THƠ CHU HOẠCH (1941-2007)

images932631_chuhoachTài hoa, đào hoa, kiêu bạc, lang bạt…Đó là những điều mà người cùng thời nghĩ hoặc nói về Chu Hoạch –Họa sĩ của những bức chân dung thiếu nữ dịu dàng, những bức tranh màu trầm, đường nét khúc khuỷu, những bức sen, cúc mềm mại, thanh thoát- Nhà thơ của những bài thơ tình yêu đằm thắm, chân thực, của những mùa thu, những cơn mưa, những góc phố, những làng quê đầy ẩn ức.

Vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước, Chu Hoạch cùng Lê Huy Quang, Tường Vân, Phan Đan làm nên nhóm Thơ chân đất. Các thi sĩ ít khi in thơ trên báo mà thường khi đọc thơ ở các quán rượu nghèo. Có thể nói, chính những nhà thơ này đã đem đến cho thơ Việt bấy giờ một khí vị mới, một giọng điệu tân kỳ.

Sau khi rời quân ngũ, Chu Hoạch về làm việc tại Công trình đô thị, chuyên việc vét cống vào ban đêm. Đời sống khốn khó, vất vả, bất ổn triền miên không khiến ông nguôi ngoai khát vọng sống và sáng tạo. Chu Hoạch không ngừng làm thơ, không ngừng vẽ. Có điều, Câu thơ hay nhất không lời/ Viết xong, tôi đốt đi rồi còn đâu//Bức tranh đẹp nhất không màu/ Vẽ xong tôi đốt từ lâu lắm rồi//Tháng năm đẹp nhất đời tôi/ Ở trong tro ấy/ Tro vùi dưới tro…Chu Hoạch không lưu giữ những gì ông tạo nên. May mắn, ông có những người bạn thiết, những người đọc yêu thương, gìn giữ cho ông. Một trong những người đó là kỹ sư Nguyễn Quyết Thắng-người bạn vong niên hết lòng bên ông trong những tháng năm cơ cực nhất. Anh đã chuyển cho chúng tôi một số bài thơ của nhà thơ Chu Hoạch.

Văn Việt trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Gió đầu ô

(Viếng thi sĩ Đinh Hùng)

 

Gió đầu ô vào mùa chớm lạnh

Mạnh hơn và có lẽ sạch hơn

Hè bạc nắng rõ đường viền ô gạch

Giấc đầu hè che ngực tấm chăn đơn

 

Cả trời nữa cũng chuyển vần vân sắc

Tán Bàng xanh đỏ rám tới từng gân

Cũng chẳng thiếu những cành khô ngúc ngắc 

Đã chả buồn giấu mặt giữa không gian

 

Thu có vẻ như cời than đốt lửa

Ta lại buồn như sắp sửa vào yêu

Để hối tiếc khi tuổi già đập cửa

Ta đổi Buồn

                        Vui lấy được bao nhiêu?

 

Và cứ thế đứng chiều mong chóng tối

Tối mong đêm sấp gối lại mong ngày

Ôi chán nghẹn những mùa mưa cũ mới

Cứ bảo Trời không khóc mướn thương vay?

 

Ta lại buồn như sắp sửa vào say

Biết chạm cốc cùng ai trong ý nghĩ

Biết tìm mắt của ai màu tri kỉ

Mà cần chi khi chẳng thể khuây buồn

Chưa biết chừng có lẽ lại buồn hơn…

 

Ai bảo kiếp ôm chân thần Vệ nữ

Là nhẹ quên trăm vạn thứ trò đời?

Ta – chỉ thấy lúc tan cơn cuồng dữ

Tất trở về như mọi kiếp buông trôi…

 

Ai bảo chót mang đời đi lang thang

Là thư thái như một chàng nghệ sĩ?

Ôi, dối trá mà sao không biết sỉ

Hỡi anh chàng ra vẻ phớt buồn đau…

 

Ta muốn yêu như kiểu những con tàu

Vẫn khao khát giàu thêm màu viễn xứ

Như cái thưở hồng hoang thời dã thú

Tổ tiên loài Người vốn sợ cô đơn…

 

Có ai nghe cho hết một nỗi buồn

Ta sẽ đến cầu hôn

                           và có lẽ

Ta sẽ chết trên bàn tay gượng nhẹ

Nỗi buồn ta nhờ thế sẽ tan mau

 

Có ai cười cho đến trọn ngày đâu

Bởi đau khổ vẫn ẩn rình đây đó

Có ai nghe và phải chăng sẽ có

Một tình yêu không dự cảnh trao tay?

 

Ta muốn buồn cho hết mức rồi say

Vô cùng tận và lăn quay xác thịt

Cho đến tối khi đầu ô gió mệt

Nhờ mưa lau dấu vết đêm qua …

 

Mẹ ơi!

            Mẹ ở lại nhà

Con bất hiếu con ra đi từ sớm

Mẹ nhớ bữa phần cơm con ủ ấm

Ngoài kia lạnh lắm

                                Gió đầu ô…

 

Hà Nội 7/1967

 

 

tranhchuhoachEm…

 

Em như một bài thơ không chép được

Mà đành lòng anh phải thuộc từng câu

Thuộc bằng ngày lặng nghe và khuya âm thầm hưởng

Từng vị ngọt bùi từng vị nông sâu…

 

Em rất giống một màu không sao pha trộn được

Trên bảng màu bất lực của anh

Màu ấy chỉ có bằng rọi bảy màu ánh sáng

Để nhận về cái trắng long lanh…

 

Em rất giống sự hình thành quả đất

Chầm chậm nên dần biển mặn rừng cay

Mà nắng, mà mưa, sấm rền, chớp giật

Chỉ để làm nhịp điệu vòng quay…

 

Để rốt cùng Em là tay là mắt

Là giọng buồn anh hát là chỗ khuất anh chờ

Là phép màu mà chính Em không bao giờ thừa nhận

Có thể biến anh thành quỷ dữ hoặc nhà thơ…

 

 

Một ngày

 

Đưa Em ra bến xong anh vòng về quán nước

Ở đấy – với năm xu – anh được thở dài

Mà ngắm những đốm Hè nồng nực

Nhấp nháy hiện màu nhấp nháy đổi thay

 

Ngồi hết cái năm xu cũng là kịp vào ngày lao động

Với một chiếc xô tay anh tụt xuống cống ngầm

Thành phố đi trên đầu anh không tiếng vọng

Trừ tiếng thở của mình trầm, chậm, có hồi âm…

 

Ở đầu cống đằng kia cách hai trăm thước

Người thợ cống lâu năm rủ anh vào cuộc chuyện trò

Và trong cõi âm u nửa bùn nửa nước

Mỗi tiếng thì thầm cũng trở nên to

 

Cả hai đã nói gì trong âm u bùn nước ấy?

Khi thì nói về những cô gái đến với đời mình để lại ra đi…

Khi thì nói về khẩu súng, về con dao, về hòn đá đợi chồng,

                                                                                  về lòng con sông chảy

Về những mùi vị bất ngờ được nếm ở trong mơ khi thức dậy chẳng còn gì…

 

Nhưng nhiều nhất là nói về những người đi trên phố

Những người đi ô tô những người đi bộ ngược chiều nhau

Những người vội vàng

những người hớn hở

Và những người đi im lặng lẫn màu…

 

 

Thu

(Tặng H)

 

Thu rất thật thu là lúc chớm Đông sang

Em rất thật Em là lúc Em hoang mang lựa chọn

Anh rất thật anh là sớm biết ra đi nhẹ gọn

Để tránh cho Em mất một lời chào

     Bớt cho trời một chút gió xôn xao…

                       

                                   

Tĩnh vật  

 

Trên cái mặt sần của tấm các tông đen

Tôi nhận vẽ những bông hoa Loa kèn trắng

Và những bông Loa kèn đã vươn cổ thổi lên điệu kèn im lặng

Bằng độ trắng đầu tiên bằng độ trắng cuối cùng

Và những bông Loa kèn vươn cổ thổi lên điệu kèn bí mật

Mặc những lời bình luận của người nghe

                                      mặc những lời bình luận của người xem

 

Và những bông Loa kèn vươn cổ thổi lên điệu kèn bất tận

Trong khi giống loài của chúng ở ngoài đời đã tàn, đã héo úa hom hem…

 

Trên cái mặt sần của tấm các tông đen…

 

                                   

Chín mươi câu gửi Tường Vân

 

I.

Có đêm nào ta chẳng ngủ cùng đêm

                                                          trang trắng nhất

Dù chỉ là phần giấy nhặt

Sót trong vở học trò?…

 

Rồi bất ngờ

Ta bước vào thơ

Bằng cái cơ thể ba mươi vừa tắm gội.

 

Có thể bắt đầu thơ bằng câu Em từ chối

Cái đòi hỏi tối nay

Cái đòi hỏi tối nay của một bàn tay

Một bàn tay ngón dài mà vụng

Có thể bắt đầu thơ bằng một ngôi sao rụng

Quá vội vàng

 

Có thể bắt đầu thơ từ sợi thép giăng ngang

Trên ấy áo Em phơi đằng cuối xóm…

 

Nhưng chẳng thiếu gì đêm không bắt đầu

                                                          không kết thúc

Ta ngủ cùng trang giấy mỏng

Nguyên lành trắng đến hôm sau…

 

II.

Từ phía Cảng bạn hỏi về:

“Ai đi đâu ai về đâu

Những con thuyền dan díu vào nhau…”

 

Nghe chửa dứt ta vỗ đầu hoảng sợ

Khi thấy

Từ phố mình nhà nhà quay lưng lại nhau như trốn nợ

Rồi lại ngơ ngẩn mừng

Khi thấy

Từ sau lưng mỗi nhà

Ô cửa sổ

Ngó sang ngang…

 

III.

Tường ơi!

Trăng

Tường ơi!

Mái

Tường ơi!

Một đốm chiều

Một chân rêu

Còn đấy

Màu đèn nhấp nháy ngã ba khi ta qua…

Ta gọi đấy là Thơ và Lửa

Màu lạnh của mùa Đông thứ ba mươi mới về đi nhờ toa tàu gió

Đã ràn rụa nở trong không

Thu thấp thoáng

                         Thu thẹn thùng tạm biệt

Ta nhặt mấy kỷ niệm Thu ở góc đường leo lét

Sắc vàng chưa chết trên tay

Mong nhờ đó mà gây qua đêm nay

Một bếp lửa cay và mắt đắng…

 

IV.

Bên lửa ấy

Ta thèm một quả cây chín nắng  

Đánh đu sát mặt ao làng

Màu chín đỏ gọi từ thèm ngắm đến thèm ăn

Nhưng chớ vội ăn khi ta chưa vần vò cho chê chán cái thân tròn mũm mĩm

Nếu chẳng thế ta sẽ gặp

                               một chát chua khủng khiếp

Đã nếm rồi đến chết chẳng quên cho!

Quả nhót mọng như Em

Em lại giống như Thơ

Thơ bất tận của một mùa đơn chiếc…

 

V.

Lại có buổi ta về khuya

Chiếc gương nhỏ mới thầm thì kể chuyện                       

Về cái bất ngờ chiều Em đến

Và bất ngờ soi gương sửa nếp tóc rối buồn

Lúc ấy có bao nhiêu sức mòn mặt gương dồn tất cả để tự sáng trong hơn

Dù lát nữa

Em về, quên cả hẹn lần sau…

 

Không! Không!

Ta chẳng muốn nghe đâu

Nghe chuyện ấy có khác nào thú nhận?!…

Để dấu mình,

Ta đã thử tìm những bài ca ướt mắt

Dù bài ca nào cũng chỉ thấy những cô gái buồn than vãn nhớ người xa

Ngay cả đến Etwa Grig (*)

Mà trước sau gì ta cũng chỉ mình ta…

 

Để dấu mình

Ta đã thử tìm đến cây ghi ta sầu não

Lâu lâu sờ đến đàn, chẳng đầu ngón tay nào không rỉ máu

Trước những hợp âm điên đảo trái mùa…

 

Ta cũng thử tìm mình trong góc quán đầu ô

Đầu ô gió và đầu ô mái giột

Ta đã thử tìm mình ở men Quê trong suốt

Rượu vắng Tường rượu rót chẳng thèm vơi…

 

VI.

Ta là con thú tự vào chuồng như dự một trò chơi

Tự tìm lấy niềm vui trong những màu tươi trẻ

Và ngày tháng qua đi, qua luôn cơn nhạt tẻ

Ta quên ta đi trong những màu sắc trẻ con này

Trong đó có xanh rừng xanh biển xanh mây

Có đỏ máu đỏ môi đỏ cười say điên loạn

Có vàng nắng vàng mưa vàng cơn giông hung hãn

Với chút vàng hiu hắt ở Thu Em

Với chút hồng ràng rạng phía chân đêm

Và có trắng thiêng liêng ta cầu ước

Kề với Trắng là Đen tình nguyện đứng làm nền suy tưởng

 

Ôi,

Xin đừng hỏi vì sao Ta đánh cược cả đời Ta…

 

Hà nội-ngõ Bò 1971

_____________________

(*) Etwa Grig: nhà soạn nhạc Nauy, tác giả kịch Per Guyn trong đó có ca khúc “Bài ca nàng Sonvây”.

 

 

Sau khi vẽ tĩnh vật sen

(nhớ Q.Thắng)

 

Tại quầy hoa cuối cùng

Ta ôm về mười bông Sen trắng

Làm quà tặng cho chiếc bình gốm nâu

Trống vắng

Kể từ ngày Cúc trắng bỏ đi

 

Đêm ấy và hôm sau

Ta đóng cửa ngồi 

Để chiêm ngưỡng và bồi hồi ghi lại

Vẻ rạng rỡ của chiếc bình trong niềm vui thức dậy

Bởi lời tỏ tình khả ái của Sen

 

Sen rụng cánh đầu tiên vào lúc xóm lên đèn

Lúc ấy

Ta đành bỏ ta ngồi nguyên chỗ

Mà nhìn chiếc bình gốm buồn lại nỗi buồn trước đó

Có từ ngày Cúc trắng bỏ đi…

 

 

Nhẹ nhàng đông

 

Hãy khoác áo cùng anh đi dạo

Khúc đường chiều mê ảo rãn cong

Mà nghe nắng run say lảo đảo

Nghe ngày trôi trong nếp áo phập phồng

 

Hãy để đầu mình không mũ nón

Cho tóc thấm cái nhẹ lùa từng ngón tay sương

Và hãy để chân mình dép mềm nhẹ gót

Không động khua giấc đá rải đường…

 

Hãy để cho mùa Đông đơn phương tự họa

Bằng những sắc hình rời rã xác xơ

Và ta đóng vai đôi người xem nhàn nhã

Không mảy may tìm kiếm bất ngờ…

 

Và hãy để cho bài thơ tự kết 

Lúc phố người bừng điện báo đêm

Rồi bên cạnh tên bài thơ vụt đến

Anh sẽ đề rón rén: Tặng Em …

 

 

Đề dưới chân giấc mơ

 

Rồi cuối cùng ta cũng vẽ được giấc mơ

Sau nhiều giờ đánh vật

Một giấc mơ trinh chất

Vẽ bằng tất cả sự trắng trong chưng cất một đời

 

Giấc mơ hiện thành người

Ngời ngời ánh sáng

Bên cửa sổ mùa Đông đạm bạc

Cách xa tiếng nháo nhác phố phường

Với cái miệng sắp cười dễ thương

Với trang phục ngày thường con gái …

 

Sẽ không phải ta đâu mà là giấc mơ sống mãi

Ở ngoài mọi đồng đãi miệng đời

Ở ngoài dòng thời gian trôi chảy

Ngoài tình người khắc khoải đầy vơi…

 

Và ta sung sướng ký tên ta bằng nét bút rã rời

Dưới chân giấc mơ một đời khao khát …

 

    

              

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Comments are closed.