Người Việt thích rượu bia hay sách báo?

Thanh Trúc, phóng viên RFA

clip_image001

Những người tham dự lễ hội bia hàng năm của địa phương tại Hà Nội vào ngày 07 Tháng Mười Hai 2014. AFP

Theo báo cáo tổng kết năm 2015, được báo chí trong nước đăng tải lại, người Việt đã chi ra trên sáu chục ngàn tỷ đồng vào bia rượu nhưng chỉ hai ngàn tỷ đồng để mua sách đọc.

Nên hay không nên dựa vào số liệu này để cho rằng người Việt ngày nay thích ăn nhậu hơn là thích đọc sách? Thanh Trúc tìm câu trả lời tromg bài sau đây:

Báo cáo tổng kết 2015 và chương trình công tác trọng tâm 2016 của Cục Xuất Bản, In Và Phát Hành thuộc Bộ Thông Tin – Truyền Thông, cho thấy tính đến lúc này toàn ngành đã xuất bản được hơn 24.000 cuốn sách với trên 270 triệu bản, bên cạnh 375 loại văn hóa phẩm với hơn 22 triệu bản.

Và theo đó tổng doanh thu toàn ngành đạt hơn 2.000 tỷ đồng.

Trong khi đó theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương, tính đến tháng Mười Một 2015 thì sản lượng bia các loại ở trong nước đạt 3 tỷ lít, tăng 6,8% so với cùng thời gian năm ngoái.

Như vậy, theo các chuyên gia, với hơn 3 tỷ lít bia hàng năm trị giá 63.000 tỷ đồng, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng hàng thứ ba Châu Á tức chỉ thua Nhật Bản và Trung Quốc.

Điều này cho thấy khoản tiền 2.000 tỷ mà người Việt chi ra cho việc đọc sách rất ít ỏi, chỉ bằng 1/30 so với trên 63.000 tỷ đổ vào những buổi nhậu nhẹt bia rượu.

Phải chăng việc đọc sách, hay có thể nói là văn hóa đọc của người Việt ngày nay, đang bị lấn át bởi những thú giải trí nặng phần hưởng thụ khác. Được hỏi ý liến việc này, viện trưởng Viện Thông Tin, Khoa Học Và Xã Hội ở Hà Nội, giáo sư tiến sĩ Hồ Sĩ Quí nói:

Câu hỏi rất thú vị nhưng chuyện này thì khắp thế giới chứ cứ gì ở ta. Người Mỹ, người Anh hay người Pháp cũng thế, bỏ tiền uống bia uống rượu chứ bỏ tiền mua sách mấy, sự thực là thế chứ không phải khác đâu. Một chai rượu mua bao nhiêu cuốn sách cho nên điều ấy không kết luận được cái gì cả, không nên hàm ý ở đây để nói rằng người Việt mình không quan tâm đến sách vở hay không quan tâm đến tri thức.

Chuyện chê người Việt ít đọc sách tôi cho là không đúng, ấy là chưa nói đến sách vở 10 cuốn thì 9 cuốn vứt đi, nhiều sách cũng chẳng cần phải đọc vì đọc vào càng dốt đi thì đọc làm gì

Giáo sư tiến sĩ Hồ Sĩ Quí

Tôi nghĩ chuyện mua sách và đọc sách thì người Việt mình không có gì đáng chê trách lắm đâu. Cụ thể thì đúng là có những người cần đọc họ lại không đọc, còn người lao động chân tay suốt cả ngày thì sách cuốn nào đọc được tốt cuốn đó , chẳng đọc cũng chả sao. Chuyện chê người Việt ít đọc sách tôi cho là không đúng, ấy là chưa nói đến sách vở 10 cuốn thì 9 cuốn vứt đi, nhiều sách cũng chẳng cần phải đọc vì đọc vào càng dốt đi thì đọc làm gì.

Từ Hà Nội, nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng nhận định:

Trong số có khả năng tiêu xài thì những người bỏ tiền ra mua sách rất ít. Tôi cũng là người in sách, dịch sách, in sách ra chủ yếu chỉ là tặng hay biếu chứ không hy vọng người ta mua sách của mình. Các phương tiện nghe-nhìn hấp dẫn người ta hơn thói quen đọc sách.

Riêng Việt Nam có một nguyên nhân mà tôi cho rất quan trọng, tức là xã hội không coi trọng người có những kiến thức tiếp thu từ sách. Nếu nói đơn thuần sách để giải trí thì quả thực nó không lại những phương tiện giải trí khác. Đọc sách để truyền bá kiến thức, nâng cao cái hiểu biết cái tầm suy nghĩ của trí tuệ thì đó là điều có lẽ trong xã hội Việt Nam bây giờ không ai khuyến khích mấy.

clip_image002

Sách cũ được bán theo kg không cần biết nội dung, thể loại. (Vietnamnet)

Đối với nhà giáo Phạm Toàn, chuyện ít đọc sách là một thực trạng đáng buồn cho Việt Nam:

Nhìn vào những cửa hàng sách thì biết, có tác phẩm mới đâu, dịch những tiểu thuyết ba xu, tiểu thuyết tình vớ vẩn. Vào thư viện giờ cũng nghèo nàn lắm, tổng quát là như thế . Việt Nam rất ít mua sách, rất ít người đọc sách bây giờ . Trẻ con chỉ có đọc truyện tranh mà người lớn cũng đọc truyện tranh. Giáo viên dạy Kiều mà không đọc truyện Kiều, dạy Tắt Đèn của Ngô Tất Tố mà chỉ đọc trích đoạn thôi thì làm sao có chuyện đọc sách được. Người 30 tuổi hỏi Nhân Văn Giai Phẩm là gì thì chết rồi. Rất nhiều những cái thông thường nhất do sách mang lại họ không biết gì cả, họ không có động lực.

Đọc sách để truyền bá kiến thức, nâng cao cái hiểu biết cái tầm suy nghĩ của trí tuệ thì đó là điều có lẽ trong xã hội Việt Nam bây giờ không ai khuyến khích mấy.

Dịch giả Hoàng Hưng

Còn theo bà Tuyết, chủ nhân tiệm sách Hồng Đức ở thành phố Huế, cần phân biệt rạch ròi số đông thích đọc sách với số đông người thiên về nhậu nhẹt mà nhiều phần do tiêu cực là chính:

Tình trạng gọi là chung chi mời đi nhậu này kia là vấn đề như một tệ nạn. Giới trẻ thì lại ít tiêu cực hơn, may mắn thay là họ vẫn mê sách hơn, số người đó cũng nhiều chứ không phải là ít.

Nếu như sách hay thì người ta mua nhiều nhưng tiếc là sách hay ít quá. Thế hệ của chị hồi mới lớn đọc rất nhiều sách nước ngoài, giờ chừ thì quá ít sách hay. Bây giờ có sách hay người ta vẫn đọc, người ta vẫn thích mua sách giá cao.

Vẫn theo lời chủ nhân nhà sách Hồng Đức, nói rằng người Việt ít đọc sách là một kết luận khá bi quan. Vấn đề ở đây, bà khẳng định, giá sách ở Việt Nam có phần cao túi tiền những người thích đọc:

Có dịp mà sách cũ xả ra thì sinh viên bu đông, giảm 50% hay 70% thì học sinh ào vô mua nhiều lắm, chứng tỏ họ rất muốn mua sách nhưng mà giá sách rất là cao. Ví dụ một cuốn sách 100.000 mà giảm giá còn 30.000 thôi thì họ mua rất nhiều, tức nhiên họ vẫn ham muốn đọc sách nhưng họ không có tiền.

Uống bia uống rượu nhiều có thể xấu cho gan, cho thận, cho sức khỏe của mình, làm đầu óc mình không tỉnh táo minh mẫn. Trong khi bỏ mấy trăm ngàn đó mua sách đọc cho trí tuệ, cho tương lai và được thưởng thức nghệ thuật thì cái nào hơn

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng

Ngoài chuyện chất lượng thì có phải giá sách xuất bản ở Việt Nam cao hơn so với thu nhập trung bình của số đông người dân hay không. Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, giám đốc Công Ty Sách Thái Hà:

Với tư cách thành viên ban chấp hành trung ương Hội Xuất Bản Việt Nam có trách nhiệm hỗ trợ các nhà xuất bản và kết nối tác giả dịch giả với bạn đọc, tôi phải nói sách Việt Nam hiện nay là không đắt. Một cuốn sách có vài chục ngàn, đắt lắm thì hơn 100.000, nhưng nói chung là chỉ khoảng vài chục ngàn một cuốn sách. So với tiền Đô là khoảng vài Đô một cuốn, rõ ràng không đắt so với mức lương vài triệu một tháng, còn lương cao là vài chục triệu chứ không phải vài triệu một tháng.

Nếu so sánh một bữa nhậu mất vài trăm ngàn ở bất cứ chỗ nào thì một bữa nhậu thông thường có thể mua độ chục cuốn sách. Một bữa nhậu mà thậm chí uống bia uống rượu nhiều có thể xấu cho gan, cho thận, cho sức khỏe của mình, làm đầu óc mình không tỉnh táo minh mẫn. Trong khi bỏ mấy trăm ngàn đó mua sách đọc cho trí tuệ, cho tương lai và được thưởng thức nghệ thuật thì cái nào hơn. Tôi nghĩ bạn đọc đủ trí thông minh để chọn đầu tư vào đâu.

Theo các chuyên gia quan tâm văn hóa đọc sách, nếu ý thức đọc của người dân chỉ hạn chế trong khoảng 2.000 tỷ đồng/ năm trong lúc thú uống bia tăng vọt đến 63.000 tỷ đồng/ năm thì khoảng cách hai bên sẽ càng ngày càng rộng hơn khi mà các nhà kinh doanh đầu tư bia hy vọng rằng một người Việt sẽ có sức tiêu thụ 60 đến 70 lít bia một năm.

Để khuyến khích người dân đọc sách, ngày 10 tháng Giêng năm 2016 , lãnh đạo thành phố Sài Gòn, phối hợp cùng Sở Thông Tin – Truyền Thông và Hội Xuất Bản Sách, sẽ khai trương con đường đọc sách trên đường Nguyễn Văn Bình cạnh Nhà Thờ Đức Bà, qui tụ 20 đơn vị xuất bản sách trong nước.

Đến ngày 7 tháng Hai 2016, chạy 28 Tết, Lễ Hội Sách trên đường Nguyễn Huệ chính thức khai mạc và kéo dài trong một tuần.

Tiếp đó, từ ngày 21 đến ngày 27 tháng Ba 2016, Hội Sách TP Hồ Chí Minh hai năm một lần sẽ diễn ra tại công viên Lê Văn Tám.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/much-mony-for-consum-than-bk-12252015064523.html

Comments are closed.