Có những người rút lui khỏi “trung tâm” ra “ngoại vi” (100 năm Kim Lân)

Đặng Thân

Cuộc trình văn học thế kỷ 20 thật là trái khoáy, đau đớn, dữ tợn. Đúng vào giai đoạn đỉnh cao “Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng”[1] của “thiên đường miền Bắc XHCN” và “văn học hiện thực XHCN”, tôi rất chú ý tới sự “rút lui” cực kỳ bất ngờ của ba nhân vật văn học quan trọng. Đó là:

– Nguyên Hồng: Từng phụ trách báo Văn nhưng đã biến hẳn khỏi thủ đô, về với núi rừng, Nhã Nam – Bắc Giang, từ 1959. Lý do: “Chúng mày đểu lắm!”; “Tao về Nhã Nam. Đủ, đủ lắm rồi. Ông đéo chơi với chúng mày nữa. Ông về Nhã Nam.”[2]

– Hữu Loan: Đã bỏ thủ đô về quê nhà Nga Sơn – Thanh Hóa. Số là bài thơ “Màu tím hoa sim” nổi tiếng của ông đã được lưu hành rộng rãi trong vùng kháng chiến và cả nước thời đó; cho nên do nội dung bài thơ mang nặng tình cảm, bị lãnh đạo coi là làm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của bộ đội nên đã bị cấm đoán, ông bị coi là “phản động”. Sau 1951, không khí mất dân chủ cộng với các cuộc đấu tố khiến ông phẫn nộ xin giải ngũ về quê đi cày lần thứ nhất. Từ 1954, ông được mời ra làm báo Văn nghệ. Nhưng, trong thời gian 1956-1957, ông tham gia Phong trào Nhân văn – Giai phẩm, sáng tác những tác phẩm thường mang tính phản đối và về con người trong thời kỳ chiến tranh. Hữu Loan bị kiểm thảo, phải đi cải tạo, nhưng không nhận tội, không tố oan, đồng thời quyết định bỏ thủ đô về quê lần hai, vào quãng 1959-1960. Viết đến bốn lá đơn xin nghỉ, chờ đến hai năm, bị cán bộ “trên” đến thuyết phục nhiều lần, ông bẻ bút trả lời: “Làm cán bộ, làm nhà văn khó lắm. Viết vừa lòng nhà nước thì dân chửi cho, viết vừa lòng dân thì có thể đi tù như chơi. Thôi tôi về đi cày.” Khi trở về quê nhà tại Nga Sơn ông làm nghề thợ đá nuôi gia đình; bạn bè nhớ ông cũng chỉ dám nhớ âm thầm như Quang Dũng, trong một bài thơ có câu: “Một chiếc linh hồn nhỏ / Đi về chân núi xanh”. Ông nói với vợ con: “Thôi thì bà với các con chịu khổ để cho tôi được sống lương thiện. Tôi mà chịu khó hót thì nhà lầu xe hơi sung sướng đấy, nhưng tôi không làm được.”[3]

– Kim Lân: Bỏ viết, nhưng vẫn ở thủ đô. Lý do: đó là điều bây giờ chúng ta phải cùng nhau đi tìm.

Cuộc “rút lui” của Nguyên Hồng cho thấy một thái độ “duy tình”. Tao biến vì “chúng mày” đểu quá, vì tao không thể chơi được với bọn đểu. Bọn đểu, ắt đông lắm. Cao xa đâu chưa kể, nhưng “bọn đểu” ngay sát ông là những ai? Không thể thiếu một/nhiều trong những cái tên này được: Nguyễn Công Hoan, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam giai đoạn 1957-1963; Nguyễn Đình Thi, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam giai đoạn 1958-1989; Tú Mỡ, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam giai đoạn 1957-1963; Chính Hữu, Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam giai đoạn 1958-1989… Trong đó còn có, như Tô Hoài nói: “Cuộc họp ban chấp hành Hội cũng đã quyết định về chúng tôi. Có hai người hăng nhất, Hoài Thanh và Lưu Trọng Lư đề nghị đưa hai chúng tôi ra khỏi Ban Chấp hành, ra khỏi Hội Nhà Văn.”[4]

Cuộc “đào tẩu” của Hữu Loan thì cho thấy một thái độ “duy lý”, dứt điểm lạnh lùng. Thi sỹ phải rũ bỏ cả “lực lượng kháng chiến” lẫn kinh thành đến hai lần, nộp bốn đơn trong đằng đẵng hai năm chực chờ được “rút ra ngoài”, thì “họ” phải là những thế lực “trên”. Bên trên, thì có thể là những ai trong danh sách này?[5]

Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng (1950-1951):

Phụ trách ban: Trường Chinh

Trưởng ban: Tố Hữu

Phó Trưởng ban: Trần Văn Giàu

Ủy viên: Lê Quang Đạo, Xuân Thuỷ, Lê Liêm

Ban Giáo dục Trung ương Đảng (1950-1951):

Phụ trách: Phạm Văn Đồng

Trưởng ban: Hà Huy Giáp

Phó trưởng ban: Nguyễn Khánh Toàn

Ủy viên: Trần Huy Liệu, Đào Duy Kỳ, Hoàng Hữu Nhân, Nguyễn Hữu Đang, Hoài Thanh

Ban Tuyên huấn Trung ương (1951-1954):

Trưởng ban: Trường Chinh

Ủy viên: Phạm Văn Đồng, Tố Hữu, Trần Quang Huy, Hoàng Tùng, Xuân Thuỷ, Lê Quang Đạo, Nguyễn Chương, Nguyễn Khánh Toàn, Minh Tranh

Ban Tuyên huấn Trung ương (1954-1955):

Trưởng ban: Trường Chinh

Phó trưởng ban thường trực: Tố Hữu

Phó trưởng ban: Nguyễn Chương, Nguyễn Huy, Trần Tống

Ban Tuyên huấn Trung ương (1955-1959):

Trưởng ban: Tố Hữu

Phó trưởng ban: Nguyễn Kỉnh, Nguyễn Huy, Nguyễn Chương

Ban Văn hoá Giáo dục Trung ương / Ban Văn giáo Trung ương (1958-1959):

Trưởng ban: Hà Huy Giáp

Phó trưởng ban: Trần Quang Huy

Ban Tuyên huấn văn giáo Trung ương / Ban Tuyên giáo Trung ương (1959-1968):

Trưởng ban: Trường Chinh (đến 1960)

Phó trưởng ban: Tố Hữu (từ 1960 là trưởng ban), Hà Huy Giáp, Nguyễn Chương, Trần Tống, Trần Quang Huy

Phải có ít nhất một vài cái tên trong số “họ” là nguyên nhân khiến thi sỹ bỏ danh lợi, bỏ “trung tâm” để về quê, bật ra “ngoại vi” đi xe đá. Ôi một thời nan khó! Mà Nhân văn – Giai phẩm là thế nào ư? Muốn biết rõ bản chất thì xin mời đọc loạt bài của chính một người trong số “họ”, Đại tá An ninh Văn hóa Thái Kế Toại, với bút danh Lê Hoài Nguyên, mang tên “Vụ Nhân văn – Giai phẩm từ góc nhìn một trào lưu tư tưởng dân chủ, một cuộc cách mạng văn học không thành”.[6] Đại tá Thái Kế Toại khẳng định:

“Các tác giả NVGP chủ trương sáng tác của mình trực tiếp phản ánh những vấn đề cấp thiết của xã hội với thái độ thẳng thắn, trung thực. Họ cho rằng nếu với thái độ đó văn học sẽ giúp ích nhiều cho nhân dân, cho Đảng, cho nhà nước. Họ không né tránh sự đau khổ của nhân dân, nghèo túng, oan ức trong cải cách ruộng đất, sự bế tắc của người nghệ sĩ. Họ lên án các tật xấu của cán bộ, trong đó có cán bộ lãnh đạo văn nghệ, chỉ đạo chính trị thô bạo, sùng bái cấp trên, bè phái, áp bức cấp dưới và nhân dân, làm ảnh hưởng đến sáng tạo, đến chất lượng nghệ thuật. Họ góp ý thẳng thắn về các chủ trương chính sách không hợp với lòng dân đang làm tổn thương lòng tin vào chế độ mới. Họ tố cáo với Đảng những kẻ thù mới đó, những con người đang làm hại sự nghiệp của Đảng…”

Và Đại tá kết luận: Nhân văn – Giai phẩm là một phong trào thuần túy cổ xúy cho sáng tạo văn học, nghệ thuật, “muốn tạo ra sự chuyển biến về hình thức sáng tạo”. Vậy đó!

Còn nhà văn Kim Lân, vốn kết thân với Nguyên Hồng, Hữu Loan, Tô Hoài… thì ắt cũng chịu những áp lực tương tự. Nhưng, cuộc “rút lui” của ông không để lại dấu vết, không một ai hay. Nguyên Hồng về Nhã Nam còn viết ra hai tuyệt tác là Cửa biểnNúi rừng Yên Thế, nhưng Kim Lân thì giống Hữu Loan – “bẻ bút”, nhưng mà là bẻ bút tận đáy lòng, ắt có gì đó còn đau hơn Hữu Loan vậy. Trong Cái bụi chân ai, Tô Hoài chỉ hé lộ chút xíu: “Truyện ngắn ‘Ông lão hàng xóm’ của Kim Lân nghi ngờ thành tựu cải cách ruộng đất”. Phải chăng, áp lực đè lên Kim Lân còn lớn hơn cả Nguyên Hồng và Hữu Loan? Đó là gì?? Đành phải đi tìm trong hư không vậy.

Nhà văn Kim Lân có tướng “mồm mỏ chim”, đó cũng chính là tướng nổi trội của Việt Vương Câu Tiễn và Cao Hoàng Đế Lê Lợi. Người có tướng đó không bao giờ từ bỏ mục đích.

Mục đích của Câu Tiễn và Lê Lợi là gì thì ai cũng rõ: đế vương. Để nuôi chí “phục quốc”, Câu Tiễn đã “liếm mật nằm gai” để luôn tự nhắc nhở mình không được sao nhãng mục đích. Không nằm trên nệm êm, Câu Tiễn trải cây gai khắp giường mà nằm. Đã thế, dường như cảm thấy chưa “đủ đô”, ông còn treo một cái mật lợn lên, châm kim thủng một lỗ cho mật rỉ ra, khi nào đọng thành giọt thì phải liếm một cái kẻo mật rơi lên người (Nhân đây, xin cảnh báo sự sai trái của những người thường nói “nếm mật nằm gai”, là câu cực ngớ ngẩn vô nghĩa). Để đạt mục đích, Câu Tiễn còn sẵn sàng nghe kế của Phạm Lãi nếm phân Ngô Vương hòng lấy điểm “trung thành”. Mục đích đế vương quá lớn, nên Câu Tiễn cũng sẵn sàng xuống tay hạ sát các công thần, kể cả đại công thần Văn Chủng, vì coi họ là nguy cơ tiếm đoạt quyền lực của mình. Lê Lợi cũng vậy, vì giang sơn mà chiến đấu lâu dài không sờn (xưa kia, các cuộc chiến tranh chỉ tính bằng tháng, không ai trường kỳ hẳn 10 năm như Lê Lợi cả), vì vương quyền mà trọng quan võ hơn quan văn, vì an nguy lâu dài của dòng dõi mình mà tiêu diệt các công thần. Vậy mục đích của Kim Lân là gì?

Không ai có thể phủ nhận tài năng của Kim Lân. Trước 1945 ông đã có 14 tác phẩm nổi tiếng văn đàn, sau đó là 13 tác phẩm xuất sắc, đi vào lòng cách mạng, đi vào lòng người, đi vào sách giáo khoa. Có mấy ai được như ông! Thế mà ông bỏ, tự bước “ra ngoài”. Có nghĩa: văn chương không phải mục đích chính của ông; danh tiếng lẫy lừng cũng không phải mục đích của ông; quyền lực oai phong cũng không phải mục đích của ông; cưỡi đầu cưỡi cổ thiên hạ càng không là mục đích của ông… Vậy mục tiêu tối thượng của Kim Lân là gì?

Vốn nhà nghèo, học ở trường không nhiều, mà tài quá (tên thật ông là Nguyễn Văn Tài), nên nổi lên như cồn. Nếu tài lớn mà danh nhỏ, thì thiên hạ còn thương, còn o bế nâng đỡ; nhưng khi danh lợi vượt quá tài, thì đố kỵ và chửi bới, thậm chí “đánh đập”, nổi lên như ong. Ông đã biết thừa điều đó. Và, ở thời điểm “đỉnh cao muôn trượng” ấy, hiền lành nhân ái như ông mà còn phải hạ bút viết đôi chút về cải cách ruộng đất, vân vân, thì lúc ấy không gì quan trọng bằng chữ “người”: giữ thân, giữ phẩm hạnh, giữ nếp nhà. Từ bỏ phú-quý, mà giữ thọ-ninh-khang (ông sống đến 88 tuổi). Bởi, nếu ông muốn bước tiếp lên “đài vinh quang” thì đã có kia những tấm gương rờ rỡ của Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Xuân Diệu, Tú Mỡ, Chính Hữu, Hoài Thanh, Nguyễn Lân… “Họ” (Hữu Loan) / “chúng nó” (Nguyên Hồng), đã bị ô danh, thậm chí nhục nhã thế nào, ai còn không biết. Còn ông, nhờ “quay về làm người”, quay về nghiệm sinh, quay về vun xới chăm bón tình người, tình quê, quay đầu là bờ, nên đủ cả phúc-lộc-thọ. Nói thật, trong giới văn chương thì ít ai có con cái nên người, thế mà ông thì “danh phụ sinh danh tử”, mãn đường phúc khí.

Với tự nghiệm về “nghề”, ông dặn con những chân ngôn thông sáng: “Dù tìm tòi sáng tạo như thế nào, con hãy luôn nhớ không lặp lại, không sao chép. Con phải tự do và phải là chính mình, nếu không con chỉ là cái bóng của người khác.” Với tự nghiệm về “đời”, ông dặn con phải “quấn túm” lấy nhau mà sống. Và nhờ đó, tất cả con cháu ông đã vượt lên ngoạn mục. Tuy nhiên, mọi sự đều có hai mặt (trở lên), nên theo tôi, cái lẽ “quấn túm” chỉ có sức mạnh tích cực lúc hàn vi; khi đã phát triển lên rồi thì còn nên tham khảo cái “tọa vong” của Trang Tử.

Tất cả về ông toát ra hai chữ THỨC THỜI, để “làm người”. Có nhẽ đó chính là mục đích không bao giờ từ bỏ trong khát vọng mang tên Kim Lân. Làm thánh nhân, ắt bậc thông sáng lắm; làm đế vương, thì phải anh hùng cái thế; nhưng, chỉ một chữ người, mới thực sự là thông sáng và cái thế hơn muôn ngàn lần vậy.

Tháng 12/2020

Đặng Thân

____________
Đặng Thân là nhà thơ song ngữ, nhà văn của tiểu thuyết hư cấu, truyện ngắn, phê bình và tiểu luận. Giới phê bình đánh giá ông là "điển hình của văn học hậu-đổi mới", những tác phẩm của ông "đã tạo ra bước ngoặt quan trọng bậc nhất về lối viết trong văn học Việt Nam". Đặng Thân được cho là đại diện cho chủ thể diễn ngôn mới, vượt ra khỏi các chủ thể diễn ngôn "chiến thắng" và "chấn thương", mà có người gọi là "trào tiếu trang nghiêm". Vừa qua, ông đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế về thơ: Naji Naaman Literary Prize, Premio Il Meleto di Guido Gozzano, Panorama Global Award, Best Poetry Cape Comorin Award; và là người đầu tiên có tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Thi ca Thế giới tại Piacenza, Ý.


[1] Tố Hữu, “Bài ca mùa xuân 1961”.

[2] Tô Hoài, Cát bụi chân ai, “Nguyên Hồng về Nhã Nam”.

https://vanhien.vn/news/Nguyen-Hong-ve-Nha-Nam-21222

[3] Trần Lê, “Hữu Loan, thi sĩ của ‘màu tím hoa sim… tím chiều hoang biền biệt’”.

http://nhipcauthegioi.hu/Van-hoa/HUU-LOAN-THI-SI-CUA-MAU-TIM-HOA-SIM-TIM-CHIEU-HOANG-BIEN-BIET-2-2826.html

[4] Tô Hoài, Cát bụi chân ai, “Nguyên Hồng về Nhã Nam”.

[5] Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Ban_Tuyên_giáo_Trung_ương_Đảng_Cộng_sản_Việt_Nam

[6] Xem: https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=13581

& https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=13582

Comments are closed.