Thi pháp học của Bakhtin và sự tiếp nhận sáng tác của ông hiện nay

N. Tamarchenko

Lã Nguyên dịch từ nguyên bản tiếng Nga

Trong hai thập niên gần đây, từ “thi pháp” được được sử dụng ở Nga theo nghĩa rộng nhất và ít xác định nhất (“thi pháp khủng bố”, “thi pháp văn hóa”) và cái nghĩa ít xác định này được người ta thường xuyên sử dụng hơn là sử dụng theo nghĩa riêng của nó. Nhưng chúng tôi sẽ chỉ khảo sát tư tưởng, hệ thống thuật ngữ và hệ thống khái nhiệm của Bakhtin ở lĩnh vực thi pháp khoa học (tức là thi pháp “phi quy phạm”, không ấn định các luật lệ sáng tạo của tác phẩm văn học) như một bộ môn nghiên cứu văn học chuyên biệt. Loại thi pháp như thế ở Nga lần đầu tiên được A. Veselovski và A. Potebnhia đặt nền móng, sau đó là các nhà hình thức luận phát triển trong các công trình của họ.

Một vấn đề khác – các công trình nghiên cứu của Bakhtin ở bộ môn khoa học này đều vượt ra ngoài ranh giới mà các nhà hình thức luận Nga đã xác lập cho nó. Nói cách khác: ở một mức độ và cách thức nào đó, trong di sản của Bakhtin, lý thuyết sáng tạo nghệ thuật ngôn từ quay về hình thái cộng sinh giữa thi pháp học với mỹ học mang tính triết học vốn là đặc trưng của một số thời kì phát triển trước kia của loại lý thuyết này, bắt đầu từ Platon và Aristotle.

Người đầu tiên sử dụng trên báo chí cụm từ “thi pháp học của Bakhtin” theo nghĩa đen của nó là V. Turbin (Xem tiểu luận của ông “Từ nơi nguồn cội của thi pháp học xã hội học” trong tuyển tập công trình “M.M. Bakhtin như một nhà triết học”, M., “Khoa học”, 1992), sau đó đến tôi sử dụng trong bài viết riêng về đối tượng này: “Thi pháp học của Bakhtin: Những bài học dành cho khoa “Bakhtin học”” (1996). Nhưng sự tiếp nhận và nhất là sự đánh giá tư tưởng của Bakhtin (tôi nói chủ yếu về sự tiếp nhận ở Nga) diễn ra trong vài chục năm nay đã dẫn tới kết cục là cuộc thảo luận về thi pháp học của ông, hơn bao giờ hết, tỏ ra hoàn toàn thiếu cơ sở.

Gần đây có những quan niệm được phổ biến rộng rãi và được thừa nhận vô điều kiện giống như những năm 1960 và đầu những năm 1980. Những quan điểm này tỏ thái độ thiếu nghiệm túc, thiếu trách nhiệm đối với Bakhtin như một nhà nghiên cứu văn học. Chúng được khẳng định vững chắc tới mức khiến người ta tiếp nhận như là chân lí cuối cùng, không cần bất kì sự lập luận nào nữa: bởi vì, trong sự hình dung của nhiều người, mọi chuyện tự nó đã quá rõ ràng. Chí ít là như thế với những người không muốn bị xem là lạc hậu, là không theo kịp những cái mốt hiện đại nhất trong khoa học. Tôi sẽ cố gắng trình bày ngắn gọn những quan điểm cơ bản, mới nhất, có ảnh hưởng rộng rãi nhất trong việc tiếp nhận Bakhtin:

1. Bakhtin không phải là nhà nghiên cứu văn học. Cần xem ông là nhà triết học, do ảnh hưởng của những điều kiện và hoàn cảnh chính trị và xã hội không thuận lợi trong thời đại xô viết, ông đã buộc phải trình bày các tư tưởng của mình dưới hình thức những công trình nghiên cứu văn học vốn không phù hợp với chúng. Niềm tin ấy thu hút tâm trí của người ta tới mức chúng có thể kết nối những nhà khoa học vốn là đối thủ không khoan nhượng, ví như Vadim Kozhinov và Mikhail Gasparov.

2. Các công trình nghiên cứu của Bakhtin, trước hết là những cuốn sách của ông về Dostoievski và Rabelais, được xây dựng bằng các ẩn dụ, chứ không phải bằng các khái niệm khoa học. Chẳng hạn chữ “truyện kể” hoàn toàn không mang những nét nghĩa như trong những công trình khoa học của các nhà nghiên cứu văn học khác, mà chỉ là một kí hiệu – vật thay thế cho những nét nghĩa mang tính triết học nào đó (N. Bonetskaya). Đôi khi những cách “nói bóng” theo kiểu như thế được giải mã rất táo bạo. Chẳng hạn người ta giải thích chữ “phức điệu” (“polyphonie”) chỉ là sự thay thế mang tính uyển ngữ (trong hoàn cảnh kiểm duyệt ở Liên Xô) cho những khái niệm khác hoàn toàn không có nội dung triết học: là “công giáo”, theo một cách giải thích (I. Esaulov và một số tác giả khác), là “đa nguyên”, theo một cách giải thích khác. Theo ý kiến của rất nhiều người, bức tranh do Bakhtin vẽ ra về quan hệ thực sự của nhân dân với chế độ Stalin được che đậy dưới cái tên gọi “văn hóa carnaval”.

Quan niệm về tính ẩn dụ, nói chính xác, nguyên tắc nói bóng ở các văn bản của M. Bakhtin cũng là nơi gặp gỡ của nhiều loại độc giả hoàn khác nhau, đôi khi là những khuynh hướng tư tưởng đối lập, hoặc những những người làm công vệc chuyên môn hoàn toàn trái ngược nhau. Ví như, một mặt là một số nhà “Bakhtin học”, mặt khác là rất nhiều chuyên gia về Dostoievski. Đặc biệt là những người viết trong những năm gần đây về “chủ nghĩa hiện thực Kito giáo” của nhà văn, tức là về hệ tư tưởng của ông mà đặc điểm nổi bật của nó là mô tả thi pháp của các tác phẩm.

3. Từ đây nảy sinh một hướng tiếp cận mới với những cuốn sách không thể xem là được viết ra để trình bày những tư tưởng triết học dưới dạng ngụy trang, hoặc nói bóng, ví như “Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học” và “Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ”: tính chất chuyên môn của chúng (ngữ văn học) thể hiện quá rõ. Tôi đang nói về xu hướng mới nhất cho rằng những tác phẩm nói trên không những Bakhtin không viết, mà thậm chí ông cũng không cung cấp ý tưởng, nghĩa là từ đầu đến cuối hoàn toàn do Pavel Medvedev và Valentin Voloshinov sáng tạo ra và sáng tạo một cách độc lập.

Đáng chú ý là về 2 cuốn sách nói trên, vào những năm 1960 – 1970 tuyệt đại đa số tin vào bằng chứng về quyền tác giả của Bakhtin do các nhà khoa học như Vjach.Vs. Ivanov và S. Bocharov cung cấp. Những học giả này có quan hệ cá nhân và biết khá rõ Bakhtin, cũng như biết rõ một số nhà nghiên cứu văn học và ngôn ngữ học xuất sắc cùng một thế hệ (V. Vinogradov, N. Berkovcki, L. Pinski, V. Shklovski), họ có uy tín lớn không chỉ về mặt khoa học, mà cả mặt đạo đức nữa. Khi đó sự không tương xứng giữa trình độ khoa học và tầm cỡ của cá nhân Bakhtin với những nhân vật là tác giả hình thức của những cuốn sách ấy dường như là hiển nhiên[1].

Nhưng hai thập niên gần đây, bức tranh đã thay đổi hoàn toàn: xu hướng chiếm ưu thế giờ đây là sự mất niềm tin vào những bằng chứng nói trên và một tín niệm ngược lại cũng chưa được củng cố bằng những chứng cớ thật sự nghiêm túc. Nói chính xác hơn, nó là sự cuồng tín. Quả thật, nếu thừa nhận rằng tư tưởng cơ bản ở những cuốn sách ấy, và có thể cả văn bản của chúng, thuộc về Bakhtin, dù chúng được công bố dưới những cái tên khác, thì cách tiếp cận mới nhất với những công trình của ông tỏ ra rất đáng ngờ.

Việc nghiên cứu đề tài cực kì nổi tiếng về “nhóm”, hay “trường phái” Bakhtin trong những năm gần đây ngày càng trở nên thời thượng hơn và những kết luận cũng ngày càng gay gắt, cực đoan hơn. Mục đích cuối cùng của họ là chứng minh rằng trong khuôn khổ được xác định bằng hai cách biểu đạt ấy, vai trò của Bakhtin như người tạo ra tư tưởng, như nhà triết học và lí luận nghệ thuật hàng đầu, có ảnh hưởng tới nhiều người khác, đã bị phóng đại quá mức, rằng vào những năm 1920, những người bạn của ông, P. Medvedev và V. Voloshinov cũng hoàn toàn có vai trò như vậy.

4. Cuối cùng, những luận điểm được công bố đã không thể trở thành phổ biến như vậy, nếu không có sự hỗ trợ của một loại kiến giải khác. Ý tôi muốn nhắc tới sự phủ định cương quyết, thiếu cơ sở những mối liên hệ nội tại giữa các tư tưởng, thuật ngữ và khái niệm trong những công trình nổi tiếng của Bakhtin. Chiếm ưu thế giờ đây là quan niệm về sự rời rạc, tính phân mảnh và đa tạp của chủ đề trong toàn bộ sáng tạo khoa học của ông.

Xin nhấn mạnh, tôi tuyệt nhiên không đặt cho mình nhiệm vụ trình bày và mô tả đặc điểm những phát ngôn dẫu là tiêu biểu nhất về Bakhtin. Tôi chỉ cố gắng xác định và trình bày những tiền đề vững chắc, mang ý nghĩa tiên quyết đối với sự tiếp nhận mới nhất các tư tưởng của ông, những tiền đề quyết định phương hướng cơ bản (tất nhiên, từ góc nhìn của đề tài tiểu luận này) của sự tiếp nhận ấy.

Thứ nhất, đó là sự nhấn mạnh tình trạng rời rạc, thiếu ăn khớp giữa các vấn đề và các khái niệm triết học và nghiên cứu văn học có vẻ như tồn tại trong trước tác của Bakhtin; thứ hai, người ta không hề nghĩ rằng những tư tưởng trong lĩnh vực thi pháp học của học giả được gắn kết với nhau, hơn thế, chúng là một hệ thống đã được suy nghĩ kỹ lưỡng. Cũng cần đặc biệt lưu ý rằng, những tiền đề được trình bày – không phải là những luận điểm riêng rẽ, rời rạc, có ý nghĩa tự nó, mà là một phức hợp tư tưởng hệ toàn vẹn và được kết nối với nhau trong nội tại của chúng.

Một phức hợp tư tưởng như thế về Bakhtin được hình thành ở Nga dưới sự tác động của hai nhân tố cơ bản, đối lập thẳng thừng với nhau. Một mặt là sự nổi lên ngày càng mạnh mẽ của chủ nghĩa hậu cấu trúc và giải cấu trúc (không hẳn chỉ là phương pháp luận và phương pháp hệ, mà chủ yếu là những nguyên tắc thế giới quan phổ quát), mặt khác, là nỗ lực quyết liệt, bền bỉ đưa nghiên cứu văn học Nga về trong lòng của hệ tư tưởng thống nhất và quyền uy duy nhất – hệ tư tưởng chính thống – tôn giáo. Từ trong bản chất, đó là sự xóa mờ ranh giới của tính khoa học – ở cả hai phía.

Bởi vậy, ý đồ của những học giả như Mikhail Gasparov muốn dựng một bức Vạn lý trường thành giữa triết học (theo quan niệm của ông, gắn với tính nghệ thuật, và theo đó, sự hư cấu) và khoa học thực chứng (tức là khoa học đích thực, dựa trên cứ liệu không thể tranh cãi)[2] hoàn toàn đối lập với cả hai xu hướng bành trướng của tư tưởng hệ vào lĩnh vực ngữ văn học. Tuy nhiên, do quá hăng tranh luận tư tưởng, người ta bỏ qua một thực tế hiển nhiên là thi pháp học châu Âu trong tiến trình lịch sử của nó đã nhiều lần hoạt động trong mối liên minh chặt chẽ và hoàn toàn tự nguyện với triết học. Điều này đã diễn ra ở giai đoạn nguồn cội của thi pháp học (Platon và Aristotle), ở thời điểm chuyển giao giữa thế kỉ XVIII – XIX (Goethe, Schiller và Hegel) và, cuối cùng, ở thời đại của chủ nghĩa tượng trưng, ví như Nietzsche, Vyach. Ivanov và Andrei Bely, người có ảnh hưởng trực tiếp nhất và mạnh mẽ nhất tới Bakhtin.

Bối cảnh lịch sử vừa phác thảo ở trên, theo tôi, giải thích, làm sáng tỏ cả nguyên dẫn tới sự phản đối đông đảo và gay gắt (nhiều khi, thậm chí, nghiệt ngã) đối với tư tưởng của Bakhtin trong vòng hai thập niên gần đây, lẫn tác động to lớn của những quan điểm tiếp nhận những tư tưởng ấy như vừa liệt kê ở trên đối với cái có thể gọi là tiềm thức khoa học.

Những quan điểm nói trên có giá trị như những chân lí đã được kiểm chứng và có uy tín tới mức (đặc biệt là uy tín của Viện sỹ M. Gasparov) nhiều người xem sự đòi hỏi chứng minh là bằng chứng về sự thiếu hiểu biết, hoặc lạc hậu, thậm chí là ác ý. Trên cơ sở của loại tư duy tiên nghiệm như thế, mọi lời lẽ hùng biện có chút ít mạnh bạo và thêm chút cảm xúc vừa đủ đều sẽ sức thuyết phục lớn hơn bất kì lập luận khoa học bình tĩnh nào.

Nhưng rồi vẫn có sự hoài nghi nhất định đối với 2 điểm đầu tiên. Về điểm thứ ba và thứ tư, chúng thực sự là những vấn đề lớn, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu đặc biệt.

Thứ nhất, hà cớ gì mà chúng ta phải tán thành ý kiến cho rằng bất kì thuật ngữ nghiên cứu văn học nào của Bakhtin cũng không phải là thuật ngữ nghiên cứu văn học, do chúng chứa đựng bên trong những ý nghĩa triết học, hoặc tôn giáo – triết học thuần túy?

Một mặt, muốn luận giải nghiêm túc cho sự khẳng định như vậy, ngay từ đầu, cần nghiên cứu đầy đủ và thấu đáo “từ điển thuật ngữ, khái niệm” của Bakhtin. Nhưng chưa bao giờ và không một ai trong số những người có ý kiến mà tôi đã dẫn ra đã làm công việc như vậy.

Những nỗ lực nghiên cứu ngôn ngữ khoa học của Bakhtin một cách hệ thống, và do đó, những truyền thống mà ông gắn bó đã bắt đầu được thực hiện ở Nga vào những năm 1990 (Moskva, Đại học xã hội nhân văn Nga), đồng thời, như tôi biết, ở Mỹ (V. Ljapynov) và Canada (A. Sadetski). Nhưng họ không hề nhận được sự ủng hộ của công chúng và sự hưởng ứng rọng rãi. Dẫu vậy, vẫn xuất hiện một số công trình nghiên cứu đề tài này được thực hiện bằng phương pháp ngôn ngữ học chặt chẽ. Một trong những công trình như thế đã chứng minh, rằng tất cả những trường hợp mà chúng ta đã biết về việc Bakhtin sử dụng thuật ngữ “phức điệu” (“polyphonie”) đều bảo lưu tuyệt đối những dấu hiệu xác định của thuật ngữ nghiên cứu âm nhạc chính xác và nghiêm ngặt do từ ấy biểu đạt[3].

Đồng thời quan niệm phổ biến về nội dung “ngụ ý”, “nói bóng”, thậm chí, được mã hóa trong những cuốn sách và những phát ngôn nói chung của Bakhtin về các chủ đề nghiên cứu văn học cũng mâu thuẫn với sự nghiên cứu đặc biệt dành cho nội dung triết học của những văn bản ví như “Về triết học hành vi” và “Tác giả và nhân vật trong hoạt động thẩm mỹ”. Việc nghiên cứu như thế hoàn toàn làm sáng tỏ một sự thật, rằng những phạm trù chung của triết học đạo đức của ông và những phát ngôn cụ thể nhất về các chủ đề nghiên cứu văn học được gắn kết trực tiếp thông qua mỹ học mang tính triết học của bản thân ông. Đồng thời, nó cũng chứng tỏ những tư tưởng của Bakhtin trong phạm vi cực kì xa lạ với mọi kiểu nói bóng này đều dựa trên một truyền thống khoa học mạnh mẽ và một số lượng khổng lồ các nguồn trích dẫn.

Thứ hai, tính xác đáng của những nhận xét (cực kì quyết đoán) của một số chuyên gia về Dostoievski, theo đó cuốn sách của Bakhtin về các tiểu thuyết của nhà văn, thực chất không phải là khoa học, mà chỉ có tính nghệ thuật (“hoàn toàn mang tính ẩn dụ”), cũng rất đáng hoài nghi. Đây chính là những nhà nghiên cứu văn học mà với với cách diễn giải của họ về tác phẩm của nhà tiểu thuyết vĩ đại đã đi theo nền phê bình tôn giáo – triết học ở giai đoạn giáp ranh thế kỷ XIX – XX. Tính ẩn dụ trong kiểu cách trình bày là đặc điểm lớn nhất của nền phê bình này (chỉ cần nhớ lại cuốn sách của Berdjaev về thế giới quan của Dostoievski)

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu phủ nhận tính khoa học trong các công trình nghiên cứu vừa nêu trên của Bakhtin thường lặp đi lặp lại trong tác phẩm của họ chính những nỗ lực mà đã có thời Bakhin đã bác bỏ. Đó là nỗ lực dựa vào tư tưởng của các nhân vật để giải thích ý nghĩa của tác phẩm nghệ thuật của Dostoievski. Chính Bakhtin đã chỉ ra rằng giải thích như thế là không khoa học, vì họ không nhận ra sự khác biệt về nguyên tắc giữa quan điểm tư tưởng trong đời sống của các nhân vật và quan điểm thẩm mĩ (tức là quan điểm bên ngoài đời sống) của tác giả. Liệu chúng ta có nên chấp nhận những lời chê trách Bakhtin về sự non kém tính khoa học từ phía nghiên cứu văn học mà Sergei Bocharov gọi là “ngoan đạo” như thế hay không?

1. Vấn đề quyền tác giả và “nhóm” Bakhtin

Vậy thì, liệu có đáng ủng hộ vô điều kiện những mưu toan mới nhất nhằm đem các tác phẩm thuộc chuyên môn ngữ văn liên quan với Bakhtin ở thời kì đầu gán hoàn toàn cho Medvedev và Voloshinov hay không?

Bất kể động cơ của những người ủng hộ việc “đánh giá lại các giá trị” vẫn diễn ra như cơm bữa ấy là gì – là ý đồ tạo nên sự giật gân (mà chắc chắn là họ đã thành công), hay khôi phục sự công bằng lịch sử (theo cách hiểu riêng của họ)[4], – thì ở việc này, họ đã để lộ ra, nhìn qua đã thấy, sự thiển cận ghê gớm và thiên kiến không thể giải thích được. Bởi vì, chính vào những năm ấy, bên cạnh Bakhtin còn có nhiều người khác không kém phần thân thiết với ông và hơn nữa, tài năng hơn nhiều so với Medvedev và Voloshinov.

Đó là những nhà nghiên cứu văn học xuất sắc và uyên bác nhất, ví như L. Pumpjanski[5] (năm 1922, chính ông đã công bố dự định sẽ xuất bản công trình “Lược khảo về phê bình phương pháp hình thức”[6]). Đó còn là M. Kagan, nhà triết học cực kì nghiêm túc (ngoài ông và Bakhtin, không ai trong số các nhân vật tham gia “nhóm”, hay “trường phái” viết những công trình triết học thuần túy)[7] và I. Sollertinski, nhà âm nhạc học lỗi lạc, một người sành sỏi tuyệt vời các ngôn ngữ và văn học châu Âu, đặc biệt là lịch sử kịch và nhà hát[8].

Vì sao không ai cố gán những tác phẩm của Bakhtin cho ba người bạn nói trên, hoặc ít nhất là tuyên bố họ là “đồng tác giả” và tên những ai, vì một lý do nào đó, không được ghi vào các cuốn sách? Rõ ràng, điều này có hai lý do.

Thứ nhất: danh tiếng khoa học rất cao của họ hiển nhiên là độc lập (tồn tại bên ngoài quan hệ với Bakhtin) và hoàn toàn rõ ràng. Rất dễ biết mối quan tâm hàng đầu của họ là gì và họ chỉ có thể trở thành người đàm đạo và người trợ giúp ở lĩnh vực nào (với tri thức và tài năng của họ). Thế nhưng về phương diện này, Volosinov là người không rõ ràng và Voloshinov nói chung là khó đoán, ông viết rất nhiều về những tác giả thuộc nhiều loại và chất lượng khác nhau (ví như khi thì viết về Blok, khi lại viết về Demjan Bedny. Ở đây có thể dễ dàng cho rằng ông còn viết cuốn sách về phương pháp hình thức (nhất là, nếu không nghĩ về cơ sở triết học của sự phê phán chủ nghĩa hình thức trong cuốn sách này).

Thứ hai: có thể đặt tên người khác vào cuốn sách của mình, vì cử chỉ thân thiện ấy được cho là sẽ được đền đáp dưới hình thức giúp đỡ xuất bản một cuốn sách khác (ví như cuốn về Dostoievski chẳng hạn). Không thể không tính tới khả năng này[9]. Nhưng cả ba học giả nói trên đều không có khả năng làm việc ấy. Trong khi đó, nếu xét đoán theo nhật ký của Freidenberg[10], thì không chỉ Medvedev, mà ngay cả Voloshinov cũng có những khả năng rất lớn trong lĩnh vực này.

Mặt trái ngược của việc “đánh giá lại các giá trị” là ý đồ hạ thấp tầm quan trong của những tác phẩm hẳn nhiên thuộc về Bakhtin (xuất bản dưới tên ông”) và tạo ra sự hoài nghi về tính xác thực của chúng. Để làm được như thế, người ta vẫn chỉ sử dụng phiên bản mới nhất của luận điệu cho rằng Bakhtin không có khả năng viết bất kì một văn bản nào mạch lạc, suy ngẫm kỹ lưỡng và tương đối dài hơi. Ông có vẻ như ghê tởm sự viết lách[11] và do đó chỉ có thể đưa ra những nhận xét rời rạc cực kì ngắn gọn: cho nên Voloshinov và/hoặc Medvedev đã tới giúp đỡ ông (điều này, theo ý kiến của một nhà “Bakhtin học”, đã diễn ra với cuốn sách về Dostoievcki)[12].

Do vậy những nhà nghiên cứu tương tự như thế ngạo ngược nghi ngờ xác nhận của Bakhtin về cuốn sách viết về tiểu thuyết giáo dục châu Âu bị thất lạc của ông: họ nói không có cuốn sách như thế, ông ấy không thể viết cuốn sách ấy. Nhưng đúng là có cuốn sách như vậy: cách nay chưa lâu, N. Pankov đãcho xuất bản bản đề cương – toát yếu của nó (45 trang đánh máy) và thư của tác giả gửi cho người biên tập cho biết khối lượng chung của chuyên luận – 10 – 12 tờ in[13] (tờ in là đơn vị tính khối lượng cuốn sách, mỗi tờ in là 16 trang sách in – ND).

Nhân đây, tất nhiên, độc giả có thể nhớ lại không chỉ cuốn sách về Rabelais (có khối lượng lớn hơn 1.5 lần so với cuốn về Dostoievski), mà còn cả công trình đồ sộ gồm nhiều chương, mỗi chương như một cuốn sách, ví như “Lời trong tiểu thuyết”, “Các hình thức thời gian và chronotop trong tiểu thuyết”. Tất cả các văn bản nói trên đều được viết vào thời điểm mà bất kỳ sự trợ giúp nào đối với Bakhtin từ hai nhà khoa học, những người thường xuyên được coi là đồng tác giả bình đẳng với ông, thậm chí là tác giả của các cuốn sách của ông, do hoàn cảnh khách quan, đã bị loại bỏ hoàn toàn[14].

Bởi vậy, luận chứng có thể gọi là gián tiếp ủng hộ các tác giả hình thức của hai cuốn sách đang “tranh chấp” hoàn toàn không thuyết phục. Một mặt, bằng chứng của người đương thời (hồi ký, nhật ký, thư từ), đặc biệt là của những người có tiếp xúc với Bakhtin và từng đặt cho ông những câu hỏi về đề tài chúng ta đang quan tâm sẽ là những luận chứng trực tiếp.

Mặt khắc, còn có một hướng tiếp cận nữa rất cơ bản: có thể cố gắng xác định quyền tác giả của nhà khoa học bằng phương pháp mà người ta sử dụng trong quan hệ với các văn bản nghệ thuật, tức là theo ngôn ngữ và phong cách (đồng thời, trước hết, nếu trong các văn bản nghệ thuật tồn tại một từ điển các hình tượng, motif, thì theo đó, khi ấy có thể nói về một phạm vi khái niệm và thuật ngữ bền vững, rất riêng của học giả).

Chúng tôi sẽ khảo sát và đánh giá hai hướng tiếp cận trong việc giải quyết vấn đề.

2. Hướng tiếp cận tiểu sử: bằng chứng và minh chứng[15]

Các chuyên gia về “nhóm Bakhtin” thường chú trọng nghiên cứu vấn đề về quyền tác giả của những văn bản còn “tranh chấp” (trước hết là hai cuốn sách) trên bình diện tiểu sử. Nhưng các tư liệu sẵn có trong lĩnh vực này, như ta biết, đều rất mâu thuẫn với nhau,.kể cả những bằng chứng khác nhau hoặc không xác định của bản thân Bakhtin. Rất có thể vì thế, S. Averintsev đề nghị đó là vấn đề bỏ ngỏ.

Tất nhiên, với những người không hài lòng với cách giải quyết như thế, nếu muốn đem lại cho sự nghiên cứu cứu của mình một vị thế khoa học, ró ràng là họ có thể giải quyết vấn đề bằng cách đánh giá so sánh mức độ tin cậy của những ý kiến thể hiện sự “tán thành” và “phản đối”. Nhưng nếu nhà nghiên cứu lịch sử về những “Công trình và ngày tháng”[16] của “nhóm” được nhắc tới chỉ muốn (khác với tác giả của bài viết này) một phương pháp xác lập quyền tác giả như vậy thì ông ta, thứ nhất, phải trích dẫn và so sánh cả những ý kiến “ủng hộ” và ý kiến “phản đối” ở mức độ ngang nhau. Và, thứ hai, cần làm rõ tiêu chí được dựa vào để tiến hành đánh giá so sánh các ý kiến như vậy.

Rất tiếc, trong thực tế, cả hai điều trên đều không được thực hiện. Tôi sẽ trích dẫn một trong số những ấn phẩm mới nhất làm thí dụ rất ấn tượng nhất về mặt này[17].

. Thứ nhất, không có bất kỳ bằng chứng nào về quyền tác giả của Bakhtin (hoặc Medvedev và Viloshinov không phải là tác giả của những văn bản đang “tranh chấp”) thuộc những người biết rõ cả ba học giả nói trên được dẫn ra ở đây. Các ý kiến khác thuộc loại này cũng không hề được trích dẫn và bình luận. Ngoại lệ duy nhất – câu chuyện của A. Chudakov do tôi truyền đạt về cuộc trò chuyện với nhà triết học[18], J. Medvedev ngay từ đầu gọi đó là “phiên bản tin đồn thường gặp” (tức là, dẫu có thế thì về chuyện đó người ta vẫn nói và nhiều người đã nói), và sau đó, gọi tất cả chỉ là chuyện “đơm đặt” (Tr. 179). Nhưng bài ấy không chỉ dừng lại ở việc tảng lờ, làm thinh (cũng như tấn công cá nhân). Tôi xin dẫn hai thí dụ về phương pháp được sử dụng ở đây để “lật đổ phê bình” một cách ấn tượng:

1. Rõ ràng Medvedev không thể không nhắc tới một ấn phẩm nổi tiếng và quan trọng nhất với đề tài này, ấy là bài báo của S. Bocharov: “Về một cuộc trò chuyện và xung quanh cuộc trò chuyện ấy”. Và thế là bài báo được nhắc tới (chỉ một lần duy nhất), nhưng nhắc thế nào? – nhắc trong lời chú thích, sau câu “Trước khi chết, Bakhtin cương quyết từ chối ký giấy cho Cơ quan bản quyền tác giả toàn Liên bang về quyền tác giả của mình” (Như trên)

Chúng tôi giở văn bản công trình của Bocharov ở trang được chỉ ra trong chú thích (trang 79) và vô cùng ngạc nhiên thấy rằng nhà nghiên cứu văn học mà ai cũng kính trọng không hề nói bất kì một cái gì như thế: ở đây chỉ nói “Bakhtin về cuối đời thừa nhận quyền tác giả thực sự trong các cuộc trò chuyện, nhưng không muốn hợp thức hóa”. Không thấy nói về chuyện chết, cũng không nói về Cơ quan bản quyền – không có gì cả[19].

2. Trong bài báo của tôi, – nhân bài báo này mà văn bản bình luận cỡ lớn “Những nạn nhân của quan điểm đứng ngoài” mới được viết ra ở đây, – theo ý kiến của tôi (tuyệt nhiên chẳng phải là ý kiến mới), các cuốn “Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học” và “Chủ nghĩa hình thức và các nhà hình thức luận”[20] thuộc về những tác giả khác nhau (thứ nhất là Bakhtin, thứ hai là Medvedev), được so sánh thế này: “Nhưng tai họa là ở chỗ: theo ý kiến của V.N. Zakharov, phiên bản cải tiến của cuốn “Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học”, tức là cuốn “Chủ nghĩa hình thức và các nhà hình thức luận”, không được mấy ai đọc. Và bất chấp những nỗ lực khổng lồ của những người nhiệt tâm cô độc, tình hình này chắc chắn vẫn sẽ không có chút thay đổi mảy may nào. Vậy mà cuốn sách chưa trau chuốt và không thật hàm súc (“cái nội dung trong “Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học” phải trình bày hàng chục trang, thì trong “Chủ nghĩa hình thức và các nhà hình thức luận” chỉ viết trong hai trang” <…>) lại được các chuyên gia nghiêm túc đọc và sẽ còn đọc. Kết quả chỉnh lí cuốn sách riêng của nhà nghiên cứu văn học (như ông khẳng định trong lời tựa dành cho cuốn “Chủ nghĩa hình thức và các nhà hình thức luận”) với mục đích cải thiện nó như thế chả lẽ không đáng ngạc nhiên sao?”[21]

J. Medvedev trích dẫn đoạn văn trong bài của tôi theo cách sau: ‘Những lời sau đây của ông ấy cảm thấy rất đáng quý: “Các chuyên gia thi pháp học đã đọc và sẽ còn đọc cuốn “Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học” (tr. 169 – 170). Không, tôi không cảm thấy điều đó: với kiểu trình bày như thế, lời của tôi rõ ràng chẳng có giá trị gì. Phương thức trích dẫn mang đặc điểm riêng ở tác giả của chúng ta rõ ràng mang lại kết quả không kém phần ngạc nhiên so với phương thức biên tập được tác giả “Chủ nghĩa hình thức và các nhà hình thức luận” từng lựa chọn. Có thể nói, sự giống nhau này có rất nhiều ý nghĩa.

Bởi vậy, đặt trên cái nền của truyền thống khoa học (nhưng tất nhiên không phải trên nền của cuộc tranh luận tư tưởng vào những năm 1930 mà cuốn “Chủ nghĩa hình thức và các nhà hình thức luận” có liên quan), thái độ của Medvedev với ý kiến của người khác và lời nói của người khác có sự độc đáo không thể phủ nhận.

Thứ hai, nhà nghiên cứu này không xác lập và không bàn luận gì về những tiêu chí được dựa vào để đánh giá cao mức độ tin cậy và thẩm quyền của các nhận định khẳng định quyền tác giả của Medvedev mà ông dẫn ra. Người ta chỉ có thể phỏng đoán rằng sở dĩ những phát ngôn như thế được đánh giá cao không chỉ vì ở đây có sự gần gũi giữa ý kiến của các tác được trích dẫn và người trích dẫn, mà còn vì có sự tương đồng trong ý kiến của họ về công lao to lớn đã được liệt kê của Medvedev với nền khoa học nước nhà và với cá nhân Bakhtin, người mà Medvedev đã giúp đỡ rất nhiều và đôi khi bất chấp cả rủi ro để bảo trợ. Ngoài ra, những ý kiến như vậy lại do các chuyên gia có vị thế quan phương cao phát ngôn (ví như “Phó chủ tịch hiệp hội quốc tế về Dostoevski” và “giáo sư” vin vào ý kiến đúng, chứ có phải kẻ vô danh bất kỳ nào đâu!) và/hoặc những người đã xuất bản các công trình về đề tài ấy ở nước ngoài, bằng tiếng Anh, nên dĩ nhiên, uy tín của chúng được tăng lên.

S. Bocharov, người tán thành đề xuất của S. Averintsev “để ngỏ vấn đề”, đã chỉ ra: “Không đến nỗi quá ít bằng chứng, nhưng những bằng chứng ấy đều không phải là những cái “được chứng minh[22].

Nhưng ở phương diện này, còn một bằng chứng mà tôi nghĩ là Bocharov chưa đánh giá đúng mức.

Tôi muốn nói tới lá thư của Bakhtin gửi Kozhinov đề ngày 10 tháng Giêng năm 1961. Mãi tới gần đây (nhờ bài báo “Về một cuộc trò chuyện và xung quanh cuộc trò chuyện ấy” của Bocharov), người ta chỉ biết phần trung tâm có liên quan trực tiếp tới vấn đề đang tranh cãi: bắt đầu từ sự thừa nhận của tác giả lá thư về chuyện hai cuốn sách được người trao đổi thư tín với ông công bố, rằng ông “biết rất rõ”, và kết thúc bằng đoạn “quan niệm cơ bản” của những cuốn sách ấy (cũng như cuốn sách về Dostoievski) “tất nhiên trong ba mươi năm nó đã trải qua sự tiến hóa rõ rệt”.

Lại nữa, đoạn thư trên đôi khi được trích dẫn thiếu câu cuối nói về sự “tiến hóa”[23] (việc này tự nó rất đáng chú ý), và được các nhà nghiên cứu sáng tác của Voloshinov và Medvedev dựa vào để thuyết phục mọi người rằng lá thư ấy có nghĩa là Bakhtin đã từ chối bằng văn bản[24] quyền tác giả không chỉ của các cuốn sách, mà còn cả quan niệm nối kết chúng với nhau (họ nói, tư tưởng ấy, khác với ba cuốn sách do ba tác giả khác nhau viết, chính là kết quả của sư sáng tác tập thể).

N. Pankov đã công bố toàn văn bức thư nói trên và chỉ ra hai cách diễn giải hoàn toàn trái ngược nhau của S. Bocharov và J. Medvedev về đoạn thư vừa được nhắc tới. Bocharov cho rằng trong đoạn thư thể hiện rõ ràng cái ý nói về quyền tác giả của “tư tưởng cơ bản”, tức là về sự sáng tạo ra nó (dẫu không phải là bản thân các cuốn sách) thuộc về Bakhtin, còn J. Medvedev thì xác định rõ ràng tính chất tập thể của tư tưởng ấy. Tôi dẫn ra đây phát biểu bằng văn bản của J. Medvedev về đề tài này: “Nếu nói nghiêm túc về minh chứng cho quyền tác giả của những cuốn sách của Voloshinov và Medvedev thì đáng tin cậy nhất là bằng chứng tự nhiên của Bakhtin, người nhìn thấy sự vênh lệch của Medvedev và Voloshinov về quan điểm sáng tạo ngôn từ CHUNG với ông”[25]. Người công bố lá thư rút ra kết luận: “Hãy để người đọc tự quyết định cách giải thích nào mà họ thấy ưng ý hơn”[26].

Tôi nghĩ, muốn lựa chọn một cách thích hợp để diễn giải ý nghĩa của bất kì loại văn bản nào, trong đó có văn bản khoa học, cần phải có các tiêu chí mà chỉ sự phân tích cấu trúc của nó mới có thể cung cấp. Chúng ta thử phân tích như thế xem sao

Xin dẫn văn bản đầy đủ[27]

10.1.61

Các bạn quý mến!

Xin thứ lỗi vì tôi chậm trả lời. Chân thành cảm ơn vì những lời chào mừng và cầu chúc tốt đẹp.

Trước tiên, tôi sẽ trả lời câu hỏi cuối cùng của Anh. Tôi biết rất rõ các cuốn “Phương pháp hình thức” và “Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ”. V.N. Voloshinov và P.N. Medvedev là những người bạn đã quá cố của tôi, trong thời gian sáng tạo những cuốn sách ấy, chúng tôi làm việc trong mối liên hệ sáng tạo chặt chẽ nhất. Hơn nữa, những cuốn sách này và công trình của tôi có một quan niệm chung về ngôn ngữ và tác phẩm lời nói. Về chuyện này, V.V. Vinogradov hoàn toàn đúng. Tôi cần lưu ý rằng, sự hiện diện của một quan niệm chung và sự gắn kết trong công việc không hề làm suy giảm tính độc lập và sự độc đáo của mỗi cuốn sách. Còn những công trình khác của P.N. Medvedev và V.N. Voloshinov, chúng ở một bình diện khác, không phản ánh quan niệm chung, và tôi không hề tham gia chút nào vào việc sáng tạo ra chúng.

Cái quan niệm về ngôn ngữ và lời nói được trình bầy trong các cuốn sách chưa thật đầy đủ và không phải bao giờ cũng dễ hiểu, tôi vẫn giữ cho tới nay, mặc dù tất nhiên, trong ba mươi năm, nó đã trải qua một sự tiến hóa rõ rệt. Tôi rất vui khi biết rằng ngay cả bây giờ cũng có nhiều người ủng hộ quan niệm ấy.

Về bản chất của quan niệm nói trên, xin phép để khi nào rảnh rỗi đôi chút và sức khỏe khá hơn, tôi sẽ nói sau.

Tôi vô cùng biết ơn Anh vì Anh đã nỗ lực bằng cách nào đấy xúc tiến cuốn sách về Bodelais của tôi. Bây giờ tôi không còn hy vọng vào thành công, nhưng thiết nghĩ, việc Anh nhắc tới cuốn sách là điều bổ ích. Cuốn sách của tôi hoàn thành từ hai mươi năm trước tất nhiên cần phải cải tiến nhiều, và nếu có hoàn cảnh thuận lợi, tôi sẽ bắt đầu chỉnh lý trong thời gian sớm nhất. Nhân tiện xin báo, tôi còn giữ bản sao các bài bình luận về cuốn sách của A.B. Tarle, M.P. Alekseev (hiện là viện sỹ) và của một số người khác nữa. Nếu những bài bình luận ấy bổ ích cho công việc, tôi sẽ gửi ngay. Xin cảm ơn lần nữa vì sự quan tâm của Anh.

.Xin hãy nhận những lời chúc mừng muộn mằn và những lời cầu chúc năm mới tốt lành nhất.

Tôi bao giờ cũng rất vui khi nhận được các tin tức Anh gửi. Xin đừng giận vì thư trả lời tạm thời còn ngắn ngủi và khô khan của tôi.

Mãi mãi là bạn của Anh

M. Bakhtin

Trước hết, lá thư là một yếu tố của trao đổi thư tín, có chuyện riêng: nó phản ánh một tình tiết cụ thể của câu chuyện ấy. Cuộc giao tiếp thư tín khởi đầu đã được gần hai tháng (lá thư đầu tiên gửi cho Bakhtin đề ngày 12 tháng 11. 1960). Trước đó, lời giao đãi thường xuyên là “Các bạn quý mến”, vì tất cả các lá thư trước đó đều do Kizhinov thay mặt một nhóm người để gửi (trong lá thư đầu tiên người gửi đã giải thích rõ, rằng “chúng tôi” là 5 cộng tác viện của Viện văn học thế giới). Với lí do như thế, thư của Bakhtin không mang đặc điểm cá nhân theo ý nghĩa nghiêm nhặt của nó.

Không thể không nhận ra, rằng câu trả lời của Bakhtin cho lá thư cuối cùng của Kozhinov, trong đó Kozhinov tự tách ra khỏi nhóm để đặt câu hỏi về các cuốn sách của Voloshinov và Medvedev (và nhắc tới ý kiến của V. Vinogradov về “lý thuyết chung về lời nói nghệ thuật” trong các cuốn sách ấy và cuốn sách của Bakhtin về Dostoievski), tỏ ra dè dặt hơn (“khô khan”) so với những câu trả lời dành cho cả lá thư trước đó. Rõ ràng, câu hỏi đặt ra khiến Bakhtin không thể giao tiếp cởi mở và nồng ấm. Nhưng để lại cho người nhận thư niềm hy vọng rằng sự ngắn ngủi và khô khan hiển nhiên chỉ là chuyện tạm thời (“tạm thời còn ngắn ngủi và khô khan”).

Thái độ cuối cùng với người gửi đã nói lên những đặc điểm trên của lá thư. Ngày 26.11.1960, Bakhtin kết thúc lá thư bằng dòng “Với tình yêu và sự kính trọng”; ngày 7 tháng 12 năm 1960 – “Với tình yêu và lời chào thân thiết”. Trả lời lá thư tiếp theo sau lá thư chúng tôi vừa phân tích, là thư hoàn toàn mang tính cá nhân của V. Kozhinov đề ngày 23 tháng 2 năm 1961, Bakhtin lại ký “Với tình yêu và sự kính trọng” v.v…

Như đã thấy, không có bất kì cơ sở nào để xem câu trả lời của Bakhtin cho câu hỏi mà theo thời gian đã trở thành một bí tích là câu trả lời công nhiên, rõ ràng. Chắc chắn, câu trả lời ấy, do nguyên nhân này hay nguyên nhân khác, là thận trọng: tựa như ông không chỉ tính đến mối quan tâm riêng và phản ứng cá nhân của Kozhinov.

Thứ hai, Bakhtin tổ chức câu trả lời theo một trình tự nhất định, có thể nói là theo một số bước. Bước thứ nhất. Đầu tiên là “tôi biết rất rõ”. những cuốn sách được nêu ra. Và tác giả của chúng là “những người bạn đã quá cố của tôi” (không thể xem cách biểu đạt này là bằng chứng nào đó về sự gần gũi đặc biệt trong quan hệ cá nhân, vì với “các bạn quý mến”, những người nhận thư, Bakhtin vẫn chưa hề gặp mặt và chưa quen biết). Và ngay ở đây, ông nói về mối “liên hệ sáng tạo” của mình với Medvedev và Voloshinov và việc làm sách – khi thì làm chung, khi thì song hành – trong quá trình giao tiếp sáng tạo: “trong thời gian sáng tạo những cuốn sách ấy, chúng tôi làm việc trong mối liên hệ sáng tạo chặt chẽ nhất”. Tất cả chỉ tạo ra một ấn tượng không xác định, không chắc chắn, không biết là cùng làm ra các văn bản, hay là cùng suy ngẫm về nội dung của chúng (bàn luận về tư tưởng?): chẳng có gì được nói trực tiếp cả.

Bước thứ hai (được đánh dấu bằng đoản ngữ “hơn nữa”). Hóa ra trong các cuốn sách của cả ba tác giả có “chung” (Bakhtin nhấn mạnh) một “quan niệm về ngôn ngữ và tác phẩm lời nói”), và điều này, tựa như V. Vinogradov đã chỉ ra. Nhưng Viện sỹ chỉ nói (điều này cả tác giả lá thư lẫn người nhận thư đều biết rõ) về những quan điểm về phong cách mà theo ông là có sự “tương đồng” giữa V. Voloshinov với các công trình của “M. Bakhtin và một vài người khác”; nhưng chỉ ở M. Bakhtin và V. Voloshinov chúng mới được “biểu hiện rõ nhất”[28].

Đồng thời, đặc điểm nổi bật của cuộc tranh luận mà Vinogradov tóm tắt trong bài phát biểu của mình là sự đối lập gay gắt giữa hướng tiếp cận ngôn ngữ học và hướng tiếp cận nghiên cứu văn học. Điều đó được thể hiện ngay ở đây: quả thật, ở Voloshinov, bình diện ngôn ngữ học của vấn đề phong cách rất gần gũi với Vinogradov được nhấn mạnh, chính bình diện này cũng xuất hiện trong cuốn sách về Dostoievski (do đó, theo ý kiến của ông, nó được “biểu hiện rõ nhất” ở hai trường hợp này). Trong khi đó, Medvedev tiếp cận đề phong cách từ hướng nghiên cứu văn học.

Đối chiếu theo cách như thế, chúng ta không thể không chú ý tới thực tế là chính cuốn sách của Bakhtin về Dostoievski đã kết hợp hai bộ môn khoa học, mà kết hợp ở mức độ ngang nhau (ở lần xuất bản đầu tiên, ứng với điều đó, cuốn sách được chia thành hai phần). Trong thư, Bakhtin nói tới quan niệm không chỉ về ngôn ngữ, mà còn về “tác phẩm ngôn từ”. Điều này gợi ra kết luận về việc ai trong số ba tác giả của các cuốn sách mới đích thị là người sở hữu quan niệm chung trong những cuốn sách ấy (chứ không phải ai là tác giả của chúng nhứng giả định của Kozhinov). Không khó để tác giả của lá thư hiểu được những giả định của Kozhinov là gì về vấn đề này, vì trong thư gửi Bakhtin, ông đã nhắc tới “những tác phẩm khác, ít thú vị hơn nhiều của Medvedev”[29].

Từ đây, xuất hiện bước thứ ba: thoạt tiên, người nhận lá thư được thuyết phục (ngược với điều vừa nói ở trên), rằng mỗi cuốn sách đều mang tính “độc lập và là bản gốc”, mặc dù có “quan niệm chung” và “có sự liên hệ trong công việc”. Tất nhiên, đây là lý do để lập luận rằng mỗi cuốn sách dẫu sao cũng là do một trong số ba tác giả ấy đã viết ra, dẫu giữa họ có thể có quan niệm “chung” hiểu theo nghĩa là sáng tạo chung.

Nhưng thông báo sau đây lại có ý nghĩa hoàn toàn ngược lại: những công trình khác của Medvedev và Voloshinov nằm “ở một bình diện khác, không phản ánh quan niệm chung”. Xin nhấn mạnh: đây không bàn tới chuyện những công trình này dành cho các chủ đề khác. Vấn đề chỉ là “mối liên hệ sáng tạo chặt chẽ nhất” không biểu lộ ở những công trình ấy: “

… tôi không hề tham gia chút nào vào việc sáng tạo ra chúng”. Bởi vậy, sự tham gia của Bakhtin được biểu hiện ở sự tồn tại của mộtquan niệm về ngôn ngữ và tác phẩm lời nóichung cho cả ba cuốn sách. Nói cách khác, quan niệm ất trước hết thuộc về Bakhtin[30].

Bước thứ tư trực tiếp nói về điều đó. Bakhtin cho tới tận bầy giờ vẫn trung thành với quan điểm ấy và phát triển nó (“nó đã trải qua một sự tiến hóa”). Nếu khi đó nó được trình bày “chưa thật đầy đủ và không phải bao giờ cũng dễ hiểu” trong cả ba cuốn sách, thì điều đó chỉ có thể hiểu theo như sau: do nguyên nhân này hay nguyên nhân khác, ba chục năm trước bản thân Bakhtin đã không thể trình bày quan điểm ấy theo cách khác (sẽ nói gì về “những công trình khác” của Medvedev và Boloshinov, những công trình không phản ánh tư tưởng ấy vì chúng được sáng tạo ra mà không có sự tham gia của Bakhtin?)

Và bước cuối cùng. Cái câu “Tôi rất vui khi biết rằng ngay cả bây giờ cũng có nhiều người ủng hộ quan niệm ấy” có ý nghĩa gì? Chữ “ngay cả” này khiến ta bối rối. Trong lá thư của mình, Kozhinov đã liệt kê những người chia sẻ quan niệm của Bakhtin. Nhưng ba mươi năm trước, ai là người ủng hộ? Những cái tên duy nhất được Bakhtin gọi ra là tên Medvedev và Voloshinov, những người bạn của ông,

Xin kết luận thế này. Phải thừa nhận ý kiến của J. Medvedev về ý nghĩa của lá thư của Bakhtin mà chúng ta đang phân tích hoàn toàn tùy tiện và không hề có chút cơ sở nào. “Bằng chứng” này, như ta thấy, tuyệt nhiên không phải là bằng chứng “tự nhiên”. Nhưng, dẫu vậy, lá thư rõ ràng đã nói lên chính xác về sự “không cân xứng” của Medvedev và Voloshinov với quan niệm là điểm “chung” của ba cuốn sách, chứ không phải của ba người. Nói thêm. J. Medvedev gọi không đúng tên của quan niệm ấy: ở Bakhtin – “quan niệm ngôn ngữ và tác phẩm lời nói”, nhà nghiên cứu “nhóm Bakhtin” lại gọi là “quan niệm sáng tạo ngôn từ”.

Sự đánh tráo tên gọi ấy nếu là vô thức (tức là không nhằm mục đích gợi dậy ở người đọc ý nghĩ về quyền tác giả của “mỹ học sáng tạo ngôn từ” tựa như là của tập thể, thì nó chắc chắn không phải là ngẫu nhiên. Quả thực, từ góc nhìn của người nói, điều quan trọng không phải là những tư tưởng mà Bakhtin muốn biểu đạt (J. Medvedev hoàn toàn không quan tâm tới những tư tưởng ấy), mà là chững cớ về sự gần gũi với học giả ở phương diện tiểu sử của hai người khác cùng tham gia sáng tạo ra những cuốn sách còn “tranh chấp”. S. Bocharov hoàn toàn đúng khi nói: “… đó là quan niệm của tác giả độc đáo (mà chúng ta biết quan điểm triết học – ngữ văn học của Bakhtin vạm vỡ thế nào rồi), chứ không phải là kết quả của sự sáng tạo tập thể”[31].

Vậy những người nghiên cứu sáng tạo của Bakhtin nên hướng nỗ lực của mình vào mục đích gì? Nhằm mục đích làm sáng tỏ mức độ “tương xứng” giữa ông với tiềm năng sáng tạo của Voloshinov và (tất nhiên, đặc biệt, với) Medvedev? Hay để nghiên cứu cái quan niệm có trong các cuốn sách của những người bạn, khi họ còn làm việc “trong mối liên hệ sáng tạo chặt chẽ nhất” với Bakhtin, nhưng vì sao đó hoàn toàn vắng bóng trong những công trình mà họ hoạt động hoàn toàn độc lập với ông?

Chúng tôi chọn mục đích thứ hai. Chính cái quan niệm về ngôn ngữ và tác phẩm do Bakhtin sáng tạo ra đã mang lại cho ông niềm vinh quang quốc tế và là nguồn mạch làm nên hứng thú chung với tất cả những gì ông đã viết ra. S. Bocharov đã chỉ ra chính xác, đúng là quan niệm ấy đồng thời vừa là quan niệm triết học, vừa là quan niệm ngữ văn học. Nhưng còn một đặc điểm khác cũng không kém phần quan trọng của quan niệm ấy: tính chất “ngữ văn học” ở đây kết hợp hữu cơ và bình đẳng hai bình diện nghiên cứu văn học và ngôn ngữ học.

Cho nên, như các nhà quan sát đã chỉ ra, có khả năng là Voloshinov đã chuyển tư tưởng của cuốn “Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học” thành đề cương nghiên cứu sinh. Ở đây không chỉ có mỗi thông tin về một trong những phúc trình của nghiên cứu sinh về việc đang chuẩn bị cho một cuốn sách về vấn đề “Thi pháp học xã hội học”[32], mà còn có cả bản liệt kê bốn chương của cuốn sách ấy trong một phúc trình khác[33]: những sự thực này không thể không làm dấy lên sự nghi ngờ[34]. Hơn nữa, trong đề cương của cuốn sách khác trong tương lai – “Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ” (theo N. Pankov, không phải là bản viết tay của Voloshinov[35]), chúng ta tìm thấy chương IV có hai mục: “1. Triết học ngôn ngữ và vấn đề thi pháp học. 2. Phương pháp hình thức và cuộc đấu tranh chống lại nó”[36].

Rõ ràng là trong ý thức của một trong số ba học giả cùng làm việc trong “mối liên hệ sáng tạo chặt chẽ”, những vấn đề của các cuốn sách ”Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học” và “Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ” không chỉ xuất hiện cùng một lúc, mà còn hiện diện trong mối liên hệ ngữ nghĩa nội tại của chúng. Có thể nói, chúng không thể chia tách, mặc dầu không bị hòa lẫn. Chỉ mỗi mình ông mới có thể bằng một cách nào đấy (một cách ước lệ) phân định quan niệm “ngôn ngữ” và “tác phẩm lời nói” và triển khai từng bình diện riêng lẻ (tức là biến sự soi sáng nó thành một cuốn sách), tất nhiên, có tính tới sự tồn tại của bình diện kia. Chúng ta chứng kiến một bức tranh hoàn toàn đúng như vậy trong sáng tác của Bakhtin ở kỳ muộn hơn sau này: sự phát triển câc vấn đề phong cách học, mà ai cũng biết, tạo thành phương diện đặc biệt và rất quan trọng trong các công trình nghiên cứu lý luận tiểu thuyết. Nhưng ngược lại: Bakhtin đã đưa kết quả của việc nghiên cứu tiểu thuyết vào việc viết cuốn sách “siêu ngôn ngữ học” “Các thể loại lời nói”[37].

Như vậy, chúng ta đã có thêm chứng lý để củng cố cách giải thích theo giả định vừa nêu ở trên dành cho nhận xét của Bakhtin về “quan niệm” chung của ba cuốn sách. Đồng thời chúng ta tin vào mối liên hệ chặt chẽ của hai vấn đề: vấn đề về quyền tác giả của những cuốn sách đang “tranh chấp” và vấn đề về sự thống nhất ý nghĩa bên trong của các kết quả sáng tạo khoa học của Bakhtin. Chính Bakhtin là người đã cung cấp cho ta chiếc chìa khóa phát hiện ra sự thống nhất áy trong thư gửi V. Kozhinov mà chúng tôi vừa khảo sát ở trên.

3. Tác giả tiểu sử và tác giả “nội tại”: ngôn ngữ khoa học của Bakhtin và các “đồng tác giả” của ông.

Xin được bắt đầu bằng những ấn tượng mà độc giả thu được trực tiếp từ việc đọc văn bản của Bakhtin. Những ấn tượng ấy sẽ thôi thúc ta tìm kiếm những chứng cứ nói lên quyền tác giả mà không liên quan trực tiếp với các dữ kiện tiểu sử. Ví như ấn tượng về sự thống nhất nội tại cao độ (về ngữ nghĩa) trong tác phẩm nghệ thuật mà ta đã biết rõ về tác giả, nó cho phép ta khẳng định, rằng đúng là có một tác giả như thế – với tư cách là một cấp độ tổ chức tạo nên sự thống nhất của ngữ nghĩa. Và chúng ta có thể nhận ra tác giả “nội tại” ấy trong những văn bản khác nhau, ngay cả khi ông ta không ghi tên mình hoặc chúng ta không biết tiểu sử của ông ấy.

Thật ra, vô số độc giả của Bakhtin khi làm quen với các văn bản còn đang “tranh chấp”, người ta trước tiên muốn tìm hiểu ý nghĩa của chúng (chứ không phải để trả lời những câu hỏi nóng sốt: khi văn bản cuốn sach được sáng tạo thì ai đã ở bên cạnh học giả, và có phải cái người đó đã giúp đỡ ông sáng tạo), và họ đều hoàn toàn tin chắc rằng các văn bản ấy là do chính Bakhtin viết ra. Niềm tin này được khơi gợi bởi đặc điểm hiển nhiên sau đây: bất kể đối tượng chuyên môn của công trình này hay công trình kia là gì – là “thi pháp học xã hội học” (“Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học”), “xã hội học về ngôn ngữ” (“Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ”), hay tâm lý học xã hội (“Chủ nghĩa Freud”) – thì điều gây ấn tượng mạnh nhất vẫn là sự độc đáo và chiều sâu triết học rất khó bắt gặp trong những công trình nghiên cứu thuộc loại như vậy. Như S. Bocharov đã khái quát chính xác, tuy đã có nỗ lực một cách có ý thức, rõ rệt để tạo ra cho sự trình bày “một phong cách hiện đại” và tính đại chúng, “tầm cỡ trí tuệ” có thể cảm nhận rõ rệt vẫn là nhân tố để lại ấn tượng sâu sắc.

Trong khi đó, nếu người ta biết quá rõ nền tảng tri thức vững chắc và những điều quan tâm nghiêm túc của Pumpjanski và người chịu ảnh hưởng ông trong lĩnh vực triết học là Sollertinski[38], thì cả Medvedev lẫn Voloshinov, đánh giá theo tư liệu và những công trình đã xuất bản (tất nhiên bao gồm cả những cuốn sách đang “tranh chấp”), cũng như theo nhận xét của người đương thời, đều không đưa ra lý do nhỏ nhất nhất nào khiến nghi ngờ những nỗ lực của các học giả trên trong việc độc lập giải quyết những vấn đề triết học phức tạp nhất.

Tư liệu hiện có về công việc nghiên cứu lý luận văn học của Medvedev cho thấy có thể ông thuộc một khuynh hướng đặc biệt trong lĩnh vực khoa học này: khuynh hướng tâm lý học sáng tạo[39]. Xu hướng này có phẩn trùng với mỹ học biểu hiện được Bakhtin nhận xét trong “Tác giả và nhân vật…” và xét theo những cuốn sách đã xuất bản của S. Gruzenberg[40] và công trình nổi tiếng của A. Beletski “Trong xưởng thợ của nghệ sỹ ngôn từ” (1923)[41], cũng như những công trình được xuất bản thời ấy của B. Griftsov “Tâm lý học nhà văn” (viết những năm 1923-1924)[42] và của L. Vygotski “Tâm lý học nghệ thuật” (1925)[43], thì đó từng là khuynh hướng rất phổ biến vào những năm 1920. Đi liền với khuynh hướng ấy là một khối lượng sách và bài báo viết về cách nhà văn này, hay nhà văn nọ đã “làm việc như thế nào”, về lịch sử sáng tác của những tác phẩm riêng lẻ. Cuốn “Trong phòng thí nghiệm của nhà văn” (1933, 1960) của P. Medvedev, những bài nghiên cứu của ông về Blok[44] được đưa vào đây, nằm trong chuỗi công trình này.

Tất nhiên, các hứng thú khoa học của nhà nghiên cứu văn học này hoàn toàn dễ hiểu và chính đáng, nhưng không thể nào có thể gọi đó là những hứng thú triết học theo nghĩa chính xác của từ này. Cũng không có thông tin về bất kỳ công trình nào của Medvedev trong lĩnh vực mỹ học mang tính triết học[45]. Ró ràng, cả ông và Voloshinov là những người có tài, hiểu biết, có những công lao nhất định với khoa học và văn hóa. Nhưng những nỗ lực đặt học ngang hàng với Bakhtin như những nhà lý luận nghệ thuật (mà cụ thể là nghệ thuật ngôn từ) chắc chắn sẽ dẫn tới những kết quả tiêu cực cho danh tiếng của họ[46].

Có một thực tế đáng chú ý đặc biệt là các chuyên gia về “nhóm Bakhtin”, những người dành không biết bao nhiêu sức lực để “vạch trần huyền thoại” về vai trò chủ đạo của Bakhtin trong đó, chẳng những hoàn toàn không bỏ chút công sức nào để phân tích cơ sở triết học của những nhận định quan trọng nhất về văn học hoặc về ngôn ngữ mà chúng ta thường bắt gặp trong các văn bản được gọi là đang “tranh chấp”, mà thực tế còn coi thường kết quả lớn lao đã đạt được trong việc nghiên cứu mỹ học triết học của Bakhtin mà chúng tôi đã nhắc tới ở trên.

Tất nhiên điều đó không phải ngẫu nhiên. Việc nghiên cứu ngôn ngữ khoa học, từ điển thuật ngữ của Bakhtin và xuất xứ của nó – một công việc tất yếu phải làm chính bởi vì ngôn ngữ ấy đã được xác lập thành “nền tảng” triết học, – sẽ không thể không làm sụp đổ cơ sở của bất kỳ tham vọng nào nhằm gán những tư tưởng cơ bản trong “Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học” và “Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ” cho Medvedev và Voloshinov. Từ quan điểm này, chi cần so sánh các văn bản đang “tranh chấp” với những văn bản không thể phủ nhận thuộc về mỗi bên là đủ rõ.

Có lẽ Bocharov là người đầu tiên đề xướng ý tưởng về việc so sánh như thế trong bài báo mà chúng tôi đã nhắc tới ở trên: “Nhưng đâu là bằng chứng khách quan của chính các văn bản đang tranh chấp? Việc đem chúng ra so sánh thực sự chi tiết, về chủ đề, về quan niệm, về hệ thống thuật ngữ, về phong cách, với các văn bản của Bakhtin dường như vẫn chưa được thực hiện”[47]. Vyach Vs. Ivanov cũng có ý kiến tương tự như vậy: “Việc xác định phần riêng của cuốn sách thuộc về Bakhtin được xuất bản dưới tên Medvedev bây giờ dễ dàng hơn nhờ một chuyên luận mỹ học ra đời sớm hơn của ông đã được xuất bản, trong đó có trình bày những khiếm khuyết của “mỹ học duy vật”. Liên quan tới cuốn sách của Voloshinov, việc so sánh tương tự như vậy với văn bản riêng của Bakhtin hoàn toàn có thể vận dụng vào chủ đề tôi đã đề cập nhiều lần về “lời người khác” trong cuốn sách về Dostoievski được Bakhtin viết gần như cùng thời, cũng như trong các văn bản của ông sau này”[48]. Điều đáng chú ý là các văn bản chắc chắn thuộc về Voloshinov và đồng thời có liên quan tới “mỹ học sáng tạo ngôn từ” (tức không phải là các bài thơ, bài bình luận, hay những bài viết về đề tài âm nhạc), theo như chúng ta biết, cho đến nay vẫn hoàn toàn chưa tìm thấy. Tất cả những gì được xuất bản dưới tên ông ở lĩnh vực khoa học này đều ở tình trạng “tranh chấp”[49]. Nhưng việc so sánh “Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ” với những văn bản “siêu ngôn ngữ học” của Bakhtin nhằm mục đích giải quyết đề tài quyền tác giả của cuốn “Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học” thì đã tiến hành, về chuyện này, tôi sẽ nói sau.

Liên quan tới cuốn “Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học”, việc so sánh với những văn bản không thể chối cãi của Bakhtin, cũng như của Medvedev không chỉ hoàn toàn là có thể, mà thực sự đã được tiến hành thực cách đây không lâu”[50].

Sự tồn tại của những tác phẩm không thể phủ nhận của Bakhtin, những tác phẩm ấy ra đời rất muộn về sau này, nhưng không hề thua kém chút nào về chuyên môn – ngữ văn học so với những cuốn sách xuất bản dưới tên Medvedev và Voloshinov[51] là trở ngại lớn nhất với những người coi Bakhtin chỉ là nhà triết học – cây viết tiểu luận tư duy lỏng lẻo (chỉ có khả năng tạo ra những phác thảo và phiến đoạn), khi bắt tay vào nghiên cứu các lĩnh vực chuyên môn của nghiên cứu văn học và ngôn ngữ thì buộc phải tìm đên sự trợ giúp của những người bạn có năng lực hơn ở các bộ môn khoa học ấy. Đó là những công trình nghiên cứu văn học “Các hình thức thời gian và không – thời gian trong tiểu thuyết”, “Tiểu thuyết và sử thi” và một số công rình khác. Đó còn là những công trình về cơ bản là ngôn ngữ học và “siêu ngôn ngữ học”: “Lời trong tiểu thuyết”, “Từ tiền sử của lời tiểu thuyết”, “Vấn đề văn bản” và “Vấn đề thể loại lời nói” (Tất nhiên, bên cạnh khuynh hướng chuyên môn của mình, tất cả những công trình vừa kể trên của nhà bác học còn có những bình diện khác – triết học và triết học văn hóa).

Kết cục là xuất hiện tình huống buộc phải lựa chọn. Việc đem ra so sánh những công trình của Bakhtin ở thời kỳ đầu đang có “tranh chấp” với những tác phẩm không thể phủ nhận là của ông ở thời kỳ sau này hoặc sẽ đặt những người so sánh vào vị thế phức tạp mà từ đó họ không tìm thấy bất kỳ lối thoát thuyết phục nào (trường hợp các văn bản văn học đúng là như vậy)[52], hoặc buộc họ phải từ bỏ những phán xét cực đoan về quyền tác giả (đó là trường hợp các văn bản về ngôn ngữ học)[53].

4. Vấn đề thống nhất mang tính hệ thống trong các công trình nghiên cứu của Bakhtin: hai “hạt nhân” hay là “trung tâm kép”

Rốt cuộc, đích thực cái gì cần được xem là nguyên tắc chủ đạo, hay “nhân tố kiến tạo” hàng đầu trong tổ hợp tư tưởng quyết định đặc điểm tiếp nhận hiện nay đối với các công trình của Bakhtin mà chúng ta đang xem xét?

Tôi cho rằng nhân tố đóng vai trò nói trên là luận điểm thứ tư đã nhắc tới ở trên về sự thiếu vắng trong sáng tạo khoa học của ông tính chỉnh thể và sự thống nhất nội tại, rằng mọi thứ do nhà khoa học này sáng tạo ra chỉ là những phiến đoạn khác nhau (với kích cỡ bất kỳ), được viết vào những dịp khác nhau hoàn toàn độc lập với nhau. Chính tư tưởng này được phát biểu rất lâu trước khi xuất hiện những ồn ào không đáng có về quyền tác giả đối với những tác phẩm của Bakhtin mà những người khởi xướng hiện nay đang quảng cáo như một khám phá mang tính thời đại.

Nhưng thực ra ý niệm đó gắn trực tiếp với vấn đề về quyền tác giả – đặc biệt là quyền tác giả[54] của cuốn “Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học” (1928), cuốn sách vốn có ý nghĩa lớn lao với thi pháp lý thuyết: nếu tìm thấy trong đó có những tư tưởng và khái niệm gắn bó qua lại với nhau mà chúng cũng có trong những văn bản “không thể chối cãi”, nhất là những văn bản ở thời kỳ đầu của Bakhtin và lại không có trong cuốn sách cũng không thể chối cãi như thế và xuất hiện muộn hơn một chút của Medvedev “Chủ nghĩa hình thức và các nhà hình thức luận” (1934) thì có thể không cần quan tâm tới các chi tiết tiểu sử của hai học giả.

Liên quan tới vấn đề về sự thống nhất ngữ nghĩa bên trong sáng tạo khoa học của Bakhtin, chúng tôi có thể đặt lại vấn đề về liệu những công trình cơ bản của tác giả này có thuộc về lĩnh vực thi pháp học, thi pháp học lý thuyết và và thi pháp học lịch sử (xin nhắc lại nhan đề công trình về các hình thức thời gian và không – thời gian: “Khảo luận về thi pháp học lịch sử”).

Với ý kiết của bản thân ông về vấn đề này, thì nhiệm vụ sáng tạo ra thi pháp học khoa học đã được Bakhtin thực hiện ngay từ năm 1924 trong tiểu luận được công bố khi ấy “Vấn đề hình thức, nội dung và chất liệu trong sáng tạo nghệ thuật ngôn từ”. “Công trình này là nỗ lực phân tích về mặt phương pháp luận các khái niệm cơ bản và các vấn đề của thi pháp học trên cơ sở mỹ học hệ thống chung”. Và tiếp theo: “Thi pháp học, được xác định một cách hệ thống, cần trở thành mỹ học của sáng tạo nghệ thuật ngôn từ” (I, 265, 268-269).

Những lời phát biểu ấy chí ít là cho phép chúng ta có quyền giả định rằng những công nghiên cứu chính yếu của Bakhtin thuộc về lĩnh vực của một bộ môn khoa học được hiểu đúng như thế, ranh giới của nó rất rõ nét, ở mặt này, nó là triết học, ở mặt kia là ngôn ngữ học. Nhưng liệu chúng có phải là khối thống nhất nào đó của các tư tưởng và khái niệm? Và sự thống nhất chưa thể giải thích ấy được tổ chức như thế nào, nếu nó thực sự tồn tại?

Những câu hỏi ấy trong các văn bản của Bakhtin chỉ là một phần của vấn đề rộng lớn hơn về sự “hiện diện hay vắng bóng trong các văn bản của Bakhtin về một nền tảng “quan niệm chung” duy nhất”[55], một vấn đề đã được xem xét riêng. Thu hẹp phạm vi nghiên cứu mà chúng tôi đề xuất – vào thi pháp học, bao gồm cả cơ sở triết học của nó, trong trường hợp này, không chỉ là chính đáng, mà còn cần thiết[56]. Nó cho phép, như chúng tôi hy vọng, không cần phải ghi nhận “bộ khung của quan niệm triết học chung của Bakhtin” trước khi chuyển qua “các thuật ngữ khoa học đặc biệt” do nhà khoa học đã phát triển[57]. Bởi vì, với chúng tôi, điều chính yếu là muốn biết bản thân Bakhtin đã kết nối những khái niệm thi pháp học với nền tảng triết học của chúng như thế nào?

Ngày nay, như đã nói, có một niềm tin rất phổ biến cho rằng Bakhtin diễn đạt chủ yếu bằng ẩn dụ. Ý niệm về một thứ “ngôn ngữ khiêu khích – không chính xác” của Bakhtin có lẽ lần đầu tiên được phát biểu rõ ràng trong một bài báo nổi tiếng của M. Gasparov[58], và nhờ uy tín của nhà ngữ văn học xuất sắc này nó tác động mạnh mẽ tới giới Bakhtin học tới mức khiến người ta hoàn toàn bỏ qua một tư tưởng khác của bài báo (cũng ở trong chính đoạn văn ấy) – về “chỉnh thể hữu cơ của thế giới quan Bakhtin”. Do uy tín của nó, sự đánh giá vừa nói ở trên về ngôn ngữ trong các công trình của Bakhtin thường không được củng cố bằng bất kỳ lý lẽ nào.

Chẳng hạn, một trong những công trình như thế khẳng định, rằng “trong ngữ cảnh tác phẩm của Bakhtin, khái niệm “tiểu thuyết” đôi khi có đặc tính của một ẩn dụ, điều đó tất nhiên làm rắc rối việc đọc nó cho những người ủng hộ các định nghĩa rõ ràng, bao gồm cả định nghĩa từ quan điểm của các phạm trù thi pháp học lịch sử cổ điển”[59].

“Những người ủng hộ các định nghĩa rõ ràng” có nên nghiên cứu ba đặc điểm cấu trúc của thể loại này đã được Bakhtin làm nổi bật (trong công trình “Sử thi và tiểu thuyết”) và đối chiếu ý nghĩa của thuật ngữ “tiểu thuyết” với các đặc điểm ấy trong những công trình nghiên cứu khác của tác giả này?. Nếu việc sử dụng thuật ngữ này ở các trường hợp khác nhau hoàn toàn phù hợp với nhau một cách nghiêm nhặt thì sao? Lại nữa: thuật ngữ truyện kể (sujet) có nên xếp vào số “các phạm trù cổ điển của thi pháp học lịch sử” chăng? Liệu có cơ sở để nghĩ rằng trong công trình nghiên cứu của Bakhtin “Các hình thức thời gian và không – thời gian trong tiểu thuyết” với phụ đề “Lược khảo thi pháp học lịch sử”, truyện kể được nghiên cứu theo truyền thống của bộ môn khoa học này? Theo quan điểm của chúng tôi, việc giải thích truyện kể như một phức hợp các motif hoàn toàn giống với cách sử dụng thuật ngữ này của Veselovski.

Nhưng nếu không có chút nghi ngờ nào đối với luận điểm về bản chất ẩn dụ của ngôn ngữ Bakhtin, nếu xem cả “quan niệm ngôn từ của Bakhtin”, lẫn “khái niệm carnaval” là các ẩn dụ, hoặc biểu tượng, thì mở ra những khả năng hoàn toàn khác và, cái chính, những khả năng vô giới hạn để xử lý các văn bản của tác giả này: nếu vậy thì việc giải mã những biểu tượng như thế hoàn toàn phụ thuộc vào nhiệm vụ riêng của người diễn giải và sự phát minh của anh ta.

Chẳng hạn, trong một công trình nói về mối liên hệ của Bakhtin với văn hóa nghệ thuật thế kỷ XX, tác giả đã có thể tuyên bố, rằng tiểu thuyết với học giả này hoàn toàn không phải là một thể loại văn học, mà là “mô hình” của “tình huống văn hóa” của thời đại ông. Tất nhiên, kết luận này làm nẩy sinh một số câu hỏi, thí dụ: “Vì sao Bakhtin lại xem chính tiểu thuyết là mô hình văn hóa đương đại thời ông”? Và nếu không tìm thấy ở tác giả được diễn giải câu trả lời cho một trong những câu hỏi như thế, thì đó sẽ là cái cớ để tiếc nuối: rõ ràng, Bakhtin – khác với người đang nghiên cứu tác phẩm của ông biết tư duy rộng hơn, đồng thời chính xác hơn –“đã không đặt ra câu hỏi như vậy”[60].

Dẫu có “bản chất ẩn dụ”, hay dẫu có những đặc điểm khác thường khác đã được thảo luận nhiều lần về văn phong của Bakhtin, trong trường hợp này (chí ít là theo quan điểm của chúng tôi), chúng ta đang nói về khoa học. Và do đó chỉ có thể khám phá sự thống nhất trong sáng tạo của tác giả ấy trên cơ sở nghiên cứu ngôn ngữ khoa học của ông như một hệ thống khái niệm[61].

Nhưng hệ thống này được hình thành không phải bằng con đường mở rộng và chi tiết hóa những tiền đề triết học nào đấy đã có sẵn, mà là trong kết quả vận dụng vào những lĩnh vực nghiên cứu khác nhau một hệ thống phương pháp luận có sự thống nhất nội tại, mỗi lần vận dụng một khác, tùy từng bình diện cụ thể. Khi những tư tưởng mang tính nguyên lý chung nhất không bị khuôn vào các công thức, thì tính chất hệ thống sẽ mang lại cho hệ thống thuật ngữ của Bakhtin khả năng tái tạo liên tục bằng những phát ngôn cụ thể khác nhau của một ngữ cảnh phi định dạng duy nhất

Ta biết rằng, Bakhtin nghiên cứu ngôn ngữ nói chung .”không phải như một hệ thống các phạm trù ngữ pháp trừu tượng, mà như ngôn ngữ đầy ắp nội dung tư tưởng hệ, ngôn ngữ như là thế giới quan và thậm chí như một phát ngôn cụ thể (“Những vấn đề văn học và mỹ học”, tr. 84). Tiếp cận ngôn ngữ trong các công trình khoa học của bản thân nhà khoa học từ góc độ như thế tức là làm sáng tỏ các mối liên hệ ngữ nghĩa nội tại giữa những từ ngữ và cách biểu đạt có vị thế của các thuật ngữ trong văn bản của ông[62]. Rõ ràng, nghĩa thực sự của những thuật ngữ ấy sẽ trở nên sáng tỏ trong ngữ cảnh của những mối liên hệ này.[63]

Ngược lại, nếu tin rằng “trong thế giới của Bakhtin <…> không có tương quan cân đối giữa các khái niệm và luận điểm, không có hệ thống thuật ngữ rõ ràng (“chủ nghĩa biểu hiện” thuật ngữ), nhưng lại có sự tăm tối: hố sâu và sự trống rỗng”[64], thì điều đó dễ dẫn tới sự đánh tráo một chỉnh thể có thật của “thế giới” ấy bằng một “chỉnh thể” mà nhà nghiên cứu mong muốn và chấp nhận.Từ những tiền đề tương tự, nẩy ra nhận xét, ví như, một biểu hiện đặc biệt như vậy của “tư tưởng chỉ đạo”: “Tác giả, trong khi thực hiện chức năng hoàn tất và định dạng nhân vật, đã dùng giọng nói và tầm nhìn của mình để nhập vào giọng nói và tầm nhìn của nhân vật”[65]. Không khó để nhận ra trong công thức trên, Tác giả – người sáng tạo bị lẫn với “tác giả thứ sinh”, còn “giọng nói” bị nhầm với “điểm nhìn” (hay tầm nhìn), trong khi đó, ở cả hai trường hợp, Bakhtin của ‘chủ nghĩa ấn tượng” lại phân biệt các khái niệm giáp ranh.

Dựa vào tư tưởng về “bản chất ẩn dụ” của các khái niệm tạo thành nền tảng quan niệm khoa học cơ bản của Bakhtin, người ta không thể khám phá mối liên hệ nội tại của chúng. Chẳng hạn một trong những công trình mới nhất nêu nhiệm vụ nghiên cứu hai cuốn sách chính yếu của học giả “như một chỉnh thể thống nhất”. Phương pháp được sử dụng là so sánh các lựa chọn những trích dẫn tiêu biểu nhất (từ quan điểm của nhà nghiên cứu). Kết quả so sánh là thế này đây: “Vậy là, Thế giới của Dostoevski, giáo đường vũ trụ của ông, được Bakhtin trình bày như một phạm vi tư tưởng thuần túy và chưa hoàn thiện <…> như đời sống tâm hồn đứng trước ngưỡng cửa của những câu hỏi cuối cùng”; còn thế giới của Rabelais, cơ thể dân gian của nó, là một thế giới vật chất, nơi cái đời sống của một cơ thể vĩnh viễn “không hoàn bị”, được mô tả tựa như đang ở ngưỡng cửa, ở “chính thời điểm chuyển giao và thay đổi” <…> Điều gì có thể thống nhất hai thế giới ấy và xóa bỏ cái ngưỡng cửa tồn tại giữa chúng? Theo Bakhtin, nhân tố nối kết như thế hóa ra là tiếng cười carnaval…”[66].

Như chúng ta thấy, sự so sánh dựa vào lối “diễn đạt bằng hình tượng”, không nhằm làm nổi bật những khái niệm khoa học, nó dẫn tới sự khẳng định đối lập trực tiếp với luận điểm ban đầu về một “chỉnh thể thống nhất”: một dạng kỳ cục có chỉnh thể, các bộ phận hợp thành của nó chia tách “ngưỡng cửa” cần phải xóa bỏ. Quả thật, ở đoạn sau, thấy hóa ra hai cuốn sách của Bakhtin chứa đựng hai thế giới hoàn toàn loại trừ lẫn nhau, những thế giới này được kết nối chỉ bằng “thanh xà ngang mỏng manh của Bakhtin”, nó đánh tráo tư tưởng về “sự thống nhất tổng thể”: “Liệu carnaval hay đối thoại, hay chronotop có thể kết nối hai cực ấy– “thiên đường trần gian”, thân xác-vật chất của Rabelais, nơi “ma quỷ đánh đu” (F. Sologub) từ thượng tầng tới hạ tầng một cách nghịch dị, và địa ngục tâm linh” phi vật chất của Dostoievski?”[67]. Câu trả lời phủ định của tác giả dành cho câu hỏi này đã quá rõ.

Trong lĩnh vực “mý học sáng tạo ngôn từ” cần giả định rằng các mối liên hệ ngữ nghĩa mà chúng ta quan tâm được kiến tạo, một mặt, xung quanh hiện tượng tác phẩm nghệ thuật như là kết quả “gặp gỡ của ý thức” tác giả và ý thức nhân vật. Trung tâm của tất cả các khái niệm gắn với vấn đề ấy là phạm trù “hoàn tất”[68], tức là khái niệm về ranh giới giá trị thẩm mỹ giữa thế giới của nhân vật với thực tại của Tác giả-người sáng tạo và độc giả. Mặt khác, “hạt nhân” của hệ thống ấy, ở mức độ không nhỏ hơn, là vấn đề tiểu thuyết, tức là một loại hình tác phâm mà bản thân nó là sự bác bỏ sống động mỹ học cổ điển, vì nó được xây dựng trên một phương án ranh giới hoàn toàn khác (nghịch dị) của chỉnh thể nghệ thuật, trên sự dở dang, chưa hoàn tất[69].

Người ta thường cho rằng, bất kỳ hệ thống tư tưởng nào như nó vốn có đều là kết quả của sự triển khai và cụ thể hóa một tư tưởng – nguyên mẫu ban đầu, ví như hệ thống triết học Hegel chẳng hạn. Nói cách khác, theo quan niệm phổ biến, thì hệ tư tưởng nào cũng mang tính đồng nhất” các bình diện và các yếu tố cấu thành của nó bao giờ cũng có một nguồn chung.

Hiện vẫn đang có ý đồ giải quyết vấn đề về sự thống nhất trong sáng tạo khoa học của Bakhtin từ quan điểm như vậy. Theo ý kiến của một nhà nghiên cứu nổi tiếng, “ý niệm” ban đầu (theo nghĩa của Platon và phần nào theo nghĩa của Bakhtin) là “hình tượng của sự tồn tại như một vũ trụ luân lý, nơi các cá nhân gắn kết với nhau bằng các mối ràng buộc đạo đức”, hay nói ngắn gọn hơn, nó là một “tồn tại – sự kiện”[70]. Và cái “trực cảm cụ thể về tồn tại” này đã trải qua một số “giai đoạn phát triển logic” trong sáng tạo của học giả: “hành động, đối thoại, carnaval như một thứ “địa ngục vui nhộn”, hoặc trong một công thức khác, – giai đoạn “tiền đối thoại, đối thoại, thoái hóa thành carnaval”[71].

Chúng tôi cho rằng, quan điểm trên đã biến sáng tạo của Bakhtin thành một hệ thống độc thoại hoàn toàn nhất quán và triệt để, cùng với những điều rào trước đón sau được làm theo kiểu tiện thể về tính đối thoại, phép biện chứng[72] được ngầm sử dụng với tư cách là nguyên tắc quyết định tiến trình phát triển của ông. Trong khi đó ai cũng biết rõ, với Bakhtin, chính sự đối lập của phép biện chứng với đối thoại có ý nghĩa thuộc về nguyên tắc. Tất nhiên, về điều này, có thể nói rằng nhà khoa học đã tỏ ra thiếu nhất quán khi (vô tình) bác bỏ những tư tưởng đã được suy ngẫm sâu sắc của chính mình. Dẫu sao thì quan niệm về sự “tự phát triển biện chứng” trong sáng tạo của Bakhtin cũng cần được biện luận thêm, vững chắc hơn so với tính phổ quát tưởng tượng của mô hình đã được lựa chọn về sự tiến hóa sáng tạo.

Nhưng ý niệm về một hệ thống tự phát triển, xuất phát từ một nguồn gốc thống nhất và duy nhất[73] trong mọi trường hợp đều không thể xem là khả thể duy nhất. Ta biết, theo Bakhtin, chỉnh thể phức tạp và nhiều phương diện của một số hiện tượng văn hóa – nhất là sáng tác ngôn từ – có thể là kết quả của sự hội tụ và ảnh hưởng qua lại làm phong phú lẫn nhau của những nguồn cội đa chủng, tức là nó có thể có bản chất không đồng nhất. Chẳng hạn, điều này được chứng mình bằng ý kiến của ông về ba cội rễ khác nhau của tiểu thuyết châu Âu: sử thi, từ chương và carnaval (VI, 123)[74].

Theo chúng tôi, chính hệ thống tư tưởng của Bakhtin là hệ thống như vậy: nó không hình thành bằng cách “tách” các khái niệm và sự giải thích đa dạng về những sự thực cụ thể từ một nguyên tắc xuất phát nào đấy của một phạm trù phổ quát, hay một mô hình nguyên mẫu (ngay cả khi có có mâu thuẫn nội tại). Ngược lại, nó được hình thành trong quá trình đối chiếu các tự tưởng độc lập và có giá trị tự thân ở những lĩnh vực khoa học khác nhau, trong quá trình so sánh và soi sáng lẫn nhau của các nguyên tắc và mô hình khởi điểm khác nhau, quá trình khám phá tương quan không ai lường trước được của chúng như những nguyên tắc và mô hình bình đẳng và cùng soi sáng lẫn nhau.

Chúng tôi đề xuất giả thuyết về một “trung tâm kép”, về sự bổ sung lẫn nhau (tất nhiên không phải nói chung, mà chỉ trong hệ thống của Bakhtin) của các phạm trù tựa như loại trừ lẫn nhau: “hoàn tất” và “dở dang”[75].

Cơ sở để đề xướng giả định như thế là một phần của công trình “Tác giả và nhân vật trong hoạt động thẩm mỹ”, trong đó Bakhtin tìm cách “đưa ra công thức chung và tương quan giữa chúng”. Nhân vật phải là cái dở dang với bản thân mình, trong tầm nhìn riêng của nó: “Không thể sống, không thể hành động bằng sự hoàn tất của bản thân và sự hoàn tất của sự kiện, muốn sống cần trở thành cái dở dang, cái còn để ngỏ với bản thân <…> lại sẽ còn phải đối diện với mình về giá trị không trùng khớp với trạng thái hiện có của mình”. Nhưng tác giả, như vừa mới nói, lại “định hướng cho nhân vật và cho sự định hướng nhận thức – đạo đức của nó trong một thế giới về nguyên tắc đã hoàn tất của một tồn tại có giá trị bởi sự đa dạng cụ thể ở cái hiện tại của nó, bất chấp ý nghĩa trong tương lai” (I, 95). Sự tác động qua lại giữa các quan điểm của nhân vật dở dang, chưa hoàn tất ở vên trong và của tác giả đã hoàn tất từ bên ngoài của nó là cuộc gặp gỡ giữa các ý thức tạo nên chỉnh thể nghệ thuật.

Đồng thời, hình như ở đây chỉ nói tới một pương án khả thể của sự tương tác nói trên và hình thức tạo ra kết quả của nó: “Ý thức của nhân vật, tình cảm của nó và mong muốn của thế giới – cơ cấu tình cảm – ý chí cụ thể – từ mọi phía, giống như vòng tròn, được bao trùm trong ý thức hoàn tất của tác giả về nó và về thế giới của nó: lời tự phát ngôn của nhân vật được bao trùm và thấm đẫm bởi lời phát ngôn về nhân vật của tác giả”. Đây chính là “công thức chung của quan hệ thẩm mỹ cơ bản có hiệu quả cao của tác giả với nhân vật” (I, 95-96).

Nhưng liền sau đó lại được thông báo về “ba trường hợp sai lệch điển hình của quan hệ trực với nhân vật” gắn với sự đánh mất “quan điểm đứng ngoài về mặt giá trị”. “Hầu hết các nhân vật chính của Dostoievski (nhân vật chi phối tác giả”) được xếp” vào một trong số các trường hợp đó (I, 99 – 101). Và đó không phải là chuyện ngẫu nhiên: trong cuốn sách được viết chẳng bao lâu sau đó về sáng tác của nhà tiểu thuyết này, Bakhtin khẳng định rằng ý thức của nhân vật được bao trùm bởi sự tự nhận thức của chính nó (nhân vật), chứ không phải ý thức hoàn tất của tác giả. Do đó, ranh giới của chỉnh thể nghệ thuật được tạo ra bởi sự gặp gỡ của ý thức và tầm nhìn không phải là của tác giả và độc giả, mà là của của độc giả với nhân vạt (Tác giả-người sáng tạo chỉ là người tổ chức cộc gặp gỡ ấy).

Về bản chất, trước mắt chúng ta là sự tương tác giữa mỹ học “cổ điển” về sự hoàn tất với mỹ học về cái dở dang được xây dựng trên sự thấu hiểu các hình thức nghịch dị và các truyền thống. Trong tác phẩm ban đầu này, kiểu tương tác như trên mới chỉ được phác thảo, nhưng trong các công trình tiếp theo của nhà khoa học nó nhiều lần được tái tạo trong những phương án khác nhau – cho tới tận công thức trực tiếp đối lập hai chuẩn mực thẩm mỹ có (trong khuôn khổ sáng tạo của Bakhtin) ý nghĩa thực sự mang tính phổ quát.

Trong cuốn sách về Rabelais tư tưởng này đươc biểu hiện ở sự đối lập các hình tượng “cổ điển” và “nghịch dị” về thân thể, trong bài “Sử thi và tiểu thuyết”, nó được biểu hiện ở sự tương phản giữa “khu vực tiếp xúc suồng sã tối đa” khi xây dựng hình tượng nhân vật trong tiểu thuyết và “khoảng cách sử thi tuyệt đối”, cũng như giữa bản thân nhân vật tiểu thuyết như là sự không trùng khớp với bản thân và nhân vật sử thi đồng nhất với chính mình. Và cũng như trong việc mô tả đặc điểm của tiếng cười và các hình tượng của sân khấu mặt nạ dân gian như là nguồn mạch văn hóa dân gian đích thực của tiểu thuyết. Cuối cùng, logic đối lập tiểu thuyết có các hình thức nghịch dị với các thể loại khác cũng là như vậy: “Tính cổ điển của tất cả các thể loại phi tiểu thuyết được thể hiện ở cơ cấu dựa vào sự hoàn tất” (“Những vấn đề văn học và mỹ học”, tr.464)

. Nếu nghiên cứu những tư tưởng quan trọng nhất của Bakhtin không theo kiểu biệt lập, mà trong tương quan giữa chúng với nhau, thì sẽ thấy rõ ý nghĩa quyết định trong sáng tạo của ông là giả thuyết về hai chuẩn mực thẩm mỹ cùng tồn tại và bổ sung cho nhau.

Lấy quan niệm mới về “tác phẩm nghệ thuật ngôn từ” (cách diễn giải độc đáo về cá phạm trù hình thức, nội dung, tác giả và nhân vật) làm điểm xuất phát của việc khai triển logic “mỹ học sáng tạo ngôn từ”, chúng ta thấy rằng điểm kế tiếp của ông là giải quyết các vấn đề về các biến thể điển hình của chỉnh thể nghệ thuật, tức là các thể loại, đặc biệt là thể tiểu thuyết (“ba chiều phong cách”, “cái đương đại dở dang, chưa hoàn tất” và “khu vực tiếp xúc”). Mỗi khái niệm trong số đó được Bakhtin khám phá ở khía cạnh thi pháp học lịch sử (trong các công trình về ngôn từ và về không – thời gian trong tiểu thuyết). Cuối cùng, nhà khoa học suy ngẫm về số phận của tiểu thuyết trong viễn cảnh lịch sử qua các phạm trù triết học văn hóa (“chủ nghĩa hiện thực nghịch dị” và “carnaval hóa”).

Tất nhiên, điều đã nói chỉ đưa ra nhận xét về logic của các mối quan hệ đã hình thành trong tiến trình và trong kết quả phát triển các vấn đề và các bình diện khác nhau của khoa học triết học – ngữ văn học do Bakhtin sáng tạo ra theo cách mới. Mục đích của ngành khoa học mới này là tổng hợp các thành tựu của “thi pháp học Nga trẻ” và mỹ học của chủ nghĩa tượng trưng[76]. Nhiệm vụ ấy – xác lập tương quan giữa nghiên cứu nội dung, tức là cấu trúc giá trị của khách thể thẩm mỹ, với nghiên cứu chất liệu (và bình diện kỹ thuật trong quan hệ với nó) của tác phẩm văn học – đã được nói lên đầy đủ trong công thức “mỹ học sáng tạo ngôn từ”.

***

Nhận xét mang tính tranh luận của V. Makhlin “vẫn chưa người nào (nhà nghiên cứu) đặt chân vào các văn bản của Bakhtin”, tất nhiên, cố ý nhấn mạnh tình huống được định hình hiện nay. Sự thật là hai chục năm gần đây các văn bản của tác giả những cuốn sách về Dostoievski và Rabelais nói chung rất ít được đọc và đọc lại một cách chăm chú: cách cư cư xử như thế với những gì mà “tất cả những người có thẩm quyền đã biết rõ từ lâu” quả là rất kỳ lạ.

Theo quan điểm này, chỉ những ai không hiểu, hoặc không biết tới sự giải thích thấu đáo của những học giả có uy tín mới hành xử khác đi. Thậm chí hơn thế, chỉ ở những trường đặc biệt, văn bản của Bakhtin mới được đem ra phân tích.

Dẫu thế nào đi nữa thì việc phân tích một cách hệ thống các tư tưởng của nhà khoa học vẫn là công việc đích đáng hơn nhiều so với kỳ vọng phổ biến muốn sử dụng công trình của ông như một cơ hộ và chất liệu thuận tiện để tự bộc lộ bản thân[77]. Một sự phân tích như vậy sẽ có thể có lợi cho độc giả muốn bước vào thế giới nghiên cứu của ông mà không chắc rằng nhờ việc sử dụng rộng rãi các từ “đối thoại”, “arnaval” và “chronotop”, trong thế giới ấy chẳng còn gì không thể hiểu. Chúng tôi cũng xem đó là nhiệm vụ đích đáng hơn nhiều so với những mưu toan xuất hiện nhan nhản (phần lớn là hoàn toàn vô nghĩa và vô ích) nhằm “vạch trần” Bakhtin.

Nguồn: Тамарченко, Н.Д. Поэтика Бахтина и современная рецепция его творчества /Н.Д. Тамарченко // Вопросы литературы. – 2011 – №1. – C. 291-340


[1] Truyền thống tiếp cận như thế với những văn bản có “tranh chấp” được xuất bản dưới cái tên Medvedev và Voloshinov kéo dài cho tới đầu những năm 1990, tuyển tập công trình “Bakhtin như một nhà triết học” là minh chứng cho điều đó.

[2] Có lẽ bài của S. Bocharov – Bakhtinnhà ngữ văn học: cuốn sách về Dostoievski (“Những vấn đề văn học”, 2006, số 2) là trường hợp duy nhất phản bác một cách nghiêm túc và thuyết phục, chống lại sự đối lập “sáng tạo” triết học và “nghiên cứu” ngữ văn học của Gasparov. Quan điểm của Gasparov thực ra chỉ là sự diễn giả lại ý kiến của N. Minski: “Khoa học khám phá quy luật của tự nhiên, nghệ thuật tạo ra một tự nhiên mới” (“Phê bình chủ nghĩa tượng trưng Nga”, T1, M., “Olympus”, 2002, tr. 26).

[3] Xem: Magomedova D.M.- Polyphonie// Từ điển Bakhtin.Tư liệu và nghiên cứu. M.: RGGU, 1997. Hoặc: Thi pháp học: từ điển thuật ngữ và khái niệm cấp thiết. M.: Intrada, 2008, tr. 174 – 176.

[4] Trong một bài phê bình tuyển tập bài báo ở Machester, N. Vasiliev hô hào “xua tan huyền thoại về Bakhtin như là người duy nhất tạo ra các ý tưởng khoa học được công chúng biết đến nhờ các công trình nghiên cứu của những người bạn và những người cùng chí hướng với ông (trước hết là Medvedev và Boloshinov). Vì những tư tưởng vừa nhắc tới ở trên được công chúng biến đến không chỉ nhờ vào các cuốn “Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học” và “Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ”, mà còn cả cuốn về Dostoievski, nên cả việc giúp đỡ tác giả xuất bản cuốn sách ấy hiển nhiên cũng phải xếp vào loại “công trình” bác bỏ “huyền thoại”. Và thực ra: làm cho tư tưởng của cuốn sách “được công chúng biết tới” – chả lẽ đó không phải là người tạo ra tư tưởng khoa học, dẫu không phải là người duy nhất, thì cũng là người thứ hai chứ?

[5] Như một nhà nghiên cứu thi pháp văn học Nga, L. Pumpjanski có ý nghĩa rất lớn, Medvedev không thể sánh được. Nhờ những công trình chính của ông mới tái bản gần đây (Xem: L.V. Pumpjanski, Truyền thống cổ điển. Tuyển tập tập các tác phẩm về lịch sử văn học Nga. M; Ngôn ngữ văn học, 2000), điều này trở thành hoàn toàn hiển nhiên, chí ít là với các chuyên gia.

[6] N.I. Nhikolaev – Về di sản lí luận của L.V. Pumpjanski, Nhxb “Context”, 1982, M., Khoa học, 1983.

[7] Về sự gần gũi về tư tưởng triết học của Bakhtin và M. Kagan, cũng như về mối quan hệ của cả hai nhà tư tưởng với “giai đoạn hậu kì của triết học trường phái Marburg, xin xem: B. Pul, Lùi lại với Kagan, DKH, 1995, Số 1, tr. 38 – 48.

[8] Ta biết, các thuật ngữ có ý nghĩa tối quan trọng với Bakhtin là “đa thanh”, “phức điệu” (“polyphonie”), “tiểu thuyết phức điệu”, “tiểu thuyết đa thanh” vốn có nguồn gốc từ âm nhạc học. I. Sollertinski, người đã sử dụng (mặc dù muộn hơn) các thuật ngữ giao hưởng “độc thoại” và “đối thoại”, là tác giả của các tác phẩm về mỹ học của chủ nghĩa lãng mạn, về Sakespeare và chủ nghĩa Hamlet ở châu Âu và về Maupassant. Xem: I.I. Sollertinski – Các bài báo chọn lọc về âm nhạc. L., M., 1946; Tưởng nhớ I.I. Sollrtinski. Hồi ức. Tư liệu. Nghiên cứu. L.,M., 1974. Theo R. Mirkina, “Ở Ban ngôn ngữ của Viện lịch sử nghệ thuật, Sollertinski đã dạy một khóa về tâm lí học và đặc biệt chú ý tới Freud ” (R. Mirkina – M. Bakhtin như tôi biết// NLO, số 2, 1993, tr. 68).

[9] “Xuất bản khi ấy rất khó khăn, nhưng Pavel Nhikolaievich Medvedev đã giúp đỡ để tỏ lòng biết ơn Bakhtin, vì Bakhtin đã xuất bản cuốn “Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học” dưới tên Medvedev”. Mikhail Mikhailovich mô tả Medvedev là một “nhà kinh doanh văn học”, nhưng chịu ơn ông ấy, vì ông ấy đã giúp ông định cư ở Saransk” (S.N. Broitman – Hai cuộc trò chuyện với Bakhtin// Diễn ngôn, 2003, Số 11, tr. 122). Xem thêm bản ghi âm của S. Bocharov: “… tôi nghĩ rằng tôi có thể làm việc đó cho các bạn của mình, mà với tôi điều đó chẳng đáng gì, vì tôi nghĩ, rồi tôi sẽ viết những cuốn sách của mình…” (S.G. Bocharov – Về một cuộc trò chuyện và xung quanh cuộc trò chuyện ấy. Tr. 71. Xem thêm hồi ức của Bjach.Vs. Ivanov: “Đó là các học trò của tôi. Họ đề nghị có thể xuất bản các cuốn sách của tôi dưới tên của họ. Tôi đã đồng ý” (Bjach.Vs. Ivanov Về quyền tác giải của các cuốn sách của Voloshinov và Medvedev// “Đối thoại. Carnaval. Chronotop”, 1995, Số 4, tr. 136 – 137).

[10] Băng ghi âm của O. Freidenberg được nhiều người biết về lời đề xuất viết cho Voloshinov cuốn sách mà ông sẽ “xúc tiến” đã được sao lại đầy đủ, chính xác và được N. Braghinskaya bình luận cặn kẽ (có cả tranh luận). Xem: N.V. Braghinskaya – Giữa các nhân chứng và thẩm phán. Đối đáp nhân một cuốn sách. V.M. Alpatov – V.M. Voloshinov, Bakhtin và ngôn ngữ học. M.: “Ngôn ngữ văn hóa Slav, 2005, 2005. (http://ivgi.rsuh.ru/article.html?id=207419. Truy cập tự do)

[11] Khoảng một phần tư thế kỷ trước, hồi ức của B. Egorov lần đầu tiên được xuất bản, kể chuyện các nhà báo Ba Lan đã mang máy ghi âm đến nhà Bakhtin như thế nào và ông đã cố gắng tránh cuộc phỏng vấn ấy ra sao khi nói: “Hãy để tôi viết cho các bạn một cái gì tốt hơn”. Xem: B.F Egorov – Ngôn luận về Bakhtin// Bakhtin tuyển tập, Quyển 1, 1990.

[12] V.M. Alpatov – Voloshihov, Bakhtin và ngôn ngữ học. M.: Ngôn ngữ văn hóa Slav. Tr. 117. Vì lẽ gì không chỉ của Pumpjancki, mà ngay cả Sollertinski, người từng viết nhiều công trình nghiên cứu văn học, trong đó có công trình về Dostoevski không được “đưa vào tham gia” ở đây? (Xem trong cuốn những bài báo chọn lọc về âm nhạc (1946), trong tuyển tập “Tưởng nhớ I.I. Sollertinski”).

[13] N.A. Pankov – M.M. Bakhtin trong tư liệu lưu trữ của cá nhân V.V. Zalesski// “Đối thoại/ Carnaval. Chronotop”, số 1-2 (39-40)

[14] Một nhận định tiêu biểu của nhà nghiên cứu tương đối khách quan: “… sự tham gia đích xác của Medvedev, hay Voloshinov vào việc phát triển lí thuyết được trình bày ở đây đến nay vẫn chưa được chứng minh một cách chắc chắn” (E. Kovalski.- Các nhà hình thức luận kín tiếng, hay các nhà phê bình nổi tiếng nhất của trường phái hình thức? // Đối thoại. Karnaval. Chronotop”, 2001, số 1. Tr. 89).

[15] Tiếng Nga “свидетельства и доказательства” – ND.

[16] Nhan đề bản trường ca của Hésiode (VIII – VI tr. CN), nhà thơ cổ đại Hy Lạp

[17] J. Medvedev – Những nạn nhân của quan điểm “đứng ngoài”// “Những vấn đề văn học”, 2009, số 6, các trích dẫn lấy từ nguồn này sẽ ghi số trang và để trong ngoặc đơn.

[18] N.D. Tamarchenko – M. Bakhtin và P. Medvedev”: số phận củaDẫn luận thi pháp học// “Những vấn đề văn học”, 2008, số 5, tr.177.

[19] Không khó hiểu vì sao những gì thực sự đã nói thì không trích dẫn. Nhưng tại sao lại trích dẫn điều không hề được nói?

[20] “Chủ nghĩa hình thức và các nhà hình thức luận” là cuốn sách của P. Medvedev, xuất bản 1934.

[21] N.D. Tamarchenko – M. Bakhtin và P. Medvedev: số phận củaDẫn luận thi pháp học. Tr. 184.

[22] S.G. Bocharov – Về một cuộc trò chuyện và xung quanh cuộc trò chuyện ấy. Tr. 73.

[23] Tham khảo thêm nhận xét: “đoạn thư này vẫn được trích dẫn, nhưng thường không được trích dẫn đầy đủ” (I.V. Peshkov – Một vấn đề xung quanh hai cuộc hội thảo// ”Đối thoại. Carnaval. Chronotov”, 1995, số 3, tr. 180)

[24] Ở đây cần nhắc lại nhận xét chính xác thứ hai của I.V. Peshkov: “việc có bằng chứng bằng văn bản tự nó chưa phải là bằng chứng về một cái gì xác định”. (I.V. Peshkov – Một vấn đề xung quanh hai cuộc hội thảo// ”Đối thoại. Carnaval. Chronotov”, 1995, số 3, tr. 181).

[25] “Đối thoại. Carnaval. Chronotop”, 1995, Số 4, Tr. 152.

[26] N.A. Pankov – Những vấn đề tiểu sử và sáng tạo khoa học của M.M. Bakhtin. M: MGU, 2010. Tr. 497.

[27] N.A. Pankov – Tlđd. Tr. 496 – 497

[28] Trích theo N.A, Pankov – Những vấn đề tiểu sử và sáng tạo khoa học của M.M. Bakhtin. Tr. 495.

[29] Trích theo N.A, Pankov – Những vấn đề tiểu sử và sáng tạo khoa học của M.M. Bakhtin. Tr. 492. Trong một lá thư sau đó, Kozhinov nói thẳng ra về một “pseudo – Voloshinov” (Tlđd, tr. 604). Nhân đây, nói thêm, V. Turbin, người có ý kiến về cuốn “Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học” được V. Vinogradov trích dẫn, xem tác giả của cuốn sách ấy là “nhà phê bình xô viết bình thường”. Xem: V.V. Vinogradov – Phong cách học. Lý thuyết lời thơ. Thi pháp học. M., AN SSSR, 1963. Tr. 102.

[30] Theo V. Alpatov, “ở đây trực tiếp nói về quyền tác giả kép, nhưng Bakhtin chỉ tự nhận mình là người sáng tạo ra quan niệm về ngôn ngữ và tác phẩm lời nói” (V.M. Alpatov – Bakhtin dưới lớp mặt nạ. Mặt nạ thứ ba. V,N. Voloshilov – Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ. M., Labyrinth, 1993// Đối thoại. Carnaval. Chronotov, 1995, số 3, tr.82)

[31] S.G. Bocharov – Về một cuộc trò chuyện và xung quanh cuộc trò chuyện ấy. Tr. 76

[32] “… Cuốn “Dẫn luận thi pháp học xã hội học”, gần 8 tờ in, đang cuẩn bị xuất bản”. (Xem: N.A, Pankov – Huyền thoại Voloshinov. Hồ sơ cá nhân V.N. Voloshinov// Đối thoại. Carnavaj. Chronotov, 1995, Số 2, tr.76.

[33] “Bốn chương cuốn “Dẫn luận thi pháp học xã hội học”: Chương I: “Cấu trúc xã hội học của các phát ngôn đời sống”; Chương II: “Cấu trúc xã hội học của “xúc động” và “biểu hiện”; Chương III: “Cấu trúc xã hội học của hình thức thơ”, Chương IV: “Xã hội học thể loại” (Như trên, tr. 77-78).

[34] “… Làm thế nào mà nhiều đoạn của cuốn “Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học” được đưa vào đề cương nghiên cứu sinh của Voloshinov? Hay, có thể, Medvedev còn viết cả cuốn ”Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ” (I.V. Peshkov – Một câu hỏi xung quanh hai cuộc hội thảo. Tr. 182)

[35] N.A. Pankov – Huyền thoại Voloshinov. Tr.69.

[36] N.A. Pankov – Hồ sơ cá nhân của V.N. Voloshinov. Tr. 81. Chính chúng tôi đã hỏi các chuyên gia về “nhóm Bakhtin”: có phải Voloshinov đã “Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học” “cùng lúc” không?

[37] N.A. Pankov – Những vấn đề tiểu sử và sáng tạo khoa học của Bakhtin. Tr. 574. Ở đây, tác giả đã dẫn lời của Bakhtin từ cuộc phỏng vấn dành cho báo “Mordovia xô viết” (ngày 13.2.1966): “Bây giờ tôi đang viết cuốn cuốn sách về các thể loại lời nói. Đó là công trình nghiên cứu mang tính vấn đề, chủ yếu dựa trên tư liệu của tiểu thuyết Nga…”.

[38] N.I, Nikolaiev – Trường phái triết học Nevel (M. Bakhtin, M. Kagan, L. Pumpjanski vào những năm 1918 – 1925. Theo tài liệu lưu trữ của L. Pumpjanski)// M. Bakhtin và văn hóa triết học thế kỷ XX. Quyển 1, Phần 2. S-Peterburg: “Giáo dục”, 1991, tr. 31 -51.

[39] Trong một tổng kết đặc biệt, dựa trên các tài liệu về hoạt động chuyên môn tích cực và rộng lớn của P. Medvedev giai đoạn Vitebsk (bao gồm hoạt động xã hội, báo chí và dạy học), có nói, rằng việc tiếp xúc gần gũi với Giáo sư S. Gruzenberg đã có ảnh hưởng tới những nghiên cứu có tính chất kết hợp của ông trong lĩnh vực lý luận văn học. Bằng chứng về việc Medvedev hình dung rõ đối tượng nghiên cứu của mình chính là lá đơn trình bày nguyện vọng được giảng dạy lý luận văn học được dẫn ra trong tài liệu trên: tác giả, theo lời của ông, đang chuẩn bị “trong thời gian này một công trình chuyên môn về lý luận và tâm lý học sáng tạo” (A.G. Lisov – P.N. Medvedev ở Vitebsk// Đối thoại. Carnaval, Chronotov, 2000, Số 2, tr. 96, 115). Xin lưu ý rằng, trong “Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học” không hề nói chút nào về tâm lý học sáng tạo.

[40] Nhà khoa học và nhà sư phạm rất nổi tiếng vào thời ấy được A. Lisov nhắc tới ở đây từng xuất bản ở Misk (1923), sau đó ở Leningrd (1924) những cuốn sách về các vấn đề tâm lý học sáng tạo. Sẽ rất thú vị nếu so sánh với tư tưởng của ông (Xem S.O. Gruzenberg – Thiên tài và sự sáng tạo. Nguyên lý lý thuyết và tâm lý học sáng tạo. M., 2009, tái bản lần thứ hai” với chương trình các khóa giảng của P. Medvedev được xuất bản gần đây.

[41] Xem: A.A. Gozenpud – Bình chú// A.I. Beletski – Tuyển tập công trình về lý luận văn học. M., “Giáo dục”, 1964.

[42] Xem: S. Zenkin – B.A. GriftsovNhà lý luận văn học// B.A. Griftsov – Tâm lý học nhà văn. M., “Văn học nghệ thuật”, 1988.

[43] Xem: Vyach.Vs. Ivanov – Bình chú // L.S. Vygotski – Tâm lý học nghệ thuật. M., Nghệ thuật, 1968.

[44] Xem: Danh sách tư liệu về tâm lý học sáng tạo trong: A.G. Tseitlin – Lao động nhà văn. M., “Nhà văn xô viết”, 1962, tr. 578.

[45] Đúng là một trong những nhà nghiên cứu tiểu sử của V.N. Voloshinov trong đoan đầu và đoạn cuối bài viết của mình đã gọi ông là nhà triết học, nhưng chỉ dựa trên những ý kiến hiện có về cuốn “Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ” mà ông đang tìm cách chứng minh là nó thuộc tác giả này.Xem: N.L. Vasiliev – Sáng tác và nhân cách của V.N. Voloshinov trong đánh giá của người đương thời// Đối thoại. Carnaval. Chronotov, 2000, số 2..

[46] Trong bối cảnh bị cào bằng một cách phi lý như vậy, thật may là những nhận xét gay gắt, nhưng dựa trên ấn tượng cá nhân của L. Ghinburg vẫn giữ được sự xác đáng: “Họ không thể viết sâu sắc như thế. Đó là những người hời hợt”, còn “Pumpjanski thì lại là chuyện khác” (Xem: V.S. Baevski – Hai trang từ nhật ký// Bakhtin học: Nghiên cứu, dịch thuật, xuất bản. St. Peterburg.: Aleteia, 1995, tr. 10-11). Có thể tìm thấy những đánh giá tương tự như thế về Medvedev trong thư từ trao đổi giữa Andrei Belyi và Ivanov-Pazumnik. Ivanov-Pazumnik bác bỏ những phát biểu có phần gay gắt hơn (từ quan điểm đạo đức) của Belyi về người tổ chức xuất bản cuốn “Nhật ký” của Bloc (tức P.N. Medvedev, người biên tập xuất bản cuốn “Nhật ký của Al. Blok. 1911 – 1913”- ND), nhưng vẫn gọi Medvedev chỉ là người “bất tài”, “ngu ngốc”, đồng thời, về phương diện này, là hiện tượng điển hình của thời điểm lịch sử đang trải qua. Xem: Andrei Belyi và Ivanov-Razumnhic: Thư tín. St Peterburg., Atheneum, Феникс, 1998. Tr.. 587-588, 591-592, 621.

[47] S.G. Bocharov – Về một cuộc trò chuyện và xung quanh cuộc trò chuyện ấy. Tr. 75

[48] Vyach.Vs. Ivanov – Về quyền tác giả của những cuốn sách của Voloshinov và Medvedev. Tr. 137.

[49] Nhưng Bocharov chỉ ra một “thực tế mỉa mai” có nhiều ý nghĩa và hoàn toàm không thể chối cãi: Voloshinov dừng hẳn việc xuất bản “những đề tài về ngôn ngữ học sau năm 1930, khi Bakhtin bị đi đầy” (S.G. Bocharov – Về một cuộc trò chuyện và xung quanh cuộc trò chuyện ấy. Tr. 77).

[50] Trong bài của tôi, đã nhắc ở trên: Bakhtin và Medvedev: Số phận của “Dẫn luận thi pháp học”.

[51] Năm 1995, V. Alpatov khẳng định, rằng sau “Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ”, Bakhtin không viết thêm bất kỳ công trình ngôn ngữ học nào” (V.M. Alpatov – Bakhtin đằng sau tấm mặt nạ. Mặt nạ thứ ba. V.N. Voloshinov. Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ. Tr. 80). Sau này, như chúng ta thấy, ông đã thay đổi ý kiến.

[52] Theo ý kiến của một trong số những người bảo vệ luận đểm “không phải Bakhtin, mà Medvedev” mới là người người dám so sánh như vậy, Bakhtin ở thời kỳ sau này đã phát triển những tư tưởng của chủ nghĩa hình thức về thể loại mà từ lâu đã bị bác bỏ trong cuốn sách của P. Medvedev. Xem: V.N. Zakharov – Vấn đề thể loại trongtrường pháiBakhtin (M.M. Bakhtin, P.n. Medvedev, V.N. Voloshinov)// “Văn học Nga”, 2007, số 3.

[53] Chẳng hạn, về cuốn “Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ”, V. Alpatov đưa ra giả định, rằng “quan niệm chung” của cuốn sách đó thoạt đầu do Bakhtin đề xướng và phát triển, về sau được vận dụng vào chất liệu ngôn ngữ học cùng với Voloshinov, người có lẽ sở hữu phần lớn văn bản của cuốn sách”. Nhưng cũng chính nhà nghiên cứu này, sau khi mô tả đặc điểm các tư tưởng ngôn ngữ học của Bakhtin đoạn đời sau, đã đưa ra kết luận hoàn toàn khác: “Có thể nhận ra rõ ràng điểm chung về mặt tư tưởng ở tất cả các cuốn sách ấy, nhưng nó hoàn toàn tự nhiên ở cả trong trường hợp Bakhtin phát triển các tư tưởng của mình (bao gồm cả những tư tưởng được đồng tác giả chuyển lên mặt giấy), lẫn trường hợp có tính đến tư tưởng của người bạn đã quá cố của mình” (V.M. Alpatov – Voloshinov, Bakhtin và ngôn ngữ học. Tr. 117, 288). Kết luận thứ hai này đã đánh đồng hai cách giải quyết trái ngược nhau về vấn đề quyền tác giả, trong khi đó việc đánh giá cao tri thức trong lĩnh vực ngôn ngữ học của Voloshinov trước kia lại tạo ra chứng cớ để ủng hộ tuyệt đối quyền tác giả của ông: “Ở đây chỉ có Voloshinov là nhà ngôn ngữ học chuyên nghiệp” (Tài liệu đã dẫn, tr. 117). Những tri thức chuyên ngành này (dù một luật sư ngành luật chỉ sau hai năm hoàn thành một khóa khóa học ở khoa khác, khoa ngữ học nhân chủng của trường Tổng hợp Petrograd, đã tiếp thụ được đi chăng nữa) liệu có phải đã giúp ông trở thành tác giả của cuốn “Chủ nghĩa Freud”? (so sánh: Tài liệu đã dẫn, tr/ 82). Nhân thể, nếu chúng ta cân nhắc đến việc mùa xuân năm 1921, Bakhtin chuận bị dạy giáo trình ngôn ngữ học đại cương ở Tổng hợp Orlov (xem: J.M. Kagan – Về những giấy tờ cũ từ kho lưu trữ gia đình (M.M. Bakhtin và M.I. Kagan)// Đối thoại. Carnaval, Chronotop, số 1), thì chưa chắc ông đã cần đến những tri thức chuyên môn của Voloshinov trong lĩnh vực ngôn ngữ học. Trái ngược với những nỗ lực chia “quan niệm ngôn ngữ chung” của Bakhtin với việc “vận dụng nó vào chất liệu ngôn ngữ học”, L. Gogotishvili đã chứng minh đầy thuyết phục sự gắn bó hữu cơ sâu sắc (không hợp nhất, cũng không tách biệt) ở hai phương diện này của công trình được xuất bản dưới tên Voloshinov, cũng như những tư tưởng siêu ngôn ngữ học của Bakhtin ở thời kỳ “đầu” và thời kỳ “sau”. Xem: L.A. Gogotishvili – Nói gián tiếp. M., Ngôn ngữ văn hóa Slavo, 2006.

[54] Có một nhận xét về “hai vấn đề mâu thuẫn với nhau trong ngành Bakhtin học: 1. …về quyền tác giả… 2. Cần xem xét hoạt động của Bakhtin từ góc độ nào: như sư phát triển ổn định của khối tư tưởng cụ thể, hay như một chuỗi các bước ngoặt đột ngột và bất ngờ. Tất nhiên, hai câu hỏi có quan hệ nội tại với nhau, mặc dù trong các tài liệu về Bakhtin chúng thường được xem xét riêng rẽ” (K. Thomson – Thi pháp học đối thoại của Bakhtin// Đối thoại, Carnaval, Chronotop, 1994, số 1, tr. 64). So sánh thêm: I.N. Balabanova – Bakhtin và các mặt nạ: vấn đề tác giả// The Seventh International Bakhtin Conference. B. 1. Moscow, 1995. P. 64.

[55] L.A. Gogotishvili – Biến thể và bất biến của M.M. Bakhtin// Những vấn đề triết học, 1992, số 1, trang 115-116.

[56] Vấn đề đã thực sự được đặt ra như vậy. Xem: N.K. Bonetskaya – Mỹ học của Bakhtin như logic hình thức// Bakhtin học: Nghiên cứu, dịch thuật, xuất bản.

L.A. Gogotishvili – Biến thể và bất biến của M.M. Bakhtin// Những vấn đề triết học, 1992, số 1, tr.121.

[58] M.L. Gasparov – Bakhtin trong văn hóa Nga thế kỷ XX// Các hệ thống mô hình hóa thứ cấp. Tartu, 1979, tr. 11-114. Nhiều năm qua, bài báo đã được in lại nhiều lần trong những ấn phẩm khác nhau.

[59] O.E. Osovski – Con người. Ngôn từ. Tiểu thuyết. (Di sản khoa học của M.M. Bakhtin và hiện tại). Saransk: РИК Трио, 1993. Tr. 72.

[60] E.A. Bogatyreva – Tấn kịch của đối thoại luận: M.M. Bakhtin và văn hóa nghệ thuật thế kỷ XX. M.: “Trường chính trị văn hóa”, 1996, tr. 67, 86-87, 102, 126.

[61] Theo quan điểm của chúng tôi, đây chính là chỗ thiếu hụt trong công trình đã nhắc tới ở trên của N. Bonetskaya. Đối sánh quan niệm về “hình thức” trong những công trình nghiên cứu ở thời kỳ đầu của Bakhtin và ở cuốn sách về Dostoievski, tác giả của công trình nghiên cứu này không phân tích bản thân khái niệm “tiểu thuyết phức điệu” như một định nghĩa về loại hình của hình thức thể loại, mà chỉ dừng lại trong giới hạn của sự giải thích thẩm mỹ chung về “hình thức”. Nhưng nếu thiếu sự phân tích như vậy, thì không thể tin chắc để khẳng định rằng theo Bakhtin “tiểu thuyết của Dostoievski, vốn là bản thân đời sống, đã vượt ra ngoài giới hạn của văn học…” (N.K. Bonetskaya – Mỹ học của M. Bakhtin như logic hình thức. Tr. 56).

[62] Xem: A. Sadetski – Sự hình thành đối thoại (Lời của Bakhtin trong bản gốc và trong bản dịch: những vấn đề giá trị học diễn ngôn)//Từ điển Bakhtin. M., RGGU, 1997..

[63] Xem: N.D. Tamarchenko – Thi pháp học của Bakhtin: Những bài học củakhoa Bakhtin học. Phần tư liệu có ý nghĩa quan trọng của “Từ điển Bakhtin” dành cho cơ sở của hướng tiếp cận đối tượng như vậy.

[64] S.A. Shults – Vấn đề tính chỉnh thể trong sáng tạo khoa học của M.M. Bakhtin và tư tưởng trách nhiệm// “Người đưa tin ngữ văn” của Đại học quốc gia Rosyov. 1998, số 2, tr.13. Cách đặt vấn đề về ngôn ngữ khoa học của Bakhtin trong những công trình được nhắc tới bên trên ở đây hoàn toàn bị bỏ qua.

[65] S.A. Shults – Tlđd, tr. 16.

[66] E. Takho-Godi – “Thi pháp ngưỡng cửa” của M.M. Bakhtin// E. Takho-Godi – Những người vĩ đại và những kẻ vô danh. St. Peterburg.: Nesto-Istorya, 2009, tr. 615, 618.

[67] E. Takho-Godi – Tlđd, tr. 620.

[68] Tiếng Nga: завершение – ND.

[69] Trên cơ sở này, một số nhà nghiên cứu nói rằng, việc chuyển sang nghiên cứu tiểu thuyết của Bakhtin gắn với sự đánh giá tiêu cực “hiện tượng hoàn tất”. Xem: R. Gryubel – Vấn đề giá trị và sự định giá trong sáng tác của Bakhtin// Đối thoại, Carnaval, Chronotop, 2001, số 1, tr. 59. Nhưng chúng tôi thấy trong bài “Sử thi và tiểu thuyết” không có sự đánh giá tiêu cực, mà ngược lại, tính nghệ thuật của sử thi cổ đại được đánh giá rất cao.

[70] Tiếng Nga: “бытие-событие” – ND.

[71] N. Bonetskaya – Về sự thống nhất trong sáng tạo của Bakhtin // The Seventh International Bakhtin Conference. B. 1. P. 195а – 198.

[72] Một thí dụ đáng ngạc nhiên hơn về việc độc thoại hóa sáng tạo của Bakhtin là cuốn sách của A. Kalygin (A. Kalygin – Bakhtin thời kỳ đầu: Mỹ học như sự khắc phục luân lý. Cái tôi-nhân vị luận, nhân vật trữ tình và sự thống nhất của các lý thuyết mỹ học. M., RGO, 2007), trong đó, “nhân vật trữ tình” được công nhận là hình thức duy nhất thể hiện tác giả trong mọi tác phẩm, còn sự vắng mặt trong các công trình của Bakhtin sự xác nhận trực tiếp thực tế ấy được xem là bằng chứng hoàn toàn thuyết phục về ý đồ của học giả muốn giải quyết các vấn đề mỹ học bằng cách tạo ra một hệ thống tư tưởng đặc biệt.

[73] «… đối thoại đối với mọi sự đồng nhất của cái thống nhất và tính duy nhất, vốn là đặc điểm cơ bản của nguyên tắc độc thoại” (M. Girshman – Lược khảo triết học và ngữ văn học đối thoại. Donetsk. Đại học quốc gia Donetsk, 2007, tr. 54.

[74] So sánh: “… trái với Bakhtin, nguồn gốc của tiểu thuyết không phải độc nhất, mà đa trung tâm. Không phải tất cả tiểu thuyết đều có thể qui về mẫu gốc carnaval (tiểu thuyết của Dostoievski thuộc số này)”. I.P. Smirnov – Từ cổ tích đén tiểu thuyết// TODRL IRLI. Quyển XXVII. Lịch sử cấc thể loại trong văn học Nga thế kỷ XXVII. L. “Khoa học”, 1972, tr. 289.

[75] Tiếng Nga: ““завершение” и “незавершенность”. Cặp phạm trù này thường được Phậm Vĩnh Cư dịch sang tiếng Việt là “hoàn kết” và “chưa hoàn kết” – LN

[76] Một trong những người đầu tiên đánh giá vai trò của Bakhtin trong việc tạo ra sự khác biệt có tính nguyên tắc giữa hai loại mỹ học – mỹ học “duy vật” và mỹ học” tượng trưng” – là O. Sedakova: “M.M. Baktin “già hơn” một nửa thế hệ của các nhà hình thức luận. Họ là các nhà lý luận của chủ nghĩa vị lai, còn Bakhtin là nhà tư tưởng phần cuối của chủ nghĩa tượng trưng” (O. Sedakova M.M. Bakhtinvẫn còn một mặt khác (xung quanh các luận điểm của M.L. Gasparov)//Novy Krug (Kyiv), 1992, số 1, tr. 116.

[77] So sánh: “Bakhtin để lại cho người đối thoại khả năng kiến tạo tự do các kết cấu tư tưởng của cá nhân chỉ liên quan gián tiếp tới nguyên nhân khơi gợi ban đầu” (K. Isupov – Từ ban biên tập// Bakhtin học. Nghiên cứu. Xuất bản. Tr. 3).

Comments are closed.