Việt Đông – Việt Tây: Trên đường văn nghệ giao lưu

Trần Kiêm Đoàn

Huế thơ, Huế mộng… Huế tộng bộng hai đầu!

Chính cái “tộng bộng hai đầu” tưởng như vô tâm, vô tư, vô duyên… đó mới là đại kế sách để Huế cùng đất nước chuyển mình và tồn tại trong cuộc hành trình lịch sử gian nan đầy bi tráng cho đến hôm nay.

Chính trị nhất thời, con người muôn thuở.

Huế không đi với cuộc đời bằng con đường chính trị mà đi theo tiếng gọi nhân bản của con người. Đặc biệt là về phương diện nghệ thuật: vụng tính bằng năm, khéo tính bằng thời kỳ và nhân văn tính bằng thế hệ. Tính nhân văn của Huế đã khiến thi hào Nguyễn Du lấy dòng sông Hương ngát tình, đại nghĩa thay cho sông Tiền Đường âm thịnh, dương suy! Thanh Tâm Tài Nhân buông tay cho Kiều bị chôn vùi trong sóng cả mưa cuồng sau 15 năm luân lạc. Nhưng Nguyễn Du đã dóng hồi chuông Thiên Mụ cho Kiều được sư Giác Duyên vớt lên để có một cuộc Kim – Kiều Tái Hợp êm đềm mà đòi đoạn, diệt tận mà thiên thu để cho Kiều nói lên cái tâm sự bời bời ruột gan của kẻ đã làm kiếp hồng nhan suốt 15 năm ở chốn lầu hồng, lầu xanh… mà vẫn có thể nói lên lời vô tận tái sinh: “Chữ trinh còn một chút này”. Ôi, cái trinh tiết nghìn trùng của chớp mắt thiên thu lại kinh hoàng mà thánh hóa đến thế sao!

Trong lãnh vực văn chương – triết học, Huế không có đuợc bề dày mang tính biểu tượng của văn miếu Hà Nội, nhưng Huế có cả một gia tài sáng tạo nghệ thuật đơn sơ mà kỳ vĩ của những tâm hồn sáng tạo nghệ thuật qua Huế “ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên”: Cả nghìn năm trước và nghìn năm sau như Hoá Châu tác (Làm ở Hóa Châu) của Trương Hán Siêu (1354); Hóa Thành thần chung (Chuông sớm ở Hóa Thành) của Nguyễn Phi Khanh (1355-1428); Tư Dung hải môn lữ thứ (Nghỉ chân ở cửa biển Tư Dung) của Lê Tư Thành (vua Lê Thánh Tông 1442-1497)… Hải ngoại ký sự của Thạch Liêm Hòa thượng Thích Đại Sán (1695), Mười ngày ở Huế của Phạm Quỳnh (1918) và không biết bao nhiêu văn nhân, thi sĩ, nghệ sĩ đã qua Huế, đến Huế và để lại cho Huế những tác phẩm văn chương, nghệ thuật còn tồn tại mãi với thời gian.

Nhắc khách để nhớ đến “chủ nhà” là những người làm văn nghệ con nhà Huế. Người Huế nào khi còn ở nhà thì cũng có chút thơ văn nhỏ thó để trong rương; xa Huế thì cũng mang theo niềm “Dzớ Huế” thi ca nhạc trong xách tay hành lý hay trong những góc khuất của tâm hồn.

Trong khoảng chừng 50 năm qua, tính từ khi người Việt bắt đầu định cư ở nước ngoài càng ngày càng đông. Thời điểm thế hệ thứ 3 của người Việt ở nước ngoài ngày nay, số người Việt ở phương Tây ở tầm 4 triệu (so với Nhật cũng khoảng 4 triệu, Do Thái 4 triệu, Trung Hoa 40 triệu và Ấn Độ 30 triệu…). Với sức mạnh tiềm ẩn cũng như hiển lộ của lòng yêu nước, 4 triệu người Do Thái và Nhật Bản đã đóng góp công sức không nhỏ cho tổ quốc mình được nước mạnh, dân giàu như ngày nay. Với số Việt Kiều hải ngoại đông đảo như thế, muốn biến họ thành sức mạnh tầm xa cho đất nước thì cũng cần phải có sự lãnh đạo và chỉ đạo cấp tiến, cởi mở, sáng suốt của thế lực cầm quyền từ trong nước.

So với các nước có số dân cư ở nước ngoài vừa nêu, Việt Nam đang rơi vào một tình trạng lạc hậu bởi nguyên nhân là có sự nhập nhằng về não trạng và tầm nhìn chưa cân xứng với thế đứng thời đại. Bên cạnh những hiện tượng tích cực “đốt lò” đánh tham nhũng đến tận những cứ điểm tận trung ương vốn một thời là thành lũy bất khả xâm phạm đang được đại chúng vỗ tay tán thưởng thì vẫn có những góc mờ tối với tầm nhìn quá khứ của thời thập niên 1930, 1950… trong các cuộc Cải cách ruộng đất và Nhân văn Giai phẩm. Cụ thể trước mắt là Việt Nam đang trở thành một sức mạnh kinh tế và quân sự trong cộng đồng thế giới mà những nhà lãnh đạo các cường quốc đương đại của châu Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Đại Dương và vùng Hải Đảo quan tâm, giao tiếp đối tác song phương thì thật mỉa mai thay, vẫn còn những lối ứng xử bảo thủ và cực đoan của những nếp nghĩ, nếp nhìn rất… hưu trí và thụt lùi.

Trăm đọc, trăm nghe không bằng một thấy. Thấy gì? Thấy nhóm lão niên hưu trí U-80, U-90 của chúng tôi đang ở tại Sacramento, thành phố thủ phủ bang California có người đang bị nạn bởi lối nhìn “tụt hậu” được ứng dụng để đánh giá văn chương nghệ thuật. Tầm nhìn của nhóm người già hưu trí “ăn chơi chờ chết” mà nói một cách văn vẻ là “Người Việt Cao Niên” chúng tôi là tạm an phận với thế hệ đang trên đường về quá khứ của mình và canh cánh trông đợi sự thăng hoa của thế hệ kế thừa về tình tự quê hương "ly hương không ly tổ”. Mỗi lần nghe các cháu về thăm Việt Nam qua mà trả lời: “Con thích Việt Nam và muốn về thăm Việt Nam lại…” là nỗi mừng vui lặng lẽ dấy lên trong lòng!

Nhóm già cùng nhau bày tiệc trà theo dõi trận đấu bóng đá quốc tế của các cháu đội bóng đá Nữ Việt Nam so chân với đội tuyển Nữ Hoa Kỳ đương kim vô địch thế giới trên sân cỏ Tân Tây Lan mà xúc động và vui mừng vô hạn. Mặc dầu đội tuyển Nữ Việt Nam thua Mỹ 3-0, nhưng cũng đã có cụ già U-80 trong nhóm làm thơ với ngấn lệ tự hào:

TRẬN ĐẤU TỬ THẦN

(Thế hệ tuổi già nhiệt thành khen ngợi Đội Tuyển Nữ Việt Nam)

***

Dăm cụ cao niên xa cố xứ

Cùng rủ nhau xem một trận cầu

Đội nữ Việt Nam tranh đội Mỹ

Lên tầm thế giới quyết hơn nhau

Sân cỏ Auckland là điểm gặp

Mắt nhìn tám hướng khắp năm châu

Chiến trường thuở ấy rền bom đạn

Cầu trường nay rộn tiếng hò reo

Bà Trưng voi trận dày Tô Định

Đã mấy nghìn năm nát trụ đồng

Liễu yếu chân mềm hoa cỏ dậy

Cầu trường thế giới rộn trời Đông

Đội Mỹ trên chân toàn thế giới

Việt Nam tầm cỡ Thái Lan chân

Mỹ vừa hạ Thái 13 bàn trắng

Gặp Mỹ coi như đấu Tử Thần

Sáng nay nước Việt bừng thức dậy

Nín thở nhìn qua xứ New Zealand

Người Việt tha hương đầu cuối đất

Báo tin nhau gái Việt đấu American

Ra sân vang dậy cùng sông núi

Một bước khuê phòng một tấm thân

Liễu yếu đào tơ duyên phận gái

Có một ngày tung cánh với đôi chân

Hai mươi phút cầu trường như nín thở

Những đôi chân địch thủ kỳ phùng

Nghe man mác tiếng trống đồng giục giã

Vững khung thành tỷ số vẫn 0-0

Mỹ xứng đáng đạt 3 bàn thắng

Việt hiên ngang phòng vệ tới kỳ cùng

Hơn thua thượng võ đều vinh dự

“Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng.”

Elk Grove. 21-7-2023

Trần Kiêm Đoàn

Gần đây lại có cụ già U-90 trong nhóm về ở lại Huế hơn cả năm trời viết văn, in sách và tạo ra cái án “Ấm Thuyên”, kẻ làm thơ tiêu dao bị nịnh thần xàm tấu mà phải thọ án hành hình – bởi lối “phê bình văn học” bảo hoàng hơn vua – tại Huế thời 1825. Đó là trường hợp lão ngoan đồng 84 xuân xanh Quế Chi Hồ Đăng Định. Quế Chi văn lão về Việt Nam dành ra hơn cả năm trường viết sách. Kết quả với tác phẩm CÕI NHỚ ra đời. Đầu năm 2023, Cõi nhớ với 450 trang, nhà xuất bản Đà Nẵng với 600 ấn bản do FAHASA in đến tay bạn đọc. Đây là một tác phẩm hồi ký dạng tạp bút gồm luôn cả hai cuốn đã in ấn và phát hành tại Việt Nam là Thượng Tứ ngày xưa – Nhớ nhớ quên quên (2005, 2012) cộng thêm một số các bài viết mới.

Khuynh hướng viết lách đã được tác giả ghi đậm trên bìa sách: “… Tôi chỉ là một người xa quê, nhớ nhà, kể chuyện xóm tôi với trí nhớ mỏi mònnhững kỷ niệm tàn phai, tôi cố gắng giữ tâm hồn trong sáng , vô tư ghi lại những sự việcvà bà con trong xóm Thượng Tứ, Bờ Hồ Thượng Tứ và Hậu Bổ một cách trung thực theo như tôi đã biết…” Và thêm lần nầy, có lẽ trí già quên dẻo nhớ dai, Quế Chi thêm cảm hứng viết lại những hồi ức thời còn đi lính trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã hơn nửa thế kỷ trước. Bài viết gây “vụ án Ấm Thuyên” là bài Tướng Toàn và Tôi (trang 304 – 346). Với 42 trang hồi ức, Quế Chi với tư cách là một sĩ quan trung úy tuỳ viên cho trung tướng; đồng thời cũng là tình cảm cố cựu gia đình ở Huế, đã nhân danh những điều mắt thấy tai nghe để biện minh cho những tin đồn xấu về ông Tướng đã loan tải trên các môi trường truyền thông đại chúng. Mức độ thuyết phục về khả năng giải tội của Quế Chi dành cho ông Toàn có tác dụng được tới mức độ nào thì đó là quyền tự do phán đoán của mọi người. Tuy nhiên, hệ quả trực tiếp của người đọc đứng trên nhiều chiến tuyến khác nhau sẽ có phản ứng khác nhau là điều tất nhiên.

clip_image002

Phản ứng người đọc có thể đứng trên ba mức độ: Đồng tình, vô ký và phản đối. Nhưng độc giả có thái độ phản đối và vô ký thường im lặng; trong lúc đó, khuynh hướng phản đối tạo ra một phản ứng tức thời và nhạy cảm vì kẻ viết là một cựu trung uý thân cận vị cựu trung tướng thuộc về bên thua cuộc nên tác động trực tiếp là biến cuộc tranh cãi thành một vụ án “văn chương phản động”. Phía giới chức nhà Nước Việt Nam ra lệnh thu hồi tức khắc cuốn sách Cõi nhớ vì vi phạm hành chính bởi sách mới có giấy phép được in. Cần phải có giấy phép phát hành thì sách mới được công khai lưu hành. Lệnh thu hồi ban ra nhưng sách Cõi nhớ in 600 cuốn chỉ còn 100 cuốn!

Trên các diễn đàn văn học nghệ thuật bằng tiếng Việt trong và ngoài nước đã xuất hiện các bài viết nhận định về số phận của Cõi nhớ mang nhiều khuynh hướng khác nhau; nhưng nghiêm trọng nhất là một hai bài viết kết án tác giả Quế Chi là có âm mưu Diễn Tiến Hòa Bình. “Diễn biến hòa bình là chiến lược của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế, được thực hiện dưới một phương thức, thủ đoạn mới để chống phá, đẩy lùi và đi đến xoá bỏ chủ nghĩa xã hội” (Theo định nghĩa trong Từ điển Bách Khoa của Việt Nam thời hiện tại).

Có công bằng và hợp lý chăng khi mang dao trảm voi, sát hổ về nhà làm vịt, chặt gà?

Đọc lại tập hồi ức tạp luận Cõi nhớ của Quế Chi viết về những trải nghiệm cuộc sống thường nhật trong những ngày tháng gian nan của đất nước và bản thân lại bị đưa lên bàn đại phẫu thuật với chiếc nón đại trào đao to búa lớn như “âm mưu diễn tiến hoà bình” làm tôi cảm thấy xót xa. Xót xa cho cuộc thế, cho anh chị em và cho chính mình vì bản thân tôi cũng đã có 5 trong số 10 đầu sách in lần đầu tại Mỹ được in ấn tại Việt Nam trong vòng 30 năm qua; có sách như Từ ngõ Huế xưa, Về Huế, Tu bụi… được in và phát hành tới lần thứ năm. Tôi đã đặt nhiều tâm huyết vào từng câu chữ trên mỗi trang sách nhưng tất cả đều viết về sự thật quá khứ và một phần hư cấu theo thể loại “sáng tác qua trải nghiệm thực tế” (creative non-fiction). Tôi tránh né hiện thực và tương lai vì không muốn chen chân vào chốn bụi trần như tác giả Nga thời danh Vladimir Mayakovsky ghi lại một cách hoạt kê hình ảnh con bò “Alice phản động” bởi từ khi được sung vào hợp tác xã chăn nuôi nó không túa ra nhiều sữa như khi còn ở chuồng riêng của chủ cũ thời Xô Viết. Thật ra con bò không “phản động” mà chính tâm trí kẻ xỉ danh lộn tùng phèo vì trước mắt chỉ thấy cái hiện thực thô tháo của hợp tác xã mà không thấy con bò khô sữa vì kẻ giữ chuồng bò cắt xén hết đồ ăn!

Bệnh chủ quan và bảo thủ cực tả đã tạo ra một trạng thái tâm lý e ngại không dám dấn thân cho giới cầm bút và sáng tạo văn học nghệ thuật ở quê nhà. Thế giới sắc màu, âm thanh và tư tưởng bị giới hạn đường bay như sĩ tử ngày xưa sợ quan trường và phạm húy. Câu hỏi tại sao một cuộc chiến vang dội hoàn vũ với sóng cuồng, núi động và sự hy sinh vô bờ bến như cuộc chiến Việt Nam mà cho đến nay, gần nửa thế kỷ sau, nhà văn Việt Nam vẫn chưa để lại cho đời một tác phẩm văn chương nào xứng tầm với lịch sử. Phải chăng vì Việt Nam không thiếu nhân tài nhưng Việt Nam thiếu chất xúc tác nuôi lớn hiền tài?!

Thế cuộc đã sang trang. Hàng nguyên thủ quốc gia Việt Nam và các nước trên toàn thế giới đã nới lỏng những gút thắt về chủ nghĩa chính trị và nới rộng sách lược bảo thủ be bờ để cho đất nước mình thêm phồn vinh. Nhưng nền văn chương nghệ thuật Việt Nam vẫn còn ngủ say hay mê man trên đường bay nghệ thuật. Kẻ mở mắt, người thức dậy sớm phải nhắm mắt đợi chờ người ngủ muộn vì muốn yên thân. Sáng tạo nghệ thuật mà vẫn bị hay cố tình ngủ quên trong tầm nhìn đồng phục là đồng nghĩa với thoái trào, gác kiếm!

Xưa Mẹ Âu Cơ không ngủ quên cùng giấc mơ trăm trứng, trăm con vẹn toàn hình thức mà nương theo tiếng trống đồng giục giã để phân đôi lên ngàn, xuống biển mà khai phá giang sơn. Trịnh Nguyễn phân tranh có Đàng Trong chắp cánh với Đàng Ngoài cho vẹn toàn đất nước. Đất nước thống nhất để kết nối và hóa giải Bắc Nam Trung chứ không cần thêm những đầu óc bảo thủ cực đoan gieo mầm phân hóa.

Người Việt Nam hôm nay có Việt Đông trong nước giao tiếp với Việt Tây ngoài nước. Sự giao lưu của người Việt Đông – Tây là một tiến trình tự nhiên. Với thế hệ trẻ, hiện tượng chụp mũ (labeling) là một hành động áp đặt của đạo lý thoái trào. Giao lưu hay hóa giải phải đứng chung trên bình diện tôn trọng lẫn nhau.

Trường hợp Quế Chi Hồ Đăng Định có sách in tại Việt Nam bị thu hồi, phạt vạ tiền bạc và chụp mũ phản động “Diễn tiến hoà bình” là một thông điệp hoàn toàn mang tính tiêu cực và có khả năng tạo ra tâm lý thoái trào và thất vọng cho thế hệ đàn anh hôm nay và thế hệ đàn em kế thừa trong cộng đồng người Việt ở Hải ngoại.

Nhưng tôi vẫn tin rằng, Quế Chi Hồ Đăng Định sẽ không cô đơn bởi Việt Nam là một đất nước và dân tộc yêu chuộng thơ ca, nhất là đối với những người con tha hương tứ xứ trở về.

Một tác phẩm văn chương mới ra đời càng gặp gian truân càng được tôi rèn trong thử thách và càng có nhiều người biết đến. Mỗi người trong guồng máy đều làm theo chức năng và định kiến cố hữu của mình. Rất mong điểm nhấn sau cùng có được nụ cười của nhóm bạn già đang chờ đợi.

Sacramento 23-8-2023

Trần Kiêm Đoàn

Comments are closed.