Thế là chị ơi, rụng bông gạo đỏ

Châu Diên

Nhà văn Đoàn Lê đã vĩnh biệt bạn đọc và những người yêu mến mình vào hồi 3 giờ chiều ngày 6 tháng 11 năm 2017 sau một thời gian bệnh nặng. Bà đã tham gia Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam từ những ngày đầu tiên. Trong lúc bà bệnh, người ta đã tới nhà gây sức ép để bà viết giấy tuyên bố rời bỏ tổ chức này vì nó đã “nhận tiền của bọn phản động nước ngoài”, song bà kiên quyết từ chối, và chỉ viết một lá thư xin rút tên vì lý do sức khỏe. Văn Việt xin chia buồn với nhà thơ Đoàn Thị Tảo và tang quyến, và trân trọng giới thiệu với bạn đọc những dòng cảm xúc của nhà văn Châu Diên (Phạm Toàn), một người bạn lâu năm của gia đình Đoàn Lê.

Văn Việt


anh-nha-van-doan-le-anh-tu-lieu_oika

Đoàn Lê đã ra đi hôm qua hồi 3 giờ chiều. Một bạn trẻ rất ngưỡng mộ Đoàn Lê nhắn tin cho tôi. Trước đó vài bốn ngày, một nhà văn năm nay 84 tuổi cũng mấy lần hồi hộp gọi điện cho tôi. Mấy người gọi muốn tôi viết chút gì đó về người đàn bà ra đi lúc gần tám mươi tuổi.

Xin có vài hàng tản mạn về Đoàn Lê, gọi là một chút thoang thoảng hoa nhài… Chỉ có thể là những tản mạn không đầu không cuối. Dở dương như cuộc sống nhiều nghệ sĩ một thời đáng yêu và đáng ghét, một thời không nghệ sĩ nào không thể nhập cuộc và cũng không thể không tiếc rẻ.

Ý nghĩ đầu tiên chợt tới lại là thế này: người khóc hết nước mắt lần này không thể là ai khác ngoài nhà thơ Đoàn Thị Tảo. Thế là chị ơi, rụng bông gạo đỏ… Như thể Đoàn Thị Tảo đã hốt hoảng lo sợ tự bao giờ, có một ngày như hôm qua, mồng 6 tháng 11 năm 2017, hồi 3 giờ chiều… Ngày chị sinh, Trời cho làm thơ …

Chỉ một tâm hồn thơ hồn nhiên Giời phú như Đoàn Thị Tảo mới linh cảm được sự ra đi của một người có nhiều nghề, diễn viên, nhà văn viết truyện ngắn và tiểu thuyết, đạo diễn phim truyện, nhưng ở đâu cũng chỉ phảng phất một nhà thơ mặc dù Đoàn Lê có lúc đã thử làm thơ nhưng kịp dừng lại – Đoàn Lê không chịu được những nắn nót đến mất tự nhiên của những con chữ thời thượng vô hồn.

Đoàn Lê …

Nhớ lại, những năm đầu thập kỷ 1960 ấy … Anh Đỗ Thụy, người chồng cực kỳ yêu Lê, người đã có hai con gái với Lê, thủ thỉ khoe với tôi khi xem phim hình như là Một ngày đầu thu của đạo diễn Huy Vân. Một giọng hãnh diện, “Ông xem kìa … cái bụng lùm lùm đóng vai quần chúng …

Hai vợ chồng, hai đứa con, cực kỳ nghèo, ở một căn hộ gần khu phố cổ. Chồng làm nghề phim dèn chiếu. Giời đất ạ, thế giới bắt đầu có tivi đen trắng rồi, mà vẫn còn những nghệ sĩ mang sứ mệnh lăn lộn làm phim đèn chiếu. Có bận Đỗ Thụy phải hỏi tôi “Ông cho mình vay hai đồng…”. Giời đất ạ, cuối thế kỷ 20 rồi, người nghệ sĩ có đáng phải sống vất vả đến thế không?

Rồi sau đó là cuộc chia tay, mà trước đó là mũi dao của anh đàn ông không thể chịu đựng người đàn bà mình tôn thờ chọn con đường khác.

Nhưng cuộc chia tay để dựng lại căn lều với đạo diễn Nguyễn Tự Huy đã mở cho hai người một phương trời nghệ thuật khác hẳn. Đoàn Lê viết kịch bản. Đoàn Lê làm đạo diễn. Cái ý tưởng Làng Vũ Đại ngày ấy đã cùng ra đời tại làng Lủ, nơi có nhà thờ cụ Nguyễn Siêu.

Ít người để ý rằng ở ngôi nhà thờ tổ này, cặp đôi tuyệt đối nghệ sĩ đã có điều kiện bán đất dần dần, để nuôi sống bạn bè, và cũng là một cách “thoát nghèo” và cho ra đời vô số tác phẩm. Sau này, còn Vua Minh Mạng, còn Người chơi xổ số, còn Núi tương tư…

Và còn cả một cuốn tiểu thuyết nữa, về cuộc tranh chấp di sản, nói được vô khối cái “mới” mang cái ruột rất cũ. Cuốn sách viết rất mô-đéc, xen kẽ tự sự và hồi ức, xen kẽ miêu tả đời sống thực với những trầm tư về một ước vọng lớn lao hơn cái bùn lầy tâm hồn. Sách viết xong vẫn chưa có tên truyện. Khi in nó có tên hình như do nhà thơ Dương Tường đặt, Cuốn gia phả để lại, mà ban đầu khi còn ở dạng bản thảo tôi có xui dại Đoàn Lê đặt tên là Tiểu thuyết nhờ bạn đặt tên.

Trên Phây-búc người ta loan tin cho nhau, hối hả như tin trận bão mới thôi gầm rú, và trang trọng hơn báo tin một cái Hội nghị quốc tế sắp khai mạc. Càng không có nghĩa gì so với cái tin một vị Trùm đạo đức đang lăm le mở một cái Viện Đạo đức.

Ý nghĩ về đạo đức chợt đến khi Đoàn Lê nằm xuống. Tại vì có lần Đoàn Lê hỏi tôiL “Anh nghĩ gì về em, vì em bị chê nhiều lắm. Chê tập trung vào việc có nhiều người yêu em…”. Tôi nhớ hình như mình có nói “Lê đeo cái biển Cấm Nhìn mỗi khi đi đâu hoặc Cấm Mê Tơi…

Đoàn Lê vẫn không thoát được ý nghĩ về trách nhiệm để không biết quản lý gia sản nhà Nguyễn Tự Huy để mất dần mất mòn vào tay một cậu “em kết nghĩa”. Cứ mỗi lần ròng rã ba chục năm nhà Lê và Huy túng tiền là lại cắt một khoảnh đất cho “chú em kết nghĩa”. “Chú em” này lại có anh ruột làm chủ tịch xã. Quá trình điển hình tích tụ đất đúng quy trình là đó chứ đâu xa?

Tôi nhớ là chỉ đủng đinh nói với Đoàn Lê, khuyết điểm của Lê ở chỗ khác… Ở đâu? Ở đâu? Con người mới xã hội chủ nghĩa ưa phê bình tự phê bình ấy chồm lên. Tôi nhớ hôm đó trời mưa, tôi thủng thẳng bảo Đoàn Lê: “Lê là người thích được xem đám ma của chính mình, có vậy thôi”.

Lê đã cười như một cô bé lớp 7 vào học trường Điện ảnh khóa đầu tiên năm 1959, “Sao mà anh đoán đúng thế nhỉ!”.

Tiếc thật! Hôm nay ngày mai khi đưa đám Đoàn Lê, người nữ nghệ sĩ đã vẽ những chân dung mình rất to, như là mấy tấm bích họa ấy, nhưng lại vẫn e thẹn che rèm không cho ai nhòm vào tranh tự họa…

Người nghệ sĩ đầy hồn thơ ấy không được thấy em gái là nhà thơ Đoàn Thị Tảo khóc sưng mắt, thấy bè bạn âu sầu im lặng nhẹ tiếng mắt chọn nhìn những bông hoa trắng nõn nà và những bông hoa tím âm thầm trong những vòng hoa tang.

Thế là chị gái của Tảo đã ra đi. Thế là Đoàn Lê đã ra đi. Thế là đã ra đi một Đoàn Lê, nghệ sĩ một cách tuyệt đối, xinh đẹp một cách không bàn cãi, nhà thơ tuyệt đối trong mọi hoạt động nghệ thuật của Nàng.

7-11-2017

Comments are closed.