Can’t we put this behind us? Chúng ta không bỏ qua quá khứ đau buồn được à?

Trần Xuân Thảo

Cũng như mọi năm, năm ấy chúng tôi tổ chức cuộc gặp mặt trong nước cho những ứng viên người Mỹ được tuyển chọn về tham gia Chương trình Trợ Giảng Tiếng Anh (ETA – English Teaching Assistant). Mục đích cuộc gặp là để chia sẻ với họ một đôi nét về văn hoá Việt Nam trước khi đưa họ đến các trường đại học trên khắp cả nước. Họ là những thanh niên đã tốt nghiệp đại học ở Mỹ, có người vừa mới tốt nghiệp. Năm nào cũng vậy, trong số này có cũng có vài ba người là người Mỹ gốc Việt – có người rời Việt Nam từ lúc còn rất bé, có người sinh tại Mỹ. Họ thường rất háo hức cho một năm tham gia giảng dạy tiếng Anh và những trải nghiệm về văn hoá con người trong những ngày tháng tới. Thường thì cuộc gặp kéo dài một đến hai ngày, một ngày nghe chia sẻ và nói chuyện với những đại diện của các đại học Việt Nam đến tham dự. Ngày hôm sau là ngày tham quan danh lam thắng cảnh nơi chúng tôi tổ chức cuộc gặp. Buổi trưa hôm ấy, một trong số họ đến bắt tay tôi và chào bằng tiếng Việt: Xin chào Bác sĩ Thảo! Ở Mỹ, thường sinh viên gọi giáo sư bằng tên, rất hiếm khi họ xưng hô là GS. X hay TS. Y, và thường Dr. X chỉ dành để gọi một bác sĩ y khoa. Bạn ấy muốn gặp riêng tôi 15 phút. Có chuyện cần giãi bày.

Ba của bạn trước tham gia quân đội Việt Nam Cộng hòa và sau 75 thì đi học tập cải tạo 5-7 năm gì đó rồi cả gia đình sang Mỹ theo diện HO khi bạn ấy mới 3-4 tuổi. Và ngay sau khi sang đến Mỹ, ba bạn ấy quyết định cắt đứt tất cả các mối quan hệ với Việt Nam – nói chung không ai được nhắc đến Việt Nam nữa! “Luật” rất nghiêm ngặt, và mẹ bạn chỉ rất thi thoảng lén lút gọi về được cho người thân ở Việt Nam, rất rất hiếm hoi và phải rất lén lút để ba bạn không biết được. Và nếu như hồi còn ở Việt Nam ổng là người rất hoạt bát nói cười chan hoà, thì cũng từ hồi đó ông đóng cửa không gặp ai và sống như một người câm điếc trong nhà. Bạn lớn lên trong bối cảnh ấy và sau khi tốt nghiệp đại học bạn quyết định tham gia quân đội sang cuộc chiến vùng Vịnh! Bạn muốn có và muốn trải nghiệm một phần đời trước đây của ba bạn. Và suổt hai năm mà bạn bảo không bao giờ trên người rời cái áo giáp chống đạn, cuối cùng khi sống sót trở về, bạn lờ mờ chạm được một phần đời ấy. Nhưng câu hỏi lớn vẫn còn trong đầu? Việt Nam là như thế nào và tại sao? Và bạn lén lút ghi danh học tiếng Việt. Khi nghe bạn nộp đơn tham gia Chương trình Fulbright về Việt Nam, ba bạn đã hét lên như người điên. Cả nhà một phen hoảng loạn và hoảng sợ. Và cuối cùng ông tuyên bố: Về Việt Nam thì đừng trở lại nhà này! Câu hỏi trong đầu bạn lại trở thành lớn hơn! Tại sao? Bạn phải nhờ mẹ tìm lời nói giúp. Đáp lại chỉ là sự im lặng! Mấy tháng sau khi nhận được thông báo là đã được tuyển chọn, bạn càng quyết tâm hơn và ra sức thuyết phục, mặc dù có vẻ như đang húc đầu vào đá. Và hôm ấy cuối bữa cơm khi buông bát, trước sự ngạc nhiên của cả gia đình, ổng bảo rất ngắn gọn. Muốn về thì okay, NHƯNG khi về Việt Nam mà lúc nào, có thể là ngay phút đầu tiên, cảm thấy bất an thì ra ngay sân bay! Ông bảo là hãy nói điều này với người phụ trách Chương trình! Ngồi nhìn cách bạn nói, tôi cảm nhận được tình trạng trầm trọng của vấn đề. Để bạn bớt căng thẳng, tôi bắt tay và bảo tôi sẽ làm điều đó: Khi bất an thì báo cho tôi biết ngay! Tôi thấy bạn tự tin lên. Trước khi rời, bạn quay lại nói thêm: và ba nói là chỉ ở loanh quanh Tp Sài Gòn! Tôi trả lời ngay là Chương trình đã có kế hoạch bố trí các bạn đến các trường, và Chương trình thường bố trí về các địa phương xa trung tâm – vì chính những nơi đó cần các bạn hơn! Khi bạn ấy biết trường của bạn cách Sài Gòn khoảng 4 giờ chạy xe và bạn có thể là người nước ngoài duy nhất và đầu tiên đến trường và địa phương đó, bạn hốt hoảng thật sự! Để trấn an, tôi nhắc lại lời hứa: Hãy alô cho tôi bất cứ khi nào cảm thấy bất an! Tôi sẽ đến tận nơi đem bạn rời khỏi nơi ấy, và nếu cần là ra thẳng sân bay. Bạn nhìn tôi cái nhìn chưa được tin tưởng lắm!

Các bạn ấy lên đường và tôi cùng những thành viên khác tại Văn phòng dõi theo họ. Tôi quyết định không nói những điều này với vị Hiệu trưởng của đại học kia, nhưng dõi theo nghe ngóng từng ngày. Sáng tối, khi nghe điện thoại reo là nhìn ngay vào màn hình! Một tuần rồi hai tuần, rồi một tháng. Và hôm đó khi tôi mới vào đến Văn phòng thì điện thoại reo! Khi nhìn thấy tên bạn ấy trên màn hình điện thoại, tôi giật thót. Sau câu chào của tôi, lần này câu chào của bạn ấy là xin chào TS Thảo! TS khoẻ không? Tôi bình tâm và thoáng vui khi nghe chất giọng vui vẻ, thoải mái và tự tin của bạn ấy! Và bạn bảo: Em sẽ ở đây tiến sĩ ạ! Ở đây vui lắm! Tôi hỏi vui thế nào thì bạn ấy làm một tràng: Không ngày nào là không vui! Giảng viên và sinh viên rất thân thiện! Sau giờ buổi chiều là sinh viên lôi em đi khắp mọi nơi! Xe máy có, xe đạp có! Khi thì đi café, khi đi nhậu cá rô đồng! Khi đi ăn cuới! Khi đi ăn giỗ! Và đi cả đám tang! Đi câu cá nữa… Em giờ đen thùi lùi, và giờ ở đây ai cũng biết em cả rồi! … Tôi vui lây niềm vui của bạn ấy và cả ngày ngây ngất lâng lâng.

Những ngày cuối Tết, tôi đang ở văn phòng viết báo cáo cuối học kỳ thì điện thoại Bảo vệ gọi lên bảo có bạn ấy muốn ghé thăm! Tôi mừng quá, viết nốt dòng cuối cùng, và vừa ra đến cửa phòng thì đã thấy bạn ấy đi vào. Đúng là da đen sạm nhưng khuôn mặt thì đầy niềm vui. Bạn chào và nhường cho người đằng sau buớc lên bắt tay tôi. Bạn vỏn vẹn: Dạ đây là ba em! Tôi ôm chầm ông ấy và qua cái ôm biết ổng đang đầy cảm xúc! Chúng tôi uống trà! Tôi nói là đã định viết một dòng và nhờ bạn ấy chuyển lại cho ông: Can’t we put this behind us? Và giờ đây khi được gặp ông ở đây, tôi thấy không cần nữa!

TXT, 3.5.2023

Ghi chú:

1. Hình bên dưới là chụp với những ETA tham dự buổi kỷ niệm 30 năm Chương trình Fulbright Việt Nam tại Hà Nội.

2. Tôi hân hạnh là người thuyết phục Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho bắt đầu Chương trình ETA tại Việt Nam sau chuyến thăm Chương trình Fulbright Hàn Quốc, và thấy Chương trình ETA này rất ý nghĩa và rất thành công!

clip_image002

Comments are closed.