CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” (43): “VÀO ĐỜI” (14)

18/7/1963. Báo “Quân đội nhân dân”. Ý kiến bạn đọc. Phương Tống: Lập trường tư tưởng tư sản phản động trong cuốn “Vào đời”

… Là một quân nhân chuyển ngành, xem xong cuốn “Vào đời” của Hà Minh Tuân, tôi rất căm phẫn là tác giả đã dùng ngòi bút của mình để xuyên tạc sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, để bôi nhọ truyền thống vẻ vang của quân đội và in một vết đen lên hình ảnh đẹp đẽ của người bộ đội chuyển ngành đã từng cống hiến rất nhiều trên mặt trận sản xuất sau khi hòa bình đã lập lại.

Nhưng vượt lên trên vấn đề bóp méo hiện thực công tác, sinh hoạt và tư tưởng của người quân nhân chuyển ngành, tác giả “Vào đời” còn dùng chiêu bài “chống quan liêu” để đả kích hầu như vào toàn bộ các loại cán bộ của Đảng và Nhà nước ta, từ người lãnh đạo chính trị đến người phụ trách chuyên môn, quản lý ở công trường. Tác giả đã miêu tả họ không khác gì những người chủ nhà máy, những công chức dưới chế độ tư bản mà quần chúng công nhân và nhân dân lao động phải coi là “kẻ thù số 1”.

Hơn nữa tác giả còn hằn học đánh vào một loạt các cơ quan chủ yếu của chuyên chính vô sản một cách tinh vi và khéo léo qua bức tranh xám xịt xuyên tạc hiện thực tươi đẹp của miền Bắc từ quân đội đến công an, mậu dịch, v.v. Và thật là hiểm độc khi những ý kiến đen tối ấy lại từ mồm nhân vật “tích cực” phát ra, có vẻ như là “khách quan”, có “tính chất xây dựng”. Tác giả còn chĩa mũi nhọn thù hằn của mình vào các đường lối chủ trương chính sách cụ thể của Đảng như đường lối đấu tranh tư tưởng, phương pháp mổ xẻ phân tích tư tưởng (qua những hành động “xây dựng” rất sống sượng thô lỗ của Trần Lưu mà tác giả hầu như cố tình đưa ra để mỉa mai, diễu cợt tinh thần phê bình và tự phê bình tốt đẹp của chúng ta), như đường lối báo chí (qua việc xuyên tạc các nhà báo “tô hồng”), v.v.

Nhìn chung lại, tôi thấy cuốn tiểu thuyết “Vào đời” không những không giúp đỡ gì cho người đọc nhận thức thêm về cuộc sống mà ngược lại nó còn gieo rắc những hoang mang, truyền bá những mối hoài nghi đối với bản chất tốt đẹp của chế độ mới, đối với trật tự xã hội, đối với nền chuyên chính dân chủ nhân dân của chúng ta bằng cách bôi nhọ và bóp méo hiện thực. Ngụy trang đằng sau những vấn đề có vẻ tích cực và những nhân vật có vẻ tích cực, nó đã đả kích một cách tập trung vào những đường lối chính sách chủ yếu của Đảng và Nhà nước từ những đường lối chung đến những chủ trương chính sách cụ thể, nó đã phủ nhận những thành tích tốt đẹp mà nhân dân ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, nó phủ nhận khí thế cách mạng của nhân dân ta, không hề nêu lên một khó khăn nào trong quá trình tiến lên XHCN ở một nước nông nghiệp lạc hậu như nước ta, nó đả kích vào một loạt các cơ quan chủ yếu của nền chuyên chính vô sản của nước ta. Qua con mắt nhìn bất mãn, qua thái độ ác độc và qua cách đả kích kịch liệt, tập trung và trắng trợn của tác giả đối với mọi mặt của cuộc sống của chúng ta hiện nay, một cuộc đấu tranh gian khổ nhưng rất vinh quang để tiến lên CNXH. Tác giả đã đứng trên lập trường của tư tưởng thù địch với chế độ ta, với nhân dân ta để chọn lọc vấn đề, xây dựng hình tượng trình bày trong cuốn sách; đó là lập trường tư tưởng tư sản phản động rất nguy hại mà riêng bản thân tôi thấy không thể làm ngơ được. Cần phải vạch những luồng tư tưởng xấu ấy ra để phê phán, để đấu tranh, để xua tan những ảnh hưởng tai hại đối với những bạn đọc ít suy nghĩ sâu xa. Và nhất là để bảo vệ chân lý chói ngời nằm trong cuộc sống tuy còn những khó khăn nhưng vô cùng tươi đẹp của chúng ta.

PHƯƠNG TỐNG

(nông trường Mộc Châu)

Nguồn:

Quân đội nhân dân, Hà Nội, s.1229 (18.7.1963), tr.3.

19/7/1963. Báo “Tiền phong”: Xã luận: Cần vạch trần hệ tư tưởng tư sản phản động trong cuốn tiểu thuyết “Vào đời”

Trong mấy tuần qua, báo chí và dư luận xã hội rộng rãi ở miền Bắc nước ta đã nghiêm khắc phê phán cuốn tiểu thuyết “Vào đời” của nhà văn Hà Minh Tuân. Mỗi ngày Bộ biên tập báo “Tiền phong” chúng tôi nhận được từ 20 đến 30 bài của thanh niên thuộc đủ các thành phần xã hội: công nhân, nông dân, bộ đội, học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên, v.v. gửi đến phát biểu ý kiến phê phán cuốn tiểu thuyết này. Qua những bài phát biểu đó chúng tôi thấy rõ sự phẫn nộ của mọi người đối với những tư tưởng độc hại mà cuốn tiểu thuyết chứa đựng, đối với sự xuyên tạc cuộc sống mới ở miền Bắc và đối với sự tác hại của cuốn sách trong một bộ phận thanh niên đang chuẩn bị bước vào đời.

Tiếng nói mạnh mẽ của dư luận xã hội đối với cuốn tiểu thuyết “Vào đời” chứng tỏ rằng nhân dân và thanh niên ta không bỏ qua bất cứ một hành động nào có hại đến đời sống tinh thần của xã hội và do đó có hại đến sự nghiệp cách mang XHCN ở miền Bắc nước ta cũng như đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam Việt Nam.

Điều đó cũng chứng tỏ một sự thật là cuộc đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực tư tưởng đã và đang còn diễn ra khá gay go và phức tạp trong quá trình của cuộc cách mạng ở miền Bắc.

Việc phê phán cuốn tiểu thuyết “Vào đời” cho đến nay chưa phải là đã đủ; chúng ta cần phải tiếp tục phê phán tác phẩm xấu này một cách triệt để hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, không những trên báo chí mà cả trong các cuộc sinh hoạt của Đoàn thanh niên. Lẽ tất nhiên việc vạch rõ những tác hại của cuốn sách cũng như vạch ra tất cả những cái gì mà nhà văn Hà Minh Tuân đã xuyên tạc sự thật là một điều rất cần thiết. Song có một điều quan trọng hơn, đáng chú ý hơn là phải vạch ra được tất cả những khía cạnh, những ngóc ngách của hệ tư tưởng tư sản phản động ẩn náu trong cuốn sách và trên cơ sở đó tăng cường hơn nữa sự giác ngộ giai cấp của chúng ta, đồng thời quán triệt hơn nữa đường lối chung xây dựng CNXH ở miền Bắc và các chính sách của Đảng.

Chúng ta cần phải phê phán một cách có tình và có lý. Nhưng có tình và có lý không có nghĩa là xoa dịu đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực tư tưởng.

Tình của chúng ta là tình cảm cách mạng, là thái độ không khoan nhượng đối với tư tưởng độc hại của giai cấp bóc lột chứ không phải sự nể nang gượng nhẹ.

Lý của chúng ta là thế giới quan mác-xít, là phương pháp phân tích giai cấp, chứ không phải là thế giới quan tiểu tư sản và sự phân tích phi giai cấp.

Chỉ có phê bình một cách có tình và có lý như vậy thì chúng ta mới phê phán được triệt để cuốn tiểu thuyết “Vào đời” là cuốn tiểu thuyết mang những tư tưởng độc hại của giai cấp tư sản phản động.

TIỀN PHONG

Nguồn:

Tiền phong, Hà Nội, s. 1064 (19.7.1963), tr. 3.

19/7/1963. Báo “Tiền phong”: Nguyễn Lương (Cục vật liệu kiến thiết, Bộ Nội thương): “Vào đời” đã xuyên tạc hết sức bỉ ổi bản chất tốt đẹp của các quân nhân phục viên, chuyển ngành

Nếu như mấy năm về trước, bọn Nhân văn-Giai phẩm có thể lung lạc, lừa bịp được một số người nông nổi và nhẹ dạ nào đó, thì bây giờ đã khác hẳn, ai đọc “Vào đời” cũng tỏ ý bất bình với việc làm sai trái của Hà Minh Tuân trong cuốn sách đó. Điều này biểu hiện rõ trình độ chính trị, tư tưởng, và trình độ thưởng thức nghệ thuật của nhân dân ta đã ngày càng nâng cao. Thật là đáng mừng!

Chúng tôi sẽ không nhắc lại những ý kiến phê bình xác đáng của các bạn đã phát biểu, mà chỉ muốn phê phán Hà Minh Tuân ở một điểm sau đây:

Tác giả đã xuyên tạc hết sức bỉ ổi bản chất tốt đẹp của các quân nhân phục viên, chuyển ngành. Người đọc không khỏi bất bình và phẫn nộ khi thấy các nhân vật quân nhân cũ trong truyện đã bị tác giả bịa đặt và thêu dệt một cách giả tạo tới mức không thể tưởng tượng được, hoàn toàn trái với bản chất và truyền thống tốt đẹp của quân đội ta dưới sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp công nhân.

Hành động và thái độ của các nhân vật Hiếu, Mai, Song hoàn toàn đại diện cho bọn phản động, lưu manh côn đồ một trăm phần trăm! Chúng luôn luôn âm mưu phá hoại tài sản của Nhà nước, chia rẽ lãnh đạo với công nhân, đả kích sự lãnh đạo của Đảng, khích bác, xúi giục công nhân manh động, tự do vô chính phủ. Chúng lừa đảo, hiếp dâm… sa đọa hết mức về tinh thần và vật chất. Với bản chất xấu xa ấy, chúng không thể cầm súng như những chiến sĩ chân chính chiến đấu cho một lý tưởng cao quý trong quân đội cách mạng, chịu đựng thử thách qua cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc, mà sớm muộn trong thời kỳ gian lao đó chúng sẽ tự phơi trần bộ mặt phản động của chúng, và tất nhiên cuộc sống sẽ xử trí chúng một cách thích đáng. Đó là lô-gich của đời sống xã hội và cũng là lô-gich của nghệ thuật.

Thế mà Hà Minh Tuân đã để cho chúng vượt được chặng đường kháng chiến vô cùng gian khổ vừa qua, thậm chí còn được đề bạt sĩ quan, và cắt nghĩa nguồn gốc của những hoạt động đen tối xấu xa của chúng trong những năm 1957-1960 là do điều kiện xã hội miền Bắc sau ngày hòa bình lập lại! Đây là một sự tác động tinh thần khá thâm độc đối với những người chưa kiên định lập trường tư tưởng, đồng thời cũng đả kích trực diện vào trật tự xã hội mới.

Theo dõi nhân vật Hiếu, nhiều lúc người đọc cứ mong cho hắn sẽ ít nhất nói một vài lời tử tế nhẹ nhàng với người vợ hiền, mà những người chồng bình thường nào cũng có thể nói được. Nhưng họ đã thất vọng; hết trang này sang trang khác, Hiếu dần dần mất hết lương tri, đi đến những hành động bản năng, thú tính và rất phản động. Hiếu không thể là một chiến sĩ quân đội bình thường, nói gì đến một đại đội trưởng (!) Bao nhiêu công lao giáo dục, dìu dắt của Đảng xưa nay không thấy có một tác dụng nhỏ nào đến Hiếu. Như vậy chẳng khác nào Hà Minh Tuân đã xui mọi người phủ nhận tác dụng lãnh đạo và giáo dục của Đảng đối với các quân nhân phục viên, khuyến khích sự chống đối và đòi hỏi hưởng thụ vật chất.

Nhân vật quân nhân Trần Lưu được tác giả xây dựng cho “tương phản” với nhân vật Hiếu. Lưu được giới thiệu như một người tiên tiến, một nhân vật “chính diện”. Nhưng thực ra người đọc không có cảm tình với anh ta, bởi chưng anh ta hay cau có, gắt gỏng, nói năng cộc lốc, làm hùng hục, tính tình khô khan, khó khăn… Vậy thì phải chăng tác giả cố minh họa cho danh từ “con người máy” mà trước đây bọn Nhân văn đã tung ra để ám chỉ nói xấu cán bộ và công nhân ta? Tới mức cao hơn, tác giả đã bất chấp cả nguyên tắc sơ đẳng về tính nhất quán của nghệ thuật, gán bừa vào miệng Lưu những lời lẽ hằn học đả kích mậu dịch và công an của ta. Vậy thì nhân vật Trần Lưu có đúng là tích cực, là “chính diện” không, hay cũng là sự xuyên tạc theo cách khác của tác giả đối với người quân nhân chuyển ngành?

Sau khi gấp cuốn “Vào đời” lại, người đọc phải tự hỏi: những nhân vật quân nhân mà Hà Minh Tuân xây dựng nên trong “Vào đời” như Hiếu, Mai, Song, Lưu đại diện cho loại người nào trong xã hội miền Bắc hiện nay? Có đúng là điển hình của những quân nhân cũ không? Chúng tôi trả lời dứt khoát để tác giả rõ: Không đúng lấy một phần trăm! Trong thực tế ai cũng có thể bắt gặp trên khắp các hoạt động sản xuất và xây dựng các quân nhân cũ, đa số đang hăng hái lao động, không ngừng phát huy đức tính tốt đẹp của quân nhân cách mạng, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, tác phong khiêm tốn và thân ái, sinh hoạt giản dị. Hà Minh Tuân cũng đã công tác lâu năm trong quân đội, thế mà đã nhắm mắt bóp méo sự thật, bôi nhọ đồng chí, đồng đội của mình! Người đọc không khỏi ngạc nhiên về việc làm kỳ quặc đó của anh.

Thế mà có người đã muốn xoa dịu công luận, chống đỡ cho tác giả khi cho rằng nguyên nhân việc làm của Hà Minh Tuân là do nhà văn không lý giải được cuộc sống nên đã xây dựng những nhân vật giả tạo. Có đúng vậy không? Chúng tôi nghĩ rằng ở đây không phải là vấn đề vốn sống hay kỹ thuật của người viết văn mà là vấn đề thuộc về thế giới quan và nhân sinh quan của nhà văn để nhìn con người xây dựng CNXH bằng con mắt nhìn của giai cấp tư sản phản động. Rõ ràng các nhân vật quân nhân trong “Vào đời” chỉ là công cụ để tác giả phát biểu một hệ thống quan điểm sai lệch của mình, tuyên truyền xuyên tạc chính sách và trật tự xã hội mới, phổ biến những quan niệm và triết lý sống rất lạc loài, xấu xa của giai cấp tư sản phản động. Những người quân nhân phục viên chúng tôi cực lực phản đối sự xuyên tạc trắng trợn của ông Hà Minh Tuân.

Như trên đã nói, chúng tôi không có ý phê phán toàn bộ tiểu thuyết “Vào đời”, một cuốn sách đầy rẫy sự vu khống và xuyên tạc, đả kích, mà chỉ phát biểu về một mặt nhất định của nó nói đến các quân nhân cũ. Và, chúng tôi cũng không khỏi suy nghĩ về sự dễ dãi, thiếu trách nhiệm của Nhà xuất bản Văn học (cũ), đã cho xuất bản cuốn tiểu thuyết “Vào đời”.

NGUYỄN LƯƠNG

(Cục vật liệu kiến thiết, Bộ Nội thương)

Nguồn:

Tiền phong, Hà Nội, s. 1064 (19.7.1963), tr. 3.

19/7/1963: báo “Văn nghệ”, s. 12: Xuân Cang: Tiểu thuyết “Vào đời” và trách nhiệm của nhà văn:

Đọc tiểu thuyết “Vào đời”, tôi thấy anh Hà Minh Tuân đã bỏ rơi mất trách nhiệm của nhà văn là phản ánh chân thực cuộc sống. Anh đã chọn lựa một cách trình bày hoàn toàn sai lệch để miêu tả đời sống lao động của chúng ta, chắp nhặt những hiện tượng xấu trong nhiều công trường khác nhau, chế tạo lại thành một câu chuyện có nhiều tình tiết ly kỳ, thành một cuộc sống “giả vờ là có thực” ở một công trường XHCN. Đọc “Vào đời”, một sự phản ứng sâu xa bắt nguồn từ đời sống chúng tôi, nổi dậy trong lòng. Nhiều bạn đọc đã nói to lên rằng: không phải như vậy, không phải đời sống chúng tôi dù vào những năm 1956-59 lại chỉ như những miệng hùm nọc rắn đón cô Sen bước vào đời như vậy. Chính là tác giả đã đánh lừa bạn đọc, nhưng chỉ đánh lừa được những bạn đọc trẻ tuổi mới lớn dậy, chưa đủ một sự hiểu biết về đời sống, và những bạn đọc mang nặng một cái nhìn hoài nghi đen tối như cách nhìn của tác giả trong quyển sách. Aanh đã đánh lừa bạn đọc bằng những sự việc có vẻ như là éo le, ly kỳ, những cảnh đời bi lụy, những cảnh trùm chăn bắt cóc con gái đem ra giữa cánh đồng hãm hiếp, những cảnh đánh cắp “com-măng-ca” đi tống tình con gái nhà tư sản…

Mấy năm nay, anh Hà Minh Tuân là một trong những người cũng có đi vào đời sống công nghiệp để sáng tác về đề tài mới mẻ đó. Nhưng ở đây ta thấy anh thiếu một sự gắn bó mình trong cuộc sống chiến đấu lao động của quần chúng.

Thông qua một cách nhìn đặc biệt, anh đánh giá sự vật theo lối nghĩ chủ quan của mình. Tôi nghĩ đó là nguồn gốc của những cảm xúc của anh, những cảm xúc không lành mạnh. Từ những cảm xúc đó mà đẻ ra những kiểu nhân vật như cô Sen, như Hiếu, đẻ ra tình tiết giả tạo trong “Vào đời”.

Không những anh không phê phán nổi mà lại còn tỏ ra đồng cảm đồng tình với những người như Hiếu, một nhân vật kiểu Nhân văn-Giai phẩm đang lưu manh hóa. Cô Sen, nhân vật chính trong tác phẩm, lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ, sẵn sàng thông cảm với Hiếu, mong khêu gợi được ở Hiếu một chút tình cảm tốt đẹp bằng cái quan hệ vuốt ve mơn trớn thuần túy xác thịt của cô ta. Thái dộ ấy đã được tác giả nâng lên như một thứ “nhân đạo chủ nghĩa” nào đó.

Với những cảm xúc tiểu tư sản như vậy, ngay đến việc ca ngợi những cái tốt, anh cũng không nhìn được đúng. Việc cô Sen tìm ra sáng kiến chẳng hạn, rất tài tử. Trong một hoàn cảnh đầy những bi kịch trong gia đình, “cứ mỗi lần có chuyện không vui với chồng, Sen lại tìm đến nguồn an ủi hay ít nhất là một sự quên lãng ở máy, ở xưởng…”. Một sáng kiến đã ra đời, một chiến sĩ thi đua đã lớn lên trong nhà máy theo kiểu như thế đấy. Các bạn đọc là chiến sĩ thi đua xem đến đó sẽ buồn đi biết bao. Một công việc lao động sáng tạo được tả như một cách “để khuây khỏa, để quên lãng”.

Chính là những cách nhìn, những cảm xúc xa lạ ấy đã chi phối toàn bộ nội dung câu chuyện, trong tất cả các chi tiết, cho đến từng câu văn một; chính nó đã gây nên sự phản ứng mạnh, nhạy bén của bạn đọc khắp nơi biểu lộ ra trên báo chí.

Thật là một điều đáng mừng. Nhà văn nước ta sung sướng có những bạn đọc có tinh thần chiến đấu, cảnh giác cách mạng rất cao, hiểu biết sâu sắc về đời sống của mình và đòi hỏi các nhà văn của mình phải có trách nhiệm lớn trước đời sống. Rất đáng tiếc, những người đọc đầu tiên của quyển truyện “Vào đời” ở Nhà xuất bản Văn học (cũ) lại thiếu sự phản ứng mạnh mẽ, nhạy bén ấy.

Tôi không muốn làm công việc phê bình. Tôi chỉ muốn nói lên một ít cảm nghĩ của một người đọc và một người viết trẻ, những cảm nghĩ đối với riêng tôi, tôi cho là rất có ích với bản thân. Thật ra, phải phê bình đấu tranh với một quyển sách ở một trình độ nghệ thuật kém cỏi, vuốt ve vào những thị hiếu không lành mạnh của một số người đọc, đó là một điều không thích thú gì lắm. Tuy nhiên, cái hiện tượng “Vào đời” ấy cũng đặt ra cho mỗi người viết văn thấy rõ hơn trách nhiệm lớn lao của mình./.

19/7/1963: báo “Văn nghệ”, s. 12: Văn Dân (công tác văn nghệ quân đội): Anh bộ đội trong “Vào đời” bị bóp méo, xuyên tạc:

Tôi chỉ nói một số nhân vật là bộ đội trong truyện.

Sau tháng 7-1954, miền Bắc nước ta chuyển từ chiến tranh sang hòa bình. Anh bộ đội đang cầm súng đánh giặc cũng chuyển sang mặt trận sản xuất, xây dựng đất nước. Hình tượng ấy, theo tôi, tiêu biểu cho sự chuyển biến của xã hội miền Bắc trong giai đoạn lịch sử này. Nhưng trong “Vào đời” những người bị mang danh bộ đội thì sống chẳng hề tiêu biểu cho cái gì cả, vì một lẽ giản đơn: họ không phải là bộ đội.

Theo tác giả, Trần Lưu trước là chiến sĩ thi đua. Lưu là một “nhân vật tích cực” trong “Vào đời”. Nhưng xét cho kỹ, Lưu ăn nói lỗ mãng thô bạo, phê bình giúp đỡ một nữ sinh mới bước vào nghề thì chụp tư tưởng này tư tưởng nọ (trang 38) không phân tích lý lẽ cụ thể. Phê bình cấp trên thì nói năng vô trách nhiệm (trang 185), coi báo chí của Đảng thì … “chõm toàn những chuyện cảm động với những chuyện tròn trĩnh tươi hồng đưa lên mặt giấy” (trang 326), nói đến chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước thì hằn học vơ đũa cả nắm (trang 327). Yêu đương thì vừa như cậu học sinh trước cách mạng lại vừa là một thằng thộn, ngô nghê. Nhìn Sen, Lưu chỉ thông qua đôi mắt “đen láy to tròn của Muôn” là người yêu cũ của anh, suốt một thời gian dài không dám tỏ tình với Sen. Nhưng khi Sen lấy chồng, anh lại “lẳng nhẳng tình cảm” như một gã si tình Âu châu, mặc dù cái si ấy được lồng trong cái vỏ công tác, giúp đỡ.

Lưu có ưu điểm, cái ưu điểm làm hùng hục, nhưng tài lãnh đạo của một bí thư chi đoàn như thế nào, cụ thể phát huy sáng kiến ra sao thì chỉ là qua giới thiệu của tác giả. Phải chăng một người như thế đã xứng đáng là bí thư chi đoàn, là chiến sĩ thi đua? Nếu ở trong quân đội, Lưu chỉ là loại chiến sĩ kém, thiếu ý thức chính trị nữa là đằng khác.

Tên Võ Cảnh tức Nguyễn Mai được tác giả giới thiệu rất lắt léo nhưng dù thế nào người ta cũng không tin là tên này đã ở bộ đội từ năm 1952 đến 1955. Tác giả giới thiệu hắn là cảnh sát địch bỏ trốn vào bộ đội ta. Tôi tưởng từ năm 1952 trở đi, bộ đội ta đâu còn cái kiểu lấy người vào ẩu như thế. Hắn vào bộ đội với mục đích gì tác giả không nói. Trong 4 năm trời bao nhiêu sự kiện lớn lao xảy ra tác động mạnh vào tư tưởng quân đội và nhân dân như chỉnh huấn, giảm tô, tình hình nhiệm vụ mới, CCRĐ, v.v., tư tưởng Mai lên xuống như thế nào không rõ. Chỉ biết tác giả nói đấy là bộ đội nhưng hành động hiện nay của hắn thì lại trăm phần trăm là lưu manh.

Tôi muốn đi sâu vào nhân vật Đặng Đình Hiếu. Hiếu được tác giả mô tả ngược chiều với Sen. Sen từ dưới vươn lên còn Hiếu là từ trên tụt xuống. Ngay cách xếp đặt hai nhân vật này tôi thấy tác giả đã muốn phủ nhận nhân tố rèn luyện trong đấu tranh cách mạng, vấn đề giáo dục chính trị liên tục trong quân đội. Không phải trong quân đội ai cũng giác ngộ giống ai. Nhưng ai đã thực tình đi chiến đấu đều phải trải qua thử thách. Có người đi trước mà tụt sau, có người đi sau mà vượt trước, nhưng khi miêu tả những hiện tượng đó, nhà văn đều gửi gắm với những điều kiện của nó. Cách sắp đặt có tính chất khẳng định trên này thật quá chủ quan và máy móc.

Theo tác giả gia đình Hiếu là trung nông lớp trên bị quy oan trong CCRĐ, nhưng tư tưởng hành động của Hiếu lại là thứ tư tưởng hành động của sự phản ứng của giai cấp thù địch. Tác giả biện bạch cho Hiếu sa ngã vì sai lầm trong CCRĐ, nhưng thật ra tác giả đã lẫn lộn tư tưởng địch ta. Nếu quả như trong truyện thì Hiếu phải có một nguồn gốc giai cấp khác kia, chứ không phải là trung nông. Tất cả những lý do tác giả đưa ra để đẩy Hiếu xuống dốc đều không đứng vững. Nếu nói sai lầm CCRĐ đã đẩy Hiếu đến bất mãn có tính chất dây chuyền thì thật là cường điệu lên đến mức không thể có được. Trong CCRĐ, có một số cán bộ trong quân đội gia đình bị quy oan, số xuất thân thực sự là địa chủ cũng có, nhưng không ai nghĩ như Hiếu. Nhất thời có người bất mãn tiêu cực nằm dài, nhưng lúc ấy nếu kẻ địch nói xấu Đảng, âm mưu tấn công cách mạng thì họ sẽ thẳng tay đập cho nát ra. Họ có thắc mắc có đau xót nhưng nằm trong sự thông cảm với đau xót chung lớn lao của Đảng, họ suy nghĩ và tìm ra chân lý. Nhất là năm 1956, sau nghị quyết Trung ương lần thứ 10, thì vết thương trong lòng họ mỗi ngày một liền lại. Nhưng Hiếu thì hình như sống ở đâu chứ không phải ở quân đội, không phải ở miền Bắc nữa. Hắn nằm ở cái thế giới riêng nào mà đến năm 1959-1960 vẫn còn thấy “bố thè lè lưỡi” chết trong CCRĐ?

Không hiểu trước đây tư cách của Hiếu như thế nào mà được đề bạt lên đại đội trưởng và được thưởng huân chương chiến sĩ hạng 3. Từ đấy tụt xuống dốc, thành như một tên côn đồ, lưu manh: đánh tiểu đoàn phó, đánh quản trị trưởng, đánh phó giám đốc, thì không hiểu con đường Hiếu đã đi như thế nào. Có thật là vì đánh tiểu đoàn phó bị kỷ luật rồi quân đội thải ra cho nhà máy không? Không đúng, đánh cả cấp trên không phải chỉ là hạ tầng công tác rồi cho ra mà còn phải trải qua giáo dục trong quân đội chứ không phải được đi học như trong truyện đâu!

Đối với chế độ, Hiếu đã lộ rõ chân tướng một tên phản động có ý thức. Đối với gia đình, Hiếu lại không có lấy một chút tình người. Ở Hiếu mặc dù có những vướng mắc trong tư tưởng nhưng tại sao không bao giờ hắn nhìn vợ bằng cái tình của một chiến sĩ. Đặc biệt, đối với bé Hồng lúc nào hắn cũng như thù hằn?

Hiếu từ nông thôn ra nhưng yêu đương lại rất lai căng, vừa khoan dung độ lượng “con thiếp con chàng, con chung”, nhưng rồi lại dã man như lang sói. Tôi đồng ý là biểu hiện con người không nên thẳng đuột mà phải miêu tả cho đúng với những tình huống, tâm tư phức tạp với cái nó có, đằng này, “sự phức tạp” trong “Vào đời” lại thằng đuột từng đoạn và từng đoạn ấy lại chắp vào nhau một cách ngoắt ngoéo, năm cha ba mẹ cho có vẻ phức tạp.

Tóm lại tôi thấy Hiếu cũng như một số “bộ đội” khác trong “Vào đời” không thành hình người, mà chỉ là những cái bóng sống quắt queo. Đó là những con đẻ của tư tưởng tư sản còn rớt lại đã lỗi thời.

7-7-1963

Nguồn:

Văn nghệ, Hà Nội, s. 12 (19.7.1963), tr. 18.

Comments are closed.