Đánh Nho giáo: đừng ‘duy tân’ theo kiểu ‘đào – trốc’ của Cải cách ruộng đất

Thái Hạo

Lâu lâu lại thấy nổi lên những bài “đánh” Nho giáo với tinh thần phê phán triệt để nhằm tống khứ, loại bỏ, tận diệt, quét sạch…, coi như một thứ kẻ thù không đội trời chung với văn minh, tiến bộ. Đó dường như là thái độ phổ biến của đương thời đối với Nho giáo và và những gì được cho là “truyền thống” nói chung. Xét thấy sự lan truyền mãnh liệt của những thứ sai lầm-cực đoan ấy dễ làm người lầm lạc, nên xin viết ra đây mấy dòng.

Trước tiên, tự nói thì không bằng mượn lời những bậc thông kim bác cổ, đông tây tường tận như Trần Trọng Kim trong công trình danh tiếng có tên “Nho giáo”[i] của ông. Tại sao chọn Trần Trọng Kim? Vì ông là một học giả, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu sử học, văn học, tôn giáo uyên bác; và đặc biệt là từng làm thủ tướng của chính phủ của Việt Nam năm 1945 (gọi là chính phủ Trần Trọng Kim). Đó là một chính phủ "thân Nhật", nghĩa là nó rất gần với con đường Nhật Bản, và ta có thể suy ra được Trần Trọng Kim đi theo hướng nào. Xin trích ra đây, rồi sẽ bàn sau.

293123846_434108001929558_2932997045925707179_n

 

“Vào cuối thế kỷ thứ IV đầu thế kỷ thứ V trước Tây lịch kỷ nguyên, trong khi ở nước Tàu có Khổng Tử phát huy ra cái học thuyết Nho giáo thì bên Âu Tây có những nhà hiền triết người xứ Hi Lạp như bọn ông Héraclite thuộc phái Ioniens cũng xướng lên cái học thuyết lấy sự biến hóa trong vũ trụ làm chủ nghĩa, cho vạn vật chỉ có động, chứ không có tĩnh, và cho ngoài sự biến hóa của vạn vật ra thì không có gì là thực cả.

Thủa ấy lại có những người như Parménide và Zénon d’Élée thuộc phái Eléates xướng lên cái học thuyết phản đối với học thuyết của phái Ioniens, cho vạn vật đều là ảo ảnh cả, chỉ có cái lý độc nhất là thực có mà thôi.

Cũng đồng thời với hai phái ấy, lại có Pythagore tị tổ phái Pythagoriciens, lấy số học mà lập ra cái học thuyết chủ nghĩa thiên địa vạn vật nhất thể (panthéisme) cho vạn vật cùng đồng một thể với cái lý độc nhất.

Sau những học phái ấy, vào cuối thế kỷ thứ V trước Tây lịch kỷ nguyên, có Socrate khởi xướng ra đạo nhân sinh triết học, lấy nhân sự làm trọng, còn việc ngoài nhân sự là việc của Trời, người ta chỉ nên chú ý về sự tìm lẽ chí thiện trong đạo luân lý để làm chuẩn đích cho sự hành vi ở đời. Ông lấy sự mình tự biết cái bản tính mình (connaistoi toi même) làm cơ bản sự học luân lý.

Vậy đem những tông chỉ của các học phái Tây phương mà so với tông chỉ của Nho giáo xem ra Nho giáo có tổng hợp được cả những lý tưởng trên kia (sđd, trang 20 – 21).

[…]

Song cứ bình tĩnh mà xét, giả sử đem bóc lột cái vỏ văn từ của Tây và Đông khác nhau đi, rút lấy cái tinh thần của Nho giáo và các học thuyết của Tây phương đã nói trên kia, thì thấy cái tư tưởng của nhân loại dẫu Đông Tây mặc lòng, có lắm khi cũng rung động theo một nhịp tương tự như nhau, và thường hay gặp nhau trên một con đường vậy. Chỉ khác nhau ở thực tiễn mỗi phương có một phong thổ, có một tập quán, cho nên sự hành động không được tương hợp. Những sự khác nhau ấy há chẳng phải là thiên lý lưu hành biến hóa, tùy thời mà điều hòa cho vạn sự các đắc kỳ sở hay sao? Khác là khác hình thức ở bề ngoài, chứ tinh thần chủ động ở trong thường cũng là một mà thôi. Vậy bất kỳ đông học hay tây học, nếu ta biết lấy cái tinh thần mà suy xét mọi sự vật, ắt là ta biết rõ cái tông chỉ của các thánh hiền đều chú ở sự làm cho cao phẩm giá của nhân loại. Các nhà tân học nước ta hiện nay tưởng không nên vội vàng cho cái học cũ là dở, chỉ nên suy xét cho kỹ, xem cái hay cái dở do tự đâu để tìm cách bồi bổ thêm vào thì chắc sự học vấn tương lai của người mình ắt có thể tiến ích vậy (sđd, trang 26).

[…]

Xét ra cho kỹ, sự bỏ cũ theo mới của ta hiện thời bây giờ, không phải là không cần cấp, nhưng vì người mình nông nổi, không suy nghĩ cho chín, chưa gì đã đem phá hoại đi cả, thành thử cái xấu cái dở của mình thì vị tất đã bỏ đi được mà lại làm hỏng mất cái phần tinh túy đã giữ cho xã hội của ta được vững bền hàng mấy nghìn năm nay. Phàm người ta muốn bỏ cái cũ đã hẩm nát, tất phải có cái mới tốt hơn, đẹp hơn, để thay vào. Nay ta chưa có cái mới mà đã vội vàng bỏ cái cũ đi, thành ra đổ nát cả, mà không có cái gì thay vào được. Ấy là cái tình trạng nước ta ngày nay là thế, khác nào như chiếc thuyền đi ra giữa biển, đánh mất địa bàn chỉ nam, không biết phương hướng nào mà đi cho phải đường, cứ lênh đênh mãi, không khéo lại bị sóng gió va vào đá vỡ tan mất cả” (sđd, trang 15).

Những điều trích trên đây, nếu ai đã đọc nhà duy tân – khai sáng lớn nhất thế kỷ 20 của Việt Nam – Phan Châu Trinh – thì thấy gần như ông cũng nói y như thế.

Những bậc thức giả, trí trùm thiên hạ, lăn lộn vào tù ra tội vì một lòng canh cải để cho đất nước đi được theo con đường dân chủ, mà họ có cái sự chậm rãi, điềm tĩnh để xét đoán và suy tưởng đến thế; nay nhiều người còn lõm bõm, ú ớ nhưng rất hay hô hào vứt bỏ mọi thứ như thể ý mình có thể bạt cả thiên hạ. Sự nông nổi thì hay sinh ra vĩ cuồng.

Trong những nhân vật duy tân lừng lẫy hồi đầu thế kỷ, đâu có ai muốn đề xướng khôi phục Nho giáo, họ đều một lòng hướng về Tây, nhưng họ hiểu là phải bắt đầu từ đâu và làm thế nào. Duy chỉ có điều lực bất tòng tâm, không thể ngăn được dòng thác của cơn dâu bể.

Phan Châu Trinh nói: “Từ nãy đến giờ tôi chỉ trích luân lý của ta, khen ngợi luân lý của Âu Tây, chắc anh em nghe lạ tai, cho tôi là người bội đạo Khổng Mạnh chăng? Xin thưa rằng từ khi tôi hiểu được chút ít đạo đức của Khổng Mạnh thì tôi rất sùng bái lắm. Vẫn biết đạo Khổng Mạnh hay thật nhưng bây giờ ta biết kiếm nơi đâu? Qua Tàu đem về chăng? Kiếm trong các sử sách Việt Nam này chăng? Tưởng thắp đuốc tìm cũng không thấy nữa, là vì nước Nam, nước Tàu bỏ mất đạo ấy đã lâu rồi”.

Rồi ông lại nói: “Có người hỏi luân lý ta mất thì ta có đem luân lý của Âu châu về ta dùng hẳn có được không? Tôi xin trả lời rằng: không. Một nước luân lý cũ đã mất là nước không có cơ sở, nay bảo đem luân lý mới về thì biết đặt vào đâu? Vẫn biết phép chắp cây của người Tây tài tình thật, nhưng nay đem một cây rất tươi tốt như cây luân lý ở các nước bên Âu Tây kia mà chắp với một cây đã cằn cộc như cây luân lý ở nước Việt Nam ta thì tưởng không tài nào sinh hoa tươi, quả tốt được .

Muốn cho sự kết quả về sau được tốt đẹp, tưởng trước khi chắp cây cũng nên bồi bổ cho hai bên có sức bằng nhau đã. Tôi diễn thuyết hôm nay là cốt ý mong anh em nên cứu chữa lấy cây luân lý cũ của ta, rồi sẽ đem chắp nối với cây luân lý của Âu châu vậy” (Đạo đức và luân lý Đông – Tây, 1926).

Xin lưu ý, Nho giáo hay Phật giáo, Lão Giáo, Balamon giáo…, tóm lại là Đông phương, sẽ không thể hiểu được nó nếu bỏ mất đi cái phần “hình nhi thượng”, cái trực giác quán chiếu. Không hiểu được cái “lý” đó của nó thì chỉ toàn thấy những mâu thuẫn, cổ hủ, lạc hậu. Và thế là phán bừa.

Đến đây, tự dưng lại nhớ đến nào là cải cách ruộng đất, nào là cải tạo công thương, nào là đốt phá đền chùa, nào là, nào là… Mãi là một dân tộc mang dòng máu đập phá, “đào tận gốc, trốc tận rễ”, suốt ngàn đời chạy theo thiên hạ. Rốt lại, thành một giống dân lạ kỳ nhất hành tinh: tìm mỏi mắt không ra cái gì để gọi là “bản sắc” cả.

Đừng lặp lại cái sai lầm ấy nữa. Cẩn trọng, khiêm nhu mà học hỏi. Muốn được như Nhật, Hàn thì phải học cái tính ấy của dân Nhật, Hàn trước đã.

T.H


[i] Trần Trọng Kim, Nho giáo, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2008

Comments are closed.