Lưu Trọng Văn
Có một giai đoạn của lịch sử nhất là thời Lý Thái Tổ 1000 năm trước, Phật giáo với tư cách là một tôn giáo độc lập với nhà nước đã là cái nôi để đào tạo trí thức, nhà quản trị, nhân tài cho đất nước. Phật giáo với tư tưởng đặt đạo lên trên đời của thiền sư Vạn Hạnh đã trở thành đối trọng rất tích cực cho triều đại của Lý Thái Tổ. Vì vậy Lý Thái Tổ đã có điều kiện mở đầu cho một trang sử phát triển mới cho Đại Việt bằng việc rời đô từ Hoa Lư ra Đại La lập nên Thăng Long kinh đô hùng mạnh một thời. Một số các trí thức Phật giáo, thiền sư tài năng đức độ được nắm những trọng trách với quyền lực và uy tín thật sự đã tạo nên một cơ chế giám sát quyền lực của ngai vàng. Nhưng rồi, với việc các triều đại sau triều đại của vua Lý Thái Tổ đã rước Khổng Tử về thờ ở Văn Miếu, Thăng Long (năm 1070), dẫn đến sự lên ngôi của Nho giáo lấn át dần dần đi cơ chế giám sát ấy, cơ chế phản biện quyền lực tối cao ấy của giới trí thức Phật giáo.
Tư tưởng “Trung quân ái quốc” của Khổng giáo thắng thế dẫn đến sự thắng thế của chế độ phong kiến tập quyền, toàn quyền. Các thiền sư, trí thức đại diện cho đối trọng Phật giáo không còn vai trò ở cung đình nữa, dần dần trở về với không gian tĩnh lặng của mình cùng với các nhà chùa không còn là nơi truyền bá, đào tạo tri thức, nhà quản trị, nhân tài cho quốc gia Đại Việt nữa. Có nghĩa, tính công dân của nhà tu hành thời đó là một bộ phận tinh hoa thực sự của dân tộc đã dần bị thủ tiêu.
Sự thắng thế của tư tưởng “Trung quân ái quốc” – trung với vua tức là trung với nước, đồng hóa vua và quốc gia là một, chính là sự đổ vỡ lớn nhất nền tảng văn hóa, xã hội Đại Việt. Tính tự trị của làng xã quá nhỏ bé tù túng, phân rẽ không thể cản trở được sự đổ vỡ mang tính hệ thống này. Hệ lụy của nó là không còn cơ chế giám sát cho quyền lực. Điều đó được chứng minh rõ hơn khi tầng lớp trí thức, sĩ phu với tài năng, nghĩa khí, đức độ của mình dần dần mai một, dần dần không có tiếng nói riêng, tiếng nói phản biện, dần dần mất đi tính công dân chủ động để rồi chỉ tồn tại khép nép như một bộ phận làm “mông má”, tôn vinh, mua vui cho ngai vàng. Những tiếng nói khẳng khái đôi lúc có bùng lên đâu đó như Lý Thường Kiệt, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Trường Tộ, Cao Bá Quát, … nhưng rồi lập tức bị gạt qua lề hoặc bị vô hiệu hóa, thậm chí bị trừng trị, thủ tiêu.
Đất nước thiếu cơ chế để đào tạo nhân tài đúng nghĩa, để dựng vua tài hiền, để giám sát, phản biện quyền lực của nhà vua, đã bị đẩy vào sự may rủi của số phận. Tức là, kèm với sự may rủi ấy là sự hưng hay thịnh của quốc gia. Tức là kèm với sự may rủi ấy là bất hạnh đau khổ hay sự no đủ hạnh phúc của hàng triệu dân linh.
Một đất nước mà hầu như suốt 500 năm mọi thần dân không được quyền chọn lựa con đường đúng đắn cho dân tộc không thể là một đất nước đã được giải phóng, đã được tự do với đúng nghĩa của nó. Một khi rường cột nước nhà là hiền tài, trí thức co ro lại, không còn là sĩ phu, là nguyên khí quốc gia thì khoảng đệm giữa người cai trị và dân chúng sẽ là một khoảng chân không khổng lồ bởi nó chỉ còn tích tụ bởi tầng lớp hủ nho đạo mạo hay chữ thánh hiền, luôn miệng nói lời thánh hiền, thuộc làu khuôn mẫu kinh sử, giữ mình trong những khuôn khổ đã được áp đặt. Tầng lớp hủ nho cũ và mới này lại là những người truyền đạo, truyền giáo, truyền đức cho thế hệ sau để rồi tạo nên những tầng lớp hủ nho tiếp theo. Trong khi đó đám quan lại phong kiến cũ và mới xuất thân từ những cuộc thi cử “khuôn vàng thước ngọc” từ những sự vâng dạ của tư tưởng hủ nho cũ và mới, chỉ còn biết một việc là vua bảo gì nghe nấy, ý vua là ý trời. Họ trở nên xu nịnh trên, đè nén dưới. Họ trở nên những nhóm lợi ích, bổng lộc tệ hại, đục khoét quốc gia triền miên.
Một đất nước mà quyền lực không bị giám sát kéo dài đã dẫn đến những thảm kịch mà chúng ta gọi là đêm đen của xã hội phong kiến độc ác. Thời Trịnh – Nguyễn phân tranh kéo dài hơn 3 thế kỷ là một minh chứng rõ rệt nhất. Giai đoạn này Đại Việt bị chia cắt làm hai nước Đàng Trong và Đàng Ngoài, các vua chúa cùng bè lũ quan lại đua nhau hà hiếp dân lành. Chính từ đây đã nổi lên câu ca:
“Con ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.”
Sự cướp bóc đó công khai trắng trợn dẫn đến dân chúng không dám và không còn muốn sản xuất làm ăn nữa mà chỉ lo giấu của, lo chụp dựt sinh tồn, đạo đức văn hóa tinh thần bị thoái hóa đến tận cùng. Bao nhiêu cơ hội khi các nhà buôn Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, Nhật đến đặt mối quan hệ mua bán, làm ăn đã bị giới cầm quyền bỏ qua đến nỗi ngay từ giai đoạn đó của lịch sử các nhà buôn khai sáng phương Tây đã phải thốt lên rằng: “Đây là một dân tộc bất hợp tác”. Dẫn đến họ lần lượt bỏ Đại Việt mà đi để thay vào đó là những đội quân viễn chinh xâm lược. Ngay cả những người có chiều hướng tích cực như Nguyễn Nhạc thời Tây Sơn cũng chỉ có ý nghĩ lợi dụng, mượn sức mạnh kỹ thuật quân sự (tàu, súng ống) của phương Tây để chinh phục bá chủ các nước khác mà không có bất cứ ai nghĩ rằng phải tranh thủ sự thương mại và kỹ thuật, văn minh của người phương Tây để mở mang đất nước, phát triển đất nước làm cho dân giàu nước mạnh.
Lỗ hổng của quyền lực mềm do giới trí thức, tinh hoa văn hóa của nước ta yếu ớt nhạt nhòa, đã góp phần rất lớn cho thảm cảnh này. Không ai trong giai đoạn đó của lịch sử thúc đẩy, tranh đấu với giới cầm quyền để họ có cách nhìn canh tân trong cái cơ hội canh tân chưa từng có ấy. Đến giai đoạn quốc gia thống nhất, nhà Nguyễn trị vì, phong kiến tập quyền vẫn vậy, đất đai bờ cõi có thể mở rộng hơn tức mở rộng hơn quyền lực nhưng sự phát triển tiến bộ vẫn không xuất hiện.
Thời vua Tự Đức, Nguyễn Trường Tộ có may mắn được ra nước ngoài, nhìn thấy sự văn minh của phương Tây đã viết 58 bản sớ lên vua đề nghị canh tân mọi lĩnh vực tiền tệ tài chính, luật pháp, công nghệ, buôn bán, thủy lợi, đóng tàu viễn dương, giao thông, khai khoáng cùng với những chính sách khuyến khích đi kèm. Đau đớn thay Nguyễn Trường Tộ đã không hề được cái gọi là tầng lớp trí thức, quan lại của triều đình ủng hộ, để rồi ông vua Tự Đức người chỉ lo cho nơi an nghỉ của mình thật nên thơ, thật đẹp, đã vứt 58 bản sớ trình cải cách ấy vào sọt rác. Cũng giai đoạn đó của lịch sử nước Nhật những đề nghị cải cách của Yukichi đã được cả tầng lớp sĩ phu Nhật ủng hộ cùng sự ủng hộ của vua Nhật dẫn đến bước ngoặt lịch sử của nước Nhật như ta đã thấy rõ.
Lịch sử suy thoái của dân tộc đậm nét nhất từ Trịnh Nguyễn phân tranh hơn 300 năm rồi tiếp theo sự bảo thủ của phong kiến nhà Nguyễn hơn 100 năm, và tiếp theo nữa là những biến động binh đao chiến tranh với người Pháp, người Nhật, người Mỹ, người Trung Hoa và bản thân sự phân ly khắc nghiệt có tính mất còn của chính cộng đồng Việt với những phe nhóm lợi ích khác nhau đã làm xáo trộn thêm nhiều lần nữa những nền tảng văn hóa, trí tuệ, tính cách của người Việt, đã biến những điều không bình thường thành bình thường và ngược lại, làm đảo lộn hầu hết các quy luật tự nhiên.
Có thể nói rằng, 500 năm từ cột mốc tồi tệ nhất Trịnh – Nguyễn phân tranh, cho đến tận ngày hôm nay về cơ bản văn hóa Đại Việt, những gì thuộc về niềm tự hào của nòi giống Việt đã bị hủy diệt nghiêm trọng.
Những cái neo nhỏ trong từng con người, từng làng xã đã đủ thời gian để góp lại trở thành hàng triệu cái neo con cùng với cái neo cái khổng lồ – thể chế phong kiến tập quyền bảo thủ, lạc hậu đã dìm con tàu và không cho bất cứ một động cựa nào tiến bộ, một nhúc nhích nào vươn lên phía trước so với các nước văn minh khác. Nếu người Việt không nhìn thẳng vào sự thật này, sự nguy kịch này để một lần và mãi mãi mỗi người tự vung dao chém đứt chiếc neo trong chính mình và chiếc neo khổng lồ của các loại văn hóa phong kiến tập quyền giải phóng cho con tàu quốc gia ra khơi, thì dân tộc chúng ta sẽ chẳng bao giờ có cơ hội để phát triển trở thành một nước hùng cường.