Diễn từ nhận giải Thơ của Phapxa Chan (Đọc trong lễ Trao giải Văn Việt lần 3)

Đôi lời

Image result for "Phapxa Chan"

Thông báo nhận giải khiến tôi gật gù và buột miệng một tiếng “wew”. Đó là kết hợp của hai thán từ “wow” và “well”. Tôi không thắc mắc mình có xứng đáng với giải thưởng không. Tôi không quan tâm đến chuyện đó. Tôi wow vì nhớ đến lần đầu tiên tham dự cuộc thi học sinh giỏi văn thành phố cho học sinh cấp 2, tôi đã đem vinh quang về cho đội tuyển với một con điểm 1 thẳng tưng. Tôi khá ngạc nhiên về kết quả đó. Tôi không hiểu sao mình được chọn đi thi và lại càng không hiểu sao mình lại giành được một điểm số đẹp đến vậy. Lúc đó, mọi người buộc phải phì cười vì tôi. Còn giờ đây, tôi lại phì cười vì những người mới chấm cho tôi số 1 thẳng tưng thứ hai trong cuộc đời thi thố văn chương. Điều này mang một ý nghĩa lớn lao vì là một trong những lần hiếm hoi tôi thấy cảm mến những “người lớn”. Kính thưa những “người lớn”, có thể quý vị không biết rằng quý vị vừa ngăn chặn sự lớn lên của một tên khủng bố hoặc một kẻ giết người hàng loạt hay giả không đủ sức thì vẫn có thể trở thành một kẻ dùng ngòi bút để tự làm đau mình và người khác. Bởi vì các người đã đến và lắng nghe tôi, không bắt tôi dạ, ạ, vâng, và đặc biệt không trả cho tôi một con số 1 không lời giải thích như hồi lớp 7; quý vị trả cho tôi một con số 1 khiến tôi được đứng đây trong giờ phút này với rất nhiều sự lắng nghe. Từ sự thật lòng của một thằng bé không-thích-người-lớn-cho-lắm, tôi muốn nói: “Cháu cảm ơn ạ!”.

“Cháu cảm ơn quý cô bác trong hội đồng giám khảo và tất cả các cô bác, anh chị em, bạn bè đã đọc, góp ý và tạo điều kiện chia sẻ thơ của cháu, lại còn mua vé cho cháu vào Sài Gòn để được diện kiến những đại thụ văn học Việt Nam, lại còn ban cho cháu phần thưởng là cháu sẽ có nhiều thời gian để lê la quán xá hơn mà không quá vội đi kiếm chỗ làm bồi bàn để kiếm ăn độ nhật.” Có lẽ tất cả những lời lẽ lễ phép hàm ơn đó vẫn nên nằm trong hai dấu ngoặc kép vì như giới văn chương hậu hiện đại đã nhắc đi nhắc lại một đề xuất của Umberto Eco rằng không nên lặp lại một điều ai cũng biết, chỉ còn cách cho nó vào ngoặc kép: “Như thể Liala nói, anh yêu em một cách tuyệt vọng.” Như thể người ta vẫn hay nói, wow, cháu cảm ơn rất nhiều ạ!

Nhưng mà well, chờ đã; gần đây tôi có viết một câu thơ: “Kẻ cắp cho đi quả táo cuối cùng, hắn láu cá đánh cắp tước hiệu hiệp sĩ từ nữ hoàng.”, tôi thấy kết quả này không ổn đến phì cười. Tôi thấy mình như một kẻ trộm hồn nhiên đi qua nhà ai đó và đánh cắp đúng cái người ta sẵn lòng cho mình. Tại sao lại như vậy? Như một bầy chim thấp thỏm bay xuống sân thóc đã được vãi sẵn để đãi chim, hình như tôi vừa ăn trộm một cái gì đấy mà làm cho người mất rất hoan hỷ. Nhưng có lẽ chúng ta vẫn nên duy trì trạng thái phỉnh phờ đó cho nó… thơ. Tôi vẫn muốn mình là một con chim ham chơi và sân thóc ấy vẫn luôn ngẫu nhiên tạo điều kiện cho tôi ăn cắp. Chim không có nghĩa vụ phải nhận thóc của ai mà cũng không ai phải có trách nhiệm nuôi chim. Hãy cứ vô tình sắp xếp những cuộc vụng trộm mà cả hai bên đều thích thú!

Và giờ đây, wew, có lẽ tôi đã (hoặc sẽ) thất bại với sự nghiệp làm kẻ giết người hàng loạt, đồng thời, cũng không thể thành công với tư cách là một người giữ gìn đạo đức cho xã hội như một thầy tu, nhưng có một sân thóc luôn sẵn sàng cho tôi hạ cánh để làm một chú chim ham vui. Sân thóc ấy chính là Văn Việt. Dù những người ngồi trong này gọi nó là Văn đoàn Độc lập hay những người đứng ngoài kia gọi nó là “văn đoàn vụng trộm” thì tôi cũng chẳng quan tâm bởi vì “vụng trộm” (trong ngữ cảnh hài hước này) chỉ là khi quyền độc lập của chúng tôi bị những kẻ luôn xướng tuyên “độc lập” vụng trộm tước đi. Nếu có một sân thóc mà các con chim đều bắt buộc phải ăn thì hẳn một vài con chim lại muốn tìm đến một sân thóc mà chúng được vui thích sà xuống rồi thỏa thích bay đi trong sự vui vẻ của chủ nhà. (Trích dẫn từ lời của một tu sĩ đang có bạn gái, là tôi!) Như người ta vẫn thường nói: “Sự thật sẽ cứu rỗi chúng ta.” Một lần nữa, như người ta vẫn thường nói, xin chân thành cảm ơn!

Xin chân thành cảm ơn những người gần bằng tuổi ông nội tôi vẫn đang chịu khó ngồi nghe những điều tôi muốn nói đằng sau những lời hỗn xược trên. Đối với tôi, phần lớn những gì tôi viết ra không từ động cơ diễn ngôn, tuyên bố hay phản kháng; mà ngược lại, tôi thích sự lắng nghe và đối thoại trong không khí hài hước. Văn Việt đã cho tôi cơ hội đó. Xin chân thành cảm ơn!

Comments are closed.