Văn Thợ Mộc

Vũ Thư Hiên

Ngày, rồi đêm, rồi lại ngày, cứ thế nối tiếp nhau, dai dẳng, lê thê, không đếm được, không biết được thời gian đã qua là bao nhiêu.

Tôi ngồi, tôi nằm, một mình, trong cái xà lim toen hoẻn với bức tường lổn nhổn vữa trộn vụn thuỷ tinh. Để lưng trần mà dựa vào đấy lưng sẽ ứa máu.

Một hôm, bất thình lình cửa xà lim mở toang.

– Thu xếp đồ đoàn – bức tượng vận quân phục không quân hàm hiện ra trong khung cửa, lạnh lùng nói.

Sau lưng anh ta, hai hình nhân màu hoàng thổ đã chờ sẵn, ngoắc tay ra hiệu cho tôi đi theo.

Đi thì đi. Đi đâu thì cũng thế thôi. Đi, có nghĩa là thời gian ở trại quân pháp Bất Bạt kết thúc. Người ta không đưa tôi về nhà, chắc chắn thế.

Đám đào binh làm việc ở sân ở trại tò mò nhìn theo chúng tôi. Họ ngạc nhiên – hoá ra trong nhà tù quân sự có cả dân thường.

Leo lên cái com-măng-ca Liên Xô mới cứng tôi mới biết có người đi cùng. Cao, gầy, xanh, anh ta lẳng lặng nhìn tôi, khẽ gật đầu.

Thì ra đây là một người cùng vụ – một đồng phạm tôi chưa từng gặp.

Đến bến Trung Hà, chúng tôi bị đuổi xuống.

Anh bạn tù ngượng nghịu lấy quạt nan che cái cái khoá số 8 khỏi những cái nhìn tò mò của khách đi phà.

Sau thời gian dài sống trong xà lim chật hẹp, tôi say sưa ngắm cảnh dòng sông mênh mông cuồn cuộn chảy, ngắm cảnh hai bên bờ, lắng nghe tiếng nước ộp oạp vỗ mạn phà.

Trời nắng đẹp. Cái còng trên tay tôi mới tinh, loé sáng, có thể nhìn rõ hàng chữ “Chế tạo tại Liên Xô”. Tôi không che cái còng. Thiên hạ muốn nghĩ sao thì nghĩ. Mặc.

Nơi chúng tôi được đưa đến có tên Tân Lập. Những người áp giải không nói, vì thế khá lâu sau tôi mới biết tên nó. So với số trại giam thời thuộc Pháp, những trại giam của nước xã hội chủ nghĩa nhiều hơn phải vài chục lần, cũng sau này tôi mới biết.

Lại cũng xà lim. Như ở Hoả Lò. Như ở trại quân pháp Bất Bạt. Khác ở chỗ nó rộng rãi và trần xà lim không trát xi măng mà lát gỗ tấm.

Sau một thời gian trong thứ xà lim này tôi được đưa ra trại chung, một trại nhỏ trong ba phân trại.

Trại chung, tức trại chính, phân biệt với các phân trại nhỏ hơn, có đủ loại tù – hình sự có, chính trị có. Tù chính trị mang số lẻ, tù hình sự mang số chẵn.

Tù chính trị rất đa dạng: các sĩ quan, công chức chế độ cũ (được tù gọi là dân xỏ nhầm giày), các linh mục và tu sĩ Thiên Chúa giáo, chánh trương, trùm trưởng các xứ đạo, các giáo dân bị coi là dẫn đầu các cuộc nổi dậy, cộng thêm vài tu sĩ Phật giáo…

Tôi không thuộc bất cứ thành phần nào.

Tôi không biết ai trong các bạn tù. Tôi lang thang một mình trong cái sân trại rộng và sạch, lơ ngơ trong cuộc sống trước kia nằm mơ cũng không thấy.

Tôi quen Văn Thợ Mộc là trong thời gian này.

Tôi đang ngồi bó gối ở chái nhà giam ngắm trời ngắm đất thì một chàng trai gầy trong bộ đồ tù thùng thình lững thững đến, ngồi xuống bên tôi:

– Này, tôi biết ông là ai đấy.

Tôi nhìn anh ta.

– Chả là tôi hay đi qua nhà ông – chàng trai nói tiếp, giọng thủng thẳng – Tôi thích cuốn Bông Hồng Vàng. Ông dịch phải nói là tuyệt!

Tôi chìa tay cho anh.

Tôi không động lòng trước lời khen. Bông Hồng Vàng là quá khứ. Tất cả đều đã thuộc về quá khứ.

Chúng tôi nói thủng thẳng trò chuyện. Tôi không hỏi vì sao anh ở tù. Anh cũng vậy, không hỏi. Câu hỏi ấy không phải điều cấm kỵ, nhưng vô duyên.

Nhờ Văn Thợ Mộc giới thiệu, tôi có mấy người bạn mới, sau trở thành thân thiết: Kiều Duy Vĩnh, Tôn Thất Tần, Nguyễn Chí Thiện, Trình Hàng Vải…

Mấy người này làm thành một nhóm kín. Kín ở đây không có nghĩa bí mật. Nó chỉ có nghĩa không có người lạ nhập vào. Thoạt đầu, những người này chỉ biết tôi là một phạm cán, tức cán bộ bị tù.

Phạm cán không hiếm, nhưng cũng không nhiều. Họ thường là tù hình sự. Lạ một cái, dầu cũng là tù, những người này thích tỏ ra mình gần gụi với chính quyền, nhờ đó họ được nhận những công việc nhàn hạ như trật tự trại, văn hoá trại, hoặc làm “ăng-ten” (chỉ điểm).

Rất nhiều tù chính trị bị giam bởi những lý do cực kỳ lăng nhăng, cực kỳ vớ vẩn. Chẳng hạn, có hai ông lão ở vùng biên giới nọ, không nhớ là Lào Cai hay Cao Bằng, trong một bữa nhậu tuý luý, rượu vào lời ra, hai ông bốc lên “tỉu na má Mao Xê Tung”, có kẻ nghe thấy đi báo cáo, thế là cả hai bị tóm. Ngoài giờ lao động,hai ông già chúi vào những ván cờ. Họ đã chơi dòng dã như thế mười một năm. Họ còn tiếp tục chơi bao nhiêu năm nữa là điều không ai có thể biết.

Ở đoạn đầu tôi nhắc tới ông bạn đi cùng lên trại này là có chủ ý.

Tôi là người tò mò. Có một lĩnh vực tôi có nghe qua chứ chưa từng đọc kỹ là tâm lý học tội phạm. Những tác phẩm của Lombroso, Durkheim, Kudriavsev về lĩnh vực này không lôi cuốn tôi. Thôi thì đã rơi vào đây thì cũng nên biết mặt ngang mũi dọc những loại tù nó ra làm sao, tâm lý họ thế nào. Có điều sách của mấy tác giả nói trên viết về những tội phạm thực sự, mà những người tù ở cùng tôi thì lại không thể gọi là tội phạm.

Quan sát vô số tù nhân ở mọi trại mà tôi ở qua, tôi thấy số người xấu hổ vì cái sự ở tù là rất ít. Với họ, là lẽ đương nhiên.

Ông bạn lấy quạt che khoá số 8 trên phà Trung Hà là một thí dụ. Người nào còn thấy xấu hổ trước người khác vì cái sự ở tù của mình là người còn thừa nhận tính chính danh của nhà cầm quyền. Người không thèm để ý tới sự bị ở tù thì hoàn toàn không thế – họ chẳng buồn nghĩ tới nó có chính danh hay không. Với họ, nhà nước là một thực thể vốn có, là sự đã rồi, như trời đất có nắng có mưa.

Trong thời gian dài ở tù, không nhớ ở trại nào: Hoả Lò, Bất Bạt, Tân Lập, Phong Quang, tôi có gặp một cán bộ bị tù vì tội “quan hệ ngoài công vụ với người nước ngoài”. Anh này rơi vào tù vì dám đến dùng bữa với mấy nhân viên lãnh sự quán Ai Cập được anh dẫn về nhà khi đi lạc. Ngoài anh ta còn có vài người khác mang tội chính trị ba lăng nhăng đến nỗi không tin nổi. Một anh sinh viên du học Hungari can tội yêu gái bản địa chẳng hạn. Tình yêu sao có thể thành chính trị? Chuyện có thật, tôi không bịa.

Văn Thợ Mộc thuộc loại người dửng dưng coi sự ở tù của mình là lẽ đương nhiên. Anh thuộc loại tù vì tội đã tham gia quân đội quốc gia thân Pháp. Trong chuyện trò, không khi nào loại người này nói tới ngày về, cứ như thể họ đang sống ở một nơi nào khác chứ không phải trong trại giam.

Ngay trong những người nói trên, Văn Thợ Mộc cũng vẫn là một nhân vật đặc biệt. Anh chàng này không chỉ dửng dưng với sự ở tù, mà còn nhơn nhơn với nó. Mặt tươi bưởi, luôn miệng huýt sáo, anh tưng tửng đi lại trong trại, lê la hết nhà này sang nhà khác.

Nhìn theo Văn Thợ Mộc bước vào một nhà số chẵn, nhà của tù hình sự, người tù thâm niên trên hết những người tù thâm niên, biệt danh “Jean Valjean gọi bằng cụ” bảo tôi:

– Anh ta có một thằng con nuôi bên ấy.

Văn Thợ Mộc giải thích:

– À, là thằng con tôi.

– Thế à? – tôi hỏi – Có phải cái thằng nhóc lẻo khoẻo hay thập thò ở cửa nhà này không?

– Nó đấy. Tội nghiệp, thằng bé ngoan lắm, ông ạ. Chẳng hiểu sao lại rơi vào đây.

– Nhiều đứa như thế mà.

Anh thở dài:

– Ông xem, nó non choẹt.

– Nó đâu phải đứa bé nhất.

Văn Thợ Mộc lừ mắt.

Tôi im.

Trong tù có những nhóm nhỏ họp lại với nhau, gọi là gia đình. Thứ gia đình thế phẩm thường là mấy người hợp nhau tụ lại. Gia đình có thể là những anh em hờ, những ông bố hờ với những đứa con hờ. Trong cái gia đình ấy, người tù cô đơn cảm thấy nỗi đau của mình được xoa dịu, thấy lòng mình ấm áp hơn.

“Gia đình” hai bố con Văn Thợ Mộc có sự tích của nó.

Số là Văn Thợ Mộc đã có người yêu trước khi rơi vào tù lần thứ nhất. Anh là thiếu uý hay trung uý Bảo chính đoàn, là thứ người bị chính quyền ghi vào sổ đen để hốt tắp lự mỗi khi có sự kiện lớn – trước Quốc khánh mồng Hai tháng Chín chẳng hạn. Anh bị bắt vì sự cẩn thận của nhà nước, chứ anh chẳng phạm tội gì.

Nhiều năm trôi qua, người yêu không đợi được, đi lấy chồng. Thằng bé là con cô ấy. Trong sự thiếu thốn chung của cả xã hội, các bậc cha mẹ không có nhiều thời giờ cho con cái, chúng trở thành con của hè phố.

Văn Thợ Mộc yêu thằng bé như con mình. Tôi quen miệng ví thế, chứ Văn Thợ Mộc đực rựa, anh chẳng có đứa con nào để mà yêu.

Anh chiều thằng con nuôi lắm. Anh nhịn ăn, “chác” mấy suất cơm lấy áo bông cho thằng bé khi mùa đông tới.

“Chác” là tiếng lóng chỉ chung sự mua bán hay đổi chác trong trại giam rất phát đạt: thuốc lào, thuốc lá, quần áo, kem răng, kể cả kính lão… thứ gì cũng có.

Nổi tiếng trong lĩnh vực này là Mai Cường, một tù hình sự đứng tuổi, cao lộc ngộc. Anh ta nổi bật trong số tù hình sự ít tuổi, vì thế hay láng cháng sang khu tù chính trị. Mai Cường không có áo bông cho trẻ con, Văn Thợ Mộc đành phải lấy cái của người lớn. Thằng bé mặc cái áo bông to xù, hai tay lõng thõng, trông như con chim cánh cụt.

Trại giam thường được đặt nơi rừng sâu, trong những thung lũng, chung quanh là núi cao núi thấp. Khí hậu những nơi này thường ẩm ướt, mùa hè rất nóng, mùa đông rất lạnh.

Những ngày chủ nhật mùa đông có nắng ấm, hai cha con Văn Thợ Mộc kéo nhau ra giữa sân, cởi trần bắt rận, giống in loài khỉ trong phim đời sống hoang dã.

Rồi tôi bị chuyển đi trại khác. Rồi ra tù. Tôi không biết Văn Thợ Mộc ra trước hay ra sau tôi.

Đời tù nó thế, nếu anh không bỏ xác lại trong nghĩa địa tù, thì rồi trước sau anh cũng được ra. Tôi quên anh, như quên những bạn tù khác.

Đời tù trôi dạt khó lường, kể cả khi đã ra tù, sống trong cái xã hội không chấp nhận mình. Như nhà thơ Phùng Cung từng viết: “Vào trong ao cạn vẫn còn lênh đênh”.

Một hôm, đang lang thang trên phố, tôi nghe có tiếng ai gọi. Hoá ra Văn Thợ Mộc.

Anh chàng cựu học sinh Albert Sarraut, trường học của trẻ con Pháp và con nhà giàu người Việt, không còn đẹp trai, giờ gầy và đen nhẻm, vai quẩy cái cưa và thùng đồ mộc. Nhưng vẫn nhởn nhơ, y như trước.

– Ông giờ làm gì? – Văn Thợ Mộc chăm chú quan sát tôi.

– Tôi ấy à? – tôi dị ứng với cái nhìn ái ngại – Gặp gì làm nấy thôi.

– Lại dịch sách?

– Không. Người ta không cho tôi dịch. Các nhà xuất bản không giao sách cho người như tôi.

– Khổ. Thế lấy gì sống?

– Thì vẫn dịch – tôi tỉnh queo – Cũng phải nghĩ ra cách mà sống chứ. Nhờ người đứng tên ký hợp đồng rồi giao lại cho mình, họ ăn phần trăm. Hoặc dịch chui cho các cơ quan.

Anh bặm môi, suy nghĩ.

– Ông chưa quên nghề mộc?

– Quên là thế nào – tôi nói – Các xưởng mộc có đầy, nhưng chẳng ai nhận mình.

– Thì cứ làm như tôi này. Quẩy đồ nghề lên vai, làm thợ dạo. Nhà nào có đồ cần sửa, người ta gọi.

Tôi bần thần:

– Như ông ấy à? Sống được không?

Văn Thợ Mộc cười toác:

– Tôi có chết đâu. Vẫn sống nhăn.

Anh hạ gánh, mở hòm đồ, xé một mảnh giấy xi măng, lấy ra mẩu bút chì ngắn tũn, hí hoáy viết:

– Địa chỉ tôi đây. Đói thì tìm tôi. Tôi lo đồ nghề cho ông.

Tôi hờ hững đút cái danh thiếp của anh vào túi. Rồi quên bẵng.

Một hôm anh tìm tôi:

– Ông đến tôi nhá! Hôm nay nhà tôi có giỗ. Ông là khách duy nhất. Tôi tìm ông Thiện (Nguyễn Chí Thiện) nhưng ông ấy lại “đi” rồi.

– Ông Trình Hàng Vải cũng vừa cho tôi biết.

– “Tăng” này là “tăng” ba.

Anh lại xé giấy viết cho tôi cái danh thiếp khác.

– Tôi lập gia đình rồi, ông ạ.

– Hay quá! Mừng cho ông.

Theo địa chỉ Văn Thợ Mộc đưa, tôi đến nhà anh.

Đó là một ngôi nhà tuềnh toàng ở ngoại ô, tường ốp vữa.

– Nhà tôi – anh giới thiệu với tôi một người đàn bà nhan sắc vừa phải, không đẹp không xấu.

Người đàn bà líu ríu chào tôi.

– Thế này, hôm nay là ngày giỗ ông trước của bà ấy.

Văn Thợ Mộc lấy ba nén hương đưa cho tôi. Tôi thắp hương, lầm rầm khấn trước ban thờ người quá cố. Một anh bộ đội với sao trên mũ cối thờ ơ nhìn tôi.

– Các cháu chúng nó làm ca.

Thì ra chồng trước của vợ anh là một liệt sĩ cách mạng.

Chuyện là thế này:

Người vợ liệt sĩ gọi anh vào sửa ban thờ chồng. Anh sửa xong thấy cái giường lung lay, tiện tay anh đóng mấy cái mộng. Rồi lại tiện tay sửa luôn cái tủ mất một chân, cái chạn lung lay hai cánh.

Nói tóm lại, một cuộc tình nảy nở giữa anh “nguỵ”, với vợ một liệt sĩ cách mạng.

– Các cháu ngoan lắm, biết thương mẹ. Hôm khác anh lại chơi cho các cháu chào bác.

Cái hôm khác ấy rồi không có.

Sóng đời xô đẩy tôi trôi dạt vào Sài Gòn. Rồi xa hơn nữa, Moskva, Warszawa, Paris.

Tôi mất liên lạc với Văn Thợ Mộc từ đấy.

* *

*

Tin cuối cùng về Văn Thợ Mộc đến với tôi trong một bức thư của bạn tù.

Thư viết: “Văn xa chúng ta rồi. Anh bị bệnh gì không ai biết để có thể đỡ đần”.

Trong thư có bức ảnh cuối cùng của Văn Thợ Mộc – một người đàn ông gầy như bộ xương cách trí, mặt hốc hác, áo ba lỗ, quần đùi, cái nào cũng chảy dài, lụng thụng. Anh đứng trong gian bếp thấp tè lủng củng xoong nồi.

Tôi nhìn ảnh bạn mình, xót xa, mắt cay xè.

Muốn khóc, mà không còn nước mắt.

Paris, 2002-2019

Comments are closed.