Chuyển hóa dân chủ: Đối thoại với các nhà lãnh đạo thế giới (kỳ 12)

Biên tập: Sergio BitarAbraham F. Lowenthal, Viện Quốc tế Hỗ trợ Bầu cử và Dân chủ (IDEA), Stockholm

Dịch: Phạm Nguyên Trường

Chương 6

Philippines: “Quyền lực nhân dân”, Quá trình chuyển hóa đầy khó khăn và “Nền quản trị tốt”

Mark R. Thompson

Phong trào “Quyền lực nhân dân” đã lật đổ chế độ độc tài Ferdinand E. Marcos, cai trị Philippines suốt gần 30 năm, đưa đất nước Đông Nam Á này vào địa vị nổi bật trên trường quốc tế. Các cuộc biểu tình của hàng triệu người Philippines từ tất cả các giai tầng xã hội – đã ngăn chặn được cuộc tấn công của quân đội chính phủ – được phát sóng trực tiếp cho khán giả truyền hình trên khắp thế giới từ ngày 22 đến ngày 25 tháng 2 năm 1986. Cuộc nổi dậy mà ở Philippines người ta gọi là EDSA (viết tắt của Epifanio de los Santos Avenue – đại lộ lớn, nơi các đám đông quần chúng tụ tập) đã có ảnh hưởng đối với một số cuộc nổi dậy của quần chúng nhằm chống lại chế độ độc tài ở các nước khác ở châu Á, cũng như các châu lục khác. Những nhà hoạt động ở Hàn Quốc trong những năm 1987-1988, người biểu tình Miến Điện năm 1988 và các sinh viên Trung Quốc năm 1989, tất cả đều lấy cảm hứng từ tấm gương Philippines. Ngay cả Václav Havel, thần tượng mang tính cách mạng của cuộc khởi nghĩa Tiệp Khắc năm 1989 và sau đó là Tổng thống Cộng hòa Séc, cũng nói trong chuyến thăm Philippines năm 1995 rằng, quyền lực nhân dân là nguồn cảm hứng cho ông và những người bất đồng chính kiến, bạn bè của ông ở Đông Âu. Quyền lực nhân dân đã trở thành biểu tượng cho cuộc nổi dậy một cách hòa bình, tự phát của quần chúng, đã lật đổ được chế độ độc tài ngoan cố. Nó cũng là thách thức đối với sách báo viết về dân chủ hóa, ban đầu chỉ tập trung vào những trường hợp ở Nam Mỹ và Nam Âu, từng nhấn mạnh tầm quan trọng của quá trình chuyển hóa được thỏa thuận giữa những người theo đường lối mềm dẻo của chế độ và phe đối lập ôn hòa. Phong trào quyền lực nhân dân chứng tỏ nó có thể lật đổ nhà cai trị độc tài mất lòng dân mà không cần cách mạng bạo lực.

Mặc dù Marcos đã trở thành một nhà độc tài, nhưng ông ta nắm được quyền lực thông qua bầu cử (ông ta được bầu lần đầu tiên vào năm 1965 và sau đó, tái đắc cử vào năm 1969, trong một cuộc bầu cử nhiều tranh cãi). Việc ông ta ban hành thiết quân luật vào tháng 9 năm 1972, ngay trước khi kết thúc nhiệm kì tổng thống thứ hai của ông ta, đã đặt dấu chấm hết cho truyền thống bầu cử kéo dài nhất ở châu Á. Ở Philippines, ngay từ cuối thế kỷ XIX, tức là trong thời kì thuộc địa của Tây Ban Nha, người ta đã tổ chức một số cuộc bầu cử địa phương; bầu cử tổng thống và cơ quan lập pháp cũng đã được tổ chức, sau khi nước này được độc lập trong một thời gian ngắn, gọi là Đệ nhất Cộng hòa (1899-1901). Cơ quan lập pháp quốc gia cũng được bầu vào năm 1907, ngay sau khi Mỹ chiếm được Philippines và bắt đầu cuộc thí nghiệm khác thường, gọi là “chế độ dân chủ thuộc địa”. Cho đến khi Philippines giành được độc lập vào năm 1946 và nếu không tính thời gian Nhật Bản chiếm đóng (1942-1945), các cuộc bầu cử vẫn thường xuyên được tổ chức ở nước này. Năm 1935, Mỹ lập ra Cộng đồng thịnh vượng Philippine (Philippine Commonwealth), với các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội gồm hai viện. Trong giai đoạn độc lập, sau Thế chiến II, các cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức bốn năm một lần, còn bầu cử quốc hội thì được tổ chức hai năm một lần. Hai đảng chính trị lớn, gọi là Dân tộc (Nacionalistas) và Tự do (Liberals), cạnh tranh để giành quyền lực chính trị trong những cuộc bầu cử công bằng (đôi khi có bạo lực và thường là rất tốn kém); người của hai đảng này thường xuyên thay nhau làm tổng thống. Tuy nhiên, hai đảng này đều yếu, lại có truyền thống ô dù khá cao và không có cương lĩnh chính trị vững chắc. Ngay trước các cuộc bầu cử, các chính trị gia thường xuyên chạy từ đảng này sang đảng kia. Sau khi Marcos tuyên bố thiết quân luật, một nhà báo đã gọi Philippines là “Tủ trưng bày dân chủ bị đập bể”.

Ảnh hưởng của thiết quân luật

Chế độ độc tài xuất hiện đúng vào lúc Philippines dường như đã sẵn sàng cho nền kinh tế “cất cánh”. Marcos – tương tự như nhà độc tài Park Chung-hee của Hàn Quốc, tuyên bố thiết quân luật vào năm 1972 – cũng hứa sẽ phát triển kinh tế một cách nhanh chóng. Ông ta tuyên bố rằng muốn cải thiện nền kinh tế, phải khôi phục lại “Hòa bình và Trật tự”, vốn đã bị xói mòn trong những năm cuối thập kỉ 1960. Trong những năm 1950, sau khi phong trào Hukbalahap (còn gọi là Huks), thực chất là cuộc nổi dậy do Cộng sản lãnh đạo đi vào thoái trào, thì lại xuất hiện Đảng Cộng sản Philippines (CPP) theo đường lối Maoist và cánh vũ trang của nó, gọi là Quân đội nhân dân mới (NPA). Tổ chức này bắt đầu tiến hành chiến tranh du kích ở những vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh. Ở thủ đô Manila, sinh viên cấp tiến (một số người đã liên kết với CPP) tham gia vào những cuộc biểu tình chống chính phủ đầy bạo lực, nổi tiếng nhất là Trận bão Quý I (First Quarter Storm) năm 1970. Còn ở miền Tây Nam, nơi có đông người thiểu số Hồi giáo sinh sống, thì lại xuất hiện phong trào li khai của người Hồi giáo, do Mặt trận Giải phóng Dân tộc Moro (MNLF) lãnh đạo. Sau khi thiết quân luật được ban bố, cuộc chiến tranh tàn bạo, toàn diện (mặc dù ít người biết) đã nổ ra ở Mindanao, làm hơn 100.000 người thiệt mạng. Quân đội Philippines đã tiến hành những chiến dịch đánh bom trên quy mô lớn và những chiến dịch chống nổi dậy đẫm máu, trước khi thỏa thuận ngưng bắn tạm thời, đầy tranh cãi, được kí ở Tripoli vào năm 1976. Nói chung, lực lượng CPP-NPA đã bị đẩy ra khỏi các thành phố và chuyển vào phòng ngự trong các khu vực nông thôn.

Marcos cũng vô hiệu hóa được các đối thủ chính trị trong các nhóm điền chủ đầu sỏ ở Philippines, do anh em nhà Lopez (Fernando Lopez là phó tổng thống của Marcos, nhưng đã li khai với ông này và Eugenio Lopez, một trong những nhà tài phiệt giàu có nhất Philippines) lãnh đạo. Trong thành phần tinh hoa đối lập còn có Benigno S. Aquino Jr, con trai của một chính trị gia nổi tiếng (từng là phó tổng thống trong thời Nhật tạm chiếm) và có vợ là bà Corazon “Cory” Cojuangco Aquino, người được thừa kế một trong những đồn điền trồng mía lớn nhất nước này. Trước khi ban hành thiết quân luật, Benigno Aquino, một thượng nghị sĩ đối lập trẻ tuổi, đã nổi lên như đối thủ chính trị trực tính nhất của Marcos. Aquino và một số chính trị gia đối lập hàng đầu khác bị bắt giam theo các điều khoản của thiết quân luật, Marcos còn tịch thu tài sản của một số đối thủ đầu sỏ, trong đó có gia đình nhà Lopez. Các chính trị gia và các doanh nhân lớn khác đã nhanh chóng quyết định cộng tác với Marcos thì hơn là đối đầu với chế độ độc tài của ông ta.

Trong những năm đầu dưới chế độ độc tài của Marcos, Philippines đã phát triển khá nhanh về kinh tế. Xuất khẩu gia tăng vì Marcos khuyến khích đầu tư nước ngoài. Các nhà kĩ trị đã ổn định được nền kinh tế, họ đã khởi động những nỗ lực to lớn trong xây dựng cơ sở hạ tầng và lập kế hoạch cho 11 dự án công nghiệp lớn, với mục tiêu là đưa đất nước tiến theo hướng công nghiệp hóa và làm cho nó trở thành “con hổ” tiếp theo ở châu Á. Cuộc cải cách ruộng đất cực kì cần thiết (và đã quá muộn) cũng bắt đầu. Để trả tiền cho những dự án đầy tham vọng này, Marcos, đã phóng tay vay trên các thị trường quốc tế đang tràn ngập tiền sau vụ tăng giá dầu vào năm 1973. Nợ nước ngoài của Philippines năm 1975 là 3,8 tỉ USD; năm 1980 đã tăng lên thành 12,7 tỉ USD.

Nhưng người ta đã nhanh chóng nhận ra rằng, Marcos không phải là một “nhà phát triển độc tài” với tầm cỡ tương tự như Park Chung-hee của Hàn Quốc. Ông ta là chính trị gia-luật sư, chứ không phải là dân tộc chủ nghĩa-chiến binh. Marcos đã không xa lánh những người trung thành với mình và cuối cùng ông đã ủng hộ họ, chứ không ủng hộ các nhà kĩ trị nữa. Đáng lẽ phải sử dụng những tiêu chí nghiêm ngặt để đảm bảo cho hoạt động xuất khẩu, mặc dù có những mối liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp nhà nước – như Park Chung-hee nhấn mạnh khi đưa ra những khoản trợ cấp rất lớn cho các tập đoàn khổng lồ (chaebol) ở Hàn Quốc – Marcos lại giành phần lớn nền kinh tế cho gia đình và bạn bè (hay “tay chân”) của ông ta. Hầu hết các doanh nghiệp được Marcos bảo trợ hóa ra lại là những nhà tư sản ngớ ngẩn, làm cho các doanh nghiệp được quản lí kém cỏi ngập trong nợ nần. Cải cách ruộng đất dẫm chân tại chỗ, trong khi các công ty độc quyền về đường và dừa làm cho nhiều người trồng lâm vào tình trạng kiệt quệ. Vụ đào thoát của Dewey Dee vào năm 1981 với khoản nợ xấu là 700 triệu peso cho thấy tình trạng bấp bênh của nền kinh tê ô dù. Chế độ của Marcos bắt đầu rạn vỡ.

Vụ ám sát Aquino và lực lượng đối lập gia tăng

Vụ ám sát nhà lãnh đạo đối lập Benigno Aquino, tháng 8 năm 1983, ở sân bay Manila, khi ông này trở về sau thời gian sống lưu vong, đã biến vụ suy giảm kinh tế thành vụ sụp đổ tài chính trên phạm vi toàn quốc. Những tiết lộ nói rằng Ngân hàng Trung ương đã giả mạo hồ sơ tài chính của đất nước (như Hy Lạp sau đó 25 năm) làm cho tư bản bỏ chạy và đồng peso của Philippines giảm mạnh, lạm phát tăng vọt, và chính phủ phải xin hoãn thanh toán các khoản nợ nần; lúc đó nước này đã nợ hơn 25 tỉ USD. Chính phủ đã buộc phải chấp nhận chương trình thắt lưng buộc bụng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế để đổi lấy gói cứu trợ tài chính. Kết quả là kinh tế suy giảm nghiêm trọng: Chỉ trong vòng 2 năm, tổng sản phẩm trong nước (GDP) đã giảm tới 15%.

Bắt đầu với đám tang Aquino có rất đông người tham gia – khoảng hai triệu người đi đưa tang – các cuộc biểu tình chống chính phủ đã gia tăng nhanh chóng. Cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra vào giữa tháng 9 năm 1983, trong khu Makati, một khu vực thương mại sầm uất của Manila, có hơn 100.000 nhân viên văn phòng (ăn mặc bảnh bao) tham gia, gửi đi tín hiệu về sự bất bình của cộng đồng doanh nghiệp đối với chế độ của Marcos. Các doanh nghiệp lớn, từng ủng hộ Marcos, bắt đầu chống lại ông ta sau khi nạn ô dù gia tăng và trở thành công khai thù địch sau khi xảy ra khủng hoảng tài chính tiếp liền sau vụ ám sát Aquino. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ với các giám mục Công giáo, do Tổng Giám Mục Manila, Hồng y Jaime Sin, lãnh đạo. Sau khi Giáo hội từ bỏ chính sách “hợp tác có phê phán” với chế độ, Hồng y Jaime Sin đã công khai phê phán những vụ vi phạm nhân quyền. Những chính trị gia đối lập với Marcos từ trước khi ban hành thiết quân luật và những nhóm “hướng tới mục tiêu” vừa mới được thành lập do các nhà hoạt động thuộc giới trung lưu lãnh đạo đã liên kết với họ. Các nhóm phụ nữ cũng rất dũng mãnh trong các cuộc biểu tình, mặc dù họ thường chia rẽ theo làn ranh ý thức hệ, giữa ôn hòa và cánh tả. Ngoài ra, còn có những “tổ chức quần chúng” nằm dưới sự lãnh đạo đảng Cộng sản (CPP). Đảng này (sau khi vượt qua được những vụ đàn áp nặng nề trong giai đoạn thiết quân luật ban đầu) đã phát triển nhanh chóng đội ngũ các chiến binh ở nông thôn và các nhà hoạt động ở đô thị. Phương tiện in ấn và phát thanh nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nước cũng xuất hiện sau vụ ám sát Aquino, vô hiệu hóa sự kiểm duyệt của chính phủ. Ngay cả chính phủ Mỹ, từng ủng hộ mạnh mẽ Marcos, vì lập trường chống cộng của ông ta và hai căn cứ quân sự lớn của Mỹ ở nước này, cũng bắt đầu xa lánh chế độ của ông ta.

“Bầu cử đột xuất” và sự sụp đổ của Marcos

Vì Marcos không muốn từ chức hay tổ chức quá trình chuyển hóa sang chế độ dân chủ (như những nhà cầm quyền trong các chế độ quân sự có thiết chế chặt chẽ ở Nam Mỹ, ví dụ như Brazil, đã làm), phe đối lập bắt đầu tìm kiếm chiến lược mới. Một nhóm các chính trị gia, được Giáo hội Công giáo và các doanh nghiệp lớn ủng hộ, quyết định tham gia cuộc bầu cử vào cơ quan lập pháp vào giữa năm 1984, mặc dù họ biết rõ thành tích lèo lái các cuộc bầu cử trước đây của Marcos. Mặc dù rất nhiều ứng cử viên đã bị lừa, một số đáng ngạc nhiên các ứng cử viên đối lập đã giành được chiến thắng. Chiến thắng này đã khuyến khích họ về mặt tâm lí, mặc dù, vì là thiểu số, quyền lực của họ trong Quốc hội còn khá hạn chế. Một nhóm khác đã tẩy chay bầu cử và đã làm việc nhằm thống nhất “các nhóm hướng tới mục tiêu”. Nhưng vì những người Cộng sản khăng khăng đòi phải áp dụng phong cách lãnh đạo của Lenin trong “quốc hội của các đường phố”, cho nên giữa năm 1985, những cố gắng này đã thất bại; kết quả là Cộng sản và lực lượng đối lập phi cộng sản đoạn tuyệt với nhau. Khi Marcos – dưới áp lực của Mỹ và khó khăn kinh tế – kêu gọi tổ chức bầu cử tổng thống “đột xuất” vào tháng 2 năm 1986, tất cả các nhóm đối lập chủ yếu của đất nước (trừ Cộng sản) đều quyết định tham gia.

Cuộc bầu cử đột xuất làm cho phe đối lập lúng túng, vì có sự chia rẽ giữa các đảng, liên minh đảng (liên minh lớn nhất do Salvador “doy” Laurel, ứng cử viên phó tổng thống tương lai của Aquino, lãnh đạo), và các nhóm các nhà hoạt động khác. Dưới áp lực của Giáo hội Công giáo và các doanh nghiệp lớn đòi phe đối lập đoàn kết, Corazon “Cory” Cojuangco Aquino (vợ góa của Benigno Aquino) được chọn làm ứng cử viên tổng thống, mặc dù bà không có kinh nghiệm chính trường và vì “nền tảng đạo đức” mà bà được hưởng như một “người nội trợ đơn giản” làm người ta hi vọng bà sẽ tiếp tục cuộc “đấu tranh vì công lí và dân chủ” của chồng mình. Tương tự như các nữ lãnh đạo các triều đại ở châu Á (như bà Aung San Suu Kyi ở Miến Điện hay Megawati Soekarnoputri ở Indonesia), những người được thừa hưởng uy tín của cha hay chồng “tử vì đạo” của họ, Cory được coi là chính trị gia ít tư lợi hơn, là người không bị cuốn vào những cuộc đấu tranh đầy mưu mô thường thấy ở những người đàn ông. Hàng triệu người trên cả nước đã tham gia những cuộc biểu tình ủng hộ chiến dịch tranh cử của bà, bất chấp những tên lính đánh thuê của chính phủ và xếp hàng nhiều giờ chờ bỏ phiếu trong ngày bầu cử, vì người ta cố tình gây trở ngại cho cuộc bỏ phiếu. Phong trào Công dân Toàn quốc Ủng hộ Bầu cử Tự do, nhóm cơ quan giám sát bầu cử được các doanh nghiệp lớn ủng hộ đã huy động được hàng trăm tình nguyện viên, Giáo hội Công giáo và các nhóm xã hội dân sự giám sát các điểm bỏ phiếu và tiến hành kiểm phiếu một cách độc lập cho thấy Aquino đã thắng. Việc Marcos xuyên tạc kết quả một cách trằng trợn đã làm cho các cử tri vô cùng tức giận, bây giờ có thể dễ dàng huy động những cử tri này đứng lên chống lại chế độ.

Cuộc cách mạng quyền lực nhân dân lật đổ Marcos được khơi mào bằng cuộc đảo chính quân sự thất bại, những người nổi dậy tức giận vì Marcos đã biến quân đội thành việc riêng của ông ta (ông ta đưa người em họ, tên là Fabian Ver, vốn là lái xe lên làm tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang). Trước khả năng bị binh lính và xe tăng của chính phủ tiêu diệt, hàng trăm ngàn người Manila, được Giáo hội Công giáo và các nhóm hướng tới mục tiêu ủng hộ, đã tập hợp xung quanh những người nổi loạn. Hai người rời bỏ chính phủ của Marcos – Bộ trưởng quốc phòng Juan Ponce Enrile và tướng Fidel V. Ramos, đứng đầu lực lượng cảnh sát Philippine, đồng thời là tổng tham mưu phó các lực lượng vũ trang, ông này sau đó đã trở thành tổng thống thứ hai thời hậu Marcos – lãnh đạo những người chống đối. Sau bốn ngày căng thẳng, Marcos chạy trốn khỏi Philippines trên một chiếc máy bay trực thăng do Mỹ cung cấp, đây là bước cuối cùng trong nỗ lực có phối hợp của Mỹ nhằm buộc tổng thống Philippine rời bỏ quyền lực (Sau này Marcos tuyên bố rằng ông ta bị người Mỹ bắt cóc). Cuộc nổi dậy đã đưa phe đối lập Cộng sản ra rìa, vì phe này tẩy chay bầu cử và không tham gia phong trào quyền lực nhân dân. Cory Aquino, tuyên thệ nhậm chức tổng thống trong ngày cuối cùng của cuộc nổi dậy, bà nắm quyền lực ngay sau khi Marcos bỏ trốn. Aquino bãi bỏ bản hiến pháp của ông ta, thay thế quan chức của các chính quyền địa phương, và cai trị bằng sắc lệnh. Bà tổ chức ủy ban hiến pháp để soạn thảo đạo luật cơ bản mới, nhằm phục hồi hệ thống tổng thống “mạnh”, với những quyền hành rộng lớn. nhưng cũng đảm bảo một cách rõ ràng các quyền tự do dân sự. Bản dự thảo hiến pháp này được phê duyệt bằng một cuộc trưng cầu dân ý, và tháng 5 năm 1987, Aquino tổ chức các cuộc bầu cử vào cơ quan lập pháp khu vực và toàn quốc (cơ quan lập pháp gồm hai viện như trước khi có thiết quân luật).

Cory Aquino và cuộc chuyển hóa sang dân chủ đầy khó khăn

Nhưng sự tan rã của liên minh giữa các chính trị gia đối lập và những quân nhân nổi dậy, những quân nhân này quay sang chống lại Cory Aquino, làm cho chính phủ mất ổn định. Sau cố gắng nhằm lật đổ Marcos, phái Enrile – Phong trào của lực lượng vũ trang ủng hộ cải cách (RAM) – cảm thấy bị mất quyền lực vào tay Aquino và các chính trị gia dân sự, đang giữ thế thượng phong trong nội các của bà và đã nổi giận trước những lời đề nghị đàm phán với Cộng sản và các nhóm phiến quân Hồi giáo. Lời hứa trước đây của chính phủ Aquino là sẽ điều tra những vụ vi phạm nhân quyền cũng làm họ lo lắng, vì một số nhà lãnh đạo của RAM đã từng là những kẻ tra tấn khét tiếng. Đã diễn ra tổng cộng chín cuộc đảo chính chống lại chính phủ Aquino. Tháng 5 năm 1989, một cuộc bạo loạn của giới quân sự do RAM lãnh đạo suýt nữa thì lật đổ chính phủ. Chính quyền Aquino thoát chết khi họ chuyển sang lập trường của cánh hữu về những vấn đề an ninh, nhân quyền và các vấn đề xã hội khác (tạm ngưng công cuộc cải cách ruộng đất, sau khi cảnh sát nổ súng vào đoàn nông dân biểu tình một cách hòa bình, đang tiến về phía dinh tổng thống vào tháng 1 năm 1987). Chính quyền của bà được tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang (và sau này là Bộ trưởng Quốc phòng) Fidel Ramos ủng hộ rất nhiều trong việc đoàn kết giới quân nhân nhằm ủng hộ chính quyền dân sự. Chính phủ của Cory đã tìm cách thu hồi những khoản tài sản bị Marcos ăn cắp và hứa tuân theo các nguyên tắc của nền quản trị tốt. Nền kinh tế dần ổn định, đấy là nhờ những cuộc cải cách kinh tế vĩ mô được các nhà kĩ trị tiến hành, nhằm xóa bỏ những công ty độc quyền được nhà nước bảo trợ, lạm phát giảm và giải quyết dần gánh nặng nợ nần của đất nước. Cuộc bầu cử vào cơ quan lập pháp năm 1987, mặc dù đã bị hoen ố bởi bạo lực và bị các chính trị gia thuộc các gia đình danh gia vọng tộc chi phối, nói chung là tự do và công bằng, thu hút được các chính trị gia thuộc đủ các trường phái khác nhau – trong đó có những người trung thành với Marcos – trở lại với những hoạt động tranh cử. Trong cuộc bầu cử quốc hội năm 1987, 62% số đại biểu được bầu có thân nhân làm việc trong các cơ quan dân cử; trong khi đó, trong cuộc bầu cử năm 2001, số lượng các chính trị gia từ các gia đình danh gia vọng tộc trong hạ viện đã tăng lên thành 66%. Quy định giới hạn thời gian giữ chức vụ được quy định trong bản hiến pháp năm 1987 đã không làm sứt mẻ được quyền lực của các gia tộc, vì vợ và con cái của các chính trị gia hàng đầu thường được bầu làm người kế nhiệm họ. Các cuộc bầu cử thường khá tốn kém và đầy bạo lực, nhất là ở cấp địa phương. Nhưng các chính trị gia “lãnh chúa” vẫn là hiện tượng tương đối hãn hữu và phiếu bầu hiếm khi được mua một cách đơn giản. Những cuộc bầu cử ở Philippines thường có tính cạnh tranh và các cử tri là những người có tư duy độc lập; các gia đình chính khách nổi tiếng thường bị thua trong những cuộc bầu cử địa phương và toàn quốc khi họ không còn được lòng dân. Nhưng ngay cả những vị tổng thống thời hậu-Marcos cũng thường thuộc các gia đình danh gia vọng tộc: Gloria Macapagal-Arroyo là con gái của cựu tổng thống và tổng thống hiện thời, Benigno “Noynoy” S. Aquino III, là con trai của tổng thống Cory Aquino.

Củng cố dân chủ dưới thời Fidel Ramos

Nhiệm kì của tổng thống Ramos đã củng cố được chế độ dân chủ của Philippines. Đây là thành tích đáng kể, nếu biết rằng ông đã giành chiến thắng trong đường tơ kẽ tóc sau cuộc bầu cử tổng thống năm 1992, khi đó ông giành chưa được một phần tư tổng số phiếu bầu. Mặc dù được Aquino chọn làm người kế nhiệm, Ramos đã không được đảng chính trị lớn nhất lúc đó, Laban ng Demokrating Philippine (Cuộc chiến đấu của những người Philippines dân chủ), do chủ tịch Hạ viện Ramon Mitra lãnh đạo, đề cử. Thay vào đó, ông lập ra đảng của chính mình (làm cho hệ thống đảng phái của nước này vốn đã bị phân mảnh, càng thêm yếu đi). Ông cuốn hút cử tri trên cơ sở nghề nghiệp quân sự và lòng trung thành với chính quyền Aquino và hứa thúc đẩy hơn nữa các cuộc cải cách. Đối thủ ngang tài ngang sức nhất của ông là ứng viên kiên quyết bài trừ tham nhũng, Miriam Defensor-Santiago, cho thấy mối bận tâm của công chúng đã chuyển từ sợ chế độ độc tài sang những lo lắng về nạn tham nhũng đang ngày càng gia tăng trong các thiết chế dân chủ mới được thành lập ở trong nước. Ramos đã tiến hành hàng loạt cuộc cải cách kinh tế, tập trung vào việc nới lỏng các quy định và tư nhân hóa các tài sản của chính phủ có hiệu quả thấp, mà nhiều nhà kinh tế học tin là sẽ đưa Philippines trở lại con đường tăng trưởng kinh tế – thông qua phát triển khu vực dịch vụ chứ không phải là công nghiệp hóa. Ramos cũng khôi phục được ổn định chính trị, kí kết hiệp ước hòa bình với MNLF và đàm phán với quân nổi dậy Cộng sản và các lực lượng nổi dậy quân sự khác. Hình ảnh của Ramos, như một nhà cải cách mạnh đến mức vụ bê bối tham nhũng (gọi là thoản thuận PEA-Amari) đã không làm sứt mẻ đáng kể tình cảm của dân chúng dành cho ông. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998 ở châu Á, mặc dù không gây tổn hại cho Philippines như đã gây ra cho các nước Đông Á khác, đã lật ngược những thành tích trong lĩnh vực tài chính mà chính quyền Ramos đã giành được.

Ổn định được tái lập dưới thời tổng thống Estrada và Arroyo

Mặc dù vị tổng thống tiếp theo của Philippines, một minh tinh màn bạc quay sang làm chính trị, Joseph E. Estrada, thắng dễ dàng trong cuộc bầu cử năm 1998, nhiệm kì tổng thống của ông có nhiều biến động hơn so với nhiệm kì của Ramos. Estrada đã ve vãn được massa (dân nghèo) Philippines bằng tính cách được trui rèn trong đời diễn viên như một ngôi sao hành động và chuyển những hình ảnh của người chiến sĩ đấu tranh vì người nghèo trên phim ảnh lên sân khấu chính trị. Việc ông ta tự mô tả mình theo lối dân túy, coi mình là bạn của những người nghèo tứ cố vô thân là nền tảng của khẩu hiệu của chiến dịch tranh cử năm 1998: “Erap vì người nghèo” của ông ta. Estrada đã thu hút được sức mạnh từ những điểm yếu nhất của Aquino và Ramos: Không thể cải thiện đáng kể đời sống của đại đa số người dân Philippines đang sống trong tình trạng nghèo khổ. Mặc dù, ở cấp vĩ mô, nền kinh tế đã được cải thiện, nhưng tình trạng nghèo đói vẫn còn phổ biến, với tỉ lệ thất nghiệp (và thiếu việc làm) khá cao. Nhưng, mặc cho những bài diễn văn mang tính dân túy và vì người nghèo của Estrada, những mối quan hệ của ông ta với chính quyền cũ thời Marcos, mớ tiếng Anh ngọng nghịu của ông ta và lối sống “vô đạo đức” chẳng cần che đậy của ông ta đã làm cho giới tinh hoa và nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu phản đối. Nhà thờ Công giáo và giới doanh nhân, cùng với nhiều tờ báo, đã trở thành những lực lượng phê phán hàng đầu chính quyền của ông này. Một vụ bê bối cờ bạc lớn đã thúc đẩy nhiều nhóm xã hội dân sự từ bỏ Estrada và dẫn đến vụ luận tội ông này ở Hạ viện. Nhưng khi Thượng viện thất bại trong việc buộc tội ông ta, thì phong trào quyền lực nhân dân thứ hai được thành lập, lần này bao gồm gần như toàn bộ những người biểu tình thuộc giới trung lưu và chống lại tổng thống được bầu lên một cách tự do và công bằng. Việc quân đội, nói một cách hình tượng là “thôi ủng hộ”, đã dẫn đến “vụ đảo chính do quyền lực của nhân dân tiến hành”, được Tòa án Tối cao phê chuẩn bằng một quyết định đầy tranh cãi. Vài tháng sau, người kế nhiệm Estrada làm tổng thống, cựu phó tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo, ra lệnh bắt giữ ông ta vì tội tham nhũng, hàng trăm ngàn người nghèo ủng hộ ông ta lại vùng lên để làm một cuộc nổi dậy nữa. Phải dập tắt vụ “trả thù của quần chúng” bằng lực lượng quân sự, để cứu chính quyền của Arroyo, nhưng nó cũng cho thấy tính chính danh của chính phủ này mong manh đến mức nào.

Arroyo, một nhà kinh tế học được đào tạo bài bản, tiếp tục những cuộc cải cách kinh tế vĩ mô của Ramos, mở ra giai đoạn tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao, kéo dài hơn một thập kỉ. Nhưng thành tích kinh tế mạnh mẽ không làm cho bà trở thành chính trị gia được người nghèo ưa chuộng. Nó dẫn tới khủng hoảng, đấy là khi người bạn và diễn viên đồng nghiệp của Estrada, Fernando Poe Jr. tuyên bố sẽ tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2004. Ông ta phải tranh cử với Arroyo, bà này (hủy bỏ lời hứa trước đó là sẽ không tranh cử tổng thống) tuyên bố tranh cử nhằm bảo vệ những cuộc cải cách đang được tiến hành. Mặc dù bị các phương tiện truyền thông ưu tú và tầng lớp trung lưu coi thường, Poe, cũng như Estrada, rất được lòng những người dân thường Philippines. Những người Philippines giàu có nhất thở phào nhẹ nhõm khi thấy Arroyo chiến thắng với cách biệt là hơn một triệu phiếu bầu. Nhưng, một năm sau, vụ bê bối “Xin chào Garci”, trong đó, người ta thấy, trên một băng ghi hình, Arroyo đang thảo luận về những mánh khóe lèo lái cử tri trong cuộc tổng tuyển cử năm 2004 với ủy viên Hội đồng bầu cử lúc đó là Virgilio Garcillano. Vụ bê bối này thể hiện rõ mức độ gian lận trong cuộc bầu cử vừa nói. Mức độ tín nhiệm của bà Arroyo còn bị suy giảm bởi những vụ bê bối được nhiều người quan tâm, nhiều vụ còn liên quan trực tiếp đến chồng bà. Những người cải cách trong nội các của bà đồng loạt từ chức, còn những người hoạt động trong xã hội dân sự thì xuống đường đòi bà từ chức tổng thống. Mấy âm mưu đảo chính quân sự bị dẹp tan. Tỉ lệ người ủng hộ bà đã giảm xuống mức thấp nhất, so với tất cả các vị tổng thống thời hậu-Marcos. Arroyo sống sót được là nhờ sự bảo trợ về mặt chính trị, nhằm ngăn chặn những nỗ lực trong việc luận tội, nhờ nuông chiều các sĩ quan quân sự hàng đầu, và được các vị giám mục quan trọng trong Công giáo ủng hộ (quyết tâm của những vị này đã bị suy yếu do nội bộ chia rẽ, các vụ bê bối tình dục, và các đặc quyền đặc lợi về vật chất dành cho những giáo sĩ hàng đầu, được gọi là “các giám mục của Dinh Malacañang”, theo tên dinh tổng thống). Năm cầm quyền cuối cùng của Arroyo bị hoen ố bởi việc hạ sát 57 người, trong đó có 34 nhà báo. Những người này lúc đó đang tháp tùng vợ một ứng cử viên đối lập khi bà này tìm cách đăng kí cho chồng tranh cử chức thống đốc. Vụ thảm sát ở Maguindanao, do băng đảng chính trị khét tiếng trong gia tộc Ampatuan thực hiện, xảy ra Mindanao, miền nam, cách xa thủ đô Manila. Nhưng người ta đã nhanh chóng gắn nó với chính quyền Arroyo vì trước đây bà đã ủng hộ gia đình lãnh chúa này, đấy chính là một phần của chiến dịch chống lại những người li khai Hồi giáo và vì Ampatuan có vai trò rất quan trọng trong việc nhét thêm phiếu vào hòm và bằng cách đó bảo đảm việc “tái cử” cho bà Arroyo trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2004.

Con trai vươn lên: Nhiệm kì tổng thống của Noynoy Aquino

Cơn đau buồn bao trùm lên toàn quốc sau khi Cory Aquino chết vì bệnh ung thư kết trực tràng năm 2009 đã dẫn đến sự xuất hiện đầy bất ngờ của người con trai bà, Benigno “Noynoy” Aquino III – thượng nghị sĩ đang trong nhiệm kì đầu tiên, chưa được nhiều người biết tới – như là ứng cử viên tổng thống hàng đầu của phe đối lập. Mặc dù Arroyo đã bị hiến pháp cấm tái tranh cử, Noynoy Aquino đã lợi dụng một cách hiệu quả những khiếm khuyết của chính quyền Arroyo nhằm phục vụ cho chiến dịch tranh cử của mình, với lời hứa là nếu loại bỏ được tham nhũng thì nghèo đói cũng sẽ không còn. Sau khi giành chiến thắng cách dễ dàng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2010, Noynoy hứa thiết lập nền quản trị tốt, giúp tái xây dựng hình ảnh Philippines ở nước ngoài (với những tổ chức tài chính quốc tế lớn, có uy tín, cung cấp thêm các khoản đầu tư) và duy trì tỉ lệ người ủng hộ cao trong các cuộc thăm dò dư luận ở trong nước. Cả Aquino lẫn những người họ hàng gần gũi của ông đều không dính líu tới bất kì vụ bê bối lớn nào (khi đương chức, Aquino vẫn còn độc thân, chưa có bạn đời để có thể trở thành tâm điểm của những cáo buộc về tham nhũng như Imelda Marcos hay Mike Arroyo). Nhưng những hành động bất lương trong chính phủ vẫn là một căn bệnh, buôn lậu ngày càng tệ hơn, các nghiệp đoàn địa phương tiếp tục phát triển mạnh. Đồng thời, những vấn đề mang tính cơ cấu quan trọng – thất nghiệp gia tăng, tỉ lệ nghèo đói cao (mặc dù chương trình cấp vốn có điều kiện cho người nghèo đang được thực hiện), và sự suy giảm tương đối của ngành sản xuất, nói chung, vẫn chưa được giải quyết. Vụ bê bối một thùng lớn chứa thịt lợn năm 2013 đặt ra câu hỏi về việc liệu Aquino có rơi vào cái bẫy ngôn từ: hứa hẹn cải cách trong khi vẫn sử dụng những biện pháp ô dù nhằm thông qua các biện pháp cải cách của mình. Ngay cả những thành công lớn của Aquino, ví dụ, cách chức Chánh án Tòa án Tối cao Renato Corona vì bị cáo buộc tham nhũng, rõ ràng là chỉ có thể được thực hiện bằng cách phân bổ hào phóng sự bảo trợ của tổng thống đối với các nhà lập pháp. Tuy nhiên, Aquino vẫn được các nhóm có tầm quan trọng chiến lược trong xã hội Philippines (Giáo hội Công giáo, các doanh nghiệp lớn, nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự, và rất nhiều phương tiện truyền thông đại chúng và quân đội) ủng hộ. Mức độ ủng hộ của dân chúng vẫn tương đối cao và không giảm một cách đột ngột, như Arroyo đã gặp sau một loạt vụ bê bối.

Từ quá trình chuyển hóa đầy khó khăn sang nền quản trị tốt

Phong trào quyền lực của nhân dân Philippine – trong đó, những cuộc biểu tình ủng hộ cuộc nổi dậy của quân đội đã lật đổ được chế độ độc tài của Marcos sau khi kết quả cuộc bầu cử năm 1986 bị đánh tráo – đã dẫn đến cuộc chuyển hóa đầy khó khăn sang dân chủ. Những người bất đồng trong lực lượng vũ trang đã quay sang chống lại Cory Aquino và suýt nữa thì lật đổ được chính phủ của bà này. Trong khi Fidel Ramos đã buộc quân đội chấp nhận sự kiểm soát của các quan chức dân sự trong chính quyền của ông; sau nhiệm kì của ông, một giai đoạn bất ổn mới lại bắt đầu. Joseph Estrada bị phong trào quyền lực của nhân dân do giới tinh hoa lãnh đạo lật đổ, lần này là nhằm chống lại tổng thống được bầu và được dân nghèo ủng hộ. Người kế nhiệm Estrada, Gloria Macapagal-Arroyo, bị mất tín nhiệm từ cuộc khủng hoảng tính chính danh sau khi nắm quyền bằng biện pháp không có trong hiến pháp và sau đó thì thao túng cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2004 nhằm “đánh bại” người bạn và đồng nghiệp diễn viên kiêm chính gia của Estrada, Fernando Poe Jr. Nhưng Arroyo, dù không được lòng dân, vẫn vượt qua được mấy âm mưu đảo chính và làm hết nhiệm kì của mình. Hoàn cảnh đó đã tạo ra vũ đài cho chiến thắng long trời lở đất của Noynoy Aquino trong cuộc bầu cử năm 2010, đấy có lẽ cũng là cuộc bầu cử tổng thống tự do nhất và công bằng nhất trong giai đoạn hậu-Marcos ở Philippines.

Noynoy Aquino giành được chức tổng thống nhờ lời hứa sẽ đưa đất nước trở lại với những biện pháp quản trị tốt và hoàn thành những lời hứa của phong trào quyền lực thuộc về nhân dân mà mẹ ông, bà Cory Aquino, là người đại diện. Ít ai nghi ngờ rằng Philippines, sau gần ba thập kỉ chuyển hóa dân chủ, đã chứng kiến nền quản trị được cải thiện, theo nghĩa chính sách kinh tế vĩ mô ổn định và những nỗ lực nghiêm túc (mặc dù thường có hiệu quả khá hạn chế) nhằm kiềm chế nạn tham nhũng. Vai trò của các nhà kĩ trị được nâng lên, kinh tế tăng trưởng khá nhanh, lạm phát thấp và gánh nặng nợ nần giảm. Một nhóm mới của các ông trùm xuất hiện với các khoản đầu tư tập trung vào lĩnh vực dịch vụ đang phát triển nhanh chóng, làm lu mờ những nhóm đầu sỏ cũ – những người mà tài sản dựa chủ yếu vào đất đai và ngành công nghiệp dựa vào xuất khẩu.

Nhưng bộ máy quản lí kinh tế thời hậu-Marcos đã thất bại trong việc xóa đói giảm nghèo và giảm tỉ lệ thất nghiệp. Đây là lí do vì sao ngay cả vị tổng thống cải cách thành công lại có thể được kế nhiệm bằng một người dân túy, như đã xảy ra khi Estrada nắm quyền sau Fidel Ramos – giai đoạn cầm quyền của ông này được mọi người coi là thời kì vàng son của cải cách chính trị thời hậu-Marcos. Việc Estrada được các cử tri nghèo ủng hộ mạnh mẽ – họ đã đưa ông ta lên chức tổng thống vào năm 1998 – là do Ramos đã thất bại, không làm được gì nhiều cho đa số dân nghèo Philippines, mặc dù ông đã tiến hành nhiều cuộc cải cách. Việc lật đổ Estrada cho thấy sự mất tin tưởng của giới tinh hoa đối với chủ nghĩa dân túy của ông này. Dường như tầng lớp trung lưu và thượng lưu Philippines được chuẩn bị để chịu đựng thách thức quyền lực của những người dân túy. Thái độ như thế có thể dẫn đến chu kì bầu cử, trong đó các biện pháp nhằm tăng cường tính hiệu quả trong kinh tế bằng việc ổn định kinh tế vĩ mô và quản trị tốt phải cạnh tranh với những nỗ lực nhằm làm giảm bất bình đẳng, bằng cách đưa mục tiêu tạo thêm việc làm và những khoản phúc lợi xã hội thành những mục tiêu chính sách chính của hệ thống chính trị dân chủ của Philippines.

Comments are closed.