Nguyễn Duy – nhà thơ hiện đại Việt Nam (Thực hành phân tích diễn ngôn văn học) (kỳ 2)

Lã Nguyên

Chương Một

HÌNH TƯỢNG TÁC GIẢ. KIỂU NHÀ THƠ

“Cứ chìm nổi với đám đông…”

Nguyễn Duy

Công trình nghiên cứu này chỉ có một ý tưởng, nhắm tới một mục đích: chứng minh Nguyễn Duy là nhà thơ hiện-đại-cổ-điển Việt Nam, sáng tác của ông không phải là phiên bản của văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Cần nói ngay như thế, vì Nguyễn Duy làm thơ rất sớm, từ khi còn là học sinh tiểu học. Bài Trên sân trường, một trong số “những câu thơ đầu tiên lặng lẽ gửi loài người” của ông, được viết vào năm 1957. Xong phổ thông, rời “đường làng”, tiến ra “đường nước”, Nguyễn Duy bước lên thi đàn và bắt gặp thời đại khi chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trở thành phương pháp sáng tác đầy quyền uy chi phối toàn bộ hoạt động sáng tạo của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam. Thử đọc lại tập Từ góc sân nhà em (1968) của cậu bé 10 tuổi Trần Đăng Khoa, ta sẽ thấy kiểu tư duy hiện thực xã hội chủ nghĩa đã ăn sâu vào vô thức tập thể thời ấy như thế nào.

Có nhiều nguyên nhân khiến đường thơ của Nguyễn Duy không phải bao giờ cũng mát mái xuôi chèo. Cũng không phải toàn bộ gia tài thi ca của Nguyễn Duy đã được công bố. Các bạn văn của Nguyễn Duy đều biết ông có tài ứng tác. Nhiều bài thơ của ông đã ra đời do nhân lúc cao hứng “gõ bát đánh lưỡi”[1] mà ca theo kiểu nghệ sĩ dân gian. Những tác phẩm ấy không chỉ thể hiện tài năng, mà còn bộc lộ hồn nhiên thế giới quan nghệ thuật của tác giả. Chỉ tiếc loại sáng tác như thế chẳng dễ gì có thể xuất bản chính thức. Người ta đọc cho nhau nghe theo trí nhớ. Chúng tồn tại theo phương thức truyền miệng, trôi nổi trong dân gian và không ngừng bị dân gian hoá.

Nhưng nhìn chung, phần lớn sáng tác của Nguyễn Duy đã hòa vào dòng chảy của nền văn nghệ chính thống như một hiện tượng nổi bật. Năm 1973 Nguyễn Duy đoạt giải nhất cuộc thi thơ do tuần báo “Văn nghệ” tổ chức với chùm: Hơi ấm ổ rơm, Bầu trời vuông, Tre Việt Nam. Về sau, những tập thơ quan trọng nhất của ông lần lượt được công bố tại các Nhà xuất bản lớn ở trung ương và địa phương như Nxb Quân đội nhân dân, Nxb Tác phẩm mới, Nxb Văn học, Nxb Hội nhà văn, Nxb Trẻ, Nxb Phụ nữ, Nxb Thanh Hóa… Năm 1985, Nguyễn Duy nhận Tặng thưởng loại A về thơ của Hội nhà văn và năm 2007, ông nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học Nghệ thuật. Nhìn lại như thế để thấy không thể đọc thơ Nguyễn Duy bên ngoài dòng chảy của văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa. Phải đặt vào dòng chảy ấy mới nhận ra vai trò của các yếu tố thời đại, dân tộc và khí chất nghệ sĩ có ý nghĩa thế nào đối với tiến trình văn học. Cũng phải đặt vào dòng chảy ấy mới thấy được thế giới nghệ thuật của Nguyễn Duy độc đáo ra sao để qua đó giải quyết vấn đề có ý nghĩa văn học sử cực kỳ quan trọng: vấn đề tác quyền của nhà thơ này.

Cơ sở giúp ta nhận ra sự độc đáo của thơ Nguyễn Duy trên cái nền của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa là hình tượng tác giả. Cần phân biệt các khái niệm hình tượng tác giảtác giả. Tác giả là người đã sáng tác, hoặc được cho là đã sáng tác ra một hay một số tác phẩm nghệ thuật nào đó. Trong đời sống thường nhật, tác giả là người bình thường, có cha sinh mẹ đẻ, có lí lịch tiểu sử với tất cả đức hay và tật xấu hệt như chúng ta. Lý luận văn học gọi đó là tác giả – tiểu sử, hoặc tác giả – pháp nhân. Trong hành vi sáng tạo, con người bình thường của tác giả tựa như “thoát xác”để trở thành một tiểu hóa công. Vị tiểu hóa công ấy tạo ra cả một thế giới và giữ quyền sinh quyền sát với cái nhân loại do mình tạo ra Khoa học văn học gọi đó là tác giả – người sáng tạo.

Hình tượng tác giả cũng là tác giả, nhưng không phải tác giả – người sáng tạo, cũng không phải tác giả – tiểu sử. Nó là “người khác” của tác giả, là “tác giả thứ sinh” do tác giả – tiểu hóa công tạo ra. Quan hệ giữa nó và tác giả giống như quan hệ giữa ngườiảnh trong câu thơ của Tản Đà: “Mình với ta tuy hai mà một. Ta với mình dẫu một mà hai”. Có một loạt đặc điểm điểm nói lên sự khác biệt giữa hai phạm trù này. Chẳng hạn, tác giả sáng tạo ra tác phẩm là để “nói” điều gì đó. Nhưng văn học là nghệ thuật nói gián tiếp. Mọi lời nói trong tác phẩm đều không thể gán trực tiếp cho tác giả, vì lời nào cũng là lời của các nhân vật hư cấu, kể cả người kể chuyện và nhân vật trữ tình. Với ý nghĩa như thế, tác giả giống như Chúa Trời: Chúa Trời sáng tạo ra sự sống muôn loài, nhưng không can dự vào cuộc sống ấy. Cũng như vậy, tác giả tạo cả một thế giới nghệ thuật và luôn “đứng ngoài” cái thế giới do mình sáng tạo ra. Trong thế giới ấy, tác giả đích thực được “bao bọc trong im lặng” (M.M. Bakhtin). Nhưng hình tượng tác giả thì không đứng ngoài tác phẩm như vậy. Nó tồn tại trong tác phẩm và văn bản tác phẩm là phương thức tồn tại duy nhất của nó. Nó là nơi chứa đựng “trọng lực tư tưởng – tình cảm, là trung tâm của chỉnh thể hình thức mang tính nội dung, là hạt nhân ngữ nghĩa không thể chia tách của tác phẩm nghệ thuật” (G.O. Vinokur). Lại nữa, tác giả là người có thật, bằng xương bằng thịt. Hình tượng tác giả lại là hiện tượng tinh thần, khi tác phẩm chưa được “đọc”, nó chỉ là một hệ thống kí hiệu. Phải qua sự tiếp nhận của người đọc, từ một hệ thống kí hiệu, hình tượng tác giả mới hiện lên như con người sống động. Quan hệ giữa nó với độc giả tựa như quan hệ giữa Thiên lí mã và Bá Nhạc: người đọc phát hiện ra hình tượng tác giả giống như Bá Nhạc nhận ra Thiên lý mã. Lại nữa: chỉ cần viết vài bài thơ hay một thiên bút kí, bất luận hay dở thế nào, người viết lập tức thành tác giả. Nhưng có người sáng tác cả đời, viết hàng chục tiểu thuyết, hay in hàng trăm bài thơ mà vẫn không sao tạo ra được hình tượng tác giả trong sáng tác của mình. Rất dễ trở thành tác giả, nhưng tạo ra hình tượng tác giả lại là công tích của tài năng và phong cách lớn. Cuối cùng, khái niệm tác giả bị cột chặt vào các khái niệm tác quyền và tư cách pháp nhân. Hình tượng tác giả lại là phạm trù có thể mở rộng ra lịch sử văn học ở mọi giới hạn: có hình tượng tác giả của một nhà văn, nhà thơ, lại có hình tượng tác giả của một trào lưu, một khuynh hướng, trường phái, hay một thời đại văn học. Câu chuyện về thơ Nguyễn Duy trong dòng chảy của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa sẽ được bàn luận ở đây từ góc độ hình tượng tác giả hiểu theo nghĩa như vậy.

Nếu lấy 1905, năm Người mẹ của M. Gorki ra đời, và 1991, năm Liên Xô sụp đổ, phe xã hội chủ nghĩa tan rã, làm cột mốc để tính, thì nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới có bề dày lịch sử ngót nghét một thế kỉ. So với Liên Xô, trào lưu nghệ thuật này xuất hiện ở Việt Nam muộn hơn, nhưng tuổi thọ của nó không hề thua kém, thậm chí có phần nhỉnh hơn. Nhìn vào mảng điêu khắc, xem các tượng đài hoành tráng được nhất loạt cất lên từ Bắc vào Nam trong thời gian gần đây, nhất là khi Nghệ An thông báo sẽ “dựng tượng đài Lênin cao 3 mét ở thành phố Vinh”[2], ta biết chắc nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa vẫn còn đất sống ở nước ta. Trong vòng trên dưới một trăm năm tồn tại, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa sản sinh ra ở Liên Xô, Trung Quốc, các nước Đông Âu, Triều Tiên, Cu Ba, Việt Nam và nhiều nước khác hàng vạn tác giả lớn nhỏ, nổi tiếng và chẳng tiếng tăm gì. Thơ văn nhạc họa do họ sáng tác ra có thể chất cao thành núi. Và trong cái núi tác phẩm trùng trùng cao ngất của hàng vạn tác giả kia, mỗi lần tiếp xúc, độc giả bao giờ cũng chỉ tìm thấy một hình tượng tác giả duy nhất với tên gọi quen thuộc, đầy tự hào của một thời: nghệ sĩ – chiến sĩ. Và như thế, tác giả thì nhiều, nhưng tác quyền đối với tác phẩm chưa chắc đã thuộc về người viết ra chúng. Điều này thật dễ hiểu.

Ta biết, linh hồn của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa là tính đảng cộng sản. Hạt nhân của nguyên tắc tính đảng là yêu cầu văn nghệ phục tùng chính trị, phục vụ đường lối, chủ trương của Đảng cộng sản qua các thời kì cách mạng. Giai cấp vô sản giành và giữ chính quyền từ họng súng và bằng họng súng. Ngoài cách mạng giành chính quyền, thay đổi chế độ, xây dựng nhà nước mới, ở Việt Nam còn có chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh thống nhất đất nước, chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Nam, những cuộc chiến tranh như thế kéo dài già nửa thế kỉ. Ra đời trong bối cảnh ấy, văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa trở thành nền văn nghệ chiến tranh. Chiến tranh là đề tài cốt lõi của nó. Hơn thế, nó biến văn nghệ chiến tranh thành chiến tranh văn nghệ theo sát tinh thần “văn hóa văn nghệ cũng là một mặt trận”. Khi “văn hóa văn nghệ là mặt trận”, hình tượng tác giả duy nhất mà văn nghệ sĩ hiện thực xã hội chủ nghĩa để lại trong sáng tác chỉ có thể là nghệ sĩ – chiến sĩ. Không phải ngẫu nhiên, văn nghệ ở mỗi nước trong phe xã hội chủ nghĩa trước kia đều có một lá cờ đầu, ví như M. Gorki ở Liên Xô, hay Lỗ Tấn ở Trung Quốc. Gọi họ là lá cờ đầu vì sáng tác của họ thể hiện nguyên tắc tính đảng của văn nghệ triệt để nhất, nhuần nhuyễn nhất. Ở Việt Nam, vị trí lá cờ đầu ấy thuộc về Tố Hữu. Nó thuộc về Tố Hữu vì ông nắm quyền lãnh đạo văn nghệ và vì trong sáng tác của ông hình tượng tác giả thi sĩ – chiến sĩ hiện lên rực rỡ nhất, sáng chói nhất. Sau ông, hình tượng tác giả trong sáng tác của cả ba thế hệ, từ thế hệ có hai cuộc đời cầm bút như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Tô Hoài, Nam Cao, Nguyên Hồng…, qua lớp kháng chiến chống Pháp như Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Võ Huy Tâm, Nguyễn Văn Bổng, Trần Hữu Thung, Minh Huệ, đến thế hệ thời chống Mĩ như Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phan Thị Thanh Nhàn và thần đồng Trần Đăng Khoa cùng rất nhiều nhà văn nhà thơ khác đều chỉ là những phiên bản đậm nhạt khác nhau của hình tượng nghệ sĩ – chiến sĩ vốn đã có sẵn trong văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa. Đây là lí do để tôi có một ghi chú quan trọng về phương diện phương pháp luận: trong mảng tư liệu dùng để so sánh với thơ Nguyễn Duy, ưu tiên lựa chọn trước tiên của tôi là những nhà thơ hàng đầu, đã thành tác gia cổ điển của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, ví như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu và một số cây bút tiêu biểu như Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa…, sáng tác của các tác giả khác chỉ được nhắc đến như những liên hệ mở rộng.

Thời đại đã đưa Nguyễn Duy đến với chiến tranh, buộc ông cầm súng:

Mười tám tuổi ra đi

bước thứ nhất đặt bàn chân vào lửa

đường chiến tranh biết chỗ nào dừng[3]

Nguyễn Duy viết như thế trong Dòng sông mẹ. Các tài liệu giới thiệu tiểu sử của Nguyễn Duy cho biết, năm 1965, vừa rời ghế nhà trường, nhà thơ tương lai của chúng ta đã trở thành chiến sĩ dân quân, tham gia trực chiến tại điểm nóng Hàm Rồng; năm 1966 nhập ngũ, làm lính đường dây của bộ đội thông tin, từng có mặt ở các chiến trường Đường 9 – Khe Sanh, Đường 9 – Nam Lào, Nam Lào, thành cổ Quảng Trị và năm 1979, khi bọn bành trướng Trung Quốc nổ súng xâm lược nước ta, ông lập tức có mặt tại biên giới phía Bắc. Đưa Nguyễn Duy đến với chiến tranh, thời đại dẫn con sông thơ vừa khơi của người lính trẻ hợp lưu cùng dòng chảy của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ở đề tài chiến tranh này. Tập Cát trắng (1973) có 52 bài, 36 bài trong số đó trực tiếp viết về chiến tranh. Ánh trăng (1984) và các tập thơ tiếp theo của Nguyễn Duy mở rộng dần đề tài ra ngoài phạm vi của văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhưng chiến tranh sẽ còn ám ảnh ông suốt cả cuộc đời thơ.

Dẫu vậy, hình tượng tác giả trong sáng tác của Nguyễn Duy chắc chắn không phải là phiên bản của hình tượng nghệ sĩ – chiến sĩ trong văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa. Làm sao có thể tìm thấy phiên bản ấy trong những bài thơ kiểu thế này:

Ngồi rồi thắc mắc tivi

Mổ ra coi có người gì ở trong

Phơi gan lòi ruột thòng lòng

Tưởng người gì hóa ra không người gì

Không tìm thấy phiên bản ấy trong những Đò lèn, Cầu Bố, Tuổi thơ, Về đồng, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Thơ Tết, Một người cha, Người con trai, Người con gái, Kính thưa Thị Nở, Kính thưa Thị Mầu, Kính thưa Thị Đốp, Kính thưa thị Kính, Đi lễ, Lên đồng, Cung văn…, càng không thể tìm thấy trong Bán vàng, Nợ nhuận bút, Dân ơi, Thơ tặng người ăn mày, Nhìn từ xa… Tổ quốc, Đánh thức tiềm lực, Kim mộc thủy hỏa thổ… Ngay cả khi nhân vật trữ tình của Nguyễn Duy xuất hiện trong vai người lính, thì hình tượng tác giả trong sáng tác của ông vẫn không phải là phiên bản nghệ sĩ – chiến sĩ. Tôi cho rằng, kiểu tác giả trong thơ Nguyễn Duy ăn theo một phả hệ khác. Nó có họ hàng, huyết thống với kiểu tác giả trong văn hóa dân gian, sau đó được định hình rõ nét trong văn thơ Việt Nam từ thế kỉ XVIII với những Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, nhất là Truyện Kiều Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du. Xin lắng nghe những lời tự bạch của nhân vật trữ tình trong thơ Nguyễn Duy:

Thương Kiều tìm gặp Nguyễn Du
có gì đâu… một nấm mồ cỏ xanh
lẫn trong thập loại chúng sinh
người như thế mới tài tình làm sao

Cứ chìm nổi với đám đông.

riêng ta xác định ta không là gì

[…]

Cứ là rượu của chúng sinh.

cho ai nhắm nháp cho mình say sưa

Tiếng nói trữ tình ấy chắc chắn là tiếng nói của chúng sinh, từ chúng sinh mà cất lên. Mượn chữ của chính Nguyễn Duy, tôi gọi hình tượng tác giả trong sáng tác của ông là nhà thơ của “thập loại chúng sinh”. Thi sĩ của chúng sinh là hình tượng tác giả, một “thứ cây quý”[4] mọc lên từ sáng tác của nhà thơ này để rồi cắm rễ sâu vào ý thức tiếp nhận của người đọc.

Trước mắt ta là hai loại hình tượng tác giả, mỗi loại làm thành một kiểu nhà thơ[5]. Nghệ sĩ – chiến sĩ là kiểu tác giả Cách mạng, tác giả của Đảng: “Sống cùng đảng, chết không rời đảng”, “Sống đã vì cách mạng anh em ta/ Chết cũng vì cách mạng chẳng phiền hà”. Trong thơ Nguyễn Duy, “dân”, “nhân dân”, “thập loại chúng sinh” là những phạm trù đồng nghĩa. Cho nên, Thi sĩ của chúng sinh là kiểu tác giả nhân dân, cùng dân tồn tại: “Còn thơ còn dân/ Ta là dân – vậy thì ta tồn tại”. Là tác giả của Đảng, nghệ sĩ – chiến sĩ trong văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa nói tiếng nói chính thống của Đảng, tiếng nói giữ trật tự cho Cách mạng từ bên trên. “Là dân”, thi sĩ của chúng sinh trong thơ Nguyễn Duy nói tiếng nói tự do vang dội từ bên dưới. Hai kiểu tác giả sẽ tạo ra hai loại thế giới nghệ thuật với muôn vàn dấu hiệu nhận biết khác nhau.


[1] Chữ của Lưu Đức Hạnh. Xem: Lưu Đức Hạnh, Quê nhà ở phía ngôi sao và Nguyễn Duy// Nguyễn Duy (Thơ), Quê nhà ở phía ngôi sao. Nxb Thanh Hóa, 2012, tr. 7.

[2] https://dantri.com.vn/xa-hoi/dung-tuong-dai-lenin-cao-3-m-tai-tp-vinh-20200219161433286.htm

[3] Các trích dẫn thơ Nguyễn Duy trong tiểu luận này được rút từ các nguồn: 1. Nguyễn Duy, Cát trắng (Thơ), Nxb Quân đội nhân dân, 1973, 2. Nguyễn Duy, Ánh trăng (Thơ), Nxb Tác phẩm mới, 1984, 3. Nguyễn Duy, Mẹ và em, Nxb Thanh Hóa, 1987, 4. Nguyễn Duy, Đường xa, Nxb Trẻ, 1989, 5. Nguyễn Duy, Sáu & tám (Thơ), Nxb Văn học, 1994, 6, Nguyễn Duy, Về (Thơ), Nxb Hội nhà văn, 1994, 7. Nguyễn Duy, Cát trắng (Thơ), Nxb Quân đội, 1995, 8. Nguyễn Duy, Bụi (Thơ), Nxb Hội nhà văn, 1997.

[4] Chữ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, xem: Nguyễn Quang Sáng, Đi tìm tiềm lực trong thơ Nguyễn Duy//Nguyên Duy, Mẹ và em (thơ), Nxb Thanh Hóa, 1987, tr.89.

[5] Ở Việt Nam, vấn đề “kiểu nhà thơ” lần đầu tiên được Trần Đình Sử đặt ra trong cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu, về sau chưa thấy ai tiếp tục mở rộng và bàn sâu thêm. Xem: Trần Đình Sử, Thi pháp thơ Tố Hữu. Nxb Tác phẩm mới, H., 1987, tr. 24-95.

Comments are closed.