Cán bộ tư pháp nước ta rất cần được xem bộ phim: “12 vị bồi thẩm”! (phim Nga, 2007)

Nguyễn Anh Tuấn

image

Một bộ phim mà xem xong, tôi phải lặng người rất lâu… Dòng chữ phim cuối: “Luật pháp cao hơn tất cả… Nhưng lòng Nhân từ còn cao hơn”, cùng trường đoạn phim lặp lại về người bồi thẩm kể lại cuộc đời ông đã được cứu thoát bởi tình thương, sự cưu mang của một người phụ nữ giữa lúc đời ông rơi xuống vực thẳm tuyệt vọng, đã giống như Lời đề từ, làm triết lý nền tảng cho cả bộ phim, là cái lý do mà bộ phim phải ra đời…

Liệu có phải ngẫu nhiên mà bộ phim xuất hiện trên "Khoảng lặng nước Nga" giữa khi những vụ án oan xuất hiện ở nước ta gây chấn động lương tri hàng triệu người? Số phận của một chú bé Chernya bị buộc tội giết cha mẹ nuôi được quyết định bởi 12 vị Bồi thẩm trong phiên họp trước buổi tuyên án chỉ diễn ra vỏn vẹn trong 160 phút phim còn mở ra cho khán giả Nga và khán giả nhiều nước những vấn đề nhân sinh nóng bỏng, không chỉ giới hạn ở luật pháp, mà còn rộng hơn nhiều – đó là vấn đề quyền sống, quyền tự do của con người, là sự tôn trọng sinh mệnh và phẩm giá của bất kỳ ai trên thế giới này…

Tôi nhớ đến bộ phim Mỹ “12 Angry Men” (12 người đàn ông nổi giận) sản xuất năm 1957, cũng kể về một Bồi thẩm đoàn có 12 người đàn ông đang bàn thảo về tội trạng của một bị cáo. Tại Hoa Kỳ và các nước văn minh, trong hầu hết các phiên xử hình sự qua Bồi thẩm đoàn, tất cả các Bồi thẩm viên phải nhất trí khi kết luận bị cáo có tội hay vô tội. "12 Angry Men" được Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ chọn lưu trữ vào Viện lưu trữ phim Quốc gia vì sự "quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, Lịch sử, hay thẩm mỹ" của nó. Còn phim "12 vị Bồi thẩm" được đề cử giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 2008, và nhiều giải thưởng danh giá khác tại các LHP ở hạng mục đạo diễn, diễn viên, âm nhạc, kịch bản…

Cũng giống phim Mỹ này, hầu hết bộ phim Nga “12 vị Bồi thẩm” cũng chỉ chủ yếu diễn ra trong một phòng họp Bồi thẩm, nhưng có thêm những ngoại cảnh cho thấy bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh sống của nhân vật bị buộc tội. Cũng mở đầu bằng quyết định của các Bồi thẩm viên rằng bị cáo có tội – chỉ trừ một Bồi thẩm biểu quyết "vô tội" trong cuộc biểu quyết đầu tiên; rồi sau đó diễn ra những cuộc tranh cãi nảy lửa, những “tỷ số” thay đổi một cách gay cấn đến nghẹt thở để đi tới thống nhất của cả 12 vị Bồi thẩm là bị cáo Vô tội!…

Nhưng có điều khác biệt nhất trong cấu trúc truyện phim ở phim Nga với phim Mỹ, là về cuối, vị Bồi thẩm nghệ sĩ cựu chiến binh tuy thống nhất với cả 11 người kia là cần bênh vực chú bé vô tội, song lại đề nghị cậu ta cần “có tội” để được vào trong tù – nhằm thoát khỏi sự trả thù khốc liệt của phe nhóm xã hội đen đang bắt đầu tràn lan đe dọa cuộc sống của người lương thiện! Ý nghĩa xã hội được mở ra thăm thẳm!

Và tạo nên sự khác biệt của phim Nga với phim Mỹ chính là số phận – tâm trạng của những “Con người Nga” cụ thể, với những nét tính cách rất Nga, bộc lộ tâm hồn Nga riêng biệt – qua đó thấy được không khí xã hội Nga đương đại rõ nét. Đó là một xã hội đang còn đầy khuyết tật – cái khuyết tật kéo dài suốt 40 năm giống như chiếc ống nước treo cũ kỹ gây nguy hiểm cho học sinh tại một trường học mà đoàn Bồi thẩm phải mượn phòng thể dục dụng cụ để họp chuyện quan trọng, cái xã hội còn nhiều bất công, ngay cả những vị Bồi thẩm khi vào việc công cũng mang theo bao lo toan cá nhân vị kỷ… Song, giá trị nghệ thuật của bộ phim là ở chỗ: ngay trong những vũng nhầy nhụa của cuộc sống, người làm phim đã tìm ra được lòng nhân hậu, sự chính trực luôn ẩn giấu trong những con người được trao trọng trách thẩm định phán xét sự thật trong một vụ án cụ thể, và những điều ấy được mô tả một cách cực kỳ chân thực, sinh động, thông qua nhưng câu chuyện đời tư thầm kín tưởng như rất xa lạ với vụ án đang bàn song lại có ý nghĩa hệ trọng đối với quyết định cuối cùng của họ lúc biểu quyết – bằng tay hay bỏ phiếu kín! 12 nhân vật đàn ông này không chỉ nổi giận với nhau, với cái thể chế – xã hội bên ngoài, mà còn có sự cảm thông lắng nghe tâm tư thầm kín của nhau, biết rỏ nước mắt xót thương trước nỗi bất hạnh của những mảnh đời không có huyết thống với bản thân; và bên cạnh những lý lẽ biện luận tưởng dài dòng là một trí tuệ minh mẫn để phân biệt phải trái, quyết tìm ra cốt lõi sự thật ở đằng sau cái vỏ bên ngoài dù khôn khéo hợp lý đến đâu! Cao trào chính của phim là trường đoạn vị Bồi thẩm trưởng đoàn – người từ đầu đến cuối khăng khăng chú bé “có tội” – đã tìm ra một góc tối riêng biệt để kể về bi kịch đời ông, con trai ông – liên quan tới người phụ nữ ích kỷ mê muội. Mà người phụ nữ gây vết thương lòng đau đớn cho ông được gợi lại vào lúc vị Bồi thẩm nhà kỹ nghệ phân tích rõ ràng về hành vi của người phụ nữ ích kỷ độc ác hàng xóm dẫn đến oan sai của chú bé con nuôi – và điều này là giọt nước làm đầy tràn cốc nước, định kiến của ông được phá bỏ, ông là người cuối cùng tuyên bố chú bé Vô tội! Đây cũng là nút thắt của truyện phim!

Những bối cảnh tối tăm, ngập chìm trong mưa gió hoặc khói đạn chết chóc trong phim dường như hỗ trợ cho sự bừa bộn ngổn ngang của căn phòng họp tạm bợ – nhưng chính trong cái bừa bộn nội cảnh này đã bộc lộ sự xung đột tâm lý, và sự xung đột tâm lý đó lại làm bật ra “chất người” đáng yêu đáng quý vô hạn của những vị Bồi thẩm, kể cả ở vị Bồi thẩm đứng tuổi chỉ mong sớm xong họp để đi đón người tình 22 tuổi sau hai tháng xa cách, người đã không ngượng ngùng kể lại cho đám đàn ông còn ở tuổi háu đàn bà về nốt ruồi nhỏ trên vú người tình, ngay bên số phận bấp bênh của chú bé tội phạm!…

Những lời thoại đầy kịch tính đã diễn ra giữa các đồ vật được nhân vật sử dụng làm đạo cụ dựng hiện trường giả, khiến nội dung tranh cãi thấm vào người xem một cách rất tự nhiên… Đặc biệt là những "cú" cận cảnh nhân vật khá đắt giá – tiêu biểu nhất là các cận cảnh vị Bồi thẩm nghệ sĩ-cựu chiến binh, tài năng diễn xuất của ông bộc lộ một tâm hồn Nga đầy trăn trở, dằn vặt, xót thương, đã gợi nhớ đến những nhân vật văn học Nga cổ điển như Hoàng thân Mưskin (Thằng ngốc của F. Dostoyevsky)… Hình ảnh con chim sẻ quẩn quanh trong phòng họp, rồi sau đó được thả bay đi giữa đêm gió tuyết gợi bao suy ngẫm cho người xem về cõi đời dông tố đang cần đến lòng Nhân từ và Tự do này…

Tôi nghĩ rằng: các cán bộ ngành tư pháp nước ta nếu xem được phim này sẽ tự rút ra được nhiều bài học quý báu, cần thiết cho nghề nghiệp của họ…

Nguồn: FB Nguyễn Anh Tuấn

Comments are closed.