Thụy Khuê
Ngày 19/2/2016 Văn Việt đăng bài “Mộ cha Đắc Lộ ở đâu?” của Dong Tran, trong đó tác giả cho rằng:
– Đắc Lộ là người đặt ra chữ quốc ngữ
– Nhờ chữ quốc ngữ mà ta tiến bộ được 300 năm.
Chúng tôi xin có mấy ý kiến sau đây:
1- Đắc Lộ không phải là người đầu tiên đặt ra chữ Quốc Ngữ.
Linh mục Đỗ Quang Chính trong cuốn Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ (Tủ Sách Ra Khơi, Sài Gòn, 1972) đã xác định rõ những ai là người đầu tiên nghĩ cách ghi lại tiếng Việt bằng ngữ tự La Tinh.
Trong giai đoạn hình thành từ 1620-1626: Ba tu sĩ Dòng Tên Buzomi (Ý), Carvalho và Dias (Bồ) tới cửa Hàn (Đà Nẵng) ngày 18/1/1615. Họ là những tu sĩ đầu tiên, chủ trương giảng đạo bằng tiếng Việt, vì vậy họ phải tìm cách ghi lại tiếng Việt theo ngữ tự La Tinh, và đó là nguồn cội chữ Quốc ngữ.
Trong những giáo sĩ này, Francisco de Pina, người Bồ là người đầu tiên thạo tiếng Việt, ông đã dạy cho những người đến sau, trong đó có Đắc Lộ.
Cristoforo Borri đã để lại tập ký sự giá trị viết về Nam Hà, trong đó ông ghi lại những chữ Quốc ngữ đầu tiên, tức là tiếng Việt phiên âm theo ngữ tự La tinh năm 1620-1621. Cuốn sách được in lần đầu năm 1631, và được Bonifacy dịch sang tiếng Pháp, in trong BAVH, 1931, trang 277-405.
Nhờ biết tiếng Việt nên các giáo sĩ Bồ đã soạn được sách giáo lý bằng chữ Nôm và Quốc ngữ cùng với các thầy giảng Việt, mà Benitô Thiện là một thành viên tích cực.
Đắc Lộ đến Đàng Trong lần đầu năm 1624, sau các giáo sĩ dòng Tên đầu tiên 9 năm.
Khi so sánh các tài liệu viết tay của Đắc Lộ với các linh mục như Gaspar d’Amaral, trình độ tiếng Việt của ông kém hơn nhiều.
Khi viết cuốn từ điển xuất bản tại La Mã năm 1651, ông đã cho biết là ông dùng hai cuốn từ điển viết tay của Gaspard d’Amaral và Antonio Barbosa, để soạn.
Linh mục Đỗ Quang Chính nhận định: Đắc Lộ không phải là người đầu tiên học tiếng Việt, ông cũng không sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, cũng không phải là người viết chữ Quốc ngữ giỏi, ông chỉ góp một phần trong công việc này và là người in hai cuốn sách chữ Quốc ngữ đầu tiên.
Năm 1645, giáo sĩ Đắc Lộ bị chúa Thượng Nguyễn Phước Lan trục xuất lần thứ tư, ông trở về Âu Châu, đem đầu của người thầy giảng trẻ tên thánh là André, bị xử tử đầu tiên, về Rome để trình đức Giáo Hoàng Innocent X, tội ác của Chuá Nguyễn. Rất can trì, bởi vì chuyến đi kéo dài trong 4 năm từ tháng 12/1645 đến tháng 6/1649.
Với chứng cớ là đầu lâu của người thanh niên bị xử tử hình, ông biện hộ trước Giáo hoàng việc Việt Nam đàn áp tôn giáo và xin toà thánh can thiệp, xin Giáo hoàng cho Pháp thay thế Bồ trong việc quản trị truyền giáo tại Việt Nam.
Vatican, cho tới đó vẫn thiên về Bồ Đào Nha, được mệnh danh là “con trưởng” của đạo Chuá, vì chiếm được nhiều thuộc địa, đẩy lui đạo Hồi, nên giáo hoàng Innocent X, không chú ý đến đến lời kêu của Đắc Lộ. Giáo Hoàng mất năm 1655.
Alexandre VII lên thay, nghiêng về phiá Pháp, đuổi Bồ khỏi La Mã, và thuận cho Pháp cầm đầu Hội truyền giáo ở Việt Nam.
Tháng 8/1658, François Pallu được phong chức Giám Mục địa phận Bắc Hà và Pierre-Lambert de la Motte, điạ phận Nam Hà. Từ 1662, Hội Truyền Giáo Ngoại Quốc (Société des Missions Étrangères) được thành lập và đặt trụ sở ở Paris, rue du Bac. Năm 1664, Colbert, Bộ trưởng Tài Chính Pháp, lập Công ty Pháp Ấn. Từ đó, Pháp có đầy đủ các cơ sở vững chắc để chinh phục thuộc điạ ở Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Trong thời gian ấy, giáo sĩ Đắc Lộ được gửi đi Ba Tư và ông mất ở đấy năm 1660.
Alexandre de Rhodes đã giúp cho Pháp có những cơ sở đầu tiên về đạo giáo trên đất nước ta và trong thời kỳ ấy ở Âu châu, giáo hội với chính quyền là một.
2- Chữ Quốc ngữ không giúp ta tiến bộ 300 năm. Nhật Bản và Hàn Quốc là những thí dụ.
Chữ Quốc ngữ đã làm ta đoạn tuyệt với quá khứ Hán Nôm, không đọc được sách của tiền nhân và đó là một mất mát lớn lao, một bất hạnh.
3- Linh mục Đỗ Quang Chính đã bôn ba khắp các thư viện của giáo hội ở Âu châu và Á châu, để tìm tòi, nghiên cứu và tha thiết lên tiếng từ năm 1972, về việc thổi phồng công lao của Alexandre de Rhodes, bằng những văn bản gốc, đích thực.
Chẳng lẽ chúng ta cứ mãi mãi làm ngơ, không biết, không đọc?