Thơ Miền Nam trong thời chiến[1] là một cuốn sưu tập thơ đồ sộ, dày 850 trang, quy tụ hơn 260 tác giả, người còn kẻ mất, nơi quê hương hay hải ngoại. Có người qua đời trên chiến trường giữa tuổi thanh xuân. Sách do Thư Ấn Quán sưu tập và phổ biến, do nhà văn Trần Hoài Thư và bè bạn dày công tầm nã từ những trang báo cũ ngày nay ly tán. Lời nhà xuất bản:
“Đây là những trang thơ được sưu tập từ một thời kỳ đen tối của quê hương, khởi điểm bằng lệnh tổng động viên và chấm dứt bằng ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Hy vọng tập sách này là một nguồn tài liệu giúp cho những nhà phê bình văn học, những người nghiên cứu văn học sử, và những ai chưa có dịp tiếp cận với nền văn chương Miền Nam trong thời chiến tranh để họ có cái nhìn rõ và đúng đắn hơn về một dòng văn chương tình tự, rất là tự do, khai phóng, sáng tạo và nhân bản”.
Sưu tập không phải là tuyển tập, không có chọn lọc ý thức về mặt nghệ thuật hay quan điểm. Dĩ nhiên là tính khách quan bao giờ cũng tương đối: đã sưu tầm, thì mặc nhiên phải có lựa chọn, dù chỉ trong tâm cảm hay tiềm thức. Nhưng quý hồ là người sưu tầm không có thành kiến hạn hẹp.
Như vậy, cuốn sưu tập phong phú, đa dạng và có nhiều ưu điểm, xin khuyên ngay một điểm hồng và một điểm son.
Điểm hồng: non ngàn bài thơ không có bài nào thật dở. Công bình mà nói, ở đời, thơ dở bao giờ cũng nhiều hơn thơ hay.
Điểm son: khi nghe đến “thời chiến” người ta nghĩ ngay đến chiến tranh, chiến đấu chống cái gì. Sách sưu tập không có bài thơ nào tuyên truyền, thỉnh thoảng có đôi chữ “quân thù” trong nghĩa đối phương, đối thủ, tự nhiên phải có trong chiến cuộc.
Nhà văn Phạm Văn Nhàn, người cùng góp công vào công trình, đã viết:
“Với hằng trăm bài thơ mà chúng tôi đã tìm được của hơn 200 nhà thơ trước 1975. Họ là ai? Là nhà báo, là thầy giáo, là công chức, là quân nhân (đa phần bị gọi nhập ngũ). Nhưng qua những bài thơ của những nhà thơ trước 1975 hầu hết là quân nhân không bao giờ mang tính cách hận thù hay kích động hận thù trong lòng người đọc, đó là nhân bản. Mà thơ họ vẫn nói lên được: thân phận, chiến tranh, tình yêu đích thực của một nền văn học” [2].
Lại công bình mà nói: Miền Nam thời đó, không phải là không có thơ tuyên truyền, nhưng vì không mấy người ưa, không mấy ai nhớ, ban sưu tập không ghi lại, cũng là duy lý.
Tuy nhiên, nếu nhất thiết phải tìm cho ra một lập trường chính trị cho thơ Miền Nam, thì nó là: khát vọng hòa bình, khát vọng này mang theo những hệ luận: tình yêu quê hương, gia đình, vợ chồng, nam nữ, bạn bè, đồng đội. Dường như không có một ngoại lệ nào qua sưu tập. Một “lập trường” như thế dĩ nhiên là “nhân bản” và cao quý. Nhưng người yêu nền thơ nọ không phải vì cái nhân bản kia, mà vì thơ hay, hoặc vì nhiều đặc điểm lý thú. Ngày nay, nếu các bạn nêu cao ngọn cờ “nhân bản tự do” thì ra chỗ “tránh vỏ dưa đạp phải vỏ dừa”. Cái bẫy bên trái hay bên phải vẫn là cái bẫy.
Khi anh dùng thơ để phục vụ hay biện minh cho cái gì đó, thì khó có được thơ hay.
Khi đuợc câu thơ hay thì không những là biệt lệ, mà cái hay không ăn nhập gì vào ý đồ của anh, thậm chí có khi còn đi ngược lại.
Năm 1966, chiến tranh Việt Nam lên cao điểm, nhà thơ Kiệt Tấn cho in tập thơ Điệp khúc tình yêu và trái phá, cái tên rất nổ, trong đó bài Biết bao giờ, bắt đầu và kết thúc như sau:
Khi hơi thở vàng về đậu lên màu đỏ
màu đỏ về đậu trên cây điệp
cây điệp về đậu trên ký ức
(…)
hãy nằm im
và đừng hỏi
tại sao
đừng hỏi tại sao
những con ruồi say nắng
rụng cánh
nằm chết
trên bàn tay ấm áp của mùa hè
(tr.222)
Bài thơ hay, tân kỳ và độc đáo, vì tác giả không biện minh cái gì cả. Chỉ là mùa hè đang về trong tâm tưởng. Câu thơ hay như một cành hoa dại, nở tung trong một khí hậu, không gian thơ. Cần một không gian, một khí hậu, mới thể hiện được hồn thơ, bừng nở câu thơ.
Tham vọng của sách Thơ Miền Nam trong thời chiến là ghi lại những tác phẩm đang xiêu lạc, của một số tác giả ít được biết đến, mai kia sẽ chìm trong quên lãng. Nó là “nguồn tài liệu cho những nhà phê bình, những người nghiên cứu”.
Tham vọng cũng là tâm vọng của người biên tập “suốt cả mấy trăm trang với trên 220 tác giả, ngồi đánh lại như gõ ngay vào chính tim mình những điều đau buốt lẫn bồi hồi. Tội tình cho cả một thế hệ. Chiến tranh nào có gì vui” [3].
Tham vọng không những đã thành tựu mà còn được vượt qua: cuốn sưu tập không những là một nguồn văn liệu, nghĩa là những văn bản chết, một văn miếu. Nó còn là một nguồn sống cho thơ. Nó tạo được chất thơ cho đời sống, như dưỡng khí cho cỏ cây. Nguồn thơ đích thực gặp địa lý thuận lợi sẽ thành sông thành biển; nhưng gặp nghịch cảnh, có khi đành lẩn khuất vào mô đất nọ để một mai tái hiện nơi núi đồi kia.
Những ai, như tôi, nghĩ rằng thơ cần cho đời sống, là thành phần của đời sống, sẽ cùng tôi biểu dương công trình, và công tình, của ban sưu tầm và biên tập; việc làm của các bạn đã đưa đến những thành quả vượt quá dự án. Những “hiệu ứng cánh buớm” có thể các bạn thoạt kỳ thủy không nghĩ đến.
*
Đã là thơ thời chiến thì phải nói đến chiến tranh. Vậy thơ ấy nói gì về khói lửa? Xin lấy bài Phan Xuân Sinh làm ngày Tết 1972, Uống rượu với người lính Bắc Phương làm tiêu biểu:
Hãy rót cho ta thêm cốc nữa đi
Ngồi với bạn hôm nay làm ta hứng chí
Chuyện ngày mai có chi đáng kể
Dẹp nó đi cho khỏi bận tâm
Thằng lính nào mà không rét lúc ra quân
Khi xung trận mà không té đái
(…)
Những thằng lính thời nay không mang thù hận
Bạn hay thù chẳng có một lằn ranh
(tr. 592)
Tò mò tôi hỏi: thời điểm 1972, chiến cuộc tàn khốc, sao có chuyện nhậu nhẹt? Và được nhà thơ trả lời: Chuyện xảy ra tại huyện Dục Đức, tỉnh Quảng Nam, vào ngày Tết. Hai bên hưu chiến da beo, mỗi đơn vị giữ nguyên vị trí, ngưng bắn để ăn Tết. Bỗng dưng có tiếng bên kia chúc Tết bên này, và bên này đáp lại. Thế là Phan Xuân Sinh hứng chí làm bài thơ trên. Bữa tiệc chỉ xảy ra trong tâm tưởng – vì như vậy bài thơ mới có giá trị tinh thần. Chén rượu rót vào thực tại, lại là chuyện thường tình giữa những người lính… say.
Gặp địch quân nam phái thì nhậu. Gặp đối phương khác phái thì… làm gì? Nhà thơ Linh Phương, nổi tiếng với bài Kỷ vật cho em được Phạm Duy phổ nhạc, đã kể trong bài Hành quân:
Dăm thằng đánh trận. Dăm thằng chết
Chỉ sót mình ta cứ sống nhăn
Đù má, nhiều khi buồn hết biết
Lo mãi sau này cụt mất chân.
Chiều qua sém chết vì viên đạn
Du kích bên sông bắn tỉa hù
Cũng may gặp phải thằng cà chớn
Thấy mặt ta ngầu bắn đéo vô.
Nhớ hôm bắt được em Việt cộng
Xinh đẹp như con gái Sài gòn
Ta nổi máu giang hồ hảo hán
Gật đầu ra lệnh thả mỹ nhân.(!)
(tr. 296)
Trong từ vựng này, cà chớn, giang hồ, hảo hán, cùng một nội hàm.
Dĩ nhiên những thái độ buông thả nói trên không tiêu biểu cho cuộc chiến ác liệt, hay tinh thần chiến đấu, hay kỹ thuật và kỷ luật quân sự của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng nó là sắc thái đặc biệt của một tâm lý. Tâm lý ấy là nhược điểm trên bản đồ quân sự, mà là ưu điểm trên trang thơ, bằng cớ là hơn một ngàn năm nay, người ta ngợi ca, ngâm nga mãi câu túy ngọa sa trường quân mạc tiếu của Vương Hàn; say sưa như vậy nhất định ông không phải là một quân nhân thiện chiến.
Thơ về chinh chiến, xưa nay không ai theo kịp Đỗ Phủ, được người người đời đời xưng tụng, nhưng không phải là thơ hô hào chiến đấu. Việt Nam, cho dù có thật là ”đỉnh cao trí tuệ của loài người” cũng không thể tự đặt mình làm ngoại lệ, nói khác đi, sẽ làm trò cười cho thiên hạ.
Lẽ thường trong chiến tranh là thắng hay bại. Điều lạ trong tập thơ này là không có chiến thắng, dù trong mơ ước hay ngông nghênh. Ngược lại trong Kỷ vật cho em, Linh Phương hẹn với người yêu: mai mốt anh về, không bằng chiến thắng… Mai anh về trên đôi nạng gỗ, bại tướng về làm gã cụt chân, thậm chí còn có thể là: hòm gỗ cài hoa [4]. Hồ Minh Dũng, với bài Khi giải ngũ về, đã nhắn nhe với người tình, hay người vợ:
Còn ba năm nữa anh sẽ về
anh biết chắc không còn quê hương để ở
em gắng sắm cho anh một cây đàn bầu
làm bằng nắp hòm người lính nghèo
chết ngoài mặt trận
anh sẽ đàn cho mọi người cùng nghe
mà không xin tiền
chỉ tìm lại những đôi mắt trân tráo
những bước chân đi qua vỉa hè
với nụ cười
mà nhiều năm anh đã mất
(tr. 149)
Những lời thơ bi thảm như vậy, so với thực tế sau này, vẫn còn là lạc quan, thậm chí hoang tưởng: sau chiến tranh, chắc gì trên vỉa hè, còn được tiếng đàn bầu và nụ cười? Nhưng trên vỉa hè, sẽ có (nhiều) người xin tiền.
Khát vọng thiết thân thời đó là hòa bình, như lời người mẹ, trong bài Đêm Giáng sinh ở Việt Nam, vẫn của Hồ Minh Dũng:
Dù chỉ một ngày ngưng bắn đó con
cũng đem chiếc áo lành ra mặc
cũng ăn một bữa cơm cho no
cũng ngủ một giấc trên giường trên chiếu
khổ đau lúc này mẹ gói trong mo
Chữ hòa bình, ta sử dụng ngày nay, là bình thường, thậm chí là quy luật, sau chiến tranh. Nhưng thời đó là viễn vọng, là huyền thoại, như những bồng lai, địa đàng:
Xin hãy đến đây đi
hỡi hòa bình lạ mặt yêu dấu
sao người cứ kiêu hãnh như giai nhân
hoài hoài lỗi hẹn
khi tuổi xuân chúng tôi chỉ có một lần
làm sao chờ được trăm năm
mà đến trăm năm còn gì xương máu anh em
Hà Thúc Sinh, Xin hãy đến, hòa bình (tr.124)
Hòa bình là giấc mơ không tưởng, con người lúc ấy, như Nguyễn Bắc Sơn, chỉ dám mơ ngày ngưng chiến [5]:
Mai kia trong những ngày ngưng chiến
ta chắc rằng không thể yêu ai
nhà thương điên nếu còn chỗ trống
xin chiếc giường cho xác tàn phai
(tr.383)
Trong bài Căn bệnh trong thời chiến này, Nguyễn Bắc Sơn nói về mẹ:
Mày gửi một chân ngoài trận mạc
Mang về cho mẹ một bàn chân
Mẹ già khóc đến mù hai mắt
Đời tàn theo lứa tuổi thanh xuân.
Mẹ là tình thương muôn nơi, là thần tượng muôn đời. Nhưng trong chiến tranh – và cuộc chiến Việt Nam này – người mẹ có khuôn mặt riêng. Chỉ vài mươi năm, nó đã xa hình ảnh bình an, xa màu “áo đỏ người đem trước dậu phơi” của Lưu Trọng Lư hay người mẹ ngồi “vá bên chiếc rổ thơm mùi cũ” của Tế Hanh.
Nguyễn Dương Quang trong bài Đêm cuối năm viết cho Má:
Hình như cây súng con lạ lắm
Sao nó run lên khi đạn lên nòng
Tâm hồn nó như tâm hồn con vậy
Một kẻ nằm, kẻ đứng, xót xa không?
Trước mặt con: những ngọn đồi cát máu
Đêm thì thầm cùng những nấm xương
Ôi, trái tim con mãi tôn thờ má
Đã dạy con hai tiếng yêu thương
Từ má lỏng bàn tay dìu dắt
Con bơ vơ giữa cuộc phù sinh
Dòng nước nào xa nguồn mà không đục
Sợ một mai con lạc dấu chân mình
(tr. 410)
Tác giả ít được biết đến, nhưng bài thơ hay quá, chất trí tuệ quyện vào tâm huyết, hồn nhiên mà điêu luyện. Tình cảm chìm chìm mà ý tứ lâng lâng. Trong sáng, sao mà u uất? Thơ đích thực là điều đơn giản kỳ diệu “có nói cũng không cùng”.
*
Đã vậy, đành vậy, Thơ Miền Nam trong thời chiến, trong tất cả bề thế của nó, nếu muốn “gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay”, ta có thể thu lại trong bốn chữ: “Thơ Lính Học Trò”, với tất cả nội hàm sâu lắng của mỗi chữ.
Thơ đây là thơ, đích thực, chân chính, không phải là lời nói hoa mỹ, bắt thành vần vè. Thi nhân không phải là người thông minh, uyên bác, sâu sắc, tài hoa, cho dù họ có thể có đủ các đức tính ấy, hoặc ngược lại, không được cái nào cả. Họ là một bộ tộc riêng, du mục trong thành phố, hay “đầu thai nhầm thế kỷ” như ta thường nghe nói.
Thơ là một phẩm chất của tâm hồn, trong cuộc sống, và cuối cùng là của ngôn ngữ. Là thành phần cuộc sống, thơ phản ảnh thời thế nhưng không phải là sản phẩm của thời thế, nhất là của một chế độ, bất cứ chế độ nào.
Thế còn “Lính Học Trò” là thế nào? Là cậu học sinh, từ sân trường bước ngay vào quân trường, chiến trường, nhiều khi chưa kịp kinh qua cuộc sống xã hội, trong các quan hệ nghề nghiệp, tình yêu, hôn phối.
Trong mỗi cậu học trò mười lăm, mười bảy, đã có một người lính mai phục đợi chờ. Và trong mỗi người lính về sau, vẫn còn cậu học trò ẩn náu, dở dang. Lính học trò là vậy. Lính học trò, trên đường hành quân với Nguyễn Bắc Sơn:
Dừng chân nơi đây nói chuyện tiếu lâm chơi
Hãy tựa gốc cây, hãy ngắm mây trời,
Hãy tượng mình đang đi picnic…
(tr.377)
Họ làm thơ, tuổi mười lăm mười bảy, gọi là “làm văn nghệ” trên báo nhà trường, báo địa phương. Làm thơ như một tâm thế, một lối ứng xử với đời. Không phải để thành danh, hay đi vào lịch sử văn học. May mắn có bài thơ, cái truyện đăng “báo Sài Gòn” là tràn nhau bữa rượu. Rồi thôi, vậy thôi, cùng lắm là có chút tự hào với người bạn gái chưa bao giờ dám hẹn hò trong cuộc đời không thấy ngày mai.
Rồi đời đã bắt kẻ làm thơ đi làm lính, họ bước chân vào chiến cuộc, mang trong đầu những ý nghĩ trong veo / xem cuộc chiến như tai trời ách nước, như lời Nguyễn Bắc Sơn (tr. 376 và 378).
Và không biết bao nhiêu người đã gục ngã giữa tuổi xuân xanh, khi vừa mới bước vào chiến trường, như nhà thơ Hoài Lữ, tử trận khi tập thơ Mắt cỏ vừa xuất bản, 1963, mà ban sưu tập có lẽ vì không tìm ra nên không nhắc đến.
Tôi nhớ mãi mấy câu thơ Hà Nguyên Thạch, làm khoảng 1970, không có trong sưu tập:
Còn những chén rượu sầu lòng chưa uống cạn
Nên làm thơ còn có nghĩa chờ say
Lúc say khướt sẽ quay cuồng hoài vọng
Chạy quanh đời nghe hồn nhẹ như mây
Từ đó, tôi có thể nói: thơ là một tâm thế, một cách ứng xử với đời, đa đoan và hạn hẹp, một lối quản lý thời gian, xử lý không gian, và phản ứng với nhân gian. Có lẽ ở đâu, thời nào, thơ đích thực cũng vậy thôi, nhưng tại Việt Nam, thời ấy nó là một bức bách của một thế hệ, nó vừa hiện hữu (existentiel), vừa thiết yếu (essentiel).
Bắt đầu nền thơ này là chuyện văn nghệ, trao đổi, thù tạc giữa bạn bè, nhưng sau cùng trở thành huyết mạch của một thế hệ, mà Trần Hoài Thư gọi là “tội tình”. Vì đã bị lịch sử làm tình làm tội. Có thế mới hiểu vì sao, khi đánh máy lại những bài thơ cũ, ba, bốn mươi năm sau, anh còn thấy “như gõ vào chính tim mình những niềm đau buốt”. Và người đọc ngày nay, nhất định đâu đây còn có người thấu hiểu và chia sẻ niềm đau buốt ấy. Làm sao cho sưu tập này, và tấm lòng kia đến tay người nọ?
Vì vậy Thơ Miền Nam trong thời chiến không chỉ là nguồn tư liệu – một nghiã trang – văn học. Nó là cuộc sống đang thao thức và thao thiết, là nguồn thơ dù đổi địa hình hay khí hậu, vẫn tiếp tục, âm thầm, đâu đó, bồi dưỡng cho đời sống văn học.
Và cho đời sống nữa chứ.
Chẳng riêng gì đời sống của những chúng ta.
Orrléans,13/10/2006. Cập nhật 07-5-2014.
Tác giả gửi Văn Việt.
[1] Thư Ấn Quán xuất bản, địa chỉ TQBT, P.O. Box 58 – South Boundbrook, NJ 08880, USA
email: tranhoaithu@verizon.net
[2] Phạm Văn Nhàn, Thư Quán bản thảo, tr. 8, số 25, tháng 10-2006, New Jersey. USA
[3] Trần Hoài Thư, Thư Quán bản thảo, số 25 đã dẫn, tr. 13.
[4] Linh Phương, Kỷ vật cho em, 1971, tập thơ, Thư Ấn Quán tái bản, sách in để biếu tặng, 2006, New Jersey.
[5] Nguyễn Bắc Sơn, tập thơ, Chiến tranh Việt Nam và Tôi, 1971, Thư Ấn Quán tái bản, sách in để biếu tặng, 2005, New Jersey.USA