VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (162): NHẤT LINH (14) – Xóm Cầu Mới (3)

(Bèo giạt)

Chương II

Nhà bác Lê

Sáng sớm hôm đó, cả gia đình bác Lê cũng đã dậy. Vì công việc bác Lê gái sáng nào cũng phải dậy thật sớm, nhưng bác lại bắt cả những đứa con nhỏ tuổi của bác phải dậy một lúc với bác mặc dầu chúng nó không có việc gì. Bác vẫn nói:

“Như thế cho chúng nó quen đi, khỏi lười.”

Sáng hôm nay cả nhà lại dậy sớm hơn mọi sáng. Chiều hôm trước, bác Lê trai có người mời đi uống rượu. Lúc thường bác rất hiền lành nhưng lúc say rượu bác có cái thói xấu là đánh chửi vợ con. Cả nhà đêm qua bị một trận lục đục phải thức khuya quá, nên bác Lê gái lo phấp phỏng chỉ sợ ngủ trưa lỡ cả mọi việc. Vừa chợt tỉnh, bác vội châm đèn con, đánh thức các con dậy mặc dầu không biết lúc đó là mấy giờ; vả lại có trăng nên bác yên trí là trời đã tờ mờ sáng.

Bác tung chăn của Thêm và Nữa, hai đứa con sinh đôi mới lên bốn tuổi và vứt chăn ra thật xa. Vì hà tiện quần, bác Lê gái bắt chúng nó ngủ truồng; khi mẹ tung mất chăn, chúng nó không biết làm gì hơn là ngồi dậy xếp bằng tròn trên ổ rơm còn nóng hơi người cho ấm mông, hai tay thủ vào bọc. Út vì con gái, lại lớn hơn nên không phải ngủ truồng và là con gái yêu nhất của bác Lê gái, nên được ngủ chung với mẹ. Cả nhà chỉ có Thêm, Nữa và Thôi được đắp chăn nghĩa là đắp mấy cái bao tải cũ khâu lại với nhau, thực ra lạnh hơn chiếu nhưng có cái tiếng là ấm vì có thể gọi nó là cái chăn.

Bác Lê gái cốc đầu Út một cái; bao giờ bác cũng đánh thức Út bằng cách ấy, được cái Út có nhiều tóc độn đầu nên không thấy đau. Bác không bao giờ đánh con nhưng bác hay cốc đầu chúng nó bất cứ chúng có lỗi hay không có lỗi gì và bất cứ lúc nào bác tức mình hay có cái gì thích chí. Lũ con bác thật đã khổ sở rất nhiều về cái tính ấy; chúng nó cho là mẹ cầm roi đánh còn hơn, đau tuy có đau nhưng đánh roi phải đánh ra trận, không dễ dàng như cốc đầu. Chính cái cốc đầu chúng không sợ lắm nhưng chúng khó chịu vì lúc nào cũng nơm nớp như người đi ngoài trời bão, trên đầu sấm sét đùng đùng mà không biết lúc nào sét bổ xuống đầu mình. Chỉ có Thôi chưa đầy tuổi tôi và các thóp chưa liền xương nên chưa bị bác cốc đầu.

Bác Lê hiện có tất cả tám người con còn sống, nhưng đã đẻ bao nhiêu lần rồi thì đến bác, bác cũng không nhớ nữa. Đã bao lần vì nhà nghèo quá bác định cai đẻ nhưng vẫn không cai được. Đẻ đến lần thứ chín thứ mười bác nhất quyết cai nên đặt tên đứa bé là Út để tỏ ý ấy. Nhưng chỉ vài năm sau, bác lại đẻ thêm hai đứa sinh đôi và vì thế đặt tên chúng là Thêm và Nữa. Rồi đến đứa bé sau cùng nhất bác đặt tên nó là Thôi vì lần này nhất định thôi.

“Già rồi còn gì, muốn đẻ cũng không đẻ được nữa.”

Đưa mắt sang góc nhà bên kia, bác thấy chồng cũng đã thức giấc, nằm yên quay mặt về phía bác. Bác Lê trai thấy vợ nhìn, bác cũng nhìn lại một lúc nhưng bỗng vụt nhớ ra cái lỗi mình tối hôm trước bác vội quay mặt đi nhìn thẳng lên mái nhà. Bác Lê gái đã hết tức chồng về việc xẩy ra đêm qua; thấy chồng không dám nhìn mình, có vẻ ngượng ngập hối hận, bác cũng hơi chạnh lòng thương. Tuy hết tức nhưng không bao giờ bác làm lành trước. Bác nhìn xuống đứa con đương bú nói nựng:

“Cả nhà chỉ có một mình bé là no thôi.”

Bác nói bóng nhắc đến việc đêm qua cả nhà phải nhịn đói vì bác Lê say rượu. Lúc thường bác không dám mắng chồng bao giờ vì biết chồng hiền lành nhưng hay cục và nhất là lúc có lỗi lại dễ cáu hơn lúc thường. Bác chỉ nói cạnh và cho thế là một cách phạt chồng thấm thía hơn.

Tý, đứa con lên chín của bác cũng đã tung chiếu ngồi dậy vì sợ mẹ đến cốc đầu đánh thức. Đầu nó mới nhờ bác Thảo cạo sáng hôm qua nên trông nhẵn bóng và trắng như cái sọ đầu lâu. Sáng nay dậy, Tý thấy có cái gì khang khác mọi ngày. Nó ngồi ngẫm nghĩ một lát rồi sực nhớ ra là cái đầu mới cạo và lúc đó nó mới bắt đầu thấy lạnh ở đầu, ở gáy.

Tý hít hít cái mùi thơm của nhân thịt xào từ ở bên cửa hàng bánh cuốn của cô Mùi thoảng đưa sang. Cái mùi quen thuộc ấy sáng hôm nay nó thấy thơm ngon hơn. Tý nuốt nước dãi và nghếch mũi hít mạnh một cái dài. Tý lại nghĩ ra một điều nữa là hôm qua nhịn cơm tối và Tý bắt đầu thấy đói bụng. Nó tưởng tượng giá lúc này được ăn một chiếc thôi, ăn ngập đầy mồm, nhai qua rồi nuốt đến ực một cái… nghĩ thế Tý cũng nuốt đến ực một cái, rối há miệng thổi hắt ra như là đã có cái khoan khoái ăn xong chiếc bánh cuốn thực. Nhưng ăn giả cách xong, Tý lại thấy mình thèm hơn. Tý bò đến cạnh mẹ, xem em bú, sữa ứ ra thành một viền trắng quanh môi. Vì Tý đói nên Tý thấy em bé bú vội vã và ngon lành lắm. Tý ngắm nghía đứa bé và ngẫm nghĩ Tý hay có tính ngắm nghía và ngẫm nghĩ luôn rồi Tý tìm ra và nói to:

“Nó bú chùn chụt y như một con lợn ăn cám.”

Bác Lê gái sực nhớ ra điều gì giơ tay cốc vào đầu Tý một cái:

“Ông tướng! Có ra nhà sau cho lợn ăn cám không. Mày không nhắc thì tao quên mất. Thằng Nhỡ hôm nay đi vắng.”

Bác Lê gái ghét Tý nhất nhà vì bác cho nó có tính dở hơi, đãng trí, làm việc gì cũng không nên thân và nói ngớ ngẩn.

Tý giơ tay lên xoa đầu rồi đứng ngay dậy đi về phía cửa, nhưng tới cửa Tý ngừng lại. Nó vừa nhận ra là trời chưa sáng. Xuống chuồng lợn phải đi qua gốc cây đa, nổi tiếng trong bọn trẻ con là có nhiều ma, và có những bình vôi trông như những cái sọ người treo lủng lẳng mà Tý lại sợ ma hơn cả sợ mẹ. Trời sáng trăng có chỗ tối chỗ sáng Tý càng sợ hơn vì nó cho là có ánh trăng thì ma có thể trông thấy nó. Tý quay trở vào:

“Trời chưa sáng, bu ạ.”

Bác Lê gắt:

“Trời sáng rồi.”

Tý quay ra một lúc rồi lại trở vào:

“Lợn còn ngủ bu ạ.”

“Nó ngủ thì đánh thức nó dậy. Đồ lười!”

Hai tiếng “Đồ lười” Tý không biết mẹ chỉ vào lợn hay chỉ vào mình. Bỗng nó thấy mẹ trợn mắt và giơ tay lên:

“À thằng nói láo, mày chưa ra khỏi cửa mà dám bảo là lợn còn ngủ. Thằng chết tiệt.”

Tý đành đi ra vì lần này mà quay trở vào nữa thì không sao tránh khỏi một trận cốc đầu cũng ghê sợ như ma quỷ.

Gió lạnh mà Tý cũng không thấy rét. Nó đi khỏi được qua gốc cây đa là đã sợ đến nỗi tưởng như cả người nó không có nữa, chỉ còn lại một quả tim đập thình thình. Mấy con lợn thấy động, biết có người đến cho ăn, hình hịch chạy ra. Tý trong lúc không còn hồn vía, nghe tiếng hình hịch cho ngay là tiếng ma, sợ dựng ngược tóc gáy (mặc dầu gáy nó không còn một sợi tóc nào) vội quay trở lại, chạy thẳng về nhà. Thấy có ánh đèn và có bóng người nó hoàn hồn nhưng lại thấy mẹ đương quắc mắt nhìn ra, nó cười gượng gạo rồi vừa thở hổn hển vừa nói:

“Lợn nó dậy rồi bu ạ.”

“Ừ thì nó dậy rồi. Xuống cho nó ăn. Thằng ngớ ngẩn.”

Mấy tiếng “thằng ngớ ngẩn” lần này Tý thấy rõ ràng chỉ vào mình. Tý lại đành ra nhưng xuống chuồng lợn thì nó không dám xuống nữa; ngay như đứng ở gần cửa, xoay lưng ra phía chuồng lợn mà nó cũng đã thấy lành lạnh sợ ở sau lưng. Tý vừa nghĩ ra tiếng hình hịch lúc nẫy có lẽ là tiếng lợn chạy, nhưng nghĩ thế chỉ cốt đứng đấy cho khỏi sợ thôi. Tý đi lần qua chỗ cửa sổ nan rồi ghé nhìn qua khe cửa vào những người ở trong nhà và cách ấy làm cho nỗi sợ của nó bớt chút đỉnh.

Một lúc lâu, Tý mừng rỡ thấy mẹ đã đưa Thôi cho Út bế, ra cóng đong gạo. Mẹ nó sắp xuống bếp thổi cơm mà bếp lại ở cạnh chuồng lợn; Tý hết cả sợ và chạy vụt một mạch ra chuồng lợn. Nó đổ nồi bèo cám nấu hôm qua vào cái ang cho lợn ăn rồi đứng đợi mẹ nó đến. Nhìn cái ang còn đầy cám nó nghĩ cách nói để mẹ khỏi ngờ là nó vừa mới xuống:

“Bu ạ, hôm nay lợn nó lười ăn.”

Bác Lê giật mình đến thót một cái, hoảng sợ như là có người báo tin một đứa con bác chết hay là hơn thế nữa, lợn mà lười ăn rồi toi thì phải nhịn đói trả nợ cả năm không hết. Bác chạy vội đến chuồng nhìn vào: ba con lợn đang chúi mũi vào cái ang, chen nhau ăn lấy ăn để. Bác không để ý đến cái ang còn đầy cám, bác chỉ cáu Tý đã cho bác một mẻ sợ. Tý thì cứ yên trí là vì cái ang còn đầy nên bị mẹ cốc; nhưng tại sao mẹ nó lại cốc cho nó luôn hồi một cách tức giận, hằn học hơn mọi lần, Tý ngẫm nghĩ xem vì sao chỉ cho lợn ăn chậm một tí mà bị mẹ giận đến thế nhưng Tý ngẫm nghĩ mãi không ra. Nó đành xoa đầu đi vào trong nhà để dọn dẹp. Bác Lê trai tung chiếu ngồi dậy, bác với cái điếu cầy nhưng tìm đến thuốc lào thì thuốc lào hết, bác cất tiếng gọi:

“Nhỡ ơi!”

Tý đương xếp chiếu ngừng lại, ngạc nhiên:

“Thưa thầy, anh Nhỡ hôm qua không về.”

“Thế à?”

Bác thất vọng, cố vét những thuốc vụn cho vào điếu, kéo một hơi mạnh rồi với khăn đi ra phía bờ sông rửa mặt. Bác đi còn chập choạng say, người hơi mệt nhưng mệt một cách phiêu phiêu dễ chịu.

Bác thích uống rượu đã lâu nhưng bác không nghiện. Bác không nghiện không phải vì bác muốn thế; nếu không có cái thói đánh đập vợ con thì chiều nào bác cũng uống vì ở đời bác chỉ có ba cái thú: về thăm làng, uống rượu và ăn của ngon. Giá chiều nào bác cũng được uống rượu và ăn của ngon thì có lẽ cũng khuây khoả được đôi chút tất cả những lo phiền vất vả của một cuộc đời nghèo kéo dài hơn hai mươi năm trời. Ăn của ngon thì bác không dám màng tới vì đắt quá, vả lại bác cũng không yên tâm ăn một mình trong khi cả lũ con đông đúc của bác phải nhịn thèm. Rượu thì rẻ, chỉ một cút bác cũng đủ say rồi; chiều nào cũng uống một cút với mấy củ lạc rang, thế thôi, nhưng cái ao ước đơn giản ấy cũng không được thoả mãn.

Mỗi khi bác uống rượu vào bác thấy trong người khoan khoái và càng uống càng khoan khoái hơn cho đến khi bác tưởng là bác mê thiếp đi và khi tỉnh rượu bác không nhớ lại là mình đã làm những việc gì. Cả những lúc chửi con, bác cũng chỉ nhớ lại là có đánh chửi nhưng đánh ai, đánh ra làm sao thì bác chỉ nhớ một cách rất mơ màng như là chuyện xẩy ra trong một giấc chiêm bao. Sáng hôm sau thấy vợ sứt mảng da ở trán hoặc thấy con bầm tím cả mặt, bác mới nhận rõ cả sự thực ghê sợ và thương vợ con. Uống rượu ở nhà thì khổ đến vợ con mà bác yêu quý, đi nơi khác uống đợi tỉnh hãy về nhà thì ai dám chứa một người say như thế.

Nhưng chừa thì bác vẫn không chừa được: những lúc thèm bác Lê đi la cà các nhà quen để tìm dịp uống nhưng dịp ấy cũng hiếm lắm vì ai cũng sợ bác Lê gái trách móc. Còn mua rượu uống vụng thì cả vùng ấy không ai dám bán. Hôm qua được uống rượu ở nhà cụ Hường cũng là do bác định tâm: hôm kia cụ Hường cho gọi bác chữa lại cái giàn hoa nhưng biết hôm qua nhà cụ mừng thọ, bác để chậm lại một ngày mới tới.

Bác Lê ngồi xuống bờ sông. Bác gật gù luôn mấy cái rồi ngẩn người ra một lúc:

“Bữa cỗ ngon quá. Hừ mình được uống rượu tây. Được ăn yến.”

Bác chép miệng há môi như đương lấy làm lạ trong đời sao có cái may ăn một bữa cỗ sang như thế, bác một người cùng đinh trong xã hội. Có một món trông như tép bưởi, chắc là yến. Thảo nào mà ngon ghê. Bác người nhà lại lấy trộm một chai rượu tây ở bàn thờ, để giấu ở gậm phản rồi bảo bác và những người cùng mâm:

“Rượu tây đấy. Cứ uống đi không sợ.”

Bác thì bác sợ lắm nhưng muốn nhắp một tí cho biết mùi. Nhắp một tí bác lại đưa chén uống thử thêm tí nữa và càng thử cái sợ càng bớt đi. Rượu tây thật lạ lùng: trong vàng như hổ phách, uống vào chỉ thấy thơm, giọng rất êm và cái say cũng khác hẳn cái say của rượu ta.

Bác lẩm bẩm nhắc lại mấy tiếng “rượu tây” “yến” như để nhắc lại cái thú ít khi có trong đời, chiều hôm qua. Bác bỗng sực nghĩ đến vợ: lúc nẫy nhìn vợ một lúc, tuy quên không để ý xem mặt vợ có xây xát, thâm tím chỗ nào không nhưng bác cũng biết là vợ mình không việc gì lắm. Bác đứng lên đi vội về nhà để xem có đúng thế không.

Khi bác trở vào thì mâm cơm đã đặt ở giữa nhà, khói bốc lên nghi ngút. Mâm cơm chỉ có một đĩa rau má và một bát nước muối để chấm. Cả nhà cũng đã ngồi quanh mâm đợi bác. Bao giờ cũng vậy, chỉ trừ khi bác đi vắng còn không ai dám ăn trước bác cả. Nữa và Thêm đã đói lắm nhưng cũng không dám nhúc nhích cầm đũa, bác Lê trai lúc thường không đánh con bao giờ nhưng lũ trẻ sợ bố hơn sợ mẹ nhiều.

Bác ra chỗ phên, tay tìm cái que để vắt khăn nhưng mắt thì nhìn mặt vợ: quả nhiên vợ bác không có thương tích gì. Thấy thế bác tươi hẳn nét mặt. Bỗng bác giật mình vì tay nắn vào chiếc khăn còn cứng khô nguyên: bác đã quên không rửa mặt. Bác mỉm cười với vợ, lẩm bẩm:

“Hừ, mình hãy còn say.”

Nhưng bác không muốn trở ra sông rửa mặt, sợ vợ con phải đợi. Bác đến ngồi xuống cạnh mâm. Bác lại nhìn vợ mỉm cười một lần nữa nhưng lần này cười một cách ngượng ngập. Bác biết có lỗi xong không bao giờ tự hạ mình xin lỗi vợ; bác cho một cái mỉm cười để làm lành cũng đủ lắm rồi. Bác nói trống không như nói cho cả nhà nghe:

“Ừ, hôm qua uống rượu tây. Lại có bát đồ ăn, cái gì như tép bưởi, không khéo là yến.”

Bác quay lại nhìn vợ, hỏi giọng đùa:

“Bu mày dễ chưa được ăn yến bao giờ?”

Biết là chồng đã làm lành, nhưng muốn phạt chồng thêm ít nữa, bác Lê gái cúi mặt lặng yên gắp dưa.

Sau một đêm lục đục và đói bụng, cả nhà ăn một bữa cơm ngon lành ít khi có.

Ăn gần xong bữa, bỗng có tiếng Mùi từ bên cửa hàng đưa sang:

“Bác Lê, bác Lê, hôm nay dễ được đến bốn năm hào chỉ cá.”

Cả nhà không ai hiểu Mùi định nói gì. Tiếng Mùi lại tiếp theo:

“Tội nghiệp anh Nhỡ, rét thế này mà ngồi suốt đêm ngoài lưới.”

Bác Lê gái thốt ra mấy tiếng “thế à cô?” vui sướng. Chắc Nhỡ kéo xe về nhà từ tối hôm qua, thấy cha mẹ đánh nhau, phải ra ngồi ngoài lưới suốt đêm đề kéo lưới thay cha. Ra tiếng hát chèo lúc nẫy khiến bác ngờ ngợ quả thật là tiếng Nhỡ. Bác rối rít lên vì thấy được nhiều cá đến thế và bác cốc vào đầu Tý:

“Thằng vô tích sự, thằng ăn không, có ra xách cá về hộ anh mày không?”

Bác dí ngón tay vào trán chồng:

“Đấy thầy mày xem, yến mấy rượu tây mãi vào để nó phải ngồi suốt đêm ngoài lưới. Giá nó không ngồi thì lấy gì mà tọng vào miệng. Tội nghiệp thằng Nhỡ!”

Những lúc bác có sự gì vui sướng quá thì bác thường nói chồng thậm tệ không sợ hãi vì bác biết chồng không giận bác những lúc đó. Bác Lê trai không những không giận mà lại thích nữa; thấy vợ đã dí ngón tay vào trán mình, đã nói chuyện với mình (cho dẫu là nói những câu nhiếc móc nữa) bác biết vợ hoàn toàn hết giận mình. Bác cúi đầu cười xoà:

“Đâu mà mãi, chỉ có một lần.”

Bác Lê gái nguýt một cái dài:

“Một lần cũng đủ chết con tôi rồi, ông ơi.”

Thêm và Nữa ngay từ lúc đầu bỏ bát chạy sang cửa hàng để xem cá vì chúng tưởng cá đã đem về bên cửa hàng rồi. Bác Lê gái sực nghĩ ra là Nhỡ chưa ăn cơm và lúc nẫy không thổi phần cơm Nhỡ. Bác vội đổ cả hai bát cơm còn đầy của Thêm và Nữa vào nồi; thấy Út toan xới cơm bác lấy đũa chặn lại:

“Thôi đừng ăn nữa.”

Rồi bác đậy nồi cơm cất lên trên cao. Út không hiểu gì nhưng sợ mẹ không dám hỏi; Thêm và Nữa trở về mâm, ngơ ngác nhìn hai bát cơm tự nhiên không có cơm; còn nồi cơm cũng biến đâu mất. Chúng nó cùng oà lên khóc một lượt, như hai cái máy. Bác Lê trai thấy vợ bắt chúng nó ăn đói, để dành cơm cho Nhỡ là vô lý nhưng giữa lúc vợ vừa hết giận mình, bác không nói gì. Bác dỗ Thêm và Nữa:

“Thôi nín đi. Hôm nay phiên chợ.”

Bác nói vắn tắt thế nhưng chúng cũng hiểu và nín ngay. Phiên chợ nào chúng nó cũng được ăn ngọn suốt ngày vì đi la cà các cửa hàng bán bánh nhặt những tấm lá còn vướng ít bánh gặm ăn hay đứng đợi ở các cửa hàng bán mía nhặt những khoang mía sâu hay những gốc mía người ta vứt đi.

Nhỡ, Tý xách lưới và giỏ cá về, đặt ở cửa. Bác Lê gái chạy ra nhìn vào giỏ rồi nói với Mùi:

“Dễ được đến năm hào thật, cô Mùi ạ.”

Bác bảo Nhỡ:

“Trong nhà có cơm đấy. Vào mà ăn không đói. Bây giờ tao phải đi.”

Nhỡ đáp:

“Con không đói, chỉ mệt thôi. Con ăn mấy chiếc bánh rồi đi ngủ đây.”

Bác Lê gái bực mình vì đã mất công lấy cơm của những đứa khác để phần mà Nhỡ không ăn, lại thấy Nhỡ đòi ăn bánh là một thứ tốn tiền:

“Ăn thế thì cũng như ăn hết cả chỗ cá này đi.”

Nhưng bác cũng chiều Nhỡ nói:

“Tuỳ mày.”

Bác dí ngón tay vào trán Nhỡ:

“Mày thì rồi cũng như bố mày thôi. Con nhà lính tính nhà quan. Bố thì yến, rượu tây, con thì bánh cuốn nhân tôm, nhân thịt. Tao cũng đến chết. Thôi tao đi”.

Chợt thấy Tý bác chỏ vào mặt:

“Mày không đi nhặt lờ. Còn đợi tao nhắc à?”

Tý nói:

“Con đương ăn dở. Con vào ăn nốt đã.”

“Hết cơm rồi. A nhưng bây giờ còn cơm. Mày gọi cả các em vào ăn với. Tội nghiệp chúng nó. Tối qua nhịn cơm, sáng nay lại ăn đói.

Tý không hiểu mẹ nói gì, đến lúc vào nhà hỏi Út mới rõ. Nó lại bưng nồi cơm xuống, xới cơm vào bát rồi chạy đi tìm Thêm và Nữa. Thêm, Nữa trở về, nhìn vào mâm ngạc nhiên thấy bát lại đầy cơm như cũ. Không có bố mẹ ngồi ở mâm, chúng nó và lấy và để và tranh nhau gắp dưa. Thoáng một cái nồi cơm đã sạch nhẵn còn mồm và mũi Thêm, Nữa thì đen sì những cháy. Ăn xong chúng nó vẫn thấy đói; mặc dầu nhịn cơm chiều hôm qua nhưng mẹ chúng vẫn đong đúng ngữ gạo như mọi bữa mà ăn như mọi bữa thì chúng không bao giờ thấy no cả.

Tý dọn mâm nhưng không đem rửa vội. Nó nhìn ra phía sau nhà thấy Út, Thêm và Nữa đương chăm chú ngồi nhìn cha phơi lưới, Tý đi sang cửa hàng bánh cuốn.

Cứ lúc nào đã làm hết công việc bác Lê gái giao cho mà lại đúng vào lúc bác ấy đi vắng, không ở nhà để bịa ra công việc bắt nó làm, cho nó khỏi đứng không ngứa mắt bác, thì Tý đứng xem chim sẻ. Tý biết rõ cả có mấy đàn chim sẻ, nói cho đúng mấy tốp vì chỉ có một đàn chim nhưng chia ra từng tốp, mỗi tốp đến ăn một cửa hàng cân gạo. Tý nhớ rõ cả những con nào bạo nhất, con nào nhát nhất. Tý thấy tốp chim bao giờ cũng bay sà xuống đất ở thật xa chỗ có gạo rồi chúng cứ nhẩy dần đến gần, con bạo nhất đi đầu ngừng lại nghe ngóng, nhìn ngang nhìn ngửa. Tý hồi hộp khi chúng nó đã gần đến nơi.

“Này nó sắp ăn, nó sắp ăn này.”

Tý cũng hồi hộp như khi Tý trèo lên cây ăn trộm quả, giơ tay sắp với tới. Có tiếng động con đi đầu bay lên đậu trên mái nhà gần đấy, kêu ríu rít như thất vọng rồi chúng bay chuyền từ mái nhà nọ sang mái nhà kia cho đến khi đã khá xa chỗ cân gạo lại bay sà xuống đất và bắt đầu tấn công lần nữa. Khi nào tốp chim đến nơi và được ăn là Tý vui sướng như là chính Tý được ăn quả hái trộm.

Nhưng sáng hôm nay mắt Tý nhìn thấy chim sẻ mà óc Tý chỉ nghĩ đến phía sau lưng Tý. Không quay lại nghe tiếng chân bước Tý cũng biết là Nhỡ đương đi sang cửa hàng. Tý hồi hộp đợi.

Nhỡ ngồi vào ghế, lật bát nước chè rồi nói:

“Cô bán cho cháu một hào bánh nhân thịt.”

Mùi nhìn Nhỡ ngạc nhiên:

“Anh Nhỡ hôm nay hoang ghê!”

“Vâng, hôm nay được nhiều cá phải ăn một bữa cho bõ.”

Tý vẫn đứng nhìn chim sẻ và đợi. Cũng may chỉ mình nó nghe thấy Nhỡ nói sang ăn bánh cuốn nhưng tại sao ăn đã lâu mà Nhỡ không gọi mình: có một mình Tý thì còn hy vọng anh cho ăn chứ nếu cả Út, Thêm, và Nữa chạy sang, chừng ấy đứa em thì không còn xơ múi. Tý đâm ra tức anh, tức cả Mùi nữa.

“Sao lại không ai gọi mình mà ăn lâu thế không khéo ăn hết rồi.”

Tý thấy nhói ở ngực một cái rồi nó tính nhẫn vội vội vàng vàng chỉ sợ không kịp:

“Một hào tất cả mà ba xu hai chiếc, hai chiếc thì ba xu, một chiếc thì một xu rưỡi, một hào thì bao nhiêu?… bao nhiêu? À một chiếc thì xu rưỡi, hai chiếc thì ba xu, một hào thì…”

Tý chịu, tính không ra. Nó chỉ biết một hào thì mua được nhiều lắm và cũng còn đôi chút hy vọng. Tý lại đưa mắt nhìn chim sẻ rồi không quay lại nó nói với Mùi:

“Cô Mùi ạ, chim sẻ con nào hôm nay cũng béo tròn.”

“À, Tý đấy à?”

Mấy tiếng ấy của Nhỡ, Tý nghe sao mà vui tai thế. Nó vội quay mặt lại:

“Anh gọi gì em?”

“Lại đây ăn bánh. Tao mải ăn nên không biết có mày đứng đấy.”

Tý đến ngồi ở ghế vẻ mặt nghiêm trang đợi Mùi mở quả hấp, gắp ra một chiếc bánh bóng loáng, hơi bốc nghi ngút, và đặt vào đĩa trước mặt Tý. Tý giơ cả hai bàn tay toan cầm lấy chiếc bánh, thế là cái ao ước lúc nãy của nó đã thành sự thực. Nó định bỏ tất cả chiếc bánh vào mồm rồi nhai qua và nuốt đến ực một cái như lúc nãy ăn giả vờ. Bỗng Mùi giơ đũa chặn tay nó lại.

“Nóng chết. Eo ơi bẩn. Để tao bảo cho cách ăn. Mới đầu phải xắn ra đã rồi gắp từng miếng chấm vào nước mắm; ăn bánh cuốn mà không có nước mắm chanh ớt thì phí cả bánh cuốn, mà phải ăn thong thả, Tý lớn rồi phải tập ăn cho chỉnh tề”.

Nội các trẻ trong xóm, Mùi yêu Tý nhất vì nàng biết nó thông minh và có óc nhận xét. Nàng hiểu nên không thấy những câu nói, những điều nhận xét của nó là ngớ ngẩn. Như lúc nãy, trong lúc ngồi nghỉ vơ vẩn nghĩ đến Siêu, nàng cũng vừa nhận thấy những con chim sẻ sáng hôm nay con nào cũng béo tròn. Mới đầu nàng chỉ thấy chúng khác mọi ngày, nhìn mãi nàng mới thấy là chúng béo tròn và khi nghe câu Tý nói về chim sẻ nàng hơi ngạc nhiên về trí nhận xét của Tý. Mùi đã phải nghĩ một lúc mới tìm ra được tại sao hôm nay chim sẻ lại béo, nàng toan hỏi Tý xem Tý có biết không nhưng nghĩ ra được điều gì nàng lại thôi.

Ăn xong Nhỡ với cái điếu cầy hút một hơi rồi về nhà; Tý vẫn ngồi yên ở ghế đợi may ra cô Mùi có cho thêm một chiếc không. Nhưng Mùi không bao giờ cho trẻ ăn bánh. Tuy nàng rất thương hại lũ trẻ nghèo bên nhà bác Lê nhưng vì chúng nó đông quá cho một đứa phải cho tất cả nên nàng đặt ra cái lệ rất nghiêm và cấm ngặt cả Bé; không bao giờ cho trẻ con ăn bánh.

Bỗng Mùi đưa mắt tìm Bé, thấy Bé đã ra phía sau nhà bếp, nàng hỏi Tý:

“Đố Tý biết tại sao sáng hôm nay chim sẻ lại béo tròn thế? Nói đúng, tao cho một cái bánh.”

Tý vui mừng đáp:

“Thưa cô tại trời rét”.

“Thằng này giỏi.”

Tý thấy Mùi nhìn nhanh xuống bếp một cái, mở vội cái nắp quả hấp cho tay vào bốc một chiếc bánh chứ không dùng đũa rồi đưa cho Tý:

“Ăn đi.”

Tý đặt bánh xuống đĩa, toan lấy đũa xắn theo cách Mùi vừa dạy thì nó ngơ ngác thấy Mùi ra hiệu bảo cho cả chiếc bánh vào mồm:

“Nhai đi.”

“Thưa cô còn nóng.”

Nghe có tiếng chân ở dưới bếp bước lên, Mùi bảo khẽ Tý:

“Thôi đừng nhai. Ra ngoài kia mà nhai.”

Tý không hiểu vì sao Mùi sau khi dạy nó cách thức ăn tử tế, thong thả thì lại bắt nó ăn ngấu ăn nghiến. Nó cũng phải nghe lời đi ra, miệng còn đầy bánh. Sợ có các em trông thấy nó đi ngược mấy bước sang phía nhà cân gạo bên cạnh rồi đứng lại nhai thong thả, vừa nhai vừa ngẫm nghĩ. Nuốt xong miếng sau cùng, nó há miệng thở hắt ra một cái như lúc mới ngủ dậy ăn giả vờ nhưng lần này nó đã có cái khoái ăn bánh thật.

Chương III

Bé và Đỗi

Cứ hôm nào nhà không có đủ tôm để làm nhân bánh cuốn và không nhằm ngày phiên chợ thì Bé phải cắp rổ sang mua tôm ở chợ bến đò làng Trò. Những ngày như thế ít khi xẩy ra nên buổi sáng nào thấy nhà không có tôm là Bé bắt đầu mong chóng đến giờ cô Mùi về để Bé đi mua tôm và gặp anh Đỗi chở đò và bán tôm.

Bé và Đỗi gặp gỡ nhau lần đầu tiên, cách đây đã gần nửa năm. Gặp lần đầu, Bé để ý ngay đến Đỗi vì Đỗi đã để ý ngay đến con mắt của nàng. Bé đứng trên bờ cất tiếng hỏi mua tôm, nhưng Đỗi hình như không nghĩ gì đến việc mua bán. Đỗi thấy cô con gái đến mua tôm có đôi môi xinh và tươi nhưng mắt vì có khăn che nên chàng không biết ra sao. Đỗi nhìn vào chiếc khăn trắng che mắt rồi lại cúi đầu để cố tìm hai con mắt dưới khăn nhưng không thấy; chàng cất tiếng hỏi:

“Đau mắt à?”

Bé mỉm cười vì thấy anh chàng bán tôm lại tự nhiên hỏi về đôi mắt đau của mình, nàng đáp:

“Trông thì biết.”

“Nhưng chẳng trông thấy gì cả.”

Rồi Đỗi vẫy Bé bảo xuống thuyền:

“Xuống đây.”

Bé chưa biết nghĩ sao nhưng giọng nói của Đỗi thẳng thắn, quả quyết làm cho Bé phải nghe theo và xuống thuyền mặc dầu lúc đó bến đò vắng không có ai.

“Lại gần đây. Ngồi xuống người ta xem cho.”

Rồi Đỗi cũng ngồi sát bên cạnh Bé. Đỗi hình như chỉ để ý đến con mắt nên chân Đỗi giẵm lên cả chân Bé, Bé phải vội vàng rút chân mình ra. Đỗi giơ tay từ từ nhấc miếng vải trắng lên, nhìn một lúc:

“Hừ, đau nặng. Đau từ bao giờ rồi?”

“Chẳng biết đau từ bao giờ!”

Đỗi mỉm cười:

“Đau mà không biết đau từ bao giờ. Rõ ngớ ngẩn.”

Bé cũng mỉm cười:

“Nhà bác mắng tôi đấy à?”

“Thế nhà chị có ngớ ngẩn không?”

Tuy mới gặp có mấy phút mà hai người đã thấy như thân nhau từ lâu.

“Tôi không đùa nữa. Để tôi xem cho, đau lâu không khéo đau mắt hột.”

Bé hốt hoảng:

“Đau mắt hột thì sao?”

“Đau mắt hột thì mù, chẳng sớm thì muộn, mà thuốc của tôi cũng chịu không chữa được. Nào đưa mắt đây…”

Rồi Đỗi lật cả hai mi mắt trên của Bé lên xem: thấy không phải đau mắt hột, chàng lại cho hai mi mắt xuống. Bé lo sợ, quả tim đập mạnh; Đỗi đã buông tay ra rồi mà nàng vẫn còn ngửa mặt, mắt nhìn ngược lên trời và hai làn môi hé mở, hồi hộp đợi. Bỗng Đỗi lặng người nhìn Bé; không phải chàng thấy Bé đẹp nhưng chàng thấy cả người Bé toả ra một thứ gì nồng nàn, hơi là lạ mà chàng ưa thích, thấy hợp với mình lắm. Chàng để mặt mình sát gần thêm mặt Bé, ngây ngất về mùi tóc, mùi da thịt và nhất là về hơi ấm ở cổ, ở vú nàng đưa nhẹ lên có vẻ thân yêu ngay. Đỗi khẽ đưa bàn chân mình giẵm lên chân Bé, nhưng lần này không phải vô tình. Chàng lại giơ hai bàn tay lên để ngón tay vào mắt mà chỉ cốt cho lòng bàn tay được áp vào hai má mịn màng và nóng của nàng.

“Không phải đau mắt hột, may quá.”

Rồi chàng bỏ tay ra, sợ để lâu Bé sinh nghi.

Bé vui mừng nhắc lại câu của Đỗi:

“May quá nhỉ.”

Đỗi nói:

“Đau mắt này thì tôi chữa được.”

Nhưng giọng Đỗi đã mất vẻ tự nhiên lúc đầu. Thực tình mới trông thấy Bé, chàng chỉ nghĩ đến một người đau mắt mà chàng muốn thử cái môn thuốc lá riêng của chàng.

Trước kia, Đỗi cũng đau mắt ròng rã đến sáu bảy tháng và đã chữa đủ mọi thứ thuốc. Nhà nghèo lại tốn nhiều tiền mà mắt vẫn không khỏi, chàng ra vườn sau gặp lá gì hái lá đó, đem về giã rồi đắp lên mắt:

“Một là khỏi hai là mù thì mù quách đi.”

Hôm sau mắt chàng đỡ; chàng lại ra vườn hái đúng những lá ấy đem về đắp, trong vòng năm hôm bệnh khỏi hẳn. Từ độ ấy, hễ gặp ai đau mắt chàng lại đem thử thuốc và cũng có một vài người khỏi, chỉ trừ đối với những người đau mắt hột thì thứ thuốc lá của chàng vô công hiệu; vì thế hễ gặp ai đau, muốn thử thuốc lá của chàng, bất kể đàn bà con gái, việc đầu tiên của Đỗi là vạch mắt, uốn mi xem. Còn đắp bằng những thứ lá gì thì chàng giấu kín vì nghĩ nếu chữa khỏi nhiều người chàng sẽ lấy tiền.

Đỗi ngồi kể hết ra với Bé và cả cái hy vọng của chàng được trở nên một ông lang chữa mắt.

“Giỏi hơn cả ông Lang Hàn nữa. Rồi chị xem. Bây giờ ngày nào nhà chị cũng đến đây, tôi đắp lá chỉ năm hôm là khỏi. Khỏi thì thích biết bao, không cần phải lúc nào cũng che khăn…”

Đỗi mỉm cười nhìn Bé rồi tiếp theo:

“Chẳng ai nhìn được mắt mình.”

Đỗi thích chí tìm được câu có nghĩa ngầm: ai đây tức là chàng và mình đây là tiếng thân yêu chàng gọi Bé.

Bé thì không chú ý đến chỗ đó, nàng hỏi:

“Ngày nào cũng đến đây? Sao nhà bác không bảo tôi hái lá gì, tôi ở nhà đắp tiện hơn.”

Đỗi đáp, tiếng tự nhiên nhỏ hẳn đi như là sợ có người nghe thấy:

“Đối với đằng ấy thì tôi cũng chẳng cần giấu nhưng sợ đằng ấy đi hái lá người ta biết mất. Vậy thế này thì tiện, chiều nào cũng giờ này đến đây tôi giã sẵn lá chỉ việc đem về đắp. Chiều nào cũng đến nhé!”

Bé hỏi lại:

“Chỉ năm hôm là khỏi?”

“Cái đó chị cứ tin ở tôi.”

Bé sung sướng thầm cám ơn anh chàng bán tôm mà nàng cũng bắt đầu hơi mên mến.

“Thích nhỉ, chỉ năm hôm?”

Bỗng Bé lặng người, nhấc một bên mép khăn nhìn Đỗi. Nàng vừa nhận ra là chân Đỗi lại giẵm lên chân nàng. Nhưng lần này, Bé để yên không rụt chân lại.

Ngày hôm sau Bé đến thì Đỗi đã để sẵn một gói lá giã ở thuyền. Chàng lại bảo Bé ngồi xuống bên cạnh và nói:

“Cho tôi xem.”

Bé ngoan ngoãn nhấc hai mép chiếc khăn lên để Đỗi xem mắt: nhưng Đỗi “nhìn” chứ không xem vì hôm nay đã có gì khác hôm qua đâu mà phải xem. Bé lại thấy chân Đỗi giẵm lên chân mình.

Cứ như thế luôn năm hôm mà mắt Bé vẫn không đỡ chút nào. Đỗi bảo Bé cố chữa thêm năm hôm nữa. Bé chỉ thất vọng là mắt không khỏi, chứ chữa thêm năm hôm hay mười hôm nữa Bé cũng không ngại. Bé đã bắt đầu thấy thinh thích mỗi khi chân Đỗi đặt lên chân mình song nàng vẫn làm như mải nghĩ về con mắt, không biết tới chỗ đó.

Mỗi lần đến là Bé ngồi ngay xuống cạnh Đỗi và không cần Đỗi bảo, nàng đã nhấc chiếc khăn lên để hở mắt cho Đỗi xem. Nhưng bây giờ thì về phần riêng Đỗi, Đỗi biết là mình không xem xét gì cả và về riêng phần Bé, Bé cũng không phải giơ mắt Đỗi xem. Trong một lúc, hai người “nhìn lẫn nhau”. Hai người đường hoàng nhìn nhau ở nơi vắng mà không ai thẹn ngượng cả.

Dần dần hai người sau khi “nhìn lẫn nhau” xong, cũng không nói đến đau mắt và thuốc đau mắt nữa. Họ nói đến những chuyện xa gần đâu đâu, hay có khi cũng không cần nói chuyện gì. Sau khi nhìn nhau và sau khi chân Đỗi đã đặt lên chân Bé một lúc khá lâu thì Bé đứng dậy cầm gói lá giã, chào Đỗi đi về. Đến hôm thứ mười, Đỗi mới hỏi Bé:

“À quên, đằng ấy tên gì?”

“Thế còn nhà bác tên gì?”

Mặc dầu Đỗi gọi Bé là “đằng ấy” ngay từ đầu mà Bé cũng chưa lần nào dám gọi Đỗi là “đằng ấy”. Hai người hỏi nhau thế nhưng cũng không nói tên mình ra. Lúc Bé đứng dậy ra về, mặc dầu đã biết ngày hôm ấy là ngày thứ mười chàng cũng cứ bảo Bé:

“Mai lại đến.”

Quả nhiên ngày hôm sau Bé lại đến. “Bé đến tức là Bé đã ưng mình” Đỗi nghĩ thế và hôm ấy bạo dạn hơn mọi ngày. Bến đò vắng người vì giờ ấy ngày nào cũng ít người qua lại. Cũng như mọi lần chàng xem mắt và để chân lên chân Bé. Một lúc lâu sau, bỗng Bé tự nhiên quay mặt cúi nhìn xuống nước sông; nàng vừa nhận thấy mấy ngón chân Đỗi ấn xuống chân nàng rồi lại khẽ nhấc lên rồi lại ấn xuống, ấn rất nhẹ nhưng nàng cũng nhận rõ. Nàng thấy cả người nóng ran, nóng từ đầu ngón chân nóng lên. Người nàng phiêu phiêu và quả tim như ngừng đập. Bé lo sợ và đứng thẳng lên:

“Thôi tôi đi về, thuốc đâu?”

Đỗi cũng rụt mau chân lại, quả tim vẫn còn hồi hộp:

“Hôm nay quá mười ngày rồi.”

Bé nói nhanh mắt vẫn nhìn xuống sông:

“Mai tôi không phải lại nữa.” 

*

Từ hôm ấy Bé không đến nữa. Cách những dăm ngày sau, nhà không tôm lại không gặp ngày phiên chợ, Bé lại phải sang bến Trò, nàng thấy mình vui sướng khi cắp rổ ra. Mới lờ mờ trông thấy Đỗi đằng xa, Bé đã vội nói ngay:

“Hôm nay tôi sang để mua tôm.”

Đỗi cũng sung sướng nói to:

“Hôm nay tôi có nhiều tôm lắm.”

Khi Bé đến bờ sông, Đỗi bảo:

“Xuống đây tôi xem mắt cho. Cách mấy hôm có khi đỡ đi chăng?”

Giọng chàng tự nhiên và thẳng thắn như lần đầu tiên và Bé cũng thấy việc ấy rất tự nhiên: nàng ngoan ngoãn ngồi xuống cạnh Đỗi lật khăn lên cho Đỗi xem mắt. Nhưng lần này Đỗi xem thật chứ không phải “nhìn” và Bé ngạc nhiên không thấy Đỗi giẵm chân mình. Xem xong Đỗi nói:

“Đã đỡ được một tí.”

Thế rồi cứ hôm nào có dịp mua tôm là Bé lại đến. Tuy ngày nào cũng vậy, cứ độ bốn giờ cô Mùi về nhà rồi là Bé đóng cửa hàng không có việc gì làm nữa, muốn đi gặp Đỗi lúc nào cũng được, nhưng chưa một lần nào nhà có tôm mà Bé dám đi.

Có một lần lâu không thấy Bé sang, Đỗi nhờ mẹ chở đò thay, đánh bạo ra Xóm Cầu Mới thăm Bé. Cũng may sáng hôm ấy cô Mùi vào chơi trong ấp cụ Án, chỉ có mình Bé ngồi hàng. Đỗi vào ngồi, lật bát nước chè rồi với cái điếu cầy hút làm như một người khách thường. Nhìn chung quanh, chắc chắn không có ai, Đỗi bảo Bé:

“Lâu ngày quá cho xem nào.”

Ý ngầm của Đỗi là định nói lâu ngày nhớ quá muốn nhìn mắt Bé một tí cho đỡ nhớ. Bé đưa mắt nhìn sang nhà trước cửa rồi khẽ lật khăn lên nhìn lại Đỗi. Tuy là xem mắt nhưng hai người ngồi cách nhau một cái chõng và xa nhau đến hai thước. Bàn chân Đỗi đã đặt lên bực cửa. Như thế một lúc lâu, Đỗi nói:

“Thôi đủ rồi.”

Câu ấy có thể muốn nói xem mắt đủ cẩn thận rồi nhưng cũng có thể muốn nói “nhìn” thế đủ nhớ rồi. Bé nói:

“Ăn vài chiếc bánh cuốn nhân tôm. Bánh ngon lắm.”

Đỗi cười nói to:

“Không có tiền.”

Bé ngắt:

“Nói khẽ chứ.”

Nhưng cả hai người đều không chú ý đến chỗ vô lý: tại sao phải nói khẽ. Bé muốn lấy bánh mời Đỗi ăn nhưng không dám, vì lúc trước khi Mùi đi, Bé đã đếm bánh xem còn bao nhiêu và bảo cho chủ biết. Bỗng nàng sực nghĩ ra, khẽ bảo Đỗi:

“Cứ ăn đi, tôi có tiền đây.”

Đỗi lấy làm lạ sao Bé không mời mình ăn lại nói là trả hộ?

“Thôi chịu thôi, với lại tôi sợ ăn tôm lắm rồi.”

“Thế thì ăn bánh nhân thịt. Ngon lắm có cả cà cuống ở Hà Nội mới về.”

Câu ấy Bé bắt chước lời cô chủ vẫn nói với khách hàng. Đỗi nói:

“Ừ thì ăn.”

Bé gắp bánh ra đĩa vui sướng nhìn Đỗi ăn, Đỗi chưa bao giờ được ăn thứ bánh ngon như thế.

Đỗi đi rồi, Bé lần hầu bao lấy sáu xu rón rén đặt ở cạnh đĩa, rồi lại nhặt lên và cho xu vào khe hòm thu tiền của cô chủ, cố ý làm cho những đồng xu rơi kêu to để mọi người chung quanh nghe thấy.

Lần thứ hai Đỗi đến thì gặp lúc có cả cô Mùi và Bé ở cửa hàng. Chàng khó chịu vì có cô Mùi ở nhà; nhưng đã trót rẽ vào cửa hàng mất một bước và thấy cô Mùi đã biết là mình định vào cửa hàng rồi nên chàng không dám quay ra. Trong khi Đỗi uống nước, Bé khó chịu thấy Mùi cứ nhìn Đỗi không chớp mắt, Bé nghĩ thầm:

“Hay cô ấy biết rồi.”

Bé lại thấy tự nhiên Mùi mỉm cười nhìn Đỗi rồi lại nhìn Bé một cái. Bé thấy hai tai nóng bừng. Mùi nói:

“Tôi trông bác quen quen?”

Đỗi chưa kịp trả lời thì Mùi lại nói tiếp:

“À phải rồi, bác chở đò ở bến Trò.”

Nàng vừa nhớ lại trước đây đã lâu lắm đi qua bến đò Trò, thấy người chở đò có nhiều tôm, nàng có hỏi chuyện và chính nàng bảo Bé đến mua khi nào thiếu tôm. Nàng chỉ vào Bé:

“Chị này vẫn sang mua tôm của bác luôn.”

Nàng gọi Bé và làm Bé giật mình:

“Chị vẫn sang mua tôm của bác ấy có phải không? Thế sao bác ấy vào mà không chào hỏi gì cả. Chị này lạ quá.”

Đỗi đáp hộ Bé:

“Tại chị ấy đau mắt, không nhìn thấy.”

Chuyện xẩy ra chỉ có thế thôi nhưng ngay chiều hôm sau đợi Mùi trở về nhà, Bé chạy vội sang bến đò Trò mặc dầu hôm ấy nhà có tôm. Nàng bảo Đỗi giọng như cự:

“Đừng đến nữa.”

Đỗi cũng gắt, đáp lại:

“Thế sao lâu không đến?”

Thế là hai người đã ngỏ tình yêu cho nhau biết mà không ai định tâm cả. Nhưng cả hai người chỉ thấy vui sướng chứ không thẹn vì cả hai đều làm như không chú ý đến nghĩa ngầm ẩn trong những câu nói ấy. Đỗi nói tiếp:

“Bánh cuốn ngon quá. Mai lại phải đến.”

Bé gắt:

“Con khỉ, người ta đem đến cho mà ăn.”

“Mai nhé.”

“Mai không được. Sao đằng ấy nóng nẩy thế?”

Lần đầu tiên Bé gọi Đỗi là “đằng ấy’’ và lại mắng cả Đỗi “con khỉ”. Nhưng còn đến với Đỗi luôn mà không có cớ mua tôm thì Bé chưa dám. Không phải Bé ngượng với Đỗi, nàng chỉ ngượng với mọi người trong phố và nhất là sợ họ đoán biết.

Bé đợi mấy hôm bên nhà mẹ nàng mới không có tôm. Bé vội đem cất đi một chục chiếc bánh. Bé không sợ Mùi nghi ngờ vì từ lúc đến ở với Mùi chưa lần nào nàng lấy vụng bánh. Hôm ấy, dịp may Mùi có việc về nhà sớm hơn mọi khi. Nàng hạ những cái phên đóng cửa hàng rồi lấy bánh ra. Nhưng Bé không biết cất bánh ở đâu và không dám để ở cái rổ mua tôm trống trải quá. Bé nghĩ mãi mới tìm được một cách; nàng gói cẩn thận từng cái một vào trong lá chuối khô rồi cho vào thắt lưng buộc tròn quanh bụng: ở ngoài buộc thêm hai cái thắt lưng nữa. Đũa thì không cần, ăn bốc cũng được, nhưng phải đem đi cái đĩa đựng nước mắm chấm; Bé bỏ một cái đĩa vào trong túi áo cánh. Nàng đi tìm một cái chai nhỏ để đựng nước mắm nhưng tìm khắp nhà không có cái chai nhỏ nào cả. Chỉ có một cái chai nước chanh cũ. Bé rót nước mắm vào trong chai nước chanh và cho chai vào thắt lưng cuộn lại buộc nút ở hai đầu cho khỏi rơi, rồi bỏ thõng lẫn với những đầu dây thắt lưng khác.

Ra đến ngoài đường Bé mới bắt đầu thấy khó chịu, phải đi chậm bước lại vì lá chuối khô gói bánh cứ lạo xạo chung quanh bụng, cái đĩa cứ đập vào sườn và khó chịu nhất là cái chai lủng lẳng lúc thì va vào đùi bên trái, lúc va đùi bên phải.

Khi đi qua cửa nhà cụ Huế Hai, cụ gọi giật lại:

“Chị Bé đi mua tôm đấy à? Mua cho tôi một mớ với.”

Bé đi tạt vào, hỏi:

“Cụ làm bánh xèo?”

“Ừ, lâu lắm chưa làm. Chị sang ăn, tôi để dành cho hai chiếc.”

Tuy chỉ có một mình và rất hà tiện nhưng vì nhớ Huế và nhớ lũ cháu ở quê nhà nên mỗi lần làm bánh cụ làm đến hai chục chiếc, cụ chỉ ăn có một chiếc đầu rồi ra cửa hễ thấy đứa trẻ nào là cụ gọi lại cho ăn. Thành thử mỗi khi làm bánh xèo nhà cụ đông như cái chợ; trẻ con ngồi la liệt đợi và đứa nào đến trước thì được ăn trước. Thấy số trẻ con đủ số bánh rồi, cụ đóng cửa lại.

Bé nhận lấy tiền rồi đáng lẽ đi thẳng, nàng lại quay trở về báo cho lũ em ở nhà biết để chúng đến nhà cụ giữ chỗ, và làm giúp đỡ cụ và như thế được ăn hai chiếc. Khi tôm về cụ rán ngay, nên Bé phải quay lại báo trước các em mới kịp. Thấy Tý, em nàng đứng xem con yểng của cụ Hai hàng cơm, Bé bảo:

“Hôm nay bên cụ Huế Hai làm bánh xèo.”

Tý vui mừng chạy đi.

“Về bảo các em mày nữa chứ. Mày chỉ biết ăn một mình.”

Tý hỏi:

“Hôm nay chị sang bến Trò?”

“Ừ tao sang bến Trò mua tôm.”

Bé khó chịu thấy Tý cứ nhìn vào chỗ thắt lưng mình.

“Mày hỏi làm gì?”

Tý không trả lời lại nói thêm:

“Chị sang bác Đỗi?”

Bé giật nẩy mình, lo sợ; vội nhấc khăn che mắt để nhìn rõ mặt Tý:

“Mày biết bác ta à?”

“Thì ngày nào em cũng sang học bác ấy cách thức câu tôm. Bác ấy bảo bác ấy có thuốc đau mắt hay lắm. Sao chị không chữa?”

Bé hết lo nhưng vẫn còn khó chịu; nàng vội quay đi sợ đứng lâu Tý có thể nhìn thấy cả những chiếc bánh cuốn chung quanh bụng mình.

“Nó ranh mãnh lắm.”

Bé vừa đi ra bến Trò vừa tức Đỗi; nàng lẩm bẩm luôn miệng.

Đỗi thấy Bé đến với một cái rổ không, vội hỏi:

“Bánh đâu?”

Bé không trả lời, quăng mạnh cái rổ không xuống thuyền. Đỗi cười nói:

“Người ta hỏi ăn bánh lại cho người ta ăn cái rổ.”

Bé gắt:

“Sao lại cho thằng Tý nó đến?”

“Thì nó cứ đến, cấm thế nào được nó.”

“Sao lại dậy nó câu tôm?”

“Nó đến, nó bảo dậy nó thì dậy nó. Nó chịu khó lắm, chịu khó nghe, chịu khó hỏi. Tôi thích nó lắm.”

Nghe mấy tiếng “chịu khó hỏi” Bé lại giật mình.

“Mai đừng dậy nó câu nữa. Nó tinh lắm.”

“Nó tinh thì mới dậy nó chứ.”

Bé gắt:

“Con khỉ, đùa mãi. Tôi về đây.”

Đỗi vội nói:

“Ừ thì mai không dậy nó câu nữa.”

“Mai đừng cho nó đến nữa.”

Bé bước xuống thuyền, nhìn hai bên bờ sông nói:

“Nào ăn bánh.”

Dưới con mắt ngơ ngác của Đỗi, Bé rút ở túi ra một cái đĩa đặt trên sàn thuyền, mở nút thắt lưng lấy ra một cái chai đổ nước mắm vào đĩa, rồi nói:

“Ăn đi.”

Đỗi nhìn vào hai túi áo cánh của Bé tìm, nhưng hai túi đều dẹt, không có hình bóng một chiếc bánh nào cả, Đỗi lại nhìn vào mắt Bé hất đầu một cái.

Bé cười:

“Thong thả đã.”

Đỗi thấy Bé cởi dây lưng ngoài rồi lại cởi cả dây lưng trong, cho tay vào lần cái dây lưng thứ ba và rút ra một cái gói lá chuối đưa cho mình. Đỗi hỏi:

“Chỉ có một cái?”

“Ăn đi không cần đếm. Cô Mùi biết thì chết.”

Đỗi mỉm cười, nghĩ đến chuyện ma xó ở đường ngược và cô Mùi là con ma xó.

Đỗi chấm bánh vào đĩa rồi ngửa mặt cho cả chiếc bánh vào mồm. Bé rút cái thứ hai, ngồi nhìn Đỗi ăn ngon lành, trong lòng sung sướng. Nàng chợt nghĩ nếu Mùi biết chắc chắn sẽ bị đuổi; về nhà, nhà cũng không chứa nữa và nếu lại biết cả là ăn cắp bánh đem cho trai thì… Bé không dám nghĩ đến chỗ đó, định tâm lần sau không chiều Đỗi như thế nữa và cất tiếng bảo Đỗi:

“Ăn thế thôi chớ.”

Đỗi tưởng lầm vội nói:

“Chỉ có hai cái thôi à?”

Bé rút luôn ra ba bốn chiếc, nói:

“Còn nhiều, ăn cho chán chê đi.”

Ăn đến sáu bẩy cái, Đỗi mới sực nhớ mời Bé:

“Hai người cùng ăn mới ngon.”

Trong lúc Bé cầm miếng bánh cắn từng miếng nhỏ, Đỗi khẽ rón rén đưa chân mình lại gần chân Bé và đặt chân mình lên bàn chân Bé. Bỗng Bé giật nẩy mình kêu “ấy chết” lên một tiếng to làm Đỗi sợ rụt ngay chân lại. Bé đặt vội cái bánh xuống sàn thuyền còn bao nhiêu bánh cuốn trong người trút ra hết giơ hai tay với các đầu dây lưng, rối rít buộc lại và trong lúc cuống quít buộc lẫn đầu dây nọ với đầu dây kia, thành một mớ lung tung ở trước bụng. Bé vừa sực nghĩ đến việc ngồi ngay trước mặt một người con trai mà dây lưng trong dây lưng ngoài lại cởi tung hết ra cả. Bé bảo Đỗi:

“Thôi ăn mau lên người ta về đây.”

Nghĩ đến cái nguy hiểm ăn cắp bánh và ngồi ăn với Đỗi, Bé nói tiếp:

“Con khỉ, lần sau đừng có hòng người ta đem bánh cho mà ăn nữa.”

Đỗi thì cho là Bé tức giận mình giẵm lên chân. Chàng tự hỏi mình đã giẵm lên chân Bé không biết bao nhiêu lần rồi mà sao bây giờ Bé mới biết và mới giận. Chàng nghĩ thầm:

“Mà giẵm chân thế thì thích chết người, có việc gì đâu mà phải giận.”

Tuy nghĩ vậy nhưng từ hôm đó Đỗi không dám giẵm lên chân Bé nữa và lại đến lượt Bé lấy làm lạ vì sao Đỗi lại bỏ hẳn cái thói rất thú vị ấy đi. 

Nguồn: Nhất Linh – Trong Tự lực Văn đoàn. Xóm Cầu Mới (Bèo giạt). Nhà xuất bản Văn Mới, California, Hoa Kỳ, 2002. Bìa: Nhất Linh. Hoạ bản: Nhất Linh. Trình bày: Nguyễn Tường Thiết. Copyright © Nguyễn Tường Thiết. Bản điện tử đăng trên talawas do Nguyễn Tường Thiết cung cấp.

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10076&rb=08

 

Comments are closed.