2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 40)

Hoàng Hưng

401. Deschooling: (sự) Thoái học đường

Một phong trào không chính thức cuối thập niên 1960 và thập niên 1970 phê phán hệ thống giáo dục chính thức vì quá đề cao ý tưởng hẹp hòi về kiến thức học đường và không biết đến kinh nghiệm trong đời thực của mọi người và hoàn cảnh xã hội rộng lớn hơn trong đó mọi sự học diễn ra. Những nhà tư tưởng và tranh biện như nhà văn Mĩ gốc Áo Ivan Illitch (1926-2002) tìm cách tách giáo dục khỏi hoàn cảnh thiết chế của nó và cổ động ý tưởng học suốt đời một cách không chính thức.

402. Descriptive behaviorism: Thuyết hành vi mô tả

Một cách tiếp cận về nghiên cứu hành vi mà B.F. Skinner theo đuổi, ông cảm thấy rằng Tâm lý học nên tự hạn chế ở việc mô tả các hành vi của sinh vật, những điều kiện diễn ra, và những tác động của chúng với môi trường. Việc này đòi hỏi tránh những giải thích về lí thuyết với những tiến trình có nền tảng Tâm lý học sinh học hay Tâm lý học giả thuyết.

403. Desensitization: (sự) Giải nhạy cảm

Một sự giảm nhẹ tính phản ứng về thể chất và cảm xúc với kích thích, bằng những phương pháp như nhìn thấu suốt vào bản chất của nó, thanh tẩy, hay những kĩ thuật giải điều kiện hoá (deconditioning).

404. Destructive obedience: (sự) Tuân phục phá hoại

Sự tuân phục những mệnh lệnh trực tiếp hay gián tiếp của quyền thế xã hội, quân sự, hay đạo đức mà gây nên kết quả tiêu cực, như việc chấp nhận những tổn hại giáng lên đầu các nạn nhân vô tội sẽ làm hại cộng đồng hay làm mất niềm tin vào các thiết chế xã hội. Stanley Milgram nghiên cứu sự tuân phục phá hoại bằng cách ra lệnh cho những người tham gia thực hiện những hành vi rõ ràng gây hại cho người khác. Những ví dụ khác bao gồm việc binh lính tuân lệnh tấn công những thường dân vô tội hay nhân viên y tế thực hiện y lệnh của bác sĩ mặc dù biết là bác sĩ sai lầm.

405. Determinism: Thuyết tất định

– [trong triết học]: Quan điểm cho rằng mọi sự kiện, thể xác hay tâm trí, bao gồm hành vi của con người, là kết quả tất yếu của những nguyên nhân có trước hay của những thực thể, lực lượng khác. Thuyết tất định đòi hỏi sự xác định của cả quá khứ lẫn tương lai.

– [trong Tâm lý học]: Quan điểm cho rằng mọi hành vi của con người đều là kết quả của những cái trước đó, những nguyên nhân chuyên biệt hữu hiệu, như là các cấu trúc hay quá trình sinh học, các điều kiện môi trường, hay trải nghiệm. Mối quan hệ giữa những cái trước đó và các hành vi chúng tạo ra có thể được mô tả bằng việc khái quát hoá rất giống các qui luật mô tả những cái thường xảy ra trong tự nhiên. Thuyết tất định tương phản với niềm tin vào ý chí tự do (free will) vốn cho rằng cá nhân có thể lựa chọn hành động có phần độc lập với những sự kiện hay điều kiện có trước. Những người bảo vệ các quan điểm ý chí tự do thường đi theo một quan điểm SOFT DETERMINISM (thuyết tất định mềm) vốn cho rằng ý chí tự do và tính trách nhiệm thích ứng với thuyết tất định. Những người khác cho rằng ý chí tự do là ảo tưởng, đó là quan điểm được biết đến như HARD DETERMINISM (thuyết tất định cứng). Trong các thuyết Tâm lý học đương thời, Thuyết Hành vi có quan điểm tất định luận (determinist) rõ ràng nhất.

406. Developmental teaching model: Hình mẫu dạy học phát triển

Một cách tiếp cận tổng quát về giáo dục dựa trên công trình của Jean Piaget và những người khác. Sự phát triển về nhận thức, xã hội và đạo đức được coi là tiến bộ theo những giai đoạn ẩn và hiện. Trong sự phát triển nhận thức, nhấn mạnh vào suy lí logic và sự tăng tiến phát triển trí khôn. Có sự nỗ lực để chương trình học đường hướng về kiến thức thao tác.

407. Dialectical operations: (các) Thao tác biện chứng

Những cơ chế giúp sự phát triển diễn ra như kết quả của những tương tác giữa cá nhân với môi trường. Thay vì nhấn mạnh những giai đoạn phổ quát của sự phát triển, các nhà lí thuyết bảo vệ một nhãn quan biện chứng, như Lev Vygotsky, biện luận rằng sự phát triển diễn ra khi cá nhân vừa phản ứng với vừa ảnh hưởng đến môi trường xã hội. Các hình mẫu loại này dựa trên những lí thuyết của triết gia Đức Georg Wilhem Friedrich Hegel (1770-1831).

408. Dichotomous thinking: Tư duy lưỡng cực

Xu hướng suy nghĩ theo những đối lập lưỡng cực, nghĩa là theo cái tốt nhất và cái xấu nhất, mà không chấp nhận những khả thể nằm giữa hai cực. Tư duy này được tìm thấy đặc biệt phổ biến trong những người có những thời kì trầm cảm nặng (major depressive episodes) và đôi khi được nghĩ là một nhân tố có nguy cơ gây ra rối loạn trầm cảm nặng. Cũng gọi là polarized thinking (tư duy phân cực).

409. Discrimination learning: (sự) Học phân biệt

Bất cứ hình thức học nào trong đó người học phải phân biệt giữa hai hay nhiều kích thích, nhắm đáp ứng một cách chính xác. Những nghiên cứu về lối học như thế thường được dùng để thiết lập năng lực có được một số phân biệt nhất định.

410. Disinhibited social engagement disorder: Rối loạn thiếu kiềm chế quan hệ xã hội

Một chấn thương tâm lí và rối loạn có liên quan đến stress của tuổi ấu nhi và thiếu nhi, đặc trưng là một mẫu hành vi thể hiện sự không phân biệt trong quan hệ với những người lớn không quen biết, hành động quá thân mật và tin tưởng, đi cùng với bằng cứ là đứa trẻ đã trải nghiệm sự chăm sóc mang tính bệnh lí được cho là có trách nhiệm trong việc quan hệ xã hội nhiễu loạn, chẳng hạn sự lơ là hay thường xuyên thiếu sự chăm sóc của người lớn, thay đổi xoành xoạch người chăm sóc khiến rất ít cơ hội hình thành sự gắn bó ổn định, hay được nuôi dưỡng ở những cơ sở thiếu người chăm sóc hay những hoàn cảnh khác rất ít cơ hội hình thành sự gắn bó với người chăm sóc.

Comments are closed.