Mikołaj Gliński
(Ngân Xuyên dịch từ tiếng Anh)
(Ba Lan, một đất nước ở Đông Âu, diện tích 321, 686 km vuông, dân số 38, 268 triệu, trong gần 120 năm qua đã cống hiến cho nhân loại 5 nhà văn, nhà thơ được giải Nobel văn chương cao quý. Mời mọi người đọc bài này để biết cách hy vọng cho văn chương Việt Nam vươn ra thế giới.)
1905: HENRIK SIENKIEWIC (1846 – 1916)
Chân dung Henryk Sienkiewicz
Khác với thông lệ của giải thưởng này, Henryk Sienkiewicz không phải nhận giải Nobel văn chương cho cuốn tiểu thuyết “Quo Vaddis” (1896, đã có bản dịch tiếng Việt – NX) thể hiện bức tranh toàn cảnh về La Mã cổ đại. Lý do của việc đổi hướng này là vì tác phẩm đó quá nổi tiếng. Thực tế, ban giám khảo đã trao thưởng cho Sienkiewicz vì “tài nghệ xuất sắc với tư cách một nhà văn sử thi” của ông.
Khi Carl David, thư ký uỷ ban giải thưởng giới thiệu người được giải, ông liên tục nhấn mạnh đến ý nghĩa một tác phẩm khác của Sienkiewicz: đó là cuốn tiểu thuyết “Đại hồng thuỷ” (Potop). Bộ ba tác phẩm lịch sử lấy bối cảnh Ba Lan vào thời kỳ biến loạn chính trị thế kỷ 17 đã trở thành bản tụng ca truyền thống xứ Sarmatia và cội nguồn của niềm hy vọng ái quốc – cuốn sách đã được viết, như người ta hay nói, “để làm rung động những trái tim”.
Trong bài phát biểu tại bữa tiệc chiêu đãi, Sienkiewicz nhấn mạnh rằng niềm vinh dự được nhận giải Nobel là đặc biệt quý báu đối với một người con của Ba Lan, một đất nước đã có lúc bị mất tên trên bản đồ. Ông nói: “Người ta thường bảo nước Ba Lan đã chết, đã kiệt quệ, đã bị làm nô lệ, nhưng đây là bằng chứng cho sức sống và sự khải hoàn của nó. Giống như Galileo, người buộc phải nghĩ “dù sao nó vẫn quay” khi toàn thế giới phải mở mắt kính trọng những thành tựu quan trọng của Ba Lan và các thiên tài của nó”.
1924: WLADYSLAW REYMONT (1867 – 1925)
Chân dung Wladyslaw Reymont
Đáng chú ý trong năm trao giải này là đối thủ chính của Reymont lại cũng là một nhà văn Ba Lan khác – Stefan Żeromski. Thực tế Żeromski có lợi thế hơn, nhưng vào hồi ấy ông đang phải hứng chịu sự chỉ trích nặng nề vì cuốn tiểu thuyết mang tính phúng dụ chống Đức “Gió thổi từ biển” (Wiatr od Morza, 1922) – kết hợp với tâm lý ưa Đức của ban giám khảo Thuỵ Điển, vậy là cán cân nghiêng về Reymont. Người thắng cũng đánh bại cả những nhà văn được ưa chuộng khác như Thomas Mann (người phải đợi năm năm sau mới được giải Nobel), Maxim Gorki và Thomas Hardy.
Ban giám khảo trao giải cho tác phẩm “Nông dân” (Chłopi, đã có bản dịch tiếng Việt – NX), “bộ sử thi lớn của dân tộc” gồm 4 tập mô tả một năm trong cuộc đời của một người nông dân sống ở một làng nhỏ gần Łódź. Nguyên gốc tác phẩm viết trong khoảng thời gian 1901 – 1908, đến năm 1921 mới được dịch sang tiếng Thuỵ Điển (một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng khác của Reymont là “Miền đất hứa” đã được dịch một năm trước đó). Reymont không tới Stockholm nhận giải vì lúc đó sức khoẻ ông bị suy sụp, phải nằm điều trị tại Nice (Pháp). Ông mất vào năm sau tại Ba Lan ở tuổi 58. Không lâu trước khi mất ông đã viết cho một người bạn: “Thực mai mỉa làm sao, Giải Nobel, tiền bạc, danh tiếng toàn cầu, và một con người đến mặc áo quần cũng vô cùng khó khăn, vất vả. Đấy chính thực là sự mai mỉa vô cùng của cuộc đời”.
1980: CZESLAW MILOSZ (1911 – 2004)
Chân dung Czeslaw Milosz
Năm 1980 Giải Nobel văn chương trao cho Czeslaw Milosz luôn bị coi trước hết là vì lý do chính trị. Quyết định của ban giám khảo trao giải cho một nhà văn lưu vong – Milosz đã chạy sang phương Tây năm 1951 và từ 1960 sống ở Mỹ – cùng năm khi Công đoàn Đoàn Kết thành lập ở Ba Lan đã được diễn dịch là dấu hiệu phương Tây ủng hộ những thay đổi chính trị đang diễn ra trong Khối Xô Viết.
Ý ngầm chính trị này cũng nghe thấy trong sự thuyết minh cho việc trao thưởng, theo đó giải được trao cho nhà thơ “đã có những tiếng nói sáng suốt, không khoan nhượng phơi bày hoàn cảnh của một thế giới đầy những xung đột gay gắt”. Vào thời đó, Milosz nổi tiếng ở phương Tây chủ yếu là tác giả của “Trí tuệ bị cầm tù” (The Captive Mind).
Nhưng góc nhìn này là tai hại và bất công, vì Milosz – có lẽ hơn bất cứ nhà văn Ba Lan nào từng được giải Nobel trước đó – được giải là dựa trên chất lượng văn chương thuần tuý (thơ ông đã có bản dịch tiếng Việt – NX). Trong Diễn từ Nobel của mình, ông tránh nói đến các chuyện chính trị. Thay vào đó, ông lấy Nils Holgersson – nhân vật trong tác phẩm “Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Nils” của nhà văn Thuỵ Điển Lagerlöf’s, cuốn sách yêu thích thời nhỏ của ông, làm tâm điểm bài đọc. Theo Milosz, cậu bé cưỡi trên lưng ngỗng bay khắp nơi, nhìn xuống mặt đất từ khoảng cách xa nhưng vẫn thấy được rõ chi tiết của mọi vật, là biểu tượng tuyệt vời về vai trò của nhà thơ.
Khai triển ẩn dụ này và dẫn ra một số nhà văn ưa thích của mình như Simone Weil và William Blake, Milosz nêu lên điều có thể coi là tín điều thi ca của ông: “Cả hai – Trái Đất nhìn từ trên cao trong hiện tại vĩnh hằng và Trái Đất kéo dài trong thời gian được tìm lại – đó đều là chất liệu cho thơ.”
1996: WISLAWA SZYMBORSKA (1923 – 2012)
Chân dung Wislawa Szymborska
Phải 16 năm sau giải Nobel cho Milosz, giải thưởng này mới lại được trao cho một nhà thơ Ba Lan khác. Wislawa Szymborska được trao giải vì “thơ với sự chính xác mai mỉa đã cho phép hoàn cảnh lịch sử và sinh học dọi sáng vào những mảnh vỡ của thực tại con người”. So với Milosz, Szymborska có vẻ là nhà thơ ở phạm vi nhỏ hơn về trí tuệ và tham vọng – nhưng phạm vi của bà là lĩnh vực của cái thường ngày, những niềm vui và nỗi buồn nho nhỏ của đời sống hàng ngày, tất cả chúng được nói tới với sự mỉa mai ấm áp đã tạo nên nét riêng của thơ bà (đã có bản dịch tiếng Việt – NX).
Nhà thơ vốn nổi tiếng nhút nhát và không thích xuất hiện trước đám đông thoạt đầu đã bị choáng váng trước làn sóng truyền thông xoay quanh giải Nobel – nghe nói phản ứng đầu tiên của bà khi nghe tin là “Ôi Chúa, sao lại là tôi…”. Nhưng rồi bà cũng vẫn vượt qua được sự rùm beng Nobel (hay thảm kịch Nobel như cách bà gọi) bằng sự hấp dẫn và thông minh vốn có của mình. Bà mở đầu Diễn từ Nobel bằng những lời: “Họ nói câu đầu tiên trong mọi bài diễn từ luôn là câu khó nhất. May quá, câu đó dù sao cũng đã ở phía sau tôi rồi.”
Trong suốt 15 năm sau đó cho đến tận lúc mất 2012, Szymborska vẫn hết sức cố không xuất hiện trước đám đông, lảng tránh những sự tán dương về thơ ca và sự ngưỡng mộ của công chúng, bà rất quý trọng sự riêng tư và biệt lập của mình.
2018 (2019): OLGA TOKARCZUK
Chân dung Olga Tokarczuk
Giải Nobel văn chương thứ năm cho Ba Lan đến năm 2019 nhưng là trao cho năm 2018 (lý do là vụ bê bối của Uỷ ban Nobel ở năm trước nên phải lùi quyết định đến năm sau). Do đó, năm 2019 có hai giải Nobel văn chương được trao: một cho nhà văn Áo Peter Handke (cho năm 2019) và một cho nhà tiểu thuyết Ba Lan Olga Tokarczuk (cho năm 2018).
Tokarczuk (sinh 1962) được tuyên dương vì “một lối tự sự tưởng tượng với sự say sưa có tính bách khoa thể hiện việc băng qua các đường biên như một hình thức của đời sống”. Andrers Olsson của Uỷ ban Nobel nói tác phẩm của bà “tập trung vào hoàn cảnh di cư và những sự quá độ văn hoá” là “đầy sự hóm hỉnh và khéo léo”. (Một tiểu thuyết của bà đã có bản dịch tiếng Việt – “Bieguni những người không ngừng chuyển động – NX)
Năm 2018 Tokarczuk đã thắng giải Booker Quốc tế cho tiểu thuyết “Những chuyến bay” và năm 2019 cuốn “Hãy lật đường cày trên xương người chết” của bà đã lọt vào danh sách rút gọn của Giải Booker Quốc tế và vào danh sách chung của Giải sách Quốc gia đầu tiên hạng mục Văn học dịch.
Nguồn: FB Phạm Xuân Nguyên (Ngân Xuyên)