Thơ Đoàn Huy Giao

                    mỉm cười

với bụi cỏ chi

 

 

Cuối cùng thì

đám mây lạc đường của tôi

cũng được em dắt về.

 

Một tiếng reo tròng trành, rất khẽ

đủ giữ lại trong ngực

 

nỗi cuống cuồng  

dưới nắng ấm hoa niên

 

thứ nắng

có từ những chiều thế kỷ trước.

 

Ơi cô nàng Cỏ Chi!

   Cỏ Chi!

 

Em nở cho tôi một chùm răng sữa

bên góc vườn không còn trẻ    

sau những cuộc cờ giảo hoạt

sau những chia ly

nhiều khói độc

CKC, AR15… vô số băng cờ

cài cắm đau thương

trên nấm mồ người mù chữ.

 

Một nỗi gì của tủi hờn trong trẻo

một nỗi gì

của bếp củi cuối năm nơi quê nhà

tôi gọi là tổ quốc

bay phần phật từ Em

từ luống cày, lưỡi đã mòn

nếp nhăn của đất

từ con chim khách

 

Một nỗi gì kỳ vĩ cuả tình yêu

 

Vầng trán phải nghiêng về phía nào đây

hỡi chim! tôi mới nghe được

cái tiếng gọi rạng ngời

đã tắt lịm từ lâu dưới mây đen

   

&đá sỏi.         

 

Các thứ cộng sinh pha tạp khác, em ơi

chỉ là

trò giả hiệu

Chẳng còn ai cần đến

Chẳng còn giúp được gì cho khát vọng

Em ơi!

 

cung thương

 

trong tận cùng cô đơn, em tôi nói  

leo lên đến đây rồi, thì chỉ có

trong mơ cho cánh bướm (trái màu) mới

không bị phản thùng cái đẹp nguyên khai.

 

nghĩa là không có vùng cấm

 

dư ba kia chẳng nằm trong lối đồng dao

kiểu tổ 3 – 3, cũng chẳng nằm trong

cháy khát từng từ mà tôi lần dò nhai kỹ

cho cuộc phiêu du nhiều khói độc

 

đêm gối đầu lên khổ thơ Long Thành mà

lòng quặn thương cây cơm nguội vuốt mặt

gió mùa.

 

cựu khúc tân thanh ám lệ thuỳ (*).

 

Thăng Long! hề

Thăng Long! chén nước ba xu khăn mỏ

quạ của tôi rùng cóng hoàng thành nơi

con rồng đất chui lên nói thầm vào

nỗi hoài nghi, rằng anh đừng lai dắt

ai như thị Lộ vào cung đấy nhé!

 

ô hô!

 

con xin lỗi U!

vài ve quốc lủi chẳng là gì

không thanh lịch cũng là người… có bí

kíp gợi tình loi thoi vài chiếc lá ăn

theo trò mưa thu – rựa mận.

 

hồ Gươm ơi! hồ Gươm mi làm mất trật

tự kỷ cương Thới Xuân Nga chống người

thi hành công vụ còn tè xuống đêm nước

xanh, lè nhè.

 

“gởi người em gái miền nam” (**)

 

có trời mới biết những bài ca đàn hồi

nhịp chầu văn mùi kinh kỳ mượt da bồ

đào mỹ tửu cho liễu rủ ven hồ được thể

lên giọng hào hoa cho cuộc cờ giảo hoạt.

 

lạc nhịp đêm se lạnh

lạc nhịp – lạc nhịp quá

bóng âm mà ta ngấm đòn sức bật long

trời hồn phách ăn theo mái rêu Lý Trần

nghiêng môi huỷ diệt nhau cả đời dài.

 

    (*) Long Thành cầm giả ca của Nguyễn Du

    (**) tên môt ca khúc của Đoàn Chuẩn.

 

 

sáng cuối                                                                      

                                    dành nhớ anh ĐT

 

Trong cơn mê, anh nói với Thôi Hộ

hệt cái giọng hoa cau lặng lẽ gieo mình

xuống lòng giếng trong.

 

Rằng,  mình về là về ngồi bên góc chợ

Cẩm Lệ nghe mấy bà già trầu tám chuyện

chim ngày mùa.

 

Ngát trời vui.

 

Quầng sáng đó âm thầm

lay lắt 

đến cuối bãi đã thành tro.

 

Anh không gieo nước mắt

anh chỉ gặt từng hạt mẩy ngôn từ

ứa mật dưới trời xanh.

 

Ơi nhúm tro ròng co thắt

cứ lần khân hẹn về… dai nhách.

 

chép thử

 

này “con ngựa già của chúa Trịnh” (*)

mi thương vay 

khóc mướn – mà làm chi !

 

bầu trời đầy sao

không có ngôi nào, là của mi

cỏ trên đồi xưa sặc mùi dã chiến

cũng tự biết, niệm tình khô máu

dọc hàng rào, đầm nước mắt hoa mua

 

trật tự bầy đàn là bản chất hướng tới

các học thuyết toàn trị.

 

còn nguyên lý tối thượng, của thơ

 

      là tự nguyện 

      là tự huỷ

 

là câu xẩm vụt qua

trên chiếc ghế ai đó bỏ trống

tấm khăn trải bàn ăn,

vừa dọn đi

cái bàn lên cơn

chếnh choáng.

 

thế giới này hoài thai

trong mộng tưởng.

sinh thành – trong cô đơn.

tên thổ dân là ta

bị thời giá cờ quạt rượt đuổi

vào cái hang lơ lửng

 

trên các sạp báo nực mùi vọng cổ

 

Sài Gòn

Sài Gòn là của ai!

 

là của ai!!!

 

bước chân xuân bạo liệt đó, theo toàn

tập bìa cứng tràn xuống đại lộ Lê Lợi

dạy chiêu trói người theo phép biện

chứng chọc giận

 

             trong câm lặng.

 

chồng chết trận

con chết đói

người đàn bà trong mưa

trong mưa

người đàn bà – nhìn tôi

 

như không có.

                                                                       

ôi! cơn lốc lật từng trang phi lý

 

Sài Gòn

Sài Gòn là của ai!

 

ý nghĩ ta ngược chiều gió thổi

trái tim là hồi chuông lặn

xuống biển sâu.

 

con ngựa già!

mi vào phương nam gõ móng kiểu chi.

 

em đau khổ

em vô cùng đau khổ

trong nỗi dày vò âm ỉ

tận trời sao.

 

(*) tên một truyện ngắn của Phùng Cung

    đăng trên báo Nhân Văn.

 

 

                                                                        Đ. H. G

Comments are closed.