Đọc “Em có hay trời buồn trời chuyển mưa đó không?” của Vũ Thành Sơn

Mai Sơn

em co nghe troi buon #xuat in bia 1

Với tập truyện ngắn Em có hay trời buồn trời chuyển mưa đó không?, một lần nữa chúng ta lại thấy Vũ Thành Sơn tiếp tục đi trên con đường riêng mình khai phá, không lẫn vào đâu.

Qua từng trang viết anh cho ta thấy cuộc sống là vô vị, đều đều, không phi lý cũng không hữu lý, nó là không dưng (gratuit), là có đó, là trung tính, là một hiện thực tẻ ngắt mà chúng ta phải chung đụng hằng ngày.

Vậy đó, cuộc sống và thế giới chung quanh dù có được thượng đế hay nhà văn bày biện theo kiểu nào – huy hoàng hay giản dị; ồn ào hay lặng lẽ – thì cũng bằng phẳng cho tất cả mọi người mà thôi.

Khung cảnh vốn đã như vậy, thì con người đi lại trong đó có còn là những cá thể sống động có chút ý nghĩa nào nữa không?

Truyện của Vũ Thành Sơn lặng thầm đưa ra câu trả lời Khẳng định, cho ta thấy mỗi người đều có cách xuất hiện (modus) của riêng mình, dù đó là sự xuất hiện trong thoáng chốc rồi tan biến vào vô cùng. Đó là một modus buồn bã, nhưng là dụng ý của tác giả. Vì nó đáp ứng một trong những đòi hỏi của truyện ngắn là tiết lộ một mặt cắt của một cái cây-đời người. Cái lõi của thân cây sẽ cho ta biết tất cả về cái cây. Kỹ thuật và nghệ thuật để đạt tới mục tiêu đó là tốc độ câu văn, mạch truyện chậm rãi, chính xác, ngôn ngữ nhiều màu sắc ấn tượng và trang trọng nhằm nắm bắt đầy đủ cái thời khắc sắp tan biến này của một đời người. Có thể biến hẳn khỏi đời này: chết; hoặc biến mất sau khi hết truyện: cũng là chết, nhưng theo một nghĩa khác, là chìm đắm vào cõi vô nghĩa thường ngày, khi không còn nhà văn bên cạnh. Mỗi người tồn tại một cách độc đáo gắn chặt với một mảnh không gian, một mảnh trần gian của mình.

Buồn và đẹp.

*

Tác giả không cần phải dùng đến sự tưởng tượng để khám phá nội tâm nhân vật – có vẻ như tất cả chất liệu có thể làm nên văn chương hư cấu nằm ở phương diện biểu hiện khách quan của mỗi người. Và rõ ràng tâm lý học không có vai trò gì trong cách tác giả kể những câu chuyện này. Đó là lối viết hiện đại. Theo đó, tác giả từng bước hiểu rồi thấu hiểu các nhân vật của mình qua sự quan sát – mô tả:

“Thằng Đực bỗng dưng buồn ngủ không cưỡng nổi. Nó đứng bên cạnh cầu thang dẫn xuống hồ, lưng tựa vào tường, nhắm mắt ngủ ngon lành, vào lúc mưa đã tạnh.”

“Ông chạy ra chỗ đám đông đang di chuyển quanh hai người đàn ông, len lỏi ra tận mép hồ, rồi bất thình lình nhanh nhẹn gieo người xuống nước, về phía mà ông nghĩ là con cá đang ẩn nấp.

Vật cuối cùng mà ông nhìn thấy trước khi chìm hoàn toàn xuống dưới nước là một vạt nắng hanh vàng ánh lên trên mặt nước hồ thu.”

“Cô gái có cái đầu tóc ghê rợn: một cái sọ tròn, nhỏ, lún phún những chân tóc ngắn sát da đầu.”

Vũ Thành Sơn sẽ khiến nhiều độc giả thiếu kiên nhẫn rời bỏ những trang ghi chép hiện tượng luận lạnh lùng của mình đồng thời kéo những độc giả bình tĩnh khác ở lại, đọc, rồi trầm tư với câu hỏi: “Bí mật của nhà văn là gì khi với một câu chuyện không gay cấn kịch tính như thông thường nhưng nó làm ta khoái cảm khi đọc, và muốn đọc lần nữa ngay khi truyện kết thúc?”

Truyện “Mưa” trong tập này thật tuyệt và tiêu biểu cho bút pháp của Vũ Thành Sơn.

Comments are closed.