Nhân sự kiện Hoàng Đức Bình: đừng tin công lý… ngược!
Ánh Liên (VNTB) Phiên tòa sơ thẩm Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong vào ngày 6.2.2018 đã kết thúc, với tổng hình phạt lên đến 16 năm tù, riêng ông Bình nhận 14 năm tù với tội danh ‘Gây hậu quả nghiêm trọng’ tại điểm d, Khoản 2, Điều 257 BLHS 1999; và ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ tại Điều 258, BLHS 1999.
Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Hoàng Đức Bình ngay sau đó đã chia sẻ quan điểm của mình về phiên tòa, theo đó, bản án này ‘mang tính thù hận, bất chấp pháp luật, bất chấp lương tri nhằm bỏ tù bằng được Hoàng Đức Bình’.
Lý do xuất phát từ việc, mặc dù không xác định được giá trị thiệt hại do bị cáo ây ra, nhưng Tòa – thay vì áp dụng điểm d của Khoản 2 – Điều 257 BLHS 1999, thì lại áp dụng điểm d, khoản 2 Điều 330 BLHS 2015.
Đây không phải là lần đầu tiên, bản án và quá trình xét xử một vụ án chính trị bị lên án. Bởi từ trước đây nay, những vụ án ‘công khai’ liên tục bị ‘bịt kín’, hay tìm cách giấu kín ngày xét xử, hoặc xét xử một cách chóng vánh như đối với nhà hoạt động Nguyễn Văn Hóa (22 tuổi) trước đó. Thậm chí, trong một dấu hiệu báo trước Nguyễn Văn Hóa bị 7 năm tù, theo Blogger Cùi Các là dấu ‘Nguyễn Văn Hóa +7’ ngay trên trang thông tin của Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.
Trở lại với vụ án Hoàng Đức Bình, sự sai phạm trong quá trình tố tụng với việc áp dụng tùy tiện các Điều luật như Luật sư Hà Huy Sơn chỉ ra, thì cũng vào sáng ngày 6.2.2018, bố mẹ và em trai của ông Hoàng Đức Bình cũng bị phía cơ quan công an tỉnh Nghệ An gây khó khăn khi họ tìm cách tham gia phiên tòa sơ thẩm xử án công khai con/ anh trai của mình.
Đừng tin công lý… ngược!
Công lý là trò hề, hay những phiên tòa xét xử các vụ án liên quan đến yếu tố chính trị mặc định là án chỉ đạo, và chủ yếu của các bản án chỉ nhằm ‘răn đe’ hơn là ‘giáo dục’. Do đó, trong nhiều năm qua, các bản án thường là ‘nghiêm khắc’, và ‘nặng nề’ ở mức kịch khung hình phạt hơn là xem xét các tình tiết giảm nhẹ.
Ngoài yếu tố do việc thẳng thắn và bất phục trước tội danh mà phía Tòa án đưa ra, cũng như nhấn mạnh tiếp tục đi tiếp con đường đã chọn – khiến cho các vụ án có kết quả nặng nề, thì phía Nhà nước Việt Nam luôn muốn bắt giữ những nhà bất đồng chính kiến nhằm mục đích đủ số lượng và quy đổi giá trị trong tương lai.
Mong muốn vai trò và tiếng nói của luật sư được lắng nghe trong phiên tòa diễn ra tại Việt Nam vẫn là một giấc mơ xa vời. Xa vời hơn ở chỗ, giá trị của Luật sư bầu chữa cho những nhà bất đồng chính kiến được ‘tự động’ khép vào ‘thua’. Thành ra, biệt danh ‘Luật sư toàn thua’ – điều mà dư luận viên hay nhóm người còn u mê dành cho những luật sư nhân quyền, luật sư bầu chữa cho nhóm người bất đồng chính kiến ngẫu nhiên trở thành một cụm từ lột tả sự mang rợ, phi nhân, vô lý, và đậm chất đàn áp của nhà nước.
Đàn áp trong phiên tòa chưa đủ, phía nhà nước tìm cách đàn áp những người lên tiếng bên ngoài phiên tòa bằng rào chắn và sự đánh đập có chủ ý.
Facebooker Ngô Thành Nhật đã đúng khi khẳng định: Người dân hoàn toàn không có tiếng nói không phải người dân không có quyền, mà vì chẳng ai dám lên tiếng, bởi người lên tiếng thì bị kết cục như này.
Những bản án tù nặng nề dành cho những ai phản ứng lại thảm họa môi trường do Formosa gây ra có thể làm ‘an lòng nhà đầu tư’
Về mức án ‘răn đe nghiêm khắc’ của phía Nhà nước đưa ra lần này, có thể đã làm thỏa mãn ‘chủ đầu tư Formosa’. Bởi phần lớn các nhà hoạt động xã hội Việt Nam gần đây bị bắt, phạt tù dài hạn đều liên quan đến Formosa gây thảm họa môi trường nghiêm trọng ở biển miền trung Việt Nam, mà trước đó từng tuyên án liên quan đến Mẹ Nấm, bác sĩ Hồ Hải.
Như vậy, một Tòa án độc lập và chuyên nghiệp tại Việt Nam là điều cần thiết. Và suy cho cùng, cải cách thể chế như thế nào, nếu không đảm bảo cán cân công lý dựa trên luật pháp thì mọi cải cách đều vô nghĩa.
Một người bất đồng chính kiến, người đấu tranh cho quyền được biết, quyền được minh bạch nữa đã vào tù,… Và sắp tới, sẽ còn rất nhiều người nữa.
Nhưng khi một nhà đấu tranh, một nhà bất đồng chính kiến vào tù thì câu hỏi được đặt ra là: ai sẽ là người tiếp theo, và thực trạng này đến bao giờ sẽ chấm dứt khi mà tiếng nói vẫn còn quá đơn lẻ, và người dân thì có phần bàng quan, thờ ơ, vô cảm? Bởi trong ngày 6.2, trừ một tin riêng lẻ từ phía nhà hoạt động, còn những người dụng trang mạng xã hội Facebook thì thả mình vào rộn rã mua sắm tết, ăn chơi tết.
———————————
“Nạn nhân” của thầy giáo Vũ Văn Hùng: Bí mật quốc gia?
Nguyễn Tường Thụy (VNTB) Kịch bản thầy giáo Vũ Hùng “cố ý gây thương tích” được diễn rất vụng về. Ngay tối hôm 4/1/2018, vợ thầy Hùng là Lý Thị Tuyết Mai đã đến ngay công an phường Thanh Xuân Bắc. Chị chỉ nghe chồng nói được một câu: “Chúng nó dựng chuyện vu khống, rồi lao vào đánh anh”, rồi anh bị chở đi. Khi chở Vũ Hùng đi rồi, thầy Vũ Mạnh Hùng hỏi thì nhận được câu trả lời của công an đang làm nhiệm vụ ở đấy:
– Anh ấy đi xe máy say, đâm vào người ta phải nhập viện.
Có vẻ như đã nhận thấy sự vô lý vì thầy Hùng đi bộ ra bến xe bus chứ không có chiếc xe máy nào để cưỡi lên cả nên sang hôm sau, khi chị Mai lại đến thì nhận được câu trả lời khác:
– Anh ấy dùng dao đâm người.
Mỗi người trả lời một phách cũng dễ hiểu thôi vì không phải công an viên nào cũng được phổ biến kịch bản hay cũng nhớ nên trả lời mâu thuẫn. Có thể kịch bản đang trong quá trình dự thảo, còn phải sửa chữa mới hoàn thiện. Nó giống như ngành xây dựng vừa thiết kế, vừa thi công để đảm bảo tiến độ vậy.
Thầy giáo Vũ Văn Hùng
Sau đó lại thấy thông báo bắt thầy Vũ Hùng “phạm tội quả tang” với hành vi “gây rối trật tự công cộng”. Cuối cùng thì có lệnh bắt tạm giam thầy 2 tháng với tội danh được thay đổi là “cố ý gây thương tích”.
Có một điều rất lạ là, khi làm việc với điều tra viên Kim Minh Đức, chị Mai yêu cầu được đến thăm “nạn nhân” nhưng bị từ chối. Câu trả lời của điều tra viên rất khó hiểu, là anh ta không được phép tiết lộ danh tính người tố cáo.
Ơ hay, ở đây chị Mai hỏi đến nạn nhân để xem thương tích thế nào, có nghiêm trọng không, giám định sức khỏe bao nhiêu phần trăm để góp phần “khắc phục hậu quả”, chứ đâu có hỏi đến người tố cáo.
Còn trường hợp nạn nhân đồng thời là người tố cáo thì giấu giếm kiểu gì? Anh tố cáo người ta gây thương tích cho anh thì anh phải chường mặt ra để xem thương tích thế nào mới bắt vạ được chứ.
Xin nêu một chuyện giả định cho dễ hiểu. Tôi bị tai nạn nhưng tôi lại tố cáo do bị ông Kim Minh Đức đánh. Cơ quan điều tra lại không cho biết ông Đức biết ông đánh ai, rồi cứ căn cứ vào lời khai của tôi mà bỏ tù ông Đức có được không?
Trong lúc chị Mai đang hoang mang, không biết đường nào mà lần thì anh chị em hoạt động xã hội dân sự thương chị, đưa chị đi tìm luật sư.
Những tưởng có luật sư thì mọi sự trở thành dễ dàng. Vì đây không phải là vụ án thuộc nhóm xâm phạm đến an ninh quốc gia nên luật sư có thể tham gia hỏi cung và qua đó, việc thầy Hùng “gây án” như thế nào, danh tính và tình trạng “thương tích” của “nạn nhân” v.v… sẽ trở nên sáng tỏ. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, mọi thông tin về “nạn nhân” của thầy Hùng vẫn trong màn bí mật.
Chẳng lẽ “nạn nhân” của thầy Hùng là bí mật quốc gia? Điều này có thể xảy ra khi đó là cán bộ cao cấp vì nghe nói sức khỏe của lãnh đạo là bí mật quốc gia. Hay Vũ Hùng “gây án” nhầm vào một ông ủy viên Bộ chính trị nào đó? Nhưng việc sức khỏe lãnh đạo có phải là bí mật quốc gia hay không đang còn là vấn đề phải bàn, chứ chưa có quy định mang tính pháp lý cơ mà.
Khó hiểu thật. Hay cơ quan điều tra còn lo tạo dựng hồ sơ, làm giấy giám định thương tích giả và không loại trừ thay thế nạn nhân, từ tên côn đồ đánh thầy Vũ Hùng buổi trưa ngày 4/1/2018 có thể thành một người hoàn toàn khác.
Có cái gì đó lưu manh, đểu cáng, gian giảo trong chuyện này. Chẳng lẽ ông Tô Lâm không biết chuyện quân của ông hoành hành, bạo ngược khắp nơi gây nên bao oan ức cho người vô tội. Những người ấy đều bị kẻ phạm tội xử án.
Nguồn: VNTB