Người Việt – một câu hỏi lớn (12)

Năm 2020 mở ra với một biến cố chấn động: cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm của lực lượng vũ trang Hà Nội vào rạng sáng ngày 9 tháng 1. Nó đã giết chết người nông dân/cựu binh Lê Đình Kình, khi cụ đang ở trong nhà mình.

Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ đi về đâu? Đâu là con đường đúng để cả trăm triệu người Việt tự cứu lấy mình?

Văn Việt xin mời các anh chị tham gia cuộc trò chuyện về Người Việt, như cách giúp chúng ta nhìn/hiểu rõ hơn về chính mình, để có được lựa chọn đúng đắn/phù hợp cho đất nước, dân tộc trong tương lai.

Chúng tôi xin lần lượt đăng tải những câu trả lời đã nhận được.

Dưới đây là trả lời của nhà thơ Ý Nhi.

(Từ các câu hỏi gợi ý của Văn Việt:

-Ký ức tuổi thơ nào đã ảnh hưởng lên cuộc đời của anh/chị?

-Ngày nhỏ anh/chị từng mơ lớn lên sẽ làm gì? Ở tuổi thành niên, anh/chị đã thực hiện được bao nhiêu % mong muốn? Con người hiện nay của anh/chị khác biệt với hình ảnh mong muốn ra sao, cả về mặt cá nhân và xã hội? Anh/chị có muốn “thay đổi” gì trong những việc đã làm?

-Nhân sinh quan/thế giới quan của người Việt là gì, theo anh/chị? Nó đã chuyển biến thế nào theo tình hình đất nước trong từng giai đoạn?

-Theo anh/chị, lịch sử Việt Nam có gì đáng tự hào và có gì đáng hối tiếc?

-Cái gì hay nhất và dở nhất trong tính cách người Việt? Cái cần nhứt cho con người Việt hiện nay là gì? Làm sao để thay đổi theo chiều hướng tốt hơn?

-Anh/chị đang nghĩ/hy vọng gì về tương lai người Việt/nước Việt?)

3.DSC0111 - Copy

1.

Mẹ tôi kể rằng, khi bà mang thai tôi, ba tôi đang bị thực dân Pháp bỏ tù. Ông nhắn mẹ tôi, nếu sinh con trai đặt tên Dũng, nếu sinh con gái, đặt tên Ý Nhi. Ông nhắc mẹ tôi hai câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm: Nay quyên đã giục oanh già/ Ý Nhi lại gáy trước nhà líu lo.

Sau này, khi tôi hỏi vì sao ông nghĩ đến việc đặt tên cho tôi như vậy, ba tôi bảo: Ý Nhi là chim én, chim báo hiệu mùa Xuân, ông muốn mẹ tôi  không buồn tủi, muốn mẹ tôi hiểu rẳng dù ông đang tù tội, lòng vẫn thanh thản, vẫn hy vọng.

Năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, ba tôi thoát khỏi nhà tù Hỏa Lò, trở về Quảng Nam. Ông lãnh đạo khởi nghĩa ở mỏ than Đông Sơn, rồi làm chủ tịch huyện ở Phước Sơn, Tiên Phước trong thời gian kháng chiến. Năm 1952, do chủ trương khôi phục nghệ thuật dân tộc, ba tôi tách khỏi con đường chính trị, dành hoàn toàn tâm sức cho nghệ thuật Hát Bội và những môn nghệ thuật khác như Chèo hay Cải lương.

Sau này, khi lớn lên, chị em chúng tôi coi đó là may mắn lớn của cuộc đời ông. Tiếp tục con đường làm chính trị, nhiều khả năng ông sẽ gặp không ít trắc trở vì cá tính ngay thẳng và tình yêu thương con người của mình.

Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình trung lưu ở Hội An. Bà chỉ học hết cấp tiểu học rồi ở nhà học nữ công gia chánh dưới sự hướng dẫn của người mẹ. Bà gặp ba tôi khi ông theo học ở Hội An và nhận lời ông khi ông đã tham gia cách mạng và phải đối mặt với nhiều gian khó. Mẹ tôi yêu văn chương, thuộc nhiều thơ mới, nhất là thơ Huy Cận. Sau này, khi tuổi đã cao, bà vẫn có thể đọc trọn các bài Tràng giang, Áo trắng, Ngậm ngùi…

Lúc này, dù đã dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng, thơ của ba tôi vẫn mang hơi hướng của Thơ Mới với những Núi tiếp núi cho buồn lên điệp điệp/ Mây choàng mây cho sầu xuống mênh mang… Bâng khuâng trên dặm đường về/ Sầu lên tận cổ tình kề bước chân…

Tôi nghĩ, mẹ tôi đến với ba tôi không chỉ bởi tình yêu văn chương mà còn bởi lý tưởng mà ông theo đuổi. Có thể, với bà lúc ấy, lý tưởng đó cũng đầy màu sắc lãng mạn. Suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, mẹ tôi – một thiếu nữ thị thành, chân yếu tay mềm – đã một mình xoay xỏa nuôi đàn con khi ba tôi đi vắng biền biệt. Bà đã không một lời than van.

Ba mẹ tôi đã đem cho tôi những nhận thức đầu tiên về cuộc sống, về xã hội.

Trong suy nghĩ của một đứa trẻ, Ba tôi chính là hình ảnh của những người làm cách mạng, những người tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp: Hiểu biết, tài hoa, can trường và giàu yêu thương. Tôi tin vào sự chọn lựa một con đường, một cách sống của cha mẹ mình.

Niềm tin này ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi trong một thời gian dài, từ tuổi thiếu niên, khi hàng ngày vui vẻ hát “Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa…”; nhìn ngắm đầy khâm phục hình ảnh những đứa trẻ mủm mĩm nhảy nhót trên thảm lúa dày của Trung Quốc trong phong trào “ba nhảy vọt” của họ, hay hình ảnh cái đầu Mạo Trạch Đông nhấp nhô trên sóng nước (với ghi chú: Chủ tịch Mao Trạch Đông vượt sông Trường Giang)…; làm một cô học trò ngoan ngoãn của các trường Học sinh Miền Nam, cho đến tuổi trưởng thành, học ngành Ngữ Văn mà chỉ được nghe thấy sự phê phán, nhiều khi là sự phủ nhận gay gắt những Vũ Trọng Phụng, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Quang Dũng… trong khi không hề có tác phẩm của họ để đọc.

Tôi còn nhớ bản in roneo  trên nền giấy đen xỉn cuốn Thi nhân Việt Nam ở thư viện khoa mà chúng tôi chuyền tay nhau như một bảo vật.

Dù vậy, tôi là một sinh viên chăm chỉ và hăng hái với công tác đoàn thanh niên ở trường đại học. Nếu có ai hỏi, năm mười tám tuổi, chị là người như thế nào, tôi sẽ không ngần ngại trả lời: khi đó, tôi là một cháu ngoan Bác Hồ.

Nhưng,

Tôi không phải là trường hợp cá biệt. Tôi chỉ là một trong số đông những thanh thiếu niên thời kỳ đó, ở miền Bắc.

2.

Tuổi thiếu niên và tuổi thanh niên của tôi nằm gọn trong hai cuộc chiến tranh, chống Pháp và chống Mỹ. Trong những thời kỳ gian khổ đó, gần như không có chỗ cho con người cá nhân, không có mơ ước nào cho riêng mình.

Ở miền Bắc thời đó, lúc nhỏ thì ngoan ngoãn để được vào đội Thiếu niên Tiền Phong, lớn lên thì phấn đấu để trở thành đoàn viên, chặng thứ ba là phấn đấu để trở thành đảng viên.

Tôi đã dừng lại ở chặng thứ ba.

Hồi tôi học năm thứ hai đại học, chi bộ đảng của lớp đề nghị tôi làm lý lịch để kết nạp đảng. Hình như, lúc đó, tôi là trường hợp duy nhất của lớp. Đang khi đợi phê duyệt thì xảy ra sự cố. Tôi chia tay người bạn trai cùng tuổi và đến với người là chồng tôi sau này. Việc riêng của tôi êm thắm nhưng tôi bị phê bình kiểm điểm, không chỉ ở chi đoàn mà còn ở cấp liên chi đoàn.

Giáo sư Đặng Thị Hạnh, đại diện cho đảng bộ Khoa Ngữ Văn chủ trì cuộc họp. Rồi mọi sự cũng qua đi. Đến năm thứ tư, chi bộ lại đề nghị tôi làm lý lịch. Tôi đã từ chối.

Lời từ chối này kéo dài suốt những năm tháng tiếp theo.

Tôi nghĩ đó là một may mắn của cuộc đời mình. Tôi thường tự cho mình là người “phát triển” chậm, thậm chí rất chậm, nhưng may mắn đã biết dừng lại khi cần dừng.

Câu hỏi ở đây là vì sao và làm cách nào tôi đã có thể tách ra khỏi cái dòng chảy tự nhiên ào ạt đó ngay khi còn trẻ, ngay khi mọi việc mang ý nghĩa của một quá trình tất yếu, nếu bạn muốn tồn tại, muốn có những cơ hội cho việc tiến thân.

Một lần nữa, tôi muốn nhắc đến cha mẹ mình – những đấng sinh thành đã tạo nên tôi, đã cho tôi một tư chất. Vâng, theo tôi, điều chính yếu ở đây chính là tư chất. Việc quyết định “dừng lại” hồi đó có thể được coi như một phản ứng vô thức, một phản ứng tự vệ. Tôi muốn giữ mình.

Tôi có một người bạn học, ngay sau khi tốt nghiệp, anh tự nguyện xin vào chiến trường miền Nam và đã ở đó cho đến năm 1975. Khi gặp lại nhau ở Hà Nội, anh ngạc nhiên vì bấy nhiêu năm tôi vẫn là… một bạch vệ. Anh đùa: Vậy mà mình cứ nghĩ Ý Nhi là “đảng viên nhưng mà tốt”. Tôi cũng ngạc nhiên không kém khi biết anh cũng đã “dừng lại” như tôi. Một người đi vào chiến trường, sống và chiến đấu ở nơi đó hàng chục năm trời, vì sao anh cũng có lựa chọn giống tôi?

Cách nay vài tuần, khi trò chuyện qua điện thoại, trong câu chuyện lan man, anh giải thích về sự “dừng lại” của chúng tôi như sau: Bọn ta đã có một linh cảm tốt.

Linh cảm, có lẽ vậy. Thật may mắn khi ta có một linh cảm tốt.

Rất lâu sau này, khi làm việc tại Viện Văn học rồi tại một số nơi khác, nhất là, khi nhìn thấy những vấn đề chính trị, xã hội của Việt Nam sau 1975, tôi mới dần dà nhận ra nhiều điều và có ý thức về sự lựa chọn của mình.

Có thể coi vệt sáng đầu tiên soi rọi tâm thức của tôi là từ một câu chuyện gia đình. Nhà tôi ra Bắc một mình. Ba người em trai của ông ở lại miền Nam đều đi lính, một người là trung úy, hai người kia là hạ sĩ. Sau 1975, tôi vảo miền Nam sớm nên được gặp mẹ chồng và các em trước nhà tôi. Cả nhà sum họp, vui vầy, hạnh phúc. Sau đó, tôi vào Sài Gòn lo vài công việc xuất bản.

Ba tháng sau tôi quay lại thì người em trung ý đi học tập cải tạo, em dâu cùng ba đứa con thơ nheo nhóc, loay hoay kiếm sống. Sự thực đau lòng này không chỉ xảy ra với gia đình tôi. Hàng vạn người bị bắt đi tù cải tạo, hàng triệu người phải tìm mọi cách vượt thoát khỏi Việt Nam…, rồi những năm tháng cơ cực sau chiến tranh ở cả hai miền… khiến tôi không thể không đặt ra những câu hỏi: Mục đích của cuộc huynh đệ tương tàn ấy là gì, con đường dân tộc này đang đi rồi sẽ tới đâu…

Vào những năm tám mươi, khi làm việc tại Nhà Xuất bản Tác Phẩm Mới, một lần nữa, khi lại được gợi ý việc vào đảng, tôi mới có thể đủ sự hiểu biết để trình bày suy nghĩ của mình trước người đại diện chi bộ đảng – nhà thơ Ngô Văn Phú. Tôi rất cảm ơn sự thấu hiểu của các nhà văn Vũ Tú Nam, Nguyễn Kiên, Ngô Văn Phú vì những suy nghĩ “bất bình thường” của tôi. Ở một nơi khác, hẳn tôi có thể “mắc vạ” chứ chẳng chơi.

Xin trở lại chuyện mơ ước. Thực ra, khi tốt nghiệp phổ thông, chịu ảnh hưởng của một người chú, tôi đã chọn học ngành Thổ Nhưỡng, với ước muốn sau này về làm việc ở những nông trường của Tây Nguyên. Rồi theo lời khuyên của một người thầy, tôi đã chọn ngành Ngữ Văn, mặc dù không có một ý niệm rõ ràng nào về chặng đường sắp tới. Ra trường thì về Viện Văn học, sau, thấy không thích hợp, lại chuyển sang làm biên tập Thơ tại vài nhà xuất bản, cho đến khi nghỉ hưu. Và, bây giờ, tiếp tục công việc với trang Văn Việt.

Tôi nghĩ, cuộc đời của tôi khá êm xuôi, không có biến động nào đáng kể. Tôi có một bản lý lịch trích ngang quá đơn sơ. Vì vậy, tôi không thể biết mình đã làm được bao nhiêu trong những điều mình muốn làm. Chợt nhớ một ý thơ của Việt Phương: Người thành đạt là người thực hiện được 30% những dự tính của mình. Theo định nghĩa này thì có vẻ như mọi việc với tôi là tạm ổn, dù có thể chưa đạt đến con số 30 lý tưởng ấy.

Điều may mắn duy nhất chính là “tôi vẫn là tôi”, như các bậc sinh thành đã  sinh ra, đã dạy dỗ, dẫn dắt tôi.

3,4,5,6.

Những câu hỏi này có thể trả lời chung vì chúng có mối liên hệ mật thiết, ràng rịt với nhau.

Các anh chị Chu Hảo, Nguyên Ngọc, Nguyễn Viện, Hoàng Hưng, Lưu Thủy Hương, Trần Mộng Tú, Thiếu Khanh, Võ Thị Hảo, Khuất Đẩu, Tuấn Khanh đã nói đầy đủ và sâu sắc về nhân sinh quan, thế giới quan, tính cách của người việt và những gì nên làm, cần làm, mong muốn làm cho Việt Nam hôm nay.

Tôi chỉ xin bàn thêm vài ý nhỏ:

A.

Theo tôi, cách tốt nhất để tìm ra căn tính của người Việt là đọc lại các công trình khảo sát, nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian như Ca dao, Tục ngữ, Dân ca, truyện Cổ tích, chuyện Tiếu lâm… Theo đó, có thể thấy, những gì người Việt quan sát, nhìn nhận, rút kinh nghiệm… đều ở tầm gần và trong phạm vi hẹp. Cái “lũy tre làng” trong tư duy ấy đến nay vẫn vây bọc suy nghĩ, tâm tính của người Việt.

Tính cách của mỗi người được hình thành từ gia đình, từ môi trường sống, hoàn cảnh xã hội… và, thường thì, nó rất bền vững, rất khó thay đổi.

Cách khác, mặc cho những biến động lịch sử, mặc cho thời gian trôi qua, mặc cho những thay đổi trong điều kiện sống, trong các mối quan hệ, những gì được hình thành trong tính cách của con người thường là bất biến. Nó chỉ đậm lên hay nhạt đi ở khía cạnh này hoặc khía cạnh khác trong những cảnh huống đặc biệt.

Đặc điểm của một dân tộc, căn tính của một dân tộc cũng vậy. Chỉ trong những tình cảnh khốc liệt, như một cuộc chiến tranh vệ quốc chẳng hạn, người Việt mới đồng lòng, mới kề vai sát cánh.

Chính vì vậy, một người hay một dân tộc, nếu không dám nhìn thẳng vào những hạn chế, những thiếu sót của mình, lúc nào cũng dương dương tự đắc, vỗ ngực xưng hùng xưng bá  thì không bao giờ có thể bứt ra khỏi những ràng buộc cố hữu để phát triển.

B.

Khoảng bốn mươi năm trước, tôi được đọc bài phỏng vấn Giáo sư Hoàng Tụy trên tuần báo Văn Nghệ. Bài phỏng vấn có nhiều nội dung, tuy vậy, tôi chỉ ghi nhận được và lưu giữ trong tâm trí nhận định của ông về đặc điểm tính cách người Việt. Theo ông, Người Việt không có/ thiếu sự Tưởng tượng.

Tôi không nhớ rõ là “không có” hay “thiếu” nhưng tôi chọn “thiếu” để đỡ đau lòng hơn, vả lại, nếu “không có” thì làm sao có được giáo sư Hoàng Tụy, nhà Toán học lỗi lạc.

Bấy giờ, tôi nhận thấy đó là một suy nghĩ thú vị nhưng rồi quên đi trong những công việc khác, hôm nay nhớ lại khi “vấp” phải những câu hỏi của nhà văn Ngô Thị Kim Cúc.

Không có /thiếu óc Tưởng tượng, nghĩa là Không có / thiếu sự Sáng tạo. Albert Einstein đã từng bảo, đại ý: Trí tưởng tượng quan trọng hơn Tri thức.

Theo cách hiểu của tôi thì, dù anh có bao nhiêu tri thức mà không có Tưởng tượng thì anh cũng chỉ là con mọt sách! (Tất nhiên, sẽ là thảm họa khi không có cả trí Tưởng tượng và Tri thức).

Một dân tộc không có hay thiếu sự sáng tạo sẽ tồn tại như thế nào, phát triển như thế nào và, nguồn cơn bắt đầu từ đâu; đó là đặc tính bẩm sinh hay là do tác động từ môi trường sống, điều kiện sống – nơi những mầm tưởng tượng yếu ớt bị vùi dập; nơi không có điều kiện nuôi dưỡng cái mầm ấy; nơi không có tự do cho suy nghĩ, không có phản biện; nơi trẻ em đang chịu đựng một nền giáo dục thụ động, gò bó, sao chép và tuân lệnh…

Vấn đề thực sự quá lớn.

Nếu có thể, cần có một cuộc trao đổi về nhận định: Người Việt có óc Tưởng tượng hay không.

Và, những hệ lụy của sự có/ không/ thiếu trí Tưởng tượng.

SG 16/3/2020

Comments are closed.