Nguyễn Khiêm
Những năm cuối thế kỷ trước, có lần tôi được dự một buổi hội thảo về thơ thiếu nhi do Hội Nhà văn và Hội Giảng dạy Văn học thành phố HCM tổ chức (cái hội sau này tôi không chắc nhớ đúng tên nhưng đại loại liên quan đến việc giàng dạy văn thơ cho học sinh phổ thông, không thấy hoạt động gì nhiều, đã lâu không còn nghe nhắc tới). Người giới thiệu và điều khiển chương trình là một nhà thơ nay tôi quên mất tên ông, chỉ nhớ ông nói giọng Bình Định hay Quảng Nam gì đó và dường như ông là nhà thơ “chuyên” về thơ thiếu nhi. Ông nói rất lâu về sự cần thiết phải “đẩy mạnh” phong trào làm thơ cho thiếu nhi vì theo ông, thơ thiếu nhi hiện rất yếu và thiếu.
Gần cuối buổi hội thảo đó, (nói hội thảo là kiểu nói quen dùng chứ e không đúng, vì tới phiên mình, diễn giả nào cũng lôi bài viết sẵn trong túi ra đọc, hết người này đến người khác, không có gì là thảo hết). Tôi cũng được nói 15 phút, yêu cầu chính là mọi người muốn biết thơ trong sách giáo khoa cho bậc tiểu học tác dụng ra sao đối với thiếu nhi trong trường học phổ thông, “chất lượng” thơ như thế cao hay thấp… Tôi không có bài viết sẵn, chỉ mấy ý đơn giản, nhận thấy sao thì báo vậy. Thơ thế nào thích hợp với thiếu nhi theo”tiêu chí” hiện nay, công nhận rất khó, thơ vừa hay vừa thích hợp cho thiếu nhi càng khó vì ít quá.
Có điều tôi không tin ta có thể động viên mọi người viết thơ cho thiếu nhi được. Những bài “sáng tác” trong tinh thần động viên đó, nếu có, cũng vội trôi qua mau như nước dưới cầu mà thôi. Thơ trong sách giáo khoa không phải hoàn toàn dở nhưng vì có vẻ phải chia đều cho nhiều tác giả, thậm chí chỉ vì ông lớn nên được trích giảng, bất chấp giá trị thât thế nào, do vậy phần nhiều thơ đó chỉ lưu lại một vùng trắng nơi tâm thức trẻ thơ. Chúng quên rất mau những bài thơ được học.
Thực tế đó rất dễ kiểm chứng. Trẻ con cảm nhận hay dở không thua người lớn mấy, những bài nội dung minh bạch, mục đích yêu cầu cụ thể nhưng diễn đạt vụng về, gần với vè thì dù có bắt học thuộc lòng nghiêm khắc tới đâu, thời gian ngắn sau đó, các em cũng quên ngay (nhưng nếu vè thật thì ít quên hơn, tại sao? Phải chăng đúng vè thì cũng có cái duyên riêng?). Không phải việc của mình nhưng tôi cũng xin đề nghị nên bỏ bớt chương trình ngữ pháp, thay vào đó, tăng cường dạy thơ cho học sinh phổ thông. Biết đâu học thơ chính là một cách học… ngữ pháp! Đừng sợ thơ khó, trẻ con “hiểu” thơ không phải qua ý mà qua cảm nhận về ngôn từ, về hình ảnh, về âm thanh của từ của câu nữa.
Tôi kể lại rằng có lần tôi đọc đoạn thơ khó của một tác giả hiện đại cho lớp học sinh giỏi văn rồi hỏi các em nghĩ gì về đoạn thơ đó. Một trong các em trả lời rằng không hiểu lắm về nội dung nhưng em thấy hình ảnh và lời thơ rất đẹp và gợi tả, muốn ghi để đọc lại nhiều lần. Ai cũng biết truyền thống văn nghệ không gián đoạn, lâu bền và dễ nhận thấy nhất của dân tộc ta là thi ca, (bà tôi không biết chữ Nôm, chữ quốc ngữ nhưng hiểu và thuộc không biết bao nhiêu ca dao). Ngôn ngữ chúng ta nghèo danh từ diễn đạt các khái niệm trừu tượng nhưng mặt khác, rất giàu từ ngữ đầy ảnh tượng tả hình trạng sự vật và cảm xúc của nhân quần (nhà văn Võ Phiến gọi là cảm từ). Mà ai cũng biết ảnh tượng là yếu tính nổi bật nhất của thi ca. Cho nên ngôn ngữ dân tộc ta rất … nên thơ.
Học giả Đặng Tiến có nói đại ý rằng thơ là con đường dễ hơn hết khơi gợi được mỹ cảm, kể cả đạo đức nơi tâm hồn trẻ em. Cũng không nên sợ thơ khó, trẻ em không hiểu. Chúng tôi được học Cung Oán Ngâm Khúc từ năm lớp sáu, lớp bày. Lúc bấy giờ mặc dù thầy có giảng nhưng cũng chỉ hiểu lõm bõm phần từ ngữ (chẳng hạn) thệ thuỷ, cổ độ, thu phong, tà huy, phong trần, sơn khê, tang thương, ảo hoá, phù sinh… Nhưng khi đọc cả câu thơ, vẫn “cảm” được nội dung của chúng. Phải chăng nhờ những động từ, tính từ gợi hình đi theo các từ chữ Hán? (ngồi trơ cổ độ, đứng rũ tà huy…) Hay âm thanh của từ? Hay âm nhạc nơi câu thơ? Chắc là tất cả. Nên chi đừng lấy nội dung dễ dãi, mục đích yêu cầu cụ thể làm chuẩn mực chính khi chọn thơ trích giảng.
Tôi có nhắc tới một nhận định của Thanh Tâm Tuyền về nội dung thơ để dẫn chứng (tất nhiên lúc đó tôi không dám nói tới tên ông mà chỉ nói “một nhà thơ”) và để chấm dứt, tôi mượn lời nhà phê bình Đặng Tiến (tôi vẫn không dám nói tên mà chỉ nói một nhà phê bình, kể ra tôi cũng lo sợ hơi quá trong trường hợp này!): “Tâm hồn Việt nam, phần óng ả nhất, được dệt bằng thơ. Chút tơ lòng nọ liệu nay còn bền chặt chăng?”, tôi nói thêm rằng còn bền hay không trách nhiệm ở nơi các nhà sư phạm đừng xem thơ chính là những bài giáo dục công dân.
Sau đó, nhà thơ Bùi Chí Vinh lên diễn đàn, tôi cũng vui nghe ông bảo hoàn toàn “nhất trí” mấy điều tôi vừa trình bày. Đến nay đã cuối thập niên đầu TK 21, mọi sự cũng chẳng có gì khác. Cả núi báo chí giấy tờ sách vở đã viết về cải cách giáo dục, e rằng cũng sẽ còn tiếp tục kêu gào trong vô vọng vì những người gọi là có trách nhiệm vẫn trơ như đá và nhất là vững như đồng trên chiếc ghế quyền lực. Chỉ tội cho những người lạc quan, ngây thơ và kém hiểu biết (như tôi) mới kỳ vọng nơi ông bộ trưởng này rồi ông bộ trưởng khác trong vai trò cải cách, không dám nghĩ rằng phài cải cách nền chính trị trước rồi sau mới có cửa cho đồi thay giáo dục. Nay tôi xin trích lại đoạn văn của Thanh Tâm Tuyền vừa nhắc trên đây hòng làm rõ thêm ý kiến của mình:
THẰNG CUỘI
Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Bỏ trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên
Ông thì cầm bút cầm nghiên
Ông thì cầm tiền đi chuộc la đa
“Mấy câu ca ngờ nghệch này chắc chắn thằng con tôi sẽ thuộc rất mau như bố nó thuở bé. Nó sẽ đọc khi đùa chơi, nó sẽ nhớ mãi cùng với hình bóng chập chờn của thằng Cuội. Để đến một ngày nào khi đã lớn bỗng nó nhận ra như tôi hôm nay là những câu ca của tuổi nhỏ trong suốt, tự nhiên kia nay thật mờ đục, tối nghĩa. Tôi đã tự hỏi cái ý nghĩa kết hợp thống nhất sáu câu lục bát trên là gì? Nếu thằng con tôi bắt tôi giảng cho nó hiểu, tôi sẽ phải bịa đặt ra nhũng chuyện gì cho “hợp lý”.
Nhưng thằng con tôi nó chẳng hỏi han gì cả. Nó lắng nghe tôi đọc, nó lặp lại từng câu và nó sung sướng. Tôi không cần phải giảng vì nó đã hiểu. Nó đã hiểu theo lối của nó, như tôi thuở bé đã hiểu vậy. Chúng tôi, hai bố con nhìn nhau, đã hiểu mấy câu ca ấy như thế nào? Không nhiều nhưng thật đủ. Thằng Cuội đón đứa trẻ chăn trâu ngồi tựa gốc cây đa”ời ời” kêu cha trong khi mẹ nó cưỡi ngựa đi mời quan viên: Mấy ông quan viên làm cái gì, cuội không hiểu, tôi không hiểu và thằng con tôi không cần hiểu. Chúng tôi chỉ cần “hiểu” là thằng Cuội không có cha mẹ ở gần, thằng Cuội bị bỏ rơi, thằng Cuội lủi thủi suốt đời dưới gốc đa. Thằng Cuội là đứa trẻ bất hạnh.
Chính cái hình ảnh ấy của thằng Cuội đã xoá sạch trong lòng những đứa trẻ hình ảnh thằng Cuội ‘dối trá’.” (Tạp Ghi, Thanh Tâm Tuyền, Chiêu Dương ấn hành, Sài gòn 1970)
Như vậy, xem ra thơ hay có phần không phải vì ý tứ rõ ràng mà vì thơ đó khơi gợi được trong ta những nỗi niềm khác, hình ảnh khác, cõi miền khác.
Nói cho công bằng, chẳng ai dám bảo không có thơ hay về ý. Mấy câu thơ xuôi của Tô Thuỳ Yên sau đây không phải hay ví ý tưởng tân kỳ sao?
– Tôi là Tô Thuỳ Yên là thi sĩ là người chép sử tương lai.
Vốn học hành dang dở nên ra dứng bờ cuộc đời ngó xuống hư vô khi mùa hạ đốt bừng lên những hàng đuốc phượng.
– Có khi cô đơn tôi xoè bàn tay gầy guộc ra xem thử chỉ nào bất hạnh.
Và Thượng Đế có chăng.
– Tôi chết rồi đây hơn một nửa những ngọn nến của đời mình tôi đã thổi tắt hết từ lâu.
Hoạ chăng còn chút hơi thừa.
Nói đến tứ thơ, xin bàn thêm đôi điều thô thiển. Đành rằng ai không từng buồn nhưng bọn phàm nhân mắt thịt như tôi mỗi lúc cũng chỉ biết kêu lên”buồn quá” rồi thôi. Thi nhân cũng hay diễn ý buồn, mỗi người mỗi cách, nhưng theo tôi, xuất sắc nhất trong văn học Việt Nam chỉ mấy câu thơ này (chắc chắn tôi chủ quan):
Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê
(Nguyễn Du)
Tuổi già thêm bệnh hoạn
Kháng chiến thấy thừa ta
Mối sầu như tóc bạc
Cứ cắt lại dài ra
(Phan Khôi)
Đêm qua băc Vàm Cống
Mối sầu như nước sông
Chảy hoài mà chẳng cạn
Cuốn phăng kiếp bềnh bồng
(Tô Thuỳ Yên)
Cùng là buồn nhưng cách diễn ý mỗi người mỗi vẻ, kiểu nào cũng so sánh đầy hình tượng, cụ thể và riêng tây. Hỏi có cách gì tả mối sầu dai dẳng không bao giờ dứt đạt hơn thế không? nhất là hai tác giả sau: độc sáng, tối ưu, giản dị mà mới mẻ lạ lùng. Nguyễn Du buồn cho thân bóng lẻ loi câm lặng của một hàng thần lơ láo. Cụ Phan tiết tháo, cô đơn, buồn trong những tháng ngày thừa và tật bệnh của một kiếp dư sinh trên núi rừng chiến khu tây bắc. Tô Thuỳ Yên viết những câu thơ bất hủ trên đây lúc mới mười tám mười chín tuổi nơi quê nhà (Sài thành hoa lệ?), cớ gì mà anh sớm héo sầu quá đỗi vậy, Tô quân!
Về thơ cho thiếu nhi, nhớ có lần tôi cho học sinh giỏi lớp 5 đọc bài thơ sau:( Tôi ghi lại bài này theo trí nhớ trong cuốn “ Le Francais par la radio “ của đài phát thanh Pháp Á hồi thập niên 1950, được dịch sang Pháp văn).
HÁI SEN
Em nhớ mùa sen nở
Em cùng chị ra ao
Chị bảo em bưng rổ
Chị đi trước, em sau
Hôm sau lúc ra chợ
Để bán rổ hoa sen
Rằng chị ơi hãy nhớ
Mua em bánh với kèn
Đến nay mùa sen nở
Chỉ mình em hái sen
Chẳng có ai ra chợ
Mua cho em bánh, kèn
Bên đầm sen lại nở
Nhưng chị đã theo chồng
Em bâng khuâng hồi nhớ
Thuở cùng chị bẻ bông
Trần Văn Hai
(Chắc tôi quên một khổ, khổ tiếp sau khổ đầu, nói chuyện hái sen, người chị không cho em xuống đầm vì sợ chân em lấm bùn, tôi nhớ ý nhưng quên hết lời thơ, độc giả ai biết xin vui lòng bổ sung, xin đa tạ).
Tôi nhớ giáo sư Meillon đại ý cho rằng đây là bài thơ tuyệt vời, tứ thơ giản dị, cảm xúc chân thành, tâm tình trong sáng như nước trong nguồn chảy ra, nỗi buồn của em bé xa chị tưởng như nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu lắng khiến người đọc rưng rưng cảm động.
Tôi cũng lưu ý để các em được rõ, trước đây không lâu, không gian cách trở là một bi kịch của cõi nhân sinh trong xã hội nông nghiệp lạc hậu. Người chị trong bài thơ lấy chồng rồi có thể đi biền biệt. Núi sông cách trở, đi lại khó khăn tốn kém, có thể vì nghèo, vì gia đình nhà chồng khe khắt… nàng không dễ gì và sự thật, có người không bao giờ được một lần về thăm lại quê hương, cha mẹ. Ta vẫn nghe người xưa bảo thà tử biệt còn hơn sinh ly. Ta hình dung em bé ôm nỗi nhớ ngồi thẫn thờ bên bờ cỏ. Phải chăng niềm đau của em không khác gì nỗi tiếc thương mất mát người thân trong cái chết?
Trong khi tôi nói, cả lớp cứ ngoái nhìn em nữ sinh ngồi nơi bàn gần cuối lớp, em áp mặt trên hai cánh tay khoanh đặt trên bàn, thổn thức. Cuối giờ tôi đến hỏi han, em rụt rè đáp:
– Thưa thầy, chị con đi vượt biên, mất tích ngoài biển.
[1] Trích bản thảo “Ký ức sơ sài” chưa công bố của Nguyễn Khiêm, một nhà giáo dạy Văn ở cả hai chế độ trước và sau 1975, tựa đề của VV.