Tiểu sử và tác phẩm
Trùng Dương, tên khai sinh là Nguyễn Thị Thái, sinh năm 1944 tại Sơn Tây, di cư và lớn lên tại Miền Nam từ 1954. Nguyên là chủ nhiệm-chủ bút nhật báo Sóng Thần (Saigòn, 1971-75), và là tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện dài, biên khảo, phóng sự, minh hoạ, và một vở kịch ba màn, Các Con Tôi Đã Về (1978). Tị nạn cộng sản tại Hoa Kỳ từ 1975. Trở lại trường học và tốt nghiệp cử nhân và cao học ngành báo chí, công quyền và các vấn đề quốc tế, Đại học Tiểu Bang California, Sacramento. Fulbright Fellow, niên khoá 1990-91 tại Hong Kong, nghiên cứu về các vùng kinh tế đặc biệt (special economic zones) của Trung Cộng trước khi nước này mở tung mọi cửa ngõ đón nhận nền kinh tế thị trường. Từ 1991-93, phóng viên cho tờ The Mountain Democrat, Placerville, Calif.; sau đó về cộng tác với nhật báo The Record, Stockton, Calif., làm copy editor rồi trưởng thư viện tin tức (chief news librarian, archivist & researcher) từ 1993 tới khi về hưu năm 2006.
Các tác phẩm văn chương đã xuất bản trước 1975: Văn xuôi: Vừa Đi Vừa Ngước Nhìn, tập truyện (Khai Trí, 1966); Mưa Không Ướt Đất, tập truyện (Văn, 1967); Cơn Hồng Thủy và Bông Hoa Quỳ (Trình Bầy, 1968); Chung Cư, tập truyện (Tân Văn, 1971); Một Cuộc Tình, tập truyện (Tân Văn, 1972); Lập Đông, tập truyện (Văn, 1972); Thành Trì Cuối Cùng, truyện dài (đăng từng kỳ trên nhật báo Thần Phong, Saigòn, khoảng 1970-71, chưa in thành sách); Những Người Ở Lại, truyện dài (đăng từng kỳ trên nhật báo Sóng Thần, 1973, chưa in thành sách). Văn dịch: The Prophet (dịch Kahlil Gibran, đăng rải rác trong một số tạp chí, 1968-70); Ngàn Cánh Hạc (dịch Kawabata Yasunari, Trình Bầy, 1969); Đường Về Trùng Khánh (dịch Han Suyin, chung với Hồ Hải Nguyễn Vũ Thiện, không nhớ tên nhà xuất bản, khoảng 1970); Người Đàn Bà Trong Cồn Cát (dịch Kobo Abe, An Tiêm, 1971).
Từ sau 1975, viết nhiều thể loại và đăng báo, nhưng chưa xuất bản thành sách.
Nhà văn nữ trước 1975: Trùng Dương
Nguyễn Ngọc Chính
Tôi xếp Trùng Dương [1] là nhà văn nữ cuối cùng trong loạt bài về “ngũ hổ tướng” vì nhiều lý do. Thứ nhất, viết về Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng và Nguyễn Thị Thụy Vũ tương đối dễ dàng hơn là về Trùng Dương, người vốn được mệnh danh là lá cờ đầu của chủ nghĩa hiện sinh trong giới nhà văn nữ của Sài Gòn trước 1975.
Thứ nhì, Trùng Dương vừa là nhà văn vừa là nhà báo nên xếp vào danh sách 5 nhà văn nữ có phần khiên cưỡng. Mới thoạt nhìn, nhà văn và nhà báo “tuy hai mà là một” nhưng xét cho cùng lại thấy “trông thì một nhưng lại dứt khoát là hai”. Một người viết văn hay chưa chắc là nhà báo giỏi, nhưng xuất phát từ một nhà báo bình thường vẫn có cơ hội trở thành một nhà văn nổi tiếng.
Hơn nữa, người ta thường quan niệm làm báo chỉ là hành “nghề” trong khi đó viết văn lại là cái “nghiệp”. Ở trường hợp Trùng Dương có phần đặc biệt, xuất phát từ một nhà văn và sau này lại bước sang làm báo, xin nhấn mạnh “làm báo” chứ không phải “viết báo”.
Trùng Dương
Như đã viết trong bài Báo chí thời VNCH (1) (http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/10/bao-chi-sai-gon-thoi-vnch-1.html), nhà văn nữ Trùng Dương nổi lên như một “người làm báo” với chức danh Chủ nhiệm tờ Sóng Thần là một hiện tượng lạ trong làng báo miền Nam dù trước đó cũng có Bà Bút Trà làm chủ tờ Saigon Mới. Báo của Bà Bút Trà thuộc loại bình dân, nếu không nói là “lá cải”, nhưng Sóng Thần của Trùng Dương lại là tờ báo theo đúng nghĩa của báo chí.
Trong bài phỏng vấn của Lê Quỳnh Mai, Trùng Dương cho biết: “Khi viết báo, tôi tôn trọng dữ kiện, sự chính xác. Khi viết văn, tôi để óc tưởng tượng của tôi thở, sống, ‘theo chân mây’, như tựa một cái truyện ngắn viết trước 1975, thay vì nhốt nó ở đâu đó. Ở cả hai bộ môn, văn chương và báo chí, chân thực là điều căn bản, nhất là sự chân thực trí thức”.
Khởi đầu Sóng Thần là cơ quan ngôn luận của nhóm chống tham nhũng Hà Thúc Nhơn, tên một đại úy y sĩ đã bị sát hại vào năm 1970 trong khi đơn thương độc mã chống tham nhũng trong chính quyền. Nhóm này còn có bác sĩ Phạm Văn Lương, giáo sư Nguyễn Liệu, Hà Thế Ruyệt, Phan Nhự Thức, Uyên Thao, Lý Đại Nguyên.
Theo Trùng Dương, Sóng Thần được hình thành là do sự đóng góp tiền bạc dưới hình thức mua cổ phần của các cổ đông và độc giả. Tờ báo do Trùng Dương đứng tên làm chủ nhiệm và Chu Tử làm chủ biên. Ngoài những thông tin thời sự, bình luận thời cuộc, xã hội,Sóng Thần còn có những mục giải trí, trong đó có việc đăng tải những tiểu thuyết nhiều kỳ (feuilleton) của Nguyên Vũ, Cung Tích Biền, Nguyễn Thụy Long, Vũ Ngọc Đĩnh, Hoàng Hải Thuỷ…
Điều hành công việc tòa soạn có Uyên Thao, với tư cách tổng thư ký; phụ trách về trình bầy và dàn trang, lo in ấn có các hoạ sĩ Đằng Giao, Huy Tường và Vị Ý. Thành phần biên tập, bình luận và nhiếp ảnh có Vũ Ánh, Đỗ Ngọc Yến, Lý Đại Nguyên, Đường Thiên Lý, Lê Thiệp, Dương Phục, Nguyễn Tiến Sơn, Lê Thị Bích Vân, Anh Điển, Nguyễn Tân Dân, Chóe (Nguyễn Hải Chí), Hùng Phong, Nguyễn Tuyển, Thục Viên, Triều Giang, Chu Vi Thủy, Vũ Ngọc Long…
Trùng Dương còn mời thêm hai nhà văn nữ Túy Hồng và Nguyễn Thị Thụy Vũ tham gia viết bài và trong danh sách “khách mời” còn có Nhã Ca và Nguyễn Thị Hoàng nhưng chưa thực hiện được thì biến cố năm 1975 ập đến.
Trùng Dương xác nhận: “Cả bốn chị đều là những nhà văn có nhiều sách truyện đã xuất bản và được nhiều người biết tới và đọc, khác với tôi, một người viết truyện ‘xuân thu nhị kỳ’, như chủ bút Văn dạo ấy, Trần Phong Giao, đặt cho tôi, có thể vì tôi luôn có những sở thích khác lôi cuốn mình, không chỉ mình văn chương”.
Trong những tác phẩm thuộc loại ‘xuân thu nhị kỳ’ ấy, người ta chú ý đến Mưa không ướt đất (1967) và Lập đông (1972) với những tư tưởng ‘nổi loạn’ của các nhân vật theo trào lưu ‘hiện sinh’ [2] của Jean Paul Sartre [3] rồi đến Franҫois Sagan [4]. Cũng vì thế, người ta phong cho Trùng Dương danh hiệu ‘hiện sinh’ trong số các nhà văn nữ ở miền Nam.
Qua chủ nghĩa hiện sinh, người miền Nam làm quen với những khái niệm ‘dấn thân’, ‘chọn lựa’, ‘nguỵ tín’ trong văn chương. Về phần nhà văn theo chủ nghĩa hiện sinh, nhiều câu hỏi được đặt ra: viết là gì? viết để làm gì? viết cái gì? viết thế nào? Nhưng quan trọng hơn cả là viết cho ai?
Rõ ràng là những nhà văn, nam cũng như nữ, nếu không theo trường phái hiện sinh thì truyện của họ được quảng đại độc giả đón nhận, sách của họ được nhiều người mua đọc vì những tác phẩm đó đi sâu vào đời thường như hơi thở và người đọc không nhất thiết phải suy nghĩ khi bỏ sách xuống. Đó là những trường hợp của Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, những nhà văn nữ đã một thời làm mưa làm gió trên văn đàn.
Ở trường hợp Trùng Dương lại khác. Câu hỏi viết cho ai hầu như có câu trả lời cũng khác. Sách và truyện của Trùng Dương và các nhà văn hiện sinh khác hình như đặt nhẹ vấn đề đối tượng độc giả, hay nói khác đi, họ chọn nhóm đối tượng độc giả hạn chế, những người đọc để suy nghĩ chứ không đọc để đơn thuần giải trí. Đó cũng là lý do Trùng Dương kém nổi tiếng hơn 4 đồng nghiệp nói ở trên.
Nguồn: http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/11/nha-van-nu-truoc-1975-trung-duong.html
Trùng Dương qua nét bút của họa sĩ Chóe
Theo nhà văn Hồ Nam, “Để có được ‘Mưa không ướt đất’, Trùng Dương phải đem cả cuộc đời con gái, đem cả tương lai của một cô kiến trúc sư sắp ra trường đánh cược lao vào cuộc ‘cá cược’ với tất cả sự đam mê rất là thơ ngây – kết quả, Trùng Dương đã được sống đến tận cùng cảm giác xác thịt, và phải trả giá, nhưng đã ‘nắm bắt’ được tác phẩm văn chương. Và như thế, kể ra cũng quá đủ với một người cầm bút”.
…
“Dù cái mục đích văn chương của Trùng Dương chỉ là để trả hận để chửi xéo người tình cũ; nhưng ai cũng phải thừa nhận tác giả ‘Mưa không ướt đất’ có tài văn chương, dám sống thực, dám viết, dám đem những trải nghiệm bản thân ra giãi bầy với thiên hạ bằng chữ nghĩa – quả văn tài Trùng Dương đã chinh phục được người đọc”.
Trong Văn học Miền Nam, Võ Phiến gán cho Trùng Dương danh hiệu “người của suy tư”.Quả đúng như vậy. Trong số các tác phẩm của 5 nhà văn nữ, truyện của “người suy tư”bao giờ cũng “khó đọc” nhất vì nó đòi hỏi người đọc cũng phải suy tư theo lối suy tư của người viết.
Trùng Dương tại Pháp, 2009
Trong Mưa không ướt đất cái khó đầu tiên của người đọc là khó nhớ tên của quá nhiều nhân vật xuất hiện ngay từ đoạn đầu: Thư “tính nết cứng cỏi, hơi lạnh nhạt, mặc dù vẻ dịu dàng của những đường nét trên khuôn mặt và thân hình” và người tình cũ Cương thì “yếu ớt, hơi giống con gái, mặc dù nhiều lúc anh tỏ ra là một người trầm tĩnh – thực ra, Cương thiếu tính chất nóng nảy của một người đàn ông thật sự và vì người anh quá mảnh khảnh”. Thư sống như một con mèo hoang thì Cương khép mình trong khuôn khổ mực thước, hoàn toàn lệ thuộc gia đình.
Nhân vật Duẩn có những suy nghĩ:“…tôi đã gặp nhiều cô, nhưng họ làm tôi thất vọng. Tôi mong lấy được một người vợ làm cô giáo, làm cô giáo thì hẳn là biết dạy con hơn…”. Mỗi lần gặp Duẩn, Thư có ý nghĩ “thấy anh béo hơn và giễu hơn – phải chăng những người béo thường hay giễu? Thư không tin như vậy. Ông cụ nàng béo, nhưng ông chẳng giễu bao giờ. Lúc nào cũng lầm lì!”
Rồi lại xuất hiện Khánh, Phấn… có đến hơn nửa tá nhân vật khiến người đọc cứ rối tung lên. Thế cho nên, đọc Trùng Dương là phải đọc giữa hai dòng chữ (read between the lines), đọc sự suy tư của tác giả là chính.
Ngôn ngữ trong truyện của Trùng Dương cũng lạ lẫm. Thư nói chuyện với Duẩn bằng một thứ ngôn ngữ của lớp người trẻ ảnh hưởng vì lối sống mới và lối suy nghĩ theo kiểu hiện sinh:
“- Nhiều khi tôi có ý nghĩ giá đừng học, đừng đọc nhiều, mình lại sống dễ hơn. Suy nghĩ lắm đầu óc đâm trì trệ. Lỡ rồi, đành chịu. Tôi có con, sẽ để nó sống hồn nhiên, như cây cỏ… Nói vậy, cũng khó làm như mình muốn. Có thể, rồi thế hệ con mình sẽ khác, không như bọn mình. Nhiều lúc tôi có cảm tưởng thế hệ bọn mình sinh ra để chịu một cuộc thí nghiệm…
– Thư nói như thể là Thư sắp có con rồi ấy!
Thư bỗng im, xúc động. Một lát nàng cười nhẹ:
– Tôi sắp có con thật, chẳng phải ‘như thể’ đâu.
Duẩn không tin. Thư cảm thấy không thể không bộc lộ niềm vui vẫn lo âu của mình với Duẩn.
– Không tin tôi nói thật à? Hai tháng rồi…
Thư nói giọng run run, nhưng vẫn cố giữ vẻ bình tĩnh. Duẩn nhìn Thư, vẻ ngạc nhiên pha lẫn nét vui mừng trên khuôn mặt. Anh đặt tay lên bụng Thư giản dị, tự nhiên như Thư là người yêu của anh, và dường như đó là điều anh mong đợi.
– Thế… sao trông Thư… tỉnh thế?
Hỏi xong, Duẩn mới thấy mình có vẻ ngây ngô. Giọng Thư ráo hoảnh, thật nhỏ:
– Không tỉnh, thì say à?
Thỉnh thoảng Trùng Dương còn dùng thủ pháp để cho các nhân vật độc thoại. Chẳng hạn như đoạn viết về Duẩn: “Thực ra, tôi ngao ngán quá đấy thôi, ngao ngán hơn cả là mỗi bữa cơm tôi về nhà, thấy mâm cơm úp lồng bàn phần tôi trên bàn và mẹ tôi đi với một trăm hai chục quân [đánh chắn, một loại bài người Bắc hay chơi – chú thích của NNC], thằng em mười bốn tuổi bỏ đi lang thang.
Chẳng có gì giữ tôi ở trong gia đình cả. Tôi cũng thiếu một cái điều mà tôi cho là đẹp và đáng theo đuổi ở ngoài đời. Tôi đi dạy như một cái máy, mê học trò con gái (một cách thầm kín cố nhiên vì bắt buộc thế) như một cái máy và không thấy điều đó là quan hệ, lê la các tiệm cà-phê quen tán dóc với tụi bạn như một cái máy, và đây chính là điều tôi cần. Duẩn nốc cạn ly ba ba, nhìn người con gái đối diện, đôi mắt cận thị không đeo kính – (Duẩn kỵ đeo kính cận) – hồn buồn bã…”
Đoạn độc thoại trên khiến người đọc nghĩ đến Buồn nôn (La Nausée) của Jean-Paul Satrevà đoạn đối thoại trước đó có gì đó hao hao giống Franҫois Sagan trong Buồn ơi chào mi (Bonjour tristesse). Cả hai nhà văn hiện sinh này đã có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến các cây bút niền Nam trong thời kỳ 1960-1970.
Trùng Dương
Trong tập truyện Lập đông (1972) gồm nhiều truyện ngắn, Trùng Dương áp dụng nhiều thủ pháp mới, chẳng hạn như những đối thoại của nhiều người nhưng lại không giải thích ai nói câu nào, người đọc chỉ biết mỗi lần xuống dòng là ý của một người khác:
“Thèm làm một chuyến đi xa ghê. Hôm nào phải tổ chức đi một tuần cả bọn chứ?
Một tuần ít quá. Nửa tháng mới đủ.
Thì cứ đi, nửa chừng, người nào muốn về cứ việc lẳng lặng về, người nào muốn ở lại thì ở lại.
Đi vài ngày thì cũng phải thu xếp công việc cả tuần trước…
Đi thì phải đi có đôi, chứ đi một mình hay mấy thằng với nhau, chán bỏ mẹ!
Mỗi kỳ lập đông mình đều có một kỷ niệm, không biết kỳ này có gì đây?
Lập đông! Miền Nam làm quái gì có tiết lập đông mà đòi!
Thì cứ tạm cho là như vậy đi. Chết ai chưa? Sao khó vậy?
Người ta thường ở một chỗ và nghĩ và thèm về một chỗ khác…
Lập đông! Nhớ những ngày lập đông ở ngoài kia chi lạ…”
Lại thêm một thủ pháp mới nữa: nhân vật trong Giáng sinh bên kia sông cũng là những người không tên, thay vào đó là Hắn, Nàng, Người bạn, Người đàn bà…
“Để râu trông già quá, hỉ?
Hắn nói xong cười sực sực làm cả thân hình rung lên, rồi hắn nghiêm ngay nét mặt lại, vẫn xoa xoa bàn tay trên những sợi râu, nói:
“Mấy hôm nay, tôi trông bà quá. Hôm qua có việc đi về Quảng Nam, tôi có tạt qua Hội An đi vơ vẩn hy vọng gặp bà với cái áo dài màu nâu”.
“Nếu gặp, làm sao anh nhận ra tôi được?”
Nàng nghịch ngợm hỏi.
“Tự nhiên, tôi nghĩ là tôi sẽ nhận ra được. Chỉ tại không gặp đó thôi”.
Hắn nói xong rồi lại bật cười sực sực. Nàng thu hai tay vào áo lên nói một câu không cần thiết:
“Trời lạnh quá. Mưa, lạnh và khung cảnh ở đây làm tôi nhớ đến miền Bắc. Lâu lắm rồi mới lại sống lại một Giáng sinh có tiết trời lạnh như thế này. Thực tình thì tôi nhớ rất ít về nơi tôi đã sinh ra”.
…
“Nàng đã thấy chán ở một chỗ. Nàng muốn đi đây đó. Nàng bày tỏ ý định đó với một đôi người bạn thân, lúc rối loạn như thế này, không nên đi làm gì, nhất là lại đi chỉ vì thích, và theo họ, không ở đâu bằng ở thủ đô. Nàng đáp: Chính vì thế mà nàng muốn đi. Có nhiều cái nàng muốn thấy, muốn xem, muốn cảm. Để làm gì, chính nàng cũng không biết. Chỉ biết rằng, nếu phải chôn chân mãi một chỗ thì nàng sẽ cuồng điên lên mất.
Mỗi ngày với bấy nhiêu hình ảnh phố xá; với bấy nhiêu những con đường giờ ấy là giờ kẹt xe, bụi bay mờ mắt cả tâm trí làm con người cáu bẳn hay nhẫn nhịn đến vô hồn; với bấy nhiêu khuôn mặt bạn hữu tâm tình quen thuộc (mặc dù biết vậy mà vẫn chẳng thể đóng cửa nằm im trong nhà vùi đầu vào sách vở đôi-khi-bỗng-mất-hết-mọi-vẻ-hào-quang-mầu-nhiệm-của-chúng – sao không có lúc như vậy chứ; dù sách vở vẫn là người bạn thân yêu nhất của nàng? Và dù đó là một người tình duyên dáng đáng yêu, sao không khỏi có lúc thấy chán mứa và mơ tưởng đến những chân trời khác?)”.
Tài viết thư tình của Trùng Dương cũng khá đặc sắc, cả về lời văn lẫn ý tưởng. Dưới đây là bức thư của người con gái gửi cho người tình đã chia tay trong truyện ngắn Qua cơn nắng lửa:
“Miền biển, ngày 29-3
Anh,
Đây là lá thư thứ mấy, không biết nữa, em viết cho anh mà không gửi. Nhưng em cảm thấy không thể không viết cho anh. Đôi khi em thu hết can đảm để bỏ một lá thư vào phong bì, đề tên anh, dán tem và quyết định mang đến bưu điện cùng với những lá thư khác. Nhưng kết quả là em lại trở về với lá thư định gửi cho anh còn lại trong xắc tay. Em lại xé lá thư ra, đọc lại và xếp vào một chỗ. Rút cục, em làm sưu tập chính những lá thư em viết cho anh.
Đôi khi em nghĩ một cách khôi hài là biết đâu em sẽ trở thành điên như người đàn bà em gặp trên bãi mỗi ngày và người ta sẽ lục được xấp thư có vết gấp mà không gửi kia, người ta sẽ đọc, người ta sẽ xuất bản và cuối cùng, chúng đến tay anh không do quyết định của em để anh chua xót chơi, để anh ân hận chơi. Nhưng, cố nhiên, như em đã nói, đó chỉ là một ý nghĩ khôi hài thôi.
Mình điên được, đâu phải dễ, nhất là lại điên vì tình. Vậy mà mình vẫn khổ, vẫn đau, vẫn bị dằn vặt, ray rứt cho được, mới lạ chứ! Và trong khi đó, mình vẫn có cả chục lý do để biện minh cho sự căm lặng của tình mình. Buồn cười thật, phải không anh? Và cũng khó hiểu và khó chịu thật, phải không anh?”
Một trong những thế mạnh của các nhà văn nữ là vậy. Họ rất giỏi trong việc viết thư tình, nhất là những khi… thất tình. Cả 5 nhà văn nữ – Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ và Trùng Dương – đều có những bức thư tình ướt át, đau khổ của các nhân vật nữ mà các nhà văn nam thường không thể nào viết hay hơn.
Đó cũng là một trong những lý do tại sao các nhà văn nữ chiếm một ngôi vị, dù rất khiêm tốn, trong làng văn của miền Nam, thời VNCH.
***
Chú thích:
[1] Trùng Dương, tên khai sinh là Nguyễn Thị Thái, sinh năm 1944 tại Sơn Tây, di cư vào Nam và lớn lên tại Sài Gòn từ 1954. Nguyễn Thị Thái nổi danh rất sớm, qua hai sáng tácVừa đi vừa ngước nhìn và Mưa không ướt đất. Sau thời gian du học Hoa Kỳ trở về, bà đứng tên Chủ nhiệm báo Sóng Thần (1971-1975) mà nhóm chủ biên gồm nhà văn Chu Tử và nhà báo Uyên Thao.
Nhật báo Sóng Thần – đúng với danh xưng của nó – mang đến những đợt sóng dư luận chấn động miền Nam, như việc khai quật những xác nạn nhân chôn vùi tập thể ở Huế và Quảng Trị trong mùa xuân 1968, phong trào chống tham nhũng của Linh mục Trần Hữu Thanh, phong trào đòi tự do báo chí với những đợt công kích Luật 007, ngày ký giả đi ăn mày, và nhất là những cuộc tịch thu báo mới in xong, không cho phát hành, nhằm bóp chết sự sống các cơ quan ngôn luận chống chính quyền. Ðó là chưa nói đến việc truy tố chủ nhiệm và các ký giả, nhà văn ra tòa.
Dù bị áp bức, trù dập, Sóng Thần không chịu khuất phục trước thủ đoạn và sự trấn áp của nhà cầm quyền lúc đó. Trùng Dương, Uyên Thao cùng nhóm chủ biên Sóng Thần(nhà văn Chu Tử đã rút lui vì lý do riêng) tiếp tục cuộc tranh đấu cho tự do báo chí.
Trùng Dương là tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện dài, biên khảo, phóng sự, minh hoạ, và một vở kịch ba màn, Các con tôi đã về (xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1978). Rời Việt Nam từ 1975, Trùng Dương tốt nghiệp cử nhân và cao học ngành báo chí, công quyền và các vấn đề quốc tế, Đại học Tiểu bang California, Sacramento, làm phóng viên cho tờ The Mountain Democrat, Placerville, Calif., từ 1991-1993; sau đó về cộng tác với nhật báo The Record, Stockton, Calif., làm copy editor rồi trưởng thư viện tin tức (chief news librarian) từ 1993 tới khi về hưu năm 2006.
Các tác phẩm văn chương đã xuất bản trước 1975:
Văn xuôi:
· Vừa đi vừa ngước nhìn, tập truyện (Khai Trí, 1966);
· Mưa không ướt đất, tập truyện (Văn, 1967);
· Cơn hồng thủy và bông hoa quỳ (Trình Bầy, 1968);
· Chung cư, tập truyện (Tân Văn, 1971);
· Một cuộc tình, tập truyện (Tân Văn, 1972);
· Lập đông, tập truyện (Văn, 1972);
· Thành trì cuối cùng, truyện dài (đăng từng kỳ trên nhật báo Thần Phong, Saigòn, khoảng 1970-71, chưa in thành sách);
· Những người ở lại, truyện dài (đăng từng kỳ trên nhật báo Sóng Thần, 1973, chưa in thành sách).
Văn dịch:
· The Prophet (Kahlil Gibran, đăng rải rác trong một số tạp chí, 1968-1970);
· Ngàn cánh hạc (Kawabata Yasunari, Trình Bầy, 1969);
· Đường về Trùng Khánh (Han Suyin, chung với Hồ Hải Nguyễn Vũ Thiện, 1970);
· Người đàn bà trong cồn cát (Kobo Abe, An Tiêm, 1971).