Đêm đó trước gương
Buổi sớm có một người hốt hoảng…
gọi tôi: Đêm qua anh vừa phạm phải một lỗi lầm nghiêm trọng
Anh đã nằm mơ thấy mình hôn em. Và còn dám mơ em chỉ lặng yên mỉm cười
Người đàn ông vặn vẹo hai bàn tay hồi tưởng
Anh xin lỗi vì không kiểm soát được giấc mơ
Chúng ta cũng có kiểm soát được gì đâu từ lớn lao như nỗi thèm khát, sự si mê, cơn giận dữ
Hay tầm ruồng như ngáp, ợ hơi, xì hơi và cả cơn chán nản…
Nếu có một người cần xin lỗi. Hãy xin lỗi chính anh bởi đã cất công dè xẻn cả giấc mơ của mình
Sau lần bị mắng vì đã không dám mơ cho tới, người đàn ông bỏ đi
Chắc đang tìm cơ hội cho một giấc mơ dài
Đêm đó trước gương – không phải mơ – tôi thấy vú mình hóa thành hai chiếc sừng hươu
Sừng trang trí cho hươu hay để cân bằng với cặp giò nhanh như gió
Vú điểm tô cho đàn bà hay để cân bằng với hạt giống gian xảo, bội bạc, nhẹ dạ được gieo từ a tăng tỳ kiếp
Đêm đó trước gương
Tôi thấy cặp sừng vướng vào cây mà chết
Đợi thợ săn mà chết
Con tôi tình cờ đi ngang qua bản thảo. Nó nghiêm nghị nhìn tôi: mẹ bỏ nghề đi, mẹ viết gì toàn những điều thô bỉ
Cuộc đời trần trụi thế kia mà
Tôi chỉ nhìn vào sự thật
Để được giải phóng
Free – Flow 1
Con gái nhỏ của tôi thầm thì: mẹ mai này lớn lên con sẽ học tiếng Tạng để dịch kinh cho mẹ
Tôi ngay lập tức ném cho nó một kết luận: Ồ con hẳn đến từ Hy mã lạp sơn
Con tôi chia sẻ: Không hiểu sao con thích hoa morning glory ghê – loài hoa mang tên gương mặt buổi sáng
ồ, hay kiếp trước con là người Nhật…
mỗi một điều bất ngờ con mang đến tôi đều không biết con lấy chúng từ đâu – ngoại trừ mang theo từ kiếp trước
Mỗi một lần nhìn nét mẹt trầm trọng của tôi, quả thật mỗi ngày gương mặt tôi đang bẹt ra như cái mẹt phơi đồ của các bà mẹ quê, bọn nhỏ cười vào tôi rồi nói: Con không đến từ kiếp trước đâu mẹ. Chỉ là mẹ đang quá mong đợi con là ai đó
Có thật là tôi đã quá mong đợi
hay tôi cũng như mọi người chỉ thương khóc khi một điều sắp mất
Như thơ
Có phải không còn chờ đợi nên tôi thờ ơ trước mọi sinh trụ hoại diệt
Thơ ư, biến mất cũng bình thường- như bao điều đang biến mất trên cuộc đời
Có gì mà đau đáu
Thơ cuối cùng là gì?
Một món quà nho nhỏ cầm tay
một cành khô
một bông hoa
cái hạt
một tai bèo
Cớ gì tôi cứ loay hoay ghìm giữ nó?
Free-Flow 2
Có những ngày tôi viết như con điên
Thực ra là
tôi không nhớ mình đọc hay nghe từ ai đó ói ra
rằng kẻ tỉnh và người điên chỉ khác nhau một điều duy nhất: Người điên nói hết được những điều anh ta nghĩ (nếu anh ta còn có thể nghĩ). Kẻ tỉnh – nếu thật anh ta đang tỉnh – thì điều tỉnh táo duy nhất cuối cùng là giữ cho mình im lặng đến phát điên.
Điểm khác biệt không phải là duy nhất giữa người điên và người tỉnh là người điên tự do nói, làm, tự do cởi áo…
Người tỉnh được tự do im lặng (thật tình tôi hiếm khi chứng kiến một người điên im lặng)
Mọi lời anh nói ra đều có thể là bằng chứng buộc tội anh trước tòa (tôi đã coi quá nhiều phim Mỹ)
Người điên để suy nghĩ dắt mình đi
Người tỉnh tưởng anh ta đang dẫn dắt suy nghĩ
Người điên không bao giờ nhận mình điên
Người tỉnh luôn chắc mình đang tỉnh (tôi thì tôi không chắc)
Có thật tình yêu là thứ duy nhất giải phóng chúng ta thoát khỏi sức nặng và nỗi đau trong cuộc đời
Hay tình yêu là thứ duy nhất trói chúng ta trong chiếc áo choàng trắng bẩn thỉu của nó
Người điên tự do bày tỏ tình yêu
Người tỉnh giấu đi nỗi sợ
Người tỉnh nhìn đâu cũng thấy đáng ngờ (thỉnh thoảng tôi cũng thấy những kẻ điên ngờ vực, ngờ vực đến hóa điên)
Tôi – anh đến lúc chúng ta cũng cần mật khẩu để bảo mật ngay trong giao tiếp thông thường
Ai biết được ta đang giao tiếp với ai – kẻ điên hay người tỉnh
Tôi biết vẫn còn nhiều điều còn giấu phía sau một người điên
Tôi cũng biết còn nhiều câu chuyện dài mà thời gian thì ngắn
Có lẽ một điều chợt đến trong tôi. Người điên, nếu có một kẻ tỉnh nào đó giao-trao-làm cho-bố thí-tặng hay giáng xuống cuộc đời một bào thai – cô ấy sẽ không bao giờ biết phá – phá thai dường như chỉ là hành động – đặc quyền của những kẻ nghĩ mình đang tỉnh táo
Dẫu sao đã đôi lần trong đời mình tôi thấy, khoảnh khắc bà mẹ điên chạm vào con mình.
Không thể gọi đó là phép màu hay thần dược, bà bỗng trở nên bà mẹ thuần thành –
như bất kì một bà mẹ quốc dân đã khởi sinh từ một cuộc đời tao loạn
Free Flow 3
Mẹ ơi tại sao ngôn ngữ của mình bỗng trở nên kinh khủng như thể mình đang chất chứa rất nhiều thứ trong cuộc đời
Vậy là tôi đang làm thơ trở lại
Sau gần 20 năm?
Không. Đó không phải là thơ – chỉ là tiếng hót
Tiếng hót mang hình hài con chữ
Những con chữ bị ngâm muối nén lại và lên men
Tôi đã dùng một vườn đá tảng lèn chặt cho chúng không còn trôi nổi bồng bềnh
Và vại dưa đơn giản một ngày bục vỡ
Như vết sẹo thứ ba ngoài cùng nên vết mổ bắt con của tôi
Những ả chữ cứ tuần tự vẫy tay chào hỏi cuộc đời
Những ả chữ giòn mặn và nồng men
Tôi không biết hình hài của những lợi khuẩn trong thức ăn lên men
Chỉ thấy chữ lên men lảo đảo và run rẩy
Những con chữ tự tìm đường
Những hạt mầm tự nứt vỡ
Bông hoa tự thò đầu ra khỏi nách lá
Chim non tự khảy vỏ
Âm thanh của một chim họa mi trong lồng một ngày đột ngột vút cao
Cười vào mặt gã chủ: Anh chỉ nhốt được tôi nhưng vô phương nhốt tiếng hót của tôi
Tờ báo sáng này mang một tin choáng váng về loài sinh vật thà chết còn hơn bị bắt
Choáng váng đến mức tôi không thể nhớ nổi tên chúng
Sao khí tiết của chúng làm tôi ám ảnh
Vì sao tôi chọn bị bắt
Có phải đợi chờ ngày hóa thành chiếc bóng – nhìn tiếng hót bay lên
Free Flow 4
Tôi có một bình minh ngồi nhìn mãi những chú chim biển không tên giỡn với nhau như bọn trẻ đang chơi patin trong thành phố
Chúng không bay, không nhảy, không chuyền, chỉ trượt những quãng dài theo cát và sóng
Tôi cũng trượt theo chúng. Có điều khoảng cách giữa chúng tôi không bao giờ hẹp lại. Dù tha thiết đến đâu, lũ chim vẫn luôn vù đi mỗi lần tôi mon men đến. Hẳn chúng nhìn tôi như một kẻ săn mồi quỷ quyệt rình mò.
Tôi đau lòng biết bao nhiêu bình minh
Loài bồ câu hoang thích nghi với phố vì những tòa nhà nơi chúng đậu hao hao những vách đá biển năm nào, chỉ thiếu những cơn sóng trắng.
Loài bồ câu đã dần quen những đợt thóc vàng.
Nỗi nhớ sóng biển thảng hoặc chỉ cồn lên những ngày gió trở
Tôi cũng biết những giống loài không thể thuần hóa… bằng tình yêu
Loài quạ sống trong công viên góc phố vẫn đầu xù tóc rối so với bạn chúng ở quê nhà
Không đơn giản vì vất vả tìm ăn mà còn vì những nỗi stress không tên chúng phải đương đầu
Lũ chuột thành phố – các nhà khoa học cam đoan rằng, mỗi lần tàu đến tàu đi chúng đều hoảng sợ
Âm thanh chưa bao giờ là điều dễ chịu để quen
Những tiếng ồn làm loài sóc không còn có thể lắng nghe nhau
Tôi có một bình minh đứng nhìn mãi một cái thác vô thanh nơi rừng núi
Cái thác oai nghiêm sừng sững giờ chỉ còn có thể nhìn và chạm vào chúng qua hai cánh của lạnh lùng của thang máy. Loài người thậm chí không thèm làm thang lộ thiên
Hai mươi năm thôi. Thuở tôi còn biết đi, chỉ lần theo âm thanh mà tới thác. Hơi nước li ti trên đầu trên mặt. Đứng trước thác, không còn phân biệt nổi đâu là sương, là khói, là hơi nước, là mồ hôi hay nước mắt
Ngày những ngọn núi tiến hóa với cáp giăng ngang dọc
Tôi cũng tiến hóa, đạt một kỷ lục lạ kỳ: leo núi không đẫm mồ hôi mà mướt nước mắt
Còn bao lâu tôi sẽ như loài sóc: mọc đuôi và giao tiếp với nhau bằng những túm lông mịn mềm, vì tiếng ồn đã nuốt chửng mọi thứ
Tôi có một bình minh nằm mãi khi mặt trời trở dậy. Nhìn thấy lưỡi mình ngắn dần rồi mọc ngược vào trong. Không thể thè ra liếm láp một hạt sương, một hạt nắng, thậm chí là một hạt nước trong hốc mắt của người
Tôi biết rồi sẽ đến. Ngày không còn ai giao tiếp với ai. Ngày không còn điều gì để giao tiếp. Ngày không còn giao tiếp. Lưỡi chỉ còn một đặc ân duy nhất, lau khô những giọt nước của chính mình. Bởi bàn tay cũng đã tiến hóa. Hay thoái hóa.
Chẳng còn gì nữa để ôm nhau. Bàn tay chỉ còn là một đoạn chi mềm – vừa đủ một cú quẹt cho smartphone
Có những bình minh tôi không còn trở dậy khi mặt trời trở dậy
Sẻ và Hoàng Yến
Sáng nay, báo chính thống lên tiếng: chim sẻ và chim hoàng yến đang dần dần biến mất
Loài yến đó mà, chúng không thể làm V-log, vì thế mà chúng biến mất
Có vậy thôi.
Loài yến đó mà. Chúng chỉ biết một đời làm tổ. Bằng nước mắt, bằng máu, bằng nước miếng, bằng những tiếng hót thảm thương hạnh phúc
Vì vậy mà chúng biến mất chứ còn sao
Ai lại chỉ biết nuôi con và xây tổ?
Loài yến mà tôi nhớ là một loài chim sống động, vừa hót vừa bay trong mưa chấp chới
Thuở tôi cũng chấp chới trong mưa tìm quán kem Brodard trên đường Ngô Đức Kế
Rồi cũng bắt chước yến nấp dưới mái hiên bên hông nhà hát lớn. Yến thì ríu rít chuyện trò. Tôi thì liếm láp mãi một que kem
Cả hai ta đều bận bịu với câu chuyện của riêng mình
Và hai mươi năm đi qua
Ta bận bịu biến mất
Cuộc sống vẫn mù tăm
Người bán hàng online, kẻ bận bịu order, người tối nùi giao nhận, người sáng rực vòng vàng, người tăm tiếng vang vang, người im lìm bất tận…
Ai hay sẻ và hoàng yến đang biến mất.