Như đang nghe thầm một giao hưởng

Trần Quốc Toàn

Sống chậm, đọc kỹ “Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu” (NXB Trẻ 2023) của Hồ Anh Thái mới đủ thời gian lan man hồi cố, tra cứu, tìm ra những giằng díu thú vị giữa nhân vật ta vừa gặp trong truyện của tác giả đương đại này, với một nhân vật khác đã thuộc về… văn học sử.

image

 

1. Hình như, cô nàng từng khoe mắt đẹp trong thơ “Hoa trên đá” của Chế Lan Viên thời văn học chống Mỹ cứu nước ở thế kỉ trước, đã bước từ thơ sang truyện “Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu”. Đó là “Cô hàng bia mắt xếch / Mũ rơm cạnh ghế ngồi / Bảo: “Cứ uống thỏa thích / Bia kì này lắm hơi //Áo cô hàng thì trắng / và hàng mi lại dài / Giá cô cùng đội bắn / Thì trận đầu thắng ngay…” (tr. 338, Tuyển tập Chế Lan Viên I, NXB Văn Học 1985)

Cô mắt đẹp ấy, bước vào tiểu thuyết “Hà Nội nhiều mây…” và vẫn nhìn bạn đọc chúng ta bằng đôi mắt đẹp: “Em đong bia ngước cặp mắt to tròn lên nhìn… cặp mắt em cũng biết cười…” (tr.87). Bãi bia Cô Tân, chân Nhà Hát Lớn của nhân vật phụ ấy, lại là “trạm giao liên” chính của đường dây cốt truyện. Có tới 5 lần, nhân vật của tiểu thuyết hội quân ở đây, kết nối diễn biến, nhằm nới rộng kích tấc của hiện thực đời sống được phản ánh, cho dù cốt truyện chính chỉ giới hạn trong mấy ngày “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” cuối 1972.

Rộng tới mức, nhân vật phụ tướng quân xe bò kéo, một anh bộ đội mũ nan thời 9 năm, người “Quảng Nôm” dẫn bạn đọc chúng ta lên tàu liên vận, qua Trung Quốc, tới Liên Xô để…

Nghe một tiếu lâm Việt Nam hiện đại: “Một chàng Việt [nghiên cứu sinh] hẹn hò yêu đương với một nàng Nga. Tình yêu đến độ mặn mà nồng cháy, một chiều Matxkơva nàng đưa chàng lên đồi Lênin ngắm rừng bạch dương trong cảnh hoàng hôn. Rồi nàng Nga bảo chàng Việt: Bây giờ là lúc anh có thế lấy đi cái quý nhất của đời em […] Nó [chàng nghiên cứu sinh] cầm tay con bé lên. Đắm đuối nghĩ ngợi một lúc. Rồi nó vặn cổ tay con bé tháo lấy cái […] đồng hồ”. (tr. 58-59)

Vẫn tướng quân ấy, dẫn về cho bộ đội Việt Nam, cho tiểu thuyết này một nhân vật phụ khác – một hồng quân tên lửa thứ thiệt tên là Aliôsa. Chàng hồng quân được vị tướng đặt lên xe bò kéo của mình: “Vung roi cứ như hoàng đế vung cây quyền trượng giữa triều đình. Lại còn đưa roi cho ông bạn và dạy cách điều khiển xe. Oai như một ông tướng. Tướng Nga”. (tr. 61)

Đọc chậm và kĩ như thế là cách đọc liên văn bản, kết hợp kiến văn đã có của người đọc, với chi tiết văn chương tác giả đưa ra trong tác phẩm, để tìm thấy những thông tin, thông điệp văn chương tiềm ẩn giữa những dòng chữ.

Đọc như thế ta thấy chất hài, thứ đang rất thiếu trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, thì ở “Hà Nội nhiều mây…” lại hơi bị nhiều! Hài được đưa vào bằng tiếu lâm như vừa dẫn, hài còn vào bằng tấu hài với chuyện “cởi truồng thi chim” kể ở trang 130. Hài vào bằng lộng ngữ khi thay chữ “thịt” (vật chất) cho chữ “lòng” (tinh thần) để biến cái khẩu hiệu nghiêm túc của một thời “hết lòng phục vụ”, thành dòng thông báo ngây ngô như giễu nhại, treo trước cửa hàng thịt mậu dịch chợ Hôm: “Cửa hàng hết thịt phục vụ nhân dân” (tr. 195).

Đọc kiểu liên văn bản, thì tới trang 170 gặp những dòng miêu tả hai mặt hồ cụ thể, Bảy Mẫu và Ba Mẫu, hai bên đường Nam Bộ: “Thản nhiên là nước. Trầm tư là nước. Bình tĩnh là nước” bạn đọc thật có lí, khi nhận ra chất triết học phản biện, nếu so sánh nước của “Hà Nội nhiều mây…”, với nước có trong triết lí đông phương xưa: “nước thì chở thuyền, nước lại lật thuyền”!

2. Trở lên mới chỉ là dụng công mở ra chiều rộng không gian có tính chất địa lí của hiện thực được phản ánh trong “Hà Nội nhiều mây…”. Bước tiếp theo, Hồ Anh Thái tự tin đưa nhân vật vào chiều sâu của hiện thực ấy, tạo ra một không gian ảo cho tiểu thuyết. Tác giả cài đặt vào nhân vật chính – anh Phan, khả năng đặc biệt có thể thấu thị nhìn xuyên tường.

Từ mắt nhìn của Phan, Hồ Anh Thái đã phá vỡ rào cản vật lí dành cho thị giác, xỏa bỏ những vỏ bọc muôn đời nay của con người – quần áo, nhà cửa… lột trần bản chất mỗi cá nhân.

Đấy là anh sĩ quan quân báo luôn tay gãi chim [như khỉ] chờ tới khi có cơ hội đòi cấp dưới thỏa mãn “thị dâm” cho mình, ngay trong khu tập thể một đơn vị quân đội: “Anh ta chỉ ngay ngón tay trỏ về phía nhà tắm nữ và hỏi như đố. Đố cậu thấy có bao nhiều người ở trong kia… Viên sĩ quan cười dâm đãng. Anh ta gặng hỏi tiếp như kiểu nhấn nhá từng bước để tạo kích thích cho chính mình. Cô nào đang cởi quần áo, cô nào đang tắm và cô nào sắp xong… Anh ta xốc lại chim rồi đòi Phan nói rõ cho anh ta kiểm chứng rằng ba cô trong ấy là những ai”. (tr. 25-26)

Nhưng chính Phan, cũng tự “lột trần” theo nghĩa đẹp của chữ này, khi thú nhận, đã trái lệnh cấp trên trong vụ nhà tắm nữ kia, đã không thành thật khai báo, mình đã nhìn xuyên tường gạch, xuyên cửa gỗ và thấy hai nữ đồng chí đang “hủ hóa”, đang đồng tính luyến ái: “…Phan đã nhìn thấy hết. Anh đã thấy cô [Miên cơ yếu] chung phòng tắm với cô điện đài, ở trong phòng tắm ấy có lúc hai cô đã ôm ấp nhau” (tr.27). Phan không khai báo để đồng cảm, để bảo vệ hai người dám tự nhiên yêu nhau!

Muốn đi sâu hơn vào hiện thực được phản ánh trong “Hà Nội nhiều mây…”, sâu tới mức mở được cảnh cửa tâm linh huyền bí, làm sống lại những anh linh liệt sĩ, tác giả điều động Phan vào chốt văn chương mới của tiểu thuyết. Nhiệm vụ của một người lính buộc Phan “suốt một ngày ngồi dưới tầng hầm với toàn người chết” [anh quản lí hồ sơ liệt sĩ, và viết giấy báo tử] tại đây Phan nghe được từ cõi âm cuộc điểm binh của một đoàn quân:

“Tôi, thượng úy tiểu đoàn phó. Tôi, trung sỹ tiểu đội trưởng. Tôi, chiến sỹ thông tin. Tôi, chiến sỹ cần vụ của trung đoàn trưởng. Hầu như ai trong họ cũng nằn nì, đồng chí thông cảm, đồng chí gửi giấy báo sớm cho mẹ tôi cho vợ tôi cho ông tôi. Gia đình tôi vẫn tưởng tôi còn sống và đang chiến đấu…” (tr. 42).

Phan nghe người cõi âm kể chuyện dương thế, ở hậu phương: “…ông thấy bói trong làng bảo tôi đã sang Mỹ rồi, sang Mỹ mà suy diễn ra chỉ có chiêu hồi theo địch, oan tôi lắm, đồng chí gửi ngay giấy báo giúp tôi”. Vậy là Phan nghe được tiếng người đã chết vẫn tự bạch để giữ khí tiết! Và nhìn thấy một đám cháy chiến trường đã tắt từ “bảy tháng trước”, “…cột lửa bùng lên trước mặt […] khi anh mở tập hồ sơ có tờ giấy báo tử gửi cho người vợ của Thiện” (tr. 74)

Để nhân vật của mình nghe được và nhìn thấy một cách phí lí như thế, tác giả Hồ Anh Thái đã biến hiện thực thành hoang đường trong khi vẫn giữ được tính chân thực và nhờ vậy hiện thực trong “Hà Nội nhiều mây…” hiện ra bằng văn xuôi thôi mà vẫn đậm chất sử thi.

3. Có thể ví, Hồ Anh Thái viết tiểu thuyết này, theo kiểu một nhạc sĩ soạn nhạc. Nhiều tuyến nhân vật như giai điệu đan xen, đồng hiện, hòa quyện để thành các hợp âm thuận hay nghịch. Đọc “Hà Nội nhiều mây…” có cảm tưởng như đang được nghe thầm một giao hưởng.

Theo giai điệu chủ âm với chuyện tình tay tư đầy lãng mạm giữa ba người lính Phan, Kỷ, Thiện với cô Thu diễn viên xiếc thú, bạn đọc tìm được những nhịp cao trào nói về sự ác liệt của cuộc chiến tranh phá hoại, Mỹ gây ra ở Việt Nam. Sau trận B52 rải thảm ở Hà Nội, Phan đạp xe đi tìm Thu, chính đường tình đưa Phan tới đống đổ nát bệnh viện Bạch Mai, để nhân vật này thể hiện nhân tính, sự can trường, dũng cảm của một người lính. Khi nghe thấy “có một tiếng gọi yếu ớt mơ hồ” (tr. 176) Phan một mình bò vào đống đổ nát để tìm kiếm, để “chạm phải tay Mơ. Mơ nắm vội lấy tay anh. Nắm chặt”. Rồi sau đó, chính Phan soi đèn cho một bác sĩ “tháo khớp” hai xác chết đang ngăn đường sống của Mơ: “Bắt đầu là cái tay. Rồi cái tay nữa. Rồi cái chân. Cứ thế” (tr. 185). Cứ thể, mạch truyện xếp các mảnh thân xác người thành bức trang nhòe nhoẹt máu, tố cáo sức tàn phá hung bạo của chiến tranh. Cứ thế mà thành bức Guernica Việt Nam.

Một chương hay trong giao hưởng văn chương của Hồ Anh Thái là chương dành cho những bạn thú của con người, dành cho bốn con hổ trong rạp xiếc nhà bạt công viên Thống Nhất, những người bạn diễn của nhân vật Thu. Bốn con mãnh thú xổng chuồng sau trận bom, lang thang trên đường phố Hà Nội, chúng sẽ đứng về phía chiến tranh, để cắn xé con người nếu Thu không kịp “dỗ dành”, không kịp “…duỗi cả cả hai cánh tay ra ôm lấy cả ba cái đầu đang tìm chỗ ấn trú trong lòng chị” (tr. 188). Thu đã kịp làm những điều ấy, kịp đưa bầy mãnh thú vào trật tự chị kiểm soát được, vào dòng “người đi sơ tán để chống Mỹ. Thì hổ đi sơ tán cũng là để chống Mỹ” (tr. 203)

Viết tiểu thuyết của mình, theo kiểu một nhạc sĩ soạn nhạc, tác giả Hồ Anh Thái đã dùng ca từ của rất nhiều ca khúc phổ biến trong đời sống người Việt, làm chất kết dính văn mạch. Có nhạc đỏ “Ơ cô gái ơi, súng trên vai, sao vuông đầu mũ” (tr. 18) nhạc vàng “mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương” (tr. 20), nhạc ngoại: “Chiều dần buông màu tím, vẳng bên sông lời hát êm đềm” (tr. 151), nhạc chế: “…thân tôi rày tàn phế tôi đi hát để kiếm tiến, nhờ câu hát xin cô bác vài xu nuôi thân dãi dầu nắng mưa” (tr. 153)… Chính sự hòa sắc âm nhạc này đã góp phần giúp hình tượng văn học “Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu” trở nên sinh động, hấp dẫn. Thật hơn, đời hơn, đẹp hơn!

T.Q.T

Comments are closed.