Vĩnh Yên 1973

Truyện Trần Vũ

Vào sáng ngày 27 tháng 1 năm 1973, khi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu lên ti-vi chính thức công bố Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết, mấy chục triệu người dân miền Nam đều khấp khởi mừng. Họ tin rằng chiến tranh sắp chấm dứt, nhà nhà sẽ thoát cảnh chết chóc/thoát cảnh phải bắn người hoặc bị người bắn… Hiểu rõ chiến tranh bằng mạng sống của chính mình và những người chung quanh, họ đã tin rằng từ nay sẽ có hòa bình, sẽ được sống đúng như mơ ước, không còn phải đớn đau chia biệt người thân và gần như bị tuyên án tử khi phải nhận về một xác chết…

Giờ đây, 48 năm sau ngày ký kết Hiệp định Paris, ai trong chúng ta có thể trả lời câu hỏi: Có đúng là chiến tranh đã thực sự chấm dứt từ sau tháng 1/1973… hay sau tháng Tư 1975…?!

Truyện ngắn của Trần Vũ không chỉ là một câu hỏi…

VĂN VIỆT

 

clip_image002

Áp tết Quý Sửu xảy ra hiện tượng lạ trong gia tộc cụ Vương Gia Khánh cư ngụ số 422 Hai Bà Trưng Tân Định. Các sử gia về sau giải thích chính vì cường độ chiến tranh đã đạt đến mức khốc liệt trong mùa hè 72 khiến sức nổ dây chuyền của bom đạn làm đảo lộn trật tự của vạn vật. Riêng với họ Vương, tính quy ước bị phá vỡ đúng vào trưa thứ bảy ngày 27 tháng 1 năm 1973, là 24 tháng chạp năm Nhâm Tý. Mấy ngày trước, tin đồn sắp ngừng bắn bỗng dưng loan truyền như một chiếc thảm rực rỡ từ một đuôi sao chổi vô hình bất ngờ lướt qua thủ đô và rũ xuống những mảnh tinh thể của hân hoan. Dân chúng chìm vào lấp lánh của hy vọng, trong mắt của mỗi người bật sáng mừng rỡ sắp vỡ òa được đón tết hòa bình đầu tiên. Chiến tranh như lưỡi hái đã đến sát cuống họng rồi vụt dừng lại. Bất chợt. Như một ân xá.

***

Ba tháng trước, các ngón tay của bà Vạn Xuân đang trải đều lớp nếp nấu chín lên các mâm đồng thì váng tiếng âm âm như có mưa rào nhẹ trên mái. Tháng mười đầu mùa mưa nên bà Vạn Xuân không để ý. Cả u Đào đang phụ ủ nếp cẩm cho tết sắp đến, cũng không thấy lạ. U vẫn tiếp tục lấy ba ngón tay vừa ấn vừa tơi cho nếp không quá dầy, rồi quay sang các mâm đầu đã nguội, u xúc cho vào vại, cứ một lớp nếp rải một lớp men và đậy kín khi đã đầy. Họ Vương vẫn nấu rượu uống tết theo truyền thống tuy ông Vương Gia Hiển tết nào cũng mua thêm rượu Tây, và bà Vạn Xuân luôn nhắc chồng mua cho mình chai Dubonnet vì bà vẫn ưa vị nhẫn nhẫn của hoa phiến thảo từ khi ở cữ. Tuy thích uống Dubonnet làm từ quinquina nhưng bà Vạn Xuân vẫn thấy nếp cẩm đem đến hương vị và ký ức cho tết nguyên đán, tựa như cánh hoa phiến thảo khi gọi bằng tên Việt gợi hương và màu sắc nhiều hơn. Trong trí nhớ của bà còn có kỷ niệm với nếp cẩm là chén rượu đầu tiên khi bà về làm dâu. Ngày ấy cũng chính u Đào dạy bà làm rượu nếp và là chỗ tựa kín đáo khi bà hãy còn bỡ ngỡ. Đã trên bảy mươi nhưng u vẫn khỏe mạnh và đắc lực như lúc còn ở Vĩnh Yên. Đôi khi bà Vạn Xuân có cảm tưởng u chính là chiếc bóng của mình, luôn theo sau, đứng cạnh. Một chiếc bóng chia chung những vui buồn, gian truân. Lắm lúc bà Vạn Xuân ngẫm nghĩ là bà không khác u, cùng đi ở cho họ Vương từ ngày còn thiếu nữ, duy giữa cả hai có một khế ước ngầm phân chia vị trí, danh phận và ngôn ngữ. Cả hai chăm chú đến quên nhìn ra cửa sổ, bên ngoài là một nền đêm khô rang.

Hương nếp vẫn thơm ngát khi bà Vạn Xuân muốn muối thêm dưa cải. Lúc bà hỏi u đã phơi cải bẹ xanh bao lâu và đã có rửa thuốc tím chưa, sau khung gỗ có một xáo động nhẹ trên nền trời sẫm, nhưng do đang cân lượng đường với muối trước khi hòa vào nước ấm nên bà Vạn Xuân không chú ý. Cả hai bất chợt ngửng lên, mà không biết điều gì thúc giục, khi có một vạch chớp mỏng xa xăm và chỉ kịp thoáng thấy những vẩn sáng tắt phụt ngay tức khắc trong tiếng gió mạnh. Rồi là rào rào chục viên đá cuội rơi lộp độp xuống sân bếp. Bà Vạn Xuân nhặt lấy, buông vội ra, vì hòn đá lạnh toát. Những viên cuội trong veo tan ngay thành nước. Bà Vạn Xuân cảm thấu sự kỳ lạ ngay khi đó, là đang diễn ra một biến đổi vô cùng nhỏ bên trong mình. Các hoạt tố trong các phân tử hữu cơ bên trong người bà hay lưu lượng huyết quản trong các tĩnh mạch vụt tăng thêm làm tim bà đập nhanh. Bà Vạn Xuân không biết đích xác việc gì xảy ra nhưng thấy thị lực của bà rõ hơn. Bà có thể đếm ở đuôi mắt u Đào có cả thẩy mười bốn nếp nhăn và trên một lá cải, những gân lá li ti kết thành hình vẽ một bông hoa tí hon có cả cuống và lá. Phải đến sáng, sai chị Hoa đi mua báo, bà mới biết sao chổi Kojima đêm qua đã lướt qua.

Ba tháng sau, đám giỗ cụ Vương nhằm 24 tháng chạp Nhâm Tý, còn cách giao thừa Quý Sửu đúng dăm hôm. Bao giờ đêm trước đám giỗ trong nhà cụ Vương cũng vang rân tiếng dao thớt pha với tiếng rổn rảng của nồi niêu nhưng đêm ấy các tiếng động thêm rộn rã như chính lũ xoong chảo cũng đang nhảy múa, như sự hân hoan thoát ra từ cả con người lẫn đồ vật. Từ trong tháng, tin vị nguyên thủ quốc gia sẽ đích thân thông báo biến cố trọng đại của lịch sử và tin sao chổi Kohoutek sẽ xuất hiện sau tết, trùng với ngày quân đội Mỹ rời đi, lan truyền như cơn sốt. Hai sao chổi liên tiếp lướt qua mũi Cà Mau chỉ có thể là điềm lành sau từng ấy chiến tranh. Cả thủ đô tất bật mua sắm như thể dân chúng gấp rút đón tết, vì sợ nếu không vội vã tiếp rước, hòa bình sẽ bay mất. Chính bà Vạn Xuân cũng quyết định giỗ tết lớn. Mang trọng trách dâu trưởng nên bà chuẩn bị rất kỹ, từ trong tháng đã viết xuống giấy những việc cần làm và đích thân bà đứng bếp.

Buổi sáng vẫn bình thường. Áp trưa, bà Vạn Xuân thỏa mãn nhìn mâm cúng lễ bày trước bàn thờ. Tô chân giò ninh măng khô hãy còn bốc khói bên cạnh đĩa nộm và thủ lợn với bát canh bóng nấm hoa. Da chú gà trống thiến nhồi nấm rơm với hạt sen vàng óng bóng nhẫy. Chung quanh chú là xôi gấc, chả quế, ghém vịt với phẩm oản. Giữa hai nến bạch lạp, ba bát cơm cúng xếp trứng gà luộc chễm chệ. Bà Vạn Xuân lên gác mời chú chồng và ông Hiển xuống thắp nhang thỉnh cụ Vương. Lúc lên thang, tâm tư bà không khỏi kiêu hãnh âm thầm là bà không chỉ bước lên bậc mãn nguyện đã chu tất mà còn nhấc lên nấc an vị đã Việt hóa đại gia đình chồng gốc Hoa. Đã từ lâu không còn các món ăn Quảng Châu của tửu lầu Đồng Khánh trên các mâm giỗ chạp, gốc gác xa xôi của họ Vương chỉ còn lưu vết qua tấm ảnh Tôn Dật Tiên đóng khung treo ngay ngắn trên tường.

Trong lúc đợi chú chồng và ông Hiển thay y phục, bà Vạn Xuân trở xuống ngắm nghía và xoay đĩa xoài cát cho các trái chín vàng ửng quay mặt ra ngoài. Bà nhắc chị Ni thay nước bình huệ. Chính ngay lúc đó, bà kiểm chứng biến đổi bất thường bên trong cơ thể mình, từ sau đêm ủ nếp, vẫn đang tiếp diễn. Bà thấy hết thẩy mọi chi tiết mà không cần phải cố gắng, như không cần phải đến sát bàn ăn mà vẫn nhìn thấy vành miệng một chén kiểu xếp ở cuối chiếc bàn dài có vết rạn. Lúc kêu Ni thay chén khác, bà bỗng nhận ra là đột nhiên bà nhớ hết các tên đường Sài Gòn ngày vừa mới di cư. Ngôi nhà của cụ Vương Gia Khánh trên đường Hai Bà Trưng, trước đây là đường Paul Blanchy, cắt góc Trần Quang Khải xưa là Boulevard Paul Bert, và chỉ cách Rue d’Adran là Võ Di Nguy một cầu Kiệu. Cụ Vương khi chưa mất hay ăn phở Cao Vân ở số 25 Mạc Đĩnh Chi là Rue Massiges, sát ngã tư Trần Cao Vân là Rue Larclause. Chú Hãn, rể của cụ Vương thì ưa Phở 79 ở Rue des Frères Louis là đường Võ Tánh bây giờ. Riêng chú Đạm lại thích phở trong khu đền Hồi giáo ở phố nhà Thổ, Rue des Turcs. Mấy chữ phở nhà Thổ làm bà Vạn Xuân thời trẻ đỏ mặt mỗi khi nghe nhắc đến. Bà cũng nhớ lần ông Hiển đưa bà đi viếng thảo cầm viên, hai vợ chồng băng qua rạch Thị Nghè khi ấy còn gọi Arroyo de l’Avalanche. Áp tết đầu tiên trong Nam, hai ông bà mua sắm ở Passage Eden rồi băng qua Boulevard Bonard là đại lộ Lê Lợi để đi chợ hoa Nguyễn Huệ mà thời ấy còn mang tên Boulevard Charner, là vào chủ nhật 16 tháng giêng 1955, đúng 23 tháng chạp tiễn ông Táo đón tết Ất Mùi…

Bà Vạn Xuân quá đỗi kinh ngạc là mình nhớ tất, thậm chí cả ngày tháng. Tâm gan bà bật lên chút lo lắng, vì cảm thấy bất an, là có gì lạ lùng không tự nhiên đang làm tươi trẻ trí óc của bà. Làm sao bà có thể nhớ hết ngần ấy chuyện? Bà Vạn Xuân nhớ thời thiếu nữ khi còn học trường Thành Chung Bảo Hộ, au Collège du Protectorat, bà có được nghe giáo sư François Darlan giảng về hội chứng Brulard nhưng khi ấy hãy còn quá trẻ nên bà không hiểu hết, chỉ nhớ biểu hiện trước tiên là tim đập nhanh rồi có một sự xáo trộn trong ký ức tự động thay thế kỷ niệm bằng những thông tin tiếp nhận về sau. Năm đó, bà cứ hay nhầm lẫn giữa hội chứng Stendhal gây ra ảo giác với hội chứng Brulard thay thế hình ảnh thực tại đến suýt hỏng thi. Nhưng làm sao bà có thể nhớ hết ngần ấy chuyện? Câu hỏi ray rứt ấy cứ chốc chốc khuấy động tâm trí bà cho đến lúc trong họ với sui gia của các cô chú đến ăn cỗ.

***

Giống bao đám giỗ, sau các tuần nhang rồi hóa vàng, ông Vương Gia Hiển chồng bà Vạn Xuân cùng với cụ Vương Gia Quý, chú chồng bà, và các cô chú đều nhắc đất Bắc xưa. Sui gia thỉnh thoảng góp lời nhưng thao thao bất tuyệt vẫn là cụ Hợi đồng hương, nhà ngay sát cạnh nhà cụ Vương Gia Khánh ở Vĩnh Yên trước di cư, liên tục kể lại câu chuyện Việt Minh tấn công mà cụ đã kể nghìn lần.

-Cái hôm ấy mà tay De Lattre không đích thân xuống Vĩnh Yên nắm quyền chỉ huy mặt trận là tiêu cả. Nhà cụ thân sinh tôi bên khu Thanh Giã bị pháo nát, trông thấy lính Bắc Phi chúng nó hoảng loạn hết cả… Cái tay Giáp thế mà dại, cứ tấn vào Vĩnh Yên ngay cái đêm đồn Bảo Chúc thất thủ là đã bắt sống Vanuxem. De Lattre bị bất ngờ, Giáp đánh nghi binh vào Lục Nam, rồi Đông Triều, tay mật thám Boussary cứ tưởng đánh Hải Phòng, bao nhiêu quân dự bị đưa hết ra đấy. De Lattre tung cả thiết đoàn của Beauffre lên hết mạn bắc Hà Nội để giữ Cẩm Lý, không ngờ Giáp đánh Vĩnh Yên… Chả có cái dại nào bằng đã điệu hổ ly sơn rồi lại đợi con hổ quay lại. Giáp cứ vây không đánh, đợi đến khi De Lattre huy động toàn binh lực, lập cả cầu không vận đưa 5 tiểu đoàn từ Sài Gòn ra thì hỏng cả. Cái trận Vĩnh Yên là tôi thấy Giáp bất tài, cứ áp dụng cứng nhắc binh pháp của Tàu là công đồn đả viện. Mình phải biết ứng biến chứ! Chẳng qua thắng Điện Biên Phủ là do Navarre kém, chứ không phải Giáp giỏi.

Cụ Hợi gắp một cẳng vịt, nhằn xương, rồi lại tợp một ngụm nếp cẩm. Cụ khà một tiếng sảng khoái:

-Uống cái nếp cẩm này là tôi nhớ đám cưới của chị Xuân đấy nhé! Anh Hiển may mắn lắm mới lấy được chị. Tôi vẫn nói với cụ Khánh nhà này là nhà cụ có hồng phước mới có con dâu quán xuyến giỏi như thế. Này, hỏi thật chị, tay Vanuxem nó mua thực phẩm của chị là vì anh Hiển bán giá vốn hay là vì nó mê chị? Nào, đồng hương cả, chị nói thật cho chúng tôi nghe một lần!

Giọng cụ Hợi ồm ồm vừa oang oang làm bà Vạn Xuân lúng túng, hai má bà ửng đỏ như cánh hoa đào trước di ảnh cụ Vương. Bà còn chưa biết đối đáp ra sao thì chú Đạm, em chồng bà, đã thêm vào:

-Đấy, em vẫn nói với anh Hiển là tay Vanuxem nó mê chị Xuân nhà mình. Vừa nắm GM.3 chưa đầy tuần là đã đánh xe jeep đến đặt mua một lúc ba tháng thực phẩm cho nguyên Binh đoàn lưu động. Thế có phải là vì chị Xuân nhà mình xinh đẹp không?

-Chú nói quá! Bà Vạn Xuân thốt lên.

Bà càng thêm bối rối, hai má đỏ như dâu chín, bấu vội lấy đùi ông Hiển dưới gầm bàn. Chồng bà, ông Vương Gia Hiển rất được kính nể vì là con trưởng của cụ Khánh và cũng vì ông làm ăn phát đạt. Ông ôn tồn:

– Bán giá vốn thì chẳng có dư, nhà này lấy công làm lời nhưng không bán giá vốn. Chẳng qua là quân lương của GM.3 bị Việt Minh chúng đốt cháy hết trong chiến dịch Bécassine, chính vì thế mà De Lattre thay trung tá Muller bằng Vanuxem. Tôi tiếp hắn bảy lần, lần nào cũng lịch sự, duy nhất lần đầu là hắn cho đại úy Bousquet đem cân đến xem mình có cân thiếu hay không. Từ sau, nhà này giao bao nhiêu, GM.3 thanh toán bấy nhiêu. Cái công của Xuân là đã khuyên tôi, là họ đặt năm trăm cân thì mình cứ cho năm trăm mốt cân, rau cà-rốt khoai tây mình mua ở chợ Đầm Vạc giá bản xứ, bán cho Tây giá Tây, thì không lỗ. Tôi nghe theo, cứ thế mà làm. Quan năm Vanuxem thì thật sự phải nói là khá tử tế, lịch duyệt.

-Vì hắn là giáo sư triết trước khi động viên! Cụ Hợi nhả chân vịt. Về sau hắn dạy khóa tham mưu mà học viên là trung úy Nguyễn Văn Thiệu với trung úy Cao Văn Viên đấy nhé, nhưng thành thật phải nói là chúng tôi khi ấy, thấy hắn rất quý chị Xuân…

Cụ Hợi lùa miến xào cua bể nên không dứt câu. Bà Vạn Xuân hơi cúi xuống, vờ gắp chả quế cho con trai là cậu út Vương Gia Nhật vẫn quấn quýt bên bà, vì muốn tránh ánh mắt sui gia với các thím đang đổ dồn về mình. Mỗi khi nghe nhắc đến trung tá Paul Vanuxem, chỉ huy Binh đoàn 3 Lưu động mà xưa gọi Groupe Mobile N°3, là bà lại thấy nao nao pha chút bâng khuâng kỳ lạ của một bí mật chưa thấu đáo. Quả tình chính bà cũng không biết có phải Vanuxem mê mình hay chỉ là suy diễn chung quanh, tuy bà vẫn chưa quên ánh mắt ngời tư ẩn của viên trung tá buổi trưa Việt Minh áp sát thị xã, khi Vanuxem van lơn: "Madame, Rentrez à Ha-Noi, ils sont dèjà là au pied du mur”. Vốn liếng Pháp văn giúp cô Xuân ngày đó hiểu là Việt Minh đã đến chân đồn, phải đi ngay. Chỉ một câu, và ngay tức khắc, là súng nổ.

Bà Vạn Xuân ngẩng lên, tươi cười gắp thêm thức ăn cho sui gia, gọi u Đào dọn thêm nem rán với rau sống rồi lảng chuyện:

-Chợ Đầm Vạc ngày xưa vui, bác Hợi nhỉ. Cụ nội lũ trẻ tết nào cũng đòi bằng được tép dầu, cá thính với bánh mật mía Vĩnh Tường. Có năm nhà không mua kịp, cụ quát ầm lên làm anh Hiển phải chạy ra đến tận Tam Đảo xin người quen để lại một ít…

-Các thứ ấy thì Vĩnh Yên đâu thiếu! Cụ Hợi đã chuyển đũa sang mũi lợn thái khoanh.

-Dạ vâng, nhưng dạo ấy không biết bác Hợi có nhớ, nhà này hãy còn cúng tết theo kiểu Vân Nam.

-Ừ, tôi nhớ rồi. Cụ Khánh ngày thường thì ăn Quảng Đông, tết lại Quảng Tây. Cụ cứ cho là Vân Nam sang hơn. Tôi thì chỉ chấm có mỗi thứ rượu Ngũ gia bì của cụ. Nghĩ thương, cụ ăn Tàu nhưng vẫn cúng Việt cho bà nội cháu Nhật.

-Thưa vâng, mua tép dầu là cho bà cháu…

Bà Vạn Xuân tâm đắc là câu chuyện đã rẽ sang hướng khác. Bà để ý ở các cỗ bàn dưới, các chú Túc, chú Đạm, chú Lịch và bác Trọng, bác Phúc đang hăng say bàn cãi về các trận đánh thảm khốc trong mùa hè vừa rồi. Với các chú, chiến tranh là trong lúc này, không phải xa xưa, các tướng lĩnh cũng không phải Võ Nguyên Giáp hay Jean de Lattre mà là Ngô Quang Trưởng, Trần Văn Trà… Lâu lâu bà nghe vọng lên các chữ "ngưng bắn", "ứng chiến" trộn lẫn làm như hưu chiến với ứng chiến không thể tách rời, là một, vì chỉ là một. Trong lúc chú chồng với ông Hiển và cụ Hợi lại đang tranh cãi về chiến lược của Pháp, bà ngắm các cô, các thím, tất cả duyên dáng trong áo dài raglan tay ngắn; các thím tân thời bên các cô vô tư, tất cả chừng đã quên hết Vĩnh Yên. Thím Túc, thím Đạm, cô Hãn, cô Lịch chỉ vừa mới đến tuổi dậy thì ngày Vanuxem hối bà lên chuyến quân xa cuối cùng. Bà Vạn Xuân nhận ra bà lại nghĩ đến Vanuxem và nhớ Vanuxem có một lần tâm sự ước ao một ngày nào đó mở trường tư thục dạy triết ở Vĩnh Yên. Các giai thoại về Kant và Jung của Vanuxem không làm bà cười vì bà không hiểu chi hết, nhưng cái hoạt cảnh lúc Vanuxem thay thế trung tá Muller vào đúng lễ Sainte Sylvestre, vào đúng giao thừa tết Tây, Vanuxem bước vào phòng ăn, ngồi vào chỗ Muller vừa ngồi, nâng ly rượu Muller đang uống dở và chúc các sĩ quan dưới quyền một năm dương lịch tốt lành, y như Muller đã nâng ly năm phút trước, làm bà cười ngất. C’était trop marrant! Bà nhớ đã thích thú bình phẩm: Vẫn rượu đó, bánh đó, bàn ăn đó nhưng kim đồng hồ vừa điểm khắc của năm mới, đã là một tổng trấn khác. Giống lọ lem hóa bí rợ! Bà cười giòn giã, làm Vanuxem tỏ vẻ ngượng: Me prenez-vous pour une citrouille? Bà thêm cười nắc nẻ: Đôi khi cũng nên làm trái bí! Thuở đôi mươi cô Trần Thị Xuân có tiếng là yêu kiều đến nỗi sau hôn nhân, cụ Vương Gia Khánh với ông Vương Gia Hiển thay ngay biển hiệu công ty Compagnie d’alimentation thành Grossite alimentaire Mille Printemps, và từ ấy, khắp Vĩnh Yên gọi bà là bà Vạn Xuân.

Lấy lại nghiêm trang, bà nhớ đã nói với Vanuxem, việc trấn nhậm Vĩnh Yên ngay đúng đêm tết Tây, đạo Phật gọi là nghiệp hay duyên. Bà tìm được chữ "carrière" để diển ý "nghiệp" nhưng lúng túng không biết phải dịch "duyên" là gì, cuối cùng, bà chọn chữ "chance" là "may mắn". Vanuxem lắc đầu. Viên trung tá hiểu chữ "sự nghiệp" nhưng không tin việc thay thế trung tá Muller là "may mắn". Khi bà hỏi tại sao, Vanuxem nghiêm trọng: Việt Minh đã tập kết về Tam Đảo.

Các mẩu thoại cứ tiếp tục lơ đãng dưới gọng kính tròn đồi mồi của cụ Vương và trên sắc nghệ sẫm của vạt áo dài bà Vạn Xuân đang vận. Bà chợt thấy tiếc chiếc áo cưới gấm đỏ yên chi đã cháy ở Vĩnh Yên.

***

Mâm cỗ vụt trở nên gay cấn khi cụ Quý trách cụ Hợi đã thúc họ Vương hồi cư về Hà Nội. Cụ Vương Gia Quý là em cụ Vương Gia Khánh, tuy cao tuổi nhưng cụ vẫn rắn rỏi và thông thạo Pháp-Hoa. Cụ Quý bập một hơi thuốc Bastos.

-Khi ấy mà về Hà Nội là mất hết kho hàng ở chợ Đầm Vạc, là tay trắng. Tôi vẫn nghĩ, còn nước còn tát. Có cái điều lạ này mà đến bây giờ tôi mới kể, anh Hợi chưa biết… Cái đêm trước khi Võ Nguyên Giáp đánh Bảo Chúc, tự dưng tôi trông thấy trên vách đồn Mậu Thông gần trại Khai Quang, không biết ai đó viết ba chữ "Manê, Thêcel, Pharès". Tôi về hỏi anh Khánh, thì bố anh Hiển bảo chắc là Việt Minh viết. Nhưng không phải, vì sau đó… chúng…

Cụ chưa dứt, thím Túc đã cắt ngang.

-Nghĩa ba chữ đó là gì, thưa chú?

-Vâng, từ từ rồi tôi giảng giải. Cụ Quý hơi gắt. Cụ không ưa cắt lời.

-"Manê, Thêcel, Pharès" là chữ Do thái cổ trong Kinh thánh. Manê có nghĩa là "đếm". Thêcel là "cân-lượng". Pharès là "phân-chia". Theo Cựu ước, vua Balthazar bị quân Cyrus vây hãm, đêm trước thất thủ thức giấc thấy trên tường ba chữ Manê – Thêcel – Pharès của thượng đế. Nghĩa là từ nay số phận của thành Babylone "đếm" từng ngày, sinh mạng nhà vua đã được "cân" nhắc, và vương quốc sẽ bị "chia" đôi. Ban đầu tôi cũng tin như bố anh Hiển, là do Việt Minh viết để cảnh cáo Vanuxem. Hôm sau tôi đi qua thì không thấy nữa, nghĩ là Vanuxem cho lính bôi đi. Đến sau trận Vĩnh Yên, khi Tây thắng rồi, một tối về khuya, ngang qua Sở chỉ huy Tiểu khu, lại thấy ai viết nguyên một câu: « Những gì con người khước từ trong giây phút, thời gian không hoàn trả ». Viết bằng Pháp văn: Ce que l’on refuse à la minute, aucune éternité ne le rend… Câu ấy là của một văn hào Đức, Friedrich Schiller. Tôi chạy ngay về nhà gọi bố anh Hiển, lập tức anh Khánh ra xem với tôi, cả hai anh em nghĩ mãi mà không biết ai viết. Nhưng chắc chắn không phải Việt Minh, vì rõ ràng là câu ấy nhắm vào Giáp, hai đêm 13 và 14, GM.3 bị phục kích ở Đạo Tú, chỉ còn mỗi tiểu đoàn Mường đã mất tinh thần, đường tiếp viện bị cắt ở Hương Canh và Quất Lưu, mà Giáp án binh, không đánh vào Vĩnh Yên. Có phải là cái đêm ấy, nếu xông vào mà bắt Vanuxem thì đã có thể tiến thẳng xuống Hà Nội hay không? Mà ngay cả không xuống Hà Nội, thì tiếng vang vẫn lớn vô cùng. Vì bắt thêm một quan năm Tây ngay sau trận Biên giới, là phá ngay tức thì danh tiếng của De Lattre. Những hứa hẹn tái lập chiến thắng trong diễn văn nhậm chức của De Lattre ở Hà Nội sẽ không còn ai tin. Tinh thần quân viễn chinh sau mất Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Hòa Bình rồi mất thêm Vĩnh Yên sẽ không phục hồi. Tôi cho như anh Hợi nói ban nãy, là Giáp đã để xổng mất cơ hội thâu ngắn chiến tranh. Hội nghị Genève có thể xảy ra sớm hơn… Ngược lại, Giáp để cho De Lattre chuyển viện binh, rỡ bom napalm vừa cập cảng Hải Phòng ném xuống núi Đanh… thành ra Vĩnh Yên là một thất trận. Tôi với bố anh Hiển, chúng tôi cho câu ấy viết lên tường là nhắm vào Giáp. Nhưng ai viết?

Cụ Quý nói một hơi, bí mật lâu nay cụ mới kể. Trên bàn, không khí bí hiểm phủ trùm. Không ai bảo nhau nhưng các cô chú cùng ngửng lên nhìn tấm ảnh bán thân của cụ Vương đang mờ mờ hương khói từ vòng nhang xoắn sắp tàn. Ánh mắt cụ Vương đồng tình với cụ Quý. Bà Vạn Xuân là người duy nhất để ý cụ Vương Gia Quý trưa ấy tỉnh táo khác thường. Vì từ sau anh cả mất, cụ Quý rơi vào đăm chiêu, cụ hay ngồi yên hàng giờ nhìn sang Hãng Sáo phía sau nhà, ngắm một lượn mây uốn trôi xa xôi về một phương trời, hoặc ngâm chân trong nước nóng rồi ngủ quên cho đến khi nước lạnh ngắt làm da nhăn nhúm cụ mới choàng tỉnh… Trưa ấy, cụ Quý sáng suốt khác lạ và trả lời rành mạch các cô chú. Bà Vạn Xuân vụt hiểu là tâm trí cụ cũng đang hồi sinh như chính ký ức đang tươi trẻ của bà! Như chú Hãn, cũng đang sinh động khác với thường nhật. Chú gắp bánh tôm rán ròn rụm vào bát rồi buông đũa:

-Chi đoàn viễn thám của em tăng cường cho GM.1 của trung tá Edon. Chiều 14 lệnh giải vây Vĩnh Yên. Khi đến ngã ba rẽ đi Hương Canh, tự dưng em thấy bốn cụm mai tứ quý dưới chân đồi sát vệ đường héo rụi đi hết như có ai đốt. Nghĩ điềm không lành, em đạp hạ sĩ Xu stop. Hạ sĩ Stop! Xe thiết giáp vừa khựng lại, là một quả bazooka bay trượt qua mũi!

Các mẩu quá khứ cứ tiếp tục sôi nổi như các miểng chai ký ức đã ráp lại thành một tấm kính thủy tinh nhưng còn đầy vết rạn. Rồi từ những đường rạn nhả ra tao loạn của hôm qua, chìm tức khắc vào tao loạn của hôm nay, khi có kẻ soi gương. Chú Lịch với bác Trọng ra đứng trước gương khi cá cược phía quốc gia sẽ tái chiếm Cửa Việt trước tết. Chú Đạm với chú Túc cũng ra đứng trước gương lúc tranh cãi tướng Lê Nguyên Khang phải từ chức.

-Anh Khang không ra mặt trận, thì anh giao lại cho Bùi Thế Lân! Binh sĩ người ta không phục anh cầm quân mà chỉ ở Sài Gòn…

Chú Túc đập đập cán thuốc xuống bật lửa Zippo. Chú hút Ruby Quân tiếp vụ nhưng lâu lâu vẫn nhón Cotab của cụ Hợi. Chú vào Thủy quân Lục chiến đã mười năm.

Bà Vạn Xuân quan sát chăm chú bữa cỗ. Bà không hiểu có phải vì các giác quan bên trong mình bà trở nên tinh tường hay vì là lần đầu tiên bà chú tâm nghe chuyện; nhưng bà cảm giác rõ rệt bên trên đĩa bánh tôm trộn khoai lang với bột tẻ rắc nghệ của u Đào – mà u rán rất khéo, các lớp khoai mỏng tanh dưới chú tép cam tuyền – trận An Lộc của các chú chính là trận Vĩnh Yên của cụ Hợi với cụ Quý và chú Hãn. Cũng một thị trấn bị vây hãm, tiếp tế duy nhất bằng hàng không, với cùng những dòng người bồng bế dắt díu nhau chạy. Nhìn lên bàn thờ, bà càng nghĩ ký ức mang màu điều nhuộm của vải thiều sấy khô mà cụ Hợi phải nhờ người quen làm tham tán lãnh sự tại Vạn Tượng gửi về, còn sắc hiện tại thì mang màu hồng quân của trái thanh long mà thím Đạm mua ở chợ An Đông. Cả vải thiều khô với thanh long tươi cùng xếp chung trên một mâm ngũ quả.

Lúc bà Vạn Xuân muốn hỏi ông Hiển xem có cần dọn món chính lên ngay, thì cậu út Vương Gia Nhật níu tay mẹ.

-Tết mẹ mua cho con thiết giáp hạm Yamato ở thương xá Tax, mẹ nhé?

Bà Vạn Xuân gỡ tay con.

-Mẹ có khách.

Nhưng cậu bé vừa lên đệ thất, vẫn vòi vĩnh:

-Thiết giáp hạm Yamato to nhất Thái Bình Dương. Mẹ mua cho con, mẹ nhé?

-Mẹ đang bận. Bà Vạn Xuân suỵt khẽ.

-Thiết giáp hạm Yamato nặng 72 ngàn tấn, trí 9 đại bác 460 ly bị đánh chìm ở Okinawa. Mẹ mua cho con, mẹ nhé?

Cậu bé nằn nì làm bà Vạn Xuân phải quay nhìn con. Cậu bé trắng trẻo sáng sủa như tất cả những đứa trẻ nhà lành tuy sở thích ham mê vũ khí quá mức làm bà bất an. Một lần thanh tra tủ sách của các con, bà đã vô cùng ngạc nhiên khám phá bên trong tủ gỗ của cậu con trai út chất đầy sách chiến tranh của tủ sách Lê Thanh Hoàng Dân và nhà Sông Kiên. Từ Patton đến Rommel, từ Guderian đến Moshe Dayan, đủ các mặt tướng lĩnh… Bà Vạn Xuân có ý nghĩ là chiến tranh đang chụp bắt lấy con trai của mình, ý nghĩ ấy thêm gia tăng ngày cậu bé tuyên bố sẽ đi lính khi lớn. Từ ngày ấy, bà đâm ưu tư.

-Mẹ hứa tết mua cho con…

-Không vòi nữa! Bà Vạn Xuân nghiêm mặt.

Ông Vương Gia Hiển khi ấy quay sang nhắc vợ dọn tiếp các món kế. Bà Vạn Xuân đứng lên xin phép chú chồng và sui gia xuống bếp. Cậu út Vương Gia Nhật bật lên như lò xo, đi theo mẹ.

-Mẹ dạy không nói dối mà mẹ nói dối, mẹ hứa tết mua cho con… Nếu mẹ ít tiền, mẹ mua xe tăng Panzer, phải xe tăng Đức mới tốt, xe tăng Sherman không bằng…

***

Khi cậu bé theo mẹ xuống bếp và bà Vạn Xuân khép cửa, để khách không nhìn thấy nồi niêu, khoảng sân xi-măng đã hứng những viên cuội trong veo của sao chổi Kojima từ một thiên hà xa xăm nào đó đã lướt qua mà bà Vạn Xuân không còn nhớ đến nữa, đang rộ nắng. Từ trên sân thượng buông xuống một khuôn vuông nhỏ của một mảnh trời nhiệt đới. Gian bếp mát lộng thinh không vì gió lùa và thơm nhẹ mùi lài từ những bình treo dọc lan can mà đứng giữa sân nhìn lên, có thể trông thấy. Bà Vạn Xuân cho treo ở mỗi khúc viền thanh sắt uốn vòng lên lầu thượng những chậu lài và dạ lý để thảm lá rũ hương thoang thoảng. Thuở con gái, bà đã sớm tin cách bài trí mỹ thuật với cây cối, nói lên tâm hồn của một phụ nữ biết quán xuyến. Bà hài lòng vì đã cho quét vôi trước tết, bốn vách tường sáng giúp trần bếp thêm cao. Trên lớp gạch men lát cho dễ lau chùi là bốn chiếc lò của u Đào. Ba lò dầu hôi với một lò ga, nhưng u vẫn thích lò than đặt ở mé sân. Chính u đã bày bà gắp than hồng cho lên nắp gang cho cơm chín đều, vì ngày về làm dâu cô Trần Thị Xuân được cưng chiều chưa từng vào bếp. Cũng chính u là chốn tâm sự những ngày bà vừa thành thân. Để đền đáp, bà đem u vào Nam, rồi giao u ẵm bồng các con của mình. Tuy công việc kinh doanh bận rộn với giáo dục các con khiến bà với u không còn như lúc ở Vĩnh Yên, nhưng tự trong thâm tâm cả hai cùng biết, là bà không bao giờ bỏ u, cũng như u chẳng bỏ bà. U đi ở cho họ Vương, sống chết với họ Vương và bà ngày một, đảm đương họ ấy.

-Trong bếp ăn chưa u? Bà hỏi, ngay khi bước vào.

-Bẩm mợ, đã lót lòng. U trả lời.

-Mẹ mua cho con thiết giáp hạm Yamato…

Cậu bé lại giật chéo áo mẹ, lần này bà Vạn Xuân mắng thật.

-Hư! Cấm không nói nữa!

Trong lúc cậu bé tiu nghỉu, bà Vạn Xuân thỏa mãn ngắm ba chú gà trống thiến đã sẵn sàng trên ba mâm, mỗi chú ngậm một quả ớt chỉ thiên đỏ chót tỉa hình hoa ly, chung quanh là nấm đông cô, bắp non Đài Loan, đậu lăng hấp chín và cả củ kiệu phủ hành ngò như ba chiếc thảm lót ngai. Chị Hoa đã bới xong cơm và đang múc canh bóng nấm hoa, cạnh u Đào vừa xong ba tô lớn chân giò thơm đậm măng khô. Ni đã chặt xong thịt quay đang xếp vào từng đĩa. Bà Vạn Xuân nhắc:

-Xếp riêng nạc vai cho cụ Quý, cụ kiêng mỡ.

-Thưa cô, con biết. Ni đáp.

-Hoa xếp gà hàng dọc, đầu quay về phía các cụ, không xoay phao câu. Nhớ chưa?

Chị Hoa trả lời: Năm nào cũng xếp vậy mà cô, nhưng chị vẫn xoay chú gà lại cho ngay ngắn, cùng chiều với chú gà của u, rồi đơm thêm vài lát cà-rốt cho tươi thắm. Bà Vạn Xuân lại căn dặn:

-Ni chặt thịt quay còn dư cho vào mỗi túi với xôi gấc để riêng, chia đều, trao cho từng nhà khi về. Móng với tai gói hết cho cụ Hợi. Miến lươn sau cùng, chiều mới mang lên. Lát nữa u đi trước, Ni với Hoa đi sau, mỗi người một mâm, đưa gà lên rồi mới dọn thịt quay rồi mới đến chân giò, canh với cơm trắng. Nhớ là mỗi khi lên xuống phải đóng cửa, không để sui gia nhìn vào bên trong bếp nhà mình. Hiểu không? Lúc nãy Ni để toang cửa mãi một lúc mới thấy đóng.

-Dạ, con quên. Ni lí nhí.

Bà Vạn Xuân cúi xuống lấy đũa trở phần chân giò nâu mật nhô lên cho thêm đầy đặn, bà chợt thấy trên vạt áo dài màu nghệ của mình có một vết ố mà chắc cậu út đã làm vấy khi chấm nem. Bà vội lấy khăn thấm nước lau hai lượt cho phai. Từ nhà trên vọng xuống tiếng ông Hiển:

-Chú Túc ngồi gần bật hộ anh ti vi. Ông Thiệu sắp tuyên bố đấy.

-Phải độ mươi, hai mươi nhăm phút nữa anh. Còn phát quốc thiều rồi thủ tướng Trần Thiện Khiêm nói chuyện tình hình rồi thượng nghị sĩ Nguyễn Văn Huyền kính mời tổng thống… Báo Sóng Thần loan 11 rưỡi thì phải 12 giờ mới bắt đầu…

Tuy nghe chú Túc đáp nhưng bà Vạn Xuân vẫn nghe có tiếng lịch kịch kéo ghế, bật ti vi, điều chỉnh âm thanh rồi tiếng động bác Trọng khui bia và bác Phúc pha trò, xen kẽ tiếng ho húng hắng của cụ Hợi. Bà nói nhanh:

-U cho ra ngay, tỵ nữa tổng thống nói chuyện thì không ai ăn, sẽ nguội hết.

-Hay mẹ mua cho con tiềm thủy đĩnh U-boot?

Cậu út lại giật tay. Lần này thì bà Vạn Xuân nạt: Im nào!

-U cho dọn lên. Bà hối.

***

Ngay khi ấy. Mà về sau toán học xác định là phép tịnh-tiến trên mặt đất. Một phép dời hình mang 5 tính chất của định lý hình học.

1. Biến các điểm thẳng hàng thành những điểm thẳng hàng khác không thay đổi thứ tự của chúng.

2. Biến một đường thẳng thành một đường thẳng khác song song hoặc trùng với nó.

3. Biến một đoạn thẳng thành một đoạn thẳng khác có độ dài bằng nó.

4. Biến một tam giác thành một tam giác phẩy có cùng chu vi.

clip_image0045. Biến một đường tròn thành một đường tròn phẩy có cùng bán kính.

clip_image006Các toán học gia thêm vào định nghĩa: Nếu vecteur triệt tiêu là zéro, thì phép tịnh-tiến gọi là phép đồng nhất.

Ngay khi ấy. Vào đúng 12 giờ trưa ngày 27 tháng 1-1973 nhằm 24 tháng chạp Nhâm Tý. Khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu của Cộng hòa Nam Việt-Nam tuyên bố đình chiến, ngừng bắn. Hiện tượng diễn ra. Khi bà Vạn Xuân đặt tay lên nắm cửa. Khi bà hé đẩy cánh cửa bếp thông lên nhà trên với u Đào đứng sau lưng và cậu bé Vương Gia Nhật níu vạt áo. Xảy ra phép tịnh-tiến.

***

Không còn là ngôi nhà của cụ Vương Gia Khánh ở số 422 Hai Bà Trưng Tân Định. Mà là ngôi nhà bên hông Sở chỉ huy Tiểu khu Vĩnh Yên. Cũng không còn sân thượng với các chậu lài trắng mà là dãy ngói ống lưu ly lợp ba gian. Bà Vạn Xuân sửng sốt nhìn tấm bảng ghi Grossite alimentaire bên trên biển hiệu nhà thầu Mille Printemps treo chính giữa và cuốn lịch lớn trên tường ghi thứ bảy 13 tháng 1-1951 với ngày ta 6 tháng Chạp năm Canh Dần. Chỉ còn ba tuần nữa là tết Tân Mão.

Ban đầu bà choáng váng nhìn tấm bích chương tân thời với ảnh cô đào Michelle Morgan trong phim Le Château de Verre mà bà với ông Hiển đi xem ở rạp hát thị xã rồi mua về, bà nhớ rõ lắm, có cảnh Michelle Morgan khiêu vũ với Jean Marais, đang treo bên trên chiếc bình sứ phong thủy liên hoa. Bình sứ men lam do cụ Khánh mua bên phố Vĩnh Thịnh. Nhưng bà cảm giác nhức đầu kinh khủng như là bà đang đau thần kinh, bị phức loạn trí năng cùng lúc với phân liệt thể xác. Bà không thể cử động tuy nghe tiếng xích sắt của quân xa chen với tiếng rao âm Bắc cao vọng từ ngoài. Bà muốn đóng sầm cửa để xóa những gì trông thấy nhưng bà xây xẩm như vừa ngã va trán vào một vật rắn làm mất thăng bằng. Bà muốn gọi u nhưng lưỡi bà bị trớ. Muốn kêu u đưa cho bà cái khăn ướt lau mặt giúp bà tỉnh táo trở lại mà không kêu được. Lưỡi bà đặc khản, khô cứng. Mũi bà ngửi mùi rêu ẩm toát ra từ một vật gì đã mốc.

Các bóng người trong nhà từ từ sáng. Bà nhìn sững cụ Vương Gia Khánh đang vận âu phục ngồi trước bức phù điêu vẽ lý ngư vọng nguyệt và bác Hợi, cụ Quý với chú Đạm, chú Hào đương bàn cãi. Âm thanh nhỏ to, trầm bổng lẫn lộn. Tiếng cụ Khánh hỏi không lớn lắm: quyết định như thế nào? Tiếng bác Hợi đột ngột oang oang như trong đám giỗ:

-Tôi bảo đi ngay! Cả cái chợ Mậu Thông người ta đã kháo từ ba hôm nay là Giáp đã về Tam Đảo. Radio Việt Minh phát hằng ngày là Hồ Chí Minh vào ăn tết cùng đồng bào. Chúng nó đánh đến nơi, không chạy là chết!

Tiếng cụ Quý còn rất khỏe:

-Còn nước còn tát! Đi ngay thì mất kho hàng ở chợ Đầm Vạc, có cả phần vốn của anh Hợi. Cả cái kho hàng ấy mà rỡ phải mất cả tuần, rồi xe đâu mà đánh, tàu hỏa phải ngày mốt mới có một chuyến. Hồi cư về Hà Nội? Cả cái nhà này từng ấy miệng ăn, sống làm sao, trú ngụ ở đâu, rồi phải hàm ơn sui gia cho tá túc ư? Anh Hợi nói thì dễ. Tôi nghĩ cứ đợi đấy, xem tình hình. Vĩnh Yên cách Hà Nội có sáu mươi cây, Tây nó không bỏ.

-Chúng nó bỏ cả tỉnh lỵ Lạng Sơn với Hòa Bình đấy thôi!

Bà Vạn Xuân chết điếng. Tai bà đinh lên những câu nói của cách đây đã hai thập niên. Bà nhắm vội mắt. Bà nghĩ chỉ là ảo giác, một phút hư hỏng của thị giác và trục trặc của thính giác, chỉ cần bà định tâm, mọi thứ sẽ biến mất, đảo ngược và an vị. Bà tự nhủ, ngay khi bà mở mắt, sẽ là phòng khách cũ. Khi bà nhắm mắt một mảng tối chói chang hiện lên dưới mí mắt. Bà cố kềm tâm yên ổn nhưng các ý nghĩ cứ như bầy giun xoắn xít trong trí bà… Sáng nay khi nấu cỗ, bà sơ ý đứt tay, vết cắt còn xon xót có lẽ đã nhiễm trùng và các vi khuẩn đang gây sốt. Tiếng đập mạnh của ai đó nện một vật xuống đất. Tai bà nghe ra tiếng vỡ của từng siêu đất. Siêu ở đâu ra và ai đập? Bà nhớ chú đô tùy đập vỡ siêu trên nền gạch bông để đánh thức cụ Khánh. Gương mặt cụ như ngủ say, da đã thâm và lạnh toát. Bà phải bóp dầu nóng để xếp tay chân ngay ngắn. Bà cấm không cho các con xuống lầu và bắt u đốt vỏ bưởi khô liên tục… các chú đô tùy đổ đầy trà Thiết quan âm để hút dung dịch sẽ chảy ra… Siêu đất vỡ toang lúc nhà thờ Thiên phước gióng chuông làm lễ. Bà nhớ nhà thờ chính tòa thị xã Vĩnh Yên cũng có một quả chuông to, thỉnh từ Nam Định. Một lần chú Đạm dắt tay bà lên tháp, bắt bà đứng trong quả chuông dưới giá đỡ, rồi chú nghịch nghợm lấy búa gõ liên tiếp vào lớp đồng. Chú vừa thi đậu Brevet, bà không trách nhưng tiếng chuông chát chúa xé màng nhĩ khiến bà bưng tai mà vẫn thấy như mình bị va đập, bị ném tung ngang dọc giữa kim loại vang rền… tiếng chuông tra tấn, trừng phạt mọi tội lỗi…

Bà mở mắt. Giật bắn mình vì chú Đạm đang đứng ngay cạnh bức bình phong có họa tiết chim phụng, chỉ cách bà mươi thước! Rõ ràng là chú Đạm trẻ măng, chưa một lạng mỡ, của hôm dắt bà lên tháp. Và cụ Khánh, cụ Quý, cụ Hợi vẫn ngồi đó. Rõ ràng là cụ Hợi đã trêu chọc bà với Vanuxem ban nãy, tuy cụ chưa khòm, chưa hói, cũng chưa nát rượu và giọng nói chưa ồm ồm. Cụ Quý gân guốc ra hẳn. Bà nhìn đăm đăm cụ Khánh với đầy xúc động pha lẫn sợ sệt. Đúng là cụ Khánh mà chính tay bà khâm liệm. Đúng là cụ Khánh nhưng sắc diện hồng hào không tái xám như lúc mất. Cụ đang đeo cặp kính đồi mồi mà bà đã đặt trong áo quan. Làm thể nào cụ có thể sống lại? Làm thể nào chú Hào với cô Màn đã chết vẫn ngồi đó? Sao chú Đạm với bác Hợi ở đây? Cả hai còn đang ăn bánh tôm rán với món nộm trên mâm cỗ kia mà?…Bao nhiêu câu hỏi rối chằng lên trong tâm trí như đang có triệu mũi kim thêu đang đâm suốt qua các màng tế bào và các tĩnh mạch bên trong mình bà. Đi từ kinh ngạc này sang kinh ngạc khác, bà muốn thốt lên Trời ơi! mà không phát ra tiếng. Miệng bà khô khốc như bà bị mất nước. Bà thèm khóc mà khóe mắt khô rang. Bà cố nghĩ là bà mộng du hay đang đồng thiếp nên bà lấy tay bấu vào đùi, ba ngón tay cấu đau nhói làm bà thêm hốt hoảng vì biết mình không ngủ mơ. Quang cảnh rõ mồn một.

Cô Màn đang rót nước. Gương mặt cô thanh dịu như những lúc cô đun nước. Cô Màn luôn tử tế không như cô Hãn hay ganh, nhưng tròng mắt cô bật lo âu, làm bà sực nhớ cô Màn sẽ trúng pháo ngay chiều nay, chết khi xe về đến Hà Nội bốn hôm nữa, đưa vào bệnh viện Lanessan mà không kịp. Bà muốn vùng ra khỏi ngạch cửa, chạy đến ôm choàng lấy cô Màn và kêu cô chú phải đi ngay, đi ngay đi, đi tức thì đi, vì sắp nguy biến… nhưng cánh tay bà đúc bằng chì và đôi chân bị đóng đanh. Bà cố rứt mà tê liệt.

Giọng cụ Khánh khàn khàn:

-Tôi nghĩ là không nên. Cứ ở lại, khi nào Tây nó ban bố tình trạng khẩn cấp rồi tính. GM.3 chưa thấy động tịnh. Tôi có hỏi đại úy Doriot ban sáng, đồn Bảo Chúc bị vây ngặt nhưng chưa thất thủ. Nếu anh Hợi muốn đi, chúng tôi sẽ giữ hàng hóa của bên ấy.

Bà la toáng:

-Thầy ơi! Đi ngay đi! Thầy đi kẻo cô Màn chết mất!

Bà xoay sang cụ Quý:

-Chú đi đi! Chú Hào chết mất!

Nhưng không ai nghe thấy, không ai để ý tiếng kêu khản sau cánh cửa tiếp tục van lơn:

-Thầy ơi, con đã về đây. Nhà mình di cư vào Nam. Thầy đừng ở đây nữa! Đi ngay thầy ơi…

Bà vật vã, cố hết sức mà vẫn bị giam vào khung cửa. Bà chống hai tay lên tấm gỗ, cố đẩy, đạp mà vẫn không suy suyển. Giọng bác Hợi nóng nảy:

-Hai cái nhà này chạy loạn chung đã bao chuyến. Cùng tản cư năm 46, cùng hồi cư năm 47… Ông thân sinh tôi bên Thanh Giã không muốn lúc lâm nguy thì ly biệt. Tôi không biết Tây nó tính thế nào nhưng cứ trông cái cảnh chúng nó rút từ Cao Bằng xuống Thất Khê bị bắt hết cả… dân khắp vùng không ai thoát… Cái thằng Vịnh ở Tự vệ thành rồi gia nhập trung đoàn Thủ đô, nó đã bắn tiếng cho gia đình là sắp về. Cả cái thằng cháu họ bên tôi ở tiểu đoàn Phủ Thông cũng nhắn là nó sắp vào Vĩnh Yên. Tức là chúng nó sắp đánh lớn, đã đưa quân chủ lực về…

-Tôi muốn đợi anh Hiển… Giọng cụ Khánh do dự.

-Anh Khánh với anh Quý nên đưa gia đình đi ngay với chúng tôi, đợi chúng nó vây rồi là khốn, nhất là chị Xuân đang ở cữ. Đi sớm còn có thuốc men, chưa hỗn loạn…

-Đi bằng gì? Tôi vừa mới nói tuần sau mới có chuyến tàu hỏa kế tiếp, chuyến chót anh Hiển lấy sáng nay lên Hà Nội lấy hàng. Cụ Quý gắt. Anh Hợi muốn đi thì anh cứ đi, chúng tôi ở lại. Đi mà mất hết của cải thì không nên.

-Ở lại cũng mất, chúng nó sẽ tịch biên tất cả!

Bác Hợi to tiếng. Nhưng bà Vạn Xuân không còn nghe thấy gì nữa sau hai chữ "ở cữ". Hai chữ "ở cữ" làm bà bừng tỉnh. Tấm lịch tường ghi thứ bảy ngày 13 tháng 1-1951 thôi miên bà.

Cuốn lịch mới nguyên vì là đầu năm, chỉ vừa xé mươi trang. Bà đếm nhẩm từng tháng, tính nhẩm còn đúng sáu tháng nữa là bà sẽ sinh con đầu lòng. Bà đưa tay sờ bụng hãy còn thon vì là con so, bà cố nắn tìm sự sống của một bào thai nhưng chỉ chạm làn da bắt đầu căng, như đã đầy lo lắng. Các suy nghĩ rối chằng lúc nãy như đã hóa thành một lũ trăn phình to đang trườn trườn trong não bà. Rối bời, nhưng bà vẫn hiểu là mình đã quay về quá khứ. Hiểu cô bé Vương Tú Oanh sẽ sinh ra ở Vĩnh Yên trong sáu tháng nữa. Hiểu tánh mạng cô bé trong tay bà. Điều bà chưa biết là quá khứ sẽ tiếp tục như đã xảy ra hay sẽ xáo trộn?

Bà cố dằn hoảng loạn.

Trên nhà khách, cô Màn đứng lên, cô hơi xoay nghiêng phô sóng mũi cao. Chính là gương mặt cuối cùng của cô Màn, hai mắt mở với răng hơi hé. Bà kêu nhỏ: Màn, Màn… nhưng cô không nghe thấy, đã xuống bếp. Bà chợt nhận ra mình vẫn đứng sau ngách cửa. Bà sực nhớ u Đào bưng mâm gà đi sau lưng mình. Bà quay phắt lại. Đôi mắt u mở lớn hãi hùng khiến bà hiểu lập tức là u cũng trông thấy cảnh tượng.

-Chết.. Chết.. mợ ơi..

U run lẩy bẩy, hai vai u co lại, cổ u rụt xuống như u muốn trốn. Môi u lắp bắp:

-Mợ ơi… cụ Khánh.. mợ ơi… cụ Khánh…

U lặp đi lặp lại hai chữ "cụ Khánh", phải khó khăn lắm u mới thốt thêm mấy chữ "cô Màn"… "chú Hào"… U run như cầy sấy, mắt mũi u trệu trạo đầy kinh hãi. Hai tay u lạnh ngắt lúc bà nắm lấy.

-U, bình tĩnh!

Bà lay u nhưng u vẫn run bần bật. Tròng mắt u trắng dã vì sợ. Bà lay mạnh u lần nữa.

-U, bình tĩnh! U không rời tôi, hiểu không?

U gật nhưng răng u đánh lập cập.

Bà cầm tay u, giật.

-U nghe tôi nói không? U nghe không? Không rời tôi. Phải tìm cách quay về. U phải tỉnh táo giúp tôi quay về. Tôi còn các em ở Tân Định…

Bà bỗng nghẹn, hai mắt đỏ hoe, u không thấu hiểu là bà đang lo lắng tột bực cho các con ở nhà, đang rối trí, và tuy bảo u phải tự trấn tĩnh nhưng chính bà cũng không cầm được. Bà nấc:

-Tôi có mang rồi u ơi!… Tôi sắp sanh em Tú Oanh…

Bà ràn rụa ôm vòng u như bám chiếc phao sau cùng. U cũng sụt sùi, đã gần ba thập niên nay u không ngừng thương cô Trần Thị Xuân:

-Con ở với mợ… con không đi đâu hết…

-Tôi không biết làm sao đem em Tú Oanh về Tân Định, u ơi… Bà lắc đầu.

U mếu:

-Nhưng làm sao mợ sanh cô Oanh ở đây, cô Tú Oanh vẫn trong Sài Gòn kia mà…?

Bà Vạn Xuân ngửng lên. Bà buông u ra. Nhìn u chăm chăm. Bà nhìn u đang ngơ ngác, nửa thất thểu, nửa dậm dọ chờ đợi. Tròng mắt u chứa đầy những dấu hỏi phản quang từ mắt bà. Bà nhìn u chăm chú như bà vừa phát hiện ra điều gì phải giải quyết.

***

Bà Vạn Xuân có trở về lại được Tân Định hay không? Có giải quyết điều bí mật? Có thật sự đã là một phép tịnh-tiến trên mặt đất hay bà đã nhiễm hội chứng Florence của Stendhal: trước những biến cố trọng đại hay trước những công trình kỳ vĩ, con người chìm đắm vào thời đại đã xảy ra; hoặc giả bà Vạn Xuân mang hội chứng Brulard: con người không nhớ về kỷ niệm xác thực mà sống trong một quá khứ đã vun bồi bằng các thông tin tiếp nhận và tin quá khứ tái tạo ấy mới là thật; hay chỉ là chuyển động biểu kiến của mặt trời, một hiện tượng trông thấy bằng mắt nhưng không có thật?

Các sử gia tiếp tục truy tìm tông tích của Trần Thị Xuân và Nguyễn Thị Đào, vì tin chiến tranh của quá khứ vẫn hãy còn tiếp diễn ngay cả khi chiến tranh của hiện tại đã chấm dứt. Và chính chiến tranh tạo ra vũ trụ song hành với thời gian đa chiều nhưng không một ai chứng minh được phát kiến ấy. Với thời gian, ba chữ cổ "Manê", "Thêcel", "Pharès" trong truyền thuyết vua Balthazar dần biến thành "Numbered", "Weighed", "Divided" mà phiên bản Anh ngữ đầu tiên do một bàn tay vô hình chép lên mỗi trang của Hiệp định Paris. Kể từ đây về sau, phần số của Nam-Việt tính từng ngày, chức vị tổng thống của Nguyễn Văn Thiệu đã được cân nhắc và Nam-Việt phải chia hết đất đến tận Cà Mau. Tiên tri của Friedrich Schiller: Những gì con người khước từ trong giây phút, thời gian không hoàn trả… nhiều giả thuyết cho rằng nhắm vào hoàng đế Bảo Đại đã thoái vị. Duy nhất câu văn của Fedor Dostoïevski giải thích tất cả: Nếu 2 với 2 thành 4, sẽ không còn là đời sống mà là thần chết.

Là câu chuyện đám giỗ cụ Vương Gia Khánh.

6 tháng 3-2019 

————————————————————————————————————-

Phụ lục:

clip_image008

Trận Vĩnh Yên, tức chiến dịch Trung du của Việt Minh diễn ra từ 13 tháng 1 đến 18 tháng 1-1951.

Binh lực Việt Minh: Đại đoàn 308 của Vương Thừa Vũ với 3 trung đoàn 102, 88 và 36, Đại đoàn 312 của Lê Trọng Tấn với 2 trung đoàn 209 và 141. Tăng cường 2 trung đoàn 98 và 174 thuộc Đại đoàn 316 đang thành hình, thêm 4 tiểu đoàn địa phương của Chủ lực Miền và 4 đại đội pháo binh 75 ly. Tổng cộng 27.638 cán binh. Huy động 272.259 dân công.

Binh đoàn 3 Lưu động (GM.3): Trung tá Vanuxem thay thế trung tá Muller đêm 31-12-1950.

– Chi đội thám thính xa V100 tăng phái từ Trung đoàn 1 Kỵ binh Săn Giặc (1er Chasseurs).

– Tiểu đoàn Pháo binh Thuộc địa Tây-Phi/ Groupe d’Artillerie Coloniale d’Afrique Occidentale Française (GACAOF)/ Thiếu tá Coulon/ về sau cải danh Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 10 Pháo binh Thuộc địa (III/10e R.A.C).

– Tiểu đoàn 8 Khinh kỵ Bộ chiến Spahis (8e GSPA)/ Groupement de Spahis à Pied/ lính Algérie/ Thiếu tá Deluc.

– Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 2 Tán binh Marốc (III/2e RTM)/ Régiment de Tirailleurs Marocains.

– Tiểu đoàn 1 Bộ chiến Mường (1er BM)/ Bataillon Muong/ Đại úy Magdelin.

Tiểu khu Vĩnh Yên: Trung tá Galibert.

– Tiểu đoàn 24 Tán binh Senégalais (24 eme BMTS)/ Bataillon de Marche des Tirailleurs Sénégalais.

– Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 6 Tán binh Marốc ( II/ 6 e RTM)/ Régiment de Tirailleurs Marocains.

Tăng viện:

– Binh đoàn Lưu động Bắc-Phi (GMNA)/ Groupe Mobile Nord-Africain (Tân cải Binh đoàn 1 Lưu động (GM.1)/ Trung tá Edon/ tăng cường Tiểu đoàn 10 Biệt cách Nhảy dù Thuộc địa (10e GCPC) của thiếu tá Clément.

– Binh đoàn 2 Lưu động (GM.2) của trung tá Erulin thay thế trung tá de Castries cán mìn.

clip_image010

Đại tướng Jean de Lattre de Tassigny (vua Jean) và trung tá Paul Vanuxem tại Vĩnh Yên tháng 4-1951.

clip_image012

Trung tá Paul Vanuxem và cựu hoàng đế Bảo Đại thị sát Vĩnh Yên sau chiến thắng.

clip_image014

Tiểu đoàn 1 Bộ chiến Mường.

Comments are closed.