Thơ – Vận động hay đứng yên?

Hoàng Vũ Thuật

Tặng các nhà văn trẻ

nhân Hội nghị đại biểu viết văn trẻ toàn quốc, năm 2016.

Câu hỏi đó chẳng bao giờ cũ. Đứng yên đồng nghĩa với chết. Khoa học, vũ trụ và thiên nhiên, xã hội và con người không nằm ngoài quy luật ấy. Các loại hình nghệ thuật trong đó có thơ ca cũng vậy. Một thời chúng ta hướng văn nghệ sĩ làm trái quy luật đó. Thế mới tạo ra sản phẩm gọi là văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Sáng tác như cái máy sản xuất đồng loạt một chiều, không khuyến khích hoặc xem chiều khác là vô nghĩa, có khi còn cấm kị dẫn tới những hệ lụy bất ngờ. Cá tính sáng tạo của của người viết không được coi trọng. Thơ ca xưng tụng theo tiêu chí vạch sẵn. Vô tình chúng ta thiết lập những đường bay không có bầu trời. Tính độc lập của nhà văn mất đi. Nghiệm lại, chúng ta mới thấm thía hai tiếng văn nô/ bồi bút đối với bản lĩnh nhà văn trong hoàn cảnh xã hội nhất định.

Bản chất của thơ là đời sống, thân phận con người. Thơ hướng tới cái đẹp khách quan. Thơ không thuộc về số đông mà ngược lại. Sáng tạo bao giờ cũng đơn lẻ. Không thể có một khuôn mẫu nào cho sáng tạo. Chạm đến vấn đề này ắt có nhiều tranh cãi. Thật khó giải thích, khó bàn luận. Văn học nói chung được sinh sản trong cô đơn. Có lần trong một cuộc phỏng vấn, tôi cho rằng cô đơn thuộc phạm trù cái đẹp (*).

Trong buổi gặp gỡ cà phê bàn tròn ngẫu nhiên, nhà thơ Từ Sâm (Nha Trang) bộc bạch, tôi nghĩ người làm thơ lắm khi độc giả không thấu hết sự sáng tạo. Chỉ một người thôi là may lắm. Một người thành hai người, hai người thành bốn người và cứ thế theo thời gian được tạo ra với cấp số nhân. Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến cho rằng nếu vẽ trong không gian, sáng tạo bao giờ cũng mang hình tháp. Tôi hoàn toàn đồng tình nhận thức này. Các bạn đã leo núi chưa? Thời trẻ tuổi tôi đã chơi như thế. Mười người rủ nhau cùng leo núi theo con đường tự chọn. Chừng năm mươi mét còn bảy, ba bỏ cuộc. Lưng chừng núi còn hai. Lên gần đỉnh chỉ còn lại một. Đó là người bạn khỏe mạnh, leo núi sao cho vừa sức. Hẳn anh ta sẽ rất đơn độc, bởi càng lên cao không còn ai để bày tỏ, chia sẻ. Sáng tác ra bài thơ cũng trong trạng thái đó. Trước hết viết theo cảm hứng của mình, viết để mình hiểu, thứ nữa mới đến bày tỏ với mọi người. Bao nhiêu ngôn từ, hình ảnh, biểu tượng sinh ra ngoài ý muốn. Có khi không làm chủ được mình. Vô thức trong sáng tạo. Đứa con tinh thần đó, dứt khoát không giống những đứa trẻ khác, việc mà nhà thơ đã nghĩ tới.

Chúng ta không thể xây nhà theo chiều thẳng đứng. Khởi đầu thế nào lên cao thế ấy. Thơ ca khác với công trình kiến trúc. Thơ mang đặc thù/ biệt lập. Người tiếp nhận phải có tâm thế trước vẻ đẹp mới mẻ của thơ. Thơ không là món ăn tập thể. Khẩu vị từng người sẽ nhận biết chất liệu món ăn. Lựa chọn/ tinh lọc bao nhiêu, món ăn kỳ diệu ấy thơm ngon bấy nhiêu. Bởi vậy, khi đón nhận tác phẩm, độc giả cũng phải nâng tầm nhận thức, cảm xúc trước cái đẹp, tìm ra thi ảnh mới của thơ. Nói cách khác, độc giả đồng hành cùng nhà thơ, đồng sáng tạo với nhà thơ. Nhà thơ không nhào nặn cảm hứng của mình theo độc giả, vì độc giả. Thơ không thể làm hài lòng số đông, sáng tác theo ham muốn số đông. Nhận thức sai lầm một thời làm cho thơ xuống dốc. Trong quá khứ chúng ta lấy số đông làm chuẩn mực của thơ. Viết sao cho dễ hiểu, dễ đọc, chẳng khác gì tranh cổ động, báo chí, phát thanh dùng để tuyên truyền. Vì vậy sản sinh thứ thơ làng nhàng, vô cảm, ai ai cũng có thể làm thơ. Hàng trăm tập thơ ra đời không để lại một gợn sóng trên mặt hồ văn chương. Ấy vậy mà bài thơ đọc lên lập tức được nhiều người tán thưởng vỗ tay, bởi nó đáp ứng sở thích, hợp với thị hiếu tầm thường, đơn giản quen thuộc. Đấy là cách thưởng thức ăn xổi, chẳng cần chất lượng hay mùi vị, miễn sao no bụng là được. Ngược lại, hãy xem có bao nhiêu người không vỗ tay, hoặc vỗ tay theo suy nghĩ khác. Những cánh tay im lặng/ ngược chiều nói gì với bài thơ? Bài thơ chưa hay hoặc cần nghe lần nữa mới thấm thía vị ngon đầu lưỡi.

Rõ ràng quan điểm thẩm mỹ đã biến đổi. Thơ không thể đứng yên. Vận động, chuyển hóa, phát kiến/ tìm tòi cái mới đang là mục tiêu mà lớp nhà thơ trẻ trăn trở. Trong số đó có cả những người cầm bút không cùng thế hệ, như kiểu maratông tự vượt lên chính mình. Phương thức thơ, tri thức thơ, cảm hứng thơ cũng thay đổi. Cái tôi phóng túng và tự do sáng tác được nhà thơ chú trọng như một công cụ để cho ra đời những bài thơ hay và lạ. Chất siêu thực, lập thể, tượng trưng, ấn tượng cùng với lối viết ẩn dụ, ám tượng, đa nghĩa hình thành rõ nét trong thơ. Cá tính sáng tạo chiếm địa vị độc tôn. Hiện tượng Lãng Thanh (giải thưởng thơ Hội Nhà văn Việt Nam 2004, Vĩnh Phúc), Hoa Níp (Vũng Tàu), Lưu Melan, và Ngô Thị Hạnh (Sài Gòn), Như Quỳnh de Prelle (Vương quốc Bỉ), Nguyễn Hoàng Anh Thư (giải thưởng thơ Văn Việt 2016, Huế), Hoàng Thúy và Hoàng Thụy Anh (Quảng Bình) … ra đời như một sự bùng nổ của ngôn từ và hình tượng thơ, tạo cái mới trong chữ nghĩa, đó cũng là đòi hỏi tất yếu của thời đại. Vì sao lực lượng sáng tác trẻ hình thành không đồng đều. Phải chăng lối viết một chiều vẫn còn là thói quen nặng nề ở các vùng miền khác nhau?

Thời đại mang hơi thở, nhịp điệu, xúc cảm cho lớp nhà thơ trẻ này. Họ sáng tạo trong môi trường thẩm mỹ mới, không bắt chước, giọng điệu không lặp lại. Con đường họ đang đi chưa hết gồ ghề. Quan niệm cứng nhắc/ ấu trĩ của một số người quản lý văn học nghệ thuật không phải đã hết. Song, đọc họ đã hé lộ một chân trời trong trẻo. Phương pháp tư duy mới mẻ, cảm quan khác rất nhiều lớp nhà thơ đi trước. Phát hiện, bồi dưỡng và bảo vệ họ là công việc của chúng ta. Chúng ta không thể coi mình là bậc cha chú trong văn chương để phán xét hoặc xem nhẹ. Thơ không có chiếu trên, lớp lang như trong dòng tộc. Thơ là của mọi người, không ngôi vị, miễn sao hay. Bài thơ ra đời như viên ngọc lấp lánh, nhiều góc cạnh, nhiều chiều kích. Cái đẹp hằng cửu trong thơ là thước đo giá trị. Tôi nhận ra lớp nhà thơ ấy đang hình thành chỗ đứng trong thi đàn Việt Nam. Một chỗ đứng đáng trân trọng, tự hào vậy.

30 / 8 / 2016

_____

(*) Trả lời phỏng vấn Nguyễn Đức Tùng trong tác phẩm “Thơ đến từ đâu”, Nxb Lao Động, năm 2009.

Comments are closed.