Văn hóa mỳ tôm

Nguyễn Xuân Thọ

Một cô cháu mới sang Đức học nghề tâm sự với mẹ là sang đây thèm mỳ tôm quá. Chắc vì cháu mới sang nên chưa biết chỗ mua (và giá cũng rẻ lắm). Gia đình cháu thuộc diện nghèo ở Hà Tĩnh nên mỳ tôm là bạn đồng hành với cháu từ bé. Trong đại dịch Covid, nhiều gia đình đã phải ăn mỳ tôm cầm hơi cả tháng trời. Nói đến cứu trợ thiên tai, ai cũng nghĩ ngay đến các hộp mỳ được chở bằng thuyền thúng đến từng gia đình bị nạn.

Mỳ tôm là cái tên dân gian của tất cả các loại mỳ ăn liền, dù nó có vị tôm, vị bò hay vị lợn. Sau 30.04.1975, chiến tranh mới kết thúc, đất nước chia kịp thống nhất thì cái dạ dày người miền Bắc đã được hưởng thành quả thống nhất qua các loại mỳ Vifon, Miliket, Vị Hương, v.v. Anh nào đi miền Nam ra xách được thùng “Hai-tôm Miliket” tặng mẹ bạn gái thì chắc ăn 100%. Về sau mỳ được đóng thành bao ny-lon 50 gói một, phân phối về các cơ quan. Công đoàn chỉ còn mỗi việc phân chia cho cán bộ. Cứ thế mỳ ăn liền gắn bó với cuộc đời của rất nhiều người Việt.

Không phải ai cũng thích mỳ ăn liền, vì y học chứng minh là nó không những ít chất bổ, thậm chí chứa nhiều hóa chất không có lợi cho sức khỏe. Người ta coi đó là món ăn của dân nghèo. Nhưng cái ưu thế rẻ tiền, nhanh giải quyết cơn đói trước mắt nên khiến người có tiền vẫn mê nó. Tôi chứng kiến người “sang” đi Vietnam Airlines hạng thương gia vẫn kêu mỳ ăn liền. Máy bay kín nên mở hộp mỳ nước sôi ra, mùi của nó rất cám dỗ khiến rất nhiều người ăn, mà toàn là người Việt. Người Tây đi máy bay chỉ kêu bánh mỳ kẹp. Mỳ ăn liền bán ở siêu thị Âu không chạy như trong các cửa hàng châu Á.

Người ta nói “Văn hóa mỳ ăn liền” chắc có lý ở Việt Nam. Ở xứ này tâm lý mỳ tôm không chỉ thịnh hành trong ăn uống mà cả trong mọi hoạt động của xã hội. Từ bé tôi đã được giáo dục phương châm: mọi thứ phải “nhanh nhiều tốt rẻ”. Tôi rất sướng tai mỗi khi được nghe về “đốt cháy giai đoạn”.

Khi tiến hành công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa thì phương châm này được theo đuổi một cách triệt để và kết quả là hàng trăm nhà máy đường, xi măng, luyện kim, tàu thủy rẻ tiền được các tỉnh nhập từ Trung Quốc về đã trở thành những đống sắt rỉ. Rồi các loại thủy điện rẻ tiền mọc lên như nấm, gieo rắc tai họa cho nhiều thế hệ. Những dự án kiểu như như Bauxite Tây Nguyên, Thép Formosa được thông qua bất chấp dư luận và đang vận hành với những hậu quả khôn lường về môi trường và kinh tế. Tệ hại nhất là chúng chia rẽ lòng dân, chia rẽ người Kinh với người Thượng.

Không thể kể hết số người bị bắt vì những dự án này.

Có người cho rằng những tệ nạn kể trên là do tham nhũng, vốn là bản chất của quá trình tư bản hóa từ một nền kinh tế công hữu, trong một thể chế thiếu dân chủ và minh bạch. Đúng vậy. Nhưng những dự án đó không phải chỉ một nhóm bọn quan tham tự đề ra để ăn cắp. Chúng được Quốc hội, các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chính phủ thông qua mà trong đó không phải ai cũng được dây máu ăn phần.

Họ thông qua vì vô trách nhiệm và vì cái tâm lý mỳ tôm.

Cái tâm lý này ngự trị cả trong giới doanh nhân, trong các nhà tư bản mới trỗi dậy. Từ B-Phone muốn đè bẹp iPhone, rồi hàng chục tỷ đổ vào mạng “Go.vn” để thay thế Facebook. Báo chí Việt Nam luôn đe dọa Tesla rằng: Mỹ sẽ bị Vinfast qua mặt!

Những hợm hĩnh đó có nguồn gốc từ “Văn hóa Mỳ tôm”.

Việt Nam đang vùng vẫy để thoát ra khỏi gọng kìm của nhiều vấn nạn. Chúng ta không chỉ tụt hậu về kinh tế mà cả trong giáo dục, y tế, văn hóa, giao thông, pháp chế, dân chủ, nhân quyền, v.v. Nhiều người coi các vấn đề trên là xa xỉ, vì nhà nước đang tập trung vào vấn nạn lớn nhất mà đại đa số người dân quan tâm là: Xóa đói nghèo!

Để xóa đói giảm nghèo nhanh, người ta vẫn bám vào phương châm đốt cháy giai đoạn để rồi đốt cháy cả môi trường sống. Câu chuyện trồng cây keo để mau chóng phủ xanh diện tích rừng, mau chóng đem lại lợi tức cho nông dân là một ví dụ.

Chỉ cần 4 năm trồng rừng là keo đem lại thu nhập, đầu ra đã có công nghiệp giấy bao tiêu, đầu vào cậy giống được công nghiệp giấy trợ giá. Nhưng keo trồng đến đâu, đất bị bạc màu, bị xói mòn, thảm thực vật cùng các loại côn trùng muông thú bị tận diệt đến đó. Hạn hán, lũ lụt phá hoại cả một diện tích đồng bằng bao la. Sau 4-5 vụ trổng keo thì đất bạc màu hẳn, chỉ còn cách phá rừng tiếp để trồng mới, vì cả chục năm sau đất đã trồng keo mới hồi phục.

Mỗi hecta trồng keo chỉ đem lại 30-35 triệu VND/năm cho một gia đình. Với số tiền này họ vẫn sống trong cái ngưỡng nghèo, nhưng thoát chết đói.

Khi giúp bà con nông dân từ bỏ trồng keo, trồng cây bản địa để phục hồi rừng tự nhiên, chúng tôi biết là đang lội ngược dòng.

Báo chí suốt ngày ca ngợi kỳ tích trồng keo thoát đói giảm nghèo. Nhưng xóa đói nghèo ra sao để phát triển bền vững, để không tàn phá đất nước thì ít ai nói tới. Hoặc có nói thì chỉ được nói theo tuyên huấn.

Hôm qua nay câu chuyện “Tỉnh Bình Thuận sắp phá khu rừng tự nhiên hơn 600 ha ở xã Mỹ Thạnh huyện Hàm Thuận Nam để làm hồ thuỷ lợi” khiến dư luận bức xúc.

Việc một nhóm nào đó muốn phá cả một khu vực sinh thái như vậy để phục vụ các mục đích kinh tế của họ thì vẫn như lâu nay: Thép hay là cá? Bauxite hay môi trường? Nay “Thủy lợi hay rừng?” – Vẫn thế.

Có người còn bảo 600ha rừng ở xã Mỹ Thạnh, Bình Thuận chỉ là 6 km² trong số 140.000 km² rừng Việt nam. Làm gì mà ầm ỹ lên thế!

Phê xe Vinfast thì bị công an gọi. Phản đối chặt cây ở Hà Nội thì bị bắt vào đồn, chưa hết, còn bị đưa lên VTV chửi. Đưa tin chuẩn bị phá 600ha rừng Bình Thuận bị đe dọa. Kiểu trấn áp này nhiều lắm.

Tức là vẫn có người nhìn ra vấn đề, nhưng bị chẹn họng.

Cái chết của rừng, của biển, của thiên nhiên Việt Nam một phần do lòng tham của con người, do sự “u muội mỳ tôm” của những kẻ nắm quyền.

Nhưng đau nhất là do phản biện bị cấm trong một nền truyền thông một chiều, bưng bít.

clip_image001

clip_image002

clip_image003

Comments are closed.