GS. TS. NGND Trần Đình Sử
Yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng 11 đối với giáo dục là “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, trong khi đó đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015” được công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo lại chỉ tập trung đổi mới chương trình và SGK phổ thông, hàng loạt vấn đề quan trọng khác cũng được đề cập, nhưng chưa có đề án cụ thể. Như vậy cách làm “đổi mới” này, tuy có một số nội dung mới hơn trước, nhưng lại có phần chẳng khác gì lần trước. Đây là một cách làm cục bộ, thiếu tính toàn diện và căn bản, đồng bộ như nghị quyết Trung ương đòi hỏi. Cách đây đúng 14 năm, khi nghị quyết 40/2000 của Quốc Hội đưa ra yêu cấu đổi mới giáo dục, chính phủ cũng chỉ tập trung vào một khâu là đổi mới chương trình và SGK. Do không đổi mới đội ngũ giáo viên, đãi ngộ, không đổi mới phương pháp dạy học để toàn bộ ngành đại học đào tạo giáo viên đứng ngoài, kết quả đã không đạt hiệu quả mong đợi. Lần này đổi mới căn bản toàn diện, Bộ Giáo dục lại lặp lại con đường mòn – đổi mới chương trình và SGK! Vì sao nói như thế? Đó là vì chương trình – SGK dù quan trọng thế nào, nó cũng chỉ là kế hoạch đào tạo và tài liệu dạy học. Không một đổi mới nào mà chỉ đổi mới kế hoạch và tài liệu đào tạo lại có thể hứa hẹn thành công. Bởi vì ai thực hiện, ai dạy, ai tổ chức, trình độ, tay nghề, sự đồng thuận xã hội. Cách làm cũ còn thể hiện ở chỗ đề án do một số cán bộ của Bộ đứng làm chủ, tập họp một số người bàn thảo với nhau, chưa huy động được trí tuệ của ngành và toàn xã hội để giải quyết vấn đề. Cách làm cũ còn thể hiện ở việc tổ chức dự án, mỗi dự án chỉ biết một vài việc, không biết các việc khác, không nằm trong tổng thể. Thông tin về đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông với dự toán lên tới 70 nghìn tỉ đồng khiến dư luận phản ứng với số tiền khổng lồ. Một quan chức của Bộ trả lời phỏng vấn cho biết: đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông chỉ chiếm 960 tỉ đồng, còn lại hơn 35 nghìn tỉ đồng dùng xây dựng trường lớp, hơn 30 nghìn tỉ dùng mua thiết bị dạy học, bồi dưỡng giáo viên chỉ khoảng 390 tỉ đồng. Qua thông tin đó người ta thấy tên đề án và nội dung dự chi cho đề án là không phù hợp với nhau. Việc xây dựng trường lớp, mua thiết bị dạy học, bồi dưỡng giáo viên là những danh mục không nằm trong “chương trình và SGK giáo dục phổ thông”, mà nên thuộc vào đề án thực hiện chương trình giáo dục mới. Mà việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo chương trình mới thì không phải chỉ có từng ấy việc. Vậy tại sao lại không đổi tên đề án cho phù hợp mà cứ giữ cái tên “chương trình và sách giáo khoa”? Thông tin ấy cũng cho thấy, nhẽ ra phải có kế hoạch các phần việc được xác định tổng thể, trên cơ sở đó mới dự chi tiền, đằng này dự chi trước một cục tiền cực lớn, sau đó mới nghĩ đến các việc cần làm để tiêu hết số tiền ấy. Chúng tôi đã tham gia thực hiện một số dự án của Bộ Giáo dục trước đây thì biết, các vị phụ trách dự án chỉ quan tâm giải ngân, viết chương trình và sách GK sao cho kịp tiến độ theo dự án của mình, còn hiệu quả giáo dục ra sao thì không quan tâm. Một vài ví dụ cụ thể. Khi đổi mới chương trình và SGK năm 2000, tôi đã dự cảm thấy phải triển khai đổi mới phương pháp dạy học bộ môn. Tôi đã đề nghị ông phụ trách dự án, ông ấy hứa sẽ tính toán, sau đó cho biết không có tiền. Kết quả là về phương pháp dạy học bị thả nổi, phương pháp trong các nhà trường vẫn như cũ. Một ví dụ khác. Khi tiến hành chương trình, tôi đã thấy việc để các bộ môn phương pháp các trường đại học không vào cuộc là không đúng, họ không biết và không hỗ trợ gì cho sự nghiệp đổi mới giáo dục. Tôi đã đề nghị với ông nguyên thứ trưởng phụ trách về việc ấy, nhưng ông cũng không làm. Mãi đến khi xong chương trình, bắt đầu thực hiện thì ông mới mời giảng viên phương pháp các trường đại học vào cuộc, nhưng lúc đó các vị ấy không theo dõi, thiếu thông tin, họ làm như người ngoài cuộc, vô hình trung, phá huỷ những ý tưởng đổi mới giáo dục mà chương trình mới lúc ấy đề xuất. Các ví dụ đó cho thấy khi làm các dự án giáo dục lúc đó người ta chỉ biết quan tâm từng việc, từng khâu mà không hề quan tâm tổng thể, không chú ý đồng bộ, không quan tâm dư luận xã hội, chỉ biết lo đối phó, mọi góp ý xây dựng đều vô hiệu, vì không có ý niệm tổng thể từ trước.
Tôi cho rằng chương trình giáo dục phổ thông phải được một ban hay hội đồng quốc gia gồm những người thực sự am hiểu, có uy tín trong ngành tham gia soạn thảo, thông qua, được Hội đồng gồm những người chuyên gia thật sự thẩm duyệt. Trước đây Bộ Giáo dục chưa coi trọng việc này, nghĩ rằng việc xây dựng chương trình chỉ cần một nhóm người làm, mà mục đích chỉ là SGK. Chương trình ấy tuy đã được Hội đồng của Bộ duyệt thông qua, nhưng khi ban bố chương trình mới, Bộ chỉ kí mà không hề họp báo, không hề thông báo cho công luận biết chương trình mớí này mới ở chỗ nào, có lợi ra sao, cần được ủng hộ thế nào. Kết quả là việc thay đổi chương trình coi như việc riêng nội bộ của Bộ, xã hội không hay biết, không đồng thuận. Chương trình quốc gia đòi hỏi tất cả xã hội, nhất là toàn thể cán bộ, nhân viên, giảng viên của ngành giáo dục phải có trách nhiệm hiệp sức thực hiện mới mong đem lại kết quả mong muốn. Như lần trước đây, khi chương trình mới đã được kí ban bố, trong xã hội không có đồng thuận, nhiều cách hiểu khác nhau. Trong nội bộ của Bộ, một số chuyên viên của Bộ lại đi công kích chương trình, chê bai chỗ này, phê phán chỗ nọ, giống như là công việc của ai đó không phải là chương trình của Quốc gia. Những cách làm như thế thiết nghĩ phải được rút kinh nghiệm sâu sắc để thay đổi mới mong có kết quả tốt. Nhìn cung cách làm việc hiện nay người ta chưa thấy có sự thay đổi nào trong cách làm việc của Bộ.
Quan niệm của một số người làm chương trình mới cho rằng, chương trình trước chỉ quan tâm nội dung tri thức mà chưa quan tâm năng lực, phương pháp dạy học… theo tôi là không đúng. Tôi là người khởi thảo chương trình THPT lúc đó, là Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định chương trình hợp nhất ba cấp, chủ biên và Tổng chủ biên bộ SGK THPT nâng cao, có thể nói rằng chưa bao giờ chỉ quan tâm kiến thức cả. Do đó cách quan niệm về chương trình mới vừa thông báo theo tôi không có gì mới so với chương trình đã soạn trước đây. Nếu có chăng là nhấn mạnh hơn một vài điểm, nhưng không phải là quan niệm mới, không phải là đổi mới về tư tưởng, quan niệm dạy học. Do đó người ta chưa thấy cái mới của chương trinh mới lần này. Nếu như thế thì có đáng chi một khối lượng lớn tiền như thế để “đổi mới” hay không?
Việc thực hiện chương trình chúng ta đã làm, bao gồm việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học. Theo thông tin trên báo, phần nhiều thiết bị truờng học đều kém phẩm chất, chỉ một thời gian ngắn là không còn dùng được nữa. Lần này có nên lặp lại một lần như thế nữa không? Về bồi dưỡng giáo viên và đào tạo giáo viên có ý nghĩa cực kì quan trọng đối với nâng cao chất lượng giáo dục. Có chương trình mới mà không có người dạy thì cũng bằng thừa. Thời gian trước đây đã rất coi nhẹ việc bồi dưỡng giáo viên, phần nhiều làm theo hình thức, tiền bồi dưỡng rất bèo, chỉ một số cốt cán được bồi dưỡng, còn đại đa số giáo viên còn lại sau đó do đội ngũ cốt cán kia về bồi dưỡng lại. Việc đào tạo giáo viên mới thì thả nổi cho các trường đại học sư phạm ai muốn làm sao thì làm. Hiện nay theo tôi biết, bộ môn phương pháp ở các trường Đại học Sư phạm ở vào giai đoạn khó khăn nhất. Một nền giáo học pháp như thế khó mà làm đổi thay giáo dục được.
Trong các bản báo cáo rút kinh nghiệm đổi mới giáo dục hiện hành không thấy nêu mấy băn khoăn của tôi nêu trên. Nhân dịp đổi mới này, tôi mong sao Bộ Giáo dục và Đào tạo rút kinh nghiệm sâu sắc cách làm không thành công của lần Đổi mới giáo dục lần trước, quán triệt nghị quyết đại hội Đảng lần 11, thực sự đổi mới cách làm thì mới mong có hiệu quả, xứng đáng với đồng tiền bát gạo của nhân dân bỏ ra.
HN, 2013
Nguồn: http://trandinhsu.wordpress.com/2014/08/22/cach-lam-cu-kho-cho-ket-qua-mong-muon/