Bùi Văn Nam Sơn
Cách đây mấy hôm, vào sáng tinh mơ, nhà thơ Chinh Văn đột ngột đến thăm và mời tôi đến dự buổi gặp gỡ thân mật của một số thân hữu nhân tập truyện ngắn “Bài Thơ Trên Xương Cụt” của nhà văn Chinh Ba sắp được ra mắt. Một tin vui đặc biệt, vì lần đầu tiên, 14 truyện ngắn được sáng tác và công bố rải rác trước năm 1975 của anh Chinh Ba được sưu tầm và tái ngộ bạn đọc trong tổng số khoảng 50 truyện ngắn và một số tản văn và kịch bản ngắn khác mà hiện nay một số không nhỏ chưa thể sưu tầm hết được! Nhưng thú thật, niềm vui đến với tôi cùng với không ít sự ngỡ ngàng pha lẫn lo lắng khi anh Chinh Văn cho biết anh Chinh Ba tỏ ý muốn tôi phát biểu vài lời giới thiệu tập truyện nhân buổi gặp mặt. Làm sao dám giới thiệu một tác giả đàn anh mình vốn ngưỡng mộ tên tuổi nhưng chưa từng được diện kiến, một tập truyện dày dặn trong đó có mặt cả truyện ngắn lừng danh được lấy làm nhan đề cho cả tập, một truyện ngắn được đông đảo độc giả tinh tường ca ngợi, mà tiêu biểu là nhà nghiên cứu văn học Huỳnh Như Phương như anh viết trong lời bạt đầy thẩm quyền: “nếu mỗi nhà văn chỉ cần một truyện ngắn sâu sắc, hấp dẫn để người đọc ghi nhớ thì với Chinh Ba, truyện ngắn đó là Bài Thơ Trên Xương Cụt. Dù là người dè dặt, tôi trộm nghĩ rằng đây là một trong những truyện ngắn hay nhất của văn học Việt Nam thế kỷ XX” (Truyện ngắn Chinh Ba: những dụ ngôn đa nghĩa, Thay lời bạt)?
Tôi thưa thật nỗi lo lắng trước “sứ mệnh bất khả thi” ấy vào sáng hôm sau (tức cách đây mới ba hôm) khi anh Chinh Ba, cùng với anh Chinh Văn, đích thân hạ cố đến nhà thăm và tặng tập cảo thơm vừa mới kịp ra khỏi nhà in, còn nóng hổi. Nụ cười rất hiền và tình cảm ưu ái nồng hậu của hai anh khiến tôi hơi vững bụng, mặc dù vẫn biết rằng mình không phải là người sáng tác và càng không có mấy kiến thức trong lĩnh vực văn chương. Sự việc bỗng dưng sáng tỏ khi lật vội tập truyện và thấy ngay ở trang đầu là tranh chân dung tuyệt đẹp đề tặng Bùi Giáng của họa sĩ Đinh Cường, và, một cách kín đáo, nhà văn Chinh Ba như muốn dành tặng tác phẩm của mình cho thi sĩ họ Bùi. Thì ra, mối giao tình giữa hai tác giả lớn đã giúp cho bản thân tôi được thơm lây! Tôi cũng được lưu ý về một chú thích trong truyện ngắn sau cùng “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng”: “Năm 1949, máy bay Pháp từ Đà Nẵng vào oanh tạc chợ Chương Dương (Tư Phú), sát hại hàng trăm thường dân vô tội. Và trong một lần khác đã ném bom Quế Sơn (Trung Phước – cận kề Hòn Kẽm, Đá Dừng) giết hại trọn cả gia đình họ Bùi. Trong đó, có cô dâu là con gái út cụ Phan Khôi”. Thưa vâng, “gia đình họ Bùi” này chính là gia đình một người bác ruột của Bùi Giáng và là người anh con ông bác của tôi. Sau sự kiện bi thương ngày 19.09.1952 với 18 nạn nhân là những người ruột thịt, Bùi Giáng đã viết:
Một trái bom rơi trúng miệng hầm
Thôi đành sự thế lạnh căm căm
Một mình ra đứng sau khe núi
Chợt thấy thân mình một hóa trăm.
“Một hóa trăm” của xương thịt tan lìa. “Một hóa trăm” của sự dâng hiến và sẻ chia. “Một hóa trăm” như là thân phận và trách nhiệm của người cầm bút trước những nỗi đau tột cùng của đồng loại. Nhân vật mang tên Đợi trong Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng không phải là trường hợp cá biệt. Có một thời kỳ và một vùng đất mà người ta không thể đặt tên cho con là Lan, là Huệ mà chỉ có thể là Thương, Nhớ, Đợi, Chờ, Trông, Mong, Mến, Tiếc như đã có thật trong gia đình một người chú họ khác của Bùi Giáng. Chính từ mối tình keo sơn với mảnh đất quê hương: “đất này là đất chết”, nhưng có những nhân vật như mô tả của Chinh Ba, thì “trở thành đất sống. Dầu sống dầu chết, dầu đói dầu no, cũng đừng phụ mảnh đất này” (Mồ sống), và cũng từ mối thâm tình gắn bó hai đại gia đình (nhà văn Chinh Ba và nhà thơ Chinh Văn đều thuộc đại gia đình của cụ Phan Khôi) mới cho phép tôi phát biểu vài lời ở đây, không phải với tư cách một người đọc thiếu chuyên môn mà như một người thân cùng sẻ chia những mối cảm thông.
Nếu triết gia, như có người nói, là kẻ nắm bắt thời đại của mình bằng tư tưởng, thì nhà văn có lẽ là người “thấy thân mình một hóa trăm”, bởi chỉ có phương tiện và sức mạnh của văn chương, nghệ thuật mới có thể làm được điều ấy. Tôi đến vội vàng với tập truyện ngắn của Chinh Ba từ cảm thức như thế. Nhà văn đã phân thân mình, hay đúng hơn, hóa thân mình vào vô vàn những cảnh ngộ. Nhưng tại sao, như nhận xét tinh tế của Huỳnh Như Phương, “Chinh Ba dành phần lớn tác phẩm của ông cho những suy ngẫm về sự sống và cái chết, những cảm nghiệm về thân phận khốn cùng của con người. Đọc Chinh Ba, ấn tượng nhất có lẽ là những hình thù kỳ quái, những số phận dị thường, những cái chết đáng sợ nơi tối tăm, ẩm thấp. Một vài truyện ngắn nghe vọng tiếng kinh cầu hồn, tuy thiếu những bóng ma”? Thật thế, nhân vật của Chinh Ba là người tù “khát nắng”, là đứa con lai như phế phẩm lạc loài của chiến tranh, là “cô gái dậy thì nhưng gầy gò, mảnh khảnh, còn làn da trắng xanh như người bệnh” (Hai vì sao lạc), là một chàng nhạc sĩ nghèo, mang bệnh bất trị, chết cháy với cây đàn (Tiếng đàn khuya), là người tình si hóa đá, là những người tù hay những thường dân bị truy đuổi, tra tấn, là kẻ tự chôn mình xuống huyệt (Mồ sống), v.v. Tại sao “không gian trong truyện ngắn Chinh Ba […] xuất hiện như định đề về con người bị chối bỏ sự tồn tại, hoặc tồn tại trong cô độc và tuyệt vọng”?
Là nhà văn già dặn về bút pháp, Chinh Ba chắc hẳn hoàn toàn có thể sáng tạo nên những nhân vật khác, những cảnh ngộ khác. Vậy, phải chăng chính thời cuộc ấy, mảnh đất ấy đã thúc giục lương tâm và ngòi bút ông chọn lựa sự “hóa thân”, “phân thân” về một phía, phía “của nước mắt” và không thể về phía nào khác? Xin thử lắng nghe lời giải đáp của Bùi Giáng về trường hợp của Albert Camus và William Faulkner như một đối thoại vắng mặt với Chinh Ba. Lời giải đáp không mới, nhưng nghiêm chỉnh và nghiêm trọng: “Camus đã sống với thời đại, hiểu trọn vẹn bi kịch của thời đại […], vì thế chậm rãi, bình tĩnh nói tiếng nói muôn đời của nhân loại khát vọng tự do và công chính”. “Faulkner muốn rằng tất cả những điên đảo, âm u, quỷ loạn trong tác phẩm của mình phải hé mở một ảnh tượng bát ngát của thiên đường” (M. Heidegger và tư tưởng hiện đại).
Một chủ nghĩa lạc quan dễ dãi? Một ước mơ “có hậu” cổ truyền? Thưa còn tùy, nếu rơi vào tay một kẻ “trung nhân dĩ hạ”, cái đức lý không thể thiếu trong văn chương sẽ làm người đọc khó chịu. Còn trong trường hợp ngược lại, nó trở nên “bát ngát” như chính cuộc đời, như dòng chảy mềm mại mà đanh thép của lẽ nhân sinh. Nó không thiếu sự tra vấn nghiêm khắc: “Công lý có mấy thứ? Thứ nào đáng tồn tại? Cũng như người có mấy thứ người, người nào đáng sống?” (Khát nắng). Từ đó, người con gái dậy thì gầy gò, bệnh hoạn “hiện lên trước mắt người yêu cô như một bông hoa, như một nàng tiên, như một ngôi sao, như một hình tượng lý tưởng nhất mà loài người chưa gọi tên được” (Hai vì sao lạc). Một “màu nguyên xuân” trong thơ Bùi Giáng! “Nàng sợ đứa con bị tật nguyền như cha nó. Nhưng đứa bé lành lẽ, thơm tho, một mùi thơm mà trong đời nàng chưa hề được thưởng thức” (Mồ sống). “Thằng Hòa mười hai tuổi mà phải nói chín tuổi mới có người tin”. Nó lén lấy tóc hai anh chị đang bất hòa của nó trộn lại, chôn giấu, hy vọng một không khí gia đình yên ấm. Nó cắn răng chịu đựng trận đòn ác liệt vì hành vi “ám muội” này, bởi nếu thú nhận, việc làm này sẽ “mất linh”, trước khi cả ba người khóc òa trong hạnh phúc mới tìm lại được: “lúc nhỏ, chúng tạo ra tình thương, lớn lên chúng làm nên lịch sử” (Tóc). Một truyện ngắn có thể xếp vào hàng kinh điển trong nền văn chương giáo dục thế giới, dữ dội hơn cả câu chuyện nổi tiếng cảm động về một bé gái nghèo đập vỡ con heo đất còm cõi vào một chiều đông lạnh lẽo ở trời Tây để mua một chuỗi ngọc quý làm quà Giáng sinh cho chị, và người chủ tiệm kim hoàn âm thầm giúp em toại nguyện vì chính em mới là người khách hàng trả giá cao nhất cho món quà quý, vì em đã sẵn sàng hiến dâng tất cả những gì mình có cho một tình yêu trong sáng.
Chinh Ba cũng biết rõ giới hạn của văn chương: “Vì nỗi khổ của tình người chỉ nguyên vẹn được trong niềm cảm thông tiềm ẩn, và sẽ mất mát khá nhiều khi bị phô diễn bằng lời nói, câu văn” (Kẽ hở bàn tay). Nhưng văn chương vẫn có sức mạnh lạ thường, đôi khi khá ngẫu nhiên, của nó, vì nghệ thuật là vô cùng, như khi bỗng “thấy có hình vẽ về bàn tay em giữa những hình ảnh đẹp đẽ nhất của cuộc đời” (nt).
Bài Thơ Trên Xương Cụt hiển nhiên là truyện ngắn nổi bật và, vì thế, cũng nổi tiếng nhất, không chỉ trong tập truyện mà trong cả đời văn của Chinh Ba. Nhân vật Ba Lò Heo đã quản lý “nền văn nghệ gia đình” của lão bằng dao búa để dập tắt mọi rung cảm khả nghi và mọi hình thức văn nghệ phong phú, “phức tạp” của Út Lệ, người vợ đáng thương của lão và, rút cục, đã giành thắng lợi hoàn toàn và triệt để cho đường lối văn nghệ “đặt cơ sở trên chiếc xương cụt của lão”, một “nền văn nghệ” hạ cấp và câm nín. Giá trị châm biếm, tố cáo và cảnh báo của câu chuyện viết từ năm 1965 là vượt thời gian. Nếu Ba Lò Heo là “vô văn hóa”, căn bệnh dễ chữa. Không, Ba Lò Heo có “văn hóa”, có “tâm hồn”, biết chọn cho mình một lối thơ yêu thích, thậm chí chịu đau để cho xăm lên lưng và cả lên chiếc xương cụt. Căn bệnh “thiếu văn hóa” ấy là nan y. Lại cương quyết bảo vệ bằng vũ lực cho sự độc quyền văn hóa ấy nữa thì mới thật là vô phương cứu chữa! Do đó, bên cạnh giá trị phê phán định chế, truyện ngắn còn là sự phê phán “não trạng” nơi mỗi con người. Trong đáy sâu tâm hồn chúng ta, bao nhiêu phần đã trở thành Ba Lò Heo?
Tuy nhiên, Chinh Ba đã tìm được cho mình một phương thuốc chủng ngừa khá hiệu nghiệm, giúp anh có khi “viết dễ dàng như thở”: “Tôi gửi vào cuộc đời niềm tin yêu màu hồng. Tôi nghĩ cái buồn đôi khi cũng cần thiết cho con người như chút phèn chua cần thiết cho một ly nước đục. Bởi vậy, thà mùa thu không có gió, chứ đêm khuya đừng vắng tiếng côn trùng. Những tâm hồn thao thức biết lấy gì mà thở, nếu không có tiếng dế nỉ non, tiếng vạc kêu sương, tiếng từ quy khắc khoải, tiếng khóc của trẻ con, tiếng ru của bà mẹ bên hàng xóm” (Bài Thơ Trên Xương Cụt).
Cám ơn nhà văn Chinh Ba đã giúp tôi tìm lại được niềm hứng thú để đọc văn chương sau thời gian chìm đắm quá lâu trong thế giới trừu tượng. Cảm ơn anh Chinh Ba cho tôi lấy lại được chút cường tráng trong tâm hồn, sau thời gian quá dài không đủ tự tin vào sức khỏe tâm thần để dám đối diện với lớp lớp bể dâu trần thế.
Quán Đông Hồ, đêm 22.11.2011
* Lời tựa sách Bài thơ trên xương cụt, Tập truyện ngắn của Chinh Ba, NXB Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh tái bản, quý IV – 2017.