Hernan Diaz, nhà văn Argentina và giải Pulitzer Văn học năm 2023

Trần Thùy Mai

image

Hernan Diaz

Hernan Diaz là nhà văn Argentina sống tại Mỹ. Trust (Tin) là tiểu thuyết thứ hai của ông, vừa đoạt giải Pulitzer văn học năm 2023.

Trust là tiểu thuyết hậu hiện đại viết theo bút pháp siêu hư cấu. Nghe những từ ngữ chuyên môn này chắc các bạn sẽ có cảm giác rất “khó đọc”. Nhưng không, tiểu thuyết của Hernan Diaz hấp dẫn từ đầu đến cuối. Trước khi giành giải thưởng, Trust đã được xếp vào danh sách bestseller của rất nhiều tờ báo: The New York Times, The Washington Post

Tác phẩm của Diaz viết về cuộc hôn nhân của nhân vật chính Andrew Bevel, nhà tài phiệt hàng đầu của phố Wall. Tiểu thuyết bao gồm bốn phần, mỗi phần có thể xem là một cuốn sách riêng. Bốn văn bản này được xếp kế tục nhau, văn bản sau phủ định văn bản trước, để dần dần mở ra một sự thật.

Phần thứ nhất: TRÁI PHIẾU

Trái phiếu là một “tiểu thuyết trong tiểu thuyết”.

Một nhà văn tên là Harold Vanner viết một tiểu thuyết có nhan đề là Trái phiếu. Nhà tài phiệt Andrew Bevel, người giàu nhất thế giới được Vanner dùng làm nguyên mẫu để xây dựng nhân vật Benjamin Rask.

Nhờ nhanh chóng bán khống khi thị trường chứng khoán sắp sụp đổ năm 1929, Benjamin Rask trở thành người giàu nhất thế giới và được xem như một vị thần trên phố Wall.

Báo chí cáo buộc anh ta gian lận và nhẫn tâm trước những khó khăn của nước Mỹ. Các nghệ sĩ tẩy chay Rask. Vợ Rask, Helen, cảm thấy cô độc và mặc cảm tội lỗi về vai trò của chồng. Cô lao vào tổ chức từ thiện, tài trợ cho những người yếu thế.

Sức khỏe tinh thần của Helen dần dần sa sút. Cuối cùng, cô được đưa vào một bệnh viện tâm thần ở Thụy Sĩ. Nhờ có Tiến sĩ Frahm điều trị với một phương pháp toàn diện – gồm có tập thể dục, trò chuyện và viết nhật ký – Helen đã khá lên.

Nhưng Rask không hiểu và không thích cách điều trị ấy, anh ra lệnh cắt đứt với bác sĩ Frahm và đưa bác sĩ Aftus đến thay, dù Helen không đồng ý. Bác sĩ Aftus thử nghiệm một cách điều trị bằng hóa chất. Sau ba lần vào thuốc, Helen bị co giật đến gãy cả xương đòn.

Helen chết, “Khuôn mặt của cô ấy là một đống đổ nát hoang tàn. Một vật bị đổ vỡ và bị bỏ rơi, kiệt sức.”

Rask quay trở lại New York. Mặc dù đau buồn, Rask nhận ra cái chết của vợ không ảnh hưởng gì nhiều cuộc sống của anh. Chỉ có điều, dù Rask tiếp tục đầu tư, anh không bao giờ có lại lợi nhuận như trong những năm vàng son của mình.

Phần thứ hai: ĐỜI TÔI

Tự truyện của nguyên mẫu: Andrew Bevel.

Cuốn tiểu thuyết của Vanner vừa ra đời đã nhanh chóng được bán chạy với tốc độ chóng mặt, làm cho Andrew Bevel, ngyuên mẫu, rất tức giận. Cho rằng hình ảnh của mình và vợ bị bóp méo, ông quyết định cho ra đời tự truyện của chính mình.

Trong tự truyện, Bevel kể về ông nội anh, cha anh, những người có công gầy dựng ra sự nghiệp của nhà Bevel. Những chương tiếp theo nói về học vấn và sự nghiệp của chính anh. Chương cuối viết về vợ anh, Midred Bevel, nguyên mẫu của nhân vật đáng thương Helen Rask.

Tiểu thuyết của Vanner viết theo dạng siêu tự sự (metanarratives, người kể chuyện là tác giả (vô hình), và nhân vật được biểu hiện ở ngôi thứ ba). Nhân vật Rask xuất hiện khá tĩnh tại. Còn trong tự truyện, nguyên mẫu Bevel ở ngôi thứ nhất xưng TÔI, cho thấy rõ hơn tâm trạng, giọng điệu của mình.

Bevel kể về những ngày hai vợ chồng mới kết hôn và đến ở ngôi nhà nghỉ dưỡng của gia đình anh, La Fiesolana, nơi mà Mildred yêu thích vì mô phỏng kiến trúc Tuscan. Trong thời gian hạnh phúc ấy, Bevel vẫn dành phần lớn thời gian của mình ở Manhattan để làm việc, dùng đòn bẫy đầu tư để đưa quốc gia thoát khỏi suy thoái sau Thế chiến thứ nhất.

Bevel rất yêu vợ, trong trí nhớ của anh thì Midred là một phụ nữ tinh tế, mềm mại, dịu dàng, làm lan tỏa sự ấm áp bất cứ nơi nào cô có mặt. Midred thích đọc truyện, vào bữa ăn tối, cô thường kể lại những cuốn tiểu thuyết, trong khi Bevel nghe say mê: “Thật đáng yêu khi nhìn cô ấy, bừng sáng, chìm đắm trong câu chuyện kể. Cô ấy bị cuốn hút bởi cốt truyện, còn tôi bị cô ấy quyến rũ. Khi nhận ra thức ăn trên đĩa đã nguội hết, chúng tôi nhìn nhau cười …”

Midred thích làm từ thiện, thích bảo trợ cho các nghệ sĩ. Bevel ủng hộ vợ trong mọi việc. “Cô ấy chọn nguyên nhân và chọn các tổ chức một cách cảm tính, nhưng cũng chú ý vâng theo hướng dẫn của tôi những khi lựa chọn của cô ấy không hợp lý về mặt tài chính.”

Trong tự truyện của Bevel, Midred không bị bệnh tâm thần mà mắc chứng ung thư, cô dũng cảm và dịu dàng đối mặt với căn bệnh cho tới ngày cuối cùng. Cái chết của Midred ảnh hưởng rất lớn đến Bevel, để lại một lỗ hổng lớn trong cuộc đời anh. Dù vậy, Bevel nhấn mạnh mình vẫn thành công liên tục sau khi Midred chết, bất chấp nỗi đau buồn vô hạn.

Tự truyện của Bevel dừng lại giữa chừng. Anh đã qua đời vì đột quỵ trước khi hoàn thành nó.

Phần thứ ba: HỒI ỨC ĐƯỢC GỢI LẠI

Đọc đến phần thứ ba này, người đọc mới biết phần thứ hai – ĐỜI TÔI, tự truyện của Bevel không phải do ông viết, mà do Ida Partenza, người viết thay.

Phần thứ ba này là hồi ức của Ida về những ngày làm việc với Bevel.

Ida Partenza là một cô gái có học nhưng nghèo, sống cùng người cha đơn thân trong căn hộ thuê ở New York. Để giúp cha trả tiền nhà, cô đã cố gắng nhưng kinh tế đang xuống, tìm việc làm rất khó khăn.

Đúng lúc đó cô nghe tin về công việc lương cao ở tập đoàn của Bevel: sau nhiều đợt phỏng vấn nghiêm ngặt, cuối cùng Ida được chọn. Khi gặp Bevel, cô mới biết nhiệm vụ của mình là viết tự truyện cho ông chủ.

Tiền lương cao ngất ngưởng, khi lãnh tháng lương đầu tiên cô mua sắm cho cha và cho người yêu – một nhà báo tự do cũng gần như đang thất nghiệp. Cô mong muốn đem cho họ niềm vui nhưng ngược lại, sự thành công của Ida chỉ làm những người đàn ông khó chịu.

Cha cô, một trí thức người Ý gia trưởng, bất mãn và cố chấp, rất bực mình vì con gái đi làm cho tập đoàn tài phiệt “cá mập” mà ông oán ghét. Bạn trai cô, người Mỹ, khó chịu vì cô đi làm thư ký, nghĩa là phải làm việc một mình với ông chủ trong nhiều giờ.

Mặc dù vậy, Ida không có lựa chọn nào khác; trong khi nỗ lực viết cuốn tự truyện, dần dần cô nhận ra mình sợ Bevel bất bình hơn là sợ cha giận và sợ mất người yêu.

Theo Bevel, vợ ông, Midred, là một phụ nữ trong sáng, ngoan hiền, dịu dàng, thanh thản. Hoàn toàn không phải như sự bịa đặt của Vanner khi xây dựng nhân vật Helen Rask, người đàn bà bị dằn vặt ray rứt nội tâm. Ông cũng rất tức giận vì nhân vật Helen trong truyện bị bệnh tâm thần và chết vì quyết định sai lầm của chồng. Trên thực tế Mildred chết trong một bệnh viện ở Thụy Sĩ, không phải chịu bất kỳ phương pháp điều trị tàn ác nào.

Đồng thời, Bevel cũng muốn thể hiện năng lực kinh doanh phi thường của mình, nhấn mạnh rằng các khoản đầu tư của ông và tổ tiên của ông đã giúp ích cho cả đất nước nói chung.

Nhiều lần Ida phải viết lại bản thảo cho đến khi Bevel cảm thấy hài lòng. Ông luôn nhấn mạnh: “Công việc của tôi là làm đúng. Luôn luôn đúng. Nếu có khi nào sai, thì phải dùng mọi phương tiện, tài lực của mình để bẻ cong, sắp xếp hiện thực theo cái sai của mình, cho nó không còn là sai nữa”.

Khi Ida muốn tiếp xúc với một vài bạn hữu của Midred để tham khảo, Bevel không cho phép. “Tôi muốn có cuốn sách này để ngăn chặn sự gia tăng của các phiên bản cuộc đời tôi, chứ không phải nhân lên chúng. Tôi dứt khoát không muốn có thêm quan điểm, thêm ý kiến. Đây là câu chuyện của tôi.”

Song song với việc viết tự truyện, Bevel đưa Vanner ra tòa về tội phỉ báng, nhưng tòa tuyên nhà tài phiệt thua kiện. Thế là Bevel bỏ tiền mua lại nhà xuất bản đã ký hợp đồng vô thời hạn với Vanner. Điều này không cho phép Vanner được tái bản ở bất cứ nơi đâu khác. Bevel có thể mua và nghiền nát tất cả các ấn bản từ khi mới xuất xưởng. Khi Ida Partenza phản đối, Bevel khẳng định: Không cho phép cuốn tự truyện của mình chia sẻ sự thật với cuốn tiểu thuyết ấy, vì “Sự thật chỉ có một.”

Bevel cũng yêu cầu Partenza thay đổi cách miêu tả về Mildred. Ông không muốn cô viết về sở thích yêu âm nhạc cách tân của Midred, theo ông điều đó khiến cô có vẻ “hợm hĩnh.” Ông đề nghị Partenza cho vợ mình thích cắm hoa, và sáng tạo ra những câu chuyện về tính cách yếu đuối, dịu dàng của Mildred.

Partenza nhận ra: mình đang giúp Bevel xóa "Mildred thật" khỏi lịch sử cuộc sống. Công việc của cô không phải là truyền đạt sự thật, mà là xây dựng một câu chuyện cho Bevel. Cô đã tạo ra cho “Bevel” một tầm vóc đúc kết từ những người khổng lồ Mỹ: Benjamin Franklin, Andrew Carnegie, Theodore Roosevelt và Henry Ford… “Giống như sinh vật của Frankenstein, Bevel của tôi sẽ được tạo thành từ tay chân của tất cả những người đàn ông khác nhau này… Và như thế, tôi đã là một người viết tiểu thuyết chứ không còn là một người viết tiểu sử.”

Rất hài lòng về công việc của Ida Partenza, Bevel thuê cho cô một căn hộ mới để cô có thể sống và làm việc thuận tiện hơn. Trong dịp Bevel đến ăn tối và làm việc ở đó, ông ta vui vẻ ôn lại những kỷ niệm của đời mình. Bevel không nhận ra một số chuyện đã lọt vào đầu ông từ những chi tiết mà Partenza bịa đặt trong tự truyện. Ví dụ như việc Midred thường đọc tiểu thuyết trinh thám rồi kể cho Bevel nghe trong buổi ăn tối, và đôi vợ chồng say sưa quên cả thức ăn đang nguội dần…Đấy thật ra là chi tiết do Partenza sáng tác dựa trên những bữa tối đầm ấm giữa hai cha con cô, khi cô còn niên thiếu.

Hư cấu đã thẩm thấu vào sự thực, đến mức chính người trong cuộc cũng không còn phân biệt được.

Năm hôm sau bữa gặp, cô nhận được tin Bevel đột ngột qua đời vì một cơn đau tim. Cuốn tự truyện cũng dừng ở đó.

Năm mươi năm sau… Tòa nhà của vợ chồng Bevel đã trở thành bảo tàng Bevel.

Ida Partenza lúc này hơn bảy mươi tuổi, đã thành một nhà văn nổi tiếng. Trong lòng Ida vẫn còn nỗi thắc mắc: Rốt cuộc Midred Bevel là người như thế nào? Là người đàn bà mong manh cam chịu, nạn nhân của chồng mình như trong tác phẩm của Vanner, hay người đàn bà ấm áp dịu dàng, nhu mì và đáng yêu như trong tự truyện của người chồng?

Trong nhiều năm, dù đã bị quên đi, nhưng thực sự Midred vẫn luôn tồn tại như một bí ẩn…

Một ngày, Ida Partenza nghe nói bảo tàng còn lưu giữ tất cả những thư từ, hình ảnh, tài liệu của vợ chồng nhà Bevel. Bà đã đến, tìm tòi, và tiếp cận được một tập ghi của Midred.

Dù cô thủ thư cảnh báo là “Chữ viết tay rất khó đọc nên không ai hiểu được”, nhưng với cả quá trình tìm hiểu trong quá khứ, Ida là người đầu tiên và duy nhất giải mã được những gì Midred – một Midred thật ngoài đời – đã viết.

Phần thứ tư: TƯƠNG LAI

TƯƠNG LAI là nhan đề tập nhật ký mà Midred ghi từ khi biết mình mắc căn bệnh ung thư.

Chữ rất khó đọc, vì lúc ấy Midred chỉ viết cho mình, không định chia sẻ với ai. Trong trang đầu, bà nhớ lại lúc mới kết hôn với Bevel. Đôi vợ chồng về ở dinh thự La Fiesolana, mà bà không thích vì vẻ mô phỏng, “hàng nhái” của nó.

Trong hai năm, cuộc hôn nhân êm ấm nhưng không nồng thắm.

Cho đến năm 1922, để gần chồng hơn, Midred đã dùng số tiền chồng đưa để chơi chứng khoán. Lần đầu tiên trong cuộc hôn nhân, họ hạnh phúc vì trở nên tâm đầu ý hợp. Bevel dạy vợ những hiểu biết cơ bản, và Midred dạy anh suy nghĩ sáng tạo.

Nhưng Bevel ngạc nhiên: thành công của Midred cao hơn nhiều so với của anh, khiến anh phải thử sao chép chiến lược của cô. Bevel không hiểu thuật toán đầu tư mà Mildred phát triển với một trực giác đặc biệt.

Sự suy sụp âm thầm diễn ra trong Bevel, mặc dù với sự hướng dẫn của Midred và với số vốn lớn gấp nhiều lần so với cô, Bevel đã xây dựng danh tiếng của mình như một thiên tài trong giới đầu tư.

Năm 1926, trước một thời cơ lớn trong thị trường chứng khoán, Mildred nhắc chồng đề phòng khe hở ở Sở Giao dịch chứng khoán New York: Ai đó có thể biết trước các mã cổ phiếu trước khi nhập, bằng cách hối lộ một trong bốn người điều hành mã cổ phiếu.

Cảnh báo này trở thành một cơ hội cho Bevel: chính anh đã làm điều đó, và chỉ sau vài tháng, anh đã giàu có tột bực.

Mildred gọi anh ta là tội phạm, Bevel gọi cô là kẻ ghen tị. Họ bất hòa sâu sắc và không nói chuyện với nhau trong suốt hai năm.

Năm 1929, Midred ngã bệnh. Căn bệnh đã giúp đôi vợ chồng làm hòa. Midred tiên đoán rằng thị trường sẽ sụp đổ trước cuối năm. Ban đầu Bevel không tin, nhưng Midred bắt đầu bán các vị thế và bán khống.

Sau cuộc khủng hoảng, bệnh của Midred đã trở nặng, cô phải vào một bệnh viện ở Thụy Sĩ. Cô vẫn tiếp tục hỗ trợ cho Bevel đầu tư trong khoảng thời gian anh đi về giữa Zurich và New York.

Nhưng tâm trí cô đã rời khỏi lãnh vực tài chính. Những kỷ niệm thời thơ ấu và hình ảnh thiên nhiên quanh mình được Midred quan tâm và ghi chép, trước khi cuốn nhật ký dừng lại.

Trái với sự trôi chảy của ba văn bản trước, phần thứ tư này được ghi lại với một văn phong thô sơ và càng về sau càng rời rạc, như những ký ức vỡ vụn của Midred.

Nó giống như “hóa thạch của một loài thú đã tuyệt chủng”. Midred tự hỏi mai sau liệu có ai đọc những trang viết này, và mong rằng chúng sẽ được phát hiện rất lâu sau khi người viết đã chết.

image

Comments are closed.