Phạm Đình Trọng
Mẩu chuyện nhà thơ Phác Văn (1932 – 1996), cán bộ phòng Văn hoá Văn nghệ quân đội, Tổng cục Chính trị kể về Văn Cao từ thời tôi còn làm báo binh chủng Thông Tin ở Hà Nội trước khi khoác ba lô vào mặt trận phía Nam đến nay vẫn còn nguyên trong trí nhớ của tôi. Chuyện rằng:
Buổi sáng có ông cán bộ vụ Đối ngoại bộ Văn hóa đến nhà Văn Cao báo tin sẽ có đoàn nhạc sĩ Liên Xô đến thăm nhà tác giả Quốc ca Việt Nam. Buổi chiều ông cán bộ đó cho xe ba gác chở đến nhà Văn Cao bộ salon bọc nhung sang trọng kê vào chỗ bộ bàn ghế tiếp khách gỗ tạp mộc mạc của Văn Cao. Sáng hôm sau Văn Cao tiếp đoàn nhạc sĩ Liên Xô ở bộ salon đó thì ngay buổi chiều bộ salon nhung lại được chở đi.
Bảy mươi hai năm cuộc đời thì năm mươi năm Văn Cao phải sống trong cuộc sống thiếu thốn và trong thể chế giả dối như vậy. Trong cuộc sống thiếu thốn và trong thể chế giả dối Văn Cao phải sống trong nơm nớp lo âu, đe doạ nhưng ông vẫn sống một cuộc đời trong trẻo, trung thực và ông đã để lại một gia tài lớn lao cho nền văn hóa Việt Nam.
Văn Cao (1923-1995). Ảnh Phạm Đình Trọng
1. NỖI KHẮC KHOẢI VĂN CAO
Một buổi sáng mùa đông, tôi đang bon bon trên con đường một chiều Tràng Thi, Hà Nội bỗng thấy Đinh Anh Dũng và Quốc Thành, hai nhà quay phim có tiếng của hãng phim Giải Phóng cùng ở thành phố phương Nam với tôi đang lom khom bên chiếc camera đặt trên hè đường gần thư viện quốc gia. Ở thành phố phương Nam, tôi và Dũng vẫn thường ngồi với nhau nói nhiều chuyện về điện ảnh. Tôi đã có bài viết về Dũng trên tờ báo Điện Ảnh của bộ Văn hoá Thông tin. Gặp lại Dũng đang làm phim ở Hà Nội, dù đang có việc phải đi, tôi vẫn không thể không dừng lại với anh.
Dũng say sưa nói về bộ phim anh đang thực hiện, bộ phim ca nhạc về Văn Cao mà Dũng định lấy tên là Năm Buổi Sáng Có Trong Sự Thật. Bộ phim sẽ lần theo bước chân Văn Cao lãng đãng trong cõi âm nhạc vì thế là phim ca nhạc nhưng cũng là phim tài liệu về năm tháng cuộc đời Văn Cao. Tôi đã được đọc bài thơ Năm Buổi Sáng Không Có Trong Sự Thật của Văn Cao. Bài thơ Văn Cao viết từ năm 1960. Thơ Văn Cao là không có trong sự thật nhưng sao phim của Dũng lại là có trong sự thật?
Theo Dũng, Năm Buổi Sáng Có Trong Sự Thật là năm giấc mơ trong những giấc mơ của Văn Cao. Cả cuộc đời Văn Cao như một giấc mơ. Văn Cao sống như mơ, tồn tại như mơ, làm việc trong mơ. Những tác phẩm âm nhạc của Văn Cao thực sự là những giấc mơ, là trạng thái siêu thoát của ông. Vì thế mới có Thiên Thai, mới có Suối Mơ, mới có Trương Chi, mới có Cung Đàn Xưa, vân vân! Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng kinh ngạc thốt lên: Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng!
Trong đó, Sông Lô cũng là một giấc mơ đẹp, giấc mơ huyền ảo trong không khí thần thánh thiêng liêng của cuộc kháng chiến chống xâm lược. Cuộc kháng chiến chống Pháp thực sự là cuộc kháng chiến của lòng yêu nước. Người dân Việt Nam yêu nước đi vào cuộc kháng chiến chống Pháp như tín đồ đi vào Thánh đường tôn giáo và Tiến Quân Ca, Người Hà Nội, Sông Lô, Làng Tôi, Qua Miền Tây Bắc, Giải Phóng Điện Biên… là những bài Thánh ca.
Dũng nói rằng anh muốn đưa Văn Cao lên sông Lô để ghi hình Văn Cao với dòng sông lịch sử đã để lại bóng dáng oai hùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và để lại hoài niệm đẹp trong cuộc đời bi tráng của Văn Cao. Giây phút lịch sử của sông Lô, của cuộc kháng chiến chống Pháp đã qua rồi nhưng chứng nhân của giây phút lịch sử đó vẫn còn đây. Giây phút hào hùng của sông Lô đi vào tâm hồn nghệ sĩ Văn Cao đã làm nên tráng ca Sông Lô bất hủ.
Sông Lô đó, vẫn hiền hòa mà oai hùng chảy trong ngút ngàn Việt Bắc! Văn Cao đây, vẫn liêu xiêu dáng dấp bình dị mà tài hoa. Và giai điệu hùng tráng của nhạc phẩm Sông Lô còn âm vang mãi trong thời gian. Nhưng tiếc quá! Những ngày vừa rồi lạnh tê tái làm cho Văn Cao không được khỏe nên Dũng chỉ đưa được Văn Cao lên sông Cầu. Mùa này con sông Cầu cũng thu lại đìu hiu, tĩnh lặng, hiền hòa như sông Lô. Về sông Cầu nước chảy lơ thơ và về làng Thổ Hà nổi tiếng của gốm và rượu.
Sao? Cuộc đời Văn Cao như một giấc mơ ư? Tôi ngạc nhiên về cảm nhận này của Dũng. Tác phẩm là sự thăng hoa của tâm hồn tác giả thì đúng rồi. Nhưng cuộc đời trần ai, cay đắng, ê chề của Văn Cao đâu phải là một giấc mơ. Có lẽ trước năm 1975 Dũng sống ở Sài Gòn chỉ biết Văn Cao qua những tác phẩm hào hoa của ông mà nghĩ cuộc đời Văn Cao lâng lâng bay bổng như mơ chăng?
Tôi chợt nhớ câu chuyện kể về Văn Cao của bạn tôi, anh Nguyễn Ánh, một nhà báo viết cho tờ báo tháng Sân Khấu của hội Nghệ sĩ Sân khấu, một trợ lí được việc của nhiều đạo diễn sân khấu, điện ảnh, một diễn viên không chuyên có vai phụ trong nhiều bộ phim. Cao lêu đêu. Gày lòng khòng. Mặt dài thườn thượt. Nguyễn Ánh thường được các đạo diễn chọn vào những vai ông già nghèo khó, người hát sẩm, phu đào huyệt, người thổi kèn đám ma…
Nguyễn Ánh kể rằng dạo ấy là năm 1965, Ánh làm thư kí cho đạo diễn sân khấu Trần Hoạt khi ông dựng vở kịch Cuba Đồng Mía cho đoàn kịch Hà Nội. Trần Hoạt mời Văn Cao làm nhạc và thiết kế mĩ thuật cho vở diễn. Một buổi chiều hai ông cùng thư kí đạo diễn và mấy người làm hậu đài trong đoàn kịch ngồi bên li rượu bàn công việc. Nhân khi mọi người chuyền tay nhau bao thuốc lá Tam Thanh, một người lên tiếng:
– Các ông nhìn hình vẽ trên bao thuốc lá này xem có thấy gì không?
– Thấy hòn Vọng Phu chứ thấy gì. Lạng Sơn có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh. Tam Thanh thì phải vẽ nàng Tô Thị ngóng chồng chứ còn vẽ gì nữa.
– Đấy, vấn đề chính là ở cái hình nàng Tô Thị ngóng chồng ai oán này đấy.
Văn Cao đã nâng chén rượu lên ngang môi lại vội đặt xuống, vẻ lo lắng:
– Vấn đề gì thế?
Vốn nhạy cảm, đạo diễn Trần Hoạt nhận ra vẻ lo lắng thất thần của Văn Cao nên vội gạt đi:
– Cứ suy diễn tùy tiện thì cái gì chẳng có vấn đề. Thôi, uống đi mà lo việc của mình.
Nhưng Văn Cao vẫn bồn chồn không yên, hỏi ráo riết:
– Vấn đề ở chỗ nào hả cậu?
Người khơi chuyện vẫn thủng thẳng:
– Vấn đề nặng đấy. Tay họa sĩ vẽ hòn Vọng Phu, hình nàng Tô Thị ngóng chồng u ám, nặng nề như lá cờ tang, vật vờ như một bóng ma rõ ràng định bi thảm hóa, côi cút hoá người đàn bà có chồng ra trận. Cả nước đang trong cuộc kháng chiến khốc liệt. Nhà nào cũng có người ra trận. Vẽ hòn Vọng Phu như thế là vẽ sự chết chóc, tang tóc, tuyệt vọng của cuộc kháng chiến đang diễn ra à? Thế là đánh phá về chính trị, tư tưởng cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam rồi còn gì nữa.
Mặt Văn Cao biến sắc và giọng đã run run:
– Có ý kiến như vậy thật à? Thế thì gay đấy.
– Bác cứ nhìn kĩ xem có phải hình nàng Vọng Phu xõa tóc vật vờ như bóng ma không? Đó là một hình ảnh tang tóc thê lương chứ có phải hình nàng Vọng Phu bền bỉ chờ chồng đến hóa đá đâu. Họ suy diễn cũng đúng đấy chứ.
Văn Cao thở dài lẩm bẩm:
– Khổ quá! Mình không có ý viser (ám chỉ – tiếng Pháp) nhưng họ buộc cho như thế, làm sao cãi được. Không biết rồi chuyện gì sẽ đến?
Đạo diễn Trần Hoạt nhìn Văn Cao, ái ngại:
– Cái bao thuốc lá này cũng cậu vẽ kiếm cơm hả? Rõ khổ! Vì cậu vẽ nên người ta mới suy diễn như thế. Nhưng việc quái gì phải sợ. Họ chẳng làm được gì hơn nữa với cậu đâu.
Đạo diễn Trần Hoạt thở dài, im lặng. Trong không khí trầm lắng, Trần Hoạt lại lên tiếng:
– Họ cố suy diễn, bóp méo, biến không có tội thành có tôi để giơ chiếc còng số tám ra răn đe cả nước chứ không phải răn đe cậu đâu. Thôi, uống đi. Chúng ta đang cần lửa. Cần lửa cho vở kịch về cách mạng Cuba. Chúng ta phải thổi ngọn lửa đó lên, truyền hơi ấm của ngọn lửa đó đến công chúng. Nhắc đến chuyện vớ vẩn kia là dội nước lạnh vào lửa. Thôi dẹp. Lửa đây. Lửa trong rượu Thổ Hà. Nào, làm chút lửa dân dã Thổ Hà rồi trở lại công việc với ngọn lửa cách mạng Cuba.
Văn Cao tiếp khách với li rượu Thổ Hà, Kinh Bắc
Văn Cao nâng chiếc chén hạt mít lên nhưng nét mặt vẫn đăm đăm khắc khoải:
– Có chuyện gì với mình cũng chẳng sao. Mình chịu quen rồi. Nhưng còn người đã thương mình, giao việc cho mình làm để có tiền nuôi vợ con. Chỉ sợ họ cũng bị vạ lây vì lòng thương họ dành cho mình. Làm sao mình có thể vô tâm, sao không lo nghĩ đến điều đó được.
Nghe câu chuyện của Nguyễn Ánh, tôi cứ thấy hiện lên vẻ mặt khắc khoải âu lo đến tội nghiệp của Văn Cao. Đã có quá nhiều tai họa kiểu hòn Vọng Phu giáng xuống cuộc đời Văn Cao. Gần suốt cuộc đời Văn Cao phải sống trong âu lo khắc khoải về tinh thần, sống trong khó khăn, thiếu thốn cơ cực về vật chất. Thiết kế sân khấu cho một vở diễn, vẽ bìa sách, vẽ cả bao thuốc lá… những công việc cần tài hoa, cần cả sự cặm cụi khuya sớm nữa.
Sau câu chuyện của Nguyễn Ánh, tôi đã có dịp gặp Văn Cao. Khi ấy tên tuổi ông đã lại được nhiều tờ báo nhắc đến với sự trân trọng, ngưỡng mộ. Những đêm nhạc Văn Cao lại được liên tiếp tổ chức tưng bừng ở Hà Nội, Hải Phòng và ở cả thành phố phương Nam nơi tôi sống. Ông xuất hiện ở đâu cũng được chào đón nồng nhiệt. Nhưng gặp ông tôi vẫn thấy một Văn Cao dung dị, cởi mở nhưng khắc khổ, ưu tư, như thảng thốt, như đang mang một tâm trạng đầy khắc khoải. Sự khắc khoải về một cuộc sống đầy tai ương, bất trắc. Nghe nhạc Văn Cao, tôi cũng nhận ra sự khắc khoải ấy. Sư khắc khoải về cái đẹp. Như nhạc Trịnh Công Sơn khắc khoải về thân phận con người!
Với ấn tượng rất sâu sắc về một Văn Cao trong cõi thực ấy nhưng khi đứng ở phố Tràng Thi nghe Đinh Anh Dũng nói về Văn Cao, tôi lại thấy hiện lên một Văn Cao khác, Văn Cao trong cõi mơ. Tôi bỗng thấy cần đến thăm ông để xem có nhận ra một Văn Cao trong cõi mơ không.
2. VÒ RƯỢU QUỐC LỦI
Dắt xe đạp len lách qua những gánh hàng rau của cái chợ cóc tự phát vỉa hè phố Yết Kiêu, tôi lại lên những bậc cầu thang đổ ra góc phố. Vẫn cánh cửa gỗ cũ kĩ. Vẫn bà Băng, người bạn đời chia sẻ mọi hoạn nạn với Văn Cao ra mở cửa. Vẫn bức tượng chân dung do nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng ở Đà Nẵng tạc tặng ông đặt trên chiếc đàn piano cũ. Ở phòng khách lần này có một cái mới là thêm bức ảnh đẹp do Lê Quang Châu chụp Văn Cao ngồi bên đàn với bình hoa cúc vàng đến ngẩn ngơ. Tôi chợt nhận ra màu vàng của hoa cúc mùa thu sao đồng điệu với Văn Cao đến thế.
Từ phần buồng phía sau chiếc tủ sách, Văn Cao bước ra. Trông ông khỏe mạnh, bước đi nhanh nhẹn hơn hồi tôi gặp ông năm trước. Cái bắt tay của ông cũng có lực nắm mạnh hơn, bàn tay ông cũng nóng ấm hơn. Ông rót cho tôi li rượu. Căn phòng như ấm hẳn lên bởi mùi rượu thơm nồng.
Mấy năm nay các nhà điện ảnh trong nước và ngoài nước làm khá nhiều phim về Văn Cao. Trong nước có phim Giai Điệu Văn Cao do đạo diễn Kinh Môn ở hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương thực hiện. Phim Người Đi Dọc Biển Không Để Lại Dấu Chân của hãng phim Truyện Một do Hoàng Tích Chỉ biên kịch và Trần Phương đạo diễn. Ban Việt Kiều trung ương cũng làm phim về Văn Cao do anh Nguyễn Thụy Kha thực hiện. Ngoài nước có phim của đài RFI, Pháp, phim của đài BBC, Anh. Tôi hỏi ông có được xem những bộ phim đó không và cảm nhận của ông về những bộ phim đó. Ông nói rằng mỗi phim ông đều nhận được một băng video và ông thích bộ phim Homeland (Quê Hương) của đài BBC hơn cả vì nó dung dị, nhẹ nhàng, chân thực, gần gũi với những gì ông có, không cao giọng tán dương như cách làm phim chân dung của ta. Hóa ra những bộ phim người ta cao giọng ca ngợi, hùng hồn tán dương ông thì ông lại không thích
Tôi hỏi về bộ phim Đinh Anh Dũng đang làm về ông. Ông kể về chuyến đi của Dũng và ông đến sông Cầu, về làng Thổ Hà. Bao giờ ông cũng nhắc đến Dũng trước, Dũng và tôi. Ông nâng li rượu lên và nói rằng rượu này do Dũng mua ở Thổ Hà, cũng thuộc dòng rượu làng Vân, Kinh Bắc, đưa về tận nhà cho ông. Rượu đựng trong vò sành, nút lá chuối khô, đúng cách trữ rượu của dân gian. Vò sành màu đất, nút lá chuối màu quê để dưới gầm bàn thờ. Rượu dân dã, vò đựng rượu cũng rất dân dã! Mở nút lá chuối khô ra, hương nếp thơm thoang thoảng. Thứ rượu quê thuần khiết mang quốc hồn, quốc túy thế mà bao năm phải chui lủi, dấm dúi khốn khổ để rồi phải mang tên là rượu quốc lủi!
Tôi thăm dò suy nghĩ của Văn Cao về ý tưởng bộ phim của Đinh Anh Dũng làm về ông:
– Dũng rất thích bài thơ Năm Buổi Sáng Không Có Trong Sự Thật của bác. Dũng sẽ làm bộ phim về bác theo tứ bài thơ. Năm Buổi Sáng Không Có Trong Sự Thật là năm giấc mơ. Theo Dũng, mỗi tác phẩm của bác là một giấc mơ và cả cuộc đời của bác cũng là một giấc mơ dài, bác thấy thế nào ạ?
Văn Cao tặng tôi bản photocopy trang thơ Văn Cao in trên tờ báo của người Việt ở nước ngoài, trong đó có bài thơ Năm Buổi Sáng Không Có Trong Sự Thật. Ông nói nhỏ và chậm rãi:
– Thật ra cuộc đời ai cũng chỉ là một giấc mơ thôi. Có giấc mơ ngọt ngào nhưng cũng có giấc mơ cay đắng!
Dừng giây lát, tôi tưởng ông nghĩ ngợi, bỗng ông nói to:
– Còn cuộc đời mình là vò rượu quốc lủi thì đúng hơn!
Văn Cao cười rung chòm râu thưa. Gương mặt ông dãn ra. Vui vì câu trả lời bất ngờ và hóm của Văn Cao, tôi càng vui hơn thấy Văn Cao cười rạng rỡ. Nhưng gương mặt rạng rỡ và tiếng cười của ông thoáng qua nhanh rồi gương mặt già nua, gày guộc của ông lại hằn sâu nét khắc khổ, trầm luân.
Sau này, khi hoàn thành, bộ phim của Đinh Anh Dũng về những tác phẩm âm nhạc của Văn Cao có tên chính thức là Giấc Mơ Một Đời Người.
3. GIẤC MƠ MỘT ĐỜI NGƯỜI
Xem phim Giấc Mơ Một Đời Người của đạo diễn Đinh Anh Dũng về những tác phẩm âm nhạc của Văn Cao, mọi người đều thòm thèm, như một món ăn ngon được chờ đợi nhưng lại quá ít, vừa đụng đũa đã hết. Giọng hát hay. Tạo hình đẹp. Những giai điệu làm lay động, xao xuyến lòng người còn đang muốn được nghe nhưng đã hết rồi. Mới chỉ có Thiên Thai, Suối Mơ, Bến Xuân, Cung Đàn Xưa, Sông Lô. Văn Cao còn nhiều bài hát hay nữa chưa có trong Giấc Mơ Một Đời Người. Hình ảnh Văn Cao còm cõi, mong manh như chiếc bóng và xiết bao trìu mến, thân thiết nhưng xuất hiện quá ít trong Giấc Mơ Một Đời Người. Nhiều người hối thúc Dũng làm tiếp phần hai bộ phim ca nhạc về người nhạc sĩ tài hoa và lận đận.
Đối với Dũng, được làm phim về Văn Cao, được tìm hiểu cuộc đời và khám phá thế giới tâm hồn phong phú và đẹp đẽ của Văn Cao là một điều may mắn, quí giá, là một hạnh phúc không dễ có được. Vì thế mỗi dịp được gặp Văn Cao, Đinh Anh Dũng đều hối hả tranh thủ ghi hình ông khá kĩ làm tư liệu. Dũng đã nung nấu rất kĩ ý tưởng cho phần tiếp theo của Giấc Mơ Một Đời Người và anh tự hẹn rằng khi nào Văn Cao về chốn Thiên Thai anh sẽ làm phim ca nhạc tài liệu thứ hai về ông. Không ngờ anh lại phải thực hiện lời hứa này quá sớm, chỉ hơn một năm sau.
Ngày mồng mười, tháng bảy, năm một ngàn chín trăm chín mươi nhăm (10.7.1995), bốn giờ sáng, Dũng vừa từ Mỹ về đến Sài Gòn thì sáu giờ một cú phôn từ Hà Nội gọi vào thảng thốt báo cho Dũng biết nhạc sĩ của những giai điệu thần tiên đã đi về chốn Thiên Thai trước đó hai giờ, tức là đúng lúc Dũng đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Đúng là số phận cho Dũng cái duyên được gắn bó với Văn Cao vì thế Dũng mới may mắn kịp về nước đúng giờ phút hệ trọng này. Dũng lại hối hả mang máy quay phim ra sân bay, bay ra Hà Nội và một trăm năm mươi ngày sau khi Văn Cao mất, bộ phim thứ hai về Văn Cao của Đinh Anh Dũng đã hoàn thành với tên gọi Buổi Sáng Có Trong Sự Thật.
4. BUỔI SÁNG CÓ TRONG SỰ THẬT
Mùa xuân năm 1960 Văn Cao viết bài thơ Năm Buổi Sáng Không Có Trong Sự Thật.
Buổi sáng ngọn lửa chiến tranh nung mảnh đất dưới chân thành gạch đỏ:
Ngủ dậy một sáng
Cả phố biến đâu mất
Không một bóng người đi.
Im lặng hồ nước sâu thăm thẳm
Mặt đất đỏ mầu gạch nung
Buổi sáng cả cuộc sống bị tống vào ngục tù. Cả âm thanh, cả tiếng động cũng bị cầm tù:
Giữa thành phố mọi người im lặng
Tại sao? Tại sao? Không tiếng nói
Không tiếng động, không sự sống
Tại sao thành phố sa mạc
Không nghe gió thổi
. . .
Hình như nơi đây
Bị đày trong im lặng
Buổi sáng con người bị chia rẽ, xung đột, hận thù. Ngay trong mỗi con người cũng có hai thái cực khác nhau, xung đột nhau, mưu hại nhau:
Hai kẻ thù nhau
Hai thái cực tâm hồn
Hai người ấy trong một người chịu đựng
Mưu hại lẫn nhau
Không biết ngày đêm, không biết giả thật
Từ phút ấy tôi không còn thật nữa.
Buổi sáng con người phải sống giả dối, phải đeo mặt nạ đi giữa cuộc đời:
Buổi sáng nay cả phố phường như mở hội
Mỗi con người đeo mặt nạ đi chơi
Năm buổi sáng bi thương bởi lòng hận thù, sự đố kị, hẹp hòi, nhỏ nhen. Văn Cao ước nguyện là năm buổi sáng đó không có trong sự thật.
Nhưng buổi sáng ngày mồng mười, tháng bảy, năm một ngàn chín trăm chín mươi nhăm, buổi sáng Văn Cao ngừng sáng tạo, rời bỏ cuộc đời ra đi mãi mãi vào hư vô thì có thật rồi.
Buổi sáng có trong sự thật ấy còn là những buổi sáng bắt đầu một ngày âm thầm tư duy sáng tạo của Văn Cao để mang lại cho cuộc đời còn nhiều gian nan, cay đắng những giai điệu dìu dặt nâng đỡ tâm hồn con người.
Buổi sáng có trong sự thật ấy là buổi sáng mùa đông rét mướt, Văn Cao trở về một vùng đất kỉ niệm. Chiếc áo len màu đất lụng thụng, trông ông như một gốc cây xù xì, như một khối tư duy, một khối khổ đau, dồn nén chịu đựng. Bóng ông run rẩy khi chân bước vào kí ức xa xăm và cõi lòng chạm vào kỉ niệm rưng rung vô cùng gần gũi.
Buổi sáng có trong sự thật ấy là buổi sáng mùa xuân cuối cùng của Văn Cao. Ông cùng người bạn đời yêu thương, dịu dàng và bền bỉ Thúy Băng trôi giữa dòng người trong chợ hoa Hàng Lược, Hà Nội, ngắm sắc hoa đào Nhật Tân, ngắm gương mặt cuộc đời, gương mặt nhân dân, gương mặt niềm vui, gương mặt hạnh phúc, ngắm cuộc sống gian nan, vất vả mà yêu thương, say dắm. Khuôn hình đặc tả cận cảnh gương mặt Văn Cao dãn ra, sáng lên trong sắc hoa đào, trong tiết xuân náo nức, trong niềm vui muộn mằn, hiếm hoi. Niềm vui của Văn Cao, nhân vật của phim cũng chính là niềm vui của người thực hiện bộ phim, quay phim và đạo diễn Đinh Anh Dũng vì chính Dũng tổ chức đưa ông bà Văn Cao đến chợ hoa Hàng Lược này.
Tận dụng mọi cơ hội ghi hình Văn Cao, Dũng đã có hình ảnh Văn Cao ở Hải Phòng, nơi Văn Cao để lại tuổi niên thiếu cắp sách đến trường. Dũng đã có hình ảnh Văn Cao với những nẻo đường tám năm kháng chiến chống Pháp.
Văn Cao với Hà Nội là gian gác nhỏ nhà số 45 phố Nguyễn Thượng Hiền, nơi có một mùa đông với những đêm Văn Cao thức chong chong nghe hơi lạnh thấu qua lớp chăn mỏng, thấm vào cơ thể. Nghe tiếng xe bò lọc cọc đi nhặt xác người chết đói ngoài phố mà thấm thía nỗi đau của kiếp đời nô lệ mất nước, mà nung nấu trong lòng nỗi khát khao: Cờ pha máu chiến thắng mang hồn nước – Đứng đều lên gông xích ta đập tan… (Lời ca khúc Tiến Quân Ca). Ca khúc Tiến Quân Ca của Văn Cao, của non nước Việt Nam vững bền được viết ở căn gác nhỏ phố Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội, trong mùa đông lạnh thấu xương đó.
Văn Cao với Hà Nội là Nhà Hát Lớn, nơi người dân mất nước tụ lại thành khối, thành thác đổ, thành sóng gầm, thành sức mạnh cùng ngẩng cao đầu hát vang bài Tiến Quân Ca rồi trùng trùng đội ngũ như đất chuyển, như bão giông ầm ầm cuốn theo đường Tràng Tiền đến Phủ Bắc Bộ, cuồn cuộn theo đường Tràng Thi đến Phủ Toàn quyền Đông Dương giành lại chính quyền, giành lại đất nước. Nhà Hát Lớn Hà Nội còn là nơi ca khúc Tiến Quân Ca của Văn Cao đi vào lịch sử, trở thành quốc ca của một nhà nước vừa ra đời, nơi quốc hội của nhà nước đó trong phiên họp thứ nhất, khoá đầu tiên chọn Văn Cao là nhạc sĩ của hồn thiêng sông núi.
Đó là Hà Nội trong cuộc đời chính trị, trong sự nghiệp Văn Cao. Còn Văn Cao trong đời thường với Hà Nội? Suy nghĩ mãi Đinh Anh Dũng thấy cần có hình ảnh Văn Cao cùng người bạn đời Thúy Băng trong chợ hoa Tết Hàng Lược. Thế là giáp tết Ất Hợi 1995 trong khi mọi người tìm về với gia đình thì Đinh Anh Dũng lại xa vợ con ở thành phố phương Nam, xách camera lên máy bay ra Hà Nội. Quả thật Dũng rất có duyên với Văn Cao. Ghi được hình ảnh Văn Cao trong mùa xuân cuối cùng của cuộc đời ông là nhờ cái duyên đó.
Đinh Anh Dũng rất thành công khi thực hiện thể đối trong bộ phim. Cô ca sĩ trẻ mười bảy tuổi Thanh Thúy sinh ra và phát triển tài năng ở phương Nam hát bài Mùa Xuân Đầu Tiên, sáng tác của Văn Cao tặng thành phố phương Nam thương nhớ nhân mùa xuân hòa bình đầu tiên 1976. Thanh Thúy vàng rực như tia nắng sớm, như đóa hoa mai mới hé, xinh đẹp, tài năng, lanh lảnh hát: Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về… Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên, đan xen là hình ảnh Văn Cao với gam màu nâu xẫm quen thuộc lặng lẽ giữa dòng đời trong mùa xuân cuối cùng của cuộc đời ông. Đó có phải là vòng tròn tiến hóa, là vòng luân hồi của đạo Phật? Mùa xuân cuối cùng của cuộc đời Văn Cao cũng là mùa xuân đầu tiên của một tài năng thế hệ kế tiếp, của một vòng luân hồi mới. Đó cũng là sự vĩnh cửu, bất tử của những giai điệu Văn Cao, sự vĩnh cửu, bất tử của nghệ thuật đích thực.
Nhạc của Văn Cao là nhạc của lòng người đang xao xác xáo động, đang thấp thỏm trước những dự cảm về những biến động lớn lao sẽ đến, đang đến. Tiết tấu của âm nhạc ấy là tiết tấu của tâm trạng, của khát vọng, của lắng đọng chứ không phải là tiết tấu của cuộc sống công nghiệp, sôi sục, cuồn cuộn, dồn dập, hối hả. Là nhà thơ, lời trong ca khúc Văn Cao là nỗi khắc khoải về những lí tưởng thẩm mĩ, bâng khuâng, da diết nhưng cũng dào dạt, mênh mang.
Lời từ ấy mượn một cớ cụ thể chỉ để nói một tâm trạng, một nỗi khắc khoải trước cái đẹp chứ không phải để nói về cái cụ thể đó. Tạo hình cho bài hát Buồn Tàn Thu là hình ảnh người tráng sĩ nâng gươm ngang mày, bái lạy tổ tiên, giã từ người vợ, lên đường rong ruổi! Tạo hình cho bài hát Trương Chi là bộ mặt Trương Chi sần sùi gớm ghiếc… Sự minh họa thô thiển đó đã làm giảm giá trị thẩm mĩ, hạn chế ý nghĩa khái quát và thế giới tâm hồn mênh mang, man mác mà âm nhạc Văn Cao mở ra. Cách phối khí của Buổi Sáng Có Trong Sự Thật với âm thanh mạnh mẽ, rầm rộ của đám đông, của số nhiều, át đi tiếng thì thầm của nỗi lòng nhiều trắc ẩn cũng là cách thể hiện nhạc Văn Cao mà chưa tiếp cận được thế giới âm nhạc Văn Cao.
Dù vậy, Buổi Sáng Có Trong Sự Thật có công rất lớn với Văn Cao. Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng muốn dọn cho người đọc mâm cỗ tết những món ngon, sang trọng, quí hiếm trong cái tết hoà bình đầu tiên đã đặt Văn Cao cùng một số văn nghệ sĩ tên tuổi sáng tác cho số báo tết. Mùa Xuân Đầu Tiên ra đời từ đó và xuất hiện đầu tiên trên báo Sài Gòn Giải Phóng số tết Bính Thìn 1976.
Bom đạn bắn giết, thù hận qua rồi. Sự sôi sục gào thét của bão táp chiến tranh qua rồi. Phải trở về với cái đẹp của cuộc sống. Phải trở về với yêu thương của con người. Cảm hứng của Văn Cao mang lại cho Mùa Xuân Đầu Tiên giai điệu dìu dặt, êm ái nhịp sáu, tám của điệu valse và lời ca Mùa Xuân Đầu Tiên là lời của yêu thương: Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người. Nhưng những người sôi sục sắt máu làm cách mạng vô sản đấu tranh giai cấp, quyết liệt làm chiến tranh đưa cả dân tộc Việt Nam vào bạo lực chuyên chính vô sản, nay đang cao giọng lên án và phát động chiến dịch truy quét thứ văn hoá bị quy kết là đồi truỵ độc hại của miền Nam trước năm 1975 thì không chịu nổi lời ca yêu thương và giai điệu mượt mà, du dương của Mùa Xuân Đầu Tiên, lời ca và giai điệu lạc nhịp với khí thế tiến công cách mạng.
Đến đầu những năm chín mươi thế kỉ hai mươi, Mùa Xuân Đầu Tiên vẫn chìm vào quên lãng. Trước đó, cuối những năm tám mươi, những đêm nhạc Văn Cao đã được tổ chức nhưng Mùa Xuân Đầu Tiên vẫn không được đến với công chúng. Đến phim ca nhạc Buổi Sáng Có Trong Sự Thật của Đinh Anh Dũng được phát hành rộng rãi và Thanh Thuý khi hát Mùa Xuân Đầu Tiên trong Buổi Sáng Có Trong Sự Thật như đồng cảm, như hòa cùng cảm hứng với Văn Cao. Tiếng hát sáng chói như mặt trời lấp lánh trên sóng biển, như giọt sương lung linh sớm mai làm đông đảo người nghe bất ngờ, ngỡ ngàng, thích thú, say đắm rưng rưng xúc động. Từ đó Mùa Xuân Đầu Tiên mới rộn ràng, dìu dặt trên sân khấu ca nhạc, trên sóng phát thanh, truyền hình, đi vào đời sống văn hoá đất nước.
Buổi Sáng Có Trong Sự Thật là tác phẩm điện ảnh đầu tiên khám phá di sản âm nhạc Văn Cao sau khi Văn Cao mất. Buổi Sáng Có Trong Sự Thật còn trân trọng giữ gìn những hình ảnh gần gũi, thân thiết của Văn Cao trong mùa xuân cuối cùng của cuộc đời ông để hình ảnh Văn Cao cùng với âm nhạc Văn Cao mãi mãi có mặt trong cuộc đời với chúng ta, cùng chúng ta đi tới những giá trị thẩm mĩ mà ông luôn khắc khoải.
P. Đ. T
(Rút từ tập kí sự NHỮNG CÁNH BUỒM – Chân dung chính trị, Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, Virginia, 2022)
Tập kí sự chân dung chính trị Những Cánh Buồm và bài viết về Văn Cao