Ổn định không đến từ né tránh

Nguyễn Thành Phong

Năm nay, và những năm gần đây, trên báo chí và các diễn đàn xã hội, thông tin và bình luận về cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc từ 17/2/1979 đã được đề cập đến nhiều hơn. Xu hướng né tránh vấn đề này có vẻ đang giảm dần đi. Đó là một tín hiệu tích cực.

Việc né tránh đề cập đến cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc và các vấn đề còn tồn tại tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc rõ ràng là cấm kỵ trên báo chí kể từ khi bình thường hóa quan hệ hai nước với cái dấu mốc là Hội nghị thượng đỉnh Việt-Trung trong hai ngày 3, 4 tháng 9 năm 1990, tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), giữa lãnh đạo cao cấp nhất hai Đảng và Nhà nước Việt Nam – Trung Quốc. Một thời gian dài sau cái mốc này, không báo chí nào được đề cập. Ngay cả vấn đề chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa, cũng phải rất cẩn thận. Thậm chí nếu liệt kê một danh sách các quốc gia tham dự sự kiện quốc tế nào đó mà có Trung Quốc, đồng thời có cả Đài Loan, Hongkong, thì trước ) phải ghi: "các quốc gia và vùng lãnh thổ", hay sau tên Đài Loan, Hongkong phải có cái ngoặc đơn (Trung Quốc). Lơ tơ mơ là "ăn" bị vong lục, là kiểm thảo và án phạt.

Cái sự né tránh này như né tránh một "con ngáo ộp", như tránh phạm húy vậy. Và nhiều lần, việc ấy được khoác cho cái mục đích thật tốt đẹp: Gìn giữ ổn định, vì đại cục chung…

Hội nghị Thành Đô có được, bắt đầu là từ nhu cầu của các nhà lãnh đạo Việt Nam khi đó với nỗi lo trước sự tan rã của hệ thống các nước XHCN. Để tiến đến cuộc gặp gỡ này, Tổng Bí thư ta phải đi gặp Đại sứ Trung Quốc ở nhà khách Bộ Quốc Phòng, phải nhờ con trai Hoàng Văn Hoan vào Đại sứ quán Trung Quốc chuyển thông tin. Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch không được phía Trung Quốc đồng ý cho tham dự cuộc gặp, ta cũng phải nhất trí. Nhưng chính vào thời điểm ấy, Trung Quốc cũng rất có nhu cầu bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Họ đang bị phương Tây trừng phạt và ghẻ lạnh vì đã gây ra vụ thảm sát đáng ghê tởm trên quảng trường Thiên An Môn. Và Hoa Kỳ thì đã phát ra các tín hiệu sẵn sàng thảo luận để bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Cuộc gặp thượng đỉnh đã nhanh chóng thống nhất việc bình thường hóa quan hệ hai nước là do nhu cầu của cả hai bên. Vậy mà chúng ta đã cư xử với kết quả này như một thứ quà tặng quý giá được ban từ trên xuống.

Kết quả Hội nghị Thành Đô là khá bất ngờ với phía Việt Nam. Đoàn Việt Nam thậm chí còn không có sự chuẩn bị cho việc ký kết văn bản ghi nhớ. Tôi biết điều này từ câu chuyện của ông Hồng Hà, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban đối ngoại Trung ương, người tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng trong chuyến đi đến Hội nghị đó.

Ông Hồng Hà còn là một nhà báo và nhà văn. Đầu năm 1997, ông là tác giả cao tuổi nhất (69), đang là Trợ lý cho Tổng Bí thư Đỗ Mười, được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đợt ấy, tôi 36 tuổi, cũng được kết nạp, là tác giả trẻ tuổi nhất. Tôi đã làm một cuộc trò chuyện với ông in trên tờ Văn nghệ Trẻ ngay sau khi kết nạp. Hồi đó, tôi dễ dàng gặp và làm các cuộc trò chuyện với nhiều nhân vật cao cấp cho tờ báo này. Ông Hồng Hà sau đó đã có nhiều lần nói chuyện thân tình với tôi tại văn phòng của ông và tặng sách cho tôi.

Một lần, ông kể cho tôi về Hội nghị Thành Đô. Có một chi tiết khá lý thú: Sau cuộc gặp giữa các ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng với Giang Trạch Dân (Tổng Bí thư) và Lý Bằng (Thủ tướng Trung Quốc), họ rất nhanh thống nhất về các điều kiện để bình thường hóa quan hệ hai nước với nhau và thống nhất sẽ ký một biên bản ghi nhớ. Biên bản này được phía Trung Quốc chuẩn bị bằng tiếng Hoa. Lúc này mới ngớ ra, chưa có bản tiếng Việt. Hồi ấy chưa có máy tính hay laptop như bây giờ. Các văn bản đều đánh bằng máy chữ. Đoàn Việt Nam không mang theo máy đánh chữ. Hỏi khắp nơi, đều chỉ có loại máy chữ đánh chữ tiếng Hoa. Ông Hồng Hà đã bỏ cả ăn trưa cùng mấy người đi lang thang trên khắp phố xá Thành Đô để tìm máy chữ. May quá, đã tìm mua được cái máy chữ tiếng Anh cũ. Rồi họ vất vả cả buổi trưa đánh mổ cò không dấu, sau đó đánh dấu bằng bút mực, để có bản tiếng Việt cho kịp ký kết.

Ông Hồng Hà kể say sưa, vui nhất là chuyện này. Nhưng chỉ một đêm, sáng hôm sau, ông gọi đến cơ quan tôi, nhắn tôi lên gặp ngay. Ông bảo, mọi chuyện về Hội nghị Thành Đô tôi kể, anh biết thế, chứ tuyệt đối không được viết lên báo nhé. Tôi vớt vát: "Nhất trí ạ. Nhưng cái chuyện máy chữ ấy, hay quá đi". Ông Hồng Hà nghiêm mặt: "Chuyện ấy cũng không hay, dứt khoát không được viết. Nhiều vấn đề tế nhị lắm. Né tránh ra là tốt nhất".

Về các vấn đề tranh chấp với Trung Quốc, ông Nông Đức Mạnh, người đã làm Tổng Bí thư hai nhiệm kỳ, đã từng thăm Trung Quốc nhiều chuyến, đã có lần kể rằng, ông đã thẳng thắn đề cập với Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào về việc thảo luận và kết luận vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng Hồ Cẩm Đào "né tránh", nói: Đã từ lâu chúng tôi được nghe Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc như thế rồi. Bây giờ bàn việc ấy rất khó cho chúng tôi. Có lẽ chúng ta nên để cho các thế hệ con cháu chúng ta bàn luận với nhau. Ông Mạnh còn bình luận: Thôi, vì đại cục, ta cứ bàn và hợp tác những vấn đề dễ thống nhất với nhau đã. Còn tránh ra những vấn đề phức tạp, để cho hậu thế giải quyết.

Hơ hơ, Trung Quốc "né tránh" kiểu gì mà khôn thế. Cứ né tránh và tuyên truyền mãi thế, thì đến các thế hệ chắt, chút, chít chúng ta thảo luận càng khó hơn nữa. Mà cái "tránh ra" của ta thì cứ thấy "sao sao" đó!

Bây giờ, còn có ý kiến: Quan hệ với Trung Quốc là vấn đề rất lớn, rất phức tạp. Nhân dân hãy tin tưởng vào Đảng và Nhà nước xử lý.

Thì xưa nay, vẫn Đảng và Nhà nước giải quyết đấy chứ, giải quyết xong rồi nhân dân mới biết: Như thiệt thòi khi ta ký Hiệp định Genève, như học cách tiến hành cải cách ruộng đất, như không tránh được mà còn có nhiều phần bị bất ngờ trước cuộc chiến tranh biên giới mười năm (1979-1989), như để mất Hoàng Sa và một phần Trường Sa, cùng nhiều vấn đề khác nữa.

Hòa bình và ổn định thực sự là từ lòng dân. Hai nhà nước có thể ký kết vì ổn định mà phát triển, nhưng nếu lòng dân hai nước chưa thông, chưa ổn thật sự, thì chưa thể ổn định bền vững được. Ổn định không đến từ né tránh bao giờ cả.

Đất nước đã có vị thế và tư thế khác, thì các nhà lãnh đạo đất nước phải từ nền tảng này, không né tránh, mà quyết tìm cách để giải quyết, vì ổn định và phát triển lâu dài đi chứ!

Có thể là hình ảnh về 1 người và văn bản1. Bài trò chuyện với nhà văn Hồng Hà trên Văn nghệ Trẻ.

 

Không có mô tả ảnh.

2. Bút tích sách Hồng Hà tặng tác giả.

Nguồn: FB Nguyễn Thành Phong

Comments are closed.