Đào Tiến Thi
Kể từ khi biết đến mạng xã hội vào năm 2009, suốt những năm 2009 – nửa đầu năm 2012, tôi luôn nghĩ Ba Sàm là một nhân vật không có thật, hoặc là một con người có hành tung bí ẩn, và có lẽ phải sống ở nước ngoài. Nếu không thì làm sao trang Ba Sàm có thể tung hoành ở một nước không có tự do báo chí?
Thế nhưng cho đến cuộc biểu tình ngày 1-7-2012 thì tôi nghe nói đến Ba Sàm có đi. Chả là sáng hôm ấy trời mưa rất to và mưa liên tục khiến cho hai bố con tôi lúc ra đến Bờ Hồ, chỗ trước tượng đài Lý Thái Tổ, vẫn không thấy có biểu tình gì cả. Hai bố con còn đang quan sát động tĩnh xem “quân ta” ở đâu thì gặp GS. Hoàng Xuân Phú đi tới. Anh Phú nói vừa gặp Ba Sàm đằng kia. Tôi hết sức ngạc nhiên và thú vị. Thì hóa ra Ba Sàm là một con người bằng xương bằng thịt lại sống ngay tại Hà Nội này sao? Tôi nói với anh Phú, rằng lát nữa gặp thì nhờ anh giới thiệu để tôi biết. Thế nhưng vừa nói xong đã thấy một nhóm người phất cờ trước tượng đài Lý Thái Tổ, hai bố con tôi cùng anh Hoàng Xuân Phú vội băng qua đường, nhập vào đoàn biểu tình. Rồi sau đó mải mê biểu tình, quên tìm gặp anh Ba Sàm.
Cho đến khoảng tháng 11-2012, tôi cùng anh em đi thăm Văn Giang theo lời mời của bà con đối với trí thức Hà Nội, trên đường đi, tôi tình cờ gặp anh Ba Sàm. Anh cũng đã nghe ít nhiều về tôi nên anh em gặp nhau mừng vui, quý nhau hết sức. Anh chào tôi theo kiểu nghi thức của những người yêu nước tham gia biểu tình chống Trung Cộng gặp nhau, ấy là ôm nhau và vỗ vào lưng nhau vài cái. Tên chính thức của anh là Nguyễn Hữu Vinh, bút danh Ba Sàm, tôi thường gọi luôn là anh Ba Sàm hay anh Ba. Và từ đó thỉnh thoảng tôi có gửi bài đăng trên blog Ba Sàm. Anh nhận bài bao giờ cũng hồi âm rất nhanh và bao giờ cũng có câu “Cảm ơn em”. Bài thường được anh biên tập sao cho câu chữ, trình bày chuẩn xác hơn, cũng đôi khi theo cách riêng của anh.
Nhớ nhất hôm 17-3-2013, chúng tôi, khoảng hơn hai chục anh em, con cháu đi tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ hy sinh hồi biên giới 1979, nhân kỷ niệm 34 năm ngày Trung Cộng thua trận, rút hết quân về biên kia biên giới (18-3-1979 – 18-3-2013). Chúng tôi tập kết ở một điểm hẹn, để từ đó kéo nhau ra bờ sông Hồng, quãng gần cầu Nhật Tân. Anh Nguyễn Tường Thụy trước lúc đi bị bọn “côn đồ đỏ” đe dọa, nhưng anh vẫn đi, thế là bị chúng tông xe, ngã khá đau. Cho nên từ điểm tập kết đi ra bờ sông tôi bảo cháu Sỹ lai bác Thụy để bố đi xe bác Ba Sàm. Ngồi sau xe, tôi mới nhận ra anh Ba Sàm vô cùng gầy. Người anh là một bộ xương, nhưng xem ra anh khỏe mạnh, tinh nhanh lắm. Đường ra bờ sông hầm hố, lại mới mưa trơn, xe anh là loại xe cà tàng, thế mà anh lái rất chính xác.
Anh Ba Sàm đi với mục đích làm truyền thông, nhưng anh cũng xăng xái sắp đặt lễ, chỉnh vòng hoa, thắp nhang. Anh cởi giày, xắn quần, lội hẳn xuống sông để kéo hoa sao cho thành hình thật đẹp. Sau khi làm lễ tưởng niệm, mọi người tranh nhau chụp ảnh chung với anh. Nhiều người hôm ấy cũng bất ngờ như tôi năm trước: Ba Sàm hóa ra chẳng phải huyền thoại. Ba Sàm là con người bằng xương bằng thịt và rất đời thường, rất giản dị. Sau khi tưởng niệm, chị Trần Thanh Vân mời tất cả anh em đi ăn trưa, duy anh Ba Sàm không dự, vì anh còn nhiều việc phải làm ngay. Rõ khổ. Có lẽ vì chú tâm làm hơn là ăn uống mà anh luôn gầy?
Hôm 19-1-2014 (kỷ niệm 40 năm ngày mất Hoàng Sa về tay Trung Cộng (19-1-1974 – 19-1-2014), anh Ba Sàm đi làm truyền thông bằng cả một máy quay kềnh càng, có chân cao lênh khênh. Tuy nhiên hôm ấy chúng tôi vừa bị bọn “thợ cắt đá” đang “thi công” trong khu vực công viên gây khói bụi mù mịt, vừa bị trùng trùng điệp điệp công an và côn đồ ngăn cản, cho nên đành phải ngậm ngùi ra về.
Tôi gặp anh Ba Sàm lần cuối cùng trước khi anh bị bắt vào hôm chúng tôi đi tưởng niệm nhà chí sĩ Lê Hiếu Đằng tại chùa Tảo Sách bên bờ Hồ Tây vào một ngày cuối tháng 1-2014, do Kiến trúc sư Trần Thanh Vân tổ chức. Trước đó ít hôm, tôi với anh có cuộc tranh luận nảy lửa về quan điểm. Bắt đầu bằng các comment trên mạng, sau đó bằng tin nhắn điện thoại và cuối cùng bằng cuộc “chiến” qua di động. Lời lẽ cả hai bên mỗi ngày một gay gắt. Anh giữ quan điểm của anh, tôi giữ quan điểm của tôi, không ai chịu ai hết. Cuối cùng anh tắt máy, không nói nữa. Hoá ra anh cũng nóng tính ghê! Thế nhưng hôm gặp nhau ở chùa Tảo Sách, anh lại bắt tay vui vẻ. Anh còn hỏi han, an ủi tôi về “tai nạn an ninh” vừa xảy ra mấy hôm trước do bài tường thuật cuộc tưởng niệm không thành hôm 19-1 nói trên.
Khi đã biết anh Ba Sàm bằng xương bằng thịt (chứ không phải huyền thoại), tôi vẫn không hết ngạc nhiên về anh. Anh là “con nhà nòi”, sinh ra, lớn lên giữa lầu son gác tía, con đường thăng tiến luôn mở ra vô tận, nhưng anh đã chọn con đường riêng của anh. Bắt đầu, anh bỏ ngang để lập công ty thám tử tư, kiếm sống bằng kinh doanh trên nền tri thức chuyên môn của mình. Rồi khi nhận thấy “Dọc ngang trời đất rực vẻ văn minh, Tức tối nước nhà cam đường hủ bại”[1], tuy là sĩ quan an ninh, anh đã chấp nhận dấn thân cho “lề trái”, “lề dân”. Bằng truyền thông xã hội, anh là một trong mấy người mở đầu công cuộc khai trí lần thứ hai[2] cho người Việt Nam khi bước vào thế kỷ XXI. Đặc biệt từ khi Trung Cộng gây hấn, ngang nhiên chiếm biển, chiếm đảo, bắn giết ngư dân Việt Nam, trang Ba Sàm do anh điều hành luôn đưa thông tin kịp thời, phong phú. Nhờ đó mà thức tỉnh dân tộc Việt Nam trước một hiểm hoạ vô cùng lớn: hiểm họa chủ nghĩa đế quốc Đại Hán núp dưới sắc màu chủ nghĩa cộng sản thời hiện đại. Anh bị bắt ngay sau khi Trung Cộng đưa giàn khoan ra vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đó là một thiệt thòi lớn cho phong trào bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, việc anh bị giam hơn 1 năm 7 tháng vừa qua mà vẫn giữ chí khí kiên cường, bất khuất, và cùng với anh là người đồng chí của anh – chị Nguyễn Thị Minh Thúy, cũng bất khuất như vậy – lại là một nguồn lực tinh thần vô cùng to lớn tiếp sức cho phong trào.
Ngày 19-1-2016 tới đây, nhà cầm quyền sẽ đưa anh ra toà, sau khi đã không còn lý do gì để tạm giam. Chúng tôi tin tưởng rằng tinh thần bất khuất và sáng ngời chính nghĩa của anh càng có điều kiện toả sáng. Anh là một trong những trí thức hàng đầu mà trong giai đoạn bi đát này của dân tộc, mỗi người Việt Nam yêu nước, yêu tự do có thể nhìn vào để tin tưởng.
ĐTT
(Đêm 10-1-2016)
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ ANH BA SÀM NGÀY 18-3-2013 TẠI BỜ SÔNG HỒNG,
NGÀY TƯỞNG NIỆM CHIẾN SĨ, ĐỒNG BÀO HY SINH TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN
CHỐNG TRUNG CỘNG XÂM LƯỢC
[1] Phan Bội Châu, Văn tế Phan Châu Trinh.
[2] Cuộc khai trí lần thứ nhất do các sĩ phu Nho học đầu thế kỷ XX như Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế,… khởi xướng.