Văn học miền Nam 54-75 (200): Võ Hồng (3)

Bên đập Đồng Cháy

Đã đến nước cùng rồi, đã đến nước chót rồi, không còn trì hoãn được nữa. Bà con lối xóm đi hết. Vơ vét gạo củi, đùm túm áo quần đi hết. Lùa bò, dắt trâu đi hết. Quẩy lúa gánh đường đi hết. Trên xóm Dương không còn tiếng người nói. Dưới Đồng Dài không có tiếng gà gáy trưa.

Bà Xự ngồi yên trên ngạch cửa, hai dòng nước mắt lặng lẽ chảy trên gò má.

Bỏ nhà cửa mà đi. Bỏ ruộng nương, bỏ vườn tược, bỏ khúc sông và cái bến nhỏ này mà đi. Không, tôi không muốn đi đâu hết. Năm mươi tuổi trên đầu rồi, tôi muốn ngồi yên một chỗ, nằm yên một chỗ mà chết cũng được. Chết là gì? Nhắm hai con mắt lại, nhẹ nhàng buông xuôi hai tay. Khỏi đi cấy, khỏi cần quạt giê lúa.

Khỏi gánh nước đổ vào chum, khỏi quơ củi nhay vào bếp. Khỏi làm khỏi ăn khỏi lo khỏi tính. Thôi, cứ để cho tôi chết. Bà con cứ đi đị Tôi lớn lên ở trên mảnh đất này, bắt đầu ngắt lá táo lá keo bỏ vào mẻ sành mảnh chén làm trò chơi nấu cơm với chị em bạn. Rồi cúi lưng xuống tập quơ cỏ lúa, cầm cái cuốc tập dẫy cỏ bắp. Đội cái thúng đi mót lúa, ôm cái rổ đi mò ốc gạo.

Không, không. Tôi muốn chết ở trên mảnh đất này… Sao?

Chị nói không được hả, Chết mà cũng không đuợc hả? Sống mới khó chớ chết mà cũng khó à? Chỉ cần nhắm mắt buông xuôi hai tay mà cũng không được? Hồi xưa mẹ tôi chết dễ lắm. Trăn trối với cha tôi rằng: “Thôi anh ở lại nuôi con. Con Lụa nó dại, tánh lùng bùng. Đừng đánh rầy nó tội nghiệp. Anh kiếm dì ghẻ cho nó, nhớ lựa người hiền lành”. Rồi mẹ tôi không nói nữa. Mẹ tôi lên nằm trên sườn núi cạnh ông nội bà nội, ông cố bà cố. Cạnh ông Chánh Bát, ông Hương Hai. Cạnh thằng Mẫn con bà Tơ, cạnh con Thìn, con Thu bà Nị Ai cũng lên nằm trên đó hết. Sao đến đời tôi lại khó khăn vậy? Đi tản cự Đi đâu bây giờ? Đây là quê tôi, quê chồng tôi cũng là đây. Chỉ có nơi đây là quen thuộc. Bến đò Cây Dừa. Xóm Đường. Chợ Chiếu. Hòa Tú. Núi Một. Đập Đá Hàn… Chị nói đi đâu? Vô quận hả? Vô Phú Tân? À, tôi nhớ rồi, bây giờ quận dời về Phú Tân rồi. Chợ Gành đó mà. Hồi còn con gái, bọn mình hay gánh đường bán chợ Gành. Nhưng bây giờ thì gánh cả gia sản vô ở luôn chợ Gành. Mình đâu có nhà bà con trong đó? Thôi, cám ơn chị. Chị đi trước đị Để rai rải tôi coi thử đã.

Bà Xự đưa tay lau dòng nước mắt ngưa ngứa nơi khoé mũi. Chiều xuống nhẹ nhàng. Bóng tối dồn về cây mít đứng sừng sững ở trước sân. Hàng tre im lặng. Chòm nhà bà Kinh, bà Nhuận lẫn vào bóng tối. Ngày thường, vào giờ này có ngọn đèn màu đỏ điểm giữa khung cửa đen sẫm. Bây giờ thì tất cả đều là màu tối loang lổ. Người ta đi hết. Hôm kia bà Kinh gánh trong hai đầu thúng hai đứa cháu nội. Quần áo cũ và mền bạc màu chèn chặt hai đứa bé. Xấp bánh tráng đặt lên đùi mỗi đứa. Ruột nghé gạo quàng vào một đầu gánh. Đầu kia lủng lẳng cái nồi. Bà kĩu kịt gánh cháu đi theo đoàn chạy giặc. Cha lũ nhỏ, thằng Sách đi cày bị trúng mìn.

Một khúc ruột lòi ra nơi lỗ bụng bị thủng. Y tá quận băng bó. Không có thuốc tiêm. Nó la hét nhiều lần rồi ngất đi. Máu rỉ qua lần bông băng. Đợi có chuyến công-voa chở ra nhà thương Quy Nhơn. Nhưng nghe nói mới đến Tuy Phước thì chết. Chôn cất thế nào ở ngoài đó, nằm ở nghĩa địa nào, ở đầu núi nào bà Kinh không hề biết, không hề thấy. Nghe chôn ở Hưng Thạnh.

Chỉ biết là từ đó bà hay kể lể rằng thằng Sách thường hiện về trong giấc chiêm bao lặng lẽ nhìn mẹ rồi quay lưng thất thểu bước đi. Cái bụng quấn băng dầy cộm như bụng người lính quấn cái mền. Thằng Sách chết thì đôi bò bán đi. Đám ruộng nằm ở vùng bản lề do hai bên kiểm soát nên con vợ thằng Sách không dám tiếp tục ra đó cấy hái. Nó lần mò đi Tuy Hòa kiếm công chuyện làm ăn. Đi ở mướn cho hiệu cao lâu. Cả ngày ngồi ở sân sau rửa chén dĩa. Dĩa chén chất từng chồng, rửa hết lớp này thì đã có lớp khác bưng dồn ra. Ngồi trẹo xương sống. Mỡ và bọt xà bông ăn ngón chân và gan bàn chân nứt nẻ. Đêm nào cũng thức rửa đến mười hai giờ, sau đó lại phải nấu nước pha phèn chua để dầm đôi chân. Cái lưng nhức tưởng chừng như có thể gẫy làm đôi. Mỗi tháng ăn uống xong được lương bốn trăm đồng để gởi về nuôi mẹ chồng, nuôi con.

Nhưng rồi nó không cầm cự được lâu. Ở nhà quê dù chân lấm tay bùn nhưng làm và nghỉ có giờ giấc. Cuộc sống rập khuôn theo sức phát triển của cây lúa cây bắp, mà cây cối thì không biết vội vã như máy móc, không làm người ta lúng túng như máy móc. Chậm rãi, trầm lặng, cây cối không kích thích bắt người ta rộn ràng. Hôm con Sách xách va-li về quê thăm, nó mập và trắng ra. Nhà cao lâu thừa thãi đồ ăn dư, ăn tha hồ, những miếng thịt béo ngậy mỡ, những bát canh còn dư cả phân nửa, những đoạn bánh mì người ta mới bóc phần vỏ bên ngoài. Ăn không hết thì đổ vào chậu nước nuôi heo. Con Sách xót xa nhìn những miếng thịt mỡ dày óng ả, những muỗng “xốt” màu vàng, những đùi gà gậm nham nhở, những khúc ruột bánh mì trắng xốp bị lùa rơi tỏng vào thùng nước cơm. Con Sách nhớ tới thằng Tuồng, thằng Triện. Giá có lũ nhỏ ở đây mà sớt cho chúng ăn.

Ở nhà, ba bà cháu chỉ cầu có đủ cơm ăn. Thường bữa cơm chỉ có rau muống, rau sam, tương, một đĩa cá liệt kho trắng chởn, lởm chởm xương kỳ nhọn hoắt. Nhiều hôm chúng ngồi chống đũa nhai cơm lạt.

Nhưng nhọc nhằn quá, con Sách cầm cự không được lâu. Sau chừng ba tháng thì nó đã bỏ cuộc. Nghe nhắn về nói nó đã theo một bà chủ tiệm vàng đi Đà Lạt. Bẵng đi ba bốn tháng không thấy tin tức, bà cháu lây lất với số tiền dành dụm còn lại. Với mấy giạ lúa mót được từ hôm mùa tháng Ba, với số rau cỏ gầy còm mọc ở bờ ruộng, bờ ao. Sự sống xoay quanh cái mâm gỗ đen xỉn bị gặm sứt nhiều mảng. Sự sống thoi thóp đó vẫn không được để yên. Bà cháu đã đùm túm nhau đi tản cư. Bây giờ đến lượt mình… Mình đi đâu? Ở nhờ nhà ai?

Lấy gì mà ăn? Ở đây còn có thể quơ quào bốn phía nhà kiếm lấy củ mì củ môn, trái dưa trái mít. Nhưng mà không được nữa rồi. Bom thả liên miên. Dãy nhà ngói của ông Tổng Viên bị bom lửa cháy rụi, tiêu sạch. May phước cả gia đình đã dọn đi rồi. Lửa cháy lan đốt thêm nửa xóm. Dưới xóm Đình lớp thì bom, lớp thì súng, lớp bị chết cháy, lớp bị chết đạn. Ở xóm Ngựa, nhà cháy và người chết, trâu bò bị chết thui trong chuồng. Đạn đại bác lâu lâu được dọt ra vài chục trái bất kể đầu hôm hay giữa khuyạ Trúng ai nấy chịu.

Ông Hương Ngọng ở hàng Dao bị đạn đại bác sập hầm gẫy chân. Thằng cha Bộ ở xóm Mia ẵm con chạy chưa tới hầm thì đại bác nổ tan xác hai cha con. Quân đội ra lệnh đồng bào tản cư nhưng đi tản cư đâu có dễ. Nhà cửa bề bộn đó, cái bàn, bộ ván, bồ lúa con heo, khiêng sao gánh sao cho hết? Biết mang theo cái gì, bỏ lại cái gì, Mỗi vật nhỏ cũng có giá trị của nó. Mua sắm rải rác suốt một đời người, những vật dụng đó gần gũi cạnh mình đến nỗi chúng như có linh hồn.

Có tiếng chân sột soạt ngoài hiên. Tiếng nói nhỏ:

– Chị Năm! Có chị Năm ở nhà không?

– Ờ! Chị Thủ Hai đó hả?

– Sao? Chị dọn dẹp xong chưa? Nhớ đem theo ít đồ đạc thôi. Bỏ bớt lại. Nặng quá gánh không nổi.

– Chị ngồi lại đây một chút.

Hai người đàn bà ngồi bệt dưới nền dất, cạnh nhau.

– Chị nghĩ thử bây giờ mình đi đâu.

– Thì cứ theo vô quận đã.

– Trong đó nước khó gánh, nhà cửa chật chội. Mà mình lấy gì ăn?

– Kệ nó, tới đâu hay tới đó. Tàu bay thả bom quá, chịu không kham. Thằng Chiến nó chần chừ rồi cũng phải lùa bò đi.

Tiếng xì mũi của bà Xự.

– Tai trời ách nước, ai muốn chi vậy. Thôi chị lo dọn dẹp đi. Thắp đèn lên.

– Sợ đại bác nó ngó thấy.

Bà Thủ Hai không nín cười được:

– Chị nói như điên. Đại bác ở tuốt trong quận bắn ra. Bắn ào ào cầm chừng mà thôi, chớ đâu có nhắm ngọn đèn của chị mà bắn. Thôi, để tôi chạy về nhà. Nhớ mờ sáng thì đi. Tôi ghé qua kêu chị luôn.

Trong xóm không còn sót mấy người. Lần này rủ nhau đi coi như chuyến chót. Thôi kệ tới đâu hay tới đó. Bà Xự uể oải đứng dậy thắp đèn. Hai cái bao lát đặt trong hai chiếc thúng để giữa nhà đã chứa đầy những vật bà chọn đem theo. Áo quần. Gạo. Nồi. Bộ lư đèn bằng đồng cỡ nhỏ. Dao rựa, dây dừa, chén bát, võng. Bà cầm đèn đi soi nơi bàn thờ. Nước mắt tuôn ra khi nghĩ rằng nơi bàn thờ này linh hồn chồng bà sẽ vất vưởng cô đơn. Người đàn ông đó đã sống với bà hơn hai mươi năm. Từ một anh nông dân thanh niên khỏe mạnh, người ấy đã lớn, đã già bên cạnh bà. Tính hiền lành mà hay đổ quạu. Hà tiện hà tặn. Qua mùa cày bừa thì làm thêm nghề thợ mộc, thợ đóng cối xay.

Không ai thuê mướn thì họ đan lờ, thả câu cắm. Đang làm ăn ngon lành thì ngã ra chết. Thật vô lý, khoẻ như trâu, bắp thịt nổi cuồn cuộn như vậy mà cảm thương hàn mới bốn ngày đã nhập lý, lưỡi đen, măn giường măn chiếu rồi chết. Còn ai lo hương khói? Từ chiều mai bàn thờ này sẽ lạnh tanh. Bà rút một cây hương châm vào ngọn đèn rồi cắm vào bát hương.

Bức tranh thờ viết chữ Thọ có vẽ hình bông hoa lồng trong nét bút. Hai hàng câu đối chạy hai bên. Bức tranh đã phủ nhiều bụi. Bà cầm đèn đi xuống nhà dưới. Cây cột bằng tre già láng bóng. Bao nhiêu bàn tay mồ hôi đã rờ lên nó. Có nhiều vết dao băm lên thân trẹ Đó là vết dao của thằng Xang chơi nghịch băm lên khi nó lên sáu tuổi. Bà chỉ sinh được mình nó. Khi cha nó chết, nó thay cha cầm cày. Tánh tình ít nói. Bà bảo nó:

– Mày có thương con Bằng, con bà Câu Qua thì nói. Tao nhờ mai mối đi hỏi cho.

Nó lùng bùng:

– Ai thương ai nhớ gì mà đi hỏi.

– Chớ mày thương ai?

– Không thương ai hết.

– Bộ mày muốn đi tu hả? Con trai lớn thì phải kiếm vợ. Nhà không ai, mày cưới vợ để đỡ đần chân tay.

– Mẹ muốn thì mẹ đi cưới lấy.

Bà la lên:

– Thằng này nói dại. Tao cưới vợ cho tao làm gì?

Tuy la lối nhưng bà cảm thấy an tâm. Mười tám tuổi mà không biết mê gái, không biết soi gương vuốt tóc thì nó sẽ là đứa con có hiếu. Mười đứa con bất hiếu thì hết chín là đồ mê gái. Có mê gái mới bỏ mẹ bỏ cha.

Bà yên tâm gởi tuổi già vào một thằng con chỉ biết cặm cụi sau đuôi bò, chỉ biết tính toán buổi cày công cấy, chỉ biết vác cuốc dọn bờ hay cầm liềm đi cắt cỏ.

Tiếng thằng Xang chầm chậm:

– Sắp sửa đi quân dịch mà còn nói chuyện cưới vợ.

– Thì mày cưới vợ rồi đi. Để vợ mày ở nhà với tao.

Xang xì một tiếng:

– Có đứa con gái nào chịu dại vậy.

Đến tuổi, thằng Xang đi quân dịch. Đôi bò bán rẻ cho ông Xã Xu. Thôi đợi ngày mãn dịch nó về thì sắm lại đôi khác. Bây giờ không có nó ở nhà thì ai chăn? Bà đi quơ cỏ mướn, cấy thuê kiếm ăn qua quýt đợi ngày con về. Bốn tháng, sáu tháng. Mỗi tháng trông đợi dài bằng năm. Cây xoan trước cổng nở hoa vào lúc nó ra đi bây giờ lại nở hoa. Phải một kỳ nở hoa nữa thì nó về. Con tu hú báo hiệu mùa múi giẻ chín. Phải một mùa tu hú kêu nữa thì nó về. Cây ổi xá lị nó xin giống ỏ đồng Tròn về trồng năm kia, năm nay đã ra được hai trái. Sang năm nó về thì ổi sẽ chín đầy cành. Tha hồ nó mừng. Để đi hỏi con Bằng cho nó. Muốn hay không muốn thây kệ. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Giao cho vợ chồng nó ở căn nhà ngang. Bắt vợ nó nuôi thêm vài con heo. Bằm rau và chuối cho heo ăn. Rong ở dưới bàu ông Chỉ xanh dờn.

Giữa lúc bà tính nhẩm ngày về của con, vừa dự toán công việc làm ăn thì có tin thằng Xang bị phục kích chết ở Phù Cát. Chết! Chết! Cái chết đợi con người ở mút đường đi. Có người đi đường dài, người đi đường ngắn. Thời bây giờ lũ nhỏ đi đường ngắn.

Đám ma rốt cuộc chỉ có người già khóc lóc đi đưa. Tre khóc măng. Đến chừng tre ngã thì hết nghe tiếng khóc. Con gái làng đến tuổi không còn con trai đi cưới. Chúng tản mát chạy về thành phố kiếm công ăn việc làm và kiếm chồng.

Những thế hệ nối tiếp nhau nằm an nghỉ trên đầu núi. Tội nghiệp, thằng Xang thằng Sách thiếu mặt. Thằng Sách nằm ở doi núi Hưng Thạnh chẳng biết mặt nhìn ra ghềnh ráng hay nhìn về An Khệ Thằng Xang của bà thì không khéo mồ mả đã san bằng mặt đất bởi nước lũ mưa ngàn. Những đêm sáng trăng chắc có con cọp ngồi rình mồi bên cạnh hòn đá giằn đầu mộ.

Ba đứa đó hồi nhỏ chăn bò một gò, tắm bò một bến. Ngồi kết từng cái lá mít chẳm làm mão ông tướng, ông vua rồi tét lá chuối làm râu. Tụi nó mang râu đội mão cầm giáo hát bội, nhảy múa hò hét suốt ngày dưới chòm táo nhơn cạnh nhà ông Hương Trưởng. Tụi nó đánh đáo, đánh mạng, đánh lú dưới bóng cây gạo. Tháng Bảy tháng Tám bông gạo nở đỏ mùi hăng thúi cả vùng. Ba đứa lớn lên, đứng cạnh nhau trên một sân gặt. Những cánh tay giơ cao bó lúa to, đập thình thịch xuống chồ tre, hột lúa tung rào rào, rơi lộp bộp trên nón. Ba đứa thường gặp mặt nhau trên một đám đất, cuốc gốc mía phầm phập, cuốc cỏ bắp sào sạo. Ba đứa thương nhau như ba anh em, kể từ ngày chung nhau bài hát “Tôi có nuôi một con chó. Trông nó to như con bò. Mai nó kêu quấu quấu quấu. Mốt nó kêu quầu quầu quầu”, hát trật giọng sai nhịp, cho đến khi lớn, riêng tư mỗi đứa nghĩ về một người con gái.

Bây giờ thì ba đứa đó đều ngã xuống hết, mỗi đứa một cách, mỗi đứa một nơi, nhẹ nhàng, gọn gàng như ba thân chuối bị phạt ngang bởi lưỡi rựa bén. Những đứa con trai! Trong thôn không còn những đứa con trai. Gồng gánh đùm túm chỉ có đàn bà và và con nít. Tiếng một con ễnh ương gào to lên làm bà Xụ giật mình.

Bà bưng đèn đi thẫn thờ từ nhà bếp lên nhà trên. Mùi khói nhang nhắc nhở những ngày ấm cúng. Bây giờ thì lạnh lẽo. Ngày mai còn lạnh lẽo hơn nữa. Mỏi mệt ở nơi sống lưng. Mỏi mệt ở hai dầu gối. Bao nhiêu công lao, bao nhiêu nhọc nhằn mới làm nên cái nhà này. Từng gánh đất ruộng gánh đổ chồng chất hàng mấy tháng trời mới làm được cái nền nhà này. Vợ chồng ra công gánh, chiều mát và đêm trăng. Có tiếng con chim sơn ca hát rung rinh ở đỉnh đầu. Có ngọn gió nồm thổi ngã ngọn cỏ. Rồi sau đó chan chát tiếng chàng tiếng đục, cắt cưa bào khoét, cây cột cây kèo, cây xà cây trình. Rồi rui rồi mè, rồi mầm tri rồi rơm nhào với đất bùn, rồi từng tấm tranh chụp lên, rồi sắp nóc. Chồng bà hiện diện ở khắp nơi trên mái, ở dưới nền, mồ hôi chảy thành dòng ở giữa ngực. Bó lạt tre cặp ở lưng quần, chân giẫm nhèn nhẹt vào đất rơm, tay nổi gân siết từng nuột dây, nuột nứa. Bà thì quần xắn đến tận đùi hết gánh đất đến trộn rơm, hết nấu nước pha trà đến quằn vai vác tre khiêng gỗ. Ngày êm ả tiếp theo ngày ngọc nhằn, nằm trong nhà nghe mưa rơi rào rào trên mái, nghe gió rít từng luồng vật vã ở bờ tre.

Nghĩ đến đây, bà oà khóc thành tiếng. Con chim bìm bịp cất giọng trở canh. Tiếng chim vang từ bụi rậm ở bờ ao, lanh lảnh rền xa trong bầu không khí vắng yên mát lạnh. Bà Thủ Hai luồn tay đẩy cánh cổng tre bước vào sân, vào nhà. Sự yên lặng rờn rợn. Bà đi lại gần lay bà Xự.

– Dậy! Chị. Mờ sáng rồi.

Mơ hay tỉnh đây! Mình hiện giờ ở đâu? Ở trong quận hay còn ở nhà? Hay đã chết rồi? Ông Xự ơi!

– Dậy gánh đồ đi chị.

Gánh đồ đi. Thế nghĩa là nỗi khổ cực đang tiếp tục. Nó bị ngắt quãng bời một giấc ngủ chập chờn, đầy mộng mị, bây giờ nó lại tiếp tục.

– Mẹ con con Bao và ông Trùm Đẹt đi cùng một chân với mình. Họ ngồi chờ ở ngoài đường.

– Mời họ vô nhà.

– Thôi, ăn uống gì mà vộ Đi rửa mặt đi. Chà, gồng gánh gì mà nặng dữ. Cửa ngõ nhà sau đã gài đóng kỹ chưa?

– Dạ, gài tấn kỹ rồi chị.

Gáo nước khua lổn cổn vào thành chum. Tiếng nước sóng sánh quen thuộc, lạch tạch rơi xuống đất. Bàn tay vốc nước lã lên mặt. Mỏi mê ở cổ. Cay nơi con mắt. Bà Thủ Hai quảy dùm gánh ra sân.

– Cái nón đâu? Coi còn thiếu món gì không? Đóng cửa gài then lại cho chắc chắn.

Tiếng cánh cửa gỗ đóng “két”, nặng và dài. Chùm lục lạc cột ở khuy cửa khua rủng rẻng. Toàn là những tiếng quen thuộc, những tiếng quen nghe từ hai mươi năm, hai mươi năm nay. Những bụi ớt. Giàn mồng tơi. Đụn rơm. Cây mít còn ôm ấp những mảnh bóng tối. Cây ổi xá lị của thằng Xang. Bà quay mặt đi không dám nhìn nữa. Cái gánh đè lên vai. Thôi tụi bay ở lại. Má đi chắc không về. Tụi bay sẽ héo, sẽ khô không còn ai tưới nước cho tụi bay nữa. Tha hồ những con chim sẻ, những con chim quành quạch đục rỉa tụi bay. Má đi chắc không về nữa.

 

Nguồn: http://www.vn.net/article.php/20060626070151318

Comments are closed.