Huy Đức
“Quy hoạch” cho thấy não trạng bao cấp hoặc cho thấy sự sợ hãi, thù ghét báo chí của các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, điều này chỉ làm suy yếu báo chí nhà nước, một công cụ mà thực ra dẫu có mạnh thì cũng chỉ có lợi cho chế độ.
Nếu tôn trọng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận đã ghi trong Hiến pháp thì việc quy hoạch báo chí nhà nước là rất cần và phải dựa trên nguyên tắc: Những cơ quan đã nắm giữ các quyền lực nhà nước (các bộ, tòa án, viện kiểm sát, Chính phủ…) thì không nắm các cơ quan ngôn luận. Chính phủ, Quốc hội có thể có một cơ quan thông tin (chứ không phải ngôn luận).
Không nói các bộ, ngành khác, thử xem: Công an vừa bắt người, báo chí của Công an đã mô tả người bị bắt như tội phạm; tòa án vừa có quyền kết án hình sự, phán quyết dân sự lại có quyền ra “bản án công luận…” thì làm sao còn có thể tiến hành tố tụng khách quan, công lý làm sao còn tồn tại.
Đặc biệt, điều quan trọng hơn, ngân sách chỉ được chi để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân, tuyệt đối không được chi cho các cơ quan ngôn luận của các đảng phái, tổ chức chính trị và kể cả các cơ quan quyền lực khác.
Nếu theo nguyên tắc này thì các tờ báo đang trực thuộc các cơ quan quyền lực nhà nước hiện nay sẽ được bán, ưu tiên bán cho những người đang trực tiếp làm những tờ báo đó. Những tờ báo khác không thuộc diện phải từ bỏ cơ quan chủ quản thì cắt ngân sách ngay, ai có khả năng tự hạch toán kinh doanh thì tồn tại, ai không có khả năng thì phá sản.
Quốc hội rất cần chất vấn về những khoản ngân sách đã được sử dụng cho các cơ quan báo chí né tránh sự thật và không nói tiếng nói của người đóng thuế.
Nguồn: https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/875486839153165?notif_t=close_friend_activity
Tham khảo: http://infonet.vn/cong-bo-noi-dung-quy-hoach-bao-chi-den-nam-2025-post176697.info