Lê Học Lãnh Vân
Một nhóm anh em trẻ tuổi vừa du lịch Thái Lan, Mã Lai, những nước gần ta.
Trờ về, một bạn nói: “Nước họ giờ to đẹp quá. Đường sá, cao ốc không thua các thành phố rất lớn ở Phương Tây”.
Bạn khác nói: “Xứ người ta văn minh nên mới được vậy. Nội coi cách họ ngừng xe trước đèn đỏ là biết dân mình thua xa. Xứ mình vô kỷ luật. Ích kỷ, chen lấn giành giựt cho riêng mình bất chấp người chung quanh. Ngó cách dân mình hành xử nơi công cộng, vứt rác ra đường, chạy xe không theo luật giao thông, biết người Việt không bao giờ phát triển được!”
Người trọng tuổi là tôi nghe các bạn trẻ nói mà muốn rớt nước mắt. Các bạn ơi, làm sao tôi nói cho các bạn tin được rằng trên bốn mươi năm xưa, dân ta từng văn minh như vậy? Không chỉ cách ứng xử văn minh, lịch sự nơi công cộng, dân ta còn thấm nhuần những giá trị cao quí của nhân loại như lòng nhân ái, trung thực, nghĩa khí, yêu tổ quốc, vì cộng đồng… và biết hy sinh cho những giá trị cao đẹp đó. Các bạn về hỏi những bậc cha chú trước kia, tìm đọc sách về xã hội cũ còn lưu truyền… Tìm hỏi, tìm đọc đi các bạn. Để biết giá trị thực của cha chú mình, để biết năng lực thực của người Việt, biết tiềm năng dân tộc. Biết và tin được các điều đó, các bạn sẽ thấy một sức mạnh nội tại đưa mình tiến về trước. Một tình yêu rào rạt với cuộc sống và tương lai. Một niềm tin vào năng lực của của cộng đồng và của chính mình, niềm tin giúp ta thoát khỏi các vướng bận của bản năng thấp kém, vật chất phi nghĩa và tầm thường trước mắt để thanh thản vươn lên với ngập tràn ý chí hướng thiện và niềm vui sống. Đó là năng lượng sống do niềm tin vào những giá trị cao quí và năng lực của dân tộc, chớ không phải tin hay sùng bái một cá nhân xuất chúng, một lãnh tụ hay một nhóm người nào. Các bạn ơi, tới bây giờ, vào lứa U-70 tôi vẫn còn hạnh phúc với niềm tin đó, vẫn còn rung động khi nhớ lại tuổi thanh xuân đẹp đẽ của mình.
Nhưng mà, cũng khó cho các bạn để có được niềm tin đó. Các bạn thua tôi khoảng 3 con giáp tuổi, chỉ ở lứa tuổi dưới ba mươi, khi sinh ra xã hội đã dần dần không còn giữ được các giá trị tốt đẹp kia. Làm sao các bạn có thể hiểu được giá trị của tính liêm chính công quyền khi quanh các bạn là hối lộ, đút lót, bôi trơn… từ cơ quan ở mức thấp nhất tới mức cao nhất mà các bạn tiếp xúc? Làm sao các bạn hiểu được giá trị của tính kỷ kuật khi bước ra xã hội là xe vượt đèn đỏ, người không sắp hàng chờ đợi, kẻ vi phạm luật móc điện thoại gọi ai đó liền được cho qua? Làm sao các bạn hiểu được giá trị của tinh thần trách nhiệm khi người có trách nhiệm không hoàn thành trách nhiệm mà vẫn nhởn nhơ ngồi cao, vênh mặt cười cợt, tự mình đánh giá mình hoàn thành? Làm sao các bạn biết giá trị của sự suy nghĩ độc lập khi từ học đường tới xã hội đều ngăn chặn các tài liệu đa chiều, các trang mạng phản biện? Làm sao các bạn tôn trọng và có tình yêu tổ quốc, dân tộc khi những thực thể yêu quí và tôn nghiêm này bị đặt dưới quyền lợi và quyền lực phe nhóm? Làm sao các bạn hiểu được giá trị của lòng nhân ái khi trong xã hội có những định chế nhìn người khác ý kiến như thế lực thù địch?
Do xã hội thiếu sự rõ ràng trong định nghĩa và khái niệm những từ quan trọng, có thể các bạn không phân biệt được nền dân chủ Phương Tây với nền dân chủ Chủ Nghĩa Xã Hội khác biệt ra sao, có thể các bạn không thấy hiệu quả của nền tư pháp độc lập có ích lợi thế nào cho toàn xã hội… nhưng khi tiếp xúc với nước ngoài chắc chắn các bạn có những cảm nhận như những gì các bạn bàn nhau về chuyến đi vừa qua. Các bạn thấy nước người phát triển giàu có, tự do hơn nước ta, xã hội người ngăn nắp hơn xã hội ta, dân người hiền hòa, lịch sự, văn minh hơn dân ta… So sánh hai xã hội, các bạn đâm ra tự ti. Trước các khiếm khuyết lớn và cùng khắp trong xã hội Việt Nam, các bạn mất niềm tin vào sự phát triển dân tộc!
Thương các bạn vô cùng. Các bạn đang được người lớn, người có vị trí cao, kêu gọi phải tin vào họ, tin vào các lời hứa, giải pháp họ đưa ra. Một lần thất vọng, bao nhiêu lần cũng thất vọng! Điều quan trọng hơn là các bạn cảm nhận đó không phải lời hứa thật lòng, chỉ là lời hứa cho qua, người hứa chưa chắc đã nghiên cứu kỹ tính khả thi của lời hứa, chưa chắc tin vào lời hứa của chính mình… Những lời hứa không nghiêm túc, không được thực hiện sẽ phá hủy niềm tin chân thật của cộng đồng. Các bạn mất niềm tin! Thảm họa của một cộng đồng là khi các thành viên trong nó mất niềm tin lẫn nhau. Thảm họa của một quốc gia là khi dân chúng không còn niềm tin vào sự phát triển dân tộc. Các bạn đã lâm vào thảm kịch đó. Nếu hoàn cảnh này kéo dài, dân trí sẽ tiếp tục trì trệ, dân khí sẽ tiếp tục suy tàn. Người có điều kiện lũ lượt bỏ đất nước mà đi, đem theo tài sản và kiến thức, người ở lại không thể tìm được niềm tin vào sự phát triển lành mạnh, lâu bền.
Thiếu Niềm Tin, thiếu Niềm Vui Sống, xã hội, quốc gia vật vờ, không mục đích và không thấy hướng đi! Xã hội chúng ta có đang trong tình trạng đó không?
Ngày 02 tháng 01 năm 2020