Tiếng Việt từ TK 17: cách dùng Mỵ (Mị) Chu, Diễn Chu, bồ cu, bồ câu… Bùi Chu (phần 39)

Nguyễn Cung Thông[1]

Phần này bàn về tên gọi (nhân danh) như Mỵ (Mị) Chu, địa danh như Giao Chu (Châu), Diễn Chu, Bùi Chu và bồ cu, bồ câu– từ thời LM de Rhodes và các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ), điều này cho ta dữ kiện để xem lại một số cách đọc chính xác hơn cùng với chữ Nôm. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là các tài liệu chép tay của LM Philiphê Bỉnh (sđd) và bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển/Hội Khai Trí Tiến Đức), TNNL (Thiên Nam Ngữ Lục), v.v. Kí viết là ký (tên người, tên sách) và trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt cổ hay Hán cổ).

Đầu tiên, thử tìm hiểu âm đọc của các chữ 州 珠 và – thành phần cốt lõi của bài này – dựa vào các tài liệu Hán và Việt cổ luôn kiểm chứng được:

1.1 Chữ chu/châu (thanh mẫu chương 章 vận mẫu vưu 尤 bình thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

職流切 chức lưu thiết (TVGT, ĐV, QV, LT, CV, TVi) – TVi ghi âm chu 音周

之由切,音周 chi do thiết, âm chu (TV, VH, LT, TG 字鑑, LTCN 六書正譌)

正虫切 chính huỷ thiết (NT) – để ý 虫 có thể đọc là trùng hay huỷ (không có phụ âm cuối ŋ).

正由切 chính do thiết (TTTH)

TNAV ghi vận bộ 尤侯 vưu hầu (dương bình)

CV ghi cùng vần/bình thanh 周 輈 侜 輖 鵃 調 譸 咮 賙 啁 州 洲 舟 (chu điều trào chu/châu)

尚朱切 thượng chu thiết (TVi) – TVi ghi âm thù 音殊

專於切 chuyên ư/ô thiết (CV, TVi) – TVi ghi âm chu 音朱

Giọng BK bây giờ là zhōu (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông zau1 và các giọng Mân Nam 客家话:[梅县腔] zhu1 zhiu1 [客语拼音字汇] zu1 [客英字典] zhiu1 [海陆丰腔] zhiu1 [沙头角腔] zu1 [陆丰腔] zhiu1 [宝安腔] zu1 (ziu1) [东莞腔] ziu1 [台湾四县腔] zu1 – để ý chỉ có giọng Quảng Đông mới có khuynh hướng đọc với âm -au (độ mở miệng rộng hơn). Tiếng Nhật su shu và tiếng Hàn go’eul ju

Một dạng âm cổ phục nguyên là *tɕĭu (gần với âm chua thời VBL – xem hình chụp bên dưới) hay *tu phản ánh nguyên âm với độ mở miệng nhỏ.

image

Dựa vào các tài liệu cổ như giáp cốt văn[2], chữ chu/châu là loại chữ tượng hình: hình của một mảnh đất nhỏ (cù lao – biểu tượng là các vòng tròn hay chấm nhỏ) nổi lên giữa dòng nước (sông). Nghĩa nguyên thuỷ của chu còn thấy trong TVGT, tài liệu này từng ghi chu là 水中可居曰州 thuỷ trung khả cư viết chu (hàm ý chu là một bãi đất/đảo nhỏ/cù lao trong dòng sông/nước mà có thể ở được/NCT). Sau đó, chu mở rộng nghĩa để chỉ đơn vị hành chánh thời cổ đại và thêm bộ thuỷ cho rõ ý – các khu vực hành chánh thời trước thường có các giới hạn bởi những mức rào thiên nhiên như sông hay núi. Hồng Đức Bản Đồ còn dùng chu như một đơn vị nhỏ hơn phủ (hay huyện) nhưng lại có nghĩa là cái cồn hay bãi sông tách khỏi đất liền, td. phủ Quốc Oai có 5 huyện, huyện Đan Phụng có 55 xã, 1 thôn và 5 chu (cồn), v.v. Học giả Đào Duy Anh (Hán Việt Từ Điển, sđd) cũng từng nhận xét là khi xưa chu/châu thì to, nay thì nhỏ hơn huyện, chu còn là đại lục.

1.2 Chữ châu là loại chữ hình thanh (thanh mẫu chương 章 vận mẫu ngu 虞 bình thanh, hợp khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

章俱切 chương câu thiết (TVGT, ĐV, QV)

之俞切 chi du thiết (NT, TTTH)

鍾輸切 chung thâu thiết (TV, LT)

TNAV ghi vận bộ 魚模 ngư mô (dương bình)

CV ghi cùng vần/bình thanh 諸 䃴 蠩 豬 櫫 渚 朱 珠 株 邾 誅 列 禂 蛛 跦 袾 祩 咮 侏 (chư trư châu/chu chu *liệt trù)

專于切,音朱 chuyên vu thiết, âm chu (CV)

專於切,音諸 chuyên ư thiết, âm chư (TVi, CTT) – chư 諸 đọc là zhū (giọng BK bây giờ) cũng như chu/châu 珠

叶音周 hiệp âm chu (VB), v.v.

Giọng BK bây giờ là zhū so với giọng Quảng Đông zyu1 và các giọng Mân Nam 客家话: [宝安腔] zu1 [客语拼音字汇] zu1 [海陆丰腔] zhu1 [东莞腔] zu1 [沙头角腔] zu1 [客英字典] zhu1 [陆丰腔] zhu1 [梅县腔] zu1 [台湾四县腔] zu1, giọng Mân Nam/Đài Loan chu1, tiếng Nhật shu và tiếng Hàn cwu. Một dạng âm cổ phục nguyên của châu là *tɕĭu (gần với âm chua thời VBL) – xem thêm các chi tiết ở phần dưới cho thấy chu (hay *chiu) là âm cổ hơn so với châu – phù hợp với các cách đọc cổ theo phiên thiết và các dữ liệu về âm vận. Châu 珠 có nghĩa là ngọc trai, thường gọi là trân châu 珍珠 hoặc chân châu 真珠.

1.3 Chữ cưu hay 鳥巨[3] là loại chữ hình thanh (thanh mẫu kiến 見 vận mẫu vưu 尤 bình thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

居求切 cư cầu thiết (TVGT, ĐV, QV) – TVGT ghi 鳩,从鳥九聲 cưu, tòng điểu cửu thanh

居求反 cư cầu phản (LKTG)

居牛切 cư ngưu thiết (NT)

居尤切,九平聲 cư vưu thiết, cửu bình thanh (TV, LT, CV, TVi)

渠尤切,音裘 cừ vưu thiết, âm cừu (VH, KH)

TNAV ghi vận bộ 尤侯 vưu hầu (dương bình)

CV ghi cùng vần/bình thanh 鳩 九 捄 樛 繆 朻 艽 (cưu cừu cù cừu)

斤於切,音居 cân ư thiết, âm cư (KH)

几牛切 kỉ ngưu thiết (TTTH)

Giọng BK bây giờ là jiū (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông kau1, gau1 và các giọng Mân Nam 客家话:[海陆丰腔] kieu1 [客英字典] chim2 geu1 [台湾四县腔] kieu1 [陆丰腔] gu1 [客语拼音字汇] geu1 [梅县腔] geu1 [东莞腔] giu1 [宝安腔] giu1, tiếng Nhật là ku và tiếng Hàn ku gu; để ý chỉ có giọng Quảng Đông mới có khuynh hướng đọc với âm -au. Một dạng âm trung cổ phục nguyên của cưu là *kiəu và một dạng âm thượng cổ phục nguyên là *ku. Âm này rất gần với âm thanh đặc thù phát ra từ loài bồ câu, do đó không ngạc nhiên khi các âm cu, cô, cưu, câu này được dùng làm danh từ chỉ loài chim bồ câu hay một loài chim liên hệ nào đó (có tiếng kêu phát ra giống như cu cu); mục 8 bên dưới sẽ đi sâu vào chi tiết hơn. Tiếng Trung (Quốc) không dùng cưu thường so với chữ cáp 鴿 hay 鴿子 cáp tử là chim bồ câu, 野鴿 dã cáp là loài bồ câu rừng hay ăn hại lúa, gia cáp 家鴿 (loài bồ câu thuần hoá, bồ câu nhà) đi xa nhưng biết đường về, dùng để đưa thơ, v.v.

2. Nhà Chu và Bố Chính chu trong VBL

Chu xuất hiện hai lần trong VBL qua các cách dùng nhà Chu 周 (chu không viết hoa) và Bố Chính chu 州 (Bố Chính không viết hoa) trang 115:

image

Không phải ngẫu nhiên mà tiếng Việt còn duy trì dạng chu cho đến ngày nay: đây là khuynh hướng bảo lưu âm cổ hơn so với triều đại phong kiến (nhà Chu 周) trong lịch sử cổ đại Trung Quốc. Trong mục chu thứ nhì, VBL đã ghi nhận khá chính xác là chu không có vị thế ngang hàng với xứ (provinicia[4]/L) – điều này phù hợp với cách gọi chu (châu trong tiếng Việt hiện đại) là các đơn vị hành chánh đổi từ trấn, thừa tuyên thành xứ (như thừa tuyên Sơn Nam thành xứ Sơn Nam năm Hồng Đức thứ 21); và lộ đổi thành phủ vào thời vua Lê Thánh Tôn (năm Quang Thuận thứ 7). Nên nhắc ở đây là trong VBL không có dạng châu (ngọc) nhưng có ghi chậu (chậu đất), châu chấu (cái chấu ~ con châu chấu[5]) và chầu (gặp vua hay chúa). Xem cách dùng chua báo (> châu báo trong tiếng Việt hiện đại) trong VBL bên dưới:

image

VBL trang 27 – không có dạng châu

image

VBL trang 117

image

VBL trang 830

Mục 8 bên dưới sẽ bàn thêm chi tiết về dạng chua (thay vì châu như tiếng Việt hiện đại).

3. Chu trong tài liệu viết tay của Bentô Thiện và Igesico Văn Tín (1659)

Dạng chu xuất hiện nhiều lần trong tài liệu chép tay của Bentô Thiện (1659), thí dụ như bảng tổng kết sau đây về các đơn vị hành chánh (phủ, huyện, chu, xã) viết lại vào năm 1659

image

Viết theo chánh tả hiện nay là "Cả và thiên hạ[6] năm mươi mốt phủ, một trăm bảy mươi hai huyện, bốn mươi tám chu, bảy nghìn chín trăm tám mươi bảy xã" (thư chép tay của Bentô Thiện năm 1659). Trong bản chép tay này có các địa danh Diễn Chu, Khoái Chu và Quế Chu đều dùng dạng chu (xuất hiện 1 lần); so với danh xưng Mỵ Chu chỉ xuất hiện hai lần trong tài liệu chép tay về lịch sử Việt Nam:

image

 

Dòng đầu là "Con gái tên là mị chu, Vua triệu vũ hoàng thì có con trai tên là trọng thĩ, mà triệu vũ giả (nghĩa làm hoà thuận–)": để ý chữ vua có khi Bentô Thiện viết tắt là B. (b hoa và dấu chấm ~ Bua, nhưng có khi viết là Bua hay *bua – ꞗua) và các tên riêng không viết hoa như qui ước hiện nay.

image

Chữ B. (b hoa), b và u (~ v hiện đại)

image

Bentô Thiện còn ghi tên con gái của vua Hùng Vương sau cùng là Mị Chu, khác với các tài liệu như Việt Điện U Linh Tập, Lĩnh Nam Chích Quái, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đều ghi là Mỵ Nương. Điều này cho thấy hai nhân vật này tuy ‘khác nhau’ nhưng lại cùng tên gọi[7] (theo Bentô Thiện), so sánh với tên gọi Mị Chu (xu/thu) 媚姝 trong Thiên Nam Ngữ Lục:

Trích từ trang này http://sachbaovn.vn/doc-truc-tuyen/sach/thien-nam-ngu-luc-MTkwRDRC

Bức thư viết tay của Igesico Văn Tín (1659) cũng ghi chu trong cách dùng "văn hương (hoàn?) chu" trong dòng thứ hai trong đoạn chụp lại bên dưới:

image

4. Chu (châu) trong Truyền Kì Mạn Lục

Dựa vào bài thơ chữ Hán trong Truyền Kì Mạn Lục, chữ 洲 hợp với vần u (td. du, phù) với độ mở miệng nhỏ – khác với vần châu với độ mở miệng lớn hơn:

image

Trích từ trang 124 Truyền Kì Mạn Lục, bản dịch của Trúc Khê Ngô Văn Triện (NXB Tân Việt, Sài Gòn 1952). Để ý học giả Trúc Khê đã dùng dạng châu thay vì chu, đây là tiếng Việt hiện đại! Tương tư, như trên, chữ 州 hợp với vần chu với độ mở miệng nhỏ (td. sư, độ) khác với vần châu:

image

Trích từ trang 227 Truyền Kì Mạn Lục (sđd).

5. Các âm đọc chữ – trong Thiên Nam Ngữ Lục/TNNL

TNNL soạn theo thể lục bát cho nên dựa vào các vần trong tài liệu này[8] mà ta có thể phục nguyên âm đọc các chữ như 州 hay chữ có thanh phù là 朱 hay 周 khá chính xác. Thời kì TNNL xuất hiện (khoảng cuối TK 17) cũng không khác xa thời kì VBL ra đời (năm 1651) và niên đại tài liệu chép tay về lịch sử VN của Bentô Thiện (năm 1659). Như vật là TNNL – xuất hiện vào khảng cuối TK 17 – có khoảng 18% trường hợp dùng dạng châu (thay vì chu), so với các tài liệu bằng chữ quốc ngữ trước đó. Xem các vần dựa vào vần chu 州 – trích hai đoạn tiêu biểu: td. câu 206-211 và câu 3416-3421

image

image

 

Các câu thơ lục bát trên cho thấy chữ 州 nên đọc là chu thì mới hợp vận: các nguyên âm ô (td. đồ) và u (td. thu) đều có độ mở miệng nhỏ so với âu có độ mở lớn hơn. Trong 39 trường hợp dùng chu/châu trong TNNL để kí âm các chữ 州 珠 朱 và 周, dựa vào âm vận thì có 7 trường hợp chu có khả năng đọc thành châu – khác với dạng chu đã ghi ở trên (td. Các câu 213, 3536 dùng Phong Châu 峯州 nếu đọc là Phong Chu thì hợp vận hơn).

6. Chu/châu/phủ trong các bản đồ cổ Trung Quốc ghi bằng mẫu tự La Tinh

Các cách đọc của 州 và 府 được kí âm bằng Fu (~ phủ tiếng Việt) và cheu hay ceu, cev (~ chu hay *chju với độ mở miệng nhỏ – không phải là âm châu với độ mở miệng lớn) trong các bản đồ Tây phương vào TK 17 – các cách dùng này xuất hiện rất nhiều trong bản đồ. Để ý vào giữa TK 17, các cách đọc là HAYNAM (~ Hải Nam[9], phụ âm cuối -m chưa đổi thành -n như hiện nay > Hainan 海南), HO NAM (~ Hồ Nam), DVMQVIM (~ DUMQUIN là Đông Kinh hay Kẻ Chợ – bản đồ có hoạ hình "nhà lầu/đô thị" bên trái của sông Hồng). Một bản đồ tượng trưng cho các ghi nhận trên được chụp lại ở bên dưới: vẽ bởi Nicolas Sanson (1600-1667) vào năm 1656, ông là một nhà chuyên vẽ bản đồ cho hoàng gia Pháp.

image

Trích từ trang https://www.raremaps.com/gallery/detail/50420/la-chine-royaume-1656-sanson

7. Bùi Chu trong một tài liệu chữ Nôm

7.1 Trong một tài liệu viết bằng chữ Nôm (viết tắt là TLN) còn lưu giữ tại thư viện Toà Thánh La Mã, một số địa danh (giáo xứ) cổ còn thấy ghi bằng chữ Nôm và chữ quốc ngữ trong thời phôi thai như Kiên Lao, Bùi Chu, Kẻ Sét– Dữ kiện đặc biệt liên hệ đến bài viết này là địa danh Bùi Chu xuất hiện qua các dạng chữ Nôm 裴州 và chữ quốc ngữ bùi chu (không viết hoa) và Bùi chu (viết hoa chữ Bùi) – để ý chữ 州 đọc là chu:

image

Trang 5r chụp lại từ TLN (tài liệu chữ Nôm Borg.tonch.29).

Tài liệu bằng chữ Nôm trên có khả năng soạn vào năm 1683 hay trước đó (< tiếng La Tinh ở phần cuối ghi anno mille sino sexentesimo octogensimo tertio), cũng như có ghi tên vị linh mục người Việt đầu tiên[10] Simon Kiên ở địa phận Kiên Lao 坚牢.

7.2 Bùi Chu cũng được LM Philiphê Bỉnh nhắc đến nhiều lần trong tài liệu viết tay Sách Sổ Sang Chép Các Việc (viết tắt là SSS): có lúc dùng (nhà, nhà thờ) Bùi Chu, làng Bùi Chu và có lúc dùng Kẻ Bùi (hai lần). Ông rất quen thuộc với địa phương Bùi Chu khi vào tu Dòng Tên ở đây (1787), cũng như từng qua lại và làm lễ nhiều lần ở nhà thờ này:

image

Trang 90 SSS

8. Chu > chua vào thời VBL

VBL ghi rõ chua báo (thay vì châu báo) 3 lần trong VBL, tương ứng với cách dùng châu bảo HV 珠寶. Dạng chua (chữ Nôm vẫn dùng chu HV 珠) không khó giải thích khi so sánh cách dùng chủ HV – chúa (dấu ấn ngôn ngữ của tình hình chính trị vào thời VBL: vua Lê chúa Trịnh/chúa Nguyễn) và các tương quan sau đây

主 chủ – chúa

驅 khu – khua

捕 bộ – bủa (vây)

斧 phủ – búa

府 phủ – búa – bủa (bủa vây)

符 phù – bùa (một dạng âm cổ phục nguyên là *bu)

寡負 quả phụ – góa bụa

布 *bu/pu/puo bố HV – bua: VBL từng ghi dạng bua hay ꞗua (là vua, vết tích còn trong cách dùng phân bua), và dựa vào thành phần hài thanh của chữ vua (các từ Nôm cổ) như dùng bố (một dạng âm cổ là *puo) – cho nên *bố là một dạng âm cổ của vua (td. Bố Cái Đại Vương). Tiếng Mường Bi vẫn còn dùng dạng bua hay pua chỉ vua, pùa là bùa–

敺 (樞) [khu] xu – xua (đuổi)

註 chú – chua (chua con là viết chữ nhỏ hơn để giải thích bản văn chính viết bằng con chữ lớn hơn – theo VBL)

趨 xu – hùa

盂 vu – vùa

諛 du – dua (a du 阿諛 – a dua)

庾 dữu – *vụa > vựa (tiếng Việt hiện đại) vần dữu dùng bởi ĐV/QV/TV/LT/CV

務 vụ – mùa

舞 vũ – múa (để ý tương quan thanh điệu: tiếng Việt không dùng *vủ – vũ – múa so với chủ – chúa, phủ – búa)

珠 chu – chua > châu , v.v.

Tới thời LM Philiphê Bỉnh (1759-1833) thì cụm danh từ chua báo vẫn hiện diện, nhưng ông có lúc dùng châu trong các ngữ cảnh khác nhau như tên người, thành ngữ tân như quế mễ như châu (tiếng Việt cận đại thường dùng gạo châu củi quế). Cùng vào thời kì này, LM Morrone cũng ghi nhận cách dùng chua báo là tối nghĩa (ambigua/L) trong mục chua (chua chát, của trái chua):

image

Trích từ Lexicon Cochin-sinense Latinum (LM Morrone, sđd)

Chua báo còn hiện diện đến thời Béhaine (1772/1773), Taberd (1838) và Theurel (1877). Génibrel (1898, Đàng Trong) nhưng không thấy dùng ở Đàng Ngoài nữa (td. Vallot, Ravier/Dronet–). Như vậy là vào thời VBL chu đã đọc là chua, một dạng cổ trung gian, mà bây giờ không còn dùng nữa cũng như dạng trung gian mựa (< vô 毋 *mo), bua (~ vua), đam (~ đem), lờ (~ lời – lãi), mlời (~ nhời, lời), v.v.

9. Dĩ chu tầm chu, dĩ mã tầm mã (LM Philiphê Bỉnh)

9.1 Thành ngữ dĩ chu tầm chu, dĩ mã tầm mã xuất hiện một lần trong trang 41 (SSS). Người viết có thể hiểu được các từ HV như dĩ 以 (theo, vì), tầm 尋 (tìm), mã 馬 (ngựa), nhưng không rõ chu phải hiểu như thế nào theo cách dùng của LM Philiphê Bỉnh:

image

Trang 41 SSS

Nếu giới hạn vào các (loài) sinh vật, chu có thể là người lùn như trong cách dùng 侏儒 (chu nho) hay cũng có thể là 鴸 (chu, loài chim huyền thoại giống loài cú) hay 鵃 chu HV, một loài chim bồ câu hay bồ các, diều hâu… Vấn đề trở nên phức tạp khi chữ hiếm chu dùng để chỉ loài bồ câu nào trong họ bồ câu (td. có tới 344 loài, 13 loài đã tuyệt chủng), một chủ đề thú vị nhưng không nằm trong phạm vi bài này. Đây cũng là các từ HV rất ít dùng với nét nghĩa không rõ ràng cho lắm, tuy nhiên dựa vào tính chất hợp đoàn của động vật xã hội, thì loài bồ câu có khả năng cao là danh từ thích hợp dùng cho thành ngữ trên. Một trường hợp nữa nên nhắc ở đây là danh từ thư cưu 雎鳩 chỉ một loài cu (bồ câu) luôn đi thành cặp/vợ chồng chẳng hạn – xem thêm phụ trương 2. Thành ra chữ hiếm chu HV 鵃 có thể là ý của câu nói trên (theo Philiphê Bỉnh). Các dữ kiện khác hỗ trợ cho nhận xét trên là Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa[11] trang 176 từng ghi chu điểu là chim cu (một loại bồ câu, chu cũng viết là 鵃), và Đại Nam Quấc Âm Tự Vị trang 158 (1895, sđd) ghi chu chu (từ láy toàn phần với chu viết là 朱)là loài chim bồ câu lớn, so với Gustave Hue (1937, sđd) lại ghi chu là loài bồ câu có đuôi lớn.

image

Valot (1898, sđd) phản ánh ngôn ngữ ở Đàng Ngoài.

So sánh các định nghĩa của tourterelle: Đào Duy Anh thì dịch là chim cu đất, cu sen; Trương Vĩnh Ký thì dịch là bò-câu đất; Ravier/Dronet ghi là chim cu, chim gáy, chim ngói. Tourterelle (danh tự giống cái/feminine) tiếng Pháp lại có gốc là turturella hay turturilla, với hậu tố -ella/illa hàm ý nhỏ (bé) hợp với tiếng La Tinh turtur (chim cu, bồ cu – VBL trang 136, xem hình chụp ở phụ trương mục 3). Các dạng tiếng Pháp khác (giống đực) là tourtereau, tourte– Các tiếng khác cùng một ngữ căn La Tinh turtur là turturino (Bồ Đào Nha), turtură, turturea (Romania), tórtola (Tây Ban Nha), turtle (tiếng Anh cổ, bây giờ không còn dùng nữa – khác với dạng turtle nghĩa là con rùa), Turtel, Turteltaube (tiếng Đức)–

image

Petit dictionnaire français annamite (TV Ký).

Khuynh hướng biến âm chu – châu (trâu) như đã phân tích ở phần trên – có thể đã đóng góp vào quá trình hình thành câu nói ngưu tầm ngư, mã tầm mã duy trì các dạng HV tương ứng trong tiếng Việt hiện đại và qua kí ức dân gian. Một dữ kiện cần nhắc ở đây là tiếng Nhật ku (viết là cưu HV 鳩) nghĩa là chim bồ câu[12] so với tiếng Hàn ku hay gu. Âm *ku hay *ko còn thấy trong chữ hiếm cô 鴣 là bồ câu trong tiếng Trung Hoa ở Đài Loan, vết tích nét nghĩa này còn thấy trong cách dùng bột cô 鵓鴣 (một loài bồ câu) còn gọi là 勃姑, chúc cưu 祝鳩, thủy bột cô 水鵓鴣 hay chá cô 鷓鴣 (chim đa đa). Không những thế, cưu khi là động từ còn có nghĩa là tụ họp (thành nhóm) cho thấy tính chất hợp quần[13] của loài bồ câu.

9.2 Bàn thêm về liên hệ ngữ âm cu – câu – cưu và chu

Ngôn ngữ con người thường có khuynh hướng biến âm như xát hoá và ngạc cứng hoá của phụ âm mạnh (strong consonant) cuối lưỡi k- để cho ra các phụ âm mềm ch/gi/s/x. Thí dụ như trong loại hình ngôn ngữ Ấn Âu có nhóm centum duy trì âm k- như trong cách đọc centum (c đọc như k hay c trong tiếng Việt hiện nay): đọc là /ˈkɛn̪t̪ʊ̃ˑ/ (gần như là ‘kén tơm’ tiếng Việt) nghĩa là 100; so với nhóm satem đọc satem là /ˈsä-təm/ (gần như là ‘xá tờm’ tiếng Việt) – cũng có nghĩa là 100. Sự phân biệt hai phụ âm đầu k- và s- này xẩy ra vào khoảng 3 thiên niên kỉ TCN, tuy nhiên cần nhắc ở đây là sau đó một số ngôn ngữ (loại centum) còn phân hoá thêm theo khuynh hướng xát hoá như tiếng Pháp (nhánh La Mã/Romance language) cent từng đọc với âm k- nhưng đã đổi thành s- (cent đọc gần như là ‘săng’ trong tiếng Việt với mũi hoá). Thí dụ các ngôn ngữ centum là tiếng Anh, La Tinh, Ý, Hi Lạp, Slavic (thường thuộc về phía tây hay tây nam Âu Châu) so với các ngôn ngữ satem[14] là tiếng Phạn (Sanskrit), Ba Tư, Armenian (thường thuộc về phía đông Âu Châu).

Trở lại với tiếng Việt, ngoài các tương quan k-gi như gian 間 – căn, giảm 減 – kém, giam 監 – khám, giái – giới 介 – cõi, giải 解 – cải, cởi, cổi, gỡ– giải 蟹 – cua thì còn có các liên hệ k – ch – x/s như bảng so sánh sau đây khi nhìn rộng ra:

cặp – kẹp – giáp 夾 – gắp – chắp – chặp – xáp

cắt – cát 割 – gặt – gọt – chặt – xắt

công 公 – cùng – chung – xung (chung quanh > xung quanh)

công (kong Quảng Đông) – không (Mường Bi) – *k(r)ong – giang HV 江 – sông

quăn – quấn – quyền 捲 – cuốn – cuộn – xoăn – xoắn

ken – chen – len – xen

kéo (kéo đi/VBL trang 357) – xéo ("Nó xéo mất rồi" VNTĐ)

kéo – giảo 鉸 – chéo – xéo – xẻo (hai miếng chéo nhau mới làm thành cái kéo cắt/NCT)

căng – chăng – giăng – săn (săn da, săn thịt VNTĐ); so với khang 控 (giương cung, có thanh phù không 空 ~ giăng – chăng)

cu – cô 鴣 – câu – cưu 鳩 – chu 鵃 (một loài chim bồ câu)

v.v.

Thành ra, không phải ngẫu nhiên mà cu có khả năng liên hệ đến câu, chu và gù như đã ghi nhận bên trên, cũng như loài (chim) gù ghì (gầm ghì). Tiếng Pọng/Chứt/Malieng có danh từ kuku: là chim bồ câu[15], tiếng Mường Bi cù là bồ câu, tiếng Thà Vựng paku:, tiếng Malieng (Bro) təku:, tiếng West-Bahnaric *kur ~ *kər– Do đó ta có cơ sở để phục nguyên âm cổ của câu là *ku. Dạng âm cổ này còn liên hệ đến tiếng kêu đặc biệt của loài chim này[16]: phản ánh qua cách diễn đạt tiếng kêu này trong ngôn ngữ như gù (tiếng chim bồ câu đực đến gần con cái/VNTĐ, chim gù ghì), gu (tiếng Thổ Nhĩ Kì, có lúc láy toàn phần thành gu gu), coo (tiếng Anh), guli (tiếng Nga), tiếng Norman (bắc nước Pháp) bồ câu là coucouroux–, v.v.

Một điều đáng chú ý ở đây là tuy VBL ghi các cách dùng tương đương dù mà – dầu mà, cu liêm – câu liêm, thu – thâu nhưng cũng ghi sự khác biệt giữa bồ cu (turtur La Tinh, chim cu) và bồ câu (columba La Tinh, chim câu/PGTN). Một nguyên nhân khiến VBL và các giáo sĩ CG nói chung chú trọng đến loài bồ câu có lẽ vì liên hệ đến câu chuyện ông Noe và gia đình đóng tàu để sống qua nạn Đại hồng thuỷ (từ Thánh Kinh). Ông Noe thả chim bồ câu lần đầu thì không thấy gì, lần sau thì chúng bay trở lại tàu và mang trên mỏ những chiếc lá xanh mà chúng cắp được từ những cây Ôliu: nhờ đó mà ông biết nước lũ đã rút và cây cối đã mọc trở lại hay có sự sống ở ngoài tàu. Chữ Nôm trong Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa/CNNAGN cũng cho thấy hai dạng cu và câu có khác nhau: cu viết bằng chữ câu HV 俱 (pinyin đọc là jù, một dạng âm trung cổ là *kio với độ mở miệng nhỏ), còn câu thì dùng chữ câu[17] HV 勾 (pinyin là gōu, một dạng âm trung cổ là *kəu với độ mở miệng rộng) – trích từ trang 174 (CNNAGN – Hoàng Thị Ngọ khảo cứu/phiên âm/chú giải sđd):

Gia cáp hiệu rằng là chim bồ câu (勾)

Dương điểu chim nhạn thu hầu lá thư

Cưu bột là chim bồ cu (俱)

Làm tổ lệch lạc gáy cu như gù

Các dữ kiện khác hỗ trợ cho dạng *ku cho ra dạng cu và câu là tiếng Mường Bi còn dùng củ để chỉ con gấu và cũ để chỉ cậu – thời VBL còn dùng các dạng gủ và gấu tương đương (xem hình chụp bên dưới). Trâu có dạng tlâu (VBL), tiếng Mường Bi là tlu và một dạng âm cổ phục nguyên (proto Vietic) là *k-lu. Sâu (không cạn) tiếng Mường Bi là khu, phương ngữ Nghệ An/Hà Tĩnh là su, một dạng âm cổ phục nguyên là *k-ru, v.v.

image

VBL trang 299

Thời VBL còn ghi cách dùng tương đương dù mà – dầu mà, cu liêm – câu liêm, thu – thâu– Tóm lại, các dữ kiện trên cho ta cơ sở kết luận một dạng âm cổ của -âu là -u, giải thích tại sao chu và cu là âm cổ của châu và câu cũng như cách dùng Điền Chu trong phần sau.

10. Điền Chu > Điền Châu

Điền Chu là địa danh thời Đường tại Đô Cứu Huyện 都救县, bây giờ trong Điền Dương huyện thuộc khu tự trị của dân tộc Choang (Quảng Tây). Điền Chu là xuất xứ của gia đình Sầm Nghi Đống (dân tộc Tráng), và ông từng làm thái thú Điền Chu trước khi sang xâm lăng Đại Việt cùng với Tổng Đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị. LM Philiphê Bỉnh đã từng ghi nhận cách đọc Điền Chu một lần trong Sách Sổ Sang Chép Các Việc (viết tắt là SSS, trang 469 – xem hình chụp bên dưới) và một lần trong Truyện Nước An Nam Đàng Trong quyển nhị (trang 178). Trong đoạn chụp lại ở bên dưới thì chú cống[18] là cách gọi đặc biệt chỉ người Tàu (td. chú chệch trong tiếng Việt cận đại), ngoài ra có các dữ liệu như Sầm Nghi Đống thắt cổ trên cành cây và có 24 vạn quân[19] Đại Minh (quân Thanh) chết đuối ở sông Bồ Đề[20] (sông Hồng) – có lẽ chi tiết này không chính xác cho lắm, chỉ hàm ý là có nhiều quân Tàu chết đuối. Các ghi nhận của LM Philiphê Bỉnh rất đáng chú ý vì các sự kiện này xẩy ra khi ông còn ở Đàng Ngoài: ông là một chứng nhân lịch sử của bản địa. Đây là một chủ đề đáng được khai thác chi tiết hơn nhưng không nằm trong phạm vi bài viết này.

image

SSS trang 469

Điều này còn cho thấy chữ 州 có khả năng rất cao vẫn là âm chu vào cuối TK 18 và đầu TK 19 dựa vào tài liệu chữ quốc ngữ, phù hợp với cách đọc này từ thời VBL (xem bên trên). Tiếng Việt hiện đại đều đọc Điền Chu là Điền Châu.

Một điểm nên nhắc ở đây là các cách đọc Á Châu, Âu Châu, Mỹ/Mĩ Châu– đều là âm cận đại khi chu đã đổi thành châu. Thí dụ như Á Châu từng là A Tế Á Châu 亞細亞洲 hay Á Tây Á Châu 亞西亞洲 (kí âm của tiếng La Tinh Asia, âm HV đi xa hơn dạng kí âm của tiếng Hán vì biến âm s > t) – đây là dạng kí âm vào năm 1582 của LM Dòng Tên Matteo Ricci khi sang TQ truyền đạo. Tiếng Việt từ TK 19 về trước[21] thường gọi Á Châu là phương Đông, Âu Châu[22] là phương Tây, Mỹ Châu là Thế Giới (Giái) Mới, v.v.

Tóm lại, qua các tài liệu bằng chữ quốc ngữ từ TK 17, âm châu đã từng là chu như trong các tên người và địa phương Mỵ Chu (Mỵ Châu), Điền Chu (Điền Châu), Diễn Chu (Diễn Châu), Phong Chu (Phong Châu), chu Bố Chính– Ít người biết bồ cu (chim cu) và bồ câu (chim câu) là hai loài chim khác nhau vào thời LM de Rhodes. VBL trang 136 chỉ ghi cu và chấm cu chứ không thấy dùng câu/chấm câu cho mãi đến gần cuối TK 18, td. Béhaine (1772/1773), Philiphê Bỉnh (bản chép lại phần Việt Bồ từ VBL, 1797), Taberd (1838) và Theurel (1877). Quá trình mở rộng nguyên âm u thành âu còn thấy khi so sánh tiếng Mường và tiếng Việt, dẫn đến các dạng cổ hơn của câu là cu, gấu là gủ. Điều này phù hợp với quá trình biến âm Hán Việt như thu > thâu, cú > câu, tu > râu– Hi vọng bài này gợi ý cho người đọc tìm hiểu sâu xa hơn về lịch sử tiếng Việt từ TK 17, đặc biệt là các quá trình biến âm mà nhiều khi rất dễ lẫn lộn với phương ngữ và ảnh hưởng của hiện tượng kị huý[23].

11. Tài liệu tham khảo chính

1) Đào Duy Anh (1931) "Hán Việt Từ Điển" NXB Trường Thi, in lần thứ ba (1957, Sài Gòn)

(1936) "Pháp Việt Từ Điển" NXB Trường Thi, in lần thứ tư (1957, Sài Gòn)

2) Philiphê Bỉnh (1822) “Sách Sổ Sang Chép Các Việc” NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.

(1822…) “Phép Giảng Tám Ngày”, “Truyện nước Anam Đàng trong quyển nhị”… Các tài liệu viết tay của chính tác giả còn lưu trữ trong thư viện tòa thánh La Mã.

3) Đỗ Quang Chính sj (2003) "Nhìn lại Giáo Hội hòa mình trong xã hội Việt Nam" – có thể đọc toàn bài trên trang này https://dongten.net/nhin-l%e1%ba%a1i-giao-h%e1%bb%99i-hoa-minh-trong-xa-h%e1%bb%99i-vi%e1%bb%87t-nam/6/

(1972) “Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659” NXB Đuốc Sáng (Sài Gòn).

4) Huỳnh Tịnh Của (1895-1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II – Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d’Adran (Sài Gòn).

5) Lã Minh Hằng (2013) "Khảo cứu từ điển song ngữ Hán – Việt: Đại Nam quốc ngữ – nguyên bản Nguyễn Văn San" Hà Nội – NXB Đại học Quốc gia Hà Nội

6) Nguyễn Quang Hồng (2015) “Tự điển chữ Nôm dẫn giải” Tập 1 và 2 – NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).

7) Gustave Hue (1937) "Dictionnaire annamite-chinois-français" Imprimerie Trung-hoà – NXB Khai Trí (Sài Gòn) in lại năm 1971 theo bản gốc năm 1937

8) Nguyễn Văn Khang (Chủ biên), Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành (2002) "Từ điển Mường Việt" NXB Văn Hóa Dân Tộc (Hà Nội).

9) Đinh Gia Khánh/Nguyễn Lương Ngọc (1958) "Thiên Nam Ngữ Lục – Diễn ca lịch sử" Cục Xuất Bản – Bộ Văn Hoá – NXB Văn Hoá (Hà Nội, 1958).

10) Trương Vĩnh Ký J.B.P. (1884, 1920) "Petit dictionnaire français annamite" Imprimerie de l’union Nguyễn Văn Của (Sài Gòn).

11) Josepho Maria Morrone (khoảng đầu TK 19) “Lexicon Cochin-sinense Latinum” đăng trong cuốn “A Dissertation on the nature and character of the Chinese system of writing” viết bởi nhà ngôn ngữ Mỹ Peter Stephen Du Ponceau (1838), in lại bởi NXB Kessinger Publishing. Kèm thêm bảng từ vựng căn bản có 333 chữ Nôm và chữ quốc ngữ với giải thích.

12) Hoàng Thị Ngọ (1999) “Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh” NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội).

(2016) “Từ điển song ngữ Hán Việt: Chỉ nam Ngọc âm giải nghĩa” khảo cứu, phiên âm, chú giải/Hoàng Thị Ngọ – NXB Văn Học (Hà Nội).

13) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

“Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646” dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

14) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – “Dictionarium Annamitico-Latinum” Serampore (Bengale) và cuốn tự điển La Tinh – Việt (1838).

15) J. S. Theurel (1877) “Dictionarum Anamitico-Latinum” LM Theurel ghi nhận LM Taberd khởi thảo và ông cố tình ‘bổ sung’ ngay trong cách giới thiệu trang đầu, (td. hàm ý các cách dùng Đàng Ngoài khác với Đàng Trong/NCT) – Ninh Phú (Đàng Ngoài).

16) Nguyễn Cung Thông (2020) Loạt bài viết như "Tiếng Việt thời LM de Rhodes – “Phổ Kiến (Phúc Kiến), Chincheo và Varella…” (phần 23)" – có thể đọc toàn bài trên trang https://nghiencuulichsu.com/2020/07/30/tieng-viet-thoi-lm-de-rhodes-pho-kien-phuc-kien-chincheo-va-varella-phan-23/

17) Pierre-Gabriel Vallot (1898) “Dictionnaire franco-tonkinois illustré” NXB F.H. Schneider (Hà Nội).

(1905) “Grammaire Annamite à l’Usage des français de l’Annam Et Du Tonkin” Imprimeur-Éditeur F. H. Schneider, Hanoi.

(1904) Petit dictionnaire annamite-français – tái bản đợt nhì – Imprimeur-Éditeur F. H. Schneider (Hanoi)

18) Vietnamese Missionaries in Asia (2005?) "Lược sử Giáo Phận Bùi Chu" dựa theo Niên Giám 2005 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam (2005) – có thể đọc toàn bài trên mạng như http://vntaiwan.catholic.org.tw/vnchurch/lsbuichu.htm, v.v.

Phụ Trương

1. Trang cuối gồm có chữ La Tinh, chữ Nôm và chữ quốc ngữ (td. Bùi Chu, Lí Thành, Văn Tân) trích từ tài liệu lưu trữ ở Thư Viện Toà Thánh La Mã (khoảng 1683, sđd):

image

 

2. Thêm vài chi tiết về chữ cưu

Thư cưu từng xuất hiện trong bài Quan thư – bài thơ tình đầu tiên trong Kinh Thi như trích ở bên dưới – tài liệu này cách đây ít nhất 2600 năm. Như đã bàn ở trên, danh từ (chim) cưu có phạm trù nghĩa khá rộng và một phần liên hệ đến loài bồ câu sống thành đoàn, trong trường hợp thư cưu thì thường sống thành cặp (trống và mái) – còn theo học giả Chu Hy thì thư cưu[24] là loài chim nước, loài chim này còn có một tên khác nữa là “vương thư”, hình dạng giống như chim phù y, chúng thường xuất hiện ở khoảng sôngTrường giang và sông Hoài. Chim này sống có đôi nhất định, người ta chưa hề thấy chúng sống lẻ loi hay sống dư cặp. Chúng thường lội chung, tình ý đậm đà nhưng không hề lả lơi. Bài thơ Quan thư có vần cuối là âm u (hay iu) với độ mở miệng nhỏ, để ý âm cổ của cầu là *cù. Văn Đa Cư Sĩ (Nguyễn Văn San) từng giải thích cưu là bồ câu rừng cũng như thư cưu (trang 291, Đại Nam Quốc Ngữ – Lã Minh Hằng khảo, phiên, dịch, chú sđd). Học giả Nguyễn Văn San đã đề nghị khả năng chữ Nôm từng xuất hiện từ thời Sĩ Nhiếp (137 – 226) khi ông cố gắng dịch kinh điển Trung Hoa sang tiếng Việt bản địa bằng cách dùng chữ Hán đương thời, nhưng gặp ‘khó khăn’ khi dịch các danh từ như thư cưu 雎 鳩 và dương đào 羊桃.

關雎 Quan thư

關關雎鳩、

在河之洲。

窈窕淑女、

君子好逑。

Quan quan thư *cu, (*cu > cưu)

Tại hà chi chu.

Yểu điệu thục nữ,

Quân tử hảo *cù. (*cù > cầu)

Phỏng dịch (Nguyễn Cung Thông 4/2023)

Tiếng chim gù ghì

Trên cồn mê li

Cô nàng thuỳ mị

Anh chàng như si.

3. Bồ cu khác với bồ câu (VBL)

VBL ghi rõ ràng bồ cu là turtur (chim cu) khác với bồ câu (columba):

image

VBL trang 47

image

VBL trang 136

image

VBL trang 91

Bồ câu xuất hiện qua dạng "chim câu" 4 lần trong PGTN (Ngày thứ bốn). Như vậy là ta có các cách dùng khác nhau vào thời VBL:

Bồ cu, chim cu so với bồ câu, chim câu (cũng khác với chim cu cu/NCT).

4. Bản chép tay phần Việt Bồ của Philiphê Bỉnh (từ VBL)

LM Philiphê Bỉnh chép lại hầu như nguyên văn phần tiếng Việt và tiếng Bồ từ VBL, tuy nhiên có lúc ông vẫn thêm vào những cách dùng tiếng Việt cùng thời – đây là những chi tiết đáng chú ý để cho ta biết được tiếng Việt Đàng Ngoài vào cuối TK 18. Thí dụ như câu đã xuất hiện thay thế cho cu (cú HV 句, biến âm u > âu) giống y như tiếng Việt Đàng Trong (Béhaine/1772-1773, Taberd/1838):

image

image

Các hình chụp bản chép tay tự điển Việt Bồ (Philiphê Bỉnh)


[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@gmail.com

[2] Tham khảo chi tiết về quá trình hình thành chữ 州 trên trang này chẳng hạn https://hanziyuan.net/#home

[3] Bộ điểu hợp với chữ cự bên phải hay bên trái (cự hài thanh – chỉ chim bồ câu/LKTG, TV) là một dị thể của chữ cưu 鳩 – một lần nữa phản ánh tương quan âm cổ *ku với tiếng kêu loài chim này.

[4] Provincia La Tinh nghĩa là xứ, xứ sở – gốc của province (Anh, Pháp…), sau này dịch là tỉnh so với kinh đô. Tuy nhiên, mục Bố Chính (VBL trang 48) lại ghi là provincia (xứ, tỉnh) không giống như cách giải thích Bố Chính chu (VBL trang 115). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng ghi chu Bố Chính (TK 17), tương tự như thời vua Chế Củ dâng ba chu (châu) Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính khi bị bắt (năm 1069) để chuộc tội.

[5] Đàng Trong thường dùng chấu chấu (láy toàn phần, td. Béhaine, Taberd, Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký) so với Đàng Ngoài thường dùng dạng châu chấu (Theurel tuy chép lại từ Béhaine/Taberd dạng chấu chấu, nhưng thêm cách dùng châu chấu như là phương ngữ). Một điều thú vị là cách dùng cào cào cũng như châu chấu phần nào cho thấy tương quan k – ch (xem chi tiết ở mục 9).

[6] So với Hồng Đức Bản Đồ ghi 53 phủ, 179 huyện, 50 chu/châu và 7090 xã (trang 53, sđd). Đại Việt Sử Kí bản kỷ thực lục ghi 52 phủ, 178 huyện, 50 chu … Chắc là Bentô Thiện đã có tiếp cận một tài liệu liên hệ nào đó (td. Hồng Đức Bản Đồ, …) nên các số thống kê này không khác nhau bao nhiêu.

[7] Mỵ Chu (Châu) hay Mỵ Nương đều chỉ người con gái (đẹp) của vua Hùng, Nhưng theo tài liệu mới được công bố "Hùng Vương Thánh tổ Ngọc phả" (sách đã được Nhà xuất bản Dân trí ra mắt đúng vào dịp giỗ tổ mùng 10 tháng 3 năm 2020), thì hai công chúa của Hùng Duệ Vương có tên gọi là Mỵ Chu (Châu) Tiên Dung và Mỵ Nương Ngọc Hoa. Như vậy Mỵ Châu là có ý chỉ công chúa trưởng, Mỵ Nương có ý chỉ công chúa thứ – do đó Mỵ Chu (Châu) không phải là tên gọi chính của công chúa con vua An Dương Vương, v.v. Để ý cách viết 媚珠 Mị Chu > Mị Châu – viết theo­­­ Lĩnh Nam Chích Quái và Đại Việt Sử Kí Toàn Thư, còn theo Việt Nam Sử Lược thì là 媚洙 (Trần Trọng Kim, in lần thứ nhất 1920 – NXB Trung Bắc Tân Văn).

[8] Trích từ trang này http://sachbaovn.vn/doc-truc-tuyen/sach/thien-nam-ngu-luc-MTkwRDRC – có ghi chữ Nôm, phần dịch ra chữ quốc ngữ đa phần là từ tài liệu của các tác giả Nguyễn Lương Ngọc/Đinh Gia Khánh (NXB Văn Hoá, Hà Nội 1958).

[9] Có một số bản đồ cùng thời kì lại ghi là Hai Nan, có thể là hiện tượng chuyển âm cuối -m thành -n chưa hoàn tất vào TK 17 hay chép từ bản đồ cổ hơn: td. Bắc Kinh ghi là Pachin, còn Nam Kinh ghi là Nanchin (ch- có thể đọc là k-) trong bản đồ trên, ngoài ra hai bản đồ của de Rhodes đều ghi Hai nan. Bản đồ chụp lại ở trang này đặc biệt có nhiều chi tiết như Vạn Lý Trường Thành cùng ghi nơi, người và năm vẽ (1656). Nên chú ý là tuy không có ghi trong bản đồ thứ nhất, nhưng trong bản đồ thứ hai của LM de Rhodes, ông có ghi PROVINCE DE BOCHINH (viết hoa) ở phía bắc Luỹ Thầy, còn phía nam thì có Province de Quambin (Quảng Bình) và PROVINCE DE THOANOA (Thuận Hoá). Đến thời LM Taberd (1838) thì phân ra làm hai: Bố Chính Ngoại (phía bắc) và Bố Chính Trong (phía nam). Tham khảo thêm bài viết "Những mảnh vụn ngôn ngữ và lịch sử: tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – niên hiệu Long Thái và chúa Khánh ở Cao Bằng, chúa Bằng ở kinh đô (phần 29)" cùng tác giả/NCT.

[10] Năm 1670 Đức cha LAMBERT DELAMOTTE phong chức linh mục cho cha Simon Kiên, linh mục giáo xứ Kiên Lao là một trong những linh mục bản gốc đầu tiên trong hàng giáo phẩm Việt Nam – ông qua đời ở đây.

[11] Tham khảo "Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa" Hoàng Thị Ngọ khảo cứu, phiên âm, chú giải – NXB Văn Học (Hà Nội, 2016). Việt Nam Tự Điển (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931) chép lại định nghĩa của chu (chim bồ câu lớn) từ Đại Nam Quấc Ngữ, Gustave Hue ghi chu là “pigeon de grande taille".

[12] Lại có người cho rằng chữ cửu 九 trong chữ cưu 鳩 để chỉ đàn bồ câu thường tụ thành 9 con! Đây là kiểu suy luận "tầm nguyên dân dã" (folk etymology) tuy nhiên cũng hàm ý là loài chim bồ câu thường họp thành nhóm.

[13] Ngay cả chữ quần HV 群 cho thấy dùng bộ dương để chỉ tính cách họp đoàn của loài này, hay chữ tập 集 bộ chuy (chuy là loài chim đuôi ngắn) có nghĩa là tụ họp thành đàn …

[14] Thật ra, sự phân biệt hai loại hình ngôn ngữ centum và satem không đơn giản vì có một số ngôn ngữ satem lại còn bảo lưu các tính chất thuộc ngôn ngữ centum (như tiếng Albanian với các phụ âm labiovelar *kp *kw) cũng như các khuynh hướng biến âm trên hiện diện trong nhiều ngôn ngữ và chồng chéo theo dòng thời gian…

[15] Để ý tiếng Chăm bồ câu là cu, katrơu; tiếng Tày cu bjooc là chim gáy, cu rườn là bồ câu … Tiếng Kurd (Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kì …) gọi bồ câu là kew, tiếng Nhật gọi là ku 鳩 (cưu HV) và các chữ Hán như cưu, chu đều là tượng thanh (nhái lại tiếng kêu của loài bồ câu) cho nên phải cẩn thận khi thiết lập quan hệ họ hàng ngôn ngữ trong những trường hợp này! Thí dụ như tiếng Anh coo (đọc như cu tiếng Việt với c phát hơi/aspirated) có nghĩa là tiếng bồ câu kêu (~ gù tiếng Việt), tiếng Icelandic gọi là kurr, tiếng Đức là guru, v.v.

[16] Tương tự như ác (cái ác, ác quạ – VBL trang 1, proto Vietic là *ʔaːk) chỉ loài quạ là nhái theo tiếng kêu đặc biệt của giống chim này. Tuy nhiên, cần phải thận trọng khi thiết lập tương quan ngữ âm như cu thuộc họ bồ câu, khác với chim cu cu (bồ cốc, đỗ quyên) nhưng cù có thể là con rồng không sừng hay con sáo so với con cú – cú chữ Nôm dùng 句 hay 鴝 y như cu/câu – đây là một khuyết điểm của loại chữ ô vuông truyền thống, v.v.

[17] Chữ Nôm còn dùng 勾 cho câu và 鴝 (cù) cho cu.

[18] Theo lời giải thích Philiphê Bỉnh trong trang 462 SSS, chú cống chỉ người Tàu biết chữ Nho (so sánh với ông cống/hương cống một học vị trong hệ thống khoa bảng VN thời trước) khác với người Việt thì biết tiếng ta (Nôm) và học chữ Nôm. Tiếng Việt có nhiều danh từ gọi người Tàu (từ phương Bắc) theo chiều dầy lịch sử dựng nước: Hán, Đường, Ngô, Đại Minh, Thanh, Trung Hoa/Quốc… Khách, Chệch, (Ba) Tàu, Cống, v.v.

[19] Số quân Thanh sang Đại Việt khác nhau tuỳ theo trích từ tài liệu: td. theo Hàng Binh Chiếu của Ngô Thời Nhậm thì có 29 vạn quân, theo Philiphê Bỉnh thì có 24 vạn quân (lặp lại hai lần ở hai tác phẩm chép tay khác nhau), một số tài liệu của người CG ghi nhận 28 vạn hay 30 vạn quân, v.v.

[20] Trong bài văn tế tướng sĩ nhà Thanh tử trận (khoảng giữa TK 19) bằng chữ Nôm, các cách dùng Đại Minh (thay vì nhà Thanh) và sông Bồ Đề, Điền Chu Thái Thú vẫn còn hiện diện – tham khảo bài viết MỘT BÀI VĂN TẾ TƯỚNG SĨ NHÀ THANH TỬ TRẬN của TS Nguyễn Thị Lâm trong TBHNH 2005 trang này chẳng hạn http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=645&Catid=482. Bồ Đề cũng xuất hiện trong hai bản đồ của Alexandre de Rhodes (1651/1653, ghi là bode) bên phải của sông Hồng.

[21] Thí dụ như trong Phép Giảng Tám Ngày (1651), Ngày Thứ Bốn trang 202 có đoạn "… Khi ấy và con và cháu ông Noe nhiều, bởi phương đông mà đến đất gọi là Sennaar, thì rủ nhau làm thành và tháp cáo cho đầu nó tận trời". Phương Đông ở đây là Á Châu bây giờ.

[22] Ở tập Quốc Văn Tập Độc do Đông Kinh Nghĩa Thục ấn hành năm 1907, có "Bài hát khuyên học chữ quốc ngữ" trong đó chữ quốc ngữ đã dùng Á và Âu (‘Á Âu chung lại một lò’), nhưng chua thêm chữ Nho 亞 sau chữ á và 歐 chữ âu. Điều này cho thấy cách dùng Á và Âu chưa phổ thông vào thời này so với chữ Nho!

[23] Có tác giả nêu lên nhận xét chu đọc thành châu là vì kị huý chúa Nguyễn Phúc Chu 阮福淍 (1675–1725). Thật ra âm chu (vận mẫu vưu) có khả năng đọc thành châu với nguyên âm sau/nhỏ u mở rộng thành âu /əw/ như đã bàn ở trên (thời VBL). Không phải chỉ có chu sa 硃砂 mới có thể đọc là châu sa (td. Nguyễn Kim Thản, Đại học và trung học chuyên nghiệp – 1984), cụ Thiều Chửu cho biết là chu 株 ta quen đọc là châu, cụ Huỳnh Tịnh Của và Nguyễn Văn Khôn cho biết chu 朱 cũng có thể đọc như châu (Hán Việt từ điển); tại sao cụ Đào Duy Anh lại đọc 朱 文 安 là Châu Văn An (Hán Việt Từ Điển), dạng châu vi từng hiện diện (Génibrel, 1898) so với chu vi (tiếng Việt hiện đại), Phan Chu Trinh hay Phan Châu Trinh, v.v. Đây là một chủ đề rất thú vị và cần được tra cứu sâu hơn nhưng không nằm trong phạm vi bài này.

[24] Theo cụ Đào Duy Anh (Pháp Việt Từ Điển, sđd) thì colombe là chim bồ câu mái, thư cưu – nhưng theo Ravier/Dronet và Trương Vĩnh Ký thì là chim bồ câu; Vallot thì dịch là chim gáy (cũng trong họ bồ câu Columbidae /NCT). Tiếng Pháp colombe có gốc La Tinh columba là bồ câu/chim câu (VBL trang 91, 47).

Comments are closed.