“Muốn học cái văn… thì trước tiên phải học cái chơi…”

Nguyễn Thị Tịnh Thy

clip_image002

Nhà giáo – võ sư Nguyễn Văn Dũng vừa xuất bản cuốn bút ký thứ tư có nhan đề NHỚ CON SÔNG QUÊ NHÀ. Cùng với ba tác phẩm Linh Sơn mây trắng (2006), Đi tìm ngọn núi thiêng (2012), Lời tự tình của một dòng sông (2013), Nhớ con sông quê nhà (2022) đã làm nên một bộ tứ tác phẩm ký đầy đặn cả về nội dung lẫn bút pháp. Bộ tứ này đủ để tác giả Nguyễn Văn Dũng xác lập tư cách và phong cách nghệ thuật của một nhà văn – nhà du ký hàng đầu trong văn đàn Việt Nam đương đại.

Đi hầu khắp các châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc, bằng cảm nhận của một người thích quan sát và suy nghiệm, kiến thức uyên bác trên nhiều lĩnh vực cũng như kinh nghiệm sống sâu sắc và phong phú, nhà văn Nguyễn Văn Dũng đã giúp người đọc mở rộng tầm mắt và tâm hồn trước bao điều mới lạ của năm châu bốn biển.

Du lịch với tác giả Nguyễn Văn Dũng không chỉ để khám phá, mà còn là cơ hội để giao hoà với đất trời, cảnh quan, văn hoá và con người sở tại; là dịp để so sánh, soi rọi lại chính mình với những suy tư về thiên nhiên, kiến trúc, lịch sử, chính trị, giáo dục, nhân tính,…

Du ký của Nguyễn Văn Dũng chinh phục độc giả ở sự tinh tế, sắc sảo trong quan sát, phát hiện, miêu tả, so sánh và nhận định. Đặc biệt, nhãn quan và tầm tư tưởng đáng nể phục của ông luôn được thể hiện bằng một lối văn rất tương xứng, như bồ đào mỹ tửu phải được rót trong chén dạ quang, dao vàng phải được bọc trong đãy kim nhung.

Văn phong của Nguyễn Văn Dũng là thứ văn của người dạy võ, nghĩa là trong văn có võ (chuẩn xác và nghiêm ngặt), trong văn có dũng (thẳng thắn và cương trực); lại vừa rắn rỏi vừa uyển chuyển, vừa hiện thực vừa mộng mị, vừa bất biến vừa đa biến (khi tĩnh khi động, lúc nhu lúc cương, thoắt sôi nổi thoắt trầm lắng)… và đạt đến độ trác tuyệt trong dùng từ, tạo câu. Thứ văn ấy, hay đến khó có thể hay hơn; đẹp đến khó có thể đẹp hơn!

Thiết nghĩ, những áng văn chương như du ký của Nguyễn Văn Dũng thật sự cần thiết cho việc dạy văn, học văn, thi văn đang làm đau đầu cả nền giáo dục hiện nay.

Du ký của Nguyễn Văn Dũng còn khẳng định một điều, rằng trong tất cả những thứ bạn biết, thì cần phải “biết chơi”, chơi như một cái Đạo – Đạo của người thích xê dịch, yêu thiên nhiên và luôn đi bằng cái tâm văn hoá của mình để nhìn thấy, suy nghĩ và cảm nhận những điều người khác không thấy, không nghĩ, không cảm. Vì thế, như Mã Tồn từng nhận định về “sự chơi” của sử gia Tư Mã Thiên ở thời cổ đại, tôi cũng nghĩ rằng: “Muốn học cái văn của Nguyễn Văn Dũng thì trước tiên phải học cái chơi của Nguyễn Văn Dũng!”.

Muốn học “cái chơi” của Nguyễn Văn Dũng, xin hãy đọc sách của ông. Tôi không thể trích dẫn ở đây, bởi vì chọn lựa đoạn nào để viết lên đây cũng là việc vô cùng khó với tôi.

Một lần nữa, tôi tự tin khẳng định rằng: Nguyễn Văn Dũng là một trong số rất rất ít người viết ký – du ký hay nhất hiện nay. Và nếu mạnh mẽ hơn, có thể khẳng định ông là số 1! Tôi mong các nhà giáo, nhà nghiên cứu không bỏ qua hiện tượng “nhà văn trẻ” này!

Comments are closed.