Hoàng Hưng
Những ngày xưa yêu dấu hiện về qua tấm hình khoảng 55 năm trước!
Nhà thơ Nguyễn Tùng Linh ở Úc vừa gửi qua message tấm hình từ FB Nguyen Tuyet Nhung! Chị của Linh, mở hiệu ảnh ở Hải Phòng những năm 1960. Chị đã chụp bức hình này!
Ôi làm sao quên ngôi nhà trên phố Hàng Kênh, nơi tôi thường về trú ngụ như nhà mình sau những ngày dạy học ở phố Rế! Ôi những đêm ngủ với Tùng Linh trên gác cứ nửa đêm là thức giấc vì tiếng ho hen thắt ruột của cụ Tá Vang, lão trượng râu tóc đẹp phi phàm ngày ngày phóng bút vẽ tranh truyền thần ở vườn hoa trung tâm thành phố! Căn gác có thể là một địa chỉ lưu niệm của giới văn chương đất Cảng thời chiến tranh!
Hồi ấy chúng mình "loãng mạn cách mạng" ra phết hihi.
Đăng lại bài viết về nhóm thơ Hải Phòng nhé!
***
Hồi đầu những năm 1970 trên báo Văn Nghệ có một bài viết về thơ Hải Phòng – một luồng thơ được chú ý trong thơ miền Bắc chống Mỹ. Sau khi khen cái mạnh mẽ, gân guốc của thơ ấy, thì phê những câu thơ cầu kỳ, khó hiểu như: “Hoa đỏ giữa tiếng ve kim loại”. Đám thơ trẻ ở Hải Phòng chúng tôi xì xào (chỉ dám xì xào thôi, vì người phê là một bậc đàn anh tên tuổi): với những người sống hàng ngày trong tiếng ve mùa hè chen lẫn tiếng búa đập tôn đập sắt, thì câu thơ kia chỉ là một cảm nhận rất thực. Chính đời sống của một thành phố công nghiệp và hải cảng đã làm nên âm điệu riêng của thơ Hải Phòng.
Các nhà thơ trẻ Hải Phòng thuở ấy phần lớn là thợ, là kỹ thuật viên, có làm “bàn giấy” thì cũng ở những sở, ban, ngành liên quan đến công nghiệp hay thủ công nghiệp. Năm 1965, về Hải Phòng “bảo học”, một anh thầy đồ gốc thủ đô như tôi đã lập tức bị họ lôi cuốn vào một đời sống “khác”.
Thi Hoàng là người cho tôi biết thế nào là “cà phê Hải Phòng”. Ngay hôm đầu gặp gỡ, anh dẫn tôi vào cửa hàng giải khát Thủy Tinh (bên hông Nhà Hát Lớn Hải Phòng, hình như đó là tên của cửa hàng tư nhân trước “cải tạo tư sản”, lúc này tuy đã quốc doanh hoá nhưng người Hải Phòng vẫn quen miệng gọi tên cũ), anh gọi hai cốc cà phê đá (tôi hơi giật mình vì nó to vật vã so với cốc cà phê đá Hà Nội). Chưa kịp cầm cốc lên thì anh giơ tay ngăn lại. Anh cầm lấy cốc của tôi, một tay giữ chặt, tay kia cầm chiếc thìa ra sức đánh như người ta đánh kem trứng. Lát sau, cốc cà phê lên đầy bọt như cốc bia, nhưng là bọt có màu nâu vàng. Lúc ấy anh mới đưa cho tôi, bảo: “Uống đi”. A! Tôi sẽ không bao giờ quên cái mát lịm và thơm ngát có một không hai của “cốc vại” cà phê đá đánh bông Hải Phòng thời máy bay Mỹ ấy.
Lần khác, anh lại rủ tôi “đi cà phê”, lần này là cà phê phin. Anh gọi hai phin đen cùng với hai điếu thuốc (Tam Thanh hay gì đó). Lần này tôi không hấp tấp nữa mà im lặng cung kính như một đệ tử dự khoá khai tâm trà đạo. Đợi hai cái phin cà phê chảy đến nửa chừng (lúc nước cà phê rỉ ra đến độ đậm nhất), anh lấy thìa gạt những giọt đen quánh dưới đáy phin, rồi cầm hai điếu thuốc lăn qua lăn lại rất nhanh trên chiếc thìa đầy nước cốt cà phê, để nước cà phê thấm đều khắp xung quanh điếu thuốc nhưng không ướt quá. Đợi khoảng mươi lăm giây cho điếu thuốc se mặt, anh đưa cho tôi một điếu. Anh xoè diêm châm điếu thuốc trên môi tôi. Một hương vị ngây ngất của cà phê hoà thuốc lá cháy vừa thấm thía vào lưỡi vừa lâng lâng chiếm lĩnh toàn bộ khứu quan. Sau này tôi có dịp thử hút thuốc lá tẩm nước sái “pum” trong một đám lên đồng ở Sài thành, thấy cũng phê phê nhưng nói thật là không thể ấn tượng bằng điếu thuốc tẩm cà phê đầu tiên trong đời mình.
Thi Hoàng là con ma cà phê với chè tàu. Anh có thể uống hai ba cữ cà phê còn chè thì liên miên suốt ngày (tùy thuộc cái sự có ai mời) mà chẳng cần ăn gì (mà của đáng tội thời ấy dễ gì mời nhau ăn một miếng). Người vui miệng bảo: “Thằng Bộ (tên thực anh là Hoàng Văn Bộ) uống chè quắt cả người”. Anh chàng kiêu ngạo tự đặt bút danh là “vua thơ” này đang làm cán bộ chuyên môn ở Sở Giao thông thành phố sau một thời gian công tác kỹ thuật ở cơ sở. Anh đuợc nể vì tài chữ nghĩa như một “Chế Lan Viên con”, vì chất bi hùng đã thấp thoáng trong bài “Đám tang người đánh cá”. Sau này, Thi Hoàng là một trong số không nhiều nhà thơ có sức làm việc lâu bền, anh có những câu thơ tài hoa và tâm huyết thường được nhắc đến như “Trời thì xanh như rút ruột mà xanh/ Cây thì biếc như vặn mình mà biếc”.
Từ khi được Thi Hoàng khai hoá cà phê đạo, tôi cũng tập tọng cái thú phổ thông nhất của dân “nghệ” hồi đó. Nhưng cũng nhanh chóng phải “gút bai” với nó trong suốt gần 30 năm. Chuyện là thế này. Thuở ấy tôi “bảo học” ở trường Cấp 3 An Dương (tục danh là Trường Rế, vì trường đóng ở phố huyện An Dương tên nôm là phố Rế) cách trung tâm thành phố Hải Phòng 8 cây lô mếch. Cứ sáng nào không có giờ dạy, là tôi xe đạp vù về phố, nơi ghé trước nhất là Hội Văn nghệ, chốn tụ bạ vui vẻ của anh em văn nghệ sĩ, nhất là anh em làm thơ, vì Phó chủ tịch thường trực của Hội là một nhà thơ – anh Nguyễn Viết Lãm. Gì chứ chè bồm (loại chè quốc doanh rẻ tiền nhất) thì ở đây lúc nào cũng sẵn. Nhưng hôm ấy, không hiểu sao cô Hiền văn phòng lại bê ra trước con mắt sáng rỡ của mấy cậu khách không mấy khi biết đến quà sáng những cốc cà phê nóng nhìn đã thấy ngay chất lượng cao bởi màu đen đặc quánh, mà cốc nào cốc nấy đầy tận cổ (loại cốc thủy tinh cao như cốc nước mía) mới khiếp chứ. Sao hôm nay Hội sang trọng đột xuất thế? Thì ra đó là cà phê của Khách sạn Bạch Đằng chuyên đối ngoại, đưa sang để Hội mời khách quốc tế. Phút chót khách không đến, thế là Hội phó Lãm lệnh đem đãi khách nội. Trời, cái món cà phê đối ngoại uống ngụm nào vào ngụm nấy. Lúc ấy tại Hội ngoài tôi ra có vài bạn thơ, tôi nhớ nhất là Nguyễn Khắc Phục. Phục làm thợ máy dưới tàu cận duyên, vừa làm thơ vừa viết truyện, cũng thường tranh thủ lên bờ tụ bạ với bạn văn chương. Anh quý tôi có lẽ vì tôi có những thông tin mới về văn chương nghệ thuật từ các tài liệu tiếng Pháp, lại thêm tôi là bạn học phổ thông với anh ruột của anh là Nguyễn Khắc Kiên (Kiên sau là Tổng giám đốc Công ty Sông Đà). Vừa uống hết giọt cà phê cuối cùng trong cốc, tôi bỗng choáng, vừa buồn nôn vừa đau quặn ruột. Phục vội vàng đèo tôi đến thẳng một bệnh xá gần nhất. Họ tiêm cho tôi một mũi thuốc gì đó, nhưng tôi phải nằm đến trưa mới dịu cơn đau, suốt thời gian ấy Phục ở bên tôi chăm sóc. (Người bạn thơ chí tình này sau đó tình nguyện vào Nam làm công tác tuyên truyền văn nghệ, rồi trở thành nhà tiểu thuyết và cây viết kịch bản phim truyền hình đắt hàng). Kết luận là tôi bị rối loạn tiêu hoá do say cà phê, phải thuốc thang một tuần lễ. Sau cú ấy, cứ trông thấy cà phê là tôi hãi. Mãi đến hơn 20 năm sau, từ TPHCM về Hà Nội, tôi mới bị hấp dẫn trở lại bởi tách cà phê nóng thơm lựng đầu thu.
Đấy, cái thành phố đến một thức uống tài tử như cà phê mà cũng bạo lực, cũng cảm giác mạnh thế. Nói gì những thứ khác. Cho nên thơ Hải Phòng mới có những câu như “Hải Phòng như con tàu chở đầy thuốc nổ/ Đi qua số phận những con người”. Đó là một câu trong bài thơ viết về thành phố Cảng trong vòng phong toả của thủy lôi Mỹ, tác giả là Đào Nguyễn. Bài thơ in trên tạp chí Cửa Biển của Hội Văn nghệ Hải Phòng đã bị đem ra mổ xẻ trong một cuộc họp do Tuyên huấn Thành ủy chủ trì, vì có những ý kiến cho rằng nó cường điệu những khó khăn gian khổ, nó “bôi đen”, cái chữ đáng sợ trong đời sống văn nghệ kể từ vụ án “Giai-Nhân”. Tôi được mời dự họp, và dĩ nhiên đã cùng các bạn của Đào Nguyễn hết lời bênh vực anh. Tác giả và Hội thoát nạn, nhưng không biết có phải sự cố ấy là một trong các nguyên nhân khiến Đào Nguyễn rời xa nàng thơ rách việc để chuyên tâm vào nghề biên kịch phim tài liệu. Lấy lại đúng tên khai sinh Đào Trọng Khánh, anh trở thành nhân vật hàng đầu trong nghề này, thế nhưng trong một buổi tình cờ tái ngộ sau mấy chục năm, khi tôi tỏ ý tiếc cho một tài thơ Đào Nguyễn, anh nói anh cảm thấy ân hận vì “đã không đủ sức chung thủy với thơ”. Tôi sẵn sàng tin anh thật lòng, cũng như tin lời Lưu Quang Vũ nói với tôi sau buổi diễn “Tôi và chúng ta” ở TP.HCM, khi tôi tặng anh tập thơ “Ngựa biển” mới in: “Nếu được in một tập thơ như thế này, mình còn thích hơn (là thành công về kịch – HH)”
Nhắc đến Vũ, lập tức nhớ đến căn buồng nhỏ của Thanh Tùng ở ngõ Cát Dài, nơi tụ bạ quan trọng nhất của các văn nghệ sĩ trẻ Hải Phòng và bạn bè của họ từ Hà Nội xuống. Anh thợ nguội bậc cao, thân hình lực sĩ, giọng đọc thơ trầm hùng (có lẽ tôi liên tưởng anh khi viết câu thơ “Thành phố đêm đêm tiếng còi sâu và khoẻ/ Như giọng trầm từ lồng ngực chàng trai”) với người vợ đau tim đa tình, đã thoải mái coi căn phòng nhỏ chục mét vuông của họ như một quán trọ miễn phí kiêm câu lạc bộ văn nghệ bất kể ngày đêm. Vũ đã tá túc ở đấy một thời gian trong đoạn đời khổ sở của anh sau khi mang tiếng “B quay”.
Tương phản với thơ Vũ, tôi rất khoái thơ của Thanh Tùng, một giọng thơ lạ thời ấy. Mạnh mẽ: “Tôi muốn thẳng tay xé toạc bóng đêm/ xé toạc khômg gian nghìn dặm/ ép mỏng lại những tuần những tháng”. Tôi thích những bài ít hoa mỹ của anh, giống như những “hè đường xi măng cũ kỹ/ mòn trơ khấp khểnh” của thành phố Cảng. Nhưng Thanh Tùng cũng rất chi đa cảm trong thơ tình. Bài “Thời hoa đỏ”, một nỗi thất tình khó nói nên lời của anh là điển hình. Niềm đau khổ vì tình của Thanh Tùng phải rất lâu sau mới nguôi ngoai, khi tình cờ anh gặp duyên phận cuối đời do vợ chồng tôi làm xúc tác. Chị Thanh, người con gái cứng tuổi chưa từng biết yêu đã như sét đánh khi gặp anh giai sáu mươi đầy phong độ ở nhà tôi. Nhưng gia đình chị, Hà Nội gốc gia giáo, lại băn khoăn vì cái lý lịch tình ái của chàng cựu thợ nguội, cựu “áp tải hàng xà lan” ấy. Trời run rủi sao, đúng lúc hiểm nghèo thì đài báo loan ầm tên Thanh Tùng ẵm giải thưởng thơ Hà Nội. Bao nhiêu lời đồn ác ý bị Thơ đánh tan. Ông Tổng thư ký Hội Nhà Văn kiêm ông Nghị là người thay mặt nhà trai đến xin cưới. Đó là một trong không ít lần tôi chứng kiến lá bùa Thơ hiệu nghiệm thế nào trong đời sống Việt Nam.
Qua lại căn buồng Thanh Tùng còn có những bạn thơ đất mỏ có khuynh hướng “hơi thơ xốc vác” (mượn chữ của Lê Đạt) gần gụi với thơ đất cảng. Tôi nhớ Trí Dũng đến từ “Lòng Uông Bí”. Tôi không ngờ anh bạn học của mình, đẹp trai học giỏi con nhà giàu phố Hàng Trống Hà Nội, lại khiến cả giới thơ ấn tượng vì giọng thơ khoẻ khoắn, ngang tàng. Anh làm bài thơ ấy (Lòng Uông Bí) sau khi nhà máy điện nơi anh làm kỹ sư xây dựng bị máy bay Mỹ phá tan hoang. Trí Dũng chỉ ghé qua nhà Tùng mà đã có một đôi mắt huyền hàng xóm chao đảo. Hôm trước hôm sau, cô thợ may đất Cảng táo bạo đáp tàu lên Hà Nội tìm đến nhà chàng, để rồi choáng váng vì trước mặt mình là mấy chục cô thợ may thủ đô xinh đẹp ngồi chấn ngay lối cậu con nhà chủ ngày ngày ra vào. Tôi nhớ Đào Ngọc Vĩnh, một trái tim đau yếu có giọng đọc thơ hổn hển, nhịp thơ trắc trở, khiến người nghe luôn luôn có cảm giác sợ không biết anh có đủ sức đọc đến hết bài thơ? Có những đêm đông Vĩnh với vợ chồng Thanh Tùng đắp chung một cái chăn trong căn phòng chật. Sau anh lên Hà Nội, vạ vật đủ nhà, đủ nghề, “ép thời gian tức ngực” để sống và làm thơ, cho đến khi gặp được cô thợ nhà máy giày Thụy Khuê, hai trái tim vàng sưởi ấm nhau trong túp lều coi cá xiêu vẹo giữa cánh đồng Thủ Lệ…
Chính ở cái thành phố ấy, bên những người bạn thơ chân thành ấy, tôi đã viết những câu thơ như “con sông váng dầu hoa năm sắc tuổi thơ/ một bờ sông tiễn đưa/ mà hy vọng cứ sa bồi thêm mãi”. Những câu thơ đã bị đưa lên báo Văn Nghệ chế giễu vì cầu kỳ, khó hiểu. Nhưng một hôm lên Hà Nội, đến thăm nhà thơ Chế Lan Viên. Nói đến chuyện nghề thơ, ông bảo các bạn trẻ phải có ý thức học thường trực. Ông bảo chính ông cũng học bằng cách ghi lại tất cả những câu thơ hay của bất kỳ ai mà ông đọc được mỗi ngày. Ông lấy ra một quyển số tay, lật lật đến một trang, chỉ cho tôi đúng những câu ấy.
Linh Đàm chớm đông 2004