinh của mình cơ mà. Hai anh em, chỉ khác nhau chỗ một thằng đầu có một khoáy, thằng kia tham lam, đầu có những hai khoáy. Mình nhường, một cũng được. Nhưng mình chưa bao giờ thấy tận mắt đầu mình một hay hai khoáy. Ở với nhau được đến năm lên sáu, lẽ ra mình có thể kiểm nghiệm trên đầu thằng anh hay thằng em kia. Vì không làm, nên mình là thằng nào, Nhân hay Dân? Con mụ hoạnh họe mình ngu thật, nó nhầm chứ mình làm sao lẫn được mình với người khác. Thôi, vào xóa chữ Dân vậy.

Ơ mà này, nghe đâu có tiếng ầm ì từ cuối trời vẳng lại. Gió bất chợt bốc từng cơn cuốn thốc những chiếc lá bàng từ nền sân đất nện lên trời. Lá bay, nhìn xa tựa một đàn bướm nhởn nhơ chao lượn. Những con bướm này chẳng khác bướm bản Chênh Vênh chân Trường Sơn, bom đạn thế mà cứ ngu dại nhởn nhơ. Thời còn nằm ở địa đạo Vĩnh Mốc, thỉnh thoảng bắt được con nào thật đẹp là mình rút ruột rồi kẹp vào quyển sổ tay ép khô. Đồng đội trêu, ê này thủ trưởng, lính mà sao lại lãng mạn ủy mị như đàn bà con gái thế hả. Chúng nó nào có biết, xưa yêu quê hương vì có hoa có bướm. Có những lần trốn học bị đòn roi [1]… Còn nay? Im miệng, cấm hỏi, tiên sư chúng mày, chuyện riêng tư. Ái chà, đồng đội đồng chí với nhau, ép bướm cho người yêu chứ gì! Cái con bé mắt lá dăm trong đội thanh niên xung phong thỉnh thoảng tải gạo đến đơn vị mình, có đúng không? Thình lình sấm động. Mưa thưa hột lộp bộp. Bóng ai như Thắm thì phải. Bầu trời nhoáng lửa bổ dọc thành hai mảnh run rẩy. Tiếng sét xé không gian tưa ra như tấm áo mục rách tả tơi. Nay yêu quê hương vì trong từng nấm đất… Khốn nạn, Thần Sấm vừa qua, Con Ma đã tới. F-4 hay F-108 đây? Nhìn ra ngoài cửa sổ, mình kêu toáng lên, bướm ơi, có cánh thì bay, bay đi cho nhanh. Nhưng sao đàn bướm vẫn cứ chập chờn lượn quanh Thắm. Thắm ơi, vào hầm trú, nó đánh bom. Con Ma rú rít sẹt ngang đầu. Đất đá tung tưởi. Có một phần xương thịt của em tôi. Mưa nặng hột, rào rào vỗ lên những mái tôn cười từng tràng phụ họa cho trận bom nổ trên thân thể Thắm đang bị vây hãm trong đàn bướm nhởn nhơ.

Hắn vung chiếc nạng thẳng cánh quật vào khung cửa sổ, miệng há hốc gọi tên Thắm, mắt lồi ra đỏ lè như lửa bốc cháy rừng. Quị xuống, hắn rúc đầu giữa hai đầu gối, người co giật, bọt mép nhễ nhại ứa trắng, và cứ thế gào thét cho đến lúc có người tung cửa xông vào.

*

Cuộc hội chẩn gồm 3 giọng. Giọng 1, ề à, miệng thỉnh thoảng chép chép như thể đang xỉa răng, có lẽ là giọng một chức sắc trong ngành nghề. Giọng 2, đa dạng, lắm lúc the thé rồi bất chợt hạ xuống thầm thì bí mật, đúng là giọng con mụ ấy, đang ở tuổi mãn kinh nhưng vẫn lăm le lên chức trưởng khoa một ngành trị liệu trong cái nhà thương Sài Đồng chẳng mấy ai để ý đến này. Giọng 3, giọng thanh niên, phát ngôn kiểu có chút nóng nẩy của anh y sĩ nào đó chắc mới ra trường.

Giọng 2: Báo cáo anh, đây là lần đầu bệnh nhân nổi hung đánh người chứ bình thường, anh ta ngồi đâu ngồi đó, im như thóc, lành như đất. Em theo rõi anh ta từ gần năm nay, không thấy triệu chứng gì, lắm lúc còn nghi vấn anh ta giả bệnh để khỏi phấn đấu kiếm ăn bên ngoài!

Giọng 1: Ờ… cũng có thể, thương phế như thế khối người vờ vịt chứ ra khỏi nhà thương là chỉ có đói! (chép, chép) Thời này hết bao cấp nên thấy tống khứ đứa nào được cứ tống, ngân sách chẳng có bao nhiêu, tỉnh cứ dùng dằng, cuối năm rồi mà vẫn chỉ giao chưa đến năm mươi phần trăm. Ờ ờ… Thuốc men thì từng bước chuyển dần sang Đông Y (tiếng mở giấy loạt xoạt) Ờ, Phan Thượng Dân, cấp úy Quân Đội Nhân Dân… ờ ờ… Mặt trận Quảng Trị, bị bom… ờ ờ… Huân Chương Chiến công, phục viên, về Kiến Thụy rồi được lên Hà Nội học Tổng Hợp, khoa Văn. Bộ Thương Binh Xã Hội báo cáo y thị phát rồ, suốt ngày đi bắt châu chấu, không lao động. Y lại có tật chửi đổng… (cười) có thể gây hoang mang cho quần chúng. Ờ ờ… Thỉnh thoảng y khóc rống lên rồi gọi tên Thắm, gọi mẹ. Bộ đẩy đương sự về địa phương, rồi Ủy ban Nhân Dân Xã khiếu nại trả đương sự lại cho cơ quan quản lý xã hội thương binh. Hừm… kéo qua giằng lại và cuối cùng thì là nhà thương đây (thở dài, tiếng gấp giấy loạt xoạt). Các đồng chí nghĩ thế nào?

Giọng 2: Báo cáo thủ trưởng, em cho là hung bạo gây thương tích thì phải xử lý nội bộ, có biện pháp cải tạo, không được thì trừng trị!

Giọng 3: Em xin phép được phát biểu… (hắng giọng) Đó là đối với những người bình thường, chứ với người bệnh thì hành động của bệnh nhân vô ý thức. Vì thế xử lý, cải tạo, trừng trị là thế nào? Nhà thương chỉ có một việc là chữa bệnh cho người ốm, và muốn chữa thì phải đi tìm căn do!

Giọng 2 (cười, khinh khỉnh): Ai chả biết thế, học ở trường mà. Chú không biết chứ thực tế nó khác. Làm bậy, cai bệnh cứ đánh, đánh cho đau thì sợ. Cái sự chú gọi là vô ý thức được thay bằng cái sự sợ… Thế là vào khuôn phép, cứ răm rắp cả. Báo cáo thủ trưởng, mềm thì nắn, vào đến đây có rắn cũng nắn cho mềm.

Giọng 3 (ngắt): Nhà thương khác, nhà tù khác. Cai tù đánh thì khả dĩ còn hiểu được, chứ cai bệnh khác cai tù, chức năng là góp phần trị bệnh cho những người tâm thần. Cứ là cai thì có quyền đánh thì quả (cười nhạt)… ‘‘ta có cách của ta’’ thật!

Giọng 1 (xen vào): Ờ… này nhé, đại đoàn kết thì đại thành công, phải không nào? Chúng ta trao đổi chuyên môn trên tinh thần nội bộ, các đồng chí nhớ cho…Ờ ờ…(miệng chép chép) Thế hệ mới được đào tạo có khác với cái thời của mình. Cứ như mình, học y được hai năm thì lệnh đi B, thế là khăn gói lên đường, vừa đi vừa học, phấn đấu dưới hai ngọn cờ trong ba dòng thác Cách Mạng. Nhưng chuyên không bằng hồng, thằng nào cũng biết cái thời đó là như thế…Ờ ờ (nhìn người đàn bà, cười nháy mắt) Sau thì khác, phải lấy hồng xen chuyên mới được. (Quay sang thanh niên) Thời của cậu thì thế nào đây?

Giọng 3 ( chậm rãi): Thời chúng tôi là thời làm y sĩ thì công việc là chữa bệnh, tất phải chuyên. Còn hồng hay xanh hay đen hay trắng thì là chuyện quản lý, chuyện lãnh đạo! Công nào việc nấy!

Giọng 2 (cười nhạt, mỉa): Cái thời trứng khôn hơn rận mà lại!

Giọng 1: Thôi, thôi! Tôi giao cho chú bệnh nhân này nhé… Phương án trị liệu của chú thế nào? Chú trình bày sơ qua cho chúng tôi biết, được không?

Giọng 3: Phải tìm căn do. (tần ngần, lẩm nhẩm nói một mình)… những con châu chấu, Thắm, lẫn lộn Nhân với Dân…Khung hiện thực vật chất chao đảo trên cái nền tâm linh hỗn mang!

Giọng 2 (bực bội): Báo cáo thủ trưởng, cái nền vật chất là cơ bản. Nền, chứ không phải khung! Cơ sở của duy vật biện chứng không chấp nhận đi ngược lại!

Giọng 1 ( ê a): Thôi, cho tôi xin… Đã bảo phải đoàn kết mà lị!

*

Tôi tiếp cận với anh bác sĩ trẻ trong tư thế một con lợn bị trói. Phần trên ngực và hai tay tôi nong tròn trong chiếc áo vải cứng như mo mặc ngược từ trước ra sau, cột bó giò vào chiếc giường đơn bằng gỗ tạp. Phần dưới, cổ chân bị trói vào chân giường bằng một sợi chão chắc nịch, càng đụng đậy chão càng xiết vào khiến máu không lưu thông, lâu chân tê liệt đi. Nằm ngửa như thế hai ngày, bụng rỗng. Tôi biết đang trong Hỏa Lò, cái tên bệnh nhân gọi ‘’phòng cách ly’’ dành cho những kẻ lên cơn hay phạm kỷ luật. Thế nên kêu cũng chẳng ai nghe, mà dẫu nghe thì cũng không thay đổi gì, chỉ tổ khát nước. Đói còn chịu chứ khát thì lâu là mê mụ đi, mà chao ơi, những cơn mê lại kinh hoàng gấp trăm gấp ngàn lúc tỉnh.

Nghe tiếng kẹt cửa, tôi giả tảng nhắm mắt, thở gấp lên, họng khò khè. Phương án này là để chống bọn cai bệnh, chúng thấy thế ngại mạnh tay, e bệnh nhân có thể ‘’tút’’ qua bên kia thế giới. Bác sĩ cúi xuống, tay thò vào nắm lấy mạch tay tôi, hỏi anh thấy trong người thế nào? Được dịp, tôi rên lên. Tôi lắc đầu, thều thào, nước, cho tôi nước. Rồi vừa uống, tôi vừa nhướng mắt lên. Anh ta nhỏ nhẹ, cứ uống, từ từ thôi. Tôi gật gật, nhìn kỹ. Anh ta còn rất trẻ. Sau anh kể tôi mới biết anh tốt nghiệp Đại Học Y, tu nghiệp ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức về ngành Tâm Lý, mới quay lại Hà Nội hai năm nay. Đây là một ngành tương đối mới, chỉ gần đây mới được chính thức đào tạo. Bệnh đường ruột, dạ dày, tim, phổi… có thuốc, thuyên giảm thấy và đo được. Đến mất ngủ, nhức đầu, đái đêm, di tinh, mộng tinh… chẳng thuốc tây thì thuốc ta, cứ uống mãi, cơ thể cũng dần dần điều chỉnh quân bình. Nhưng bệnh tâm là thứ bệnh nhập nhằng, bệnh không ra bệnh, kẻ mắc vào thì nhẹ gọi là hâm, là gàn, là dở người. Nặng hơn, là “chập dây”, là rồ, là tâm thần, là điên loạn. Đánh người đến suýt gây mạng vong thuộc diện điên ác, không phải điên lành. Và không khéo người ta đưa qua khu ‘‘thế giới bên kia’’, tên biệt khu dành cho những bệnh nhân xếp loại nhà thương bó tay, không chữa trị, chỉ lăm le ghi tên vào sổ Nam Tào mong nhẹ gánh càng sớm càng tốt.

Anh bác sĩ trẻ nhìn sao mà giống Chính Ủy tiểu đoàn mình đến thế. Cũng cặp kính trắng trễ xuống trên sống mũi nhô cao. Cũng cái cười nửa miệng. Cũng nhỏ nhẹ, hai bàn tay xoắn vào nhau lúc nói, đầu gật gù, giọng khi nhỏ khi to. Kéo tôi ra một góc vườn, anh hỏi, đã hồi sức chưa? Làm gì mà phải hồi sức? Anh quên rồi ư, mấy hôm trước nằm phòng cách ly vì đánh người. Thế à? Đánh ai? Tôi đáp, lơ đãng nhìn xuống thảm cỏ lung linh chút nắng vàng còn sót buổi cuối thu. Anh nhìn gì vậy? Ngóng quân. Đây này, đây này! Nó đấy, thế là bổ sung được một tốt. Tay bỏ chiếc nạng, tôi rón rén ngồi, tay kia với lên rồi thình lình từ cao chụp xuống. Mất thăng bằng, tôi chao người. Anh bác sĩ nhanh tay nắm được áo tôi, kéo lại, miệng kêu làm gì thế? Đứng thẳng dậy, tôi từ từ mở bàn tay nắm hờ. Một con châu chấu còn non ngỏng cổ, mình đen, cánh ánh sắc xanh, râu lúc lắc, chân đạp, càng giơ cao. Tôi nghiêm trang, đưa tay lên chào:

– Báo cáo Chính Ủy, bổ xung đợt này như vậy chỉ toàn lính trẻ, lại nhỏ giọt thế này, số quân trung đội tôi chưa lên được một nửa thời chốt ở Gio Linh.

Anh bác sĩ lắc đầu, ai là Chính Ủy? Thì còn ai nữa! Theo chân tôi, Chính Ủy xăm xăm bước. Đến chỗ nằm, tôi bỏ nạng, mắt đảo một vòng, cảnh giác đề phòng rồi mới cúi xuống lôi từ gầm giường chiếc hộp các tông nắp có đục sáu cái lỗ thông hơi. Tôi mở nắp, chìa cho Chính Ủy xem. Trong hộp có năm con châu chấu ma cúi cổ dương càng rồi rút hết vào một góc. Thả con vừa bắt vào, tôi trầm giọng:

– Báo cáo đồng chí, cách đây mấy ngày bị phi pháo, trung đội chúng tôi mất bẩy còn ba, yêu cầu bổ xung quân số càng sớm càng hay!

Thò tay vào nắm lấy con châu chấu non, tôi vặn béng một càng. Thấy Chính Ủy nhìn chòng chọc, tôi vội nói, tay vỗ vào cái nạng:

– Đồng chí cứ kiểm soát, đội viên đứa nào cũng mất một càng. Đơn vị tôi đặt chỉ tiêu bình đẳng lên hàng đầu, quân trang quân dụng như nhau, tim một trái, chân một cái, cơm sấy lương khô chia đều.

Thoáng một cái bóng thoắt qua.

– …Lại Nó! Báo cáo đồng chí, chuẩn bị tác chiến, tôi gầm lên.

– Nhưng Nó là ai?

Giằng lấy cái hộp, tôi luồn xuống gầm giường, nói vội, chắc đám lính Lữ Dù 2. Không, làm gì có ai đâu? Nó đấy, tôi hét, tay chỉ một người đầu quấn băng trắng vụt biến mất.

– Nó làm gì?

– Báo cáo đồng chí, chính nó đã dập pháo vào đơn vị tôi, đạp một đạp, trung đội toi mất nửa.

– Anh ta nằm cùng viện, có phải lính Dù đâu!

– Chính nó đạp, anh em mới phản công, phạng cho một cú chí mạng.

À, ra thế! Anh bác sĩ chép miệng, lẩm nhẩm, tất cả là vì những con châu chấu ma…

*

Sổ tay:

…người bệnh hai tháng liền không nói thêm một câu. Thăm anh, anh nhìn, cái nhìn vô cảm. Hỏi, anh quay đi. Vẫn vô cảm. Y tá kể, anh ôm hộp các tông có những con châu chấu, thỉnh thoảng mở ra ngắm nghía, lẩm bẩm chuyện trò. Thỉnh thoảng lại khóc, rấm rứt, tức tửi. Đêm đêm, anh mơ, miệng lảm nhảm. Bệnh nhân nằm giường bên nói, anh ngủ được thì ngáy to lắm, nhưng chỉ thế, không biết gì thêm….

Làm sao để anh nói cho bật ra cái phần vô thức? Vô thức = vô minh? Có phải phục hồi được phần ý thức là hết điên? Chắc gì! Có những cơn điên tập thể. Quẳng cả triệu người Do Thái vào lò thiêu chẳng hạn. Một xã hội cùng rủ nhau lên cơn điên thì ý thức trong trường hợp ấy là cái gì? Vừa trình bày một chút lý luận, bà X, bác sĩ vừa hồng vừa chuyên bĩu môi. Bà nói nhỏ, nhưng vừa đủ cho mọi người nghe, rỗi hơi! Đồng chí Giám Đốc bệnh viện ề à phán, chủ nghĩa xã hội nghĩa là làm sao điên mà vẫn lao động cho tốt! Và nhất định cứ một câu, đoàn kết đoàn kết. Bà X gợi ý sang xin bên Công An thuốc ‘‘sự thật’’ cứ tiêm vào là có gì nói hết, vô thức nào cũng lòi mặt chuột, chẳng thể giả điên trốn lao động mãi được! Nóng mắt lên, mình bảo: chúng ta không phải là công an. Đồng chí Giám Đốc ề à, cái thứ thuốc sự thật đó bên nhà thương dân sự không có vì đất nước chúng ta còn nghèo. Và lại đoàn kết, đoàn kết, để chấm dứt buổi họp.

Điên-tập thể. Nhắc chuyện này lại nhớ ông Elhanan Donnefeld, thầy hướng dẫn mình ở Berlin. Ông là Đức, gốc Do Thái, chạy sang Liên Xô vào đầu Thế Chiến 2 lúc 16 tuổi, xung phong vào Hồng Quân và là một trong số những người lính đầu vào giải phóng Berlin. Sau ông qua Moscova, học Y và chuyên ngành tâm bệnh trước khi trở về công tác ở Đức. Ông bị ám ảnh bởi cái chết của cả dòng họ ông, nội cũng như ngoại, khi tất cả mười sáu người máu mủ lủi thủi leo lên xe lửa đi qua Ba Lan dưới mũi súng phát-xít. Thời gian ấy ông mới mười ba tuổi, may được một bà già vốn là bà giáo dậy ông cưu mang, giấu xuống hầm trong một vùng ngoại ô. Bà bảo:‘‘ Này Elhanan, con cũng sang Ba Lan, nhưng đi bằng con đường khác, và đi với một cái tên khác, một cái tên arien [2] chính hiệu…’’. Bà buồn rầu, thì thào: ‘‘ Trong cái nước Đức này, họ phát điên lên cả rồi!’’. ‘‘ Nhưng họ là ai?’’. Bà ngoảnh mặt, thở dài ‘‘ Lạ một cái, họ chính là hậu duệ của những Holderlin, Heidegger [3]Tại sao những đứa con của một nền văn minh bỗng chốc thành bầy quỉ đi tàn hại con người hả?’’. Elhanan được những người Đức theo Cộng Sản đưa qua Liên Xô. Khi về Berlin sáu năm sau, ông đi tìm nhưng bà giáo cứu ông đã chết. Elhanan nói, câu hỏi của bà cho đến nay ông chưa tìm được giải đáp hoàn toàn thỏa đáng. ‘‘ Đó là món nợ với bà mà tôi còn phải trả!’’.

[1] Thơ Giang Nam.

[2] Dòng người Đức nguyên thủy, được Phát-xít Đức tuyên truyền là dòng đặc tuyển khai sáng và lãnh đạo loài người.

[3] Nhà thơ và Triết gia Đức nổi tiếng.

Comments are closed.